Tạm biệt mùa hè - Cập nhật - Huyền Nhâm

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
o5y4qL0.png


TẠM BIỆT, MÙA HÈ

Tác giả: Huyền Nhâm

Thể loại: Tình cảm học trò

Độ dài: Chưa xác định

Tình trạng sáng tác: Đang sáng tác

Tình trạng đăng: Cập nhật

Độ tuổi đọc: Không giới hạn

Cảnh báo hình thức: Truyện trẩu, văn hàng nước, thận trọng khi dùng cho người già và thanh niên nghiêm túc

Cảnh báo nội dung: Truyện mang tính giải trí, đi ra đi vào, không kịch tính, không cẩu huyết, không ẩn chứa ý đồ nghệ thuật gì to lớn hay thông điệp trái tim gì lớn lao

Ảnh bìa: Edit by Ance - DPT


Giới thiệu truyện:
"Nam Anh đầu đất, hiền lành với tất cả mọi người, chỉ đanh đá với một kẻ đặc biệt!

Đó là dòng viết duy nhất được tôi ghi vào trong cuốn sổ lưu bút của hắn. Lúc đem đến trả hắn nhìn tôi lạnh mặt, cầm lấy nhét ngay vào ba lô rồi hầm hè bỏ đi.

Hôm ấy, cả lớp đồn đại ầm ĩ lên. Thấy bảo hắn bị bắt gặp khi đang dấm dúi đọc nó trong tận góc hành lang, tay vẫn run mà miệng thì cười như ngớ ngẩn.

Nếu còn có lần sau, tôi nhất định sẽ sửa thành ghét hắn!"

Một câu chuyện giản đơn về tuổi thiếu niên chạm ngưỡng vị thành niên được đặt trong bối cảnh Hà Nội những năm 2000 tại trường THCS Tô Hoàng, lớp 9I.

Lời tác giả:

Mình có niềm yêu thích đặc biệt với thời áo trắng, phần lớn tác phẩm đều dính tới học đường. Mỗi cấp học của mình đều đầy ắp bao nỗi vui buồn riêng, giờ viết bộ này cũng chỉ như nhắc nhở mình nhớ lại, rằng bản thân đã từng có những tháng ngày rực rỡ thế.

"Tạm biệt mùa hè" có thể coi là dự án học đường chính thức mình viết về cấp hai, và "Chàng trai bên tôi năm 17" là cấp ba. Sẽ phấn đấu tái hiện "một thời để nhớ" này một cách chi tiết hơn thay vì chỉ dùng nó làm nền như trong "Đơn phương" và những bộ còn lại.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Ai cũng có một thời thanh xuân để nhớ. Và thế là... mình lót dép hóng.
Xin lỗi vì đã lấy mất vị trí đầu tiên của bài post :D.
 

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
Chương 1: Địch thủ tuổi thơ
Sát vách nhà tôi là một mảnh đất trống. Thời còn nghèo, đám trẻ trong xóm không đứa nào được đi học mẫu giáo nên thường tụ tập ở đây, bày đủ trò dỗ nhau trong lúc vắng bố mẹ. Lũ con gái thì bắt chuồn chuồn kim buộc chỉ ngang lưng thả chơi, còn bọn con trai thì bắt châu chấu đem làm mồi câu cá. Tôi lại thích nhất chọi cỏ gà[1]. Ngày nào cũng lúi húi tìm những nhánh cỏ vừa mập vừa dai, gom thành đống rồi huênh hoang khiêu chiến.

Tôi đá rất giỏi. Một phần vì tôi chịu khó, luôn lựa những cọng khỏe chứ không nhổ cả túm, phiên phiến như tụi nó. Thêm nữa là mỗi lần chém gà, tôi đều láu cá hơi miết cổ tay về phía đầu cỏ bên kia. Đứt ngay! Cỏ mọc trong bãi dần bị vặt sạch mà chẳng nhánh nào trụ nổi sau mỗi lần "đá" của tôi cả.

Hồi đó, tôi vẫn còn nghịch lắm. Bố mẹ bận cả ngày nên cứ hở ra là tôi lại lê la theo đám con trai đi đánh quay[2], bắn bi, đá bóng. Trăm hay không bằng tay quen, trò nào cũng thành thần. Tôi chơi quay giỏi đến mức nhiều năm sau đó, mẹ vẫn còn tấm tắc nhắc lại cảnh tôi bổ vào chính giữa đỉnh tu[3] của một con quay đang xoay khác trên mặt đất. Đám quay trong xóm, cái nào cũng chi chít vết lõm sau mỗi lần bị tôi hầm[4]. Riêng đá thì tôi là vô địch nên càng hống hách tợn.

- Mở sới chọi gà! - Tôi chống nạnh nói. - Ai thắng sẽ được hầm quay của tao mệt nghỉ.

Cả lũ trố mắt nhìn. Thế rồi không ai bảo ai, tất cả đồng loạt nhảy vào bãi cỏ bới tìm . Toàn mấy thằng hay bị tôi hầm quay đến nứt toác nên căm lắm. Còn tôi ung dung ngồi xuống tảng xi măng quen thuộc, đem thừng ra quấn quay, lăng chơi vài cái. Đang mùa hè nên cỏ mọc ác, tôi đã nhanh tay lựa được mười mấy nhánh khỏe nhất rồi. Cộng thêm kinh nghiệm chinh chiến trường kì, bọn nó làm sao mà thắng được!

Đúng như dự đoán, của tôi thắng liên tục. Đám của tụi thằng Bờm, thằng Tít đã rụng hết đầu rồi mà quân tôi mới đứt có hai con. Tôi lại càng hăng máu:

- Đứa nào thắng sẽ được tao nộp thêm mười viên bi, năm tấm thẻ in hình Hesman và cả con quay ngũ sắc.

Đó là con quay đẹp nhất mà tôi có, thỉnh thoảng lắm mới dám đem ra chơi. Đinh mũ sáng loáng, còn thân quay thì được tôi dùng bút dạ nhiều màu trang trí lên. Mỗi lần thả ra loang loáng như cầu vồng.

- Còn thua? - Một đứa rụt rè hỏi.

Tôi cười ranh mãnh:

- Bao tao ăn kem một tuần.

Cả bọn im lặng nhìn nhau. Một tuần kem là gia tài không nhỏ với tụi nhóc, dù hồi đó nó vẫn chỉ được bán rong trong các thùng xốp, mỗi que hai trăm đồng. Trưa nào cũng vậy, cả nhà ngủ hết rồi là tôi lại lén mở cửa ra đường, mấy đứa nháy nhau chờ tiếng còi toe toe chạy qua. Tôi thích ăn kem lắm! Nắng hè gay gắt, mồ hôi tuôn ròng ròng mà được cây kem mát lạnh mà mút mát thì còn gì bằng.

Đợi mãi chẳng thấy đứa nào lên tiếng, tôi bắt đầu hối hận. Bảy ngày kem có lẽ hơi nhiều, đổi thành ba chắc dễ hơn nhỉ? Đợt này mẹ không cho tôi tiền ăn sáng nữa mà hay nấu cơm nếp, mì tôm ở nhà nên tôi chẳng dành được đồng nào ăn vặt hết.

Đúng là tham thì thâm mà...

***

- Tớ chơi.

Đúng lúc tôi đang định mở miệng hạ xuống "ba ngày thôi" thì một thằng nhóc lững thững bước lên. Nó cao sàn sàn tôi, mặc áo thun trắng cộc tay bỏ ngoài quần bò lửng, đi giày thể thao trông rất đàng hoàng chứ không nhếch nhác dép lê chân trần như lũ trẻ trong xóm. Mặt mũi thì lạ hoắc, tôi chưa thấy bao giờ.

- Anh Tùng? - Thằng Tít giật mình ngoái lại. - Sao anh lại ra đây? Mà con Mèo kia nó gấu lắm, anh không thắng được đâu!

Ra là anh của thằng Tít à? Nhà thằng oắt này nằm tuốt ở xóm bên, nhưng nó chơi thân với thằng Bờm nên cuộc vui nào cũng lê ra đây góp mặt.

- Ở nhà mãi cũng chán. - Thằng Tùng gì đó thò tay vào túi, móc ra tờ hai nghìn đồng mới cóng. - Từng này đủ bao ấy ăn kem cả tuần rồi chứ?

Tờ tiền lớn vừa đặt xuống thảm cỏ, mắt tôi liền hoa lên. Chưa gì đã nghe bụng đói cồn cào, còn đầu óc thì tơ tưởng ngay đến cảnh mình cầm tờ hai nghìn này, trao cho ông bán kem trong sự kính nể của bọn nhóc. Mũi tôi phập phồng liên hồi. Mùi tiền mới, mùi kem que mát lạnh như át đi cả cái ngái nồng giữa trưa của đám cỏ.

- Rồi! - Tôi vội vã nhận lời, chỉ sợ bên kia bất chợt đổi ý. - Quân tử nhất ngôn đấy.

Tùng gật đầu, bảo thằng Tít đi vặt cỏ gà rồi lấy tay phủi qua chỗ mình trước khi ngồi bệt xuống cạnh tôi. Đám còn lại nhanh chóng quây thành một vòng tròn, mùi mồ hôi chua loét cứ nồng lên, đối chọi hoàn toàn với mùi bột giặt sạch sẽ trên người Tùng.

Vào trận, Tùng nhường tôi đá trước. Tôi dồn lực lên tay, ngay phát đầu tiên đã chém bay đầu của Tùng. Năm lượt tiếp theo, tôi đều trảm cái một. Lượng bên kia đã vơi đi nhanh chóng, tôi được thể diễu võ dương oai, tung nắm đấm lên cao y như trong phim chưởng. Còn hào phóng tuyên bố nếu thắng trận sẽ cho cả bọn ăn kem cùng. Tụi nó nghe vậy lại càng thêm kích động, ra sức hú hét cổ vũ tôi.

- Em đã bảo mà! - Thằng Tít mếu máo giật áo anh. - Giờ còn mỗi bốn quân, thắng làm sao được?

- Tao thua thì mày vẫn được ăn kem mà? - Tùng cười trừ, đưa tay gãi vệt tóc mai đầy mồ hôi.

- Nhưng em vẫn muốn anh thắng cơ. - Thằng Tít ông ổng nói. - Con Mèo bắt nạt cả xóm quen rồi, phải có người cho nó một bài học chứ?

Cái thằng oắt này...!

- Thế có chơi nữa không đây? - Tôi bực bội đưa tay phẩy phẩy gió. - Sợ thua thì đây cho rút lại tiền đấy! Không lại mang tiếng bắt nạt ma mới, nhở?

Tùng không để tâm đến vẻ ngạo mạn của tôi. Cậu ta chỉ đưa mắt nhìn lên. Đôi đồng tử đen láy ngập tràn bóng nắng.

- Quân tử nhất ngôn. Tớ không rút đâu.

Lượt đá tiếp theo, tôi tiếp tục chém , dũng mãnh hơn mọi khi. Nhưng còn chưa kịp nhận ra điều gì đó khác lạ đã nghe "bựt" một tiếng. Đầu của tôi vừa rớt ra, nằm im dưới vệ cỏ.

- Hu raaaa... - Thằng Tít hét toáng. - Con Mèo đứt rồi!

Đám trẻ hoan hô ầm, còn Tùng chỉ nhún vai. Tôi thản nhiên quẳng thân cỏ trụi đầu đi, lấy nhánh mới. Dù gì này của tôi đã chém liên tiếp sáu lần, không đứt mới lạ.

Giờ tới phiên Tùng chém. Cậu ta vừa hạ tay, tôi đã bay đầu. Cắt ngọt đến nỗi tôi còn chưa kịp cảm nhận lực tay của cậu ta lúc quật vào cành cỏ. Tôi thấy hơi hoảng. Nhưng lại nghĩ, chắc gặp may thôi. Tôi còn tám quân nữa, chẳng nhẽ không thắng nổi?

Thế nhưng bốn ván tiếp theo, của tôi đều bị chém đứt chỉ với một lần trảm. Trong khi cây cỏ trong tay vẫn Tùng chưa hề nát. Hai tai tôi đỏ lựng lên, máu nóng bốc tận đầu.

***

- Được lắm! - Tôi hậm hực quệt mồ hôi trán. Giọng cũng nghiến lại. - Giờ mỗi bên còn bốn quân, ăn thua bắt đầu từ đây đây.

Tùng nhìn tôi cười:

- Vậy lại nhường ấy đi trước.

Tùng đang trong thế thắng nên về lý vẫn là lượt đi của cậu ta. Nhưng tính tôi vốn máu ăn thua, lại đang bị áp đảo nên chẳng cần mặt mũi gì, vội vàng lấy ngay một cọng cỏ mới ra, lấy hết sức quật xuống.

- Ấy nói đấy nhé!

Vừa dứt lời, đầu của tôi đã đứt trụi.

Tôi đờ người ra, không thể nào! Tôi đã cố ý miết tay xuống cổ của Tùng, sao nó vẫn trơ trơ mà tôi lại liểng xiểng?

Tùng đáp lại vẻ sôi sục vì tức tối của tôi bằng một nụ cười hiền. Đổi lượt chém, tôi bay thêm hai nhánh cỏ nữa. Tổng quân bây giờ chỉ còn một, trong khi Tùng vẫn còn nguyên bốn. Cả đám phấn khích lắm, hò hét muốn nổ trời. Thằng Tít thì phồng mang trợn má lêu lêu, càng chọc tôi sôi máu.

Đúng lúc ấy, Tùng bỗng vơ mấy cọng cỏ dưới chân quẳng đi:

- Thôi, hòa! Hai nghìn này để tớ mua kem cho mọi người ăn chung.

Đám trẻ con nghe xong liền nhảy cẫng lên, vỗ tay như pháo nổ. Dường như chúng nó đã quên bẵng vụ cá cược mới nãy, cũng chẳng thèm để ý đến con Mèo đầu gấu là tôi vừa bại trận thảm thương. Tôi cầm cọng cỏ cuối cùng trong tay đứng chết trân, nuỗi uất nghẹn đã dâng đầy tận cổ.

- Không cần! - Tôi gào lên, ném mạnh nhánh cỏ xuống đất. - Thua thì thua! Không cần phải ra vẻ!

Trong cơn nóng giận mất khôn, tôi dốc ngược đống bi ve và thẻ bài trong túi ra, vứt xuống trước mặt Tùng. Cả con quay cầu vồng bảo bối cũng không phải ngoại lệ. Nhìn đám trẻ con xúm vào hôi của, nước mắt tôi ứa ra.

Thế rồi tôi hầm hầm bỏ về ngay lúc đó, nằm khóc một trận đã đời. Bố mẹ thấy tôi rúc trong chăn đòi bỏ cơm liền đi hỏi mấy đứa hàng xóm xem có chuyện gì. Biết tôi chơi thua nên giận dỗi thì buồn cười mà bảo, dám chơi dám chịu, thua thì thôi chứ việc gì phải khóc? Tôi lại càng hờn tợn.

Mất cả tài sản, mất cả "thanh danh" khiến tôi vừa tức vừa xấu hổ, cả ngày chỉ trốn trong nhà đọc truyện tranh, đến hết hè cũng chẳng thèm chường mặt ra đường.

***

Mùa đông năm đó, trường làng bị phá dỡ. Bọn trẻ chúng tôi chuyển sang các trường khác, tứ tán khắp nơi. Những buổi tụ tập chơi chung thưa thớt dần. Không cầu mà được, giờ thì tôi chẳng cần tránh mặt bọn nó sau trận đại bại đó nữa. Ngày nào bố mẹ cũng gò tôi vào bàn để học đuổi chương trình, cốt theo kịp chúng bạn trên phố. Chơi rong dần trở thành một điều gì đó thật xa xỉ.

Năm sau nữa, mảnh đất trống um tùm cỏ gà đó đã bị san bằng. Thợ thuyền ra vào tấp nập, mỗi ngày đều đục đẽo ầm ĩ. Chẳng mấy chốc, căn nhà ba tầng khang trang đã mọc lên. Mỗi lần nhìn ra mảng tường sừng sững cao ngút tầm mắt đó, tôi vẫn còn loáng thoáng trông thấy hình ảnh của bãi cỏ gà khi xưa. Nắng hè rực rỡ rọi thẳng xuống những mái đầu xanh ngắt của đám trẻ. Mướt mải mồ hôi mà chẳng ngớt tiếng cười.

Những trò vui thời con trẻ, những cây kem đá hai trăm đồng đã trôi vào dĩ vãng. Giờ người ta chuộng ăn kem Tràng Tiền hơn, hay chí ít cũng phải là kem đĩa. Bọn con nít thì cắm đầu vào truyện tranh và điện tử bấm nút thay vì những trò dân gian đã có thời tôi say mê điên đảo.

Tôi đóng cửa lại, lặng lẽ ngồi vào bàn. Tuổi thơ vụt trôi qua tầm mắt, nhanh như cái chớp mi.

Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp mấy thằng con trai trong xóm bá vai bá cổ nhau đi đá bóng. Nhưng tuyệt nhiên không thấy cái kẻ từng hạ gục tôi trên sới đó một lần nào.

----------------

[1] Một trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, dùng hai cọng cỏ gà quật vào nhau, bên nào bị đứt là thua cuộc.

[2] Còn gọi là đánh cù, cũng là một trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam. Lũ trẻ quấn thừng quanh thân quay (thường làm bằng gỗ có hình nón) rồi quăng ra đất để khiến nó xoay tít.

[3] Đỉnh (cán) của con quay

[4] Hành động bổ quay của mình xuống con quay khác đang xoay hoặc đứng im

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
Ai cũng có một thời thanh xuân để nhớ. Và thế là... mình lót dép hóng.
Xin lỗi vì đã lấy mất vị trí đầu tiên của bài post :D.
Hì, cảm ơn bạn đã ghé truyện của mình nhé. :D Mình như bị cuồng thể loại này sao ấy, cùng một đề tài mà xoay ra xoay vào dễ chừng cả chục bộ. :)) Đúng là "đáng nhớ" quá mà.
 

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Hì, cảm ơn bạn đã ghé truyện của mình nhé. :D Mình như bị cuồng thể loại này sao ấy, cùng một đề tài mà xoay ra xoay vào dễ chừng cả chục bộ. :)) Đúng là "đáng nhớ" quá mà.
Tớ cũng thích thể loại này, cảm giác cuộc sống đơn giản ngây thơ ít lọc lừa. Mấy truyện về người lớn thường về những thứ xung quanh cuộc sống, mà những thứ ấy toàn khiến mình mệt mỏi ý.
 

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
Tớ cũng thích thể loại này, cảm giác cuộc sống đơn giản ngây thơ ít lọc lừa. Mấy truyện về người lớn thường về những thứ xung quanh cuộc sống, mà những thứ ấy toàn khiến mình mệt mỏi ý.
Hì hì, thực ra 2/3 truyện có yếu tố học đường của mình đều dành cho lứa tuổi trưởng thành đọc nên không đơn giản ngây thơ nhẹ nhàng gì đâu, nặng nề u ám cẩu huyết thấy bà cố. = =" Bạn đọc ĐP cũng thấy rồi. Căn bản là mình không thích viết về môi trường công sở hay mấy ông già bà cả thôi. =)) Khẩu vị nặng, thích trẻ... :))
 

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Hì hì, thực ra 2/3 truyện có yếu tố học đường của mình đều dành cho lứa tuổi trưởng thành đọc nên không đơn giản ngây thơ nhẹ nhàng gì đâu, nặng nề u ám cẩu huyết thấy bà cố. = =" Bạn đọc ĐP cũng thấy rồi. Căn bản là mình không thích viết về môi trường công sở hay mấy ông già bà cả thôi. =)) Khẩu vị nặng, thích trẻ... :))
Mình cũng thế, công sở có gì đâu, chắc lại đấu đá nhau hay ngoại tình :))). Mình lại không chuộng tình yêu công sở. Chỉ thích tình yêu học đường. :)))
 

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
Chương 2: Oan gia hiện tại
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mùa hè năm lớp 8, nhà tôi lại có hàng xóm mới.

Chủ cũ của căn nhà mọc lên từ bãi cỏ thơ ấu đó đã chuyển vào Nam sinh sống. Chủ mới là một gia đình làm nghề buôn bán, đi vắng tối ngày. Lần nào tôi đi ngang qua cũng thấy cửa đóng kín.

Đó cũng là thời điểm tôi chìm đắm trong truyện tranh. Sự đổ bộ của đế chế Conan[1] khiến cho mỗi buổi sáng thứ sáu biến thành một ngày hội. Tôi dành tiền ăn sáng chờ mua từng quyển mới, tìm giấy trắng bọc bìa thật kĩ càng rồi tối tối lại chong đèn mải mê, tập vẽ nhái theo những nhân vật mình yêu thích. Trái với khi xưa, bố mẹ thấy tôi cả ngày chỉ biết cắm đầu vào đọc truyện với vẽ vời, sợ thành cận thị nên tìm mọi cách kéo tôi ra xa khỏi trang giấy, bắt dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm rửa bát. Nhưng tôi vốn vụng, đã vậy còn lanh nên việc gì cũng chỉ quấy quá cho xong rồi lại nhảy tót vào bàn, cắm cúi tô tô vẽ vẽ.

Cuối cùng, mẹ không giao việc nhà nữa mà trực tiếp xách cổ tôi lên, tống ra ngoài đường:

- Đi đâu thì đi, cho khuất mắt! - Mẹ đóng sập cửa lại. - 6 giờ về ăn cơm.

Mới có 4 giờ, trời vẫn còn nắng mà đi đâu? Tôi nhăn nhó nhìn ngó quanh quất, con ngõ vắng hoe chẳng có lấy bóng người. Chưa biết làm gì mẹ đã lại léo nhéo:

- Ra đền Lừ mà chơi. Đông như trẩy hội ấy!

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành cuốc bộ theo hướng mẹ vừa chỉ. Chẳng biết có nhà ai như nhà tôi không, lúc con cái đang tuổi ăn tuổi chơi thì cứ gò nó vào bàn học. Khi nó "già yếu" rồi, muốn thanh tịnh yên ổn thì lại đòi nó cưa sừng làm nghé. Mà mẹ cũng tính toán thật đấy! Trước khi đuổi đi còn lột hết cả tiền, chứ không giờ tôi đã có thể ung dung quạt mát bên ngoài hàng thuê truyện.

Đền Lừ mà mẹ vừa nhắc đến thực ra là một cái hồ nhỏ nằm cách nhà tôi cỡ một cây. Mỗi chiều, người dân xung quanh thường đổ ra đây hóng mát. Dưới lòng đường, người và chó nô nức chạy qua. Còn bầu trời lại được phủ rợp những chiếc diều hình bướm hình công với đủ mọi màu sắc.

Tôi cứ đứng ngây người nhìn ngắm cả một trời xanh đỏ. Tự dưng lại nhớ về những cánh diều giấy thủ công mình tự làm khi xưa. Cứ đến hè, hai anh em tôi lại hò nhau róc những cuốn tập cũ ra, say sưa cắt dán. Chiều chưa ngớt nắng đã háo hức mang lên sân phơi, vừa thả vừa khum tay che mắt cho đỡ chói. Vòm trời mùa hạ hồi ấy sao mà xanh biếc thế! Cái sắc xanh rất đặc biệt, rất tinh khiết mà tôi đã không còn tìm thấy ở bất cứ nơi đâu nữa sau này. Có lẽ, đó là màu sắc của tuổi thơ. Là màu của ký ức chỉ có thể hiện lên qua lăng kính của những đứa trẻ.

***

"Huỵch!"

Đang mơ màng thì người tôi bỗng bị ai xô sang bên. Tôi lảo đảo nghe tiếng té cái bịch cùng cuộn dây diều nào đó văng xa tít.

Cậu nhóc mới vấp ngã vẫn nằm sấp dưới đất, khóc ré lên. Ông bố trẻ vội vàng đến xốc dậy, vừa dỗ con vừa gật đầu với tôi ra vẻ ngại ngùng. Tôi cười trừ, cúi nhặt cuộn dây và cánh diều in hình siêu nhân lên.

- Chú xin. Khổ quá, nó thích diều mà mãi chú chẳng mồi cho bay được.

Nỗi ngứa nghề trỗi dậy, tôi liền bảo:

- Chú để cháu thả cho. Gió to thế này, diều dễ lên lắm!

Như chỉ chờ có thế, chú kia hớn hở dúi ngay cuộn dây và chiếc diều đỏ rực vào tay tôi rồi cắp nách thằng bé, vừa nịnh nó vừa theo chân tôi bước vào bãi cỏ rộng. Loanh quanh một hồi cũng tìm được chỗ thích hợp, tôi bắt đầu gỡ dây, chỉnh lại khung diều cho thật cân rồi đứng chờ gió nổi.

Bãi cỏ này rất quang. So với mảnh đất mọc đầy cây dại khi xưa tôi vẫn chơi phải lớn gấp chục lần. Tôi đi lùi vài bước, tay giật dây liên tục. Tưởng như mình đang được quay lại mười năm trước. So với những cánh diều đơn sơ tự làm bằng giấy tập cũ khi xưa thì áo diều này nhẹ hơn, lại được pha nilon nên dễ lên vô cùng. Chẳng mấy chốc, chàng siêu nhân Gao đã bay lượn giữa không trung. Đuôi nheo phần phật trong gió thổi.

- A bay rồi! - Cậu nhóc toét miệng cười. Ánh mắt vẫn còn hơi ươn ướt nay đã ánh lên, một nỗi thích thú đến khôn cùng. - Siêu nhân bay rồi!

Tôi mỉm cười, trao lại cuộn dây dù cho bố con cậu bé. Lần đầu xem anh trai thả diều, hẳn mắt tôi cũng lấp lánh như vậy.

***

Thế mà vừa quay lưng đi một cái thôi, tôi đã lại nghe thấy họ kêu oai oái.

Trên trời, anh siêu nhân đỏ đang quay mòng mòng như người say rượu. Dưới đất, chú kia cuống cuồng giật dây còn thằng bé cứ đứng ngây ra, miệng méo xệch như sắp khóc.

Cũng chẳng trách, hôm nay gió lớn quá mà. Không giữ chắc tay diều dễ đảo lắm. Tôi vội vàng chạy lại, buông bớt dây ra rồi giật nhẹ vài ba cái. Còn chưa kịp thấy may vì chỗ này cách khá xa đám dây diện chằng chịt cũng như chẳng có tán cây cổ thụ nào chắn lối thì gió lại nổi lên, nhân lúc dây đang chùng mà dúi chàng Gao bổ nhào vào một chiếc diều hộp gần đó.

Thôi xong...! Tôi than thầm trong lòng, bất lực nhìn hai chiếc diều xoắn vào nhau rồi cùng rơi xuống đất. Giản đơn như một chiếc lá rụng.

Thu dây không kịp nên điểm rơi cách chỗ tôi đứng một quãng. Vừa cuốc bộ vừa quấn dây đến nơi đã thấy một thằng con trai đang ngồi đó. Áo phông quần ngố, dáng dấp cũng tầm trạc tuổi tôi.

- À...

Tôi cất giọng đằng hắng. Còn chưa biết nói gì khi thấy tấm áo bằng giấy của chiếc diều hộp đã rách toạc một mảng thì tên đó ngẩng lên. Gương mặt non choẹt, da dẻ trắng xanh trông hơi ốm còn tóc rẽ ngôi Đan Trường[2] đúng với mốt thịnh hành. Vừa trông thấy tôi, hắn đã nhìn chòng chọc.

Tôi định nói xin lỗi, nhưng thế rồi lại thôi, chỉ ngồi xuống gỡ đám chỉ. Cảm thấy đôi chút khó chịu ở trong lòng. Tôi biết, mình không được xinh lắm. Mặt tròn mũi hếch, tóc ngắn đến cổ mái hỉ nhi[3], xoàng xĩnh chẳng có gì đáng kể. Dẫu vậy, tôi vẫn không thích bị ai nhìn ngó quá sỗ sàng.

- Của đằng ấy à?

Hắn nghía tôi chán rồi mới mở miệng hỏi trỏng. Chắc giọng vẫn còn chưa vỡ xong, ồm ồm như vịt đực.

Tôi lắc đầu vài cái, không trả lời. Mặt hắn nghệt ra. Mãi khi bố con nhà kia lạch bạch chạy đến giải thích, sau đó đem diều về rồi hắn mới vỡ ra tôi chỉ là người thả hộ.

Nhìn khung tre lộ ra bên dưới chỗ rách, tôi buột miệng lẩm bẩm:

- Thời buổi này còn tự làm diều hộp để chơi thì cũng công phu đấy.

Tên kia nghe thấy, lại quay đầu nhìn. Sẵn ác cảm từ trước, tôi nhún vai nói tiếp:

- Sân này đông thế, đụng nhau do đen thôi. Đằng ấy muốn an toàn thì về nhà mà thả. Chào.

Nói rồi tôi làm bộ đút tay vào túi quần, nghênh ngang bỏ đi. Ngẫm lại cũng thấy mình khó ưa, chắc tên đó đang bực bội tôi lắm! Đã vạ lây người ta còn lên mặt nói đổng. Nhưng xét cho cùng, chơi diều hộp tầm cao đúng là chỉ nên lên sân thượng mà thả. Mong manh dễ vỡ lại còn chen chúc với đám diều nilon bán sẵn, sớm muộn gì chẳng thế.

Chiều muộn dần buông Nắng cũng nhạt dần đi rồi lịm hẳn. Giờ chắc về được rồi, vừa đúng bữa cơm. Tôi tà tà vừa đi vừa huýt sáo, nhớ lại khoảnh khắc cánh diều vụt bay lên từ hai tay mình mà vẫn thấy lâng lâng. Có khi lần này về làm một con diều cánh cung đơn giản xem, rỗi rãi đem thả chơi, coi như đổi gió cũng được đấy.

***

Mải mê nghĩ ngợi, tôi chẳng hề để ý đường sá. Về đến đầu làng rồi, nghe tiếng bước chân mới nhận ra hình như có ai bám theo mình nãy giờ. Tôi liền quay ngoắt lại.

Là thằng con trai lúc nãy?

Hắn ta xách chiếc diều hộp tả tơi, lững thững đi theo tôi. Suốt cả quãng đường dài từ hồ về đến đây không hề rời nửa bước. Tôi đi nhanh, hắn ta cũng đi nhanh. Tôi đi chậm, hắn ta cũng đi chậm. Tôi giả vờ đứng lại ngắm nghía mấy cửa hàng, hắn ta chẳng tiến lên. Tôi lừ mắt nhìn lại, hắn ta vẫn mặc kệ.

Đến ngã rẽ vào ngõ nhà mình, rốt cuộc tôi cũng không nhịn được nữa.

- Này! - Tôi dừng phắt lại, hùng hổ đi ngược về phía sau rồi cất giọng chanh chua. - Đằng ấy bám đuôi đây làm gì? Tính tìm tận nhà bắt đền hả?

Hắn nheo mắt nhìn tôi. Khóe miệng bên trái hơi vểnh lên, thành một điệu cười hết sức đáng ghét.

- Không.

- Vậy sao đi theo?

- Ai thèm đi theo?

- ...

Tôi cứng họng chẳng biết đôi co sao, đành hậm hực quay đầu đi tiếp. Trong ngõ vắng còn cố ý lê đôi dép gấu xuống đường, loẹt quà loẹt quẹt như tỏ thái độ. Hắn ta làm lơ, tiếp tục đi theo tôi đến tận cổng nhà. Tôi dừng lại gọi mẹ, hắn cũng chẳng đi tiếp.

Vậy mà còn mặt dày kêu không bám đuôi? Lần này thì hết chối rồi nhé!

Tôi hung hăng làm bộ xắn tay áo. Nhưng chưa kịp quay sang đã thấy gã đó móc túi lấy ra một chùm chìa khóa, từ tốn mở cổng. Chính là căn nhà hàng xóm mới chuyển tới, chễm chệ nằm trên mảnh đất trống khi xưa. Trước khi đi vào hắn còn thản nhiên ngoái lại, đôi vai gầy nhẳng hơi nhô lên bên dưới làn áo thun thùng thình và miệng thì trưng ra nụ cười khó ưa ban nãy:

- Chào.

Tôi sượng trân đứng nhìn cánh cổng sắt nặng trịch dần khép lại.

Thằng cha này...

Sao lại là hàng xóm mới của nhà tôi vậy trời ơiiiiiii...?!

***

Cả tuần sau đó, tôi chẳng dám bén mảng ra ngoài hồ. Rèm cửa sổ cũng luôn buông kín mít, bởi từ đó có thể nhìn được sang phần hông của ban công nhà bên kia. Tôi ngại chạm mặt với tên đó, thực sự! Không phải vì sợ bị bắt đền. Con diều rách kia tôi có thể đem về dán lại bất cứ lúc nào hắn muốn. Nhưng tôi thấy... "quê". Mỗi lần nhớ đến cái sự tưởng bở của mình khi quàng quạc chụp mũ hắn là kẻ bám đuôi là tôi lại xấu hổ không sao kể xiết. Hèn chi hắn cười đểu. Chẳng phải là để chọc quê cái đứa đã xấu gái lại còn thích tưởng bở là tôi hay sao?

Tôi cố xua mấy ý nghĩ tẽn tò đó đi rồi kéo chăn lên, trùm kín đầu. Chưa được dăm phút thì nóng quá, lại phải hất ra. Trong bóng tối, qua bức rèm romance mỏng manh tôi vẫn nhìn thấy cái bóng gầy nhẳng nào đó ở nhà bên đang lúi húi tưới cây. Trên đầu hắn là mái tôn đen ngòm và cục mịch. Chắn hết mọi trăng sao, choán luôn cả một khoảng trời rộng lớn.

Nhà hắn đâu có sân thượng như nhà tôi? Nhớ lại mấy lời ngang ngược của mình hôm ở ngoài hồ, tôi bỗng dưng ỉu xìu. Thấy mình lẽ ra không nên nói như vậy...

Bụi hoa giấy đột nhiên lay động. Hình như hắn có ngoái về phía này một lúc.

Tôi quáng quàng rúc tiếp vào chăn, không ngớt cầu trời đừng bắt cả hai đứa tôi phải gặp lại.

---------------------

[1] Ám chỉ bộ truyện tranh nổi tiếng "Thám tử lừng danh Conan" của Gosho Aoyama, ra mắt riêng bộ tại Việt Nam lần đầu năm 2000, được NXB Kim Đồng phát hành mỗi thứ sáu hàng tuần

[2] Kiểu tóc nam, rẽ ngôi giữa, rất được ưa chuộng trong những năm 98 2000

[3] Mái lưa thưa cao trên lông mày

 
Chỉnh sửa lần cuối:

giovotinh_ji

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/11/14
Bài viết
362
Gạo
20,0
3onion29Này thì quay cù, này thì chọi gà, siêu nhân Gao, thả diều,... còn chi lôi hết vô đi nàng. Cái giọng văn giãy đành đạch chảnh chọe này thiệt không sao tả xiết... =))=))=))
Vì là ở trong Nam nên ta chưa đi đình lần nào, còn lại đa số đều trải nghiệm qua, vì cũng nghịch đất nông thôn mà lớn đấy thôi. Nay lên thành phố rồi, bạn bè nhiều đứa cả ô ăn quan còn không biết là gì huống chi "chọi gà", cảm thấy buồn cho mấy đứa trẻ bây giờ ghê.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
3onion29Này thì quay cù, này thì chọi gà, siêu nhân Gao, thả diều,... còn chi lôi hết vô đi nàng. Cái giọng văn dãy đành đạch chảnh chọe này thiệt không sao tả xiết... =))=))=))
Vì là ở trong Nam nên ta chưa đi đình lần nào, còn lại đa số đều trải nghiệm qua, vì cũng nghịch đất nông thôn mà lớn đấy thôi. Nay lên thành phố rồi, bạn bè nhiều đứa cả ô ăn quan còn không biết là gì huống chi "chọi gà", cảm thấy buồn cho mấy đứa trẻ bây giờ ghê.
Ha ha, mình chỉ kể mấy món mình từng chơi thôi nàng. Mang tiếng dân phố nhưng hồi nhỏ cũng kinh qua đầy đủ chẳng hề thiếu cái chi. Viết truyện này coi như ngồi ôn kỉ niệm cũ. ;))
Mà nói giọng văn "chảnh chọe giãy đành đạch" nghe... đúng phết. =)) Nữ chính bộ này phải nói là... cạn lời. Trẩu lắm luôn! :))
 
Bên trên