Những chuyện vụn vặt của Lan - Cập nhật - Hà Thái

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Tên truyện: Những chuyện vụn vặt của Lan
Tác giả: Hà Thái

Tình trạng: Đang sáng tác
Thể loại: Xã hội (chắc vậy)
Lịch đăng: Không xác định (có thể là ngâm giấm)
Cảnh báo độ tuổi và nội dung: Không
Small-things-quotes-18248770-400-400.jpg

-------
Giới thiệu truyện: Chỉ là những chuyện vụn vặt đời thường, vậy thôi!
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
MỤC LỤC
-----------------
1. Ngõ Thương

Chỗ Lan ở là ngõ Thương. Chả biết ai nghĩ ra cái tên thấm đẫm tình cảm như thế. Nhưng những cư dân ở đấy chẳng ai gọi như thế. Người ta gọi là xóm Tổ Ong. Họ nói vì trước kia trong này người làm nghề đóng than tổ ong nhiều quá, đâm ra người ta quen miệng gọi như vậy, đến giờ vẫn chưa quen được cái tên mới ghi trên tấm biển xanh xanh đầu ngõ.

Lan thuê trọ trong một khu nhà tập thể cũ. Căn phòng hình ống, rộng chừng hai mươi mét vuông, có một cửa sổ trổ ra đằng sau, nhìn ra một khu vườn đầy cây dại.

Căn phòng đơn giản. Chỉ có một cái giường ở giữa nhà, chiếc chiếu cói cũ, phai hết màu không còn nhìn ra hình bông hoa hồng ở hai đầu chiếu. Một chiếc bàn gỗ kê sát cửa sổ, trên đó Lan để sách vở, cặp sách. Tường nhà loang lổ, rõ là lâu chẳng có ai sơn sửa. Sát cửa ra vào là một chiếc bàn gỗ, bên trên có một nồi cơm điện nhỏ và một chiếc chảo điện sơn tróc lỗ chỗ. Những chai lọ đựng mắm, muối, mì chính đặt gọn vào trong góc bàn. Đó là chỗ Lan nấu nướng.

Gọi đây là khu tập thể cũ, bởi vì trước kia nó vốn là khu nhà tập thể của một công ty đã giải thể. Chả biết về sau bằng cách nào đó mà nó lại rơi vào tay ông Tình cai quản - chủ nhà của Lan. Khu nhà tiêu điều như một dãy nhà hoang. Vợ chồng con cái ông ở trong căn phòng đầu dãy và cho thuê những phòng còn lại với cái giá rẻ mạt. Ông Tình ở nhà trông coi cả khu, chừng mười giờ tối lại ra khóa cái cổng sắt to uỵch. Lan không chắc ông trông coi được cái gì. Cả ngày lúc nào cũng thấy người ông nồng mùi rượu. Vả lại, nó cũng không biết ở đây có cái gì cần ông canh giữ. Khoảng sân rộng mênh mông toàn đá răm. Ở dưới sân, sát thềm hè dãy nhà, có một cái thuyền cũ kĩ có vẻ như không còn dùng được. Những chỗ đất xung quanh, nếu chỗ nào mọc được cây thì chẳng có gì khác ngoài táo dại, cỏ hoang và đom đóm.

Trong khu nhà, cũng thuê trọ còn có hai cô gái ở phòng sát vách, và một anh con trai lớn tuổi ở phòng ngoài. Anh con trai tên Thân, lái xe tải, đi cả ngày. Lan mới có đôi ba lần gặp. Lúc trời tối, cũng chả biết mồm ngang mũi dọc thế nào.

Hai cô gái phòng bên đều hơn tuổi Lan. Hiên mười chín tuổi, là công nhân công ty mía đường Hải An, cách đấy hai cây số. Thái học trên Lan hai lớp, nhưng học khác trường. Hai người thật khác nhau. Hiên đen đúa, gầy nhẳng. Thái da trắng, đậm người. Hiên ít nói. Thái mau miệng.

Những buổi chiều tối nấu cơm, buồn buồn, cả bọn hay lôi chảo điện ra ngoài hè ngồi nấu. Vừa được hóng gió, vừa dễ buôn chuyện. Hiên hay nhìn Lan, bảo: “Con bé này da trắng thế nhỉ!” Rồi lại nhìn vào tay chân mình, vẻ buồn bực.

Có lần, Hiên xòe hai bàn tay ra, than thở:

- Ngón tay chị dài nhỉ. Sao dài quá thế chứ?

Lan nhìn tay Hiên. Những ngón tay dài ngoằng, các mấu tay nổi lên như những cành tre khẳng khiu. Nó nhìn lại tay mình, ước sao ngón tay mình cũng dài như vậy. Nó bảo:

- Em thích ngón tay dài. Thế mới đẹp.

- Dài vừa thôi, chứ dài quá như tay chị thì xấu lắm.

Thái cũng xòe tay ra:

- Tay em mới chán. Béo múp.

Hiên lắc đầu, vẫn không thôi não nuột. Chị kể cho hai đứa Lan nghe chuyện về một người chị họ. Người chị ở quê, đã hai mươi ba tuổi mà chưa có người yêu. Đợt vừa rồi phải xuống Hà Nội, nhờ đứa em con dì đưa đi ép tóc. Số tiền chẳng ít, chị cắn răng cắn lợi dành dụm tiền biết bao ngày.

Thái hỏi: “Tại sao?”. Chị bảo, để kiếm chồng. Vì xấu quá chả ai để ý, nếu ép tóc thì xinh hơn, mới có cơ hội cho trai làng đến tán. Không thì ế mất. Như chị còn đi làm, còn gặp người này người nọ. Chứ chị ấy chẳng đi đến đâu, gặp được ai. Mình đâu có tự đi tán người ta được!

Thái bảo:

- Ừ, ở quê hay thế. Chứ ở đây, mấy đứa bạn em thích thằng nào thì cưa thằng đấy.

Hiên gật đầu, cúi mặt. Lan giờ mới hiểu tại sao Hiên hay ca cẩm về vẻ ngoài của mình vậy.

Lúc về phòng, ngồi nhìn mấy cọng cây dại lơ thơ ngoài cửa sổ, tự dưng lòng thấy buồn khôn tả. Hai mươi ba tuổi, còn trẻ biết bao. Vậy mà đã lo ế. Người ta cứ bắt phụ nữ phải đẹp, phải trẻ, lại bắt họ phải ngồi im đợi chờ, sao mà bất công đến vậy?
-------
2. Bạn của Thái
Thái cũng thường hay ca cẩm rằng mình xấu. Thái hay nói mình “thật béo”, “da xám ngoét”, “mắt trắng”... và so bì với Lan.

Thái có hai cô bạn thân, Lan mãi sau này mới được gặp. Thái có vẻ rất hâm mộ hai bạn. Nhất là cô bạn tên Hiền.

- Con đấy nó xinh. Sao mà xinh thế không biết! Da nó trắng, mịn như đánh phấn. Nó mà ăn cái gì vào thì khỏi nói, chỉ cần uống một ngụm nước thôi là môi nó đã đỏ lựng lên rồi.

- Cái Oanh cũng trắng, nhưng không xinh bằng cái Hiền. Mẹ nó, sao mà nó xinh thế!



Về phòng, Lan cũng uống một ngụm nước rồi len lén soi gương. Thấy mình chẳng xinh lên tẹo nào.

Thái không chỉ hâm mộ bạn mình vì xinh. Mà còn vì một số điều khác. Thái rất hay kể với Lan, về sự đanh đá, ghê gớm và đặc biệt là “nghệ thuật câu trai” của bạn mình.

- Con Hiền thì “câu trai” giỏi phải biết. Nó mà ghét thằng nào thì nó câu cho bõ. Rồi sau đấy nó bỏ, cho bõ tức.

Thái nói với một vẻ như ngưỡng mộ, như ghen tị rằng mình không thể làm được như thế. Lan không chắc như thế có đáng ngưỡng mộ không. Nó không phải là một người có suy nghĩ “truyền thống”. Tức là nó ghét cái cách người ta đòi hỏi các cô gái chỉ được yêu mãi một người. Nó nghĩ những cô gái cũng có quyền yêu nhiều lần như đám đàn ông con trai, dù chưa bao giờ dám nói với ai điều đó. Bằng chứng là nó để ý và thích minh tinh màn bạc Hollywood Sharon Stone ngay sau khi đọc bài báo viết cô ấy rất cá tính và có nhiều người yêu. Dẫu vậy, nó không nghĩ việc “câu trai” rồi bỏ chỉ để vùi dập ai đó lại là điều đúng đắn.

Có một lần Lan được gặp Oanh. Hôm đó, Thái rủ nó đi chơi cùng. Nó thấy một cô gái vóc người nhỏ nhắn, da trắng nhưng hơi tái, nét mặt sắc sảo đi cùng một anh chàng cao ráo đứng ngoài cổng đợi. Cô gái có vẻ mau miệng và vui vẻ, tự mình giới thiệu là Oanh, còn anh kia là Trung.

- Cái Hiền bận. Đi với “kép”.

Đến nhà Oanh chơi, Thái chỉ Lan:

- Con bé này vẽ giỏi lắm đấy. Nịnh nó đi, nó vẽ chân dung cho.

Oanh bảo Lan:

- Em vẽ cho chị một bức nhé.

Lan gật đầu. Nó chưa vẽ chân dung ai bao giờ, ngoài bức Madonna vẽ theo hình trên báo. Oanh đưa cho nó một tấm ảnh. Chụp nghệ thuật. Có trang điểm. Lan sờ vào bề mặt tấm ảnh, bảo:

- Ơ, có những đường vân sần sần, hay nhỉ!

Thái bảo:

- Gà. Đấy là ép lụa.

Về đến nhà, Thái nói với Lan:

- Anh Trung khen mày xinh. Nhưng cách mày nhìn chằm chằm vào người khác phát kinh!

Lan ngạc nhiên. Nó không nghĩ rằng người khác cảm nhận theo cái cách như thế. Nó chỉ nghĩ ngắm nhìn những chuyển động trên gương mặt của người khác thật thú vị.

Nó bảo:

- Chị Oanh có vẻ hiền.

Thái lắc đầu.

- Chả hiền. Con đấy ghê gớm phải biết.

Lần ấy không gặp Hiền, Lan thấy chưa thỏa mãn. Nó vẫn tò mò, muốn gặp cô gái mà Thái hết lòng ngưỡng mộ đó một lần xem thế nào.
--------
3. Nhà chủ
Cô chủ nhà tên là Huế. Cũng giống y như chồng mình, cô cao lêu đêu và gầy nhẳng.

Vợ chồng chủ nhà đối xử với Lan không đến nỗi nào. Thậm chí còn khá tốt. Khu nhà không có nhà tắm. Chỉ có một căn phòng bỏ hoang ở mé sân. Phòng tốc một mảng mái, gió thổi vào thông thốc. Mỗi lần tắm, Lan đóng hết cửa phòng, xách nước vào đó tắm. Lạnh nổi da gà. Thi thoảng, ông Tình kéo vòi nước cho vợ con và Lan tắm, nên được tắm thỏa thuê mà không phải xách nước.

Đi hết cái sân rộng hút mắt, có một cái giếng. Sân giếng vỡ nát, cỏ dại mọc lơ thơ xung quanh. Nước giếng không sạch, chỉ dùng để giặt quần áo. Muốn có nước ăn, Lan phải sang tòa nhà bên cạnh xin nước. Tòa nhà bên cạnh là một cơ quan nhà nước, có bể nước đàng hoàng. Lan mua một cái xô màu đỏ, chiều chiều lại sang đấy xách nước đổ đầy cái phuy (chú thích: thùng phuy) để ở hè. Lúc đầu xách, mỏi tay rã rời, sau cũng quen dần, có khi vừa đi vừa hát, chẳng thấy có gì mệt nhọc.

Vợ chồng ông Tình có hai đứa con. Cái Hảo học lớp bảy. Thằng Chí học lớp năm. Lan chả bao giờ thấy ông Tình đi xách nước. Chỉ có cô Huế và cái Hảo. Cái Hảo người nhỏ thó, gầy nhỏm, đứng chưa đến mang tai Lan. Xô nước nặng, nó phải đổi tay liên tục nhưng không dừng lại để nghỉ bao giờ. Chỉ đến khi về đến hè, nó mới đặt xô nước xuống, thở lấy thở để.

Cái Hảo rất chăm chỉ, việc gì cũng thấy nó lầm lũi làm, chẳng bao giờ thấy kêu ca câu nào. Lắm lúc, khi nghĩ đến cô Huế và cái Hảo là Lan lại vô thức hình dung ra hình ảnh mẹ con họ ngồi trong bếp. Mặc dù thực ra nhà cô Huế nấu bằng chảo điện trên nhà, chứ làm gì có nấu bếp như nó tưởng tượng.

Thằng Chí chả phải làm gì bao giờ. Cũng không hẳn vì nó còn nhỏ. Có lần cô Huế đang nấu, nó bảo.

- Con xem mẹ nấu, sau này còn nấu cho vợ ăn.

Cô Huế liền quạt nó.

- Đồ hâm! Sau này vợ mày nấu cho mày ăn chứ mày việc gì phải nấu.

Lan chất thêm vào cái đống ưu tư nhì nhằng của nó thêm một mảnh nữa. Nó buồn buồn nghĩ rằng nếu sau này có con trai, nó không bao giờ dạy con mình như vậy. Chẳng phải cô Huế và cái Hảo đang gồng lưng gánh vác hết việc nhà cho cả bố con ông Tình sao. Cũng giống như là mẹ nó ở nhà vậy.

Lan chưa bao giờ thấy ông Tình động tay vào một việc gì. Cả ngày ông nằm còng queo trên chiếc giường chiếu mốc, thi thoảng đứng dậy rồi thơ thẩn như một bóng ma dọc hành lang và sân vườn. Cô Huế đi làm trưa trờ trưa trật mới về, lại cặm cụi vào bếp nấu nướng. Có bữa, cô Huế không về, nó thấy ông Tình đi mua về một túi thịt quay vàng ruộm, ngồi nhắm rượu.

Ông Tình có vẻ quý Lan. Bằng chứng là gặp ai ông cũng khen: “Con bé Lan này ngoan đâu mà ngoan thế. Cả ngày chả đi đâu chơi bời, chỉ có học thôi.” Lan tự hỏi không biết ông Tình có bao giờ nhìn vào phòng nó xem nó học hành thế nào không, hay chỉ đoán mò rằng nó không đi chơi thì có nghĩa là học. Bởi vì nó là đứa lười học nhất trên đời. Cái bàn học bụi bám đầy ra, chỉ thi thoảng được trưng dụng để ngồi vẽ.

Ông Tình thích Lan vậy, nhưng nó chẳng thích ông tẹo nào. Trông ông như một con ma đói, dáng đi lả lướt như một sợi dây đung đưa trong gió. Ông lười biếng chẳng chịu làm gì. Đã thế ông hay đánh vợ. Mà chẳng cần lí do gì.

Lần đầu tiên Lan biết đến điều đó, nó đang ngồi thơ thẩn ngắm con nhện bò trên trần nhà. Nó nghe thấy một tiếng thét của cái Hảo. Rồi tiếng thằng Chí nức nở: “Con xin bố... bố đừng đổ nước sôi vào đầu mẹ!”

Lan hoảng hốt nhào sang, thấy cô Huế đang quỳ dưới đất khóc. Thằng Chí cũng quỳ, chắn giữa mẹ nó và ông Tình. Ông ta đứng đó, mặt mũi hằm hằm, tay cầm phích nước. Cái Hảo nằm lăn lóc ở chân tường, ôm bụng. Hình như nó vừa bị đá văng ra đó.

- Mày tránh ra! - Ông Tình hét lên.

- Con xin bố. Bố đừng đổ nước sôi vào đầu mẹ. Mẹ có làm gì đâu, mẹ là người tốt nhất trên đời này. - Thằng Chí lại van vỉ.

Lan đứng sững người ở cửa trước cảnh tượng đó. Nó không biết làm gì, cổ họng nghẹn đắng. Tiếng “chú…” vừa thoát ra khỏi miệng đã bị bóp nghẹt lại bởi cái lừ mắt của ông Tình.

- Cái Lan về phòng ngay. Đây không phải việc của mày.

Lan lấm lét về phòng, nhưng nó không ở đó, mà lại bỏ ra cái sân giếng vỡ nát ngồi bó gối, thẫn thờ nhìn đám cỏ may bên dưới.

Nó thấy mình yếu và hèn hơn cả đám cỏ úa đó.

4. Lớp học
Hà Thái
------------

Trường của Lan nằm tựa vào một quả đồi. Từ trong lớp học, nhìn ra cửa sổ thấy sườn đồi dốc đứng, nhuộm hoa vàng rực. Một cửa sổ khác nhìn ra chỗ không có hoa, chỉ có sườn đồi xanh mướt. Bóng đèn trong lớp phản chiếu ra kính cửa sổ thành những hình khum khum như những cái bát tô vàng vàng treo lơ lửng trên sườn đồi đó.

Thanh, đứa bạn cùng quê ngồi bàn trên nó, thi thoảng lại thốt lên đầy xúc cảm: “Tiên cảnh!”.

Lớp Lan có chừng một nửa lớp là người thị xã. Còn lại là từ các huyện khác trong tỉnh đổ về. Những đứa ở thị xã trước kia đều học ở trường cấp hai chọn của tỉnh, vừa năng nổ lại học giỏi. Những đứa đó phần nhiều được bầu vào ban cán sự lớp.

Lan không là đứa nào thuộc trong cái đám đó. Nhưng học được chừng một tháng, nó phát hiện ra so với chúng bạn, việc học hành của nó không đến nỗi tệ. Nó hai lần đạt điểm cao nhất lớp.

Một lần là bài kiểm tra Tiếng Anh đầu năm. Cả lớp rên rẩm rầm trời, những đứa kha khá cũng chỉ được năm với sáu. Riêng Lan được điểm chín. Lọt luôn vào mắt xanh của cô giáo.

Lần thứ hai là môn Lịch sử - kiểm tra một tiết.

Cô giáo dạy môn Lịch sử tuổi trung niên, trông đanh đá, nhưng giảng rất hay với một giọng trầm hùng. Hôm trả bài kiểm tra, cô gọi tên Lan để tuyên dương người được điểm cao nhất lớp. Lan đứng lên, cô bảo.

- Tôi cứ tưởng em là con trai. Tại nhìn chữ cứng cáp và lập luận rất chặt chẽ.

Không hiểu sao Lan cảm thấy hình như cô hơi thất vọng.

Một lần, trong bài giảng cô có nói đến mối quan hệ “dòng máu”. Hải và Oanh đều đứng lên tranh luận. Cô nói rằng quan hệ “dòng máu” là mối quan hệ cực kì gần gũi, vì thế chỉ có những người là anh em của bố là thuộc vào đó, còn anh em bên mẹ là không được.

Lan không hiểu nổi tại sao cái gì thuộc về “dòng máu” mà lại loại mẹ đi được. Nó cũng đứng lên tranh luận. Nhưng nó chưa kịp nói gì nhiều, bởi vì cô đã chốt lại cuộc tranh luận bằng câu nói.

- Thế nên không có con trai người ta mới nói là mất giống. Không tin các em cứ đi hỏi cô giáo môn Sinh xem.

Lan cứng họng. Nó nhìn Hải và Oanh miễn cưỡng ngồi xuống.

Lan không tranh luận tiếp không phải vì nó thấy cô giáo đúng. Nó đã học về di truyền học năm ngoái. Nó biết nếu đã càng đưa môn Sinh học vào, thì càng không thể xem nhẹ vai trò của người mẹ. Nó không nói được gì nữa bởi vì nó vốn chẳng phải là đứa tranh luận giỏi giang gì. Lại càng hay im tịt khi đang choáng váng.

Không phải là lần đầu tiên Lan nghe thấy người ta nói về cái chuyện “mất giống” kiểu như thế. Nhưng nó choáng bởi nó chưa từng nghĩ đến việc điều đó lại được đưa ra để minh chứng cho một luận điểm khoa học. Và lại do cô giáo nói.
Không nói được gì, Lan lặng lẽ ngồi xuống.

Nó thấy mất cảm tình với cô giáo. Nó bực bội với chính bản thân mình. Nó chán ghét luôn cả cái điểm chín kiểm tra một tiết hôm nọ. Nếu như nó không viết tắt tên mình trong bài kiểm tra. Nếu như cô giáo biết nó là con gái…

Lan ngờ rằng có lẽ nó đã chẳng được điểm cao đến thế.

5 bức chân dung và cô gái thứ hai

Từ bức ảnh chụp nghệ thuật của Oanh, cuối cùng Lan cũng vẽ ra được một bức chân dung. Lan căn tỉ lệ không tốt nên hình vẽ to hơi quá so với tiêu chuẩn của tờ A4. Một phần bên phải mái tóc của Oanh đã phải để ngoài bản vẽ, mép giấy chỉ vừa đủ cách gờ khuôn mặt chừng một phân.

Vẽ xong đưa Thái, Thái tấm tắc.

- Mẹ! Giống con Oanh thế. Lần này tao nhất định phải bắt con Oanh khao.

Lan nở từng khúc ruột, dẫu tự biết bức vẽ vẫn còn nhiều khuyết điểm.

Mấy ngày sau khi Thái đem bức vẽ đi, Lan cứ ngong ngóng Thái kể về phản ứng của Oanh. Một ngày, Thái về, mang theo một tờ photo.

Một bức vẽ chân dung Oanh. Không phải bức Lan vẽ.

Lan bối rối. Thái bảo.

- Thằng em con Oanh vẽ. Nó bảo bức của mày bị lấn giấy, với lại cái mũi hơi thô.

Lan nhìn bức vẽ. Đúng là đẹp hơn thật. Nét vẽ tinh tế hơn. Kích cỡ vừa phải, toàn bộ hình ảnh của Oanh nằm lọt trong khuôn hình.

Nó trả lại Thái tờ giấy. Tuy không nói gì nhưng thấy chạnh lòng, cảm giác như mình hơi bị xúc phạm.

***

Mấy hôm sau nữa, Lan được gặp Hiền. Lan không nói chuyện gì với Hiền nhiều nhưng nó ngắm Hiền rất kĩ. Chị ta không giống lắm với những gì Lan tưởng tượng.

Hiền xinh. Một kiểu xinh sắc sảo và đanh đá. Hiền đúng là “mặt hoa da phấn”, giống như trong các truyện xưa thường kể. Tóc ngắn, da trắng, môi đỏ. Đứng gần, Lan nhận ra lớp kem mỏng trên gương mặt và son trên môi Hiền. Mùi son phấn làm Lan có cảm giác vẻ đẹp của cô gái đó sang hơn và đài các hơn. Nhưng nó vẫn thấy hơi thất vọng.

Lan chưa từng tưởng tượng ra cụ thể Hiền phải trông thế nào. Nó không biết chắc nó mong đợi điều gì. Chỉ biết là điều nó mong chờ phải hơn như thế. Đến lúc Hiền về, Thái nháy mắt.

- Xinh không?

Lan gật đầu, nói đơn giản.

- Xinh.

Thái bảo.

- Con đấy còn có thằng em đẹp trai cực luôn. Mà ngoan! Lần nào tao đến nhà, thằng bé cũng chào rất lễ phép. Lúc về cũng “em chào chị”. Lại học giỏi nữa chứ. Tao chưa gặp thằng bé nào như thế luôn. Mà nó cũng học trường mày đấy. Cùng tuổi mày.

Nghĩ đến Hiền, Lan thấy không tin Thái lắm. Đến lớp, nó dò hỏi tung tích của Phương lớp chuyên Lý. Hải chỉ cho nó một thằng con trai cao to, đeo kính cận đang đá cầu ngoài sân. Trông cũng được, nhưng không phải kiểu Lan thích.

- Đấy. Hâm mộ bạn Phương hả?

Về nhà, nó nói cho Thái một thông tin nó biết ở trường.

- Em thấy thằng Phương chị kể rồi. Nó vừa đánh nhau sứt đầu mẻ trán.

Thái há hốc mồm.

- Thằng đấy đánh nhau á?

Để lại Thái đứng ngơ ngẩn vì ngạc nhiên, Lan bỏ về phòng. Vừa nấu cơm, vừa cười, thấy ít nhiều thú vị.

6 chuyện mắc màn và gã thợ xây thô lỗ

Sau vụ đấy Lan không thấy Thái kể nhiều về Hiền và cậu em trai nữa.

Mấy hôm nay Hiên về quê có việc, Lan toàn sang ngủ với Thái. Thái to xác nhưng chết nhát hơn Lan. Có lần cuối tuần, cả Thái và Hiên đều về quê, vợ chồng cô Huế ông Tình đem con cái sang nhà ông bà hết. Anh Thân lái xe có cũng như không, Lan cũng không biết anh ta có về nhà những đêm đó hay không nữa.

Lan ở đó một mình với khu nhà rộng mênh mông. Chỉ có cỏ dại, đá răm, những chiếc xe tải kềnh càng, một con chó mực cấm cảu như cắn ma và chiếc cổng sắt với sợi dây xích to uỵch. Vậy mà nó chẳng sợ. Bình thản đến lạ. Kể cả khi ra cái nhà đối diện bên kia đường mua cà muối, cô chủ hàng kể trước kia có người bị xe cán chết được lôi vào đó. Đúng cái phòng Lan đang ở.

Sau này kể cho Thái, Thái sợ chết khiếp. Giờ chẳng dám ngủ một mình, sống chết lôi Lan sang.

Lan sang đó hay mắc màn. Cái màn cũ rích, lấm chấm những vết thâm loang lổ. Thái quạt.

- Đầu này bên kia. Con này học thì giỏi mà mắc màn thì ngu thế, mãi vẫn không nhớ.

Lan nhìn xuống đầu màn hơi dài hơn những đầu còn lại trên tay mình.

Đây không phải lần đầu Lan bị nói là “ngu”. Cái hồi còn ở quê, hàng xóm đang xây nhà. Trong đám thợ xây có vài anh chàng trông cũng lém lỉnh, ưa nhìn. Chị Quy nhà bên cạnh rủ Lan sang đó chơi. Đang tập tành nặn đất, lại vừa nặn được một tượng bán thân Quan Âm Bồ Tát, Lan cầm sang đó khoe. Bức tượng to bằng ngón tay cái, được nó dùng một cách mới là khắc đục thay vì nặn như những lần trước.

Gã thợ xây có mái tóc bổ đôi, đẹp trai nhất và có điệu cười cợt nhả bảo.

- Trông giống khỉ nhỉ.

Lan không nói gì.

Anh ta quay sang nói với Quy.

- Ngu nhỉ! Nói thế mà không cãi.

Quy vặc lại.

- Ngu gì. Học hơi bị giỏi đấy.

- Học hành chả liên quan gì. – Anh ta buông thõng.

Lan lấy lại bức tượng, vẫn không nói gì. Nó chỉ thấy gã thợ xây không còn đẹp trai như trước. Nó cũng không muốn đôi co. Đơn giản là không muốn nói chuyện với anh ta nữa.

Lần này khi người bảo nó “ngu” là Thái, Lan cũng chẳng nói gì. Biết Thái bộc toạc và có phần nói đùa, nó chỉ cười nhẹ. Dẫu trong lòng cũng có phần khó chịu. Lan không biết nếu nó bật lại Thái rằng đó chẳng qua chỉ là vì nó không để tâm, thì nó có thấy dễ chịu hơn không.

Nhưng cũng như lần với gã thợ xây, nó im lặng. Nó không muốn đôi co. Giống như tính nó vốn thế.

7 những người bạn

Lan tần ngần dựng chiếc xe đạp mini vào thềm hè của căn nhà mặt phố đường Hưng Thịnh. Một cách vội vã không cần thiết, khi mà sau đó chậm rãi đến rụt rè tiến lại phía nút chuông cửa. Lan thường vậy, tựa xe vào thềm hè cao thay vì đạp chân chống xuống. Thói quen của một thời đi những chiếc xe tróc sơn, có cáng buộc đằng sau và không có chân chống bao giờ.

Lan hơi bất ngờ khi nhận được lời mời của Hải. Thêm vài lời nhắn nhủ của Oanh, của Phương. Nó nghĩ rằng các bạn lớp mình tổ chức ăn liên hoan. Nhưng đến khi bước qua cánh cửa gỗ màu nâu sậm của nhà Phương và đi vào gian bếp, Lan mới biết rằng mọi sự không hẳn như nó tưởng tượng.

Nồi lẩu chỉ có nó và sáu đứa bạn nữa: Oanh, Phương, Hải, Nguyệt, Thùy, Dương. Sáu đứa bạn chơi thân với nhau từ hồi cấp một, Lan từng nghe bọn trong lớp kể vậy. Nó thấy bất ngờ vì mình lại trở thành nhân vật lạc loài trong đó.

Lan không ăn uống nhỏ nhẹ bao giờ. Nhưng nó ăn ít. Có lẽ vì thế mà mấy đứa kia thi nhau gắp thức ăn cho nó. Luôn miệng từ chối, trong lòng Lan trào lên sự xúc động. Nó thấy mấy đứa này thật tốt. Và hẳn cũng phải thích nó ghê lắm mới rủ nó đến ăn cùng với nhóm chúng nó. Nó thấy lạ. Thấy thinh thích.

Bữa đó mấy đứa kia không cho Lan đóng tiền. Lúc đầu hơi ngại nhưng nhìn lại số tiền ít ỏi của mình, Lan có phần biết ơn.

Sau này, thi thoảng Lan tiếp tục đến nhà Phương, nhà Nguyệt, nhà Oanh chơi. Nhưng nhà mấy đứa còn lại hiếm khi nó đến. Không biết sao, chỉ đơn giản là vậy.

***

Ngoài những người bạn đó, Lan còn hay đến nhà Thu. Thực ra đó mới là nhà nó hay đến nhất.

Thu người Hàm Yên, có khuôn mặt tròn đầy mụn. Thu trọ ngay ở cổng trường. Căn nhà trọ nhỏ nhắn, ngăn ra thành hai ngăn bé như cái mắt muỗi. Nhà Thu lúc nào cũng tối om, chỉ có ánh đèn tuýp lờ mờ. Có thể vì thế mà nó luôn có cái dáng vẻ mong manh như sương khói.

Gian trong có treo một tấm bảng đen. Thu bảo để hai chị em nó học hành cho dễ. Lan thấy thật tiện, vì khi đến nhà Thu chơi nó có thể vẽ hươu vẽ vượn lên đó. Đôi khi nó làm thơ. Mấy câu nhí nhố. Viết lên đó, hai chị em Thu vừa đọc vừa cười rinh rích.

Nhà Thu ngăn nắp nhưng không có nhà vệ sinh. Lan không để ý đến chuyện đó, cho đến một hôm nó nghe Thu nói chuyện với Thanh. Mỗi khi “đi” xong, Thu phải cho tro vào, gói kín trong giấy để đổ lên xe rác cùng các loại rác khác. Lan nghe xong mà không biết tình cảnh của nó hay của Thu tệ hơn.

Nhà vệ sinh ở chỗ Lan ở nằm tuốt bên dưới cái giếng cũ một chút, chếch về phía tay phải. Một cái nhà xí bẩn thỉu bên trong, và một cái nhà tắm cũ bên ngoài để đi giải. Cỏ dại mọc ngập tràn trong đó, cao đến đầu gối. Mỗi lần vào đó đi ra, bông cỏ may cắm đầy quần.

Lan ghét phải vào đó. Những người khác cũng vậy. Buổi tối, khi bóng đêm tràn xuống và những chiếc xe tải kéo về đầy sân, Lan, Thái, Hiên và mẹ con cô Huế có một sự lựa chọn khác. Khoảng trống giữa những chiếc xe tải thay thế cho cái nhà tắm cũ nát. Không ai dám mò ra khu vệ sinh đầy cỏ và rắn rết. Cũng chẳng có ai muốn ra đó.

Ngoài việc đó, những chiếc xe tải còn đem đến cho Lan niềm vui khác. Nó thường đu lên những thanh ngang bao quanh thùng xe, tưởng tượng như đó là xà đơn, xà kép. Tưởng tượng mình như là một đứa ham mê thể dục thể thao thực thụ.

Thu chưa bao giờ đến chỗ Lan chơi, cũng như những đứa bạn khác. Nhưng Lan thì cứ đến nhà Thu suốt. Không hiểu vì lí do gì, bởi vì Thanh mới là đứa bạn cùng quê thân nhất của nó. Nó không biết có phải bởi cái vẻ ôn hòa, mỏng manh của Thu dễ chịu, hay bởi vì cái không gian tối mờ của nhà trọ của Thu dễ đem lại vẻ thanh bình. Chỉ biết, Thanh cũng như nó, đến nhà Thu liên tục.

Có lần, nó và Thanh, đến và nằm dài trên chiếc giường của nhà Thu. Nhắm mắt lại. Ngửi mùi ẩm mốc của chiếc chiếu cói, mùi phấn bảng rơi vãi quanh nhà. Mặc cho Thu thích làm gì thì làm, nấu cơm, đi chợ hay học bài...

Về sau quen mui, thi thoảng nó đến, xách chiếc xe đạp vào nhà, nói: “Cho tớ nằm nhờ một tí!”, rồi nằm vật ra chiếc giường đó. Để tìm sự thanh thản. Cảm giác như giấu tạm được nỗi cô đơn thường trực trong lòng nó vào đâu đó, mà khu nhà cũ kĩ rộng lớn nhiều người của nó không làm được.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gót sen

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
6/11/15
Bài viết
60
Gạo
0,0
Mình đọc thấy truyện viết cũng được đấy bạn. Tuy nhiên vì mới đọc một chương nên chưa dám kết luận, đợi đọc thêm mấy chương nữa mình sẽ bỏ phiếu nhé.
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
Lâu rồi mới thấy Hà Thái viết truyện tiếp, từ sau Mẹ kể cho nắng mai nghe...
Lối kể đã cuốn hút hơn trước rồi á. (Chắc là ẩn cư để mài mực đây mà ^^).
Tuy nhiên, chương một hình như chỉ giữ vai trò giới thiệu nhân vật thôi hả? Giới thiệu cũng rất tự nhiên. Mình là mình thích đọc truyện có nhiều tuyến nhân vật lắm. Hi vọng Hà Thái ra chương đều cho mình đọc với nhé. ^^
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Cám ơn hai bạn.

Tôi nghỉ viết truyện mấy tháng, mới quay lại viết chừng hơn một tháng nay, nhưng mà viết fanfiction cho vui thôi. :))

Truyện này thì cứ trong đầu có gì thì cứ viết vậy thôi, cũng không nghĩ được gì cả. :)
Truyện chẳng có nội dung gì đặc biệt lắm, đúng như lời giới thiệu truyện "những chuyện vụn vặt đời thường, vậy thôi". Lúc đăng lên tôi cứ đăng thôi chứ cũng không hi vọng có người đọc lắm, nên được hai bạn comment mừng muốn chớt! :3
Tôi viết cái này thì lâu lắm, vì cứ có hứng mới viết được. Lúc đó chữ cứ tự trôi từ trong đầu ra, chứ có ép cũng không ép được. Không giống như viết fanfic, cái đó viết để giải trí, chỉ viết sao cho logic, tình tiết hấp dẫn là được, không nhất thiết phải lắng nghe cảm xúc trong người.
:)) (Lan man quá!)
Đại khái ý là rất cảm ơn hai bạn đã ủng hộ. :))
Lâu rồi mới thấy Hà Thái viết truyện tiếp, từ sau Mẹ kể cho nắng mai nghe...
Lối kể đã cuốn hút hơn trước rồi á. (Chắc là ẩn cư để mài mực đây mà ^^).
Tuy nhiên, chương một hình như chỉ giữ vai trò giới thiệu nhân vật thôi hả? Giới thiệu cũng rất tự nhiên. Mình là mình thích đọc truyện có nhiều tuyến nhân vật lắm. Hi vọng Hà Thái ra chương đều cho mình đọc với nhé. ^^
Mình đọc thấy truyện viết cũng được đấy bạn. Tuy nhiên vì mới đọc một chương nên chưa dám kết luận, đợi đọc thêm mấy chương nữa mình sẽ bỏ phiếu nhé.
 

Gót sen

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
6/11/15
Bài viết
60
Gạo
0,0
Mình bỏ phiếu cho khảo sát của bạn rồi. Đây đúng chỉ là những chuyện vụn vặt của một ai đó trong cuộc sống này, nhưng đọc thấy dễ chịu. Thể loại này khó nhất là viết sao cho người đọc không bị chán, không có cảm giác lan man. Với mình đọc đến đây vẫn thấy nó ổn.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Mình bỏ phiếu cho khảo sát của bạn rồi. Đây đúng chỉ là những chuyện vụn vặt của một ai đó trong cuộc sống này, nhưng đọc thấy dễ chịu. Thể loại này khó nhất là viết sao cho người đọc không bị chán, không có cảm giác lan man. Với mình đọc đến đây vẫn thấy nó ổn.
Hi hi. Cảm ơn bạn nhiều nha.
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
//Gửi bạn nào biết có vô tình dạo qua: có cách nào thu gọn nội dung chương truyện lại được không, chứ để dài thế này tìm chương rất mệt mắt?
=> tớ vẫn xài được nè, chắc cậu ghi thiếu gì đó. Thử lại xem.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
//Gửi bạn nào biết có vô tình dạo qua: có cách nào thu gọn nội dung chương truyện lại được không, chứ để dài thế này tìm chương rất mệt mắt?
=> tớ vẫn xài được nè, chắc cậu ghi thiếu gì đó. Thử lại xem.
Ukie. Để mai nếu có thời gian ngồi máy thì sửa coi. Thanh kiu. :D
 

Doanh Chính

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/5/15
Bài viết
44
Gạo
0,0
Đúng là chuyện vụn vặn. Về phần cảm nhận của Ch, Ch rất thích lối viết của HT. Phần thứ nhất cảm giác hơi kể lể, nhưng chắc là muốn giới thiệu kĩ lưỡng cho mọi người hình dung cụ thể, cũng từ đó Ch thấy thích cách miêu tả của HT.

Phần thứ hai có vẻ đã vào truyện, Ch không nói về nội dung đâu. Đọc dòng này Ch thấy vượt xa suy nghĩ tầm thường. Không đơn giản là sự đòi hỏi công bằng, mà còn mang ý nghĩ với tầm vóc lớn lao hơn: Nó nghĩ những cô gái cũng có quyền yêu nhiều lần như đám đàn ông con trai. Nếu HT sửa lại theo cách đánh giá tổng quát thì sẽ rõ rệt hơn (chỉ lấy phần nền những cô gái cũng có quyền yêu nhiều lần) rồi thêm mắm muối hay thay hẳn cách diễn đạt thì Ch sẽ thích hơn.

P/s: Nói thế thôi, đừng đẽo cày giữa chợ đấy. :)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên