Anh Nghi hơn tôi một tuổi, cả về tuổi quân và tuổi đời. Khi tôi vào đơn vị, anh mới vừa được phong Binh nhất, nhưng vẫn là chiến sĩ. Hiền lành, dễ gần và luôn nhiệt tình giúp đồng đội là điều nhận thấy ở anh chỉ sau ít ngày cùng sinh hoạt.
Tôi thích mon men gần anh, vì anh giữ súng cối cá nhân M79 trong tiểu đội. Loại súng này lạ hoắc vì ngoài Bắc khi huấn luyện tôi chưa thấy bao giờ. Anh giải thích, đây là súng phóng lựu của Mỹ, bắn một viên đạn đi gần giống như ta ném một quả lựu đạn, nhưng bay xa và chính xác hơn. Ôi, thật là lợi hại. Nhìn những viên đạn to như củ khoai, đầu vàng chóe, tôi thích lắm.
Lân la cạnh anh, rồi có lúc đánh trận, nhất là khi giữ chốt, anh cũng cho tôi bắn thử vài viên. Anh coi tôi như đứa em nhỏ của mình nên cũng chiều. Tôi mê lắm, đến nỗi về sau có thời gian tôi cũng xung phong được mang M79 trong tiểu đội. Ra trận với cơ số 40 viên đạn, thấy mình như mạnh mẽ và tự tin hơn. Có điều còn lâu tôi mới được như anh Nghi, vì anh bắn giỏi lắm. Quân ta ít có điều kiện bắn tập bằng đạn thật, nhưng như một cái khiếu hay sao ấy mà chỉ qua các trận đánh với tâm lý khẩn trương, anh vẫn luyện cho mình một khả năng thiện xạ. Ngồi chốt với anh cũng sướng, mà đánh vận động thì sự chi viện của anh đắc lực lắm. Nhanh thoăn thoắt và thoắt ẩn thoắt hiện. Có lẽ vì thể mà anh chẳng bị trúng đạn phản hỏa lực của địch bao giờ.
Một trận đánh chốt cùng anh bên huội Chăm pi đã đưa anh ra khỏi biên chế tiểu đội tôi. Một quả pháo của địch nện trúng miệng căn hầm chữ A nhỏ bé của hai chúng tôi. Tuy cùng ngồi khuất trong ngách hầm không ai trúng mảnh, nhưng anh ngồi trong sát vách nên chịu sức dội và bị sức ép nặng hơn. Tôi chỉ phải lên quân y tiểu đoàn nằm ba hôm, nhưng anh phải đi trạm phẫu Trung đoàn nằm mất một tuần. Khi về đơn vị, tai nghễnh ngãng, nghe cái gì cũng ù ù cạc cạc, nên anh được chuyển xuống làm anh nuôi. Anh buồn nhưng phải chấp nhận, vì lính chiến mà nghễnh ngãng thì độ nhanh nhạy kém hẳn, chiến trận sẽ thành gánh nặng.
Anh Nghi hay được đi phối thuộc lẻ cùng trung đội tôi, nên những lúc hành quân hay ở cứ, tôi vẫn gần anh. Thời kỳ thiếu đói, đôi lúc anh vẫn để dành từ đâu đó cho tôi một mẩu cháy to bằng ngón chân, hay một mẩu sắn nhỏ như con chuột nhắt. Chỉ thế thôi, nhưng thật ấm lòng.
Chiến tranh kết thúc.
Cuối năm 1975, anh Nghi được ra quân.
*
Không ghi lại được địa chỉ quê anh, nên phải hơn hai chục năm sau, trong một lần tìm thăm đồng đội theo một vệt từ Phúc Thọ lên Sơn Tây, tôi mới đến được nhà anh. Cuộc sống của người chiến binh cùng đơn vị tôi năm xưa giờ quá nghèo túng. Khi còn khoác áo lính thì ai cũng như ai, chẳng thấy sự giàu nghèo phân biệt, nhưng giờ thì chỉ nhìn cũng đủ thấy hoàn cảnh đồng đội năm xưa của mình thế nào. Cả ngôi nhà 3 gian chỉ có giá trị nhất là xây tường gạch, còn mái nhà là lợp rạ, nền đất nện và cửa rả thì chỉ như là có để mà có.
Căn nhà tuềnh toàng nhưng khá ngăn nắp, cũng bởi chẳng có gì nhiều để mà bừa bộn. Tôi để ý đến một tấm bằng treo ở chỗ trang trọng trong nhà. Không phải bằng "Gia đình vẻ vang", vì thứ đó khi đã rời quân ngũ, thường người ta tháo gỡ luôn rồi. Cũng chẳng phải tấm bằng ghi nhận công trạng, bởi nó có vẻ nhỏ, lọt thỏm trong khung kính và chỉ có mỗi hai màu trắng đen. Tôi nhìn kỹ và lần đọc được mấy dòng chữ trên cùng "Giấy báo nhập học". Phía dưới chữ nhỏ hơn: "Trường Đại học…", Thì ra, đó là tâm Giấy gọi vào Đại học.
Phân ngôi chủ khách, chuyện trò thăm hỏi đủ thứ, chuyện gì cũng chỉ được dăm ba ý rồi nhảy cóc lung tung, từ chuyện chiến trường đến chuyện giải ngũ mưu sinh, rồi chuyện gia đình, sức khỏe và con cái. Nhẩn nha ngồi uống nước, chuyện mãi rồi anh cũng kể về tấm bằng "Giấy gọi Đại học" cho tôi nghe.
Bốn năm trước, con gái đầu của anh tốt nghiệp phổ thông. Cháu học khá nên dù nghèo, anh cũng quyết định bán hơn tấn thóc rồi khăn gói đưa con xuống Hà Nội dự thi Đại học. Anh bảo thực ra cũng không mong mỏi gì, nhưng cố gắng để cháu khỏi tủi và cũng để cho xóm làng biết con mình có khả năng học tập. Cũng chỉ nghĩ đưa cháu đi thi cho cháu vui thôi, không ngờ hơn hai tháng sau, trường Đại học Kinh tế quốc dân gửi giấy báo nhập học cho cháu. Nghe nói cái trường này cũng tiếng tăm lắm. Lúc đầu cả nhà rất vui, nhất là con gái anh. Nhưng đến khi chuẩn bị thực hiện thì mới thấy rằng gia đình anh không thể có tiền cho cháu về Hà Nội học được. Mỗi tháng mấy trăm nghìn là gánh nặng mà nhà anh không thể kiếm đâu ra. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng con gái anh đành chấp nhận ở nhà làm ruộng giống như vợ chồng anh. Anh bảo, tháng đầu cháu buồn lắm, nhưng rồi cũng nguôi vì cả xã cũng chẳng có con nhà ai vào được đại học, ai cũng như ai.
Còn tấm giấy gọi đại học của con gái, anh tìm cái khung cũ đặt vào rồi cẩn thận treo lên tường, chỗ trang trọng nhất. Anh bảo, đó vừa như kỷ niệm, vừa là niềm tự hào an ủi của gia đình.
Bây giờ thì con gái anh đã lấy chồng rồi, ở ngay cùng xã.
Tôi ngồi nghe anh kể mà thấy não cả lòng. Phải chi tôi tìm được đến anh từ dăm năm trước, biết đâu…
Chia tay anh ra về mà lòng tôi còn nặng trĩu. Chợt nhớ đến câu nói ước vọng của Người sáng lập ra nhà nước ta:"Suốt đời tôi, tôi chỉ có một mong ước. Mong ước tột bậc là làm sao nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
"Ai cũng được học hành".Ước nguyện đó tưởng thật là đơn giản, đơn giản như là một sự tất nhiên ở thời đại ngày nay, vậy mà…
(Vũ Công Chiến
Tháng 8 năm 2000)
Tôi thích mon men gần anh, vì anh giữ súng cối cá nhân M79 trong tiểu đội. Loại súng này lạ hoắc vì ngoài Bắc khi huấn luyện tôi chưa thấy bao giờ. Anh giải thích, đây là súng phóng lựu của Mỹ, bắn một viên đạn đi gần giống như ta ném một quả lựu đạn, nhưng bay xa và chính xác hơn. Ôi, thật là lợi hại. Nhìn những viên đạn to như củ khoai, đầu vàng chóe, tôi thích lắm.
Lân la cạnh anh, rồi có lúc đánh trận, nhất là khi giữ chốt, anh cũng cho tôi bắn thử vài viên. Anh coi tôi như đứa em nhỏ của mình nên cũng chiều. Tôi mê lắm, đến nỗi về sau có thời gian tôi cũng xung phong được mang M79 trong tiểu đội. Ra trận với cơ số 40 viên đạn, thấy mình như mạnh mẽ và tự tin hơn. Có điều còn lâu tôi mới được như anh Nghi, vì anh bắn giỏi lắm. Quân ta ít có điều kiện bắn tập bằng đạn thật, nhưng như một cái khiếu hay sao ấy mà chỉ qua các trận đánh với tâm lý khẩn trương, anh vẫn luyện cho mình một khả năng thiện xạ. Ngồi chốt với anh cũng sướng, mà đánh vận động thì sự chi viện của anh đắc lực lắm. Nhanh thoăn thoắt và thoắt ẩn thoắt hiện. Có lẽ vì thể mà anh chẳng bị trúng đạn phản hỏa lực của địch bao giờ.
Một trận đánh chốt cùng anh bên huội Chăm pi đã đưa anh ra khỏi biên chế tiểu đội tôi. Một quả pháo của địch nện trúng miệng căn hầm chữ A nhỏ bé của hai chúng tôi. Tuy cùng ngồi khuất trong ngách hầm không ai trúng mảnh, nhưng anh ngồi trong sát vách nên chịu sức dội và bị sức ép nặng hơn. Tôi chỉ phải lên quân y tiểu đoàn nằm ba hôm, nhưng anh phải đi trạm phẫu Trung đoàn nằm mất một tuần. Khi về đơn vị, tai nghễnh ngãng, nghe cái gì cũng ù ù cạc cạc, nên anh được chuyển xuống làm anh nuôi. Anh buồn nhưng phải chấp nhận, vì lính chiến mà nghễnh ngãng thì độ nhanh nhạy kém hẳn, chiến trận sẽ thành gánh nặng.
Anh Nghi hay được đi phối thuộc lẻ cùng trung đội tôi, nên những lúc hành quân hay ở cứ, tôi vẫn gần anh. Thời kỳ thiếu đói, đôi lúc anh vẫn để dành từ đâu đó cho tôi một mẩu cháy to bằng ngón chân, hay một mẩu sắn nhỏ như con chuột nhắt. Chỉ thế thôi, nhưng thật ấm lòng.
Chiến tranh kết thúc.
Cuối năm 1975, anh Nghi được ra quân.
*
Không ghi lại được địa chỉ quê anh, nên phải hơn hai chục năm sau, trong một lần tìm thăm đồng đội theo một vệt từ Phúc Thọ lên Sơn Tây, tôi mới đến được nhà anh. Cuộc sống của người chiến binh cùng đơn vị tôi năm xưa giờ quá nghèo túng. Khi còn khoác áo lính thì ai cũng như ai, chẳng thấy sự giàu nghèo phân biệt, nhưng giờ thì chỉ nhìn cũng đủ thấy hoàn cảnh đồng đội năm xưa của mình thế nào. Cả ngôi nhà 3 gian chỉ có giá trị nhất là xây tường gạch, còn mái nhà là lợp rạ, nền đất nện và cửa rả thì chỉ như là có để mà có.
Căn nhà tuềnh toàng nhưng khá ngăn nắp, cũng bởi chẳng có gì nhiều để mà bừa bộn. Tôi để ý đến một tấm bằng treo ở chỗ trang trọng trong nhà. Không phải bằng "Gia đình vẻ vang", vì thứ đó khi đã rời quân ngũ, thường người ta tháo gỡ luôn rồi. Cũng chẳng phải tấm bằng ghi nhận công trạng, bởi nó có vẻ nhỏ, lọt thỏm trong khung kính và chỉ có mỗi hai màu trắng đen. Tôi nhìn kỹ và lần đọc được mấy dòng chữ trên cùng "Giấy báo nhập học". Phía dưới chữ nhỏ hơn: "Trường Đại học…", Thì ra, đó là tâm Giấy gọi vào Đại học.
Phân ngôi chủ khách, chuyện trò thăm hỏi đủ thứ, chuyện gì cũng chỉ được dăm ba ý rồi nhảy cóc lung tung, từ chuyện chiến trường đến chuyện giải ngũ mưu sinh, rồi chuyện gia đình, sức khỏe và con cái. Nhẩn nha ngồi uống nước, chuyện mãi rồi anh cũng kể về tấm bằng "Giấy gọi Đại học" cho tôi nghe.
Bốn năm trước, con gái đầu của anh tốt nghiệp phổ thông. Cháu học khá nên dù nghèo, anh cũng quyết định bán hơn tấn thóc rồi khăn gói đưa con xuống Hà Nội dự thi Đại học. Anh bảo thực ra cũng không mong mỏi gì, nhưng cố gắng để cháu khỏi tủi và cũng để cho xóm làng biết con mình có khả năng học tập. Cũng chỉ nghĩ đưa cháu đi thi cho cháu vui thôi, không ngờ hơn hai tháng sau, trường Đại học Kinh tế quốc dân gửi giấy báo nhập học cho cháu. Nghe nói cái trường này cũng tiếng tăm lắm. Lúc đầu cả nhà rất vui, nhất là con gái anh. Nhưng đến khi chuẩn bị thực hiện thì mới thấy rằng gia đình anh không thể có tiền cho cháu về Hà Nội học được. Mỗi tháng mấy trăm nghìn là gánh nặng mà nhà anh không thể kiếm đâu ra. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng con gái anh đành chấp nhận ở nhà làm ruộng giống như vợ chồng anh. Anh bảo, tháng đầu cháu buồn lắm, nhưng rồi cũng nguôi vì cả xã cũng chẳng có con nhà ai vào được đại học, ai cũng như ai.
Còn tấm giấy gọi đại học của con gái, anh tìm cái khung cũ đặt vào rồi cẩn thận treo lên tường, chỗ trang trọng nhất. Anh bảo, đó vừa như kỷ niệm, vừa là niềm tự hào an ủi của gia đình.
Bây giờ thì con gái anh đã lấy chồng rồi, ở ngay cùng xã.
Tôi ngồi nghe anh kể mà thấy não cả lòng. Phải chi tôi tìm được đến anh từ dăm năm trước, biết đâu…
Chia tay anh ra về mà lòng tôi còn nặng trĩu. Chợt nhớ đến câu nói ước vọng của Người sáng lập ra nhà nước ta:"Suốt đời tôi, tôi chỉ có một mong ước. Mong ước tột bậc là làm sao nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
"Ai cũng được học hành".Ước nguyện đó tưởng thật là đơn giản, đơn giản như là một sự tất nhiên ở thời đại ngày nay, vậy mà…
(Vũ Công Chiến
Tháng 8 năm 2000)