Review Sách Tư Duy Nhanh Chậm || Góc Review Sách

nhatha.me

Gà con
Tham gia
21/4/18
Bài viết
2
Gạo
25,0
Có rất nhiều thời điểm trong đời sống, chúng ta làm một việc gì đó đơn giản là vì thích nhiều hơn là bởi một lý do đích đáng. Và vấn đề là, chúng ta không hề nghĩ về bản thân như vậy. Hầu hết mọi người đều tin rằng mình là người lý trí. Chúng ta tin là khi mình đưa ra bất kỳ những quyết định, đánh giá hay hành động nào thì đã suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ lưỡng. Có thật như vậy không?
Review sách Tư Duy Nhanh Chậm : Chúng ta có nên quá tin vào bản thân mình?

Bây giờ, hãy thử xem xét một ví dụ:
Trong cuốn sách 7 Thói Quen Của Người Thành Đạt, tác giả Stephen R. Covey đã giới thiệu một ma trận phân nhóm các công việc mà ta phải xử lý hằng ngày.
tu-duy-nhanh-va-cham-01.png

Ma trận gồm 4 phần:
  • Ở góc phần tư thứ nhất là những công việc khẩn cấp và quan trọng ví dụ như trả lời các email công việc, hoàn thành công việc nhà, các bài viết đã đến hạn chót nộp bài, hay đến ngày đóng tiền điện nước…
  • Ở góc phần tư thứ II là những công việc không khẩn cấp nhưng quan trọng như là kiểm tra sức khỏe tổng quát, gọi điện thoại hỏi thăm bố mẹ, đọc sách trau dồi kiến thức, các kế hoạch dài hạn, nói chung là các công việc củng cố các mối quan hệ, cải thiện sức khỏe, kế hoạch hoàn thiện bản thân.
  • Ở góc phần tư thứ III là những công việc khẩn cấp nhưng không quan trọng: một cuộc hẹn bất chợt hay một lời nhờ vả giúp đỡ ai đó khi bạn đang phải giải quyết công việc quan trọng…
  • Và ở góc phần tư thứ IV là những công việc không khẩn cấp cũng không quan trọng: lướt facebook, lướt báo theo dõi thông tin các sự kiện giải trí, xem tivi, trả lời tin nhắn…
Cho dù bạn có được biết về ma trận này trước đây hay chưa. Thì nếu suy xét một chút, chúng ta đều có thể hiểu được rằng nên ưu tiên dành thời gian cho các công việc ở phần tư thứ nhất, và thứ II. Giải quyết trước hết những công việc quan trọng, dài hạn và khẩn cấp. Nhưng tôi thấy rằng mình lại rất dễ đánh rơi thời gian mỗi ngày của mình vào các công việc ở hai góc phần tư sau nhiều hơn. Tôi cũng dần nhận ra rằng để tuân thủ một nguyên tắc hay một kế hoạch lâu dài được xem là đúng đắn và tốt cho bản thân thực sự rất rất gian nan.
Tôi thấy mình có thể tìm hiểu và ghi nhớ những quy tắc ứng xử với người khác. Nhưng tôi không dám chắc rằng mình chưa từng nói điều gì làm tổn thương ai đó.
Bạn có từng rơi vào trường hợp giống tôi, biết điều đúng là đúng. Nhưng trong một số tình huống, lại cư xử khác với những gì mình nghĩ là nên làm.
Bạn có từng bắt đầu một kế hoạch tập thể dục hằng ngày và để nó trôi vào quên lãng chỉ sau 1 tuần thậm chí vài ngày.
Bạn có từng thử và thành công với kế hoạch trở thành con người mới trong năm năm, hay mười năm?
Hay đôi khi, chúng ta lao đầu vào các dự án hấp dẫn rồi nhận lấy thất bại cay đắng vì những rủi ro mà mình chưa hề nghĩ tới trước đó.
Tôi và bạn, con người chúng ta làm sai nhiều hơn mình nghĩ rất nhiều.
Và nếu đọc hết cuốn sách Tư duy, nhanh và chậm này, bạn sẽ nhận ra những sự thật rất phũ phàng về chính mình. Chúng ta có thể là những sinh vật rất thông minh. Nhưng ta không hẳn là đủ mạnh mẽ để làm chủ chính mình. Ta không đủ mạnh để có thể suy nghĩ và hành động một cách có lý trí ở mọi thời điểm.
Tác giả cuốn sách, Daniel Kahneman là nhà tâm lý học người Mỹ gốc Israel, ông không những là ngôi sao sáng trong lĩnh vực phán đoán và ra quyết định mà còn là nhà nghiên cứu xuất sắc về kinh tế học hành vi. Từ năm 1969 ông cùng với đồng sự của mình là Amos Tversky bắt đầu thực hiện hàng loạt nghiên cứu về lĩnh vực phán đoán và ra quyết định của con người. Hai người họ chính là cha đẻ của Lý thuyết triển vọng (prospect theory), những đóng góp của thuyết này đã giúp ông nhận giải Nobel Kinh tế năm 2002 (Amos Tversky đã mất trước đó nên đã lỡ duyên với giải Nobel).
tu-duy-nhanh-va-cham-02.png


Nhân vật chính của cuốn sách là Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Đây là hai tên gọi tác giả dùng để gán cho hai cơ chế suy nghĩ của con người: tư duy nhanh và tư duy chậm. Cơ chế Tư duy nhanh hoạt động tự động, vô thức và thiên về phần bản năng, tác giả gọi là Hệ thống 1. Cơ chế Tư duy chậm có khả năng lý trí, logic, đòi hỏi sự chủ động, tập trung chú ý là Hệ Thống 2.
Bạn sử dụng cơ chế nghĩ nhanh khi gặp những câu hỏi như: Bạn tên gì?, 2+2=?. Lúc đó, gần như đáp án lập tức xuất hiện trong đầu bạn. Bạn cũng nhận ra ngay quả bóng màu đỏ giữa toàn những quả bóng màu xanh (trừ khi là bạn bị mù màu).
Hay bạn có thể thực hiện các thao tác bằng tay thuận mà trong đầu không hiện lên các suy nghĩ kiểu như bước đầu tiên là đưa tay ra phía trước, sử dụng ngón trỏ và ngón cái cầm lấy muỗng, các ngón khác thì nắm lại, rồi điều khiển cổ tay sao cho muỗng múc được thức ăn, sau đó đưa tay lên ngang miệng, rồi mở miệng ra, đưa thức ăn vào miệng ….bla bla bla
Các nhà khoa học đã mất rất nhiều thời gian và công sức để có thể hiểu được cách thức hoạt động của Hệ thống 1. Hầu hết chúng đều mang tính vô thức. Một phần là những phản ứng bản năng đã được lưu giữ hàng triệu năm từ tổ tiên xa xôi của chúng ta. Phần khác đến từ những mô thức, niềm tin đã được gắn sâu vào tâm thức bạn từ khi bạn chỉ là một đứa trẻ. Và còn là tập hợp một hay nhiều kỹ năng đã được rèn luyện đến mức nhuần nhuyễn.
Hệ thống 1 như là thư viện vĩ đại lưu trữ những kiến thức, niềm tin và những khuôn mẫu chuẩn mực của bạn về thế giới xung quanh.
Và thế giới này thì biến đổi không ngừng. Vì vậy, kho lưu trữ của hệ thống 1 luôn cần được cập nhật và thay đổi. Nhưng hệ thống tư duy tự động này của chúng ta không thể làm được điều này. Nó không hề mảy may nghi ngờ những hiểu biết cũ. Hoàn toàn tin tưởng vào những gì đã biết và tự tin rằng với những hiểu biết đó, chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục tương lai mới mẻ. Giống như là việc tự tin mang một tấm bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh để đi du lịch Singapore vậy.
Ngoài ra, suy nghĩ và cảm xúc thuộc hệ thống 1 rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bối cảnh. Chỉ cần một chi tiết nhỏ xíu xìu xiu và không liên quan lại có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta. Thuật ngữ Hiệu ứng mồi dùng để chỉ một thuộc tính tâm lý của chúng ta: “các hành động, tâm trạng của chúng ta có thể bị dẫn dắt bởi những sự kiện hay thông tin mà ta thậm chí còn không nghĩ tới”. Trong thí nghiệm của nhà tâm lý học John Bargh, ban đầu ông yêu cầu những người tham gia tìm 4 từ cùng một trường nghĩa trong một nhóm 5 từ. Sau đó, họ được yêu cầu tham gia một thí nghiệm khác trong 1 căn phòng ở tầng khác. Các nhà làm thí nghiệm kín đáo đo thời gian di chuyển giữa hai địa điểm của những người tham gia. Kết quả là, những người nhóm được những từ có liên quan đến tuổi già đi chậm rõ rệt so với những người khác.
Có khi, chúng ta còn không phân biệt được sự khác biệt giữa sự thật và cảm giác thân quen. Hãy thử suy xét lại một chút về điều gì đó mà bạn tin tưởng. Biết đâu bạn thấy điều đó là đúng chỉ vì nó được lặp đi lặp lại thường xuyên.
Hệ thống 1 cũng rất cả tin vào những dữ liệu sẵn có, không thắc mắc đến những phần bị ẩn đi của các vấn đề, và luôn nôn nóng đưa ra kết luận. Chúng ta chỉ biết những gì mình biết và thường quên không hỏi đến những gì mình không biết.
Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi ấn tượng ban đầu. Bạn thích thú với phần thể hiện của anh MC đẹp trai trong một chương trình truyền hình và sau đó bạn rất dễ đồng ý với mọi quan điểm của ảnh. Mặc dù rất nhiều trong số đó chẳng thuộc chuyên môn của anh ấy
Bản năng phải hành động và mong muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức luôn dẫn dắt chúng ta.
Chúng ta có xu hướng liên kết mọi thứ với nhau, dù đó là những thứ chẳng ăn nhập gì.
Chúng ta thích những câu chuyện, thích sự mạch lạc, rõ ràng, trực quan và sợ hãi những gì mơ hồ, trừu tượng.
Chúng ta rất nhạy cảm với liên hệ nguyên nhân-hệ quả (đôi khi không hợp lý) và không hề hứng thú với những bài toán xác suất thống kê.
Bạn sẽ còn tìm thấy trong cuốn sách hàng loạt những nghiên cứu mô tả những đặc tính của hệ thống tư duy phi lý trí của chúng ta. Những đặc tính này khiến chúng ta có những hạn chế nhất định trong việc nắm bắt được sự thật và đưa ra quyết định đúng đắn.
Còn bây giờ thì tôi sẽ tiếp tục với những đặc điểm của hệ thống 2, hệ thống tư duy chậm.
Nói ngắn gọn thì hệ thống 2 chính là hình mẫu con người lý trí. Hệ thống 2 bao gồm năng lực tự chủ, kiểm soát suy nghĩ và hành vi. Hệ thống 2 tham gia vào các nhiệm vụ đòi hỏi nhiều yêu cầu, phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định.
Không tự động và vô thức như khi tư duy với hệ thống 1. Để hệ thống 2, hệ thống tư duy chậm, hoạt động, bạn cần phải “bật công tắc”. Đó là khi bạn chủ động đào sâu suy nghĩ, tìm kiếm thêm thông tin, phân tích logic vấn đề một cách thận trọng ở nhiều khía cạnh.
Đặc tính nổi bật của hệ thống 2 là khả năng chất vấn lại những suy nghĩ xuất phát từ hệ thống 1. Chúng ta là sinh vật có khả năng đặt câu hỏi với quá khứ của chính mình. Nếu hệ thống 1 bị tác động bởi tâm lý đám đông thì hệ thống 2 có năng lực điều chỉnh giúp ta suy nghĩ độc lập. Hệ thống 2 làm nhiệm vụ chủ động cân nhắc lại các yếu tố liên quan, chịu trách nhiệm ra quyết định sau cùng.
Hệ thống 2 thực hiện các nhiệm vụ một cách chậm chạp có tính toán, học tập kiến thức theo kiểu lũy tiến. Và bao giờ cũng cần một nỗ lực chú ý nhất định cho những hoạt động của hệ thống 2. Đồng thời những hoạt động này luôn dễ khiến chúng ta cảm thấy mất sức.
Bạn có thể hình dung quá trình tư duy chậm qua một số ví dụ như:
Thành ngữ “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, ý nhắc nhở chúng ta hãy cân nhắc trước khi quyết định nói ra những suy nghĩ đang có trong đầu. Đây là nhiệm vụ mà hệ thống 2 mới có thể làm được.
Hay khi ta muốn thực hiện một kế hoạch ăn uống lành mạnh. Trước khi hình thành thói quen lâu dài, ta luôn cần đến hệ thống 2 tự chủ trong việc chống lại cám dỗ của những loại thức ăn mùi vị hấp dẫn nhưng nhiều năng lượng ít dinh dưỡng.
Hoặc như trong ma trận công việc tôi đã mô tả ở đầu bài, khả năng điều chỉnh bản thân ưu tiên cho những việc quan trọng nhưng không khẩn cấp là năng lực của hệ thống 2.
Có vẻ như là nếu chỉ sử dụng hệ thống 2 thì đời ta dễ dàng biết bao nhiêu.
Nhưng, đời không như là mơ. Và kẻ phá hỏng giấc mơ đó cũng chính là chúng ta. Sự thật là hầu hết trong đời sống thường ngày, chúng ta hầu như bị chi phối rất nhiều bởi hệ thống 1, hệ thống bản năng. Thêm nữa, đừng mong chờ cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn trở thành một người loại bỏ phần phi lý trí của mình và chỉ sử dụng cơ chế tư duy chậm. Thực sự thì, điều đó là bất khả thi. Bạn không thể hoàn toàn kiểm soát những tác động từ hệ thống 1, hay phần tiềm thức của mình. Hệ thống 1 được xem như là nhà phát ngôn của quá khứ, tiếng nói của nó chính là những suy nghĩ tức thời, cảm xúc và các quyết định trực giác của bạn. Tác động của những tiếng nói này rất mạnh mẽ, khó cưỡng. Lắm khi chúng ta chỉ tiếp nhận và hành động theo những suy nghĩ xuất phát từ hệ thống 1 mà quên dùng đến hệ thống 2 để điều chỉnh.
Cuốn sách cung cấp cho tôi một hiểu biết mới về tư duy của con người, của chính tôi. Chúng ta sở hữu một hệ thống 1 mạnh mẽ nhưng đầy lỗi, một hệ thống 2 thận trọng và lý trí nhưng lại ít khi được dùng đến.
Và tôi còn nhận được một thông điệp rất cô đọng:
Hãy ngưng cái thái độ tự tin vào chính mình đi. Đừng quá tự tin vào sự hiểu biết và năng lực của bản thân để có thể luôn giữ cho mình một trạng thái “khát tri thức”, tâm thế hoài nghi hiểu biết cũ và cởi mở với kiến thức mới. Hãy bắt đầu đặt tập thói quen câu hỏi chất vấn với những nhận định hay quyết định của mình. Đừng quên rung chuông đánh thức hệ thống 2 trong những sự kiện quan trọng.
Hãy đọc sách và quyết định xem có nên gia nhập nhóm những người hoài nghi chính mình không nhé.
By: Góc review sách
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên