Phong - Cập nhật - Sử Trung Hầu

Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Tên truyện: Phong (cuốn đầu trong 4 cuốn Phong, Hỏa, Thủy, Địa thuộc bộ tiểu thuyết "Biện Thìn Diễn Nghĩa")
Tác giả: Sử Trung Hầu
Tình trạng sáng tác: Đang sáng tác
Tình trạng đăng: cập nhật
Lịch đăng: 2 - 3 tuần 1 chương
Thể loại: Dã sử, tiểu thuyết chính trị - chiến tranh
Độ dài: 80-100 chương
Giới hạn độ tuổi đọc: 16+
Cảnh báo về nội dung: Nội dung có nhiều chi tiết miêu tả thực tế tàn khốc của chiến tranh và những mưu mô chính trị, tình dục (ở mức độ vừa)
Mục lục:
Lời đề tựa
Chương 1 - Chiếc thuyền
Chương 2 - Cống vật
Chương 3 - Nguyệt Yến
Chương 4 - Chín tiếng chuông
Chương 5 - Tờ sắc phong
Chương 6 - Hai cây cầu
 
Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Tên truyện: Phong (cuốn đầu trong 4 cuốn Phong, Hỏa, Thủy, Địa thuộc bộ tiểu thuyết "Biện Thìn Diễn Nghĩa")
Tác giả: Sử Trung Hầu
Tình trạng sáng tác: Đang sáng tác
Tình trạng đăng: cập nhật
Lịch đăng: 2 - 3 tuần 1 chương
Thể loại: Dã sử, tiểu thuyết chính trị - chiến tranh
Độ dài: 80-100 chương
Giới hạn độ tuổi đọc: 16+
Cảnh báo về nội dung: Nội dung có nhiều chi tiết miêu tả thực tế tàn khốc của chiến tranh và những mưu mô chính trị, tình dục (ở mức độ vừa)
Mục lục:
Lời đề tựa
Chương 1 - Chiếc thuyền
Chương 2 - Cống vật
Chương 3 - Nguyệt Yến
Chương 4 - Chín tiếng chuông
Chương 5 - Tờ sắc phong
Chương 6 - Hai cây cầu
Lời đề tựa
“Đại cuộc trong thiên hạ, cốt trong hai chữ “Nhân Tâm”, thế sự cũng như lòng người vậy, có thể ví như mây trời, lòng người phân tán thì thế gian loạn lạc, thế gian loạn lạc ắt sinh gian thần, phản tặc, giặc cướp nổi lên như gió lớn, gió lớn tất đổ cây, gãy cành, cơ nghiệp trăm năm cũng từ ấy mà tiêu tan. Gió thổi qua rồi thì đến sấm chớp, cũng có thể ví như anh hùng xuất hiện trong khoảng khắc mà lưu tiếng thơm suốt ngàn đời, anh hùng xuất thế thì lòng người quy tụ, nhân tâm quy thuận thì cũng giống mây trời tụ lại, một khi mây đã tụ thì mưa sẽ rơi, lúc ấy cây cỏ tốt tươi, thế gian lại an bình.”

- Yên Trường Hành khiển Lý Trọng Vũ -
 
Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Chương 1 - Chiếc thuyền
Chiếc thuyền chòng chành trước từng cơn sóng dữ, cánh buồm uống no gió cùng mưa, tiếng phu thuyền hô lớn để lấy dũng khí tiếp tục chèo bị át đi trong âm vang của tiếng sấm rền. Từng thớ cơ của họ nổi lên cuồn cuộn như chống chọi với những làn mưa cắt thịt. Một người đàn ông độ chừng ba mươi tuổi, thân cao gần năm thước, gương mặt đăm chiêu trong bộ cẩm bào, lưng giắt hốt ngà đang đứng trên mũi thuyền mà nhìn về phương bắc; y chính là Trương-Thiện, còn người bên cạnh y là một thủ hạ tâm phúc, tên Thái-Dũ vẫn vững tay cầm lọng che mưa cho chủ, luôn miệng nói:

- Xin Trấn Thủ vào bên trong, ở ngoài này lâu không tốt cho sức khỏe đâu ạ.

Trương Thiện vốn xuất thân từ dòng dõi danh giá, ba đời làm quan. Đến phiên Thiện đi thi thì đỗ nhì, Tiên đế cho vào chầu thì ưng lắm, lại thấy cha ông đều là công thần nên phong làm Nguyên Bình Tri-phủ, làm được năm năm thì thăng chức lên Thái Bình Hành-khiển nắm quyền cả một Thừa-tuyên, uy nhiếp một phương. Chẳng may làm được sáu năm thì hoàng đế do lao lực việc triều chính mà băng hà, thái tử lên ngôi. Thế là giờ đây y phải đi bái lạy một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, bản tính ham chơi.

Đang suy tư thì y nghe thấy một tiếng "Bộp!" rõ to, dây buồm đã đứt.

“Mau giữ lấy sợi dây” – viên đốc thuyền hét lớn trong lúc bản thân chạy tới cầm dây. Chẳng mấy chốc sợi dây đã được cố định bởi năm người, máu tươi ứa ra từ những bàn tay thô ráp, ngấm vào sợi dây thừng, chảy lên sàn. Thế nhưng sức người nào địch lại được với sức gió, sợi dây bỗng vuột khỏi tay họ, quật ngã một người xuống biển và tung bay trên không như một lá cờ. Tên đốc thuyền tức tối vung roi liên tục vào người những tên nô lệ, tiếng roi xé nát không khí xung quanh, xé cả tâm can của vị Trấn Thủ. Trương Thiện bèn chạy tới giữ tay hắn lại:

- Đủ rồi, đây là Cống-thuyền, ngươi không được phép tùy tiện ở đây!

Tên đốc thuyền trả lời:

- Đại nhân cứ vào trong nghỉ ngơi để có sức mai này vào chầu vua, việc ở đây cứ để hạ quan lo liệu. Bọn phu dịch này không thể nương tay được, phải đánh chúng để làm gương cho kẻ khác.

Thái Dũ vừa kéo tay y vừa cất tiếng hùa theo:

- Vu - Đốc thuyền có phần nóng tính nhưng cũng là nghĩ cho đại quan, xin chúa công vào trong giữ gìn thân thể.

Trương Thiện dùng dằng nhưng không lâu sau cả hai đã yên vị trong khoang thuyền cùng Lãnh Binh Vương Hộ Khoan. Đây vốn dĩ là Cống-thuyền, tức thuyền mang cống-phẩm từ các nơi về Giang-Hộ, có tất cả mười bảy thuyền đi theo hắn lần này, mỗi chiếc dài ba mươi tư trượng, rộng mười hai trượng, chở đầy châu báu, bảo vật từ các nơi về phụng ngự. Hằng năm, các Tri- phủ, Tri- huyện đều phải mang cống vật đến giao nộp cho hắn, người thì vàng bạc, kẻ thì châu ngọc, thậm chí là cả trân cầm dị thú. Cứ như vậy, ba năm một lần, đích thân Hành-khiển phải mang số châu báu ấy về bái lạy rồi cống nạp cho hoàng đế.

Lại nói về hoàng đế, người chỉ mới mười bốn tuổi thôi nhưng có một tính cách rất lạ kì. Vị hoàng đế nhỏ tuổi thích những món đồ độc lạ, hiếm có, càng độc càng lạ càng hiếm thì càng thích lại càng muốn có, thế nhưng một khi có rồi lại càng mong ngóng những món đồ mới hơn, độc hơn, lạ hơn. Trong cả vương quốc chỉ có vài kẻ nắm được tâm tư ấy mà chiều được lòng của hoàng đế. Cũng chẳng khó hiểu mấy bởi họ chính là những người đã từng nuôi dạy hoàng đế từ khi còn nhỏ, nhờ bàn tay của họ mà kim khố, ngân khố cứ vậy mà tăng đều theo thời gian, kinh thành cũng theo đó mà trở thành một chốn phồn vinh, dân cư đông đúc, sản vật ê hề.

Thái Dũ cung kính:

- Năm nay cống vật có vẻ ít hơn mọi khi, vàng bạc mỗi loại bị biếm một phần năm, hươu đen chỉ có ba con, sừng tê năm cái, ngà voi chín cặp, chim trĩ trắng một con, khổng tước một con, trầm hương chín cân, chu sa tám cân. Còn gạo nếp và các thứ ngũ cốc chỉ còn hai vạn năm ngàn thạch. Chắc không tránh khỏi cảnh bị chê tránh.

Trương Thiện nhếch mép:

- Thằng oắt con ham chơi, có gì mà phải sợ.

Khoan rùng mình:

- Xin chúa công cẩn ngôn, tránh để người khác nghe thấy, e là không hay. Dẫu cho bệ hạ còn thơ ấu nhưng bên cạnh còn có các đại thần phò tá, tình cảm sâu đậm.

Thiện nóng máu đập bàn:

- Đại thần cái gì chứ, chỉ là một bọn thái giám, nếu không vì thái hậu quy tiên sớm thì làm sao chúng có cơ hội mà trèo cao như vậy được, thật khiến người ta tức giận.

Dũ thở dài:

- Hạ quan cũng có nghe nói bọn chúng một tay che trời, hối lộ tham nhũng, mua quan bán tước đều có phần. Ba năm về trước, ở huyện Long Hà, phủ Lí Hà, trấn Yên Trường bị nạn lũ lụt, việc dâng lễ vật vì thế mà có phần sơ suất. Quan tri-huyện khi ấy là Lưu Trầm vì xuất túi riêng để cứu tế mà không chịu đưa tiền cho bọn chúng nói giúp, lại còn mắng chửi, làm chúng tức giận mà xàm tấu lại với hoàng thượng rằng Lưu Trầm biển thủ cống vật. Hoàng thượng vốn tin tưởng bọn ấy, gọi là Bát Thúc, trách tội y khiến Trầm phải gieo mình xuống dòng Đạm Giang, lấy cái chết để rửa oan. Kể từ đấy, trong ngoài triều đều gọi lũ ấy là Bát Hổ, ngày càng lộng hành, kéo bè kết phái. Nghe đồn Ngụy Bân là tên cầm đầu, nham hiểm bậc nhất, thủ đoạn có thừa, hai năm trước chính y là người đã xin với Hoàng Thượng phong chức tước cho tất cả bọn chúng.

Thiện hoài nghi:

- Làm sao ngươi biết những chuyện này?

Dũ nói:

- Anh họ hạ quan làm đến chức Lục Vận Sứ, nhân lúc có công vụ phải đi qua huyện Phụng Nguyên mà ở lại vài đêm tâm sự, hàn thuyên nên mới sáng tỏ vài điều. Ngụy Bân giờ đã là Cấp Sự Trung, trực tiếp can chính, hắn sắp đặt cho Cao Bưu, Lưu Báo và Mã Hoàng làm Sùng Lộc, Tư Không và Chuyển Vận Sứ để nắm kho tàng, đất đai, cống lễ; cho Lâm Viên làm Thông Chính Sứ để nắm việc sớ tấu các quan, cho Quách Đạo Lang làm Liêm Phỏng Sứ để dễ bề giám sát, thao túng quan viên; còn bọn Thống Lũng và Đương Tử Xuân nắm hai chức Giám Tu và Giáo Phường Sứ để mua vua cho bệ hạ.

Trương Thiện chắt lưỡi: “Chẳng lẽ cứ để cho bọn chúng hoành hành mãi sao?”. Hộ Khoan và Thái Dũ cùng thở dài bất lực.

Sáng hôm sau, Trương Thiện thức dậy từ sớm, nhanh chân bước lên sàn thuyền rồi quan sát xung quanh, quang cảnh quả thật rất nhộn nhịp, hơn bốn nghìn con người từ mười bảy chiếc thuyền đang khuân vác sản vật xuống bến cảng để vận chuyển vào thành trên những con ngựa.

“Các ngươi nhanh lên, chỉ còn hai canh giờ nữa thôi” – Tiếng chàng thanh niên mặc áo lam đang đôn đốc phu dịch vang lên, Trương Thiện giật mình quay ngoắt lại, đó là Chuyển Vận Phó Sứ Đan-Sài đang đôn đốc mọi người. Nhận ra người quen cũ, nhanh như cắt, Sài đã đến trước mặt Thiện thi lễ:

- Tiểu đệ kính chào huynh trưởng.

Thiện chào đáp lễ rồi hỏi:

- Nghĩa đệ đừng khách sáo, dẫu thân phận bây giờ có khác nhưng chúng ta vẫn là huynh đệ. Các Hành-khiển khác đã đến chưa?

Sài đáp:

- Thưa chỉ còn mỗi Ứng Xương Hành-khiển là chưa đến, còn lại đang ở tửu điếm nghỉ ngơi.

Thiện cười lớn:

- May quá, cứ tưởng ta đến sau cùng, thế ra cũng có người trễ hơn ta.

Sài nhắc nhở:

- Nào chúng ta cùng vào trong thành diện kiến hoàng thượng, chớ để chậm trễ mà sinh việc không hay, ngựa xe đệ đều đã chuẩn bị cho huynh từ trước.

Nói rồi cả hai đều lên ngựa, ung dung đi qua cửa Đoạn Môn, Thiện chợt thấy một đám đông hơn chục người đang ngồi ngoài cửa, quần áo rách rưới, dơ bẩn và bốc mùi. Một trong số đó cả gan cầm một cái bát vỡ tiến lại gần Thiện, giọng run rẩy, níu lấy áo y:

- Xin tướng quân tỏ lòng thương xót mà bố thí cho kẻ nghèo hèn.

Đan Sài ngứa mắt thét lớn:

- To gan! Một tên ăn mày mà dám làm phiền Hành-khiển đại nhân. Bay đâu! Còn đứng đó làm gì, mau bắt hắn lại đánh năm mươi trượng cho ta!

Trương Thiện khoát tay:

- Sài đệ đừng nóng, bọn họ chỉ là muốn kiếm miếng cơm qua ngày thôi, việc gì phải bận tâm. – Vừa nói Thiện vừa lấy ra một nén bạc thả vào bát - Đây là một lượng bạc, đổi được ngàn đồng tiền, các ngươi cứ giữ lấy, chia nhau mà xài.

Đan Sài thấy vậy cũng bèn lấy ra hai nén bạc thảy xuống đất cho tên ăn mày rồi tiếp tục cưỡi ngựa vào thành. Thiện thấy vậy không bằng lòng nhưng cũng cho qua.

Quang cảnh trong thành đúng thật khác một trời một vực với bên ngoài, phố thị đông đúc, người người đi đi lại lại tấp nập, tiếng rao hòa cùng tiếng trả giá của khách mua,… Đúng thật là chốn phồn hoa. Sài Phó-sứ vỗ vai Thiện cười nói:

- Huynh thấy sao! Có khác với Phụng Nguyên của huynh không?

Trương Thiện mỉm cười:

- Khác chứ, khác chứ, khác nhiều lắm, ta tuy quản lãnh một vùng nhưng không phải thứ gì cũng có. Có những thứ dù có nhiều tiền cũng không mua được.

Hai người nói chuyện, cười đùa suốt quãng đường.

Thành Đông Kinh nằm ở quận Giang Hộ, phủ Phụng Tiên, đây là nơi hội đủ phúc khí tứ phương, dân cư đông đúc, phố chợ nhộn nhịp. Phía đông bắc thành có tám con sông Kinh, Vị, Thương, Hoài, Ích, Dự, Khúc, Kí uốn quanh khúc khuỷu tạo thành thế long chầu, phía tây nam là ba ngọn núi Hiệu Sơn, Xuân Sơn, Lịch Sơn, chếch về phía đông nam một chút là một cái gò đất cao, khi xưa Đường Tuyên Đế Ngô Quyển dẹp loạn Lâm Xương lúc tiễn tướng Tô Ngỗi ra trận cũng tại nơi này từng lập lời thề nếu thắng trận trở về thì Tô thị chín đời hưởng lộc vua, thọ sáu hoàng ân, đặc quyền: kiến địa, ban ấp, phong quan, lập phủ, phong tước, thưởng vàng.

Ngỗi đánh trận oai phong, lẫm liệt, dù bị giặc vây chặt ở cửa Cảnh Long cũng không hề nao núng, tay cầm Tam Tiêm Ngân Thương tả xung hữu đột, đến khi phá xong giặc thì đầu Ngỗi đã rơi, binh sĩ vì tiếc thương mà xả thân cướp được mang về. Tuyên Đế đau lòng cho đúc pho tượng vàng không đầu rồi đặt vào an táng, lệnh truyền ban tặng thái ấp ở phủ Kim Bình, Trấn Sơn Tây, phong con trưởng làm Điện-tiền Chỉ-huy-sứ, gia thêm tước Kim Quận Công, đến nay đã truyền được sáu đời. Nhưng càng về sau gia đạo không còn vững chãi như trước.

P/s: Bối cảnh truyện dựng vào năm 1231 sau sự kiện "Đại Thống", lúc này vương quốc Biện Thìn của người Kinh Nam bị dịch bệnh, nạn đói hoành hành. Ở phương bắc thì Đế quốc Hành Dương của người Hãn đang lăm le hợp nhất, phía tây thì các dân xứ khác chờ thời cơ để nổi lên tự trị. Đường Triều của họ Ngô đang đứng trước một cơn phong ba, liệu rằng cây đại thụ này sẽ vững vàng vượt qua cơn gió lớn hay sẽ bị bật gốc, chương sau sẽ rõ.
 

_hONG_aHN_

Gà cận
Tham gia
26/10/21
Bài viết
307
Gạo
48,0
Lời đề tựa
“Đại cuộc trong thiên hạ, cốt trong hai chữ “Nhân Tâm”, thế sự cũng như lòng người vậy, có thể ví như mây trời, lòng người phân tán thì thế gian loạn lạc, thế gian loạn lạc ắt sinh gian thần, phản tặc, giặc cướp nổi lên như gió lớn, gió lớn tất đổ cây, gãy cành, cơ nghiệp trăm năm cũng từ ấy mà tiêu tan. Gió thổi qua rồi thì đến sấm chớp, cũng có thể ví như anh hùng xuất hiện trong khoảng khắc mà lưu tiếng thơm suốt ngàn đời, anh hùng xuất thế thì lòng người quy tụ, nhân tâm quy thuận thì cũng giống mây trời tụ lại, một khi mây đã tụ thì mưa sẽ rơi, lúc ấy cây cỏ tốt tươi, thế gian lại an bình.”

- Yên Trường Hành khiển Lý Trọng Vũ -
Bạn phải viết liền phần giới thiệu này lên bài đầu tiên (tức bài #1).
 
Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Nhằm giúp mọi người dễ hình dung cốt truyện, địa điểm và bố cục, mình sẽ gửi bản đồ (chính trị), hệ thống quan tước và những thông tin khác về thế giới này cho mọi người tham khảo.
* Vì chức năng gửi file đính kèm không cho phép nên mình tạm thời đăng một số mục khác trước, bản đồ sẽ đăng sau.

1. Hành chính
Hành chính ở vương quốc Biện Thìn gồm 3 cấp:
Cấp 1 (cao nhất) là Thừa Tuyên (còn gọi là Trấn, Xứ) do Hành Khiển cai quản, có 3-5 phủ
Cấp 2 là Phủ do Tri Phủ quản lý, coi sóc
Cấp 3 là Huyện (ở kinh thành thì gọi là Quận) do Tri Huyện/ Quận Tướng chăm lo, riêng ở khu vực miền núi có Lang Đạo tương đương quan huyện, nắm cả hành chính và thần quyền, có luôn cả “quyền đêm đầu”.

2. Tôn giáo (để tránh việc đề cập đến tôn giáo, gây ảnh hưởng và mất đoàn kết nên mình sáng tạo ra một số tôn giáo mang âm hưởng từ thực tế):
Ở Biện Thìn có một số tôn giáo như: Khắc-Na giáo, Kì-Tích giáo, Đại-Thực giáo, Thanh giáo, Đàm giáo, Liễu /Nhu Giáo. Trong đó:
Tư tưởng Đàm giáo (có nét giống Phật giáo): Chủ trương giải thoát khỏi khổ đau bằng cách thực hành “Pháp”
Tư tưởng Liễu giáo (tương tự Nho giáo): chủ trương cải thiện các quan hệ đạo đức xã hội, củng cố địa vị con người (đàn ông)
Tư tưởng Thanh giáo (tương tự Đạo giáo): quan niệm vạn vật nhất thống, có âm dương lưỡng nghi, hòa hợp tam tài, thuận theo tứ tượng, nhận thức ngũ hành, đạt lục thông, thực hành thất điều, thông tuệ bát quái, duy trì vĩnh cửu.

3. Hệ thống quan tước
Ban văn

Trung ương:
Đứng đầu là Tứ Công (Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo, Thái Úy) (đến thời điểm trong truyện, 3/4 chức vụ này bị khuyết, chỉ còn chức Thái Sư)
Có một nhóm quan viên làm nhiệm vụ giám sát, can gián gồm: Bình Chương, Nghị Lang, Gián Nghị Đại Phu
Lục Chưởng (tương đương Thượng thư, còn gọi là Lục Khanh), đặc biệt có Đại Chưởng Ấn giữ Ấn vua, Chưởng bạ giữ số sách trung ương và Quốc Tử Tế Tửu lo việc tế tự, chưởng quản Quốc Tử Giám
Cửu Sĩ quản lãnh các ty, viện khác nhau (gọi chung là Trọng Thần Quốc Vụ Khanh). Một số ty, viện như sau:
Thái Thường/ Đông Thượng/ Lăng Chính: Lễ nghi, tông miếu, cúng tế, nhạc kèn
Quang Lộc: Yến tiệc
Lang Trung: Hộ tịch của cung nhân
Thái Bộc: Giữa xe ngựa
Loan Giá, Loan Nghi, Long Thuyền
Đại Lý: Tư pháp
Thái phủ/ Sùng Lộc: Tô thuế phú dịch, phát lương hiện vật
Tư Nông: quản lí kho lúa, kho vải, kho vàng bạc
Hồng Lô: Trạm quán cho chư hầu, thổ hào – gọi là Mã Dịch Trạm, mỗi Trấn 1 trạm, riêng Kinh đô, mỗi huyện 3 trạm
Tư Không: Nắm công trình, việc núi sông đầm hồ
Ngoài ra còn một số chức quan:
Khu Mật Sứ: nắm việc cơ mật mà can dự triều chính
Thông Chính Sứ: nắm việc lưu thông sớ tấu chương sắc,…
Thủ Hộ Sứ: nắm 40 đội bảo vệ lăng tẩm
An phủ Đại sứ (đôi khi gia thêm Kinh lược Đại Sứ khi đi kinh lí công việc)
An phủ phó sứ (hỗ trợ An Phủ đại sứ, đồng thời đảm nhiệm chức An phủ sứ ở kinh đô)
An phủ sứ (mỗi người đảm nhận công việc giám sát hành chính ở mỗi trấn rồi tâu lên vua)
Chiêu dụ sứ (quan chiêu dụ việc cho vua)
Chuyển vận sứ (còn gọi là Tào Chính Sứ - cọi việc vận chuyển lương thực, tiền bạc, cống sứ cho nhu cầu hoàng thất)
Giáo Phường Sứ (chủ quản ca kỹ trong cung)
Hà Đê Sứ: quản việc đê điều, đôi khi đường sá
Khố Đại Sứ: quản lí các kho công ở 1 phủ, trấn

Địa phương:
Đứng đầu mỗi trấn là một Hành khiển, còn gọi là Trấn Thủ (phụ tá có Hiệp Trấn và Tổng Binh, bên dưới là Tri Phủ, Tri Huyện)

Ban Võ:
Đứng đầu là Tướng Quốc, hỗ trợ có Thiếu Úy (đóng vai trò là "người liên hệ" giữa Thái Úy của ban văn và Tướng Quốc của ban võ để công việc suôn sẻ)
Dưới Tướng Quốc là Lãnh Binh (còn gọi là Tổng Binh) - nắm quân 1 Trấn, có Giám Binh và Hiệu Úy (còn gọi là Hiệu quan –quan cầm cờ) hỗ trợ.
Ngoài ra còn có các chức quan khác ở kinh thành như:
Binh mã phó sứ (bảo vệ thành, bắt cướp)
Đô chỉ huy sứ (chỉ huy 1 đô)
Cửu môn đề đốc (nắm việc canh giữ 9 cửa của Hoàng Thành):
Cửa Tuyên Vũ hướng chính bắc (Nơi tập trung 1 trại quân)
Cửa Hương Xa hướng chính nam (còn gọi là cửa Phi Xa, là nơi xe ngựa xuất hành ra khỏi cung)
Cửa Quế Mã (còn gọi là Ngọ Môn) nằm ở hướng chính nam
Cửa Trừng Thanh nằm ở hướng chính đông
Cửa Triêu Dương nằm ở hướng chính đông (đây là mở cửa sớm nhất trong ngày)
Cửa Hiển Nhân nằm ở hướng chính đông (là nơi tiến sĩ mới đậu vào cung chầu)
Cửa Yên Ninh nằm ở hướng chính tây
Cửa Gia Tường nằm ở hướng chính tây
Cửa Kim Hoa nằm ở hướng chính tây

Bên trong Cấm thành có các chức quan như:
Điện Tiền Chỉ huy sứ
Điện Trung Chỉ huy sứ
Điện Nội Chỉ huy sứ

4. Quân đội:
Phân làm 3 cấp: Thượng, Trung, Thiếu. Thượng: Cấm Quân (còn gọi là Cấm Vệ Quân, tuyển chọn từ ưu binh của các vệ ở Phiên/Biên quân); Trung: Biên Quân, Phiên Binh do các quan võ địa phương quản lí; Thiếu: Sương Binh ở các làng, xã.
 
Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Chương 2 - Cống vật
Chẳng mấy chốc cả hai đã đứng trước cửa điện Kính Thiên cùng quan viên. Trước sân chầu là hàng trăm người cùng nhiều rương hòm bên trong chứa cơ man là sản vật để ngổn ngang trước sân. Trương Thiện mau chóng chỉnh sửa quần áo, đai mũ rồi dâng sớ cho Lâm Viên xem qua một lượt. Xem xong rồi y mới cất tiếng báo danh từng người:

- Mời Thái Bình Hành khiển Trương Thiện vào chầu.

- Mời Sơn Tây Hành khiển Tô Ngạo Tái vào chầu.

- Mời Vũ Ninh Hành khiển Lý Sùng Văn vào chầu.

- Mời Yên Trường Hành khiển Trần Bá Trì vào chầu.

- Mời Hải Đông Hành-khiển Tạ Mậu Khanh vào chầu.

- Mời Đường Lâm Hành-khiển Vưu Trọng vào chầu.

- Mời Kiến Tường Hành-khiển Trịnh Mân vào chầu.

- Ứng Xương Hành khiển Lê Tượng Cổ vắng buổi chầu.

Tiếng xì xầm nổi lên, bản thân Thiện cũng thấy lạ, ban đầu chỉ là đến trễ mà giờ đây đã thành vắng mặt, Cổ vốn là người quy củ, ắt phải có cớ sự gì đây.... Dòng suy nghĩ của Thiện đột nhiên bị gián đoạn bởi giọng nói của vị vua trẻ:

- Lễ vật của khanh đâu, mau mau dâng lên cho trẫm, trẫm đang nóng lòng muốn biết khanh có gì cho trẫm.

Trương Thiện vẫy tay, hai hàng người lần lượt bước đến, mang theo những là rương, sau đó là một nhóm người tiến vào bê trên tay những chiếc mâm phủ vải điều, cuối cùng là năm người, mỗi người dắt theo một con vật. Thấy vậy, Mục Đế bĩu môi:

- Có vẻ ít hơn mọi năm.

Ngụy Bân đứng hầu bên phải vua lập tức to tiếng:

- Trương Thiện còn gì chưa dâng lên, mau mau mang ra kẻo thánh thượng phiền lòng

Trương Thiện lớn mật thanh minh:

- Đã ba năm nay Trấn Thái Bình liên tục gặp nạn, ba năm trước thì mất mùa vì nạn lụt, năm kia thì hạn hán kéo dài, năm ngoái thì mắc nạn chốn biên thùy, bọn thổ phỉ đem quân đánh vào hai cửa Thương Dương và Kinh Ngưu, Thiện tôi phải đem quân chống đỡ, dân chúng lầm than phiêu tán, nên việc cống lễ có phần sơ sót. – Nói rồi quay sang Hoàng Thượng – “Kính mong bệ hạ minh xét”.

Quách Đạo Lang đứng bên trái vua chỉ mặt Thiện quát:

- Ngươi đừng có điêu ngoa trước Long Nhan, Thái Bình đất ấy xưa nay tươi tốt, trù phú, phía nam có xứ Tế Trại xưng thần, thường xuyên chầu phục, cống lễ chẳng khi nào khinh suất, họ đã quy phục chúng ta từ lâu, hà cớ nay lại dấy binh làm loạn. Nếu như ngươi có tâm tư thì hãy lấy dòng Đạm Giang soi mình.

Trương Thiện thét lớn:

- Mi mới là tên nịnh thần xàm tấu, suốt mấy năm qua thánh thượng đã bị lũ các ngươi che mắt bịt tai, hôm nay ta sẽ mở mắt cho thiếu đế.

Quách Đạo Lang không ngớt lời đả phá Trương Thiện:

- Tên gian thần cứng miệng, dám xảo biện vu khống. Còn không mau quỳ xuống chịu tội để còn hưởng khoan hồng.

Trương Thiện chạy đến quỳ trước mặt Mục Đế mà tâu, ngôn từ khẩn thiết:

- Nếu Bệ hạ còn nghỉ đến tình vua tôi, thương dân như con đỏ thì hãy thử một lần dời gót ra khỏi chốn cấm cung mà đi qua các xứ để thấy cảnh sống của muôn dân đặng về sửa sang chính sự, ấy là cái gốc cho cơ nghiệp lâu dài. Còn nếu như Bệ hạ chỉ biết đắm mình trong thú vui của bậc đế vương thì tương lai Đường triều suy vong trong sớm tối, nghĩa vua tôi cũng dứt từ đây.

Nói rồi Thiện dập đầu trước ngai đến chảy máu. Thấy Mục Đế đương hoảng loạn nên Ngụy Bân cất tiếng:

- Tấm lòng của Trấn thủ Thiện Hoàng thượng đã rõ, việc cống lễ năm nay xem như xong, pháp luật định ra cũng còn phải tùy trường hợp mà suy xét chứ không nên cứng nhắc. Ban nãy Lang đệ có vài chỗ chưa đúng, mong tướng quân chăm chước bỏ qua, còn chuyện tuần du không phải chuyện đùa khi nào có thời gian thì sẽ tổ chức cho hoàng thượng mở mang tầm nhìn.

Các Hành-khiển khác cũng tranh thủ dâng cống vật cho xong rồi lui ra, người thì dâng lên vàng bạc, tơ lụa, nhân sâm, kẻ thì dâng lên kim cương, hồng ngọc, lục bảo, thậm chí có người còn dâng lên cả Tứ Nha Bạch Tượng, Bạch Vũ Khổng Tước. Cuối cùng đến phiên Sơn Tây Hành khiển thì một hồi kèn chiêng vang lên, bốn mươi hai cung nữ bước vào, họ mang trên mình những tấm lụa đen tuyền, đầu đội những chiếc mão vàng. Ngạo Tái cất tiếng:

- Năm nay thần dâng lên bệ hạ “cống phẩm người”, đây đều là những vũ nữ mà người thượng dâng lên, biết ca hát, nhảy múa và làm những thứ khác, mong bệ hạ bớt ưu sầu.

“Các ngươi còn không mau biểu diễn cho Hoàng Thượng xem” – Vị Hành khiển ra lệnh, ngay lập tức các vũ nữ chia làm hai hàng, nhảy múa theo điệu kèn, lúc thì tung bay như chim, lúc thì cúi rạp xuống như cá lặn, có những lúc đi tới lui chỉ bằng đầu ngón chân khiến bá quan trầm trồ, Mục Đế vỗ tay thích thú. Đến lúc tan triều, Ngụy Bân thông báo:

- Ba ngày nữa Mục Đế sẽ tổ chức Quỳnh Diên Yến thiết đãi bá quan, mong mọi người đến chung vui.

Nói xong y cho người gọi bọn Thái Dũ, Hộ Khoan đến, cho nhiều vàng bạc, tơ lụa rồi nói:

- Thiện tướng quân hôm nay không khỏe, các ngươi thay ta chăm sóc ông ấy, nếu làm tốt ta sẽ ban thưởng thêm, còn đây là chút tấm lòng của ta cho các ngươi.

Lại nói về trấn Yên Trường có ba anh em họ Trương, anh cả là Trương Viên, kế đến là Trương Lư, em út là Trương Lộc, vốn là tú tài thi rớt, bất đắc chí lên non tìm thầy học đạo, gặp được Thiên Yến pháp sư, vốn là học trò ông Ngọc Trản đạo nhân, tu tiên từ thuở nhà Triệu lập quốc, phép thuật huyền diệu, kiến thức cao minh. Vốn sẵn có tư chất, cả ba cố công gắng sức ngày ngày theo thầy hái thuốc, tối đến nghe giảng kinh được hai mươi năm. Dẫu mang tiếng lên non học đạo nhưng anh em cũng hay nghe ngóng việc nhân gian, xảy thấy chuyện thiên tai bèn xin thầy xuống núi cứu dân. Thiên Yến pháp sư đánh tay hồi lâu rồi thở dài:

- Các con xuống núi kì này lành ít dữ nhiều, cứu độ muôn dân xong rồi thì nên trở về với núi non, tránh ở lại lâu mà sinh tâm hồng trần, đọa đến tính mạng. Trước khi đi ta cho các con mỗi người một phép báu. Trương Viên ta cho thanh gươm báu Thuần Dương, ở gần người thiện thì gươm phát ra ánh sáng tươi đẹp, khi gặp kẻ ác gươm sẽ dần mờ tối, con hãy nhận lấy mà soi đường.

Nói xong một đạo đồng bước ra trên tay cầm một cái hộp dài hai thước sơn son thiếp vàng, mở ra là một thanh gươm dài một thước tám tấc, phát ra hào quang chói mắt, chuôi gươm làm bằng vàng nạm hồng ngọc. Trương Viên đưa hai tay nhận lấy chiếc hộp, tạ ơn thầy rồi lui xuống. Thiên Yến pháp sư nói tiếp:

- Trương Lư ta cho một bình Hồ Lô Tử Kim, có khả năng thanh lọc nước, nước nơi uế trược, thậm chí thuốc độc đổ vào bình rồi niệm chú sẽ uống được.

Trương Lư vội tới đưa tai nghe thầy truyền chú. Truyền xong pháp sư triệu Trương Lộc tới cho phép báu:

- Trương Lộc ta cho cái bát Ngọc Quỳnh Kim Bôi, bỏ vật gì vào trong thời khắc sẽ dâng lên đầy bát.

Nói rồi cả ba anh cung kính tiễn biệt thầy.
 
Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Chương 3 – Nguyệt Yến
Cả ba đi được nửa ngày thì đến trước dòng Đạm Giang ở huyện Long Hà, vốn trước đây là nơi bị thiên tai thì trời đổ cơn mưa, bên đường có cái miếu thờ nhỏ, cửa miếu treo tấm bảng ghi bảy chữ “Trinh Liệt Tuẫn Tiết Trung Đẳng Thần” bèn vào tá túc. Đêm ấy cả ba nằm mộng thấy một người đàn ông tuổi trạc bốn mươi, mặc cẩm bào đính bổ tử, tay cầm hốt ngà toàn thân đẫm nước tới hỏi thăm:

- Chào ba vị đạo sĩ!

Ba anh em thấy y phục đoán biết không phải kẻ tầm thường nên cũng chào đáp lễ:

- Anh em chúng tôi đồng tâm hiệp lực xuất sơn để cứu tế muôn dân, đến dòng sông này thì gặp cơn mưa mới phải vào tá túc, xin âm quan miễn chấp.

Hồn ấy cười đáp:

- Bổn quan tên là Lưu Trầm, trước kia cũng vì việc cứu tế mà phải nạn vong thân, dân chúng quanh vùng tiếc thương xây cho cái miếu nhỏ hưởng hương khói cũng gần ba năm, do tích dương phúc nhiều nên cũng được dành cho một chức Chính hình Lục sự ở Kim Đâu Điện. Thấy ba vị đồng chí cùng hướng nên sẵn dịp chúc mừng, nhưng cũng có vài lời tâm sự.

Trương Viên chắp tay:

- Xin quan lớn thương tình dạy bảo.

Trầm thở dài:

- Các vị dẫu có cứu tế đến đâu dân cũng không hết khổ được, bởi do căn nguyên là bọn tham quan, phải trừ được chúng thì mới an dân được. Trầm tôi cũng vì lũ ấy mà bị hại chết, đến cả như Lưu Báo là em họ mà cũng hùa theo làm chuyện bất nghĩa. Nếu sau này các vị có đến được sân rồng cũng xin nhớ lấy chữ “tâm” làm gốc mới hưởng phúc được lâu dài.

Cả bốn người trò chuyện hồi lâu rồi từ tạ, ba anh em cũng tỉnh giấc nồng thì trời đã tạnh, bèn đón chuyến đò sang sông. Trương Lộc thầm nghĩ: “Cả ba anh em học phép tiên chẳng lẽ chỉ biết ban phúc mà không trừ họa hay sao, muốn lấy mạng bọn chúng tuy khó khăn nhưng không phải là không thể”-bèn đem chuyện ấy nói với hai anh thì bị nạt:

- Chúng ta xin thầy xuống núi là để cứu dân, phép báu không thể dùng bừa được.

Nói rồi thẳng bước vào làng nọ mà giúp đỡ, ba anh em chia nhau mà làm, Trương Lộc lấy một nắm gạo mà bỏ vào cái bát, tức thì ra một tô gạo rồi chia cứ thế mà phân phát, người nào có gạo thì hưởng gạo, người nào mang ngô thì nhận ngô, kẻ đem thịt thì lấy về thịt. Trương Lư thì ghé vào một nhà mang bệnh, cả nhà ấy tám mạng đều bị ghẻ lở sưng tấy khắp người, khóc rên không sao kể xiết. Lư truyền người mang đến một chậu nước, múc nước từ chậu ấy mà đổ vào bình lắc nhẹ vài cái rồi rót vào miệng từng người. Trong khoảng độ một thời khắc cơ thể lành lặn, ghẻ lở mụn nhọt tan dần, cứ như thế Lư trị hết cho cả xóm, người bệnh nặng thì hết bệnh, người bệnh nhẹ thì khỏe thêm. Tiếng lành đồn xa, ai cũng quý trọng, quan lại địa phương cũng kiêng nể ba phần rồi dần cũng thành chỗ thân quen, hào kiệt qua lại cũng rất đông.

Lại nói về chuyện Ngụy Bân, sau khi tan triều bèn hội tám người trong nhóm Bát Hổ lại bàn chuyện:

- Lão Thiện muốn đưa vua đi tuần du các xứ, ấy là điều bất lợi, thiết nghĩ các người nên cùng ta nghĩ cách đối phó.

Cao Bưu lên tiếng đầu:

- Sau không cho người mai phục giết quách lão ấy cho xong rồi kiếm một kẻ tâm phúc thế vào?

Lưu Báo phản đối:

- Lão ấy được lòng con dân, làm vậy e sinh sự biến loạn. Chi bằng kiếm cách dỗ dành sẽ hay hơn.

Lâm Viên trầm tư hồi lâu rồi cất tiếng:

- Cả hai kế ấy đều không được, Mục Đế vốn tính ham chơi, ắt sẽ có ngày muốn đi thăm thú, khi ấy khó mà cản được, còn tên Thiện vốn ngay thẳng khó mà mua chuộc được, chi bằng…

Lâm Viên ghé tai Ngụy Bân thỏ thẻ vài lời, Bân nhăn mặt rồi nói:

- Kế ấy tuy hay nhưng liều lĩnh quá, là canh bạc được ăn cả, ngã về không.

Thống Lũng và Đương Tử Xuân sốt sắng:

- Nếu có kế hay xin Viên huynh chỉ giáo để chúng đệ được rửa mắt vén mây.

Nghe vậy Ngụy Bân bèn cắt đặt công việc rõ ràng rồi theo đó mà hành sự. Còn về phần Trương Thiện sau khi tan chầu thì ghé ngang Phúc Kim Tửu Điếm, tên chủ quán hồ hởi chạy ra đón tiếp, bên trong quán chỉ có ba khách, vài tên tiểu nhị, một ít ca kỹ mà thôi.

- Cảm ơn đại quan hạ cố đến thăm, xin mời người vào dùng trà nghỉ ngơi. – tên chủ quán nhanh nhảu nói – A Thất, mau pha trà mời quan lớn.

Thiện vừa bước đến thì cả ba vị khách đã đứng lên bái chào: “Chúng tôi đợi ngài đã lâu, Lý Sùng Văn, Trần Bá Trì với Tô Ngạo Tái không đợi được nên đã về sớm, mong ngài lượng thứ”. Ba vị khách ấy lần lượt là: Hải Đông Hành-khiển Tạ Mậu Khanh, Đường Lâm Hành-khiển Vưu Trọng và Kiến Tường Hành-khiển Trịnh Mân. Bốn người ngồi vào bàn nói cười thân thiết. Đoạn Trương Thiện thở dài:

- Vua trẻ bị nạn lộng thần, chỉ tội cho dân chúng lầm than?

Vưu Trọng cười trừ:

- Biết làm sao được, Mục Đế trọng dụng nịnh thần, xa lánh kẻ hiền sĩ, ấy là điều kị, nhưng phận làm tôi đâu dám cãi chúa, không khéo lại mang tội khi quân, tru diệt tam tộc.

Bốn người bèn lấy rượu giải sầu cho qua chuyện.

Ba ngày sau khắp chốn kinh thành phủ một màu đỏ, lồng đèn bay phấp phới, trong cung người người qua lại như mắc cửi, tất cả đều tận lực chuẩn bị cho buổi đại yến tiệc Quỳnh Diên. Đầu giờ Tuất, bá quan đã có mặt đông đủ, xếp thành hai hàng văn võ trước Diên Linh Tháp. Trước tháp là một cái đàn tế nguyệt, hương án bài vị rõ ràng, Mục Đế đứng ra làm chủ lễ, Quan Chấp Điện Lý Thẩm và Quốc Tử Tế Tửu Đặng Nhiệm đứng hầu hai bên làm phó tế. Việc tế tự xong xuôi, vua tôi kéo nhau lên lầu thưởng nguyệt, dự yến.

Bàn tiệc trải ra nhiều món ngon lạ vô cùng từ bào ngư vi cá, nem công chả phụng, thịt hươu mỡ báo,...đến gân cá sấu, gan thuồng luồng, thịt hải thận, môi đười ươi không thiếu thứ gì. Tất cả đều được đựng trong khay vàng chén bạc, múc bằng muỗng ngọc, gắp bằng đũa trầm,... đang dùng bữa thì có mỹ nữ múa đàn, bay bổng như loan phụng,....ngó lên thì có ánh trăng sáng ngời. Lý Thẩm chợt thấy nôn nao trong lòng, nhìn quanh thì thấy quân lính túc vệ có vẻ đông hơn mọi khi. Bỗng tới tiết mục hát kịch, gánh hát diễn vở "Long Giả Cát Tình". Đến hồi cao trào thì diễn viên hát câu:

"Kẻ trung hiền đào đất nơi Thái Tuế,
Bọn nịnh thần quyền thế tựa Thái Sơn,
Ngôi Bắc Cực xoay lơn cùng nhật nguyệt,
Nam Diện củng tinh quyết hội triều."

Đặng Nhiệm nhăn mặt thầm nghĩ: "Ngôi Bắc Cực là Đế Tinh - chủ các vì sao, luôn an định một chỗ, nay Đế Tinh sa xuống cũng có nghĩa là thiên hạ đổi chủ, người xưa thường nói Đế Tinh vẫn, Quốc vận vong; một tên hát kịch lại dám nói những lời khi quân phạm thượng? Chắc phải có uẩn khúc, ta phải điều tra cho rõ". Nghĩ chưa dứt thì một mũi tên găm thẳng vào bả vai y. Nhiệm nhanh tay dứt mũi tên ra rồi rút gươm hét: "Bảo hộ hoàng thượng, tróc nã phản tặc"

Vừa nói xong thì một trận mưa tên rơi xuống, một số tên lính túc vệ rút chủy thủ cắt cổ các quan lại, Vưu Trọng vung gươm lướt tới phía vua, tên lính túc vệ ngỡ rằng y tới trợ chiến nên không phòng bị, bị y chém một nhát, Mục Đế hoảng loạn, đạp trúng long cổn ngã sõng soài. Trọng tận dụng thời cơ vung nhát gươm đoạt mạng thí vua. Ngụy Bân dẫn theo một toán quân thét to:

- Bọn Trương Thiện, Vưu Trọng cả gan giết vua, mau giết hết chúng cho ta.

Hai bên lao vào hỗn chiến. Một lát sau Điện tiền Chỉ huy sứ Tô Tiến dẫn theo ba trăm cấm quân dẹp loạn, thái giám cung nga bỏ chạy tán loạn.
 
Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Chương 4- Chín tiếng chuông
“Đing Đong! Đing Đong! Đing Đong!” Tiếng chuông ngân lên từng hồi nơi Đông cung. Kéo theo đó là tiếng người kêu thất thanh làm kinh động khắp chốn tam cung lục viện. Một lát sau, Dư tổng quản xông vào phòng lay động cậu:

- Thái tử mau dậy thôi! Dậy! Dậy!

Không chờ cậu tỉnh táo, y đã kéo cậu ra khỏi giường và lôi xềnh xệch qua dãy hành lang, đi cùng họ là hơn hai mươi người – “Chúng ta mau đi thôi” – Tổng quản vừa nói vừa ra sức kéo cậu đi – “Phản tặc làm loạn ở tháp Diên Linh, chúng đã giết Mục Đế rồi!”

“Đing Đong! Đing Đong! Đing Đong!... Đing Đong! Đing Đong! Đing Đong!... Đing Đong! Đing Đong! Đing Đong!...” Tiếng chuông vang không ngớt làm Minh Hiển tỉnh giấc khỏi cơn mơ màng, cậu nghe thấy tiếng người la ó. Một lát sau tất cả đã đến hành lang Hàm Phúc Cung, vừa đi cậu vừa thấy những xác chết nằm rải rác ở hành lang.

- Dư Trung - Ngô Dụng cất tiếng thét - Tôi còn tưởng ông bị lạc đường, bọn Bân, Trọng đang thanh trừng lẫn nhau, phải đưa thái tử cùng các hoàng tử ra khỏi kinh thành mới mong toàn mạng.

Dư Trung chắp tay bái:

- Trăm sự nhờ Hiệu điểm tướng quân

Thái tử Minh Hiển hỏi:

- Các hoàng tử khác đâu rồi, sao chỉ có mình ta ở đây?

Ngô Dụng lựa lời nói:

- Tất cả đã được hộ tống qua hai cửa Hương Xa và Kim Hoa chỉ còn người phải đi qua cửa Tuyên Vũ để tránh lộ tung tích.

Dư Trung liếc nhìn Ngô Dụng, ông chợt nhận ra có việc chẳng lành. Đi cùng bọn họ là mười bốn Lực sĩ Hiệu úy, thân thủ nhanh nhẹn, võ công cao cường, thân mang khôi giáp, tạo thành một vòng tròn khép kín. Bước chân của ông trở nên nhanh hơn để bắt kịp với nhịp di chuyển của vòng người, chẳng mấy chốc đã đến cửa thành, hành dinh của quan Cửu môn Đề đốc cũng đóng tại nơi đây, đích thân y ra cúi đầu bái lạy:

- Hoàng thượng vạn tuế, hạ quan tên Lý Trang cứu giá chậm trễ xin cam chịu tội.

Ngô Dụng xá chào rồi nói:

- Vua mới ở đây, nếu ngươi cùng ta phò trợ, hết lòng hộ giá sẽ không những đoái công chuộc tội mà sẽ còn được ban quan thưởng tước.

Đốc Trang nói:

- Cửa này tên Tuyên Vũ, đóng ở đây chỉ có bốn trăm người, bên ngoài có một trại quân, do Sỹ Triều làm Vệ Úy còn Đỗ Bắc làm Phó Úy, binh lực gần một vạn, có thể nương nhờ được. Thần nguyện xả thân đưa người đến đó.

Nói rồi tuyển chọn năm mươi khinh kỵ, xe ngựa ba chiếc rồi phi như bay ra cổng thành, số còn lại giữ cửa. Đi được một lát thì nghe tiếng la hét sau lưng, Trang quay lại thì thấy khói bay mù mịt bèn thúc ngựa chạy riết cho đến lúc đứng trước cửa trại thì thấy quân lính chặn lại hỏi:

- Xin quan lớn khai danh tính để tôi tiện vào bẩm báo

Trang nói:

- Ngươi vào nói với Triều, Bắc là quan đề đốc cần gặp, có chuyện hệ trọng muốn bàn.

Một hồi sau có hai tướng bước ra nai nịt chỉnh tể, giáp gươm sáng lóa, Trang bèn xuống ngựa lễ chào rồi nói:

- Lũ quyền thần làm loạn triều cương, giết thần thí vua, tôi liều mạng mới đưa được ấu chúa tới đây, mong quan lớn thương tình bảo vệ.

Một tướng bước tới thi lễ, người cao năm thước, râu để ba chòm bạc, mắt sáng như sao sa:

- Gia tộc tôi ba đời ăn lộc vua, nay chỉ có một việc nhỏ há Triều tôi chẳng làm được, ngặt vì đem quân vào chốn cấm thành mà không có chiếu thì mang tội khi quân, mong bệ hạ viết cho một đạo sắc lệnh để dễ bề hành động.

Dư Trung đáp:

- Việc ấy chẳng khó chi, thánh ấn, kim chỉ đã có sẵn, chỉ còn chờ bút mực là xong.

Nói rồi sáu người cùng nhau vào hổ trướng bàn việc. Triều nhường cho Hiển ngồi vào chỗ soái án, sau khi giấy mực bưng ra thì Hiển bắt đầu viết hai chữ “Phụng Thiên…” chợt quay sang Trung hỏi:

- Chữ “Thừa” có mấy nét?

Trung đáp:

- Thưa tám nét, bộ “thủ”

Ngô Dụng tâu:

- Chuyện quân binh gấp như lửa cháy, nếu bệ hạ chưa rõ ràng xin đọc sắc chỉ cho Dư Trung viết thay, người chỉ cần đóng ấn là được.

Dư Trung hơi nhăn mặt nhưng đồng ý, lấy bút viết rằng:

“Phụng Thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết.

Trước nay cái họa vong quốc cũng từ bọn thái giám gian xảo, nịnh thần lộng quyền mà ra, nay xét thấy lũ Ngụy Bân, Lưu Báo cùng bọn Vưu Trọng có tâm phản phúc, mưu đồ thí vua, cả gan hành thích hoành huynh, khinh khi luân thường đạo lý, đáng tội tru di. Vì thế trẫm ra lệnh cho Vệ Úy Sỹ Triều cùng Phó Úy Đỗ Bắc mang quân vào Cấm thành dẹp loạn, chấn chỉnh kỉ cương, về sau sẽ ban thưởng.

Khâm thử.”

Cứ như vậy ba người phối hợp, Ngô Dụng mớm lời, Minh Hiển đọc lệnh, Dư Trung viết sắc. Tiếp nhận sắc xong, Triều ra lệnh điểm quân, phong Đỗ Bắc là Tiên phong, dẫn theo hai ngàn thiết kỵ, còn mình theo sau mang theo đại quân năm nghìn bộ binh, số quân còn lại chỉ có năm trăm người thì cho giữ trại.

Sỹ Triều cho hành quân tới trước cửa Tuyên Vũ thì thấy đầu của Trương Thiện, cùng tám tên thái giám đã ở trên cửa thành từ bao giờ. Vưu Trọng cùng Tô Tiến bước ra cười nói:

- Thành này giờ đã là của ta, tướng quân muốn qua cửa phải nộp ít tiền lộ phí.

Sỹ Triều giơ thánh chỉ nói:

- Hành khiển Vưu Trọng tiếp chỉ.

Vưu Trọng cười lớn:

- Lão tướng đừng lấy giấy mực ra dọa người ít chữ, trâu già thì uống nước đục, Ngô gia khí số đã tận, bây giờ là thời của Vưu gia, tướng quân nên thức thời mới là trang tuấn kiệt.

Sỹ Triều quát:

- Lão phu hưởng lộc vua, nhận thánh ân suốt ba đời lẽ nào làm chuyện phản nghịch. Bay đâu! Chuẩn bị vũ khí công thành, tru sát phản tặc.

Hai bên cầm cự nhau tới giữa trưa hôm sau, lúc này Tô Tiến thầm nghĩ “Thay vì cố thân phòng thủ chi bằng sống mái một phen cho biết tay hảo hán” bèn mặc áo giáp, cầm Hổ Đầu Đao ra đối trận. Sỹ Triều thấy vậy cũng cho người chuẩn bị khôi giáp rồi mang song kiếm bước ra soái trướng. Về phần Đỗ Bắc thấy Tô Tiến dàn trận nên nóng ruột nghĩ “mình thân làm Tiên phong, lại đương sức trẻ sao lại để một ông già ra trận! Phải xung phong đánh nó cho biết mặt anh hùng.” Bèn nhanh chân cưỡi ngựa phóng ra, giáp mặt Tô Tiến, y sấn tới múa siêu đao, hai người đánh nhau bốn mươi hiệp cầm đồng. Tức thời Đỗ Bắc xoay cán đao một vòng chém ngang hông Tô Tiến, y đỡ không kịp trúng một đao máu đổ ruột rơi. Đỗ Bắc nhân đó chém tiếp một đao rơi đầu Tô Tiến. Quân mất tướng như rắn không đầu, nhanh chóng vỡ trận bỏ chạy, làm mồi cho đội thiết kỵ của Sỹ Triều. Vưu Trọng đứng trên tường thành thấy thế cục xoay chuyển nhanh quá nên liệu đường bỏ trốn thì bị mấy tên lính của Tô Tiến bắt trói hòng lập công mà giữ được mạng. Chúng mang Trọng vào trong Điện Kính Thiên, lúc này trên ngai là Hiển Minh, bên tả có Sỹ Triều, Đỗ Bắc, Lý Trang, bên hữu có Ngô Dụng với Dư Trung đứng chầu. Sỹ Triều quát Đao phủ đem ra lăng trì, đồng thời cho bắt hết gia quyến bọn phản tặc lại cho Tả đảo chém, cộng hết hơn một nghìn bảy trăm mạng người, già thì đến bạc đầu rụng răng, trẻ thì đến cả đứa thơ ngây vừa dứt sữa. Tiếng oan thán thấu tận mây xanh ngày hôm ấy.
 
Bên trên