Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi (Last version - Full) - Hà Thái - Cập nhật

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(10). Cuối cùng diều cũng bay được

Cuối cùng chúng tôi cũng có một con diều bay được. “Chúng tôi” ở đây có nghĩa là tôi không phải là người làm bay con diều. Thêm nữa, “con diều” ở đây cũng có nghĩa là chiếc túi ni lông của chúng tôi.

Nói đến vụ này thì phải kể đến thằng Hùng Min. Tên nó là Hùng, nhưng tuốt tuồn tuột từ người lớn đến trẻ con đều gọi nó là Hùng Min, không hiểu vì sao. Thằng Hùng Min bằng tuổi với cái Ngọc. Nhà nó cũng chỉ cách nhà tôi có mấy nhà. Người nó đen trũi, chắc nịch như cua gạch, tướng tá bặm trợn.

Kể về thằng Hùng Min thì phải nhắc đến hai chuyện.

Chuyện thứ nhất là hồi nó với cái Ngọc mới hai tuổi thôi. Tôi, cô Ấm và hai đứa nó chơi đồ hàng. Chúng tôi lấy vỏ trai trai làm bát đĩa, vặt lá chó đẻ làm rau và xúc đất làm cơm. Sau khi chuẩn bị xong bữa ăn, chúng tôi quây quần cùng nhau ăn cơm. Tất nhiên là chỉ ăn giả vờ thôi. Đưa “bát” lên gần miệng và đưa tay giả vờ lùa cơm vào. Ít nhất là có một nửa trong số chúng tôi hiểu điều đó. Khi tôi nhận ra rằng cái câu “ăn cơm đi” của tôi được cái Ngọc và thằng Hùng Min hiểu đúng gin theo nghĩa đen thì mồm hai đứa nó đã nhoe nhoét đất rồi. Tất nhiên là ngay sau đó chúng nó cũng nhận ra sai lầm nhưng hậu quả là trò chơi đồ hàng của chúng tôi phải tạm dừng để cho hai đứa nó đi xúc miệng. Chuyện này tôi nhớ rất kĩ nhưng cái Ngọc và thằng Hùng Min thì chẳng nhớ gì cả, nên mỗi lần tôi lôi ra trêu chúng nó thì chúng nó đều đồng thanh gân cổ lên nói rằng tôi nói phét.

Chuyện thứ hai phải kể đến cái quạt hoa sen nhà nó. Hồi đấy có quạt hoa sen là oách lắm, cả xóm chỉ có vài nhà có, còn lại chỉ toàn là quạt con cóc. Quạt hoa sen to bằng mấy cái quạt con cóc, mỗi lần bật quạt gió thổi vù vù mát lịm cả nhà. Nhưng quạt hoa sen của nhà thằng Hùng Min lại không chỉ to và mát giống như những cái quạt hoa sen bình thường khác. Nó còn bị rò điện.

Bọn tôi biết được điều này là do thằng Hùng Min khoe trong một lần đến nhà nó chơi.

- Tao cho chúng mày xem cái này. Hay lắm!

Tôi, cái Anh, cái Ngọc với cái Thơm em gái nó hồi hộp nhìn nó rón rén đi lại gần cái quạt.

- Á!

Vừa thò ngón tay chạm vào một góc của chân quạt, nó kêu lên, rụt ngay tay lại. Đoạn nó quay ra vừa xoa xoa ngón tay, vừa xuýt xoa:

- Tê quá. Điện giật đấy. Có ai thích thử không?

Chúng tôi tròn mắt nhìn nó, vừa sờ sợ, vừa tò mò, thích thú. Đã đứa nào biết điện giật là gì đâu. Trông cái vẻ mặt hớn hở của thằng Hùng Min kia, thật đáng thèm thuồng. Thấy thế, tôi cũng lại thử.

Lúc đầu tôi hùng hổ bao nhiêu thì càng đi đến gần cái quạt, tôi lại rón rén bấy nhiêu. Đến khi ngón tay tôi chuẩn bị chạm vào cái quạt là lúc độ rón rén và hồi hộp của tôi lên đến cực điểm thì…

“Á!” Tôi giật bắn mình kêu lên. Ngón tay của tôi có một cảm giác tê tê, đau đau, rất lạ.

Tôi lùi ra xa khỏi cái quạt, quay ra cười hớn hở với lũ kia.

- Tê tê… Đúng là hay thật, chúng mày ạ.

Lần lượt, từng đứa một, cái Anh, cái Ngọc cũng lại sờ thử. Kể cả cái Thơm được nếm mùi trước rồi vẫn lại sờ tiếp. Mỗi lần có đứa bị điện giật như thế, chúng tôi lại cười rộ lên thích chí.

Được một lúc, bố thằng Hùng Min về. Nhìn thấy chúng tôi thi nhau nghịch dại, bố nó lôi cổ thằng Hùng Min ra nẹt cho một trận. Khi bố nó ra bờ rào rút một cây nứa tép về để quật vào mông nó thì bọn tôi đứa nào đứa nấy đã xanh mắt mèo, lấm lét bảo nhau lẩn ra đến tận đầu cổng rồi.

Đấy. Tôi nhắc lại hai chuyện đấy để muốn nói rằng thằng Hùng Min cũng không phải là một đứa không có gì thú vị. Nhất là sau cái vụ thả “diều túi bóng” này nữa.

Sau một vài ngày thấy mấy đứa tôi cầm túi ni lông hò hét chạy khắp xóm làng thì anh em nhà thằng Hùng Min cũng bắt chước buộc chỉ vào túi ni lông nhập bọn cùng chúng tôi.

Thằng Hùng Min mới năm tuổi, còn cái Thơm em gái nó thì chỉ mới bốn tuổi. Cả hai đứa nó đều chạy chậm hơn tôi. Thế nên một lẽ tất nhiên là con diều của anh em thằng Hùng Min cũng chỉ bay là là như con diều của tôi mà thôi.

Điều đáng nói ở đây là khác với nhà tôi, nhà cái Anh hay nhà cái Thúy Đơ đều là nhà mái ngói, thì nhà thằng Hùng Min lại là mái bằng. Có nghĩa là có sân thượng. Tôi đã lên trên sân thượng nhà thằng Hùng Min chơi hai lần. Lần đầu tiên, thấy nó đứng sát mép sân thượng, tôi cũng ra đó đứng thử. Thấy đầu óc quay cuồng, chóng hết cả mặt. Về kể cho mẹ nghe, mẹ tôi dặn lần sau không được lên đó chơi nữa, rất nguy hiểm. Sức hấp dẫn của cái sân thượng làm cho tôi không nghe lời mẹ, nhưng biết điều, tôi chỉ dám đi loanh quanh ở giữa sân, cách mép tường đến cả mét.

Nếu chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là một hôm bố mẹ thằng Hùng Min đi vắng giao cho anh em nó trông nhà. Chỉ có hai đứa ở nhà trông nhà thì rất buồn nên khi thấy hai chị em tôi và cái Thúy Đơ cầm túi bóng chạy qua cổng thì nó gọi giật tôi lại.

- Chị Thái ơi! Vào đây lên sân thượng nhà em chơi đi.

Mấy đứa tôi dừng lại, ngó anh em thằng Hùng Min đang đứng thập thò ở đầu cổng.

- Bọn em phải ở nhà trông nhà.

Cái Thơm gãi gãi mũi, phụng phịu. Mặt nó dính nhọ nồi, trông tồi tội.

Tôi ngẫm nghĩ một tí rồi quay ra bảo cái Thúy với cái Ngọc:

- Mình vào đây một tí đi.

Rồi quay sang anh em thằng Hùng Min.

- Một tí thôi nhé. Rồi bọn tao lại ra sân trường chơi.

Hai đứa nó hớn hở gật đầu dẫn chúng tôi vào nhà. Rồi như mọi lần, chúng tôi lại lên sân thượng.

Chạy qua chạy lại loanh quanh trên sân thượng chán, thằng Hùng Min mới bảo tôi:

- Cho em mượn túi bóng của chị, em thả trên này.

Thấy tôi ngần ngừ nhìn cái sân bé tẹo, nó bảo:

- Em chạy chậm thôi, chả sao cả đâu.

Tôi liền đưa cho nó. Nó cứ chạy từ đầu này đến đầu kia sân thượng rồi lại quay lại. Trên này chỉ chạy chậm được, nhưng gió rất lộng nên cái túi bóng cứ bay phần phật. Rồi một cơn gió thổi thốc cái túi bóng lên cao. Thằng Hùng Min ngớ người. Tôi nhảy vội ra khỏi chỗ, giật cuộn chỉ ra khỏi tay nó. Chỉ nhả ra đến đâu, cái túi bóng bay cao đến đấy, đến khi nhả hết cả chỗ chỉ tôi mang đi, chỉ còn trơ lại cái miếng giấy vở ô li mà tôi cuộn lại làm lõi. Mấy đứa kia xúm lại, mỗi đứa tranh cầm cái đầu chỉ một tí. Chúng tôi nhìn theo cái túi bóng đang “bay như diều”, hò reo ầm ĩ.

Rồi cái Thơm hậu đậu tuột tay, làm sợi chỉ bay vụt đi theo “con diều”. “Ôi!” Mấy đứa tôi kêu lên tiếc nuối. Nhưng chẳng có đứa nào trách cái Thơm một lời. Cả lũ đều mải miết nhìn theo cái túi bóng bay lên cao dần, cao dần cho đến khi nhỏ tí xíu và biến mất khỏi tầm mắt.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(11). Con Béc

Con Béc không chỉ đẹp mà còn lạ.

Lạ là bởi vì nó là con chó béc giê duy nhất trong xóm.

Không biết bố tôi mang con Béc từ đâu về. "Gọi nó là Béc đi", mẹ tôi bảo thế. Con Béc về, cả nhà tôi đều vui. Nhất là tôi.

Tôi chưa có con chó nào bao giờ. Con vật mà tôi từng thân thiết nhất là con Cộc của chú Hạnh. Con Cộc là một con chó to màu vàng. Đuôi nó ngắn chủn, trông như một cái nắm tay bằng lông. Thường thì người ta đặt tên chó theo đặc điểm của nó, ví dụ như con Mực, con Đốm, con Vàng, con Vện... Con Cộc được đặt tên theo cái đuôi cộc của nó.

Con Cộc rất là khôn. Chú Hạnh bảo là vì lưỡi nó đốm. Trong một lần nó thè lưỡi ra, tôi để ý thấy có hai đốm đen trên lưỡi. Con Cộc không sủa người quen bao giờ, cũng không sủa người từ trong nhà đi ra. Đấy là nó biết phân biệt, rằng người từ trong nhà đi ra là được chủ cho vào nhà rồi, nên là khách, không phải là trộm.

Tôi thường ngồi bắt bọ chó cho con Cộc. Dưới gốc cây vú sữa, tôi vạch từng túm lông trên người nó để tìm bọ chó. Thấy con nào, tôi bắt lấy, dí vào gốc cây cho chết. Con Cộc nằm ườn ra nền sân, mắt lim dim, khoan khoái.

Đến một ngày, tự dưng một chân trước của con Cộc yếu dần. Cái chân ấy lúc nào cũng co lên, không đi được nữa. Nó trở thành con chó què. Một người ở ngoài phố vào mua nó. Hôm bị bán, con Cộc cũng biết. Tôi thấy mắt nó long lanh nước. Lúc con Cộc bị đưa đi, tôi đứng ở bậu cửa nhà bà nhìn theo, mắt đỏ hoe. Đến hôm sau khi tôi nguôi ngoai về con Cộc một chút thì tôi nghe chú Lâm nói chuyện với cô Uyên hàng xóm, cái đầu óc non nớt của tôi bỗng lờ mờ hiểu ra rằng con Cộc bị bán đi để làm thịt. Tức là nó sẽ chết đấy! Tôi thương nó quá, lại khóc tiếp mất hai hôm liền.

Đấy là con Cộc nhà chú Hạnh. Còn đây là con Béc - của tôi. Tức là tôi không chỉ nguyên ngồi bắt bọ chó cho nó. Tôi còn cho nó ăn và chơi với nó nữa.

Hôm đầu tiên về nhà tôi, con Béc chả ăn cơm. Nó chỉ gặm mấy miếng xương tôi trộn vào bát cơm cho nó. Bố tôi bảo là vì nó quen ăn thịt, phải dần dần mới quen ăn rau được. Quả đúng vậy, sau một tuần nó bắt đầu ăn hết chỗ cơm tôi cho, dù chỉ có cơm chan với nước canh rau muống.

Phải nói là con Béc rất đẹp. Không đậm người như những con chó quanh đây, người nó thon dài, chân cao, trông rất thanh thoát. Chỉ có một điều làm tôi hơi lăn tăn một tí về nó là nó chẳng đốm lưỡi cũng chẳng huyền đề. Như thế là chó không khôn đấy - chú Hạnh từng bảo tôi vậy.

Quả thực là trí thông minh của con Béc cũng không có gì đặc biệt lắm. Có lúc tôi thấy nó còn hơi ngu ngu. Ví dụ như bá Oanh vào mãi mà nó vẫn không nhớ được, lần nào cũng sủa.

Dẫu vậy, tôi vẫn thấy chơi với con Béc thật vui. Nó hay nhảy chồm lên đùa với cái tay của tôi rất là thích chí. Mấy ngày tôi lại cho nó nằm dài ra hè để bắt bọ chó cho nó. Con Béc có nhiều bọ chó chẳng kém gì con Cộc. Và nó cũng rất khoái khi tôi bắt cho nó.

Những lần bị bố mẹ mắng, tôi hay tâm sự với con Béc. Nó dụi dụi đầu vào chân tôi ra chiều thông cảm. Riết đâm quen, kể cả chuyện làm bài kiểm tra trên lớp, đi bắt chuồn chuồn hay chơi trò dạy học với bọn cái Thúy, cái Ngọc tôi cũng kể lại cho con Béc.

Đến khi tôi tự dưng lại có hứng chạy tập thể dục buổi sáng thì tôi có một trò mới với con Béc. Sáng sớm ra khỏi nhà, tôi rủ con Béc theo. Tôi chạy đến đâu, con Béc chạy theo đến đấy. Tôi nảy ra ý tưởng chạy thi với con Béc. Chúng tôi cứ chạy vòng quanh sân trường. Một vòng, hai vòng, ba vòng... lúc nào con Béc cũng chạy nhanh hơn tôi, dù tôi cố gắng hết sức. Nghĩ mãi, tôi tự nhủ chắc là vì nó có tận bốn chân nên mới chạy nhanh như vậy.

Tôi với con Béc cứ như hình với bóng. “Nhà này Thái thân với Béc nhất!” – bố tôi bảo thế. Kể cả sau khi tôi phát hiện ra con Béc cắn trộm thì tình cảm của tôi với con Béc cũng vẫn không suy giảm tí nào.

Chả là lúc con Béc lớn hơn được một tí, tự dưng một hôm có khách vào nó lại cứ luồn luồn ra đằng sau lưng rồi đùng một cái cắn vào bắp chân chú ấy. Lần ấy, con Béc bị bố tôi đá cho một cái. Tôi vừa thấy giận con Béc, lại vừa thấy lo lắng. Tôi lo nó trở nên hư quá thì tôi ghét nó mất. Thế là cứ mỗi lần khách đến, thấy con Béc lừa lừa ra đằng sau là tôi lại đi theo đẩy nó ra, nạt cho một trận. Nạt vậy thôi, lúc sau ngồi bắt bọ chét cho nó, tôi lại thủ thỉ khuyên nhủ nó.

***

Một thời gian sau, con Béc không cắn trộm nữa. Nhưng lại xảy ra một chuyện làm cả nhà xáo động vì nó.

Hôm ấy, tôi đi theo chú Hạnh ra phố. Con Béc cũng lẽo đẽo chạy theo. Có lúc nó chạy sau, có lúc nó lại hứng chí chạy lên trước. Lúc tôi và chú Hạnh đến đầu cầu, chuẩn bị về, tôi đưa mắt tìm nó thì chẳng nhìn thấy nó đâu nữa. Lòng hơi phân vân, nhưng tôi vẫn lóc cóc theo chú đi về, lòng tự nhủ chắc chắn con Béc chỉ ở ngay gần đấy, sẽ theo về được. Vừa đi tôi vừa ngoái lại xem con Béc có chạy theo, lẫn trong những người đi đường không. Nhưng đi được nửa đường rồi mà vẫn chẳng thấy nó đâu. Tôi liền bảo chú Hạnh. Chú bảo: “Chắc nó chạy về từ nãy rồi.”

Tôi yên chí ra về. Nhưng đợi một hồi chẳng thấy tăm hơi con Béc. Tôi bắt đầu lo lắng thực sự. Tôi cố nhớ lại tôi bắt đầu lạc con Béc từ lúc nào. Chắc là lúc đi qua cái quán ăn, nó chạy vào đấy rồi không biết đường mà chạy theo tôi nữa. Tôi thấy hối hận vì đã không gọi con Béc khi thấy nó loanh quanh ở cái quán đấy. Chỉ vì một lí do lãng xẹt là tôi thấy việc gọi to con Béc lên giữa phố thật ngại ngùng. Tôi hi vọng nó sẽ mò ra mà quên mất rằng nó là đứa háu ăn, nó sẽ luẩn quẩn ở đấy gặm xương mà quên tiệt mất việc chạy theo tôi.

Thế là con Béc bị mất. Cả tuần trời chả thấy nó về. Cả nhà tôi đều buồn. Bố mẹ tôi thi thoảng lại thở dài: “Nhớ con Béc ghê cơ!” Tôi chạy ra sân giếng lau nước mắt một mình. Cái Ngọc thì phụng phịu: “Tại chị cho nó ra phố nên nó mới bị lạc. Người ta bắt mất nó rồi.” Cái Ngọc nói thế làm tôi lại càng buồn. Càng nghĩ lại càng thấy mình đáng trách vì cái thói rụt rè, ngại ngùng vô lối.

Buổi tối, cả nhà ăn cơm xong ngồi đánh tú lơ khơ. Tại cái Ngọc chưa biết đọc số nên chúng tôi chỉ chơi được trò Nghêu sò ốc hến thôi. Trò này phân cho mỗi người một tên: Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Mỗi lần ra bài một con, nếu ai trùng chất nhau thì phải chỉ vào người ấy gọi tên lên, người bị gọi trước phải ăn hết chỗ quân ấy. Ai hết quân trước thì thắng. Nghe thì dễ ợt vậy nhưng đến lúc chơi thì không hiểu sao chỉ vào người kia mà mồm cứ lắp ba lắp bắp, không sao gọi ra được tên đúng. Mỗi lần như thế cả nhà lại được một mẻ cười xả láng. Trò này càng đông người thì càng dễ bị loạn, lại càng buồn cười. Tôi với mấy đứa bạn trong xóm chơi nhiều đứa, lấy thêm tên Thúng-Mủng-Dần-Sàng với Cam-Quýt-Mít-Dừa nữa, mỗi lần chơi xong đều mệt lử vì cười vỡ bụng.

Tôi đánh thắng trước rồi nên chui vào chăn xem bố mẹ với cái Ngọc chơi tiếp. Tự dưng, trong một lúc chuẩn bị ra quân bài mới, bố tôi kêu to lên một tràng dài:

“Béc Béc Béc Béc…”

Tại bố nhớ con Béc quá nên gọi nó to lên cho đỡ nhớ. Mẹ tôi mắng bố:

- Anh buồn cười nhỉ! Tự dưng kêu lên thế làm gì, làm nhớ nó quá đi mất.

Không khí trở nên trầm xuống. Cái Ngọc quẳng luôn xấp bài trên tay xuống, rơm rớm nước mắt. Còn tôi thì se sẽ vén cái chăn chiên chùm qua đầu, lặng lẽ khóc thầm.

***

Chiều hôm sau, hai chị em tôi ngồi đóng bầu cây trong vườn. Nhà tôi đóng bầu cây bạch đàn để bán. Chú Hạnh chở cho một xe trâu cát phù sa về đổ thành một đống ở gần cổng. Chúng tôi đóng cát vào những túi ni lông đen không đáy cao bằng một gang tay người lớn, cùng với một cây bạch đàn nho nhỏ. Bố trồng ba cây ở bờ ao, bảo để sau này nó lớn lấy gỗ, chứ bờ ao chả có cây to nào ngoài một cây xoan và một cây ổi. Tôi, cứ buổi sáng đi học, chiều ở nhà ngồi đóng bầu cây phụ bố mẹ. Cái Ngọc cũng làm, dù nó làm chậm hơn tôi một tí.

Khi hai chị em tôi đang chăm chỉ đóng bầu thì nghe thấy tiếng sột soạt ở rào râm bụt. Rồi một bóng dáng nho nhỏ từ đó chạy vụt vào trong vườn. Khi tôi kịp nhìn ra thì cái vật nho nhỏ đó đang nhảy chồm lên người tôi, vẫy đuôi rối rít.

Cái Ngọc reo ầm lên:

- Con Béc! Con Béc về!

- Béc Béc Béc Béc… - Tôi cũng gọi ầm lên.

Con Béc nhảy nhót xung quanh chị em tôi, vẫy đuôi rối rít.

Bố mẹ tôi từ sau nhà chạy ùa ra, nhìn chúng tôi, cười vui mừng. Cả hai người thi nhau gọi con Béc. Nó chạy lại phía bố mẹ tôi, chồm chân, dụi đầu, nhảy nhót quanh họ. Tôi chạy lại gần giữ con Béc lại, vuốt ve cái lưng nó. Bấy giờ cả nhà mới để ý thấy trên cổ con Béc có một cái vòng đeo bằng da. Hóa ra có người đã bắt nó nhưng nó giật đứt dây và trốn được về. Vậy là nó tìm được đường về nhà đấy. Tôi càng nghĩ lại càng thấy yêu quý và tự hào về nó.

Mãi về sau này, thậm chí cả nhiều năm sau khi con Béc không còn nữa, tôi vẫn nhắc về nó với vẻ tự hào hệt như khi tôi kể với lũ bạn hồi nhỏ: “Nó khôn lắm. Còn bé tí thôi mà bị người ta bắt mất một tuần, nó vẫn giật dây ra được và biết tìm đường về nhà đấy!”
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(12). Chuồn chuồn cắn rốn…

Đám trẻ con ở quê tôi, đứa nào cũng mê cái trò đi bắt chuồn chuồn. Ham đến mức trưa nắng, toàn trốn ngủ trưa đi bắt. Hai chị em tôi cũng vậy, buổi trưa cứ ngó thấy bố mẹ đã ngủ, là rón rén lỉnh ra khỏi nhà, rồi nhảy tót ra sân trường.

Chuồn chuồn có nhiều loại.

Mỏng manh nhất là chuồn chuồn kim, nhỏ tí xíu và nhiều màu sắc, thường hay đậu ở ruộng lúa và rất dễ bắt. Nhưng đó là loại chuồn chuồn vô tích sự. Bắt xong chẳng xâu lại mang về được mà mang về gà cũng chẳng thèm ăn vì không bõ miếng. Thế nên lúc nào có hứng thì bắt chơi chứ chẳng bao giờ tôi để ý đến chúng cả.

Đẹp đẽ và khó bắt nhất là chuồn chuồn ớt. Mình đỏ rực rỡ với đôi cánh mỏng tang quyến rũ, có gì hút mắt hơn một con chuồn ớt đậu trên cành cây rìa đường? Muốn bắt, tôi phải rón rén rón rén vòng ra đằng sau nó, rồi sẽ sàng đưa tay ra chộp lấy cái đuôi. Và… Hụt! Con chuồn chuồn luôn nhanh hơn tay tôi. Rất ít khi tôi bắt được chuồn chuồn ớt. Có lần thằng Hùng Min phát minh ra cách dùng roi vụt, vừa tốn lực mà kết quả chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu.

Tiếp theo là chuồn chuồn vàng và chuồn chuồn con. Chuồn chuồn con dễ bắt hơn vì nó hay đậu xuống sân trường chứ không chỉ đậu trên cây như bọn khác. Nó cũng hay bị bắt vì một lí do: hễ đứa nào đi bắt chuồn chuồn thì trước tiên cũng nhắm bắt cho bằng được một con chuồn chuồn con. Để làm mồi câu.

Đây mới chính là cái thú nhất của việc bắt chuồn chuồn: câu chuồn chuồn ngô. Chuồn chuồn ngô là loại chuồn có thân khoang đen vàng, trông thì không đẹp mắt mấy, nhưng lại là loại duy nhất câu được. Chúng tôi kiếm lấy một con chuồn chuồn con, xiên vào bông cỏ mần trầu, rồi quay quay cái “cần câu” đó trước mặt con chuồn chuồn ngô. Vừa quay, chúng tôi vừa đọc một câu không rõ ai nghĩ ra:

- Chuồn chuồn ngố mày ăn cho tao. Chuồn chuồn ngố mày ăn cho tao...

Con chuồn chuồn lượn lờ vài vòng quanh bông cỏ, rồi cắn phập vào con mồi. Lúc đấy chúng tôi chỉ việc chộp lấy, xâu vào cọng cỏ mang về.

Câu chuồn chuồn ngô rất dễ. Vì thế, dù phải dãi nắng lăn lê bò toài trên sân trường, đứa nào đứa nấy cũng phải cố bắt được một con chuồn chuồn con, rồi sau đó tha hồ mà câu, có hôm được đầy cả xiên. Hôm nào không bắt được chuồn con thì coi như là tay trắng. Hi hữu lắm mới có một con chuồn ngô chịu cắn câu không mồi, vì quá đói.

Mấy đứa trong xóm, đứa nào cũng đi bắt chuồn chuồn. Đầu giờ chiều, cả lũ đã thi nhau bò lổm ngổm trên sân trường đầy nắng để bắt “mồi”. Thường mỗi lúc chỉ có hai, ba con chuồn con, nên lắm khi tranh nhau, cãi nhau ỏm tỏi.

Đến khi mặt trời ngả về phía Tây, tỏa ra những dẻ quạt đỏ quạch, mỗi đứa chúng tôi đều có một xâu chuồn chuồn. Đứa bốn năm con, đứa có cả chục. Về đến nhà, hai chị em tôi vội vàng cất tiếng gọi:

“Cúc cúc cúc…”

Lũ gà túa ra sân.

Hai đứa tôi tuốt từng con chuồn chuồn ra, ném xuống, nhìn chúng tíu tít tranh nhau, lòng vui khôn tả.

***

Có một lần, cái Ngọc được bắt chuồn chuồn trên… giường. Nó đang ốm dở nhưng vẫn trốn mẹ đi bắt chuồn chuồn buổi trưa nắng. Đến đêm về, đang ngủ tự dưng nó lồm cồm bò dậy, đi loanh quanh giường, tay giơ lên bắt chuồn chuồn y như ở sân trường. Vụ này, hôm sau tôi mới biết vì đêm trước ngủ say như chết. Từ sau đó, mẹ tôi quán triệt hễ đứa nào trốn đi bắt chuồn chuồn vào buổi trưa là nhất định sẽ ăn “lươn cạn”.

Vì thế, trưa đến, hai chị em tôi chỉ dám loanh quanh gốc nhãn đầu cổng, gốc ổi bờ ao, hoặc cùng lắm lên nhà chú Hạnh chơi. Cây ổi có một cành thấp, chìa ngang đường. Chúng tôi lấy dây mủ[1] tết lại, rồi buộc vào hai đầu một khúc cây và treo nó lên cành ổi để làm cái đu. Dây mủ thường được chúng tôi dùng để chơi trò nhảy dây. Khi dùng làm dây treo đu, nó không đủ chắc. Hai đứa tôi chẳng dám đu mạnh, chỉ ngồi lên khúc cây rồi đẩy đẩy nhún nhún nhẹ cái chân. Nhưng chỉ nhún được hai ba cái là cái dây bắt đầu đứt. Tôi đi vòng bờ ao, trèo lên đồi sau nhà chú Hạnh để chọn những dây mủ già, to bằng ngón tay út. Tết ba không đủ chắc, tôi tết năm, rồi lại quấn thêm chằng chịt bên ngoài. Thế nhưng cứ được một lúc là từng cái dây nhỏ trong đó lại đứt phừn phựt.

Từ bờ ao nhìn ra được sân trường. Thấy mấy đứa bạn bò lổm ngổm trên sân bắt chuồn chuồn con, hoặc lang thang dọc đường làng câu chuồn ngô, hai chị em tôi thèm lắm, nhưng không biết làm sao được.

Một hôm, cái Thúy Đơ đi bắt chuồn chuồn qua đó ghé lại chơi đu với bọn tôi. Trên hàng găng bờ rào, có một con chuồn chuồn cống đang đậu. Cái Thúy nói vu vơ:

- Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi đấy. Con chuồn chuồn cống kia mà cắn thì đau phải biết.

Chuồn chuồn cống là loại chuồn trông màu sắc gần giống chuồn ngô nhưng to hơn, cái đầu đuôi lại rất to. Mọi người bảo cái đuôi đó cũng biết cắn, đau lắm. Nghĩ đến bắt chuồn chuồn cống đã thấy hốt, nữa là cho nó cắn rốn.

Tôi bảo:

- Mày câu lấy một con chuồn chuồn ngô đi, rồi đem về cho cắn rốn. Chứ con chuồn chuồn cống này khiếp chết.

Cái Thúy Đơ đem câu sang bờ ao bên kia, một lúc sau đem về một con chuồn. Tôi bảo nó vạch áo lên, rồi dí miệng con chuồn chuồn vào rốn nó. Nó nhảy dựng lên, kêu la oai oái.

- Ai, đau quá!

Thấy thế, tôi với cái Ngọc đâm chột dạ. Cái Ngọc lắc đầu nguầy nguậy.

- Em chả.

Tôi cũng hôn hốt, nhưng sợ bẽ mặt với hai đứa kia, với lại cũng thích biết bơi, nên cắn răng chịu thử. Con chuồn chuồn cắn đau hơn tôi tưởng. Nước mắt nước mũi giàn giụa, nhưng tôi vẫn cố gắng nói cứng.

- Chỉ đ…au có tí tí thôi, chúng mày ạ.

Đau thì chỉ một lúc là hết thôi, nên tôi với cái Thúy Đơ đứa nào đứa nấy rất hài lòng. Trước khi chia tay tôi về, cái Thúy còn vỗ vai tôi, nói chắc như đinh đóng cột: “Từ giờ, hai đứa mình sẽ nhất định biết bơi, mày ạ!” Tôi không biết rằng, niềm tin ngây ngô ấy lại đóng góp một phần vào cái tai nạn hoành tráng của tôi sau đó ít lâu.


[1]Đây là một loại dây leo bò trên mặt đất, mọc nhiều ở trên đồi quê tôi, lá và thân có những lông tơ hơi nhặm, thường được lũ trẻ con chúng tôi lấy để chơi nhảy dây, bó củi...
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(13). … và tôi lại ngã xuống ao

Bây giờ tôi đã đi xe đạp “nhọn” lắm rồi. Tôi không phải ngồi tịt xuống cái đùi xe như hồi mới tập xe nữa mà nhấp nha nhấp nhổm theo nhịp đạp. Thi thoảng tôi cũng mượn xe cắng của chú Lâm để đi. Nhưng đi xe cắng thì phải vẹo người sang một bên, đi lâu mỏi lắm, nên tôi vẫn trung thành với cái xe nữ của cô Xuyên.

Kể ra thì công cuộc tập xe của tôi tương đối là suôn sẻ. Tôi đạp, dừng chẳng có khó khăn gì nhiều. Chứ không như cái Thúy Đơ. Cái Thúy Đơ bắt đầu tập xe sau khi tôi biết đi xe được gần chục ngày. Nó ngã lia lịa, kể cả sau khi đã biết đạp trọn một vòng. Đáng nói nhất phải kể đến cú dừng xe “vô tiền khoáng hậu” của nó.

Chả là sau khi biết đạp, nó đạp xe vù vù đi dọc đường làng. Nhưng đạp được một lúc, nó bắt đầu phát hiện ra là mình không biết cách nào để dừng xe cả. Nghĩ đi nghĩ lại, nó quyết định đâm thẳng xe vào đống rơm bên vệ đường nhà ông Cẩn. Kết quả là rơm tung bay lả tả khi nó ngã nhào vào đó nhưng nó đã dừng xe được mà người xe không hề hấn gì.

Tôi cũng có lần đâm vào – không phải đống rơm – mà là bụi chó đẻ. Nhưng lí do thì hoàn toàn khác cái Thúy.

Lúc tôi đang đạp xe trên đường thì gặp thằng Hùng Min, cái Thơm, cái Anh đi đằng trước, theo hướng ngược lại. Tôi hô to:

- Bim bim bim… Tránh ra cho tao đi!

Nhưng ba đứa trời đánh đó nhất quyết không tránh đường. Chúng nắm tay nhau, dàn hàng ngang đồng thanh:

Xe không phanh mời anh đứng lại

Không đứng lại làm hại người ta

Mất tí da là ba triệu sáu

Mất tí máu là sáu triệu tư

Mất tí gân là gần chục triệu…

Tôi vội bóp phanh nhưng cái xe vẫn cứ lao vù vù. Cuống cuồng, tôi bẻ tay lái lao thẳng vào bụi chó đẻ, ngã lăn kềnh ra bãi cỏ may, trong tiếng cười chế giễu của ba đứa kia.

Lần ngã xe đó tuy vừa tức vừa buồn cười nhưng hậu quả thì nhẹ nhàng chán so với hai lần sau này.

Khi bắt đầu đi xe thạo thạo, tôi và cái Châm bắt đầu tập tành một trò nguy hiểm: đua xe. Hai đứa đạp quanh sân trường, dọc đường làng. Đứa nào cũng cố sức vượt lên trước. Chiều hôm ấy, khi cái Châm cứ lao vù vù đằng trước, còn tôi chỉ được ngắm nghía cái đít xe và hít bụi từ xe nó, tôi thấy tức mình lắm. Vì thế tôi càng ra sức guồng chân đạp.

Có một điều cần phải nói là cái đường làng chỗ tôi một bên là nhà người ta, còn một bên là ruộng. Đường lại hẹp nên để rất khó để vượt xe trước, nhất là khi cái Châm chứ ngang nhiên giữa đường mà phóng. Bởi lẽ đó nên khi tôi đạt được tốc độ nhanh như ý – tức là có khả năng vượt được cái Châm – thì tức thì đâm ngay vào đít xe nó và lao xuống ruộng.

Cái Châm không ngã. Xe nó chỉ bị chông chênh một tí, và nó kịp thời chống chân dừng lại. Còn tôi, cả người lẫn xe nằm lăn cù đèo dưới cái ruộng khô nẻ. Đầu gối và khuỷu tay tôi xước mấy vệt dài, vừa đau vừa xấu hổ, tôi tự nhủ: “Mình sẽ không bao giờ đua xe nữa!”

Cái vụ thứ ba mới thật là hoành tráng. Nó có dính dáng ít nhiều đến vụ “chuồn chuồn cắn rốn” mà tôi với cái Thúy Đơ thực hiện mấy hôm trước.

Như tôi đã kể, nhà tôi có cái ao trước cửa. Từ cổng ra đường là một cái dốc. Rất ngắn và rất dốc. Chỗ đó đâm thẳng ra cái ao. Bình thường, mỗi lần đi đâu, tôi dắt xe ra hết cổng mới đường hoàng ngồi lên mà đạp. Tự dưng hôm đó, tôi lại nổi hứng phi xe từ sân xuống.

Cú trượt dốc nhanh đến mức tôi chẳng thể nào kịp ngoặt tay lái để rẽ phải. Tôi chỉ kịp bóp phanh, thò chân xuống giữ dịt vào đám cỏ cây và dừng xe chênh vênh ngay bờ ao.

- Bố ơi, cứu con!

Bố tôi đang đóng bầu cây trong vườn, ngó ra, nói với tôi:

- Con cố một tí nhé. Bố chạy ra ngay đây.

Của đáng tội, cái phanh xe tôi không được ăn lắm. Tay tôi đã mỏi nhừ và chân tôi thì muốn bơi trên đám cây cỏ lắm rồi. Tôi nghĩ thầm: “Hôm trước mình để chuồn chuồn cắn rốn, có lẽ biết bơi rồi cũng nên …”

Thế là tôi thả tay. Cả người lẫn xe tôi rơi bủm xuống ao. Tôi cuống cuồng vùng vẫy lung tung, nhưng vẫn chẳng khác gì lần ngã xuống ao năm trước, tôi chìm nghỉm. Cuối cùng, chả có chuồn chuồn nào cứu được tôi cả, mà chính là bố tôi lội xuống xách cổ tôi lên. Mẹ tôi lại một phen cuống quýt, và cho tôi một bài học về cái tội liều mạng phi xe từ trên sân xuống dốc.

Còn tôi, lại được lắc cho nước ra khỏi tai lần nữa. Nhưng lần này, tôi lắc điệu nghệ lắm!
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(14). Phép thần thông trở lại

Tôi vóc dáng nhỏ con nhất lớp, chuyên trị được ngồi bàn một, bàn hai, mặt mũi thì hiền khô, thế nhưng lại nghịch ngầm. Tôi rất thích mấy trò đuổi nhau, bắn nhau chí chóe bằng cọng sắn. Trong đầu thì lúc nào cũng mơ tưởng mình có phép thần thông quảng đại như Tôn Ngộ Không, hay ít nhất cũng nhảy cao mấy mét, phóng ra luồng điện như chú Gát-cô tóc đỏ hay nữ quái Yan-đa trong truyện Dũng sĩ Héc-man.

Thế nhưng, sau cái đận cúng cầu phép thần thông trên trường cấp một với cái Châm, tôi không làm thêm gì để cầu phép nữa. Một phần vì tôi đã bắt đầu ý thức được rằng việc cầu cúng như vậy sẽ khó có tác dụng, mà cái Châm thì chưa thấy đưa ra thêm được ý tưởng nào mới hay ho cả.

Tuy vậy, dẫu không có tí tẹo phép thần thông nào, tôi và mấy đứa bạn vẫn có một đống trò chơi thú vị để mà vui vẻ cả ngày. Ngoài những trò tôi đã giới thiệu trước kia, tôi có thể kể sơ sơ mấy trò như thế này.

Dọc cổng trường cấp hai có một hàng nhãn. Ôm một bên hông trường, trong đó có cả cái cổng đó là một con suối nhỏ. Cả con suối lẫn hàng nhãn đều vô cùng thú vị.

Con suối này, từ hồi tôi chuyển sang học ở mấy lớp học bên này toàn ra đó để giặt khăn lau bảng. Buổi chiều, tôi với cái Ngọc, có lúc là cái Châm, cái Tấm thường ra đó nghịch nước. Nước suối chỗ cao nhất chỉ ngập đến đầu gối, trong vắt, chảy róc rách qua chân mát lịm. Chơi chán, chúng tôi lại trèo lên mấy cây nhãn chơi đồ hàng. Mỗi đứa trèo một cây, chọn những cành chạc ba, giả vờ làm “nhà ông”, “nhà tôi”, dứt những sợi dây tơ hồng trên đó để làm kính hay đồ nấu ăn, thú vị hơn cả chơi đồ hàng ở dưới đất.

Bọn tôi cũng có trò “diễn văn nghệ”, bắt chước những buổi liên hoan văn nghệ ở trường. Mỗi đứa là một lớp, diễn các tiết mục khác nhau, rồi được một “ban giám khảo” chấm điểm. Chúng tôi lấy khăn von[1] tết thành nơ buộc vào ngón tay, lấy chăn khoác lên người làm áo choàng, làm váy.

Tôi cũng thích đóng vai “người trang điểm”. Tức là lấy cặp ghim, khăn mùi soa, hoa dâm bụt, hay đặc biệt là cọng sắn bẻ ra tạo thành vòng rồi đem hết những thứ linh tinh đó cho lên đầu, lên cổ một đứa nào đó để trang điểm cho nó thành “cô dâu”, “công chúa”. Tôi, cái Châm, cái Thúy Đơ đều thích mê trò này. Nhưng chỉ có cái Thúy Đơ thích làm công chúa.

Lại nói đến cái Thúy Đơ. Số là ở lớp tôi có thằng Linh Còm, vừa xinh trai lại vừa mau miệng. Cái Thúy rất là thích thằng Linh. Tôi không rõ nó thích thằng Linh vì xinh trai hay là vì tôi với cái Châm hay gán ghép thằng Linh với nó. Nhưng cứ mỗi lần trang trí xong tóc tai cho nó, tôi với cái Châm lại xuýt xoa khen mấy câu kiểu như: “Ôi, xinh quá. Xinh thế này thì thằng Linh mê tít!”. Vậy là cái Thúy Đơ lại cười sung sướng.

Chúng tôi còn nhiều, nhiều trò nữa, nào là bắt cun cút, chơi chắt, chơi chuyền, chơi âm[2]... Trò nào cũng vui đến mức các bạn có thể tưởng như tôi chẳng bao giờ còn mơ tưởng đến phép thần thông nữa.

Thế nhưng, cái ý muốn đó hóa ra chỉ ngủ gật đôi chút, chứ chẳng chạy đi đâu cả. Một ngày, khi thím Lanh (tức là vợ chú Hạnh tôi) mang về một cái chăn nhỏ xíu chỉ bằng một nửa cái chăn bình thường, tôi đã nảy ra một ý tưởng.

So với cái đận cúng cầu lần trước, tôi đã lớn hơn hai tuổi, thế nên suy nghĩ cũng có phần mang tính khoa học hơn một tí. Cúng cầu chắc chắn chẳng ăn thua gì mấy, nhưng tập luyện thì ắt hẳn phải có kết quả. Tôi liền choàng cái chăn nhỏ lên người, đập tay lia lịa, phi từ trên hè xuống sân.

Tập bay.

Cần phải kể cái hè nhà chú Hạnh tôi cao lắm, bằng nửa người tôi chứ chả ít. Hồi mới bốn tuổi, tôi đã bị gãy tay phải vì ngã từ cái hè này xuống đất. Nhưng lần này tôi đã lớn hơn khối nên chả làm sao cả. Niềm hi vọng mãnh liệt trong tôi lại bùng cháy. Cái chăn trên người tôi giống như đôi cánh. Nếu tôi đập cánh đủ nhanh, tôi sẽ bay được như chim!

Tôi truyền cả cái niềm tin ấy cho cái Ngọc, cái Thúy. Chúng nó há hốc mồm nghe tôi giảng giải.

- Thật á? Mình sẽ bay được á? – Cái Ngọc trố mắt.

- Đương nhiên là được rồi. – Tôi vênh mặt. – Thế chúng mày có tập không?

- Có chứ. Hi hi, thích quá. – Cả hai đứa cùng xuýt xoa.

Hai đứa bọn nó lần lượt khoác chăn cùng tôi tập bay. Chúng tôi nhảy xuống từ trên hè, vừa đập “cánh” vừa chạy từ trên dốc xuống như cái hồi thả diều bằng túi bóng… Chúng tôi nhảy cả từ bàn, ghế, giường, hay bất kì mô đất nào có thể từ đó nhảy xuống được. Được mấy ngày, hai đứa kia chán chẳng tập nữa. Chỉ còn lại một mình, tôi cũng hơi buồn, nhưng vẫn kiên trì. Thi thoảng không tập, tôi ngồi trong nhà chú Hạnh nhìn ra cái hàng rào nứa, mơ màng tưởng tượng đến ngày mình bắt đầu bay được, không cao đến mức chín tầng mây như Tôn Ngộ Không, nhưng cũng đủ là là vượt qua được hàng rào trước mặt. Cái viễn cảnh tươi sáng đó tiếp thêm cho tôi sức lực.

Vì việc tập luyện trước giờ chả mấy thành công, nên tôi quyết định cần phải tìm một chỗ nào đó cao hơn để nhảy. Trường cấp một chỉ có mỗi một dãy lớp học. Mấy cái lớp đó tường phía trước không xây kín lên mái nhà, mà chỉ lưng lửng ở giữa. Cũng chẳng có cửa giả gì, bình thường tôi rất thích lên đó chơi đánh trận. Tôi phát hiện ra mấy bức tường đó là nơi lí tưởng cho vụ tập bay của mình.

- Chị nhảy từ trên đó xuống có mà gãy chân. – Cái Ngọc biết ý định của tôi liền bảo.

- Gãy là gãy thế nào. Mày đừng nói gở. Cái tường đó thấp tè. – Tôi vặc lại, ôm chiếc chăn đi lên trường.

Cái Ngọc cũng lũn cũn chạy theo tôi, không biết vì nó lo tôi gãy chân hay vì tò mò muốn biết tôi có làm nên cơm nên cháo gì hay không. Cái tường đó chẳng hề “thấp tè” như tôi nói với cái Ngọc, bằng chứng là tôi phải trèo lên bàn học rồi mới trèo tiếp được lên đó. Khi đứng trên đó và dang “đôi cánh”, tôi cũng thấy hơi lo lo. Nhưng niềm khao khát về việc “bay được là là qua hàng rào” làm tôi có đủ can đảm mà nhảy xuống.

Bịch!

Cái chân tôi đau rần làm tôi phịch mông xuống đất. Cái Ngọc chạy lại.

- Chị có làm sao không?

Tôi xoa xoa cái bàn chân, ra vẻ bình thản lắc đầu.

- Không. Chuyện vặt. Tao lại nhảy tiếp ngay bây giờ đây này.

Dù ra vẻ với cái Ngọc như vậy, nhưng tôi cũng không dám nhảy ngay. Tôi ngồi trên bàn, bóp chân một lúc nữa cho hết ê hẳn mới leo lên bức tường để nhảy xuống tiếp. Lần này thì...

Bịch! Đi kèm ngay sau tiếng “bịch” là tiếng “ối”. Tôi ngồi phịch luôn xuống đất, nước mắt chỉ muốn tuôn ra ràn rụa. Đau quá là đau! Cái chân tôi dường như không cử động được nữa. Cái Ngọc mặt tái xanh tái xám chạy lại. Mắt nó cũng rơm rớm muốn khóc, tay mon men bóp cổ chân cho tôi. Nhưng nó thò tay vào là tôi kêu lên oai oái. Nó đòi chạy về nhà gọi người lớn, nhưng tôi nhất quyết không cho. Cuối cùng, hai đứa cứ ngồi xoa xoa nắn nắn một lúc lâu, rồi tôi cũng đứng dậy được, tập tễnh lết về đến nhà.

Biết nguyên nhân cái chân đau của tôi, cả nhà cười ngất. Thậm chí cô Hậu và chú Hạnh còn trêu tôi riết, sau đó cả mấy tháng trời. May mà tôi chưa nói cho mọi người biết cái viễn cảnh mơ mộng “bay qua hàng rào” của tôi. Sau vụ này, thím Lanh tịch thu luôn cái chăn đó. Tôi cũng hết ham tập bay. Dẫu vậy, cái trí tưởng tượng với cái ham muốn có phép thần thông của tôi vẫn mạnh lắm. Tôi vẫn không thôi nghĩ về một ngày, tôi sẽ tìm ra một cách khác để có thể bay được.


[1] Khăn von: là loại khăn voan có màu xanh xanh đỏ đỏ lẫn nhau, rất phổ biến vào những năm 90, ở chỗ tôi người ta gọi là khăn von.

[2]Chơi âm: chia làm hai phe đứng hai bên với một vạch ngăn ở giữa. Từng người bên này chạy sang bên kia một vòng, miệng kêu “âm âm”, cố gắng quay về được mà không bị bên kia bắt giữ lại.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(15). Trò chơi mùa đông

Kế bên cái ao trước cửa nhà tôi là một con đường. Kế bên con đường là một cái ruộng. Đó là ruộng nhà bà Cần. Ruộng này chỉ cấy một vụ, cứ đến mùa đông là trơ gốc rạ, lũ trẻ con chúng tôi hay xuống đó chơi.

Mấy đứa tôi thường vơ lũ rạ còn sót lại ở ruộng, gom lại đốt lửa sưởi. Mùa đông, các trò chơi của lũ chúng tôi đều loanh quanh bên đốm lửa. Nhóm lửa ở nhà, ở trường, dưới ruộng, trên đồi… bất kì chỗ nào có thể.

Nhà đứa nào cũng có bếp lửa, mỗi lần ngồi bên bếp lấy thanh củi đã cháy thành than đỏ rực ở đầu đập xuống đất, những tia lửa đỏ bắn tung ra trông như pháo hoa, trông thật vui mắt. Nhưng gom lá ở vườn trường hoặc gom rạ ở ruộng mà đốt thì thú hơn hẳn. Ở trường, chúng tôi đốt lửa dưới gốc phượng, lấy sào chọc quả phượng, bóc lấy hạt ăn.

Đôi khi chúng tôi xếp rạ trên ruộng thành tên mình, hay hình thù gì đó mà đốt. Có lúc nhét rơm vào ống bơ có buộc một sợi dây, châm lửa rồi cầm dây chạy, thích thú nhìn ngọn lửa bay phần phật. Thi thoảng, tôi còn cùng cô Ấm hàng xóm ra sau nhà chú Hạnh, đào một cái ngách vào vách đất đồi để tạo thành bếp lò, hái mấy lá chè xanh bỏ vào cái gáo dừa khô, đun nước chè uống.

Tôi mượn được một quyển truyện tên là Trẻ con không sợ ma ở thư viện. Tôi mê truyện ấy lắm, đọc đi đọc lại. Thậm chí còn tưởng tượng người ta làm phim dựa theo truyện đó, rồi tôi được đóng vai chính là cô bé tên Hiền ấy. Trong truyện, cô bé đó cũng ra ruộng đốt rạ cùng bạn, còn đem theo cả gạo nếp mà nấu cơm, bắt cua mà nướng. Nghĩ đến món cơm nếp khi nấu cho chút muối mằn mặn, đằm đặm, ăn với món cua nướng béo ngậy được miêu tả trong truyện, tôi không khỏi nuốt nước bọt ừng ực.

Mấy đứa tôi chưa bao giờ được nấu cơm hay nướng cua ngoài ruộng. Chúng tôi chỉ nướng khoai. Mà chỉ thi thoảng mới có khoai ngon, còn lại toàn khoai mót nhỏ xíu bằng ngón tay cái. Có lần tôi lại bắt chước trong sách, gọt khoai gói vào lá chuối rồi mới nướng, ăn thấy ngon và lạ.

Cũng có một lần tôi được ăn món cơm của đám trẻ con tự nấu, nhưng không phải ở ruộng mà ở trên đồi. Hôm đó, tôi sang nhà cái Tấm chơi, nó ngoắc tôi.

- Đi đằng này chơi đồ hàng với tao đi.

Trên ngọn đồi sát nhà cái Tấm có nhà cái Lan, thằng Huấn và chị Lý. Dù chỉ cách nhà tôi mấy nhà nhưng tôi chưa bao giờ chơi với ba người đó, chắc vì không có ai trạc tuổi tôi. Cái Tấm dẫn tôi lên phần đồi chè đối diện nhà đó, thấy ba người kia đang gom cành chè khô nhóm lửa.

Đó có lẽ là lần đầu tiên tôi được ăn cơm lam trong đời. Ở trong Tân Trào cách chỗ tôi ở mười lăm cây, hay ở trên quê ngoại tôi, nơi có nhiều người Tày ở, thì có nhiều, nhưng ở chỗ tôi thì không thấy có. Chị Lý lớn hơn tôi nhiều tuổi, rất tháo vát. Không biết học được ở đâu, chị chặt lấy mấy ống nứa, rồi cho nước và gạo vào, bỏ vào bếp lửa đun. Một ống khác, chị độn cả sắn. Một lúc sau, mùi cơm lam tỏa ra thơm nức mũi. Bụng tôi lập tức réo ầm ầm, nuốt nước bọt liên tục.

Miếng cơm lam độn sắn đầu tiên vào miệng tôi thật tuyệt vời. Tôi chưa thấy cái gì trẻ con tự làm chơi mà lại ngon như thế. Nhưng miếng cơm chưa trôi hết khỏi họng, tiếng mẹ tôi gọi về đã réo rắt ở bụi tre đầu cổng nhà bà Sở.

Tôi nhìn hai ống cơm lam và chúng bạn, trong lòng tiếc hùi hụi nhưng vẫn phải lũn cũn, mặt buồn thiu ra về. Tôi nghĩ đến cô bé Hiền trong cuốn truyện tôi đã đọc, cũng bị mẹ gọi về khi chưa kịp ăn miếng cơm nếp với cua nướng nào. Có lẽ nào tôi cứ mơ mãi được đóng vai cô bé ấy, nên cũng gặp kết cục tương tự chăng? Ồ không, tôi khá khẩm hơn chứ. Tôi còn được ăn một miếng!
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(16). Ngọn đồi phía sau

Phía sau ngọn đồi sau nhà chú Lâm và chú Hạnh tôi là một ngọn đồi nữa. Giữa hai ngọn đồi có một con đường. Đường đất gập ghềnh rất khó đi, lại vắng người. Ở gần đó có một cái trạm vẽ hình đầu lâu xương chéo, ghi là: “Điện cao thế nguy hiểm chết người”. Mỗi lần qua đó, tôi đều thấy rờn rợn.

Ngọn đồi đó rất cao và rất dốc, đến mức tôi chưa bao giờ dám leo lên đến một nửa quả đồi đó. Trên đỉnh đồi có một chiếc loa, đứng từ rất xa cũng trông thấy. Đó là chiếc loa của đài phát thanh huyện. Khi tìm kiếm cái gì đó, chúng tôi hay đùa nhau bằng cách reo lên: “Đây…”, đợi đứa kia ngoảnh lại vui mừng, rồi thủng thẳng nói tiếp: “… là đài truyền thanh phát thanh…”, giống như cái câu hay vang lên từ chiếc loa mỗi chiều.

Một lần, cái Châm bảo tôi:

- Trên đỉnh đồi này có hang Lợn, đẹp lắm.

Thấy vẻ mặt thộn ra của tôi, cái Châm rất phấn khích. Nó hào hứng kể tiếp.

- Trong hang ấy nhiều đá óng ánh, đẹp lắm. Có lần, người ta còn thấy trăn nằm ngủ trong đấy cơ.

Không hiểu sao tôi cứ mê mẩn những câu chuyện liên quan đến trăn rắn. Chúng luôn có sự quyến rũ đến ám ảnh, từ những chuyện cổ tích như Tình rắn tình người, hay những câu chuyện truyền miệng về rắn báo thù, rắn giữ mộ, thuồng luồng… Hồi trước, cái Châm còn kể cho tôi nghe chuyện nó gặp một con rắn khổng lồ, dặn tôi không được kể với ai, nếu không sẽ chết. Về sau này, nghi cái Châm chỉ nói phét, nhưng tôi vẫn không dám kể với ai.

Trăn ngủ trong hang thì lại càng hấp dẫn. Nhất là cái hang lại “nhiều đá óng ánh, đẹp lắm” như cái Châm tả. Dẫu vậy, vì đã thấm cái tật ba hoa vung vít của cái Châm, nên tôi vặn lại:

- Sao mày biết? Mày đã đến đấy xem bao giờ chưa?

Cái Châm có vẻ không thích câu hỏi của tôi lắm, nhưng chẳng tỏ ra bối rối lấy một tích tắc, nó vênh mặt lên.

- Tao chưa xem nhưng anh Văn, anh Hải tao đều đến đấy rồi.

Tôi suy nghĩ về điều cái Châm nói. Thực ra khi nãy nó nói về hang Lợn, mặt tôi thộn ra không phải bởi vì tôi không biết tí gì. Tôi cũng đã từng nghe một vài người nhắc đến hang Lợn. Trong đó có cô Hậu tôi. Nhưng theo lời cô, hang Lợn ở tận trong núi Sồi. Ở chỗ tôi, có lẽ núi Sồi là một trong những nơi kì bí nhất. Cô Phượng nhà ông bà Vân Đại từng kể cho tôi nghe, với một điệu bộ làm tôi muốn thót tim, rằng có người báo mộng cho cô đến núi Sồi lấy của. Nhưng phải đến vào lúc mười hai giờ đêm. Ai mà dám đến núi Sồi vào lúc mười hai giờ đêm? Chỉ mới đến chỗ con đát[1] nhỏ mà cô Xuyên hay vào lấy củi, chắc đã chẳng ai dám rồi.

Thế mà bây giờ cái Châm lại bảo hang Lợn ở trên đỉnh ngọn đồi này, ngay sau nhà chú tôi. Chẳng biết ai sai ai đúng. Nhưng cũng có thể cả hai đều đúng. Biết đâu có tận hai cái hang Lợn, một cái ở núi Sồi, còn một cái ở đây. Tôi ghét phải nghĩ cái Châm nói sai. Bởi vì nếu hang Lợn ở đây, may ra tôi còn có cơ mò lên xem được, chứ ở núi Sồi thì chắc chẳng bao giờ.

Tôi chọn cách tin như vậy. Mỗi lần nhìn lên bóng dáng cái loa phát thanh in trên nền trời, tôi lại nghĩ có ngày mình sẽ lên đó. Chắc hang Lợn chỉ đâu đó quanh đấy, trong một ngách đá, miệng hang tròn như cái thúng, lòng hang gần như dốc đứng, lấp lánh.

Nhưng chẳng bao giờ tôi đủ can đảm trèo lên đó. Chưa được nửa ngọn đồi, tôi đã tần ngần đứng ngó xuống chân đồi, giữa những cây sắn. Thấy quãng đường mình đi đã rất xa, mà đường lên thì còn xa hơn nữa, tôi lại ngậm ngùi mò xuống. Rốt cục, tất cả những gì có ích mà tôi làm ở ngọn đồi đó chỉ là hái lá tiết dê.

Cây tiết dê thuộc loại dây leo, lá gần giống hình trái tim. Lá tiết dê vò nát, vắt lấy nước, để một lúc sẽ đông thành thạch. Thạch lá tiết dê xanh mướt và trong vắt như ngọc, ăn mát lịm. Lá tiết dê ngay sau nhà chú Lâm và chú Hạnh cũng có, nhưng hái riết không đủ. Tôi với cái Ngọc, đôi khi cả cái Tấm đi vòng quanh những đường đồi để tìm. Ở dưới chân ngọn đồi này là có nhiều nhất. Không chỉ nhiều, mà lá còn to hơn cả. Nhưng dẫu vậy, lần nào chỗ thạch bọn tôi làm ra được cũng chỉ hoen hoen ở đít bát. Có lần, cô Hậu lấy hẳn một rổ lá, làm ra được hơn một lưng bát loa thạch. Nhưng thạch của cô lẫn vụn lá, không được ngon. Có lần, cái Tấm dùng cối giã lá, rồi lấy vải màn lọc, thạch làm ra nhiều hơn nhưng ăn vẫn sàn sạn. Vì thế, tôi vẫn cứ trung thành với cách làm tỉ mỉ của mình.

Cũng ở chân ngọn đồi đó, chếch về bên phải, có một ngôi nhà bằng đất. Có lần, tôi thấy một ông chừng bốn, năm chục tuổi, mặc bộ phần áo bạc phếch loanh quanh ở đó. Cái Tấm bảo:

- Đấy là ông Triệu. Đừng lại gần, cẩn thận ông ấy đánh. Ông ấy bị điên đấy.

Tôi rất sợ, dù ông Triệu trông không có vẻ gì là hung dữ. Chỉ cần nhìn thấy ông ấy từ xa là chị em tôi đã vội vàng chạy đi. Được cái ông Triệu rất ít xuất hiện.

Có một lần không để ý, đến khi ông Triệu lại sát bên tôi mới nhận ra. Tôi sợ quá, mặt mũi tái xanh, chân tay bủn rủn đến mức không chạy được. Nhưng ông Triệu chẳng làm gì tôi cả, chỉ cười hề hề, đưa cho tôi một nắm lá tiết dê.

Từ đó, tôi vẫn sợ ông Triệu, nhưng không đến mức bỏ chạy khi nhìn thấy ông từ xa nữa. Tôi vẫn đến đó lấy lá tiết dê đều, thi thoảng nhìn thấy ông, có lần còn thấy cái vẻ thẩn thơ của ông tồi tội.

Rồi đến một ngày, tôi chẳng còn nhìn thấy ông xuất hiện gần ngôi nhà đất nhỏ bên đồi ấy nữa. Ông đã đi đâu, tôi cũng không rõ.


[1]Đát: thác nhỏ, chỗ tôi người ta gọi là đát.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(17). Rình trộm

Hồi bốn tuổi gì đó, tôi đã được nếm trải một nỗi sợ hãi nhất từ trước đến khi đó, là "kể trộm".

Hồi đó, cả nhà tôi vẫn ở chung trên nhà bà, cùng với tất cả các cô các chú. Một đêm đang ngủ, tôi chợt bị thức dậy bởi một tiếng kêu thất thanh, rồi những tiếng hò hét, tiếng chân chạy huỳnh huỵch. Lúc sau, những tiếng chân chạy và hò hét đó lặng dần, bố tôi và các chú trở vào nhà. Nghe mọi người nói, tôi mới biết đó là "kể trộm".

Chưa bao giờ trong đời, tôi thấy sợ đến thế. Trống ngực tôi đập thình thịch tưởng như không bao giờ ngưng được. Tôi sợ đến mức không mở miệng nói được câu nào, và cũng chẳng ngủ được đến sáng.

Cái sự sợ hãi ấy vẫn còn lây đến sau này, khi tôi lớn hơn một tí và kể lại cho mấy đứa bạn của tôi nghe.

- Tại sao lại gọi là "kể trộm"? - Cái Thúy Đơ thắc mắc.

- Ai mà biết được. Tao thấy mọi người gọi vậy thì tao cũng gọi vậy thôi. - Tôi trả lời.

- Nhưng nó như thế nào? – Cái Tấm lại hỏi.

- Tao có nhìn thấy đâu mà biết. Nhưng nó đáng sợ lắm. Cả bố tao, lẫn chú Lâm, chú Hạnh nhà tao đều phải vác gậy đuổi hùng hục.

Tôi lắc đầu, rùng mình. Có lần, tôi cũng thấy bố với mấy chú chạy hùng hục sau nhà, hò hét “Rắn!”, rồi lúc sau mang về một con rắn cạp nong cuộn mấy vòng vứt ở sân. Lần khác, thì lại thấy hô “Tê tê! Tê tê!”, nhưng rốt cục chả bắt được con tê tê nào. Nhưng mấy lần ấy vào ban ngày, mà tiếng hò hét của mọi người hứng khởi lắm, chứ chẳng giống mấy tiếng thất thanh “Kẻ trộm!” tí nào. Cảm giác sợ trở lại y nguyên, tôi nói thêm.

- Chắc là nó kinh khủng lắm. Còn hơn cả ba bị chín quai!

Ông ba bị hồi đó cũng là một thứ đáng sợ và thần bí với mấy đứa lít nhít chúng tôi. Cứ khóc tí là mẹ lại dọa: “Nín đi không ông ba bị bắt đi bây giờ!”. Chả biết ba bị mặt mũi thế nào, chỉ thỉnh thoảng bọn tôi lại đọc một câu quen thuộc: “Ba bị chín quai, mười hai con mắt, đi bắt trẻ con.” Một hôm mẹ đưa tôi đi chơi, chợt thấy ông Liễn ở xóm ngoài ngồi vệ đường. Ông này râu ria xồm xoàm, che kín nửa mặt. Tôi ôm chầm lấy mẹ, khóc thét lên: “Ba bị! Hu hu. Mẹ ơi, ba bị.” Thế nhưng, “kể trộm” còn đáng sợ hơn đứt ba bị.

Đến khi tôi biết được là hóa ra trước kia mình nghe tai nọ xọ tai kia, “kể trộm” phải gọi đúng ra là “kẻ trộm”, và thấy hết sợ thì khi đó tôi với mấy đứa cạnh nhà lại bắt đầu một cuộc rình trộm.

Số là nhà tôi bây giờ đã đổi cổng. Không còn là cái cổng dốc đứng đâm thẳng xuống ao, thủ phạm của việc tôi suýt chết đuối hồi trước nữa. Cổng giờ đâm từ cửa nhà tôi thẳng ra bờ rào nhà ông Khoa. Đầu cổng có một cây nhãn. Cây nhãn này chắc là cây “cổ thụ” duy nhất trong cái vườn “mới mẻ” của nhà tôi. Bố mẹ tôi cứ chặt hết cây này để trồng cây kia, nên tất cả các cây đều bé tin hin, trừ cây nhãn có từ thời ông tôi. Cây nhãn cao, tán tỏa rộng, chẳng có sợi tơ hồng nào và rất nhiều quả.

Ngày nào tôi cũng ngắm quả trên cây mấy lần. Mà mấy hôm nay tôi lại thấy hình như quả ít dần. Tôi đem nỗi băn khoăn này kể lại cho cái Ngọc với chị em cái Thúy Đơ. Cái Anh liền bảo.

- Có khi là dơi ăn. Mẹ em bảo dơi hay ăn hoa quả.

- Chả phải. Tao đoán là trộm. Nhãn nhà tao ngon thế, lại ở ngay ngoài đường. – Cái Ngọc phùng mang trợn mép.

Cái Ngọc chưa bao giờ biết sợ trộm nhiều như tôi, vì cái hồi “kể trộm” xảy ra, nó còn nhỏ xíu chẳng nhớ gì cả. Tôi, lúc này cũng hết sợ rồi, nghe cái Ngọc nói, bất chợt nảy ra một ý muốn táo bạo và đầy phiêu lưu.

- Hay tối nay chúng mình rình trộm đi.

Lạ lùng thay, chẳng đứa nào phản đối.

***

Tối hôm đó, mấy đứa tôi lấy dây mủ hái trên đồi từ chiều quấn quanh người làm thắt lưng. Sở dĩ chúng tôi làm như vậy là vì cho rằng đi rình trộm thì trông mình cũng phải thật oách. Thế nên cũng cần "nai nịt gọn gàng" kiểu như trong truyện Tây Du Ký hay phim chưởng vậy. Xong xuôi đâu đó, cả bọn nép vào bờ rào, cách gốc nhãn một quãng.

Bờ rào dâm bụt. Cành lá lòe xòe cộng với bóng tối đúng là tạo nên chỗ nấp tuyệt vời. Tôi đứng đầu tiên, tiếp theo là cái Ngọc, cái Anh, thằng Hải, cái Thúy Đơ. Thằng Hải là cháu ông Khoa, mới bốn tuổi. Thế nhưng biết bọn tôi rình trộm, cứ nằng nặc đòi theo. Cả đám, từng đứa nối đuôi nhau đứng sau lưng tôi. Tôi thì không sao, nhưng bọn đứng sau bị che mất tầm nhìn, nên được một chốc lại dồn cả đống túm tụm lại lên đầu.

- Về chỗ ngay! Túm lại thế này thì trộm nhìn thấy hết!

Tôi lừ mắt, nạt. Mặc dù chắc cũng chẳng nhìn thấy cái lừ mắt của tôi vì tối quá, nhưng đứa nào đứa nấy đều lấm lét về chỗ cũ ngay lập tức.

Cái trật tự ấy cũng lại chỉ được một lát. Mấy phút sau, cái Ngọc thì thào hỏi tôi.

- Bao giờ thì trộm đến hả chị?

- Tao làm sao biết được. Mày hỏi trộm ấy!

Nó ngẩn người trong vài giây, giọng xìu xuống.

- Sao trộm lâu đến thế? Nhiều muỗi quá.

À, hóa ra là nó sợ bị muỗi đốt. Trong nhà tôi, có mẹ tôi với cái Ngọc là hay bị muỗi đốt nhất. Tôi với nó ngồi cạnh nhau là thể nào y như rằng con muỗi cũng sẽ đốt nó thay vì đốt tôi. Mà từ nãy đến giờ tôi cũng nghe thấy tiếng muỗi vo vo, lại còn bị "tiu" một phát ở cổ chân rồi. Chắc chắn cái Ngọc phải bị đốt nhiều hơn tôi, từ nãy giờ thấy ngọ ngoạy như cua trong chậu. Thảo nào, nghe cái giọng ỉu xìu của nó lúc này chẳng giống gì cái đứa mới phùng mang trợn mắt hưởng ứng ý tưởng rình trộm của tôi lúc chiều.

Nhưng đã muốn làm một việc to tát như rình trộm thì chắc chắn phải chịu đựng gian khổ. Mới có vài nốt muỗi đốt mà đã kêu ca thì hỏng bét mọi sự! Tôi đang định đưa ra vài câu giáo huấn cho cái Ngọc thì từ đằng sau nghe thấy tiếng bốp một nhát.

- Muỗi đốt em! - Cái Anh kêu lên.

Lại được cái Anh nhặng xị này nữa! Tôi chưa kịp nói gì thì hình như được thể, cả thằng Hải lẫn cái Thúy Đơ đều cùng kêu lên.

- Muỗi cũng đốt em nữa! Sưng cả chân!

- Sưng cả chân tao nữa. Từ nãy đến giờ không dám gãi.

- Trộm chả thấy đâu chỉ thấy muỗi thôi.

- Núp trong đây khéo còn có cả rắn ấy chứ!

Tôi không nhớ được là đứa nào đã nói ra cái câu động trời ấy, chỉ biết là ngay lập tức cả bọn im bặt. Chắc là mặt mũi cả đám đang tái xanh tái mét.

- Rắ…ắn á? – Thằng Hải thều thào. – Thôi em về đây. Em sợ rắn lắm.

- Ừ, tao cũng về.

- Em cũng về.

Thế là ba đứa kia kéo nhau về thẳng, còn trơ lại tôi với cái Ngọc. Nó ngó tôi một lát rồi cúi xuống xoa xoa cái chân, và bảo.

- Em cũng chả rình nữa đâu. Muỗi đốt chân em thành hoa cà hoa cải mất!

Chân nó hay bị muỗi đốt, để lại thành những vết thâm lâu mới hết. Mẹ tôi toàn trêu là “chân hoa cà hoa cải”. Tôi thấy cả đám lần lượt bỏ về, trong lòng cũng không còn hứng thú lắm với cái trò “rình trộm” này nữa. Nhưng vì tự ái và bực mình, liền xẵng giọng.

- Mày về thì về. Đúng là cái đồ nhát chết!

Đến khi chỉ còn lại một mình, đứng lom khom trong bụi dâm bụt tối mù, xung quanh tĩnh mịch, tôi bắt đầu thấy hối hận dần vì sự cứng đầu của mình. Trộm thì mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng đâu. Sự nhiệt tình với vai trò rình trộm càng xìu dần khi trí tưởng tượng hoạt động càng mạnh. Có khi chúng nó nói đúng. Có rắn thật cũng nên. Những lần bẻ mầm hú ở những bụi hú quanh rào nhà thằng Hải, mấy đứa vẫn chỉ cho nhau những đốm nâu trên lá hú, kháo rằng đó là do nọc rắn phun vào. Rào nhà thằng Hải cách rào dâm bụt tôi đang nấp chỉ mấy bước chân. Có con rắn độc nào thò ra đợp cho tôi một nhát là tiêu đời!

Tôi xích xích ra khỏi bờ rào dâm bụt một tí. Lập tức, phía sau lưng tôi lại trở nên trống trải làm sao. Những câu chuyện ma của cái Châm lại ùa về trong đầu. Những con ma trắng toát, lừ lừ đi sau lưng mình. Rồi đám yêu tinh. Thuồng luồng. Con quỷ có đôi mắt lóe sáng và nanh nhọn. Toát mồ hôi hột, tôi chầm chậm, len lén quay đầu về phía sau, rồi ù té chạy thẳng về nhà.

Kẻ trộm nhãn nhà tôi, tôi chẳng bao giờ bắt được.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(18). Đánh trống


Tính tôi hay tò mò, nên có gì lạ là thường thích thử.

Cứ đến trung thu, thôn xóm lại tổ chức tiệc và lễ rước đèn cho mọi người. Tiệc trung thu được tổ chức trên sân trường cấp một. Các cô khéo tay trong xóm như cô Phượng, cô Oanh, hay cả cô Huyền tôi cũng lên đó làm những cây thông xinh xắn bằng giấy bạc trong bao thuốc lá hoặc vỏ lon bia, rồi làm cả con chó bằng những múi bưởi, rồi bày lên cái bàn trên sân khấu. Tiệc trung thu thích lắm. Được ăn bánh kẹo, được nghe múa hát. Các cô bác chọn trong đám trẻ con chúng tôi ra mấy đứa hát hò được được, cho lên hát một hai bài. Năm ngoái tôi cũng được lên hát bài Tiếng chim cúc cu. Tôi rất thích lên hát. Nhưng khi ông Lương sang bảo tôi "lên hát nhé" thì tôi chối đây đẩy. Kiểu là phải thế! Ai lại tỏ ra là mình thích lên hát bao giờ, ngại chết. Phải đợi ông dỗ dành mấy câu, tôi mới gật đầu, mà kì thực trong lòng rất là sung sướng.

Ở trên sân khấu bao giờ cũng có bày một cái cây, trên đó treo những mảnh giấy gấp tư. Đấy là để chơi trò Hái hoa dân chủ. Trò này người chơi sẽ bốc thăm, trả lời câu hỏi trong đó, nếu trả lời đúng sẽ được một món quà. Trò này lúc nào cũng rất hồi hộp. Hồi hộp vì không biết mình sẽ bốc phải câu hỏi gì, và sẽ được quà gì.

Sau khi tiệc kết thúc, tất cả mọi người sẽ xếp thành một hàng dài đi vòng quanh thôn để rước đèn. Những cái đèn ông sao được thắp lên, tạo thành một đoàn rồng rắn sáng lung linh diễu hành trên những con đường nhỏ, dưới ánh trăng rằm mịn như nước lụa. Đoàn múa lân đi trước dẫn đầu, cả xóm - cả người lớn lẫn trẻ con - đi theo sau, vừa đi vừa trò chuyện râm ran, rất là vui vẻ.

Đấy, cái thú nhất là cái trò múa lân ấy. Một người đội đầu lân, một người đằng sau cầm đuôi lân mà phất cho bay phấp phới. Hai người đứng đằng trước đầu lân đeo mặt nạ. Một Tôn Ngộ Không, một Trư Bát Giới, cầm gậy múa, giả vờ đang đánh lân. Thường là mấy anh lớn lớn trong xóm diễn trò này. Nhưng tôi nhìn thấy thích quá, một lần trong buổi tập múa lân, tôi mò ra xem, nhất quyết đòi mấy anh cho đội đầu lân múa thử. Tôi lúc la lúc lắc cái đầu, chạy lên chạy xuống bắt chước anh Tiền múa. Thích chí lắm. Thậm chí, có lúc tôi còn mơ mộng được múa thật vào đêm trăng rằm.

***

Khi bắt đầu tập Đội, tôi cũng hay mơ tưởng mình được tham gia vào một số chuyện quan trọng. Ví dụ như là đọc thơ trong Đại hội Liên đoàn chẳng hạn. Trong Đại hội, người dẫn chương trình sẽ đọc rất nhiều đoạn thơ. Ví dụ như đoạn tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Kim Đồng:

Nhanh như sóc băng rừng vượt suối

Tựa con thoi xuyên thấu rừng xa

Kim Đồng thắng mọi gian lao

Đội ta mãi mãi tự hào có anh.

Rồi hát:

Kim Đồng, tên anh vang mãi không mờ

Kim Đồng, tên anh lừng lẫy chiến khu.

Người đọc những đoạn thơ ấy là chị Bắc, học trên tôi một lớp. Chị có giọng đọc vang và trong, nghe rất truyền cảm. Tôi cũng mơ mộng được như vậy, tự diễn một mình ở nhà đến mức thuộc hết, kể cả những đoạn dài dằng dặc.

Nhưng cái thú nhất thì phải nói đến trò “đánh trống”. Trống diễu hành thì chỉ khi tập Đội mới đánh, còn trống chào cờ thì đánh cả mỗi thứ hai hàng tuần. Trò đánh trống này còn thu hút tôi hơn cả đọc thơ trong Đại hội Liên đội.

Lớp tôi có thằng Tuấn thuộc vào đội đánh trống. Không chỉ trong lễ hội, mỗi khi tập thể dục giữa giờ, nó cũng vinh dự được đứng trên bục cao, giơ cái dùi trống hiên ngang gõ tùng tùng, trong khi lũ chúng tôi phải dàn hàng dưới sân tập.

Một hôm, tôi bảo thằng Tuấn:

- Tuấn này. Hôm nào cậu dạy tớ đánh trống nhé.

Thằng Tuấn học dốt. Nó không được lũ bạn trong lớp thích tẹo nào. Nhưng được cái nó rất nhiệt tình với các bạn gái. Vì thế, khi nghe tôi bảo vậy, nó gật đầu ngay.

- Ừ. Hôm nào mượn trống đi, tớ dạy.

Mắt tôi sáng lên, giọng hồ hởi.

- Nhớ đấy nhé.

Thế là, thi thoảng buổi chiều, tôi với thằng Tuấn hẹn nhau lên trường. Cả trường cấp hai lẫn trường cấp một chỉ có một bộ trống. Mỗi lần rụt rè bước vào phòng giám hiệu hỏi mượn trống, tôi rất ngại ngùng, nhưng rất may chưa thầy cô nào làm khó dễ gì.

Thường thường, chúng tôi đem trống xuống cái sân trường bên dưới để tập trống. Cái Kim, cái Châm nhà gần trường, đôi khi cũng ra hóng hớt.

Bộ trống có một cái trống cái và hai cái trống con. Có hai bài trống. Trống năm tiếng là trống đánh khi chào cờ. Trống ba tiếng là trống diễu hành. Cái tên “năm tiếng”, “ba tiếng” là để chỉ số tiếng trống cái lúc dồn trống.

Tôi nhanh chóng học được trống cái, vì cả bài chỉ gõ có mấy tiếng, chỉ cần biết nghe nhịp trống con mà đánh đúng lúc. Nhưng trống con thì hơi vất vả, bởi nhịp gõ phức tạp quá. Trống ba tiếng thì không có gì mấy, đọc nhịp lên thì khùm khoằm nhưng nhịp đánh khoan thai, nên chỉ hai buổi là tôi gõ được. Còn trống năm tiếng thì riết vẫn cứ gõ sai.

Thằng Tuấn cũng không rảnh để dạy tôi nhiều được. Cứ mỗi lần tập đội xong, tôi thường rủ thằng Huy, thằng Đông hay thằng Quý… - bất kì thằng nào biết đánh trống, để cùng nhau đánh. Thực ra chúng nó cũng rất thích nên chẳng cần tôi rủ, chúng nó cũng đã chủ động mượn trống để đánh rồi. Tôi chỉ việc nhảy vào xin một chân thôi.

Những lúc sân trường không trống, bọn tôi lôi trống ra ruộng. Những khoảnh ruộng khô nẻ, không trồng cấy gì vào mùa đông, trơ gốc rạ. Bọn tôi đánh hết điệu này đến điệu khác, lúc chán, đánh sang cả trống đám ma. Đánh được mấy hồi, cả bọn vừa cười vừa rụt cổ.

- Cẩn thận các thầy cô mắng cho đấy.

Mỗi lần như thế, tôi vui lắm. Thấy như mình làm điều gì hệ trọng, dù chỉ là đánh trống ở ruộng, chẳng ai để ý đến. Cũng như chuyện múa lân, hay đọc thơ trong Đại Hội Liên Đội, tôi cũng lại tưởng tượng đến cảnh mình được tham gia vào một sự kiện chính thức: mặc áo sơ mi quần soóc trắng, đội mũ ca nô, đeo trống trước ngực, vừa đi vừa gõ tùng tùng...
 
Bên trên