Truyện ngắn Tấm Cám – Kiếp nạn cuối cùng

Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Phần 1

“Bệnh từ miệng vào
Họa từ miệng ra”
Tấm nhìn xung quanh và thấy một vùng nước tối om, phủ sương, sóng vỗ rì rào, nhìn qua nhìn lại cho kĩ càng thì thấy phía xa là một tia sáng nhỏ, Tấm nhíu mày, thì ra đó là một mảnh trăng khuyết với ba vì sao nhỏ. Cô đi dọc theo bờ biển một đoạn thì thấy một người chèo đò đang chống sào đợi mình, kế bên là tấm biển: “Trần Hải Độ” nên Tấm đoán chắc đây là bến đò của Trần Hải. Cô lặng lẽ đến bên độ phu hỏi:
- Tôi muốn qua bờ bên kia, nơi có ánh sáng thì phải làm sao?
- Trả phí trước, chở người sau.
Tấm vội lấy trong túi ra một xâu tiền:
- Tôi chỉ có một quan tiền bên người, không biết đã đủ chưa?
Độ phu đáp:
- Chuyến đò này không lấy phí bằng tiền, trả bằng hai giọt máu là đủ.
Tấm nghe xong còn đang lưỡng lự nhẹ thì độ phu đã nhanh tay lấy một cây kim chích nhẹ lên tay để rớt xuống nước hai giọt máu rồi nói:
- Đã xong, lên đò thôi.
Vài giây sau mặt nước nổi bọt sóng, một sợi dây thừng trồi lên, độ phu nắm lấy rồi kéo từ dưới nước lên một chiếc đò gỗ, trông khá nhỏ, chỉ đủ cho hai người. Tấm vừa bước lên thì hụt chân, thì ra là chiếc đò không có đáy, bèn hỏi:
- Chiếc đò không đáy sao chở được người?
- Đò này vốn không để chở người. – Độ phu phì cười
- Vậy chứ đò này chở thứ gì?
- Chở Đạo, Đạo vốn không đáy nên không sợ chìm. – Độ phu giảng giải rồi chống đò.
Chèo được một lát rồi Tấm mới dám cất tiếng hỏi tiếp:
- Tôi đang ở đâu?
- Nhân gian hay gọi biển này là Bể Khổ, còn nơi đây là Cõi Luân Mộ
- Đó là nơi nào?
- Vùng đất nằm giữa các cõi sống và chết, thực và mơ, nơi mà mọi thứ đều ở trạng thái dang dở, lấp lửng và bị lãng quên.
- Tôi đã chết đâu? Tại sao lại ở đây?
- Một số người nơi đây thậm chí còn không nhớ rằng mình đã chết. Còn bây giờ thì trả lời ta một câu: Cô nương có muốn được gặp mẹ mình không?
- Mẹ tôi đã chết lâu rồi.
- Có hay không?
- Có! - Tấm quả quyết
- Vậy thì hãy buông tay ra khỏi thành đò!
Tấm hơi ngập ngừng nhưng rồi cũng lấy dũng khí làm theo, độ phu lấy sào dộng mạnh xuống bên phải thành đò một cái, chiếc đò lật ngay và cô chìm xuống mặt nước tối, Tấm vùng vẫy nhưng càng vùng thì càng chìm sâu, cô muốn cầu cứu nhưng không phát ra tiếng được, hai mắt dần khép lại. Một lát sau, Tấm đang ngồi trong căn nhà nhỏ của mình ngày xưa, trước mặt cô là một người phụ nữ trẻ, đẹp và có nét giống mẹ mình khi trước, bà đang cầm chén cơm thịt và nói ngọt:
- Ngoan nào! Ngoan nào! Cam ăn cho mẹ vui nào! – Tấm mở miệng định nói mình không phải Cam gì cả nhưng lại bất giác ăn miếng cơm được đút, bà ấy liền hát mấy câu – Cam canh cam sành, vắt ra nước lành, uống ngọt hơn chanh.
Mấy lần liên tục Tấm dự định cất tiếng nói cho người phụ nữ khi biết mình không phải là Cam, con bà ta mà là Tấm, đương kim hoàng hậu, nhưng lần nào cũng vậy, cứ hễ mở miệng là bất giác ăn miếng cơm bà ấy đút cho, còn nếu không thì cũng phát ra những tiếng khóc của trẻ con chứ không phải giọng nói của bản thân. Một lát sau, Tấm vô tình nhìn vào trong gương và thấy khuôn mặt mình sao mà khác quá, đó là khuôn mặt của một đứa trẻ. Tấm hoảng loạn, la toáng lên, cầu xin sự giúp đỡ, bà ta thấy thế chạy lại, dịu dàng dỗ:
- Ầu ơ… Cam, chanh, tắc, bưởi… Cùng họ Vân Hương… Cớ sao chua ngọt… Kẻ chê người hưởng!
Nghĩ lại cũng thấy cảm thương cho tình thương của bà mẹ nên Tấm cũng dần không còn phản đối mỗi khi bà ấy đút ăn. Cuộc sống cứ tiếp diễn, Tấm cũng dần quên đi thân phận trước khi mà yên lòng với thực tại, làm quen dần với việc mình là Cam.
Cam lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của mẹ, được dành phần việc nhẹ nhàng, không phải động tay vào việc nặng nhọc. Chuyện đó để mẹ lo, hoặc có khi là do Tâm làm.
Nhắc đến Tâm thì đó là con gái của dì Cam – vợ cả của cha Cam, xét ra cũng hơi hướm bà con. Khi xưa hai mẹ con Tâm đi chơi thuyền thì bị lật, người ta chỉ cứu được Tâm, còn mẹ Tâm thì đã mất xác. Thậm chí đến lúc vớt được Tâm lên thì cô ta cũng đã uống no nước, bất tỉnh hồi lâu nên sinh ra đầu óc đơn giản, dễ tin lời người. Sau cái chết ấy, cha Cam dạy Tâm phải gọi mẹ Cam là mẹ, phải nghe lời dạy dỗ từ bà. Vài năm sau, cha Cam cũng vì buồn phiền mà sinh tâm bệnh, rồi cũng qua đời. Kể từ đó, mọi việc lớn nhỏ trong nhà cũng do một tay mẹ Cam gánh vác, đảm đương. Bà thường dạy Cam phải biết tìm cách đạt được mục tiêu trong cuộc sống, không được để thua sút ai, người ta làm được thì mình cũng phải làm được… Cam thấy cũng có lý, với lại mưa dầm thấm lâu nên dần cũng sinh ra cái tính cạnh tranh.
Một ngày kia, mẹ gọi Cam và Tâm đến dạy bảo:
Bước ra đồng lúa,
Gặp tép cứ lùa,
Giỏ đầy yếm lụa,
Chăm làm chớ thua!​
Cam nghe xong thích lắm, hớn hở chạy ra đồng bắt tép. Thế nhưng cả đời Cam chưa bao giờ phải động tay động chân việc gì nên bắt tép rất vụng, con được con không, thậm chí có con bỏ vào rồi vẫn bị trượt ra ngoài. Thấy thế Cam nảy ra một ý tưởng!
- Đừng làm như vậy! – một giọng nói vang lên trong Cam, giọng nói ấy nghe quen thuộc lắm – Đừng cướp công của người khác!
- Ai đó?
- Tôi là Sinh Minh*, tôi vốn luôn đồng hành bên cô, giờ tôi sẽ tiếp tục khuyên cô, đừng làm thế.
- Tại sao lại không? Cái yếm lụa đỏ đó đẹp mà! – Cam tự nhủ
- Không đáng đâu! – giọng nói ấy tiếp tục vang lên
- Nhưng…
- Hãy tin tôi, không đáng đâu! – Minh nài nỉ.
Nhưng rồi Cam cũng mặc kệ cái giọng nói quái gở trong đầu mà cố chấp làm.
- Chị Tâm đầu lấm, nhớ tắm cho lâu, để dơ mẹ sầu.
Tâm thấy cũng đúng bèn ra chỗ nước sạch mà tắm, lúc bấy giờ Cam mới đem giỏ của Tâm đổ nhập vào giỏ của mình rồi chạy về trước. Mẹ Cam thấy con mình ở đầu ngõ bèn chạy ra hỏi thăm, nhìn vào giỏ tép đầy mà khen tấm tắt:
- Con của mẹ giỏi quá! Bắt được nhiều tép thật, đúng là đảm đang!
Cuối cùng thì Cam cũng được chiếc yếm lụa đỏ mà mình thích.
Bữa trưa hôm ấy, Cam thấy Tâm chỉ ăn hai bát, tưởng rằng Tâm cay cú việc mình làm, trong lòng cũng nổi lên cảm giác áy náy, định kiếm lời động viên, chợt thấy ánh mắt của mẹ nên không dám nữa, tính ăn xong sẽ kiếm lời an ủi sau. Chẳng ngờ khi ra sân sau thì thấy Tâm đứng cạnh miệng giếng, miệng lẩm nhẩm một câu gì đó, nghĩ rằng Tâm đang nói nặng mình nên Cam cũng không dám bước thêm nữa, đành đợi dịp khác.
Mấy ngày trôi qua, Cam để ý thấy Tâm cứ ăn xong là ra miệng giếng. Ban đầu còn sợ Tâm giận mình nên không dám đến gần, lâu ngày cũng sinh tò mò, bèn bạo gan rình thử thì nghe Tâm gọi mấy câu:
Bống bống bang bang,
Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người!​
Một lát sau có con cá bống nhỏ nổi lên đớp cơm, Cam cũng tranh thủ nhẩm theo rồi thuộc, đem chuyện ấy về báo riêng với mẹ. Mẹ Cam an ủi: “Cứ để nó nuôi, khi nào cá lớn mình bắt mình ăn!”. Được dăm bữa nửa tháng, một tối nọ, mẹ Cam nói ngọt với Tâm:
- Làng ta có lệnh cấm điền, nay đã vào luật, sáng mai con dắt trâu ăn cỏ đồng xa, chớ để trâu ăn đồng gần mà phạm lệ làng, kẻo mất trâu.
Sáng hôm sau, đợi khi Tâm dắt trâu đi xa, mẹ Cam mới mang chén cơm ra giếng, bảo Cam gọi y như lúc mình đã nghe. Cam chần chừ, trong thâm tâm cô biết đây là việc không nên làm, giọng nói của Minh cứ văng vẳng bên tai:
- Chuyện cái yếm chưa xong, nay lại thêm chuyện con cá, quả thật không nên chút nào. Cô liệu mà tính cho kỹ, không khéo mất tình chị em.
Thế nhưng Cam lại nghe tiếng mẹ la:
- Còn chờ gì nữa, gọi cá mau lên!
Cam thấy áy náy trong người nhưng vì sợ mẹ nên cũng xuôi theo cho yên phận, giọng có phần lơ lớ:
Bống bống… bang bang…
Lên… ăn cơm vàng… cơm bạc… ác…bạc… nhà ta…
Chớ… ăn cơm hẩm, cháo hoa… họa…hoa… nhà người…​
- Con sao thế, nghe giọng có vẻ ấp a ấp úng. – Mẹ Cam hỏi thăm
- Dạ không có chi, con chỉ hơi vấp váp một chút thôi. – Cam lưỡng lự
Không thấy có động tĩnh gì, Cam cũng nửa mừng nửa lo, một lát sau thì nghe tiếng quẫy nước. Lúc này mẹ Cam mới nhanh tay bắt lấy cá rồi đập mạnh vào thành giếng cho chết rồi mới đem vào nhà làm thịt.
Mẹ Cam bỏ cá vào nồi đất rồi kho chung với nghệ, tiêu, thêm một chút ớt và ít tương.
Buổi trưa Tâm dắt trâu về, cả người ướt đẫm mồ hôi, mẹ Cam thấy vậy bèn đem ít cơm và chút cá ra cho Tâm:
- Hôm nay mẹ ra đồng, bắt được con cá ngon nên đem kho nghệ, con ăn chút cho đỡ mệt.
Nói rồi quay lưng bước đi, miệng mỉm cười khoái trá.
Chiều hôm ấy, Cam thấy Tâm ra giếng gọi cá như mọi khi, được một lúc thì ngồi khóc nức nở, trong lòng thấy ái ngại vô cùng nên vội lảng đi. Một hồi sau thì Tâm rải nắm thóc cho gà ăn, thấy lạ, Cam cũng định mách mẹ, nhưng nghĩ lại nên thôi.
Tối đó Cam ngồi tủi thân một mình, chữ Hiếu, tình chị em quanh quẩn trong đầu Cam, nhưng phận làm con phải nghe lời cha mẹ nên Cam đành chịu. Dòng suy nghĩ cứ trôi miên man, bất chợt Cam thấy Tâm mang ra bốn chiếc hũ bỏ xương cá vào. Cam thở dài:
- Thời nay người chết còn chưa chắc có mảnh đất chôn, sao chị phải làm chuyện vô nghĩa như vậy?
Thời gian cứ thế trôi qua, Cam dần dần bị ảnh hưởng bởi nếp sống của mẹ, còn Tâm thì vẫn ngày ngày làm lụng vất vả và chịu đựng những trò đày ải từ mẹ con Cam. Được nửa tháng thì có tin trong cung truyền ra: nhân Tiết Trung thu, lại ăn mừng chiến thắng trước lân bang, vua Thái Tông mở hội lớn trong ba ngày để người dân an hưởng thái bình.
Cam, Tâm và mẹ Cam cũng nô nức trẩy hội, sắm sửa các loại áo hoa váy lụa. Một hôm khi thử đồ trước gương, Cam thấy Tâm đẹp hơn mình nên sợ mất duyên, bèn đem nỗi lòng chia sẻ cho mẹ nghe, mẹ Cam an ủi:
- Con đừng để buồn trong lòng, mẹ đã có cách.
Nói rồi bà lặng lẽ xuống dưới bếp, lấy một đấu gạo để kế một đấu thóc, bên dưới là ít lá dong, đẩy ra sát chí mí mép bàn, trông chỉ cần huýt nhẹ một cái là rớt. Cam thấy lạ thì hỏi nhưng được mẹ rỉ tai vài câu nên thôi.
Ngày hội đầu tiên, cả ba người đều sửa soạn quần áo cho đẹp để chung vui, mẹ Cam bảo hai chị em xuống bếp lấy ít đồ, vừa bước qua cửa, Cam vờ như vấp té, đẩy nhẹ vào Tâm một cái, Tâm ngã theo, tay vô tình víu lấy mấy cái lá dong khiến cho cả hai đấu gạo và thóc cùng đổ theo. Mẹ Cam chạy vào, thấy cảnh bừa bộn trông rất giận dữ, nạt rằng:
- Hai đấu thóc, gạo để làm bánh cúng gia tiên, nay bị con trộn lẫn hết rồi, khi nào nhặt riêng từng đấu thóc, gạo thì mới được đi xem hội. Nghe rõ chưa?!
Tâm đành cam chịu nghe theo, trong lúc hai mẹ con Cam quần áo xúng xính lên đường nhập hội.
Khen rằng nước Nam an hưởng thái bình mới tổ chức được một hội lớn thế này. Dạo đầu là bắn pháo hoa, rồi thả hoa đăng, rước lồng đèn đến múa rối nước, hát quan họ trên thuyền,… không thiếu thứ gì. Cuối cùng là lễ Nghinh Tượng, trong lễ này vua cưỡi voi ngự, vốn bắt được khi thắng trận trở về, cùng đoàn xa giá đến vỗ về cho vui lòng dân, yên việc nước.
Lại nói về Cam, đang đi chơi hội bỗng thấy Tâm đang cưỡi ngựa bạch, bèn nói nhỏ với mẹ:
- Mẹ ơi! Mẹ xem thử người kia có phải chị Tâm không?
- Đừng nói bậy, không khéo mang họa vào thân, mẹ con mình đến cả ngựa còn không có thì con Tâm làm gì được cưỡi ngựa bạch cương đỏ thế kia. Chắc con nhìn lầm rồi.
Và thế là mọi người vui vẻ dự hội.
Bỗng đằng xa có tiếng náo nhiệt, một nhóm lính khố đỏ, sau lưng thêu chữ “Khinh” chạy qua rao lớn: “Đàn bà, con gái xem hội nghe rõ, phàm ai ướm vừa Phượng Đầu Hài sẽ được thái tử tuyển vào cung”.
Chuyện là hai con voi ngự chở vua và thái tử không biết vì sao mà cứ cắm ngà xuống đất mãi không chịu đi, vua cho người đi tìm soát xung quanh thì được một chiếc Phượng Đầu Hài. Thái tử tấm tắt khen hài đẹp thì ắt người cũng phải xinh, bèn xin vua cha cho phép nhân cơ hội ấy mà nạp chính thê.
Đám hội vì thế mà cũng náo nhiệt hơn trước, người người chen nhau đến chỗ thử hài trong lầu tía, ai ai cũng muốn có cho mình một cơ hội. Mẹ con Cam cũng vậy, đến khi cả hai người bước ra khỏi lầu thì gặp cô gái khi trước, tay cầm một chiếc túi làm từ khăn nhiễu đỏ, trông có vẻ trân trọng lắm. Cam liền miệng mách lẻo với mẹ:
- Mẹ ơi, chị Tâm cũng đi thử hài đấy!
Lúc này mẹ Cam nhìn kĩ lại thì mới chắc cả mười phần đây chính là Tâm, bèn cười nhạt:
- Chuông khánh còn chẳng ăn ai, huống chi mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre!
Nhưng rồi cả hai ngơ ngác khi thấy chiếc Phượng Đầu Hài vừa khít bàn chân lấm, từ chiếc túi đỏ, Tâm lấy ra chiếc hài còn lại, mang vào chân rồi cúi đầu hành lễ với trưởng quan quân Long Kỵ. Ông hỏi rõ họ tên, tuổi tác, quê quán, gốc gác của Tâm rồi mới tuyên bố với người dự hội:
- Thay mặt vua Thái Tông, ta tuyên bố cô Tâm ở làng Mai sẽ là chính thê của thái tử. – Nói rồi ông quay sang Tâm nhắc nhở – Triều đình đang trông ngóng, người xưa có câu “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”, mong cô cùng gia quyến thân thuộc nhanh chóng theo ta về cung diện thánh.
- Vậy để thần nữ về nhà tắm rửa cho sạch.
- Chuyện đó khi vào cung sẽ có cung nữ, nô tì lo, con hãy mau theo quan lớn kẻo trễ. – Mẹ Cam nói thêm vào.
Cả ba mẹ con Cam liền khăn gói lên kinh theo sự sắp đặt của quan quân.
Ngoài kinh thành, đoàn tùy tùng dừng lại nghỉ ngơi ở một hàng nước, ngôi nhà lợp lá có vẻ xập xệ, dột nát, bên trong là bà lão già, cô đơn đang têm ít trầu đặng mang ra mời khách. Thấy vậy, Tâm không khỏi thương cảm, bất giác hỏi:
- Con cái bà đâu? Sao không phụ giúp việc hàng quán?
Bà lão than rằng:
- Lão có một đứa con gái, nhưng nó đi lấy chồng xa, trong một lần trẩy hội bị đuối nước, chết mất xác, để lại ta côi cút một mình.
Chị em Tâm Cam nghe xong câu chuyện đôi mắt cũng ướt lệ, mẹ Cam cũng thở dài rồi quay sang dùng trà nước.
Lúc vào cung, Cam tự nhủ rằng mình phải nết na như chị Tâm thì mới được thái tử để ý, yêu quý như chị ấy. Trong buổi ra mắt, Cam cũng cố gắng nói năng thỏ thẻ, nhẹ nhàng, tuy không được bằng Tâm nhưng cũng không đến nỗi tệ. Lúc được hoàng hậu hỏi thăm về lai lịch, Cam cũng đáp rành mạch nên rất được hoàng hậu ưng, so với chị Tâm cũng kẻ bảy người chín. Chỉ có điều vài câu trả lời còn ngu ngơ nên Cam cũng còn hơi lo.
 
Tham gia
12/2/22
Bài viết
13
Gạo
24,0
Re: Tấm Cám – Kiếp nạn cuối cùng
*Minh Sinh phiên ra chữ hán là 生明, ghép chữ Sinh với chữ Nhật (chiết từ trong chữ Minh) ra chữ Tinh, ý là ngôi sao, chữ Tinh-ngôi sao ghép với chữ Nguyệt-mặt trăng (khuyết) ra chữ Tâm – ý chỉ nội tâm nhân vật Cam.
Mọi người thoải mái góp ý hay dở khen chê, nếu hay và được đủ số người thích, mình sẽ làm tiếp 2 phần còn lại.
 
Bên trên