Biết Max lâu như thế nhưng khái niệm về thời gian của cậu ta vẫn khiến tôi choáng ngợp. Một câu "Không lâu đâu..." làm tôi nhầm tưởng phải năm ngày một tuần gì đấy, ai ngờ được là ngay tắp lự. Phải, chính xác là ngày hôm sau, các y tá và bác sĩ đến kiểm tra hết nhìn đông rồi lại nhìn tây, hỏi han nguyên nhân vụ tai nạn.
Đến cả những bệnh nhân của phòng bên cạnh cũng ghé sang nghe ngóng sự việc. Một ông lão tầm bảy mươi, hình như vào viện vì đột quỵ, không quan tâm chuyện mình vừa tỉnh lại được mấy ngày đã vội bảo cháu trai đẩy xe lăn qua ngắm nghía trước cửa. Bệnh tình hiển nhiên không ngăn cản được máu hóng hớt!
Tôi nhìn ngoài cửa và hành lang những người với người, ngơ ngác.
Tiếng xầm xì bàn tán ban đầu còn dè chừng, sau chẳng biết ai khởi xướng tranh cãi đến sôi nổi, âm lượng to dần, to dần.
Quá đáng hơn còn có người lôi điện thoại ra quay video, trường thuật trực tiếp cho họ hàng bạn bè ở phương xa nào đấy. Lúc đó điện thoại thông minh vẫn chưa phát triển, số ít dùng iPhone 4, dù màn hình không đủ lớn, âm thanh hình ảnh vẫn chưa rõ ràng bắt mắt nhưng chẳng ảnh hưởng là bao đến công cuộc truyền tin vĩ đại.
Khi có người hỏi chuyện lần thứ hai mươi sáu, tôi hoàn toàn im lặng, bực bội đóng sầm cửa lại, ngăn chặn ánh mắt tò mò từ bên ngoài.
"Chuyện gì đây?" Tôi hỏi Max.
Hắn nhìn tôi một lúc mới xoay màn hình máy tính tới trước mặt tôi.
Mấy hôm liền lo lắng cho em gái, tôi hầu như cắt đứt mọi mối liên hệ với thế giới xung quanh. Khoảnh khắc nhìn bài báo với tiêu đề nổi bật trên trang tin tức, tôi mới kinh ngạc thốt lên:
"Ôi mẹ ơi! Đây... chuyện này..."
Giao diện của tờ báo nổi tiếng bị nhấn chìm trước hàng loạt thông tin về vụ tại nạn ở viện bảo tàng. Toàn bộ câu chuyện được những phóng viên tường thuật một cách chi tiết, từ chuyến tham quan của lớp Trâm Anh cho đến nguyên nhân vì sao con bé ngã, cuối cùng là kết luận đầy sơ hở mà cảnh sát đưa ra. Tất nhiên, bài báo còn trích dẫn cuộc phỏng vấn với người có mặt tại hiện trường để tăng thêm tính chân thật, lời lẽ sắc bén khiến quần chúng sôi sục.
Nếu chỉ là tai nạn bình thường thì không nói làm gì, lời phát ngôn về hành động thiếu trách nhiệm của trường học cộng thêm sự phủ nhận từ viện bảo tàng mới là chất xúc tác mạnh mẽ kích thích tế bào tò mò của độc giả. Quan trọng nhất, dòng chữ "Phân biệt chủng tộc" được in đậm với phông chữ cỡ lớn nhanh chóng đẩy sự kiện này lên tới đỉnh điểm.
Hàng trăm, hàng nghìn bình luận nhanh chóng xuất hiện bên dưới các topic thảo luận và phân tích vụ việc. Tất nhiên dư luận chia thành hai phía, có người phê phán thái độ hờ hững của các bên liên quan, có người lại tỏ ra nghi ngờ độ chính xác mà báo chí lan truyền. Nhiều kiến nghị yêu cầu chính quyền thành phố lật lại vụ việc, điều tra cặn kẽ mọi chuyện.
Trước lượng thông tin khủng bố như vậy, Max nhìn tôi với ánh mắt thông cảm: "Cậu chết dí trong bệnh viện, bên ngoài có tận thế cũng không biết. Khi tôi kể chuyện này cho bố, bệnh nghề nghiệp nổi lên nên ông ấy lập tức liên lạc với đồng nghiệp đi thu thập tài liệu viết bài. Tin tức đồng loạt được đưa lên từ hôm qua."
Tôi tròn mắt nhìn hắn: "Không ngờ ảnh hưởng lớn như vậy, dư luận đúng là ác liệt!"
"Cuộc sống vốn buồn tẻ mà! Dư luận giống như một bãi biển, chỉ cần có cơn sóng đánh vào liền giao động, phá vỡ sự tĩnh lặng trước đó." Max nhún vai rồi nói tiếp:
"Hơn hết, Trâm Anh là người Á Đông. Đối với người Mỹ, dù cuộc nội chiến đã kết thúc từ lâu nhưng cụm từ kỳ thị chủng tộc vẫn rất nhạy cảm."
Nước Mỹ, nói một cách văn vẽ thì tôn sùng bình đẳng nhân quyền, nói trắng ra là một hiệp ước ngừng chiến mà người da trắng và người da màu ngầm thoả thuận để các chủng tộc có thể chung sống hoà bình. Như một mầm bệnh ăn sâu vào máu, mẫu thuẫn chủng tộc không hề biến mất mà bị đè nén dưới các điều luật, chỉ chực chờ một tác nhân xuất hiện làm bùng phát dữ dội.
Nếu nói người da đen là đối tượng bị kỳ thị từ lâu thì người da vàng thậm chí còn xếp dưới một bậc. Người nhập cư lại đứng vị trí thứ nhất từ dưới lên, rõ ràng đến mức chẳng ai buồn tranh cãi.
Đó cũng là lý do mà vụ tai nạn của Trâm Anh dấy lên nhiều làn sóng phản đối như vậy. Cả Max và tôi đều hiểu báo chí truyền thông là một con dao hai dưỡi, không cẩn thận có thể dẫn đến nhiều thị phi, dồn chính mình vào góc chết.
Nhưng... tôi còn có lựa chọn?
Nếu vẫn giữ im lặng thì em gái tôi sẽ ra sao?
Nổi đau mà Trâm Anh phải gánh chịu không một ai quan tâm, không một lời xin lỗi.
Hơn hết, món tiền viện phí khủng lồ nhà tôi đào đâu ra? Mượn nợ?
Không khả quan cho lắm vì với tình trạng kinh tế bèo bọt hiện tại mà tôi lại sắp vào đại học, mẹ làm sao xoay sở nổi!
Tôi nắm tay Trâm Anh, con bé vẫn chưa tỉnh, từng hơi thở yếu ớt phả vào làn da tôi, nóng hổi. Phóng mắt ra ngoài cửa sổ, bầu trời đầu thu trong vắt dịu nhẹ, xa xa, rừng cây ôn đới đang bước vào thời kỳ rụng lá, những mảng màu vàng đỏ bao trùm cả một khoảng không.
Cảm giác bất lực thay phiên chiếm đóng mấy ngày nay cứ thế ăn mòn sự kiên nhẫn của tôi. Có lẽ, tôi đang phạm phải một sai lầm to lớn. Có lẽ, con đường tôi đi đang dần lệch hướng. Đến cuối cùng chỉ còn xót lại kế hoạch mạo hiểm mà tôi vẽ nên.
Max nhét một cốc nước ấm vào tay tôi, hắn không nói gì, chỉ trầm ngâm ngồi cạnh, lặng lẽ hoà vào dòng cảm xúc xáo trộn ấy.
Dưới sức ép của dư luận, cảnh sát lại lần nữa vào cuộc. Các điều tra viên lần lượt đến bệnh viện lấy lời khai từ tôi rồi liên hệ với nhà trường, viện bảo tàng cùng với phụ huynh của những đứa trẻ có liên quan. Ngày hôm sau, một đám người rồng rắn kéo nhau đến bệnh viện. Hiệu trưởng, giám đốc viện bảo tàng và hai vị phụ huynh hùng hổ bước vào phòng, ai nấy mặt lạnh như băng.
Tôi vặn vẹo hai tay, khuôn mặt cứng đờ vì căng thẳng. Để tránh ảnh hưởng đến em gái, tôi cùng họ bước sang phòng khác nói chuyện. Max muốn đi theo nhưng bị tôi cản lại. Suy cho cùng, hắn không phải là người thân của Trâm Anh, tôi chẳng muốn kéo hắn vào mớ hỗn độn này.
Max lườm tôi một cái. Tôi vỗ vai hắn tỏ vẻ yên tâm, hắn hất cằm bỏ lại một câu:
"Tôi ở ngoài cửa."
Ừ, thế là đủ rồi. Tôi nhắm mắt, hít sâu một hơi rồi xoay người đối diện với đám "quan to" trong phòng. Hiệu trưởng trường Trâm Anh hắng giọng: "Chắc em cũng rõ lý do mọi người đến đây. Thầy biết em rất lo lắng cho em gái nhưng sự việc không hề nghiêm trọng như báo chí đưa tin."
"Đúng vậy," giám đốc viện bảo tàng liền tiếp lời: "Chẳng qua chỉ là một tai nạn nho nhỏ, em xem, hiện tại em gái em vẫn ổn nhưng viện bảo tàng lại hứng chịu rất nhiều tai tiếng. Chúng tôi không hề liên quan đến việc em Trâm Anh bị ngã, lúc cảnh sát điều tra cũng hết sức phối hợp."
Liên quan đến mạng người thế quái nào ông ta lại nói là tai nạn nho nhỏ?
Hết sức phối hợp? Vậy camera giám sát đột nhiên bị hỏng, băng ghi hình tự dưng bốc hơi sao? Nếu sự việc không hề nghiêm trọng thì việc gì các người phải tốn công che đậy như vậy?
Tôi mím môi, tiếp tục giữ im lặng. Liếc mắt nhìn hai vị phụ huynh, tôi nhận ra người mặc đồ vest, giày da bóng lộn đang ngồi vắt chân trên ghế. Kia không phải là thư ký quận thì còn ai vào đây! Khuôn mặt đó thường xuyên xuất hiện trên ti vi, không thể quen thuộc hơn!
Vị thứ ký ấy không biết là bố của đứa nhóc nào, nhưng vẻ mặt khinh khỉnh của ông ta chắc hẳn chẳng tốt đẹp gì. Người bên cạnh khoác lên người bộ đồ công sở bó sát, lọn tóc nâu được vấn lên cao, khuôn mặt trang điểm sắc nét, toát lên vẻ lạnh lùng của mẫu phụ nữ thành đạt.
Và... điệu bộ cũng khỉnh khỉnh không kém, vẻ mặt "mấy chuyện cỏn con này thật phiền phức" y hệt ngài thư ký bận rộn.
"Tôi cũng không muốn làm lớn chuyện. Nhưng em gái tôi xảy ra chuyện lại không có một lời giải thích, xin lỗi rõ ràng." Tôi nhẹ giọng nói.
Dưới ánh mắt chăm chú của những người kia, tôi ngừng một lúc rồi nói tiếp: "Chỉ cần những đứa trẻ đã đẩy con bé có thể đến cùng các vị nhận lỗi và thanh toán mọi chi phí, tất cả sẽ kết thúc."
Nghe đến đây, vị thư ký quận bỗng nhiên bật cười: "Cô gái, không thể tuỳ tiện nói lung tung. Tôi hôm nay đến đây là chỉ để thăm hỏi bạn học của con trai. Một đám trẻ đùa giỡn với nhau, em gái cô xảy ra chuyện chỉ là tai nạn ngoài ý muốn. Tại sao con trai tôi phải gánh trách nhiệm và xin lỗi?"
Hai chữ cuối cùng còn cố ý kéo dài, tỏ vẻ không vui. Lời nói của thư ký quận như tát thẳng vào mặt tôi, bỏng rát.
Người phụ nữ bên cạnh cũng đồng thời lên tiếng, giọng nói vô cùng đanh thép:
"Toàn bộ chi phí? Nghe nói sau cuộc phẫu thuật, nhà cô phải trả... sáu mươi ngàn đô. Giờ tôi đã hiểu rõ, đây không phải là đang ăn vạ hay sao?"
Cô ta vừa dứt lời, những người còn lại đều gật đầu, nhìn tôi với ánh mắt khinh thường. Tôi giận điếng người, ngay từ đầu đều là lỗi của bọn họ, vậy mà chỉ vài câu đã biến thành chúng tôi ăn vạ. Tôi khinh! Những đồng tiền dơ bẩn của mấy người không đáng để tôi dựng nên câu chuyện vô lý đó!
"Các người mới nói bậy, tôi không..."
"Được rồi," thư ký quận đứng dậy, ông ta đưa tay sửa cà vạt trên cổ rồi nói tiếp: "Thấy hoàn cảnh nhà cô khó khăn, tôi sẽ quyên góp hai ngàn đô xem như làm từ thiện. Bây giờ văn phòng quận có chuyện cần giải quyết, tôi đi trước."
Nói rồi ông ta phủi vạt áo vest, vuốt hàm râu lởm chởm đi lướt qua tôi. Giám đốc viện bảo tàng nhanh tay mở cửa ra, nở nụ cười nịnh nọt: "Ngài thư ký, về việc viện bảo tàng..."
Thư ký quận khoác tay: "Không sao, tôi sẽ nói sở cảnh sát nhanh chóng đóng hồ sơ, chậm nhất là một tuần, viện bảo tàng của ông có thể mở cửa trở lại."
"Vậy thì tốt quá, ngài xem tối nay chúng tôi có mở một bữa tiệc tại khách sạn Howling, mong ngài bớt chút thời gian ghé qua."
Giám đốc viện bảo tàng khép nép đi theo sau thư ký quận, miệng không ngừng mời mọc. Hai người đó nhanh chóng khuất bóng sau dãy hành lang. Trong phòng còn lại hiệu trưởng và vị phụ huynh giàu có. Trước khi tôi kịp hoàn hồn, hiệu trưởng đã móc ra một tờ chi phiếu đặt xuống bàn, vờ vịt nói:
"Vì Trâm Anh xảy ra tai nạn trong chuyến tham quan nên nhà trường cũng tặng một số tiền giúp trả các chi phí. Đây là chi phiếu ba ngàn đô, gồm hai ngàn của thư ký quận và một ngàn từ quỹ trường học. Thầy mong là em gái em mong chóng khoẻ lại."
Vẻ hào phóng của hiệu trưởng và thư ký quận như xát muối vào mặt vị phụ huynh kia. Cô ta đanh mặt, mở miệng mắng xối xả:
"Sao các vị phải làm thế? Tặng tiền kiểu gì bọn họ chẳng được đằng chân lân đằng đầu. Những người tham lam như vậy bao nhiêu cũng không thấy đủ. Tôi một đồng cũng không cho!"
Kế tiếp cô ta dẫm giày cao gót đi ra khỏi phòng, để lại chuỗi âm thanh "cộp cộp" chói tai. Tôi thẫn thờ, miệng lẩm bẩm: "Ăn vạ? Tai nạn? Được... tôi sẽ kiện mấy người, kiện hết thảy..."
Hiệu trưởng bỗng xoay lưng, cười ha hả hỏi: "Em muốn kiện? Hoàn cảnh bây giờ em vẫn chưa rõ hay sao? Thầy khuyên em nên biết điều một chút, giải thích rõ ràng với đám phóng viên. Tất cả chỉ là tai nạn nhỏ, em có hiểu không? Đừng có làm điều dại dột."
Tôi run rẩy nhìn ông ta bước đi, lời nói đểu giả của ông ta không ngừng vang vọng trong đầu, vô hiệu hoá khả năng suy nghĩ của bộ não.
Trống rỗng, mọi thứ đều trống rỗng!
Tôi cầm chi phiếu trên bàn, năm ngón tay miết chặt, vò nát tờ giấy từng chút một.
Ba ngàn! Mạng sống của em gái tôi chỉ đáng giá ba ngàn!
Trong mắt những người đó, tôi là kẻ bần hàn dày mặt đi xin xỏ từng đồng một. Bọn họ ném lại chừng ấy tiền như rũ lòng từ bi, bố thí cho một tên ăn xin.
"Liên! Liên!" Giọng nói lo lắng vang lên bên tai, tôi cứng đờ ngẩng đầu lên. Max nhìn thẳng vào tôi, trong đôi mắt ngưng đọng của hắn là hình ảnh phản chiếu của tôi, nhỏ bé đến đáng thương.
Hắn ôm tôi, thì thầm nói: "Không sao! Tôi ở đây..."
... Và sau đó, những lời an ủi cứ quanh quẩn bên tai. Chỉ tiếc, đầu óc tôi đã quá mờ mịt để mà nhớ rõ.
Tôi không biết mình đã trở về bằng cách nào, khi đối mặt với mẹ đã trả lời ra sao. Tôi chỉ biết sau khi những người đó rời đi, tâm trí tôi liền chìm vào khoảng tối mờ ảo. Không phương hướng, không mục đích.
Trước đó, tôi chỉ muốn dùng báo chí và dư luận để gây sức ép cho bọn họ. Kế hoạch của tôi vô cùng đơn giản, khi mọi người biết đến vụ việc thì không ai có thể rũ bỏ trách nhiệm. Tiếp đến, người cần xin lỗi sẽ phải xin lỗi, người cần đóng tiền bồi thường sẽ phải đóng tiền. Tất cả liền đâu vào đấy, báo chí đưa tin một thời gian rồi cũng chìm xuống. Trâm Anh tỉnh lại, hồi phục và xuất viện, gia đình tôi sau đó có thể trở lại cuộc sống thường ngày.
Vốn nghĩ làm lớn chuyện sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ về sau. Vốn nghĩ chừa một bậc thang cho họ đi xuống để xử lý trong êm đẹp...
Nhưng bây giờ...
Có lẽ tôi đã không còn đường lui nữa. Thư ký quận, viện bảo tàng, trường học, đám trẻ ngỗ ngược và những vị phụ huynh kiêu căng đó giống như chưa từng nghĩ đến việc hoà giải. Mà bây giờ, cầm trên tay tờ chi phiếu nhăn nheo họ ném lại, chuyện hoà giải tự nhiên bốc hơi không dấu vết.
Mặt Max xám ngoét, hai mắt gần như phừng lửa chứng tỏ hắn cũng giận không kém. Max mở miệng muốn nói gì đó, tôi thẳng thừng cướp lời hắn:
"Kiện!" Tôi khẳng định chắc nịch.
"Gã thư ký quận kia chắc chắn sẽ động tay động chân." Max nhàn nhạt nói.
Tôi như nuốt phải heroin, cả người điên tiết lên:
"Toà án quận không được thì đệ đơn lên toà án tối cao! Tôi không tin bọn người đó đủ tay chân để che mắt toàn bộ người dân và pháp luật nước Mỹ!"
Max chau mày, thở dài: "Tôi giúp cậu."
Nói là làm, tôi và Max bùng nổ, chẳng quan tâm bố con thằng nào mà viết đơn, hoặc phản ánh trực tiếp trên các trang web chính quyền, hoặc đem in ra đóng thành từng xấp gửi thẳng đến toà án.
Từng lá đơn được viết ra, đến cuối cùng, tôi không rõ mình đã nộp tổng cộng bao nhiêu bộ hồ sơ. Báo chí vẫn tiếp tục đưa tin, trên mạng, những cuộc tranh cãi kéo dài bất tận, đủ mọi lý lẽ, suy đoán nối đuôi nhau trở thành điểm nóng.
Sau này nghĩ lại, khoảng thời gian đó chắc hẳn được xếp vào một trong những giai đoạn u tối nhất của cuộc đời tôi.
Điều may mắn duy nhất chính là việc Trâm Anh đã tỉnh lại. Khi tôi chìm đắm vào nổi lo cùng cực, con bé đã mở mắt, nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười một cách yếu ớt. Tôi vừa cười vừa khóc như một con ngốc. Đau đớn xen lẫn vui sướng, tôi ôm mẹ hét lên, giải toả cảm xúc bị dồn nén bấy lâu. Kiểm tra một lượt, bác sĩ nói con bé đang hồi phục rất nhanh, chỉ cần uống thuốc và trị liệu hằng ngày sẽ sớm khoẻ lại.
Trong khi chờ đơn kiện được phê duyệt, mọi sự chú ý của tôi dồn vào việc chăm sóc Trâm Anh. Vì còn choáng nên con bé vẫn phải nằm trên giường, sợ buồn chán nên tôi cứ ngồi cạnh cùng con bé nói chuyện không ngớt.
Trâm Anh kể tôi nghe một giấc mơ. Trong mơ, em gái thấy bố mẹ và tôi đưa nó đến công viên Disneyland chơi. Trâm Anh nói, cả bốn người nắm tay nhau đi khắp nơi, nụ cười trong trẻo treo mãi bên khoé môi chứng tỏ con bé rất hạnh phúc.
Tôi càng nhìn càng thấy chua chát. Đột nhiên con bé hỏi: "Chị ơi, bố đâu rồi ạ?"
Tôi sững người, đang lúc không biết phải trả lời như thế nào thì Max đẩy cửa đi vào, kéo tôi ra khỏi phòng. Max dẫn tôi lên tầng thượng, cửa vừa mở ra, một cơn gió lạnh buốt thổi qua khiến tôi run cầm cập. Mà hình như khắp người Max còn bao trùm một luồng khí lạnh hơn, liếc nhìn khuôn mặt không chút cảm xúc của hắn, tôi lo lắng hỏi:
"Max, có chuyện gì vậy?"
Hắn không trả lời, chỉ thò tay vào túi quần móc chiếc điện thoại ra, mở một đoạn video. Tôi lờ mờ không hiểu gì, bèn dán mắt nhìn theo. Đó là một đoạn phỏng vấn, người đàn ông ngồi trước ống kính nói rất nhiều, đề cập đến vụ tai nạn ở viện bảo tàng.
Sau khi điểm qua một lượt những chi tiết quan trọng, anh ta nói sang chủ đề khác. Cụ thể, anh ta muốn phỏng vấn một người để chứng thực câu chuyện. Sau đó ống kính xoay qua bên cạnh, một bóng người xuất hiện khiến mắt tôi nhức nhối.
Vũ Phước!
Gã bố dượng nghiện rượu bỗng ăn mặc gọn gàng che đi vẻ nhếch nhác thường ngày, trên đầu ông ta cuốn gạc băng mấy vòng trông rất phô trương.
Tại sao ông ta lại được phỏng vấn?
Tôi tự thấy mình là người bình thường, sống mười mấy năm chưa bao giờ gây thù chuốc oán với ai. Nhưng vì cớ gì, những người như Vũ Phước cứ bám riết mãi không buông?
Như để giải đáp thắc mắc của tôi, Vũ Phước nhìn thẳng vào ống kính, dùng thứ tiếng Anh sức vẹo nói:
"Tôi tên Vũ Phước, là bố của Trâm Anh. Suốt mấy ngày qua, vụ việc của con gái tôi bị một số người lan truyền sai sự thật nhằm gây hỗn loạn để kiếm lợi cho riêng mình. Hôm nay, tôi muốn nhân cơ hội này làm rõ mọi chuyện..."
Nét mặt giận dữ không chút đè nén của Vũ Phước được phóng đại trước màn hình, giọng nói khó nghe của ông ta tiếp tục vang lên từ loa điện thoại:
"Cách đây không lâu, trong chuyến tham quan viện bảo tàng do trường học tổ chức, con gái tôi vô tình bị trượt chân ngã xuống cầu thang. Khi biết tin, tôi đã rất sốc. Sau khi đưa vào bệnh viện, con bé đã trải qua cuộc phẫu thuật và được các bác sĩ cứu chữa. Hiện tại Trâm Anh vừa tỉnh lại, tình trạng của con bé vô cùng ổn định. Tôi rất vui mừng vì con gái tôi không sao cả."
Hay thật, tôi không ngờ những lời nói đó lại phát ra từ một người máu lạnh không hề quan tâm đến tính mạng của con gái như ông ta. Trâm Anh nằm viện hơn một tuần, ông ta chưa hề đến thăm một lần. Ông ta đánh mẹ, uống rượu, suýt nữa còn hại tôi... Thế mà bây giờ, con người hung tợn đó lại ra vẻ một người bố hiền từ, lo lắng cho con gái.
"Con gái tôi xảy ra tai nạn, nhà trường và các vị phụ huynh tốt bụng đã quyên góp một số tiền giúp đỡ chúng tôi. Cuộc phẫu thuật của Trâm Anh có chi phí lên tới sáu mươi ngàn đô, gia đình tôi lại nghèo nên không có khả năng chi trả. Trong lúc tôi chạy vạy khắp nơi để mượn tiền thì vợ tôi đã làm một việc không thể tha thứ được.
Cô ta dựng chuyện đổ oan cho những đứa trẻ vô tội, kể với báo chí là Trâm Anh đã bị đẩy ngã, nói dối kéo trường học và viện bảo tàng xuống nước. Cô ta tìm gặp hiệu trưởng trường học Trâm Anh, giám đốc viện bảo tàng và một vài phụ huynh của những đứa trẻ cùng có mặt trong chuyến tham quan đó. Cô ta uy hiếp nếu không đưa một trăm ngàn đô cho cô ta thì sẽ kiện bọn họ ra toà."
Nói tới đây, Vũ Phước cúi gằm mặt xuống bàn, lúc ngẩng đầu lên, ông ta khóc vô cùng thê thảm:
"Lúc biết chuyện, tôi đã cố hết sức khuyên ngăn cô ta. Nhưng người phụ nữ đó không chịu nghe. Cô ta vốn nghiện rượu, lại hết sức bạo lực. Cô ta thường đánh Trâm Anh mỗi lúc say sỉn. Mấy hôm trước, khi tôi nói không được làm chuyện trái đạo đức, cô ta đã dùng chai rượu đánh vào đầu tôi."
Vũ Phước chỉ tay lên lớp băng trắng cuốn trên đầu, khóc càng thêm dữ dội.
"Vì Trâm Anh vẫn đang hôn mê nên tôi không báo cảnh sát, chỉ lặng lẽ đến bệnh viện băng bó. Thật không ngờ, cô ta không đòi được tiền bèn cùng đứa con gái riêng của mình, Hoàng Liên, đâm đơn kiện. Hai người này không tiếc lợi dụng Trâm Anh làm công cụ để kiếm tiền. Tôi... tôi thật sự không thể để mọi người bị lừa gạt như vậy!"
Dứt lời, Vũ Phước đột ngột đứng dậy, bước đến phía trước rồi cúi gập người xuống. Trước ống kính, ông ta tiếp tục vai diễn của mình:
"Tôi xin lỗi, tôi thành thật xin lỗi! Là một người chồng, người cha nhưng tôi lại để vợ mình đem con gái đi dựng chuyện lừa gạt mọi người, tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Mong mọi người hãy tha lỗi cho tôi!"
Đoạn video dừng lại, không phải vì nó kết thúc mà Max đã nhấn tắc. Màn hình lập tức tối đen nhưng tôi vẫn dằn lấy chiếc điện thoại, nhìn chằm chằm như muốn xuyên qua đó bóp chết Vũ Phước.
Đồ mặt dày, đểu cảng! Vũ Phước là gã đàn ông bỉ ổi, bẩn thỉu nhất mà tôi từng gặp!
Ông ta dám nói dối trắng trợn như vậy, lại còn kéo cả mẹ tôi vào. Ai là kẻ say sỉn bạo lực? Là ông ta, các người có hiểu không!
Chính ông ta, người tỏ vẻ chính trực lương thiện trong đoạn phỏng vấn đó mới là kẻ bệnh hoạn. Tôi nghiến răng ken két, hai tay dùng sức như muốn bóp nát chiếc điện thoại. Tôi quay người, hướng mặt nhìn lên trời gào thét:
"Vũ Phước, tiên sư nhà ông đồ tồi! Sao ông dám! Tôi phải giết ông! Khốn kiếp... Max câu buông tôi ra!"
Thấy tôi mất kiểm soát, Max bèn tiến tới ôm chặt tôi. Giờ phút này trong đầu tôi chỉ còn lại những câu từ cay độc nhất mà tôi có thể nghĩ ra để nguyền rủa ông ta. Chưa lúc nào tôi thấy hối hận đến thế.
Nếu tôi tố cáo hành vi bạo lực của ông ta sớm hơn...
Nếu tôi tống cổ ông ta vào tù...
Nếu tôi không ngây thơ tin vào những ảo tưởng nát vụn đó...
Vũ Phước là loại người gì?
Câu trả lời là: Ông ta không quản máu mủ tình thân, là loại người đáng khinh bỉ nhất! Ông ta sẵn sàng làm tất cả vì tiền.
Đúng, vì tiền! Gã bố dượng nhếch nhác đó làm sao biết rõ mọi chuyện như vậy. Thậm chí cuộc gặp mặt riêng với đám người kia, và cả nội dung của cuộc nói chuyện làm sao mà ông ta biết? Một kẻ mở miệng toàn mắng chửi, nói những câu chẳng ra hồn không thể nào trả lời phỏng vấn một cách mạch lạc và trôi chảy như vậy!
Chỉ có một nguyên nhân duy nhất. Có người lên kế hoạch tìm đến ông ta, cho ông ta tiền và sắp đặt nội dung của cuộc phỏng vấn. Không cần nghĩ cũng biết đám người đó là ai.
Còn Vũ Phước, ông ta được dịp, bèn giậu đổ bìm leo. Nhân lúc chuyện này đang gây sóng gió, ông ta vội chen chân vào kiếm chác.
Không chỉ tôi và Trâm Anh, mẹ thậm chí còn bị ông ta sỉ nhục, đổ nước bẩn lên người. Nếu như mẹ biết được, bà sẽ kích động đến nhường nào?
Mẹ ôm Trâm Anh ngồi trên chiếc ghế gỗ, xoay lưng về hướng cửa. Mái tóc chấm bạc bỗng trở nên xác xơ, buông xả xuống bả vai. Chiếc áo khoác mỏng tanh ôm lấy thân hình gầy gò thi thoảng lại lay động khi có gió thổi vào từ bên ngoài cửa sổ. Mẹ không nói gì, nhưng tôi biết dưới dáng vẻ tĩnh lặng đó là một sự tang thương không sao diễn tả được.
Trâm Anh chuyển động cánh tay rồi khẽ tựa đầu vào ngực mẹ, hai chân con bé đồng thời đong đưa đá lên bệ cửa sổ.
Tôi ngẩn ngơ nhìn mẹ, mẹ trầm ngâm nhìn Trâm Anh, còn Trâm Anh thì híp mắt nhìn bầu trời bao la. Và tiếp đó là một khoảng lặng kéo dài. Không ai có ý định nói chuyện, chỉ âm thầm hưởng thụ quãng thời gian bên nhau hiếm hoi này. Sự bình yên trước cơn giông bão...
Cách đây không lâu, tôi nhận được đơn triệu tập từ toà án. Ngay khi đoạn video phỏng vấn Vũ Phước được tung lên mạng, dư luận đồng loạt chĩa mũi dùi về phía chúng tôi. Bên phía trường học, viện bảo tàng và các phụ huynh cũng lợi dụng chuyện này nộp đơn kháng cáo, kiện chúng tôi tội vu khống. Toà án lật lại hồ sơ, những đơn kiện mà tôi gửi đi trước đây bỗng trở thành bằng chứng đẩy chúng tôi vào vực thẳm.
Tôi là người viết đơn kiện nhưng vẫn chưa đủ tuổi để thụ lý hồ sơ, do đó người ký kết xác nhận là mẹ. Max nói tội vu khống trường hợp tệ nhất có thể bị phạt tù. Trong lúc hoảng loạn, tôi định bụng sẽ nhận hết tội nếu như bị xử thua. Dù sao cũng dưới tuổi vị thành niên, cùng lắm thì vào trại cải tạo một hai năm là hết chuyện. Nhưng chưa kịp nói xong mẹ đã bất ngờ tát tôi. Trong ấn tượng của tôi, đây là lần đầu tiên mẹ giận đến như vậy.
"Con là tất cả hy vọng của mẹ. Dù có ở tù cả đời mẹ cũng không cho phép con dính phải một vết nhơ nào!" Mẹ đã nói như thế. Vì tương lai của tôi, mẹ sẵn sàng từ bỏ tất cả. Một người dịu dàng như mẹ nhưng hễ dính dáng đến tôi và Trâm Anh lại trở nên cố chấp đến lạ.
Tôi nghẹn ngào hỏi có đáng không, mẹ từ tốn khẳng định: "Đáng!"
Tình thương của một người mẹ vốn là như vậy, to lớn và cao cả.
Tôi cảm thấy mình thật ngây thơ. Ngay từ đầu, tôi đã hành động một cách nóng vội mà không suy xét đến hậu quả. Một con nhóc mười mấy tuổi chưa rõ sự đời lại ngu ngốc muốn đấu với đám người thuộc hàng ngũ tinh anh của xã hội. Tôi không có gì ngoài thứ lòng tin rẻ tiền, còn bọn họ thì có tất cả. Một ván cờ chênh lệch như vậy có cần phải đánh tiếp?
Ngoài hành lang bỗng vang lên chuỗi âm thanh huyên náo. Cánh cửa phòng mở ra, vài cảnh sát vẻ mặt vô cảm hùng hổ tiến vào. Một người dẫm giày da bước lên, đưa mắt nhìn quanh rồi hỏi:
"Ai là Nguyễn Trà My?"
Ngay lúc tôi đang kinh ngạc mẹ đã vội đáp lời: "Là tôi! Xin hỏi có chuyện gì vậy?"
Người cảnh sát lấy một tờ giấy từ trong túi áo khoác, nhanh chóng mở ra rồi dơ lên cao:
"Ông Vũ Phước đã tố cáo bà về hành động gây thương tích vào ngày 25 tháng 9. Bà bị bắt vì tội hành hung và bạo lực gia đình, đây là lệnh bắt giữ. Bà có quyền được giữ im lặng, những lời nói lúc này có thể trở thành bằng chứng chống lại bà trước toà. Mời bà đi theo chúng tôi."
Vừa nói, anh ta vừa tiến tới phía mẹ như một con rô bốt được lập trình sẵn. Mẹ tôi sững sờ một lúc, khi người cảnh sát chỉ còn cách hai bước chân, bà vội vàng đứng dậy rồi đặt Trâm Anh đang ngủ lên giường. Trâm Anh hơi giật mình nắm chặt cánh tay mẹ. Người cảnh sát cau mày, tỏ vẻ khó chịu. Mẹ ngoảnh mặt cười hiền, hướng ánh mắt cầu xin: "Chỉ một lúc thôi, làm ơn!"
Dứt lời, lòng bàn tay chai sạn dịu dàng vuốt lên mái tóc đen bóng của Trâm Anh, khi con bé an ổn thiếp đi, mẹ khẽ tách cánh tay nhỏ nhắn đặt xuống góc giường.
Xong xuôi, mẹ nhìn liếc qua tôi rồi thẳng lưng đứng đối diện với người cảnh sát. Tiếng còng sắt lạnh lẽo vang lên giữa căn phòng tĩnh mịch, khoá chặt đôi tay mẹ. Người cảnh sát gật đầu với những người xung quanh: "Đi thôi."
Âm thanh khô khốc như đánh thẳng vào tâm trí khiến tôi giật mình bừng tỉnh. Kinh ngạc, hoang mang bỗng chuyển thành phẫn nộ, tôi không kịp suy nghĩ đã vội lao tới níu mẹ lại: "Các người làm gì vậy? Buông mẹ tôi ra!"
Tôi dùng sức đẩy người cảnh sát, hai tay dang ra ôm lấy mẹ. Không thể, tôi không thể để mẹ bị bắt được. Không ai có quyền được mang mẹ đi, không ai cả!
Mấy người cảnh sát vội vàng tách tôi ra, có người thậm chí còn rút cây côn đè tôi xuống sàn. Tôi vùng vẫy trong tuyệt vọng, gào lên như một con thú bị thương: "Thả mẹ ra! Bắt tôi! Các người bắt tôi đây này! Khốn kiếp!"
Mắt tôi rát bỏng, nước mắt không ngừng trào ra khiến tầm nhìn mờ hẳn. Tôi quay cuồng, cố gắng thoát khỏi vòng vây nhưng vô dụng. Tôi nhìn mẹ đăm đăm, khản giọng gọi: "Mẹ..."
Mẹ đưa hai tay bị còng bụm miệng che đi tiếng nức nở, đôi mắt đau thương đó như một lời nguyền dán xuống người tôi, khiến lồng ngực thắt lại, tê dại.
Bóng mẹ khuất dần trước ánh nhìn tò mò của những người xung quanh. Tôi ngã khuỵu xuống sàn, ngơ ngác, lạc lõng như một đứa trẻ bị bỏ rơi mặc người khác giày xéo.
Bỗng có người quát lên: "Nhìn cái gì mà nhìn! Mấy người còn chụp ảnh nữa tôi đập điện thoại bây giờ!"
Max hung dữ xông tới, lớn tiếng mắng chửi đuổi đám đông hiếu kỳ. Hắn cởi áo khoác che cho tôi rồi đỡ tôi vào phòng. Ngồi xuống ghế, hắn rót cho tôi một cốc nước.
"Uống đi cho tỉnh táo." Hắn nhẹ giọng nói.
Tôi nắm chặt tay hắn, hốt hoảng nói: "Mẹ tôi bị bắt đi rồi! Vũ Phước báo cảnh sát, lúc đó mẹ đã dùng vỏ chai đánh ông ta nhưng là vì bảo vệ tôi. Max, tôi phải làm sao đây?"
"Cậu trước hết phải bình tĩnh lại. Hiện tại cảnh sát vẫn đang điều tra, mẹ cậu tạm thời không sao đâu."
"Thật không?" Tôi như vớ được cọng rơm cứu mạng, dè dặt hỏi hắn.
"Thật!" Max vuốt mắt rồi nói tiếp: "Đã liên lạc với luật sư rồi, giờ tôi sẽ đến sở cảnh sát để dò hỏi. Cậu ở đây trông chừng Trâm Anh, được không?"
"Ừ." Tôi đờ đẫn gật đầu.
...
Tôi ngồi chờ tin tức suốt cả buổi chiều. Đang lúc sốt ruột, điện thoại bỗng rung lên. Là chủ nhà gọi đến, tôi nghi hoặc bắt máy:
"Xin chào!"
"Tôi đang ở khu nhà, cô mau trở về đi."
"Có chuyện..."
Tôi chưa kịp hỏi rõ, chủ nhà đã dứt khoát cúp máy. Đưa tay xoa trán, trong lòng tôi bỗng dâng lên một dự cảm bất ổn. Sau khi nhờ hộ lý để mắt tới Trâm Anh, tôi hớt hải chạy về khu chung cư. Vừa đến nơi, tôi thấy chủ nhà đang đứng trước cửa chỉ đạo một đám người khuân vác đồ đạc từ bên trong chuyển ra hành lang.
Lại chuyện gì nữa đây?
"Ông Miller, ông đang làm gì vậy? Mấy người này là ai? Tại sao lại chuyển đồ của chúng tôi ra ngoài?"
Chủ nhà thấy tôi bèn bực dọc nói: "Cô còn hỏi tôi, khách sắp đến xem nhà sao mấy người còn chưa chuyển hết đi?"
"Cái gì? Sao chúng tôi phải chuyển đi, hợp đồng cho thuê còn một năm mới hết hạn mà?"
Chủ nhà nhìn tôi như thể một sinh vật lạ, ông ta gắt gỏng nói: "Mấy hôm trước bố cô đã huỷ hợp đồng, tiền đặt cọc ba tháng sau khi khấu trừ cũng lấy đi rồi."
"Bố tôi?" Tôi mờ mịt hỏi.
"Phải, là bố cô. Tên gì ấy nhỉ?" Chủ nhà nhăn trán suy nghĩ rồi vỗ đầu một cái: "Đúng rồi, người đó tên Phước, chủ hộ Vũ Phước."
Tôi há mồm kinh ngạc trước lời nói của ông chủ nhà. Vũ Phước, sao lúc nào cũng là ông ta?
Trước đây đi thuê nhà, mẹ không nghĩ nhiều mà để Vũ Phước đứng tên hợp đồng. Thật không ngờ ông ta vì muốn cuỗm món tiền đặt cọc mà lặng lẽ huỷ hợp đồng, đá chúng tôi ra khỏi nhà. Thấy tôi lờ mờ hiểu, chủ nhà bèn nói tiếp:
"Rõ ràng ông ta đồng ý chuyển đi trong ba ngày, kết quả khi tôi đến kiểm tra vẫn còn sót lại cả một đống đồ. Tôi gọi điện cho Vũ Phước nhưng không ai bắt máy nên mới liên lạc với cô. Không cần biết vì lý do gì, nội trong ngày hôm nay phải dọn dẹp sạch sẽ. Nếu cô không đem đồ đi thì tôi sẽ bảo người vứt ra bãi rác."
Tiếp đó, mặc tôi năn nỉ cầu xin, chủ nhà vẫn lạnh lụng khua tay để nhân viên tiếp tục chuyển đồ. Nhìn từng chiếc bàn ghế được khiêng ra ngoài, còn cả quần áo, xong nồi và sách vở của tôi. Vũ Phước đã tính toán rất kỹ, ông ta lấy hành lý cá nhân và toàn bộ vật dụng có giá trị rời đi, để lại cho mẹ con tôi một mớ hỗn độn. Tôi không thể mặc cả với chủ nhà, những nhà tư bản như ông ta chỉ biết đến lợi ích chứ không hề quan tâm hoàn cảnh của người khác ra sao.
Thoáng chốc, toàn bộ đồ đạc đều bị ném ra bãi rác sau khu chung cư. Tôi mất hết sức lực, ngồi xổm xuống ôm chân khóc.
Trâm Anh nằm viện, mẹ thì bị bắt giữ ở sở cảnh sát. Chi phí phẫu thuật của em gái, tội danh hành hung mà Vũ Phước tạo nên, giấy triệu tập từ toà án, tất cả đã đủ rối ren lắm rồi, bây giờ lại thêm vấn đề nhà ở. Đột nhiên bị tống cổ ra đường, đồ đạc nằm phơi xác cạnh bãi rác, đây rốt cuộc là cái hoàn cảnh gì?
Khóc đến chập tối, nước mắt cũng khô cạn. Ôm những giấy tờ tuỳ thân, tôi lững thững quay lại bệnh viện. Vừa chạm mặt Max ngoài cổng, hắn liền nổi điên mắng tôi té tát:
"Cậu chết dí ở xó nào thế? Không lo trông chừng Trâm Anh còn chạy lung tung khắp nơi, muốn tôi tức chết hả?"
"Trâm Anh sao rồi?" Tôi không giải thích nhiều, chỉ thấp giọng hỏi. Max nhìn dáng vẻ thê thảm của tôi, cơn giận sắp bùng nổ đành phải ép trở lại, hắn thở dài nói:
"Vốn tỉnh dậy không thấy cậu và dì nên hơi sợ hãi, tôi dỗ một lúc mới ngừng khóc. Cậu vào gặp con bé đi!"
Nghe hắn kể mà tôi xót cả ruột, càng không ngừng tự trách vì đã bỏ mặc em gái một mình. Tôi vô thức bước nhanh hơn, cuối cùng chạy một mạch đến phòng bệnh. Cửa mở ra, một bóng dáng màu trắng bỗng nhảy bổ vào người tôi như một cơn gió. Trâm Anh ôm chầm bên chân, ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn tôi hỏi:
"Chị đi đâu thế ạ?"
Tôi ngồi xổm xuống bế bổng con bé lên, cười cười nói: "Chị chỉ đi dạo bên ngoài thôi. Trâm Anh có ngoan không?"
Con bé ôm cổ tôi nhanh nhảu đáp: "Ngoan lắm ạ, vừa nãy cô y tá còn chích kim cho em đấy."
"Ừ em gái chị giỏi quá!" Tôi vò đầu nó khen lấy khen để. Dừng một lúc, như nhớ ra điều gì, Trâm Anh rướn cổ hỏi tiếp:
"Ơ chị ơi, mẹ đâu rồi sao em không thấy?"
"Mẹ ấy à, có chút việc bận nên tạm thời không đến được. Chờ em khoẻ lại mẹ sẽ đến đón chị em mình về nhà." Tôi đảo mắt nhìn quanh, kiếm đại một lý do. Bây giờ Trâm Anh cần tập trung điều trị, những chuyện hỗn loạn này con bé không cần biết.
...
Tránh sự chú ý của Trâm Anh, tôi lén lút kéo Max ra hành lang. Không biết từ khi nào, hai chúng tôi cứ thấp tha thấp thỏm như đi ăn trộm.
"Mẹ tôi không sao chứ?" Tôi yếu ớt hỏi.
"Dì vẫn ổn," hắn tựa lưng vào tường, giọng nói lộ ra sự mệt mỏi: "Nhưng mà sự việc lại không hề đơn giản. Bên Vũ Phước đã gửi kết quả giám định của bệnh viện, trên đầu ông ta bị rách một đường dài. Mất máu, chấn động não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thiệt hại về tinh thần, đủ các thể loại tổn thương nghiêm trọng. Khó khăn lắm mới mời được luật sư, kết quả lại bị một đám người từ đâu tới đè bẹp không thương tiếc."
Đám người từ đâu tới đó là một tổ luật sư có tiếng, Max đoán họ được tay thư ký quận mời đến. Hết tội danh này đến tội danh khác, từng cái một gom lại đủ khiến một nhà thấp cổ bé họng như chúng tôi sống dở chết dở. Vốn là bên có lỗi trong vụ việc của Trâm Anh, bọn họ từ chối bồi thường chi phí phẫu thuật đã đành, còn ác độc muốn đẩy mẹ tôi vào chốn tù ngục. Họ dễ dàng giăng ra những cạm bẫy rồi ung dung ngồi nhìn chúng tôi mắc kẹt giữa gọng kìm của chính quyền và dư luận.
Báo chí không còn bảo vệ Trâm Anh như trước đây, bây giờ, mỗi một tin tức đều là lời lẽ chỉ trích và phóng đại tội danh mà mẹ đang phải gánh chịu. Như bị ma ám, tôi mở máy tính của Max rồi truy cập các trang mạng, cố gắng tìm kiếm một cái gì đó.
Trên Google, bài viết có tựa đề "Người phụ nữ thủ đoạn lợi dụng dư luận nhằm trục lợi!" nhanh chóng đứng đầu bảng tìm kiếm. Bài viết đưa ra đoạn phim phỏng vấn của Vũ Phước, liên tiếp sau đó, tác giả trình bày những lập luận sắc bén vạch trần "trò mèo" của mẹ con tôi. Kết thúc bài luận tội dài gần mấy nghìn chữ là quan điểm của tác giả, phỉ nhổ hành động lừa đảo trên và ca tụng sự trung thực của người chồng vô tội. Kéo chuột xuống dưới, khu bình luận thoáng chốc bùng nổ.
Tin vào chính mình: "Nham hiểm quá! Thể loại người gì thế?"
Juster_B: "Có ảnh không? Ai đó đăng ảnh người này để tôi nhìn thử!!!"
Superman: "Lol, làm ơn gọi đội kiểm soát động vật đi, ở đây có chó điên xổng chuồng."
Natali: "Aaaaa!!! Loạn quá rồi! Thế rốt cuộc chuyện này là sao?"
Tôi là số một: 'Tống bà ta vào tù."
Chỉ là người qua đường: "Ha ha, ủng hộ bạn số một."
Thiên đường Cali: "Trục xuất mẹ con này."
Cướp biển caribe: "Có dấu hiệu vặn vẹo tâm lý, đề nghị đưa đối tượng vào bệnh viện tâm thần."
Kem bơ: "Cút đi!"
Mr Right: "Hừ, thấy rõ chưa, đều là đám da vàng đốn mạt."
Alexa @Mr Right: "Ghét nhất mấy kẻ phân biệt chủng tộc. Muốn cắt lưỡi gã này."
Ông già Noel @Mr Right: "Không nói chuyện chẳng ai bảo bị câm. IM ĐI!!!"
...
Những bình luận mắng chửi thay phiên nhau xuất hiện trên màn hình, mọi người không quan tâm đâu là sự thật, chỉ hùa theo số đông hò hét rồi tranh cãi. Cái mà dư luận gọi là công bằng thực chất chỉ mà một hố đen sâu hoắm, ẩn mình giữa xã hội, chỉ chờ đợi để nuốt chửng những nạn nhân xấu số.
Không may thay, mẹ và tôi lại đang bị mắc kẹt trong đó, vùng vẫy đầy tuyệt vọng. Không một ai tin tưởng hay lắng nghe, đến cuối cùng chỉ buông xuôi chờ đợi phán quyết cuối cùng.
"Chị ơi, tại sao chị khóc?" Trâm Anh đứng cạnh bên từ lúc nào, những ngón tay mềm mại bỗng sờ lên mặt tôi. Nhanh tay gập máy tính, tôi cuống cuồng lau đi hàng nước mắt. Nhưng không biết vì lý do gì, càng lau nước mắt càng tuôn ra, ướt nhoè cả bờ mi. Thấy vậy, Trâm Anh hốt hoảng ôm tôi, miệng ngọng nghịu dỗ dành:
"Chị đừng khóc! Đừng khóc mà..."
Tôi run rẩy ôm Trâm Anh, trong lòng không rõ mùi vị gì. Cảm giác bất lực xen lẫn hối hận như một sợi dây mảnh quấn chặt lấy tim tôi, đau đớn không thở nổi. Giọt nước mắt mằn mặn mà chua chát.
Tôi không muốn như vậy, tôi phải cứu mẹ bằng mọi giá. Không phải là không thể, trong tay tôi đang giữ một chứng cứ rất quan trọng. Đó là đoạn video ở viện bảo tàng lúc Trâm Anh xảy ra chuyện. Hôm ấy, khi người bảo vệ mở camera giám sát lên, tôi đã lén dùng điện thoại quay lại toàn bộ. Đoạn phim này là bằng chứng cuối cùng tôi định đưa ra trước toà. Mà bây giờ tôi không thể chờ được. Nếu vẫn tiếp tục như vậy, mẹ có thể bị kết án tội danh hành hung trước khi vụ việc của Trâm Anh được làm sáng tỏ.
Lúc này vì ảnh hưởng từ dư luận và quyền lực của tay thư ký quận, dù chúng tôi có nói gì cảnh sát cũng không quan tâm. Chỉ cần tung lên đoạn video, vạch trần lời nói dối của Vũ Phước, tiếp đó là hành vi bạo lực của ông ta. Tôi chắc mẩm những vết thương trên người mẹ vẫn còn, vào bệnh viện khám qua tự nhiên sẽ rõ ràng.
Nhưng công khai đoạn video đó đồng nghĩa với việc để cả thế giới chứng kiến khoảnh khắc Trâm Anh bị bắt nạt, bị đẩy ngã. Hình ảnh con bé nằm bất động giữa vũng máu như in sâu vào bộ não tôi, không cách nào xoá bỏ.
Tôi sợ mọi người mổ xẻ đoạn video rồi phán xét đủ điều. Tôi sợ Internet sẽ vĩnh viễn lưu trữ đoạn ký ức mà Trâm Anh không bao giờ muốn nhớ đến. Tôi không muốn cuộc sống của con bé bị xáo trộn thêm nữa.
Suy nghĩ về mẹ và Trâm Anh như một cơn lốc xoáy không ngừng quét qua tâm trí tôi.
Đêm hôm đó như kéo dài vô tận.
...
Sau một đêm giãy dụa, tôi buộc phải đưa ra quyết định.
"Muốn tôi đăng đoạn video này lên mạng?" Max cầm điện thoại của tôi, hỏi lại một lần nữa. Tôi chậm chạp gật đầu, hàng mi khẽ rủ xuống, che đi sự hỗn loạn trong đáy mắt.
"Cậu chắc chứ?"
"Nhớ làm mờ... mặt của Trâm Anh."
"Thật?"
"..."
Tôi nhờ hắn đăng thì cứ đăng đi, hỏi gì mà lắm thế! Bây giờ tôi cũng rất loạn có được hay không?
Thức trắng đêm nên tôi rất mệt mỏi, hai mắt đau buốt, cơ thể gào thét muốn được nghỉ ngơi nhưng không được. Tôi vẫn còn chuyện phải làm. Giữa lúc dư luận đang dậy sóng đến đỉnh điểm, đoạn video Max sắp sửa tung lên chắc chắn sẽ như một quả bom nguyên tử oanh tạc mọi thứ. Giống hồi thế chiến thứ hai, Mỹ ném hai quả bom xuống Hiroshima và Nagasaki khiến Nhật đầu hàng. Mà quả bom thứ hai ấy chỉ có thể là tôi.
Trong khi Max đang bận rộn chiến đấu với chiếc máy tính, tôi lẳng lặng nhấc chân ra ngoài. Tôi ghé vào cửa hàng trước cổng bệnh viện mua một món đồ rồi đi bộ tới trường học của Trâm Anh. Tám giờ sáng, phụ huynh bắt đầu đưa con đến trường, những học sinh hăm hở nối đuôi nhau bước qua cánh cổng lớn. Không khí đầu thu mát lạnh và ảm đạm một cách kỳ lạ. Gió thổi những đám mây nặng trĩu che lấp cả khoảng trời, báo hiệu cho cơn mưa sắp đến.
Tôi len qua đám đông đi về phía dãy nhà văn phòng. Đặt chân vào bên trong, khí nóng từ hệ thống sưởi bao trùm một mảng ấm áp. Những người xung quanh đều bận rộn với công việc của mình nên không để ý đến tôi. Thế cũng tốt. Tôi tranh thủ băng qua dãy hành lang rồi dừng chân trước văn phòng hiệu trưởng.
Nhìn thấy tôi, hiệu trưởng rất ngạt nhiên. Cũng phải thôi, ông ta hẳn không nghĩ tôi sẽ chủ động tìm đến cùng uống trà trò chuyện. Hiệu trưởng đưa tay lấy gọng kính đặt xuống bàn, nheo mắt nhìn tôi.
"Cô đến đây làm gì?" Hiệu trưởng nghi hoặc hỏi.
Tôi kéo ghế ngồi xuống, mặt đối mặt với hiệu trưởng rồi nói:
"Tôi đến hỏi thăm thầy, nhân tiện trao đổi một chút về vụ việc của em gái tôi."
Hiệu trưởng châm tách trà, hơi nước nóng hổi lượn lờ trong không trung khiến khuôn mặt của ông ta trở nên mờ ảo. Nhấp một ngụm trà, hiệu trưởng cười cười nói:
"Tôi vẫn khoẻ. Về vụ việc của em Trâm Anh, tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của nhà cô, tuy nhiên trường học và hội phụ huynh đã đưa ra quyết định. Đơn kiện hiện đang được xử lý, xin lỗi nhưng chúng ta chỉ có thể tranh luận ở trước toà."
"Tôi thực sự không hiểu, tại sao ông phải bao che cho những đứa trẻ đã đẩy Trâm Anh?"
"Vì sao ư?" Hiệu trưởng lạnh nhạt đáp: "Bởi vì ngay từ đầu chẳng có ai đẩy em Trâm Anh cả."
Tôi đứng bật dậy, hai mắt nhìn chằm chằm vào ông ta, cao giọng chất vấn:
"Là vì tay thư ký quận và những vị phụ huynh kia? Bọn họ đã cho ông cái gì? Tiền bạc hay là thứ gì khác?"
"Cô Hoàng Liên, mong cô chú ý lời nói của mình. Tôi có việc phải làm, không thể tiếp cô được, mời cô về cho." Dứt lời, hiệu trường nhấn vào một nút trên điện thoại để bàn rồi gọi cho ai đó.
"Bảo vệ, vào văn phòng của tôi, ngay bây giờ!"
Không lâu sau, hai bảo vệ to cao mở cửa bước vào, nghe hiệu trưởng ra chỉ thị bèn kéo tôi ra ngoài. Tôi vùng vẫy tay chân, miệng không ngừng la lớn:
"Hiệu trưởng! Ông phải cho tôi một câu trả lời rõ ràng!"
"Vì chúng tôi là người châu Á nhập cư nên ông mới bênh vực những đứa trẻ kia có phải không?"
"Các người không hề quan tâm em gái tôi ra sao, chỉ biết che dấu sự thật. Pháp luật đâu? Công bằng ở chỗ nào?"
Mặc tôi gào khóc, hai người bảo vệ vẫn thản nhiên kéo lê tôi ra khỏi văn phòng, dễ dàng ném tôi trước cổng như ném một túi rác. Tôi ngã phịch xuống đất, bộ dạng thảm hại kia nhanh chóng thu hút sự chú ý của đám đông. Đúng như dự đoán, rất nhiều người vội vàng lấy điện thoại chụp ảnh và quay phim. Có lẽ vài tiếng sau, cảnh tượng lúc nãy sẽ được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt.
Tôi vịn tay vào cổng sắt đứng lên rồi tập tễnh bước về cột cờ cách đó không xa. Đến nơi, tôi mở túi áo khoác lấy sợi dây xích và ổ khoá bằng sắt. Trước ánh mắt kinh ngạc của những người xung quanh, tôi luồn dây xích qua người rồi quấn vài vòng quanh cột cờ. Xong xuôi, tôi dùng ổ khoá buột hai đầu dây xích lại, rút chìa khoá ra ném xuống cống nước ở gần đó.
Hiệu trưởng tưởng ném tôi ra ngoài là xong? Rất xin lỗi nhưng tôi cứ muốn ngồi lỳ ở đây đấy! Có giỏi thì ông ta kêu bảo vệ cắt dây xích trên người tôi đi!
Tôi chưa từng nghĩ mình có thể nói chuyện rõ ràng với hiệu trưởng, ngay từ đầu đây chỉ là một cái cớ để tôi làm loạn lên thôi. Ông ta không biết rằng tôi chỉ muốn khuấy đảo dư luận.
Trang web này sử dụng cookie để giúp cá nhân hóa nội dung, điều chỉnh trải nghiệm của bạn và để giữ cho bạn đăng nhập nếu bạn đăng ký.
Bằng cách tiếp tục sử dụng trang web này, bạn đồng ý với việc sử dụng cookie của chúng tôi.