Một
2006
Ý Khanh đã có một ngày tồi tệ đến không thể tồi tệ hơn.
Sáng dậy muộn, chưa kịp ăn tí gì đã phải vội vội vàng vàng chạy đi làm. Chạy được một quãng rồi mới sực nhớ ra là để quên báo cáo ở nhà, lại phải mếu máo chạy ngược về lấy. Kết quả đương nhiên là đi làm trễ, xui xẻo làm sao lại đúng ngày sếp vừa cãi nhau với vợ, không cần đến hai câu đã cắt tiền thưởng cuối năm của cô.
Chưa hết, tan làm, Ý Khanh ghé vào một cửa hàng mua đồ nấu bữa tối. Rời khỏi cửa hàng rồi lại phát hiện ra mất ví, vội vàng quay lại hỏi thăm thì bị bà chủ chống nạnh chửi:
- Cái gì! Thế là cô bảo chúng tôi lấy trộm của cô đấy, hửm?
Cãi nhau qua lại một hồi, cuối cùng cái ví vẫn không tìm được. Đang thiểu não trở về nhà thì trời bỗng đổ mưa, Ý Khanh lại phải liều mạng ôm đồ ăn bỏ chạy.
Đấy, chuyện chỉ có thế thôi.
Vậy nên, tuy thường ngày là một người có trái tim thương yêu động vật bao la, giờ có cố thế nào Ý Khanh cũng không lấy được một nửa tâm trạng để quan tâm đến con mèo tam thể tội nghiệp kia.
- Nhìn cái gì mà nhìn! - Cô trừng trộ nhìn nó, quát lên - Chưa thấy người bị mắc mưa bao giờ à!
Con mèo nhỏ vẫn một mực giương đôi mắt to tròn long lanh nhìn cô, hai tai cụp xuống, cơ thể run rẩy nhìn rất đáng thương. Ý Khanh hừ lạnh, quả quyết ôm túi đồ ăn quay đầu bỏ đi.
Nhưng đi được một đoạn Ý Khanh lại thấy gai gai nơi sống lưng, quay lại thì quả nhiên thấy con nhãi mèo kia vẫn đang vô tội nhìn cô, ánh mắt như của một bé gái
loli khiến cô có cảm giác mình là kẻ tội đồ. Ý Khanh khổ sở vò đầu bứt tóc, cuối cùng phải đầu hàng lấy một cây xúc xích, xé bỏ vỏ rồi đặt trước mặt con mèo.
- Một cây đấy tốt xấu gì cũng ba ngàn, cả một bữa sáng của tao đấy!
Ý Khanh dứ dứ nắm đấm về phía con mèo, nhưng dĩ nhiên mèo thì làm sao mà hiểu được, thứ mà cô nhận lại chỉ là hai tiếng meo meo vô nghĩa.
Nhún vai, cô lại chạy xuyên màn mưa về nhà.
----------
Tối hôm đó Ý Khanh vừa ăn qua quýt một ít cơm đã mở
laptop lên, điên cuồng lao đầu vào làm việc. Mắt cô bừng bừng lửa, nhất định phải làm cật lực, sau đó gửi báo cáo cho sếp ngay hôm nay, để sếp thấy sếp phải tu mấy kiếp mới có được một nhân viên mẫn cán như cô. Tiền thưởng cuối năm, đợi ta!
Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, cái tiền thưởng cuối năm ấy đã một đi không trở lại rồi. Lí do là đang lúc Ý Khanh tối mắt tối mũi làm việc thì bên ngoài có tiếng gõ cửa.
- Tôi ra ngay!
Cô mệt mỏi dụi mắt, gấp chiếc máy tính vô. Vừa đứng lên một cái đã thấy đầu mình tối đen, choáng váng, đợi một lúc cho bình thường lại mới ngật ngưỡng bước ra ngoài.
Đứng sừng sững ngoài cửa là một chàng thanh niên, tuổi tầm hai mươi mấy, nhưng Ý Khanh còn chưa kịp lên tiếng thì anh ta đã
bạch một cái quỳ xuống, hắng giọng nói:
- Ân nhân, đại đức của cô đời này tôi không bao giờ quên! Cô đã cứu mạng tôi, nay tôi đến đây trả ơn cho cô, nhưng trên người không có gì nên quyết định lấy thân báo đáp, cả đời ở bên hầu hạ cô!
- …
Bị anh ta nói cho một tăng, Ý Khanh nhất thời ngây người, hoang mang không biết phải phản ứng làm sao. Cẩn thận nhìn lại mới thấy người thanh niên này mặc một bộ đồ rất kì quái, nhìn như đồ đóng phim, tóc còn dài thượt đến tận lưng, cô bèn dịu dàng cười:
- Xin lỗi, anh nhầm rồi. Tôi chỉ là một nhân viên quèn, không phải bác sĩ khoa thần kinh.
- Này, cô không nhận ra tôi à! Tôi chính là con mèo mà cô… Ấy đừng đóng cửa, tôi nói thật mà!
Ý Khanh trở vào trong phòng rồi mới vuốt ngực thở phào. Nghe nói gần đây trong khu có một tên biến thái hay lảng vảng, may mà cô nhanh trí, nếu không thì ngày mai dung nhan đã xuất hiện trên mặt báo trong mảng hình sự rồi.
Cô bật máy tính lên làm việc tiếp, ai ngờ mới đánh được mấy chữ, bên ngoài đã truyền vào tiếng hét:
- Ân nhân, ân đức cô cao như trời sâu như biển, tôi nguyện lấy tấm thân này ra để trả cho cô! Xin cô nhận lấy!
Dứt lời còn kèm theo ba tiếng cộp cộp cộp rất khoa trương, giống như có ai đó vừa dập đầu xuống đất. Ý Khanh mặt đen thui nhưng vẫn giả điếc làm ngơ, tự nhủ gọi chán mà không có ai trả lời thì anh ta sẽ biết điều mà rời đi thôi.
Nhưng thật không thể ngờ người này gan to mà mặt cũng dày, Ý Khanh gửi báo cáo xong đã đi đắp mặt nạ dưỡng da, coi một tập phim truyền hình Hồng Kông, đọc ba chương cuốn Trò chơi vương quyền mới mua, đánh răng leo lên giường ngủ rồi mà anh ta vẫn còn kêu gào ở ngoài. Hết “ân nhân ơi” lại “ân nhân hỡi”, rồi “hãy để tôi hầu hạ cô”. Gọi chán, anh ta chuyển sang hát chèo:
- Phận bạc i i như vôi i i i, đôi ta sống chết có nhau i ì i i, ấy mà cánh cửa ngăn sau trước rào í i i i i…
Ý Khanh ngửa mặt lên trời thở dài, thầm nhủ chắc mình bị chương trình hài nào đó chơi xỏ rồi, tay lôi cái điện thoại ra chuẩn bị ấn 115. Nhưng chưa kịp bấm nút gọi thì đã nghe chú Tư nhà hàng xóm gầm lên:
- ***, thằng nào nửa đêm hát hò cái gì đấy! Nghĩ đây là Sao Mai điểm hẹn à!
Ngoài dự đoán, anh chàng kia vẫn hát, thậm chí là có phần lớn hơn trước. Nhưng không ngờ mới hát được vài câu thì lại im bặt, thay vào đó là mấy tiếng hự hự, rồi bịch bịch. Ý Khanh có linh cảm không hay, mở cửa chạy ra ngoài thì quả nhiên thấy chú Tư đang mặc đồ ngủ, mắt vằn tia máu, ra sức đấm vào mặt người thanh niên.
Chú Tư già rồi nhưng nhìn vẫn rất đô con dữ dằn, vì trước đây chú là võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp. Ý Khanh nhìn máu mũi chảy ròng ròng ra từ khuôn mặt trắng nõn nà của chàng trai nọ, tự nhiên thấy lạnh cả người, vội vàng ngăn chú Tư lại:
- Chú khoan đã, người này là… là bạn cháu, thần kinh không được bình thường lắm, chú còn đánh nữa là người ta nát nhừ ra đó!
Chú Tư nghe thế thì hơi xiêu lòng nhưng vẫn còn chưa hả giận, giơ chân đạp một phát nữa vào hạ bộ chàng trai rồi mới hừ mũi:
- Hát cao độ sai be bét mà cũng bày đặt, lần sau cháu mà còn để hắn sỉ vả nền âm nhạc dân tộc như thế nữa thì đừng trách chú!
Ý Khanh muối mặt gật đầu, đợi chú Tư đi rồi mới vội vàng lôi chàng trai nọ vào nhà. Nhưng không ngờ anh ta đã bất tỉnh nhân sự, hại cô vừa kéo vừa đẩy mãi mới xong. Cô đặt anh ta lên ghế sofa, không kìm lòng được kiếm khăn ướt lau máu cho anh ta, thầm nhủ làm người tốt nó cực khổ làm sao.
Đến lúc anh ta sạch sẽ thơm tho trở lại thì Ý Khanh đã mệt lử. Nhìn kĩ thì trông anh ta cũng đẹp trai, nhưng mà, chậc chậc, lại bị điên.
Cô dùng dây trói nghiến người thanh niên lại, trói xong không an tâm còn nhét vào miệng một trái táo, rồi lấy tay chỉ thẳng mặt anh ta:
- Táo này tôi mua chín mươi ngàn một kí, đấy là chưa kể tiền nước, tiền công lau người, phí tổn hại màng nhĩ, tiền ngủ qua đêm nay… Đòi lấy thân báo đáp à, hừ, có móc thận ra cho tôi cũng không đủ đâu!
Dứt lời, cô quày quả quay về phòng.
----------
Đâu đó trên cao, đột nhiên có tiếng quạ kêu, nghe mà thảm thiết, não nùng.
Màn kịch chỉ vừa mới bắt đầu thôi mà.