Quyển 1: Xuất nhân đầu địa
Chương 1:
“Hí….”
Hai cỗ xe ngựa sang trọng dừng trước cổng huyện nha Liêu Minh.
Người đánh ngựa cỗ xe phía trước là chàng trai trẻ đeo mặt nạ bạc che đi phân nửa gương mặt của mình, chỉ lộ đôi mắt sáng ngời nhưng lạnh lùng.
“Công tử, đến nơi rồi.” Hắn đánh tiếng cho người bên trong hay.
Mành vén lên, lộ ra góc tay áo trắng tuyết của người bên trong đưa ra bái thiếp hướng đến hắn, cất thanh âm từ tính dễ nghe: “Thủy Ngạn, gõ cửa thông cáo.”
“Vâng, công tử.” Thủy Ngạn nhận lấy bái thiếp, nhảy xuống mặt đường làm tấm áo đen tuyền phất phơ trong làn gió nhẹ tôn lên nước da trắng hồng sáng lên dưới nắng mai.
“Tiểu Mặc, huynh nghĩ người bên trong sẽ ra tiếp đón với thái độ gì?” Người đánh cỗ xe ngựa phía sau quay đầu hướng vào trong, nét mặt anh tuấn rắn rỏi toát ra khí phách của giang hồ chính đạo.
“Mọi chuyện phải chờ xem mới hay được, việc gì phải đoán mò nhọc thân.” Thanh âm của người mà chàng gọi là Tiểu Mặc có chút phớt lờ không quan tâm.
Nghe thế, chàng bất đắc dĩ cười, im lặng không hỏi nữa.
“Két!”
Tiếng cửa lớn nặng nề được đẩy ra, đứng ở bậc cửa hiện có ba người, một trong trang phục bộ khoái và hai người nha dịch, nhìn thấy tình cảnh trước mặt, có chút khó hiểu nheo mắt.
Thủy Ngạn đưa lên bái thiếp của công tử nhà mình cho vị bộ khoái nét mặt sáng sủa kia, trao đổi đôi câu qua lại. Cả ba người liền thay đổi sắc mặt, trưng ra tươi cười lấy lòng, bước vội đến cỗ xe phía trước theo chân Thủy Ngạn.
Bộ khoái chắp tay cúi nhẹ đầu: “Lý đại nhân, không nghênh đón từ xa quả thật thất lễ, mừng ngài đến nhậm chức ở huyện Liêu Minh.”
“Không cần phải cầu kì hình thức như vậy.” Người bên trong cất tiếng cười sảng khoái, vén mành lên bước xuống xe ngựa, một thân trắng tuyết ôn hòa, ngũ quan chính trực, Lý Khắc Bằng tao nhã đưa tay làm tư thế đỡ ra hiệu cho ba người ngẩng đầu lên.
Trẻ quá. Trông chỉ tầm hai mươi lăm trở lại là cùng.
“Không biết xưng hô sao?” Lý Khắc Bằng hỏi vị bộ khoái.
“A, tiểu nhân là bộ khoái A Phúc, hai người này là nha dịch A Cửu, A Lân.” Bộ khoái vội chắp tay nói.
Khắc Bằng mỉm cười tỏ vẻ đã rõ, lại thấy có điểm gì không ổn, y khẽ nhíu mày: “Ta có nghe qua sư gia ở đây danh tự Kình Anh, vậy Kình sư gia đâu?”
A Phúc gãi đầu khó xử, nhìn hai nha dịch một lượt, rồi ngập ngừng đáp lời Lý Khắc Bằng: “Lúc huyện thái gia trước qua đời, Kình sư gia chỉ bảo chủ nhân của ngài không còn nữa, tự khắc không thể ở lại, trao lại cho tiểu nhân một bức thư rồi ra đi.” Nói rồi, A Phúc lấy ra một phong thư kính cẩn trình lên Lý Khắc Bằng.
Sự thật lại là, Kình sư gia nghe nói huyện thái gia mới là một kẻ vô danh tiểu tốt, bỏ năm nghìn lượng ra mua chức, hẳn chẳng làm nên được trò trống gì, nên khinh thường không muốn nhìn mặt, mới có hành động thất lễ như thế.
Bộ khoái thầm nghĩ, hẳn Kình sư gia đang làm ra vẻ chờ người ta đến tận cửa mời về thôi.
Nói gì thì nói, vị huyện thái gia này tuy chưa rõ được y ra sao, nhưng niệm tình dù gì cũng là người xứ khác còn nhiều bỡ ngỡ, việc trong huyện nha hiện chỉ có Kình sư gia rõ nhất, làm vậy quả thật rất không phải đạo.
Vị huyện thái gia trước cũng chẳng giỏi giang gì, được cái hiền lành phúc hậu, đối nhân xử thế vừa lòng người, thế yếu tài hèn bị quan trên chèn ép không thể làm gì mà uất hận đến chết.
Còn vị huyện thái gia mới này…
A Phúc cẩn thận đánh giá Lý Khắc Bằng đang cầm phong thư lên đọc một lượt, mày kiếm mắt phượng anh tuấn hào hoa, khí độ bất phàm, chẳng lẽ dùng những điều này để che mắt sự ngu dốt của bản thân, không đậu nổi một chức danh nhỏ đành phải đi mua chức như vậy?
A Phúc chớp chớp mắt, bày ra tư thế đẹp mắt đến vậy, nhưng có thật sự biết chữ không?
Mà thôi, đừng yêu cầu quá cao làm gì. Chỉ mong sao vị này không đục khoét của dân khiến bách tính lầm than đã là cầu trời khấn phật rồi.
Lý Khắc Bằng kín đáo quan sát biểu tình của ba người, lại soi một lượt từng con chữ trên giấy, môi hơi cong lên nhạo báng, nét bút mềm yếu không đủ lực, câu cú bình thường cường điệu đến trịch thượng, vậy mà làm cao nhỉ, những người như thế này hẳn đang chờ kẻ khác đến hạ thấp lưng mời về.
Thật tiếc, huyện thái gia bây giờ là Lý Khắc Bằng y, đành để vị Kình sư gia “kiên trung” này thất vọng một phen.
“Quả là đáng tiếc, nhưng Kình sư gia đã quyết tâm dứt áo ra đi như vậy, ta cũng không nỡ ép.” Lý Khắc Bằng mỉm cười ra vẻ tiếc rẻ cũng như cảm thông cho thái độ cao ngạo của vị Kình sư gia kia, ngón tay thon dài gấp thư lại đưa cho Thủy Ngạn cầm lấy.
Vậy là không đi mời Kình sư gia về ư?
A Phúc có hơi ngoài ý muốn.
“Vậy… chuyện sư gia…” A Phúc dè dặt mở lời.
“Dù sao hiện cũng có một người phù hợp thay thế chỗ Kình sư gia mà ta đã mời về.” Lý Khắc Bằng nói.
Hả? Có chuẩn bị sẵn người thay thế luôn rồi ư?
Vị huyện thái gia này không phải có phần nóng vội cho người của mình vào hay sao?
“Lan Lan, đi ngựa đường xa đã nghỉ ngơi đủ rồi chứ, huynh mau đến ra mắt huynh đệ trong huyện nha Liêu Minh.” Lý Khắc Bằng biết họ nghĩ gì, cũng không quan tâm, mà sảng khoái búng ngón tay cố ý hơi nghiêng ra đằng sau, ba người trong huyện nha giờ mới chú ý đến còn một cỗ xe ngựa nữa có một người vóc dáng cao lớn, tuy cũng anh tuấn bất phàm nhưng lại giống một võ sĩ giang hồ hơn là sư gia huyện nha, có phần bất đắc dĩ nhìn nhau khó hiểu.
“Còn không phải tại đại nhân quá vòng vo hay sao?” Tiếng cười trong trẻo từ trong xe phát ra, người đánh xe nhảy xuống xe ngựa đỡ lấy người mà chàng gọi là Tiểu Mặc, cũng là Lan Lan trong lời của Lý Khắc Bằng.
Lan Lan có mái tóc hơi xoăn thả bồng bềnh theo làn gió cuốn, mắt phượng dài cong cong động lòng người, làn da trắng như tuyết tinh khôi nổi bật trên cẩm y thượng hạng màu vàng nhạt đính dây kim tuyến bên hông. Hắn bước đi chậm rãi, xòe quạt ra thật tao nhã, trên môi luôn nhoẻn một nụ cười yêu diễm không thể nói thành lời.
Ba người trong nha dịch nuốt nước miếng, ra đây là sư gia mới của họ, trên đời còn có người đẹp như vậy sao? Nếu không phải nhờ vào giọng nói hơi trầm kia, hẳn ai cũng nhầm đây chính là đệ nhất mĩ nhân, các cô nương bài danh hạng đầu ở Phiêu Hương Viện chỉ có thể ôm mặt hổ thẹn.
“Tại hạ Mặc Lan.” Mặc Lan đưa tay gập quạt lại thành một đường trăng khuyết, sóng mắt hơi chuyển lấp lánh như sương mai. “Mong chư vị chiếu cố nhiều thêm.”
“Không… Không dám.” Ba người lắp bắp, đôi mắt nhìn chằm chằm vào hắn không thể dời đi được.
Lý Khắc Bằng thương cảm nhìn ba người, còn nhìn nữa là Lan Lan cho biết tay đó.
“Còn đây là sư huynh Vũ Nhất Xuân của ta.” Lý Khắc Bằng giới thiệu chàng trai cao lớn đi phía sau Mặc Lan.
“Tại hạ Vũ Nhất Xuân, tham kiến ba vị quan sai.” Vũ Nhất Xuân mỉm cười lễ độ, so với ba người kia chàng có làn da ngăm đen khỏe mạnh, nụ cười mộc mạc chân thành dễ gây thiện cảm cho người khác.
“Không dám.” A Phúc vội dời tấm mắt khỏi người Mặc Lan, đáp lại.
Sư huynh của Lý đại nhân ư, sao lại trông giống giang hồ hiệp khách vậy, rốt cuộc vị huyện thái gia mới này là văn nhân hay võ nhân, nếu đã là võ nhân sao lại muốn đi làm quan huyện, thật khó hiểu.
Mà huyện thái gia này mang cả sư huynh của mình đến huyện nha làm gì?
Thôi, không phải việc của gã, quan tâm làm chi cho mệt thân.
A Phúc sai hai tên nha dịch đi dắt cỗ xe ngựa, bản thân trưng ra nụ cười phải phép, đưa tay mời vào trong: “Thỉnh đại nhân vào nhận ấn tín của huyện thái gia.”
Chú thích:
Nhất minh kinh nhân ( 一鸣惊人) Ví von người bình thường không có biểu hiện nổi trội, thoáng cái làm ra thành tích kinh người.
Xuất xứ : Trong《 sử ký • hoạt kê liệt truyện 》của Tây Hán • Tư Mã thiên: “Thử điểu bất phi tắc dĩ, nhất phi trùng thiên; bất minh tắc dĩ, nhất minh kinh nhân.”
Từ gần nghĩa: Nhất cử thành danh, nhất bộ đăng thiên, danh mãn thiên hạ. (Một hành động mà nên danh , một bước lên trời , danh khắp thiên hạ.)
Cố sự : Tề Uyvương sa vào tửu sắc, ba năm không để ý tới triều chính, quốc nội hỗn loạn bất kham. Tài tử Thuần Vu Khôn biết Tề Uy vương thích chơi đoán chữ, lúc yết kiến nói rằng trong vương cung có một con chim ba năm rồi chưa cất tiếng. Tề Uy vương nói : “Thử điểu bất phi tắc dĩ, nhất phi trùng thiên; bất minh tắc dĩ, nhất minh kinh nhân.” (Con chim ấy không bay thì thôi, bay rồi thì vút tận trời xanh , hót rồi thì làm người kinh ngạc.). Từ nay về sau Tề Uy vương cần vu triều chính, chăm lo việc nước, quốc uy đại chấn.
Xuất nhân đầu địa: Ý của câu thành ngữ này là tài năng vượt xa hơn người.
Câu thành ngữ này có xuất xứ “Tống sử - truyện Tô Thức”. Tô Thức còn gọi là Tô Đông Pha, cùng Âu Dương Tu trong truyện này là văn hào triều nhà Tống.
Khi tô thức lên 10 tuổi thì cha đi du học xa, mẹ là Trịnh thị đã dạy cho con biết đọc biết viết. Đến năm 20 tuổi, Tô Thức thông cổ trí kim đã đến kinh thành tham gi khoa cử.
Bấy giờ, hàn lâm tú tài Âu Dương Tu làm quan chủ khảo, trên văn đàn thời bấy giờ người ta rất tôn sùng Bát Cổ Văn, một loại văn chương có phong cách quái gở và khó hiểu, Âu Dương Tu cũng bất mãn vì việc này, nên khi ông duyệt qua bài thi "Hình thưởng trung hậu luận" thì trong lòng vô cùng phấn khởi. Ông vốn định chấm bài thi này đỗ bậc tú tài, nhưng lại tưởng đây là bài của Tăng Củng học trò ông, nên chỉ phê đỗ bảng nhãn để khỏi mang tai tiếng.
Kỳ thực bài thi này là của Tô Thức, tài năng của Tô Thức đã bắt đầu hé nở trong cuộc thi làn này, về sau ông còn đỗ thi điện. Tô Thức rất khâm phục chủ khảo Âu Dương Tu, nên đã nhờ ông phê duyệt hộ mấy bài viết của mình.
Sau khi biết tác giả "Hình thưởng trung hậu luận" không phải là Tăng Củng mà là Tô Thức, một người chưa hề có tên tuổi trên văn đàn, Âu Dương Tu cảm thấy rất hối hận.
Về sau, Âu Dương Tu xem qua mấy bài viết của Tô Thức, thấy bài nào cũng tràn ngập tài năng, mới viết thư cho Mai Nghiêu Thần, một danh nhân trên văn đàn thời bấy giờ rằng: "Văn chương của Tô Thức quả là tuyệt diệu, tôi muốn nhường lối để anh ta cao hơn tôi một bậc". Mọi người nghe vậy đều cho Âu Dương Tu đã quá khen, nhưng sau khi xem qua mấy bài viết của Tô Thức họ mới thật sự khâm phục.
Về sau, dưới sự hướng dẫn của các nhà văn nổi tiếng trên văn đàn thời đó như Âu Dương Tu,… văn chương của Tô Thức càng thêm tuyệt diệu và trở thành nhân vật nổi tiếng trên văn đàn.