Quạ đen đất Mỹ - Cập nhật - Cơm Khê

Cơm Khê

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/11/17
Bài viết
105
Gạo
400,0
Quạ Đen Đất Mỹ
(Tên khác: Khi Tôi Mười Bảy)
Tác giả: Cơm Khê
Thể loại: Đời thường
Tình trạng đăng: Cập nhật
Tình trạng sáng tác: Đang viết
Giới hạn độ tuổi đọc: Không / Cảnh báo về nội dung: Không

Giới thiệu:
Mỹ, là vùng đất hứa, là thành thị phồn hoa, là nơi tụ họp nhiều nhân tài trên toàn thế giới...

Mỹ, là biểu tượng của sự tự do, là địa điểm ai ai cũng ao ước được đặt chân đến...

Mỹ, là...

Dừng! Dừng! Xin phép được tắt bản nhạc buồn rười rượi và dẹp mớ tâm trạng so deep sang một bên. Vẫn là câu nói cũ: Đừng tin, chúng nó lừa cả đấy! Trước khi đặt chân tới sân bay Los rồi lăn lộn vòng thứ e nờ trên cái đất Mỹ, ai cũng kháo nhau về độ "phơ phệch" hay ảo tưởng một thiên đường không mấy chân thật đó. Mà thực tế lại chứng minh là trên đời này chuyện quái gì cũng xảy ra, đã thế, tôi còn trở thành một ví dụ sống động đến bất hạnh. Sinh nhật tuổi 17, tôi ước cuộc sống của mình cứ thế trôi qua trong bình lặng, kết quả chưa đầy một tháng, tai hoạ từ đâu thi nhau kéo tới. Như ông bạn thân vẫn hay lảm nhảm, tôi mà sống hiền lành kiểu gì cũng bị người ta dẫm đạp xuống mấy tầng đất. Ngày hôm ấy, từ một học sinh trầm lặng ít nói, tôi bùng nổ cắm cọc trước cửa phòng hiệu trưởng nói lý, tiếp đến lại đi khắp nơi kiện hết thảy đám người đó. Có câu con giun xéo lắm cũng quằn, khi bị dồn vào đường cùng, chuyện điên rồ gì tôi cũng dám làm. Sau một đêm, tôi bỗng nổi ầm ầm, báo chí đồng loạt đưa tin, trên mạng càng không thiếu người rảnh rỗi vì tôi mà tranh cãi đến sức đầu mẻ trán. Mọi chuyện dần vượt khỏi tầm kiểm soát, đến cuối cùng, tôi nhận ra cuộc sống này không hề tẻ nhạt như mình vẫn nghĩ.

...

"Người nào đó nhìn chằm chằm vào giường bệnh, trong lúc đang đau khổ vì không biết có nên 'bất ngờ' tỉnh dậy hay không thì một giọng nói nhàn nhạt truyền tới:

"Dậy đi, giờ này rồi còn giả chết làm gì!"

"..."

"Hay thật đấy, sao cậu căn giờ chuẩn thế, cảnh sát vừa đến liền lăn đùng ra ngất xỉu ngon lành. Bố tôi nói giờ cậu còn nổi hơn cả tống thổng."

"..."

"Có điều mấy phóng viên kia hình như photoshop hơi bị quá tay, bản mặt của cậu chường ườn trên báo mà tôi suýt không nhận ra. Đã thế người ta còn bình luận cậu có thần thái hút hồn mới kinh. Nói thật, nhìn vào mà tôi cứ tưởng thây ma đội mồ sống lại đấy."

"..."

Nói thật, giọng điệu tặc lưỡi của tên trời đánh nào đó cũng khiến tôi muốn hoá thành zombie mà xơi tái cậu ta đây."
.
.
.

Đau khổ in dấu rồi nhạt phai. Hạnh phúc chợt đến rồi gấp gáp rời đi. Đấu tranh rồi buông bỏ. Mỉm cười rồi gục khóc. Hành trình ấy, bỗng dài đến lê thê. Bước đi, bước mãi... đừng ngừng lại vì cơ hội sẽ bị cuốn trôi, đừng ngừng lại vì nếu không đuổi kịp yêu thương sẽ vụt mất...

Trước ngày hôm ấy, tôi là một đứa nhóc ngay ngô. Sau năm tháng đó, tôi khoác lên mình bộ áo xù xì của một người lớn. Thời gian hờ hững trôi đi, để mặc dấu vết đọng lại giữa khoảng trống đấy. Câu chuyện của tôi ngẫu nhiên dừng lại; để tôi kể bạn mảnh ghép kỳ lạ ấy, cuộc sống đặc sắc khi tôi mười bảy...

Truyện đề cập đến cuộc sống đời thường mà chẳng bình thường chút nào dưới góc nhìn của một cô gái nhập cư đang tuổi mới lớn.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cơm Khê

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/11/17
Bài viết
105
Gạo
400,0
Chương 1: Mèo hoá cọp
Kim đồng hồ lại chậm rãi quay một vòng. Mùi thuốc khử trùng nặng nề thâm nhập vào mũi khiến tôi khó thở. Cánh cửa đóng chặt của phòng cấp cứu thành công dấy lên một nổi đau câm lặng, bóp nghẹt tim tôi theo từng đợt hô hấp rối loạn.

Tôi ngây người dựa vào bức tường lạnh cóng trên hành lang, tâm trí rối bời không ngừng thôi miên chính mình đây là một giấc mơ. Vài tiếng trước, em gái còn nũng nịu kéo góc áo tôi mãi không buông, miệng nhanh nhảu huyên thuyên về chuyến tham quan đến viện bảo tàng. Nhìn nụ cười háo hức của em gái, tôi bỗng thấy xứng đáng với mười đô mà mình đã bỏ ra. Nghĩ lại, hình như đây là lần đầu tiên em gái được tham gia vào hoạt động ngoại khoá của lớp. Trước đây vì kinh tế khó khăn, Trâm Anh hầu như phải ở nhà một mình trong khi những đứa trẻ khác đều được đi chơi đây đó. Khi nhìn thấy tờ giấy thông báo về chuyến tham quan trong ba lô của Trâm Anh, cảm giác chua xót như một cơn sóng ập đến khiến tôi lặng người. Bảo sao nó nói hai ngày tới sẽ được nghỉ. Cả lớp đều đi chơi thì lấy ai để nó học cùng?

Không biết bị cái gì kích thích, tôi lén lút đưa Trâm Anh tiền đóng phí cho chuyến đi. Tôi ra sao cũng được nhưng em gái nhất định phải được vui vẻ như bạn bè cùng trang lứa. Lúc ngồi học trong lớp, tôi còn chắc mẩm là tối nay phải thức trắng nghe nó tường thuật về chuyến đi từ A đến Z. Một cuộc điện thoại gọi đến, cắt ngang tiết học trong sự bực bội của thầy giáo dạy toán. Thầy giáo nhấc ống nghe, không kiên nhẫn nói vài câu rồi liếc mắt nhìn về phía tôi.

Chỉ vài giây ngắn ngủi, tôi tông cửa chạy như điên tới văn phòng. Trong căn phòng bận rộn, một giáo viên tốt bụng kéo tôi đang hoảng loạn lên xe, nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Lại một tiếng trôi qua. Ánh đèn chói sáng trên dãy hành lang không tài nào xua đi mây mù đang bủa vây lấy tôi. Máy điều hoà trong bệnh viện hoạt động với công xuất lớn, thổi vào từng đợt khí lạnh lẽo. Chân tôi như bị đông cứng trên sàn, bên tai vọng lại giọng nói của những con người xa lạ. Không biết qua bao lâu, ánh đèn cấp cứu phụt tắt, một bác sĩ bước ra, ông cởi khẩu trang để lộ khuôn mặt mệt mỏi sau cuộc phẫu thuật kéo dài. Tôi chậm chạp nhấc đôi chân mềm nhũn bước đến, ánh mắt hoảng loạn cầu xin.

"Bệnh nhân bị xuất huyết não, tạm thời đã qua cơn nguy hiểm. Chúng tôi cần phải quan sát thêm một thời gian, vì chấn thương ở đầu nên có lẽ sẽ để lại di chứng..."

Di chứng? Em gái tôi chỉ mới năm tuổi, vì cái gì mà nó phải trải qua những chuyện như thế này?

Trong nháy mắt tôi trở nên vô cùng tỉnh táo. Hoàn cảnh bây giờ không cho phép tôi sụp đổ mà ngược lại, sự căng thẳng càng buộc tôi phải bình tĩnh hơn. Sau khi trao đổi sơ qua về kết quả phẫu thuật, vị bác sĩ gật đầu đáp lại lời cảm ơn của tôi rồi nhanh chóng rời đi. Phía sau ông là mấy người hộ lý đẩy băng ca hướng về phòng hồi sức. Em tôi nằm bất động, khắp người gắm đầy kim truyền dịch, làn da tái nhợt không sức sống, đôi môi nức nẻ bên dưới máy thở đang mím chặt như thể rất đau. Như bị mộng du, tôi bước theo chiếc băng ca, hai mắt vô hồn dán vào bóng dáng suy yếu của Trâm Anh.

Đứng ngoài cửa, tôi cứng ngắc lấy điện thoại ra, ngón tay run rẩy bấm một dãy số. Đầu dây bên kia vang lên từng hồi chuông, sau cùng, giọng nói máy móc của tổng đài truyền tới, tôi vò đầu rồi ấn nút màu đỏ, chấm dứt tràng tiếng Anh bên tai. Lại gọi một cuộc điện thoại khác, kết quả vẫn không ai bắt máy. Tôi thấy mình sắp điên lên rồi, đến lúc này mới nhớ ra là điện thoại của mẹ đã không còn từ lâu. Dừng lại một lúc, tôi cắn răng gọi đến người đó.

"Hoàng Liên, có chuyện gì thì nói nhanh lên. Tao đang bận!"

Giọng nói cáu kỉnh của người đàn ông khiến tôi rùng mình. Đưa mắt nhìn vào giường bệnh, tôi cố sắp xếp câu từ của mình một cách rõ ràng:

"Trâm Anh đang ở bệnh viện, ông mau đến..."

Đầu dây bên kia không chút kiên nhẫn cắt ngang:

"Nó chết chưa?"

"..."

"Rõ rách chuyện! Trước khi tan tầm đừng có làm phiền tao. Mẹ con mấy người bớt gây chuyện đi, không thì đừng có trách!"

Tiếng dập máy dứt khoát truyền vào tai tôi. Quả nhiên... Người như ông ta đâu để con gái vào trong mắt, thậm chí mạng sống của nó cũng không buồn quan tâm. Mỉa mai thay, Trâm Anh và tôi đều có những ông bố máu lạnh như thế, ích kỷ và độc đoán.

Tiếng bước chân dồn dập vang lên, quay đầu lại, tôi nhìn thấy hai người cảnh sát bước đến. Một người cao lớn từ từ mở sổ tay ra, giọng nói hờ hững không nhanh không chậm "tường thuật" sự việc. Ở viện bảo tàng, Trâm Anh và một đám trẻ khác đùa giỡn với nhau. Không may thay, con bé trượt chân ngã xuống cầu thang, lúc đưa đến bệnh viện đã bị bất tỉnh.

"Tai nạn?" Tôi ngẩng đầu nhìn thẳng vào đôi mắt xanh lam của người đối diện. Nếu ai đó nhìn tôi lúc này, tôi chắc mẩm sự nghi ngờ to lớn của mình đủ để họ choáng váng.

Đùa giỡn kiểu gì mà mỗi mình em gái tôi phải sống dở chết giữa ở bệnh viện trong khi những đứa trẻ khác lại không thấy tăm hơi. Và cả sự khinh khỉnh nồng đậm toát ra từ hai người cảnh sát khiến tôi bừng tỉnh.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy căm tức một người đến thế. Vẻ mặt của người cảnh sát khi khẳng định tất cả chỉ là tai nạn gợi nhớ sự thờ ơ của người giám thị lúc tôi bị đánh hội đồng trước đây. Thời buổi bây giờ, người châu Á nhập cư như chúng tôi làm gì có tiếng nói trên cái đất Mỹ này. Dù tôi bị đám người kia đánh đến đổ máu, ban giám hiệu nhà trường cứ thế che dấu cho bọn đấy, nếu không quy hết trách nhiệm cho tôi thì cũng bảo là tai nạn.

Mà Trâm Anh, con bé dù bị trêu chọc đến mấy vẫn giữ im lặng sao bỗng nhiên lại xô xát với bọn trẻ kia.

Nhưng điều đó cũng không thay đổi được gì. Những người cảnh sát này sẽ không kiên nhẫn lắng nghe tôi giải thích hay tận tâm điều tra sự việc. Tôi cố nén cảm giác muốn đánh người lại, đến một nụ cười giả tạo cũng chẳng buồn quăng cho hai ngươi kia mà dứt khoát bước đi.

Ra khỏi bệnh viện, ánh nắng giữa trưa chiếu thẳng vào người khiến tôi choáng váng. Hít một hơi thật sâu, tôi nhìn dòng người tấp nập ra vào cổng cấp cứu rồi rảo bước trên đường. Không ít xe cộ chạy qua khiến cát bụi bay mù mịt, tôi hít thở khó khăn đi trên vỉa hè trước cái nhìn hiếu kỳ của những người khác. Ở khu vực quanh đây, phương tiện di chuyển chủ yếu là ô tô, trừ người vô gia cư thì hầu hết những ai đi lang thang trên đường đều là kẻ không bình thường, có khả năng là tội phạm cướp giật, chơi thuốc hoặc đem theo hàng cấm. Thiết nghĩ bây giờ, tôi đúng là không mấy tỉnh táo, sự uất ức cứ thế nhấn chìm tôi với những suy nghĩ điên rồ. Đi qua hai dãy nhà, quẹo phải ở đường Wilson rồi băng qua khu siêu thị giữa trung tâm thành phố, tấm biển hiệu nhà hàng không mấy nổi bật hiện ra trước mắt tôi.

Vừa mở cửa bước vào, một người phụ nữ nhanh chóng tiến tới, niềm nở chào hỏi bằng thứ tiếng Anh nghe không mấy thuận tại. Khi nhận ra tôi, nụ cười trên mặt bà chủ nhanh chóng biến mất.

"Mẹ cháu đâu rồi ạ?"

Tôi vừa mở miệng, hai mắt bà ta liền nheo lại, ánh nhìn sắc lẹm quét qua tôi từ trên xuống dưới, một chút thân thiện giả tạo vừa nãy biến mất không dấu vết. Cánh môi đỏ choét của bà ta nhếch lên, giọng điệu trào phúng sang sảng truyền vào tai tôi:

"Dưới bếp, đang giờ làm việc không gặp cháu được."

"Nhà cháu xảy ra chuyện, là việc khẩn cấp, mẹ cháu..."

Dinh dong!

Tiếng chuông gió trên cửa vang lên, vài vị khách bước vào cắt ngang cuộc nói chuyện. Người phụ nữ vừa nãy còn hặm hoẹ với tôi giờ đây lại cười tươi như gió xuân, hai tay cầm menu lướt nhanh như một cơn gió, đến chào hỏi khách hàng. Tôi nghiến răng, mùi đồ ăn gây mũi như một chất kích thích khiến cơn tức trong tôi bộc phát. Tôi mặc kệ tất cả, hướng phía phòng bếp chạy đến, khi nhìn thấy bóng dáng quen thuộc đang cặm cụi lắc chảo, tôi không kiềm chế được hét lên:

"Mẹ! Trâm Anh bị ngã chấn thương đầu. Mẹ mau đến bệnh viện đi!"

Phòng bếp ồn ào trong nháy mắt liền chìm vào im lặng. Khuôn mặt mẹ tôi trở nên trắng bệch, hai tay run rẩy kéo tôi chạy ra ngoài. Ra tới cửa, giọng của bà chủ giận dữ vang lên:

"Cô đứng lại cho tôi. Bây giờ đang đông khách mà cô dám bỏ việc? Nếu bước ra khỏi đây thì đừng bao giờ quay lại, tiền lương ngày hôm nay tôi sẽ không trả cô một đồng!"

Mẹ tôi khựng lại, bàn tay đang nắm tay tôi hơi run nhưng hình như nghĩ đến điều gì, ánh mắt bà thoáng hiện lên một tia kiên định. Bước chân bà nhanh hơn, phút chốc đã kéo tôi đến trước chiếc Chevrolet cũ kỹ. Nếu là trước đây, hẳn mẹ tôi sẽ cúi đầu chịu đựng bà chủ mắng chửi, nhưng bây giờ bà đang lo lắng cho Trâm Anh, hơi sức đâu quan tâm đến công việc và tiền bạc nữa.

Quãng đường mà tôi mất gần nửa tiếng đi bộ thì mẹ chỉ tốn bảy phút để lái xe đến. Nhìn thấy Trâm Anh, mẹ không kiềm được mà rơi nước mắt. Ngoại trừ lúc bố tôi ôm tiền chạy theo người phụ nữ khác bảy năm về trước, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến mẹ khóc tuyệt vọng như vậy.

Đau đớn và hơn cả, tôi hiểu mẹ đang tự trách bản thân không thể bảo vệ được con gái của mình. Mẹ đứng chôn chân bên cửa, khuôn mặt vùi trong hai bàn tay, tiếng nấc nghẹn vang lên đứt đoạn. Ngay khoảnh khắc này, tôi chỉ ước sao người nằm trên giường bệnh là tôi chứ không phải là Trâm Anh, đứa em gái bé bỏng của tôi. Hốc mắt bỗng chốc nóng lên, tôi quay lưng bước khỏi phòng bệnh. So với những người tôi căm ghét, mẹ và Trâm Anh càng dễ khiến tôi đau lòng hơn, bởi họ là người thân duy nhất của tôi, người mà tôi yêu quý. Không ai có quyền tổn thương họ!

Tại nạn...

Một tia lửa bén lên, trong cơn gió thổi qua cháy bừng, thiêu rụi sự hoảng hốt trong tôi. Phản chiếu qua khung cửa kính, ánh mắt tôi loé lên sự lạnh lẽo, che đậy những cơn sóng ngầm đang gào thét để được thoát ra.

Đến khi hoàn hồn lại, tôi thấy mình đã đứng trước cửa viện bảo tàng. Mua một tấm vé, tôi chậm rãi bước vào bên trong. Một khoảng không mở ra, bên dưới mái vòm bằng kính, những tia nắng phản chiếu vào hội trường đông đúc. Từng hàng người nối đuôi nhau di chuyển theo các khu trưng bày. Cách tôi vài bước chân, tấm băng rôn với dòng chữ nổi bật mà tôi tạm dịch là "Triển lãm thời kỳ đồ đá" được treo trên bức tường màu trắng. Cố giữ vẻ ngoài bình tĩnh, tôi rảo bước hoà vào dòng người đông đúc.

Bên trái đại sảnh là khu trưng bày dụng cụ của người vượn cổ ở châu Phi vào khoảng 3 triệu năm về trước. Cách lớp lăng kính, tôi nhận ra các dụng cụ sẫm màu được chế tạo từ nhiều kiểu đá khác nhau. Trong đó bao gồm đá lửa và đá phiến silic được mài nhọn để làm vũ khí, đá basalt và đá sa thạch được dùng để làm công cụ thô sơ. Bên cạnh đó còn có gỗ, xương và sừng động vật cũng được đẽo gọt và sử dụng.

Viện bảo tàng này quả thực rất kỳ diệu, vốn có chút đam mê với ngành khảo cổ, tôi không cưỡng được ánh mắt của mình quan sát xung quanh.

Chỉ là, khi nhìn thấy dải phân cách màu vàng ngay cạnh nơi trưng bày bộ xương của voi ma mút, niềm đam mê nhỏ nhoi bị dập tắt không thương tiếc. Tim tôi đập liên hồi, hai chân không tự chủ bước đến khu vực đó. Một vài người bảo vệ đang đứng chắn những vị khách hiếu kỳ trong khi các nhân viên vệ sinh tập trung lau chùi vết máu loang lổ. Máu! Mùi màu xộc vào mũi khiến lồng ngực tôi quặn lại, nếu tôi đoán không nhầm thì đây là máu của Trâm Anh, và nơi này hiển nhiên là vị trí con bé ngã xuống.

Càng nghĩ, hơi thở của tôi càng trở nên dồn dập. Tại sao cảnh sát không đến làm việc? Tại sao viện bảo tàng vẫn mở cửa khi chỉ cách đây vài giờ, em gái tôi suýt chết ở đây? Mọi chuyện thật sự chỉ là tai nạn?

Liếc mắt nhìn xung quanh, những con người xa lạ vẫn đang dạo chơi với niềm vui thích của họ, cảnh tượng náo nhiệt này như một cái gai đâm vào mắt tôi, mưng mủ rồi rỉ máu. Không ai quan tâm cả, Trâm Anh xảy ra chuyện gì cũng không có quan hệ tới họ, thế giới này vẫn cứ tàn nhẫn quay.

Không thể như vậy được! Ý nghĩ đó hiện ra, lớn dần rồi bám rễ vào bộ não tôi. Tôi đảo mắt, tầm nhìn bị thu hút bởi vật thể hình cầu được gắn ở các góc tường.

Camera ghi hình!

Một ý tượng điên rồ vụt lên trong đầu, tôi vội vàng chạy khắp viện bảo tàng rồi dừng chân trước phòng bảo an. Nếu không ai tra cho rõ ràng thì tôi sẽ làm. Hít một hơi thật sâu, tôi bình tĩnh đẩy cửa bước vào.

Bên trong căn phòng có bốn người bảo vệ đang trực ca, trước mặt họ là các màn hình giám sát từng ngóc ngách của viện bảo tàng. Tôi băn khoăn không biết phải làm thế nào. Bọn họ sẽ không để tôi xem hệ thống an ninh trừ khi có sự can thiệp của cảnh sát. Đầu óc tôi chuyển động, nhiều suy nghĩ tuôn ra cùng lúc khiến tôi không chú ý đến cái nhìn chăm chú của những người bảo vệ, cho đến khi một trong số họ đột ngột lên tiếng:

"Em gái, có chuyện gì vậy?"

Tôi hoàn hồn, nhanh chóng bày ra vẻ mặt hoảng sợ, đôi mắt chớp liên tục, cách lớp quần áo dùng tay véo vào eo, cố ý làm đau bản thân để nặng ra vài giọt nước mắt, giọng điệu đáng thương nói:

"Các anh làm ơn giúp tôi! Tôi... em gái của tôi bị lạc rồi. Tôi không biết nó đi đâu, tìm khắp nơi vẫn không thấy."

Ánh mắt của các bảo vệ thoáng qua chút ngạc nhiên, sau đó một người bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Anh ta mở ngăn kéo lấy ra chồng tờ đơn và cây bút máy rồi cũng ngồi xuống, đối diện với tôi. Bưng cốc cà phê uống một ngụm, anh ta máy móc hỏi:

"Họ tên?"

"Jesslyn Yang."

 
Chỉnh sửa lần cuối:

...nt

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
21/7/15
Bài viết
97
Gạo
0,0
Đọc hết phần trên, đến chỗ "Jesslyn Yang" mình chợt có thắc mắc: Nhân vật tôi là trai hay gái, người Việt Nam hay Trung Quốc hả bạn?
 
Chỉnh sửa lần cuối:

TheMoon._-

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/3/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Ủng hộ ủng hộ. Truyện có sức hút lắm bà. Cố gắng nhé, tui hóng chương hai à. Thật lòng thì tui thích truyện này hơn truyện trước bà ạ.
 

Cơm Khê

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/11/17
Bài viết
105
Gạo
400,0
Chương 2: Con cháu của Hitler
Tôi vừa nói dối. Bản tính đa nghi khiến tôi phòng bị tất cả, khi lừa gạt người khác tội gì phải khai tên thật. Jesslyn là tên của cô gái ngồi cạnh tôi trong lớp toán, Yang là họ của đa số người Lào ở đây. Người bảo vệ không chút nghi ngờ, anh ta nhấc bút điền vào cuốn sổ, có lẽ trong mắt anh ta, người Việt hay người Lào thì có gì khác nhau, nói tóm gọn thì chúng tôi đều được xếp vào diện da vàng. Năm giây sau, anh ta lại hỏi:

"Em gái cô?"

"Vanesa Yang."

"Vô tư? Xinh đẹp? Tên hay đấy!"

Tôi bặm mối, cố kiềm chế để không bật cười ra tiếng. Anh ta chẳng nhìn thấy cái tên tương tự ở tờ đơn bên cạnh hay sao, hoặc là anh ta sẽ chú ý với điều kiện bắt gặp vẻ mặt mỉa mai của tôi. Sau vài phút tra hỏi, người bảo vệ liền thông báo vào bộ đàm để những người khác bắt đầu tìm kiếm. Tôi cảm thấy không ổn, bèn "vô tình" đề nghị:

"Hay là các anh kiểm tra băng ghi hình đi, mọi người đâu biết em gái tôi trông ra sao."

Các bảo vệ nhìn nhau, tôi nhạy bén đọc được sự từ chối trong ánh mắt họ. Đến nước này, tôi chỉ có thế quăng ra quả bom khác:

"Nếu một lúc vẫn không tìm được em gái, tôi phải liên lạc với bố mẹ. Họ sẽ ngay lập tức gọi 911, tôi không muốn bị cảnh sát tra hỏi. Các anh phải giúp tôi!"

Người ngồi đối diện bỗng nhiên khựng lại, anh ta buông lỏng ngón tay, để mặc cây bút rơi xuống bàn. Ba bảo vệ khác ghé tai nhau trao đổi gì đấy, vẻ mặt họ thoáng chốc trầm xuống. Dính dáng đến cảnh sát chẳng bao giờ là một chuyện tốt đẹp, chưa kể trước đó còn xảy ra chuyện của Trâm Anh. Nếu sự việc nghiêm trọng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tôi căng thẳng chờ đợi, chưa tới vài phút, một bảo vệ liền gõ máy tính điều chỉnh hệ thống. Cùng trái tim đập loạn, tôi nhanh chóng dán mắt vào màn hình giám sát.

Nhác thấy bóng dáng của Trâm Anh suốt hiện ở camera số bốn, tôi giục người bảo vệ phóng to hình ảnh lên. Vài giờ trước, khu vực trưng bày bộ xương của voi ma mút đang chụp ảnh lưu niệm cho các học sinh. Bộ xương cao khoảng 4 mét rưỡi, Trâm Anh và một toán trẻ khác đi lên tầng hai, tôi đoán là để quan sát rõ hơn. Trâm Anh đứng ngay ngắn một chỗ, cả người con bé gói gọn trong chiếc áo khoác rộng thùng thình, hai tay bám vào lan can, hình như còn nhón chân, điệu bộ vô cùng hào hứng.

Đúng lúc đó, đám trẻ bên cạnh bỗng nhiên rướn người, không biết từ đâu lấy ra một đống vỏ chai rồi nghịch ngợm ném vào bộ xương bên dưới. Tôi lo lắng, theo quán tính liếc nhìn bốn người bảo vệ thì bắt gặp họ cũng đang chăm chú quan sát. Nghĩ ngợi một hồi bèn lén lút lấy điện thoại ra, tay khẽ trượt màn hình mở khoá.

Trên màn hình giám sát, một người phụ nữ khoảng 30 đi tới, tôi nhận ra đó là giáo viên của Trâm Anh. Thấy cô giáo, lũ nhóc bất ngờ đẩy chỗ vỏ chai còn lại về phía Trâm Anh, đồng loạt chỉ tay vào con bé như đang cáo trạng điều gì. Trâm Anh đứng sững một lúc, lát sau mới phản ứng lại liền bắt đầu giải thích. Dù đoạn ghi hình không có âm thanh, nhưng chỉ cần có đầu óc, ai cũng biết chuyện quỷ gì đang xảy ra. Tôi tức muốn phun lửa, thế này không phải lũ nhóc kia đang đổ tội cho con bé hay sao.

Một lúc sau đám trẻ bắt đầu xô xát, có mấy đứa nhóc thân hình mập mạp liền đẩy Trâm Anh. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, đến khi một bảo vệ hoảng hốt kêu lên thì tôi đã thấy em gái ngã xuống cầu thang, đầu đập vào nền đá bên cạnh bộ xương trưng bày. Trâm Anh nằm bất động, máu từ trán con bé chảy ra, nhuốm đỏ cả khuôn mặt. Thời gian bỗng chốc ngừng lại, tôi trơ mắt nhìn vào màn hình, đầu óc loáng cái như bị ai lấy mất tri giác, trống rỗng đến ngây dại. Một giây sau, cơn giận trong người bùng nổ, tôi đập mạnh vào bàn rồi đứng bật dậy, suy nghĩ trong đại não không chút kìm nén theo khoang miệng thoát ra:

"Giết người! Giết người!"

Âm thanh cực lớn khiến bốn người bảo vệ sững sờ. Tôi như phát điên túm lấy cánh tay của người bên cạnh, gằn từng chữ một:

"Bọn chúng đâu? Những kẻ đẩy con bé đâu rồi? Các người đã bắt bọn chúng chưa?"

Người vừa điền đơn cho tôi nhanh chóng phản ứng lại, anh ta đứng lên chắn giữa tôi và màn hình giám sát, giọng nói hạ thấp trấn an:

"Cô bình tĩnh đi! Đây là tai nạn, cảnh sát đã đóng hồ sơ..."

Không chờ anh ta nói hết câu, tôi liền đưa chân đạp mạnh vào chiếc bàn bên cạnh. Chiếc bàn đập vào tường vang lên âm thanh chói tai, đồ đạc trên bàn rơi xuống, vương vãi khắp phòng. Tôi dùng sức đẩy người bảo vệ đứng chắn trước cửa, giày dẫm lên mảnh vỡ của cốc cà phê chạy vọt ra ngoài.

Hay cho hai chữ "Tai nạn", chứng cứ một hai thế kia mà bọn họ vẫn khăng khăng khẳng định là tai nạn.

Khốn kiếp!

Tôi lớn tiếng nguyền rủa, từng tế bào trong người sôi trào mãnh liệt, toàn thân bổ nhào ra khỏi viện bảo tàng, chạy một mạch đến đồn cảnh sát. Tôi phải báo án! Mặc kệ hung thủ chỉ là một đám nhóc, đây rõ ràng là hành vi phạm tội, cố ý gây thương tích. Những gì mà Trâm Anh đã trải qua, tôi phải khiến bọn chúng nhận đủ.

Nhưng mà, ông trời dường như lờ đi sự bất bình của tôi. Trong đồn cảnh sát, người phụ trách điều tra lại lần nữa khẳng định đây là một tai nạn. Lúc tôi đề cập đến đoạn băng ghi hình ở viện bảo tàng, người cảnh sát nhíu mày rồi gọi đi một cú điện thoại. Đến khi chân tôi tê rần vì đứng quá lâu, người cảnh sát mới cầm một tập tài liệu đi đến trước mặt tôi. Anh ta nói:

"Bên viện bảo tàng vừa thông báo là camera giám sát đã gặp trục trặc, hiện tại không có bằng chứng chứng minh những điều cô vừa nói. Tôi lặp lại lần cuối, em gái cô bị ngã là một tai nạn! Phía nhà trường cũng đã giải thích vụ việc rõ ràng. Giám đốc viện bảo tàng yêu cầu cảnh sát nhanh chóng chấm dứt điều tra, tránh làm ảnh hưởng đến buổi triển lãm. Đây là hồ sơ, cô có thể xem qua."

Nói rồi người cảnh sát đẩy tập tài liệu về phía tôi. Không kịp suy nghĩ, tôi cầm lấy hồ sơ mở ra, đưa mắt nhìn từng hàng chữ đánh máy rồi nhìn sang người cảnh sát, kinh ngạc không thốt nên lời.

"Được rồi, mọi việc chấm dứt ở đây." Thoáng nhìn chiếc đồng hồ trên tay, người cảnh sát mất kiên nhẫn nói: "Trời sắp tối rồi, cô mau về nhà kẻo bố mẹ lại lo lắng."

Tôi rủ mắt, miệng không ngừng lẩm bẩm:

"Nói láo! Các người thông đồng với nhau. Rõ ràng tôi đã thấy..."

"Đủ rồi!" Người cảnh sát nổi giận. Anh ta lớn tiếng khiến mọi người trong phòng xì xầm bàn tán.

"Này cô, cẩn thận với lời nói của mình. Đây là đồn cảnh sát, chúng tôi không có thời gian đùa giỡn với cô."

Tôi thẫn thờ bước đi. Trời lúc này đã nhá nhem tối. Mặt trời ngã về phía tây để lại ánh chiều tà màu đỏ, chiếu lên người tôi tạo nên vệt bóng đổ dài trên mặt đường. Được một lúc, tôi quay đầu lại nhìn đồn cảnh sát. Giữa toà nhà, biểu tượng cán cân công lý dưới ánh đèn trở nên vô cùng chói mắt. Đây là thứ mà người ta vẫn gọi là pháp luật? Công bằng ở chỗ nào?

Chính mắt tôi đã trông thấy đoạn băng ghi hình, thế quái nào bây giờ lại gặp trục trặc. Nhà trường và cả viện bảo tàng, tại sao họ phải làm vậy? Một bên muốn thoát khỏi trách nhiệm, một bên lại không muốn tai tiếng, nếu vậy, em gái tôi thì sao? Họ có tiền, có quyền liền dễ dàng đổi trắng thay đen?

Điện thoại vang lên đột ngột kéo tôi về thực tại. Liếc nhìn người gọi đến, tôi quyết định ngắc máy. Vài giây sau, điện thoại lại rung lên, tiếng chuông dồn dập khiến tôi vô cùng nhức đầu.

"Liên, có chuyện gì vậy? Sao hôm nay cậu không đi học?" Giọng Max ồn ào bên tai khiến tôi thấy mệt mỏi. Quyết định không nói năng, để mặc hắn độc thoại một mình. Ngừng một lúc, như phát hiện điều gì, giọng Max bỗng trầm xuống:

"Ê, cậu đang ở đâu?"

"..."

"Có nghe không đấy? Làm gì mà câm như hến thế!"

"Max, tiền không mua được thứ gì?" Tôi thì thào hỏi.

Đầu dây bên kia rơi vào im lặng, khi tôi tưởng hắn đã ngắc máy thì Max mới lên tiếng:

"Dư luận. Tiền không thể áp chế được miệng lưỡi của người đời." Max khẳng định vô cùng chắc chắn, nhớ lại bố cậu ta là ai, trong lòng tôi lặng lẽ đồng ý.

"Bố cậu có trong thành phố không? Tôi cần cậu giúp một việc..."

...

Bước vào bệnh viện, cảm giác khó thở lại vô thức ập đến. Không khí ở đây rất nặng nề, cứ như tâm trạng bây giờ của tôi vậy. Mở cửa phòng bệnh, tôi nghi hoặc nhìn mẹ mặc áo len cổ lọ, toàn thân kín mít không một kẻ hở. Đúng là nhiệt độ về đêm hơi lạnh, nhưng tôi nhớ là mẹ thích mang quần áo vừa rộng vừa thoáng để tránh cảm giác bí bách. Có lẽ bà vừa về nhà thay đồ, mùi thức ăn ở nhà hàng dù sao cũng không thích hợp trong phòng bệnh. Nhìn đôi mắt mẹ đỏ hoe, nổi chua xót lại dâng lên, dập tắt sự nghi ngờ thoáng qua.

"Trâm Anh không sao đâu, con bé rất kiên cường." Tôi mở miệng phá tan sự im lặng của căn phòng.

Mẹ xoay người, ánh mắt bà toát lên sự bi thương mờ mịt khiến tôi nuốt lại những lời an ủi sau đó. Tôi nhận ra mình thật yếu đuối, bản thân tôi lúc này không đủ mạnh mẽ để mẹ có thể dựa vào. Nếu như tôi vẫn còn có bố, ông ấy sẽ không để những chuyện như thế này xảy ra, ít nhất, sẽ có người bảo vệ mẹ con tôi. Nhưng mà cuộc đời làm gì có nếu như, càng nghĩ tôi càng tự giễu chính mình.

"Vũ Phước đâu? Tan tầm lâu rồi sao ông ta chưa đến thăm Trâm Anh?"

Mẹ tôi thoáng cứng người, đôi mắt bà lướt qua một cảm xúc khó nắm bắt. Nhắc đến ông bố dượng này, tôi lại thấy châm chọc. Con gái bị ngã chưa rõ sống chết mà ông ta lại vô tâm như thế, chẳng khác gì một người xa lạ. Cơn giận vô cớ lại bốc lên, tôi vội vàng bước đến rót một cốc nước để hạ hoả. Lúc đi qua góc giường vô tình va phải cánh tay đang buông thỏng của mẹ. Vừa quay người, tôi liền nhìn thấy nét mặt đau đớn của bà, cứ như cú huých nhẹ khi nãy vô cùng nghiêm trọng. Như nghĩ đến điều gì, tôi lao đến túm lấy tay mẹ, kéo ống áo len lên, những vết bầm tím đen trần trụi lọt vào mắt tôi.

Ầm một tiếng, tôi như nghe thấy tiếng sét đánh ngang đầu, thiêu tôi đến ngoài khét trong sống. Ai có thể giải thích đây là chuyện gì! Cứng ngắc ngẩng đầu lên, tôi nghiến răng hỏi mẹ:

"Ông ta đánh?"

Mẹ tôi giật mình, toan rút tay giấu ra sau lưng, khuôn mặt hoảng loạn nhìn tôi. Chẳng trách mẹ lại mặc áo len kín mít, chẳng trách ông ta không hề đến bệnh viện.

"Mới vừa nãy sao? Ông ta dám đánh mẹ!"

Tôi lên giọng khẳng định, cảm xúc phẫn nộ dường như vượt khỏi sự kiểm soát, tôi lúc này chỉ muốn băm vằm tên đàn ông vũ phu đó thành trăm mảnh.

"Thôi con, mẹ không sao đâu."

"Bị đánh đến mức này mà bảo là không sao, mẹ vì cái gì phải cam chịu như thế?" Tôi quát lên, hai tay nhanh chóng mở điện thoại, bấm ba số gọi cảnh sát. Tôi phải tống ông ta vào tù thì mới hả dạ, loại người khốn kiếp như thế đáng lẽ phải vào trại giam bóc lịch từ lâu rồi. Mẹ tôi hoảng hốt cản lại, nước mắt bà lần nữa tuôn rơi:

"Đừng, ông ta là bố của Trâm Anh!"

Bố của Trâm Anh...

Phải rồi, tôi đang cố đẩy bố của em gái mình vào tù. Sau đó thì sao, Trâm Anh sẽ đối mặt với tôi như thế nào? Con bé sẽ hiểu cho người chị này hay là... căm ghét tôi?

"Xin chào, đây là 911. Trường hợp khẩn cấp của bạn là gì?"

"..."

"Xin chào... tút... tút..."

Ấn nút ngắc cuộc gọi, tôi đột ngột cười phá lên. Ôi hương vị cuộc đời, sống mười bảy năm, lần đầu tiên tôi cảm thấy cay đắng đến thế. Con người không phải lúc nào cũng có quyền chọn lựa, nếu mọi chuyện chỉ đơn giản là một phương trình toán học có nhiều cách giải thì chúng tôi đã được giải thoát từ lâu, cái ngày này cũng không bao giờ tới.

Thứ chất lỏng nóng hổi trượt qua bờ má, nước mắt tủi nhục mà đau thương như lũ tràn đê, rơi vào khoang miệng tôi mặn chát. Rốt cuộc là vì nguyên nhân gì? Không lẽ như thầy Brown, ông giáo già trong trường vẫn hay tin vào luật nhân quả, cho rằng kiếp trước tôi là một tên độc tài chuyên đi huỷ diệt thế giới nên giờ phải chịu quả báo?

Hoặc có thể, tôi là con cháu của Hitler chăng?!

Đấu tranh hay buông bỏ, hai con đường rõ ràng trái ngược đến thế, tại sao tôi vẫn không thể lựa chọn?

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cơm Khê

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/11/17
Bài viết
105
Gạo
400,0
Chương 3: Giới hạn cuối cùng
Cuối tháng chín, cái lạnh về đêm như muốn đem người ta đông thành băng tảng. Bắt chuyến xe bus cuối cùng, tôi về nhà với tâm trạng rối như tơ vò. Đứng trước khu chung cư tưởng chừng vô cùng quen thuộc, tôi phát giác chính mình chưa bao giờ xem nơi này là nhà. Bởi vì, không gian chật hẹp trong hai gian phòng cho thuê cùng sự hiện diện của ông bố dượng trời đánh không bao giờ khiến tôi cảm thấy an toàn. Bây giờ cũng đã khuya, hầu hết mọi người đều ngủ say, khu chưng cư ồn ào theo đó chìm vào sự yên lặng hiếm có. Sau tất cả, tôi thật hy vọng sẽ không chạm mặt Vũ Phước vào lúc này. Ôm tâm lý may mắn, tôi nhẹ nhàng tra chìa khoá rồi mở cánh cửa gỗ bằng ván ép ra.

Thực tế chứng mình là hai chữ may mắn chẳng bao giờ liên quan đến tôi. Vừa đặt chân vào cửa, mùi rượu nồng nặc thoáng chốc lấp đầy khoang mũi. Nhìn đống vỏ chai lộn xộn trên sàn, tôi từ bỏ ý định cởi giày mà dẫm lên tấm thảm đi luôn vào phòng khách. Vũ Phước ngồi trên ghế sofa, mặt ông ta đỏ bừng, ánh mắt đờ đẫn, miệng vừa uống rượu vừa lầm bầm những câu từ vô nghĩa. Tôi nhếch miệng, bộ dạng say bí tỉ của ông ta càng khiến tôi thêm khinh thường. Rượu chè, cờ bạc, lại thêm bản tính bạo lực gia trưởng, thứ đàn ông như thế trong mắt tôi chẳng bằng một con kiến. Tháng trước, ông ta còn kêu gào là không đủ tiền đóng bảo hiểm xe vậy mà bây giờ lại khiêng về một đống rượu đắt đỏ. Sau khi đánh vợ và bỏ mặc con gái ở bệnh viện liền vui vẻ hưởng thụ cuộc sống. Thật muốn cầm cái gạc tàn ném vào bản mặt trơ tráo của ông ta.

Nhớ đến Trâm Anh vẫn còn hôn mê, tôi tự nhủ chính mình phải bình tĩnh. Quên đi, loại người như ông ta không đáng để dây vào lúc này, tôi trở về là để lấy vài bộ quần áo và giấy tờ cần thiết làm thủ tục nằm viện cho em gái. Mới bước thêm hai bước, một chai rượu bất ngờ bay sượt qua trán tôi, đập mạnh vào tường rồi vỡ thành nhiều mảnh. Chưa kịp hoàn hồn, Vũ Phước đã rống lên:

"Con kia, mày đi đâu giờ này mới về?"

"Tôi đi đâu liên quan gì tới ông." Tôi nổi nóng quát lại.

"Á à, con này láo! Ông nuôi mày bấy lâu, giờ đủ lông đủ cánh nên làm phản phải không? Mày và con mẹ mày thật giống nhau, đều là lũ vô ơn. Đi nấu cơm cho tao, không ông đây đánh chết..."

Tôi tức điên, lý trí tạo dựng ban đầu vì mấy câu nói này mà bay biến. Cảm tưởng như toàn bộ máu đang đồng loạt dồn lên não, tôi cuộn tay thành nắm đấm, nghiến răng nghiến lợi hét thẳng vào mặt ông ta:

"Mẹ tôi mới là người nuôi tôi! Mấy năm qua, tôi chưa động vào một đồng nào của ông hết, tôi không phải là osin, ông không có quyền lên giọng ở đây, càng không có quyền sỉ vả mẹ tôi. Ông dám động vào mẹ tôi lần nữa, tôi liền liều mạng với ông!"

Chát!

Một bên má đột nhiên đau điếng, cái tát kia không chút kiêng nể giáng xuống mặt tôi. Đầu óc tôi choáng váng, khi đứng vững, tôi mơ hồ cảm nhận một dòng chất lỏng nóng ẩm chảy ra từ khoé mũi. Mùi máu tanh nồng như châm ngòi cho sự điên loạn của Vũ Phước, ông ta túm tóc tôi đẩy xuống ghế sofa. Sau đó, ông ta bổ nhào lên, hai bàn tay thô ráp bóp cổ tôi, ánh mắt đục ngầu hằn lên từng tia máu, như một con quỷ đang hăm he tướt đoạt mạng sống. Cổ họng bị siết chặt, hô hấp gián đoạn khiến lồng ngực tôi quặn lại, khi khí ôxy trong phổi dần bị rút cạn, tầm mắt tôi mờ đi, mọi thứ xung quanh trở nên quay cuồng.

Cái chết gần kề thoáng chốc làm tôi bừng tỉnh.

Không thể chết như vậy được!

Bản năng sinh tồn như tiếp thêm sức mạnh, tôi vươn tay đâm vào mắt Vũ Phước, nhân lúc ông ta đang che mắt kêu lên thì dùng hai chân đá mạnh một cái. Vũ Phước ngã lăn xuống sàn, cánh tay tóm cổ tôi theo sức nặng của ông ta đồng thời kéo rách một bên áo. Ngay lập tức, tôi ôm cổ ho khan, miệng há lớn cố gắng hít từng ngụm khí một cách chật vật. Đến lúc này tôi mới chợt hiểu, được sống và hít thở thật hạnh phúc đến nhường nào. Ngẩng đầu lên, tôi bắt gặp ánh mắt khác thường của Vũ Phước. Ông ta nhìn chằm chằm vào mảng da bị lộ ra trên vai của tôi, hơi thở trở nên dồn dập, yết hầu di chuyển lên xuống, ánh mắt kia sẫm lại, mang theo sự điên cuồng cùng cái gì đấy rất lạ. Tôi vô thức run lên, toàn bộ tế bào thần kinh tự nhiên căng ra, rung lên từng hồi chuông báo động khiến tôi muốn chạy trốn.

Bỗng, ông ta cười phá lên, nụ cười nham nhở cùng ánh mắt đục ngầu làm sống lưng tôi lạnh toát. Ông ta loạng choạng đứng lên, chầm chậm tiến về phía tôi.

"Trông được đấy, khuôn mặt trắng trẻo... da dẻ mịn màng... Ông đây còn chưa chạm qua loại gái như mày."

"Ông... ông muốn làm gì? Đừng có tới đây... khốn kiếp... ông cút cho tôi!" Tôi rủn rẩy hét lên, cả người lùi về phía sau, hai tay hoảng loạn kéo áo cố che bả vai lại.

Như đang nghe chuyện cười, gã bố dượng lắc cổ một cái rồi đột nhiên dừng lại, miệng ông ta càng mở rộng hơn, để lộ hàm răng vàng khè vì hút thuốc lâu năm. Nháy mắt, ông ta liền lao đến, cơ thể nặng nề của người đàn ông trưởng thành không báo trước đè lên người tôi. Hai tay ông ta bắt đầu sờ soạng, mặt ông ta sán lại gần, mùi rượu phả vào mũi khiến tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi sợ hãi vùng vẫy, móng tay cào cáu lung tung, lúc tay ông ta chạm vào mặt liền há miệng cắn thật mạnh, mặc ông ta kêu gào, hai hàm răng vẫn nghiến chặt da thịt cho tới khi rướm máu.

Vũ Phước nổi điên tát tôi một cái, khuôn mặt trở nên bỏng rát, cằm tê nhức như muốn vỡ ra, khoang miệng lúc này chỉ toàn máu và máu. Đầu tôi váng lên, sức lực trong người thoáng chốc bị rút cạn, chút phản kháng yếu ớt trước đó hoàn toàn biến mất. Nước mắt không kiềm chế được thi nhau rơi xuống, hai tay tôi buông thỏng bên ghế sofa, đôi mắt vô hồn nhìn vào một điểm bất định trên trần nhà.

Đau đớn. Tuyệt vọng. Tai tôi ù đi, mọi âm thanh đột ngột biến mất để lại lòng tin trong tôi vỡ vụn, tan biến vào không khí. Đến cuối cùng tôi vẫn không thể bảo vệ được chính mình khỏi kẻ mà tôi vô cùng căm ghét, khỏi số phận nghiệt ngã và tương lai u tối đang chờ tôi phía trước.

Ngay lúc đầu óc tôi trở nên trống rỗng, một bóng người lao đến, đánh ngã sức nặng trên người tôi. Là ai? Tôi không thấy rõ, hình ảnh rời rạc truyền tới mắt tôi, bên tai vang lên âm thanh la hét đứt đoạn. Mệt quá, đầu óc lại quay mòng. Tôi ngây người nằm bất động như một con rối, không linh hồn, không cảm xúc, không một chút ý thức về mọi thứ xung quanh.

Cho đến khi...

Choang!

Mảnh thuỷ tinh bén nhọn bay khắp nơi, vài mảnh vỡ cắt vào tay tôi truyền đến cơn đau nhức. Cùng lúc đó, một ít máu bắn lên mặt tôi, mùi tanh nồng xộc thẳng vào mũi, kích thích bộ não ngưng đọng. Nhắm mắt lại, âm thanh xung quanh bỗng trở nên rõ ràng. Mở mắt ra, hình ảnh truyền tới vô cùng rõ nét.

Bên cạnh chiếc bàn gỗ, Vũ Phước ôm đầu đầy máu đang chật vật dựa vào, khuôn mặt ông ta vặn vẹo trông rất dữ tợn. Đối diện, mẹ tôi không ngừng gào thét, hai tay bà nắm chặt một vỏ chai rượu đã bị vỡ nát, trên mảnh chai còn dính không ít máu. Khuôn mặt mẹ không còn sự dịu dàng vốn có, thay vào đó, đôi mắt bà tràn đầy phẫn nộ, toàn bộ cảm xúc dồn nén bấy lâu đều theo đó thoát ra. Mẹ lúc này cứ như một người khác, dáng vẻ liều mạng không chút sợ sệt đứng chắn bên cạnh khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm áp.

Vũ Phước kinh ngạc trợn mắt, vẻ mặt không tin được nhìn mẹ tôi:

"Mày dám đánh tao?"

"Tôi đánh đấy thì sao! Ông dám động vào con gái tôi? Vũ Phước, ông là tên khốn nạn! Cút! Cút ngay cho tôi. Ông mà không cút thì hôm nay tôi liền giết ông!"

Vừa nói, mẹ tôi vừa lăm le vỏ chai bén nhọn tiến về phía ông ta, điệu bộ hung ác như một thần chết đoạt mạng. Vũ Phước sững người, trên mặt thoáng chút sợ hãi, cuối cùng ông ta đành vịn vào bờ tường, cả người chậm chạp đi về phía cửa. Trước khi đi, ông ta còn cố tỏ vẻ hung dữ, đe doạ một câu:

"Chúng mày cứ chờ đấy, tao không tha cho mẹ con chúng mày đâu!"

Chờ ông ta đi khỏi, mẹ mới buông vỏ chai rồi run rẩy bước về phía tôi. Nhìn chiếc áo sơ mi không còn mấy phần lành lặn cộng thêm khuôn mặt đầy máu, mẹ hốt hoảng dùng sức đẩy tôi mấy cái, giọng khản đặc gọi:

"Liên... Liên..."

"Con không sao, ông ta chưa kịp làm gì cả." Tôi thấp giọng cắt ngang, vẻ mặt bình tĩnh nhìn mẹ. Tôi vừa mở miệng, mẹ liền ôm tôi vào lòng, bà ôm tôi thật chặt như để an ủi tôi và an ủi chính bà.

Lồng ngực mẹ phập phồng, được một lúc, bà mới nghẹn ngào lên tiếng:

"Mẹ xin lỗi, là lỗi tại mẹ. Mẹ không bảo vệ được các con..."

Tôi im lặng. Nước mắt mẹ không ngừng rơi trên vai khiến tôi cảm thấy bức bối. Do dự một lúc, tôi đưa tay vỗ nhẹ lên lưng mẹ. Thế cũng tốt, mọi chuyện có thể giải quyết một lần thì sau này sẽ thoải mái hơn. Đau ngắn còn hơn đau dài, kể từ ngày hôm nay, cái tên Vũ Phước sẽ không còn liên quan gì đến mẹ con tôi nữa. Tôi muốn mẹ được khóc thật thoải mái, khóc ra hết những ấm ức và đau khổ bà phải chịu đựng trước đây, để rồi ngày mai, bà có thể cười và bắt đầu một cuộc sống mới.

...

Khi chúng tôi đến bệnh viện thì trời đã tờ mờ sáng. Dù đã tắm qua rồi thay một bộ quần áo mới, mùi máu tanh trộn lẫn mùi rượu vẫn đâu đó quấn lấy tôi. Vết cắt trên tay tôi được băng bó sơ qua, ngoại trừ vệt máu đỏ thấm trên gạc băng thì tôi không còn cảm thấy đau nhức. Có lẽ trong lòng tôi có nhiều thứ để quan tâm hơn là cơn đau không đáng kể từ da thịt. Mẹ trông thấy thì hoảng cả lên, một mực bắt tôi phải để bác sĩ khám qua. Giằng co hồi lâu, vì không muốn để mẹ lo lắng nên tôi đành ghé qua khu trực của bác sĩ để kiểm tra, nhân tiện hỏi thăm một chút về tình hình của Trâm Anh.

Vị bác sĩ trẻ tuổi ái ngại liếc nhìn vết bầm trên cổ rồi lại đánh mắt sang cánh tay bị thương của tôi, điệu bộ muốn nói rồi lại thôi. Nhìn một lúc, anh ta hắng giọng rồi lên tiếng:

"Em bị sao vậy? Những vết thương này từ đâu đến? Không có gì phải sợ, chỉ cần nói ra mọi người sẽ giúp em. Có phải là do bố mẹ em..."

Bố mẹ tôi làm sao? Không lẽ anh chàng bác sĩ nghĩ tôi bị bạo hành gia đình? Dù sự thật không sai lệch là mấy nhưng bây giờ chưa phải là lúc tôi nên làm lớn chuyện. Tôi nhìn thẳng vào mắt bác sĩ, điều chỉnh nét mặt ra điều bình thản nói:

"Không phải đâu ạ, buổi tối ra đường gặp phải kẻ điên, bây giờ không sao rồi."

Anh chàng bác sĩ vẫn phần nào nghi ngờ, ánh mắt sáng rực như rada quét qua tôi một vòng. Khi có vẻ chắc chắn là tôi nói thật, anh ta thở dài rồi mang găng tay vào, bảo tôi nới lỏng cổ áo để bắt đầu kiểm tra. Tôi cứ nghĩ là mình không sao cả, điều tồi tệ nhất cũng đã qua đi, tôi không sợ Vũ Phước cũng như hành động đốn mạt của ông ta. Thế nhưng, khi bác sĩ vừa đưa tay chạm vào tôi, những hình ảnh trước đó tựa một cuốn phim lỗi không ngừng xoẹt qua, tua đi tua lại khoảnh khắc đáng sợ đó. Sự động chạm của người bác sĩ như tạo ra một tia lửa điện, chạy thẳng lên não tôi.

Bất thình lình, tôi gạt tay người bác sĩ ra xa, trước nét mặt hoảng hốt của anh ta liền không nói gì mà chạy thẳng khỏi đó. Vừa chạy vào nhà vệ sinh, tôi không kiềm được mà nôn thốc nôn tháo. Nguyên ngày trời không ăn gì nên dạ dày trống rỗng, tôi ôm toilet ói xuống thứ dịch mật xanh trắng. Cảm giác khi ông ta chạm vào làm tôi thấy ghê tởm, ruột gan phèo phổi đều muốn nôn hết ra ngoài. Nước mắt bỗng trào ra, tôi kích động đưa hai tay chà sát cho đến khi vùng da trên cổ và bả vai trở nên rát bỏng. Nơi ông ta chạm qua như bị hàng trăm con rắn quấn lấy, trườn bò qua lại khiến tôi vô cùng khó chịu.

Tôi mệt mỏi dựa vào vách cửa, cả người co rúm một chỗ, khuôn mặt chôn chặt giữa hai chân không ngừng run rẩy. Đến lúc bình tĩnh lại, tôi mở vòi rửa tay rồi úp mặt xuống chậu nước. Một phút, hai phút, cảm giác khó chịu khi nước xộc vào mũi ép bộ não tôi hoạt động trở lại.

Ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy một khuôn mặt tái nhợt trong gương, đôi mắt đỏ ngầu mang theo nhiều cảm xúc hỗn loạn. Những chuyện vừa xảy ra đã thành công đẩy tôi đến giới hạn cuối cùng, nhẫn nhịn và im lặng không mang lại được gì ngoài việc đẩy mình vào tận cùng của sự đau khổ. Đưa tay vuốt giọt nước trên mặt, trong lòng tôi âm thầm đưa ra quyết định. Tôi muốn đánh cược bởi vì tôi không còn gì để mất.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

lee kery

Gà con
Tham gia
21/1/18
Bài viết
31
Gạo
0,0
Đúng vậy, đúng vậy Việt Nam đã nói là làm, chị nhớ viết nhanh nha:tho23::tho23:.
 

Cơm Khê

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/11/17
Bài viết
105
Gạo
400,0
Chương 4: Bao nhiêu là đủ?
Trâm Anh vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, các chỉ số của con bé cứ lên lên xuống xuống khiến tôi và mẹ như ngồi trên đống lửa. Lúc sáng bác sĩ vừa bảo vết mổ đang khép miệng thì giữa trưa lại phải vào phòng giải phẫu vì não bị tụ máu. Chập tối, máy đo nhịp tim kêu lên liên tục vì con bé bị sốc thuốc. Trâm Anh lên cơn co giật, mặt mũi tím tái, miệng không ngừng sủi bọt.

Mẹ tôi ngồi cạnh nắm tay em gái mãi không buông, tôi bị doạ đến thở mạnh cũng chẳng dám. Chỉ cần mẹ hét lên là tôi chạy đến phòng trực gào tên bác sĩ, điều dưỡng rồi nửa cầu xin, nửa lôi kéo đưa họ đến kiểm tra. Chạy lòng vòng khắp nơi, tay chân tôi mệt mỏi rả rời, cảm tưởng cơ thể mình không còn nghe theo sự điều khiển của bộ não. Qua một đêm, mẹ tôi như già đi chục tuổi, vành mắt thâm đen, các nếp nhăn hằn lên sâu hơn trên khuôn mặt tiều tụy.

Nhiều khi tôi tự hỏi: đâu mới là điểm dừng?

Cuộc đời mẹ trải dài cả hành trình kham khổ, được ghép nên từ những mảnh vỡ chắp vá. Ông bà ngoại mất sớm, mẹ phải sống nương nhờ nhà chú thím như một đứa ở, suốt ngày bị la mắng đánh đập. Đến tuổi cập kê, mẹ được chú gả cho bố tôi. Thời giải phóng, cuộc sống nghèo đói khiến con người ta chỉ mong có cơm gạo để ăn chứ hơi sức đâu mà lo cho hạnh phúc. Đến ngày cưới, mẹ tôi thậm chí còn không biết mặt người sẽ trở thành chồng mình. Quá trình lại hết sức đơn giản, sáng mùng ba tết của nhiều năm về trước, bố tôi mặc bộ áo dài cũ kỹ mượn được từ ông giáo trong làng, hai tay xách chum rượu cùng vài buồng cau tới cửa rước vợ. Không của hồi môn, cũng chẳng có cái lễ ra hồn, hai người trẻ sau khi thắp hương khấn vái tổ tiên liền trở thành vợ chồng.

Bố mẹ tôi làm lụng vất vả, bẵng vài năm cũng có chút của ăn của để. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, ngờ đâu sóng gió đột ngột ập đến. Ông bà nội tôi vượt biên sang Mỹ vốn biệt vô âm tín nhiều năm bỗng gửi thư về báo tin. Sau quãng thời gian dài liên lạc, ông bà nội thi quốc tịch rồi làm giấy tờ bảo lãnh cả nhà tôi sang Mỹ. Tôi lúc ấy còn quá nhỏ để nhớ rõ từng việc, chớp mắt, bố mẹ mang theo tôi chân ướt chân ráo băng qua đại dương đến vùng đất xa lạ.

Năm ấy, tôi tròn chín tuổi.

Cuộc sống của người nhập cư, cay đắng trăm phần!

Rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt văn hoá, rồi cạnh tranh cao trong công việc, kỳ thị chủng tộc, vân vân và mây mây. Giữa một cộng đồng, người bản xứ xem chúng tôi là cái gai trong mắt còn người Việt lâu năm lại thích vùi dập những người mới đến. Nói sao nhỉ, khi con người ta sống dưới tận cùng của xã hội, họ muốn khiến tầng lớp khác đau khổ hơn để chứng minh giá trị của bản thân, để ảo tưởng rằng mình vẫn đang hạnh phúc. Quá nhiều chuyện xảy ra khiến mọi thứ dần dần đổ vỡ. Bản chất con người cũng bị bóp méo đến vặn vẹo. Tôi dám khẳng định rằng, không có người nhập cư nào mà bình thường được. Nhẹ thì tự kỷ trầm cảm, nặng chắc mắc bệnh tâm thần, suốt ngày phát rồ kéo người khác cùng điên.

Bố mẹ tôi bắt đầu cãi vã, trước chỉ lớn tiếng quát mắng vài câu, lâu dần liền thường xuyên như cơm bữa. Bố tôi ra ngoài bị người khác miệt thị gây áp lực mà chẳng thể đáp trả, cứ thế, tôi và mẹ trở thành đối tượng trút giận của ông. Đỉnh điểm là khi bố tôi phát sinh quan hệ với một đồng nghiệp tại nhà hàng nơi ông làm việc. Người phụ nữ thứ ba... nói trắng ra, đó chính là ngòi nổ kích hoạt quả bom ngầm vốn ẩn mình dưới lớp vỏ gia đình rỗng tuếch.

Đúng hai năm kể từ khi đến Mỹ, bố mẹ tôi ly hôn. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bố tôi không vơ vét tất cả tiền bạc cùng người phụ nữ kia bỏ đi. Người đàn ông đó phủi sạch toàn bộ quan hệ, ích kỷ và tồi tệ đến mức tôi không thể gọi một tiếng "Bố".

Ông bà nội vừa đau buồn, vừa tự trách vì đã mang gia đình tôi đến đây, kéo bố mẹ tôi xuống vũng bùn lầy lội giữa đất Mỹ hào nhoáng. Một thời gian sau, hai người lần lượt rời bỏ thế giới này.

Không nơi nương tựa, công việc lại bấp bênh, tôi và mẹ chẳng còn gì, nghèo càng thêm nghèo.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh đó.

Dưới cơn mưa tầm tã, mẹ đứng ngẩn ngơ giữa ngã tư đường, thân hình mỏng manh như muốn tan biến theo bọt nước trắng xoá. Nếu tôi không ở đấy... nếu tôi không chạy đến ôm chầm lấy bà... nếu không là vì tôi... Lần đầu tiên trong đời, tôi chợt bùng lên cảm xúc mãnh liệt đến thế. Đứa trẻ mười một tuổi khi ấy biết rằng mình phải ôm mẹ thật chặt. Bởi khoảnh khắc nó buông tay, người bên cạnh sẽ ngã bổ vào dòng xe tấp nập và rời đi mãi mãi...

Mẹ khóc, khóc nức nở như một đứa trẻ, khóc đến cạn cả nước mắt. Còn tôi hình như đã tê liệt tới mức chẳng thể cảm nhận được cái gì khác.

Đau là thế nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Tôi và mẹ sau tất cả phải gắng gượng bước đi.

Mang theo gánh nặng là tôi, mẹ dù cố bươn chãi đến mấy cũng chỉ chống đỡ thêm được một năm. Cuối cùng, bà kết hôn với Vũ Phước, gã đàn ông nghiện rượu làm bốc vác ở cảng. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đời mẹ tôi như định sẵn chẳng bao giờ gặp được người đàn ông nào tốt lành. Vũ Phước tỉnh táo thì mắng chửi, say lại mượn rượu thượng cẳng chân hạ cẳng tay. À, lúc ông ta không uống rượu tôi và mẹ cũng dễ nhận lấy mấy cái tát hay vài nắm đấm, cú đá nào đó lắm.

Trâm Anh ra đời nhưng tính khí ông ta chẳng hề tốt đẹp hơn. Có khác là mẹ được tiếp thêm hy vọng từ đứa con gái bé bỏng và tôi nhiều hơn một người để yêu thương bảo vệ.

...

"Người nhà Vũ Trâm Anh?"

Tiếng cô y tá vọng đến kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ. Chậm chạp ngẩng đầu lên, tôi cố gắng di chuyển đôi mắt mệt nhoài tìm kiếm chủ nhân của giọng nói. Như phát hiện sự đờ đẫn của tôi, một cánh tay nhẹ nhàng vỗ lên vai khiến tôi suýt giật bắn.

"Em không sao chứ?" Cô y tá lo lắng hỏi.

Tôi điều chỉnh tâm trạng, nở nụ cười yếu ớt:

"Em ổn."

"Ừm, chị cần bố mẹ em hoàn tất thủ tập nằm viện và đóng các chi phí cần thiết."

"Không cần đâu ạ, có việc gì chị cứ trao đổi với em."

"Chuyện này..."

"Mẹ em vốn không thành thạo tiếng Anh, nay vì tình trạng của em gái em, mẹ càng mất tỉnh táo. Thế này đi, em sẽ điền những giấy tờ được yêu cầu rồi nói lại với bà, cuối cùng người ký tên vẫn là mẹ em, có được không ạ?"

Cô y tá thoáng chút bối rối, sau một hồi nghĩ ngợi liền miễn cưỡng gật đầu.

"Được rồi, em đi theo chị."

Tôi thở ra một hơi, xốc lại tinh thần đi cùng cô y tá tới trước bàn tiếp tân.

Chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Điều tôi lo lắng nhất nhanh chóng xuất hiện, như một tảng đá to đùng bất thình lình lăn xuống sườn núi, chắn ngang khúc đường quanh co.

Cầm tờ hoá đơn trên tay, chút bình tĩnh còn sót lại nhanh chóng vỡ tan. Nhìn những con số nằm san sát nhau, cả người tôi không kiềm được mà run lên:

"Sáu... sáu mươi ngàn đô?" (1)

Trong đầu tôi chỉ còn xót lại một ý nghĩ: Xong rồi!

Vì Trâm Anh không có bảo hiểm nên toàn bộ chi phí phẫu thuật, điều dưỡng, thuốc men chúng tôi buộc phải trả toàn bộ. Chỉ là chừng ấy tiền, tôi dù có bán thận cũng không kiếm nổi!

Tôi loạng choạng dựa vào bức tường, khi tờ hoá đơn tuột khỏi tay rơi xuống sàn thì cơn đau đầu quay cuồng bất ngờ ập đến. Ngay lúc chực ngã, một cánh tay nhanh chóng ôm lấy tôi.

"F*ck! Bác sĩ!" Max rống lên, trước khi tôi kịp hoàn hồn thì tiếng hét khủng bố hắn đã truyền đi khắp hành lang. Một đám đông bận rộn đột ngột dừng mọi việc đang làm, phóng ánh mắt khó chịu về phía chúng tôi.

"Nhìn cái gì mà nhìn, còn không mau tới đây! Bạn tôi sắp chết đến nơi mà mấy người còn đứng đực ra đấy!"

Tôi đơ người, chết cái gì mà chết. Cái tên điên này vừa từ đâu rơi xuống!? Tôi nóng nảy giáng vào ót hắn một phát thật mạnh. Max vừa quay người tôi liền đưa tay bịt miệng hắn kéo đi, nửa đường còn phải cúi đầu xin lỗi thay cho thằng bạn trời đánh.

Tới góc khuất, tôi buông Max ra, vừa trừng mắt nhìn hắn vừa nghiến răng nói:

"Cậu lại lên cơn gì đấy?"

Max quắc mắc trừng lại tôi, bộ dạng hết sức tức giận:

"Còn không phải tại cậu! Người chạy bốn vòng quanh sân vận động cũng không kêu rên gì mà lúc nãy cứ nghiêng trái ngã phải doạ tôi quýnh cả lên. Nhìn cậu thử xem, mặt mũi thì xanh mét, tóc tai bù xù, người sống gì y chang cái xác chết."

Tôi nghẹn họng. Không cần soi gương tôi cũng biết bộ dạng mình tơi tả đến mức nào, nhưng mà giọng điệu châm chọc của Max lại thành công khiến tôi sôi máu. Tính gân cổ chửi bới thì bụng tôi kêu lên, nhắc nhở cơn đói khiến ruột gan xoắn lại.

"Khốn thật!" Tôi lầm bầm, cả người ỉu xìu như quả bóng xì hơi.

Max thở dài, hắn nhăn trán biểu thị vẻ bó tay trước tình cảnh thảm hại của tôi.

Hắn cầm tay tôi lật đật kéo tới căn tin, trên đường đi còn càu nhàu đủ thứ, kiểu như "Đầu óc thông minh mà sao giờ ngu dữ thế!", hay là "Tôi mà không đến thế nào cậu cũng chết đói thành cái xác khô!".

Nhìn bàn đồ ăn bốc khói nghi ngút trước mặt, tâm trạng tôi vẫn như cũ không khá lên chút nào. Dưới ánh mắt xẹt điện của Max, tôi miễn cưỡng húp một ít súp, tranh thủ kể mọi chuyện bao gồm cả khoản phí khổng lồ.

"Vậy còn bọn người đó?"

"Trừ hai người cảnh sát mấy hôm trước đến hỏi qua loa ra thì chẳng có ma nào."

Trường học, viện bảo tàng, thậm chí bố mẹ của những đứa trẻ đã đẩy Trâm Anh cũng không thấy bóng dáng. Tôi cười chua chát:

"Bọn họ vốn không để chuyện này vào mắt."

Max nheo mắt, khuôn mặt trở nên lạnh lẽo. Hắn nhìn tôi rồi bỗng cười một cách tự tin:

"Nếu ai cũng muốn giấu nhẹm việc này đi thì chúng ta càng phải thổi phồng lên. Cậu yên tâm, bọn họ kiểu gì cũng mò đến đây. Không lâu đâu..."

____
(1) Sáu mươi ngàn đô tương đương 1,3 tỷ VND

 
Chỉnh sửa lần cuối:

TheMoon._-

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/3/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Vào để báo với bà là tui vẫn đang theo dõi truyện à nha... mặc dù nước đã ngập tới ngang hông sắp bị cuốn trôi rồi :-s.
Làm tui thấy thương Trâm Anh quá nhưng mặt khác càng thấy tội nghiệp Liên hơn (có cái gì đó bất lực nhưng lại kiên cường cứng rắn vì mẹ và em gái)... Muốn sửa lỗi chính tả cho bà nhưng thiệt sự là không có thời gian huhu. Lúc bị stress là lại mò vô đọc truyện của bà, cơ mà truyện vừa buồn (bệnh tình của Trâm Anh) vừa tức (ông ba, xã hội bất công), tui không hiểu sao lại chọn truyện của bà để xả stress, thực sự không thư giản nổi mà.:tho7:
 
Bên trên