Lần thứ ba gặp nhau, anh đưa tôi bật lửa trong khi tôi đang loay hoay tìm.
Trường hợp gấp nên dù ngại tôi cũng vội vàng cúi đầu cảm ơn rồi nhanh chóng nhận bằng hai tay. Đưa bật lửa cho chị Dưa để xử lý phát sinh xong thì sân khấu của anh đã lên rồi. Đám đông hò reo cho khách mời cuối chương trình, ào ào dồn ép lên hàng rào an ninh. Nhịp nhạc dập mạnh từ dàn loa lớn đặt dưới sân vận động, âm điệu của hàng trăm người hòa theo một bản nhạc đang nổi gần đây. Tôi trông lên nụ cười của anh và nghe giọng điệu uể oải khi nãy vang lại trong đầu: “Này, chắc cậu cần”.
***
Lần thứ tư gặp nhau, tôi trả lại anh bật lửa, anh nhìn tôi cười phá lên.
- Ai chụp được là có chuyện đấy.
***
Lần thứ năm gặp nhau là khoảng ba tháng sau, trong một sự kiện quy mô khá nhỏ, tôi liên hệ anh quản lý của anh mà không hy vọng gì nhiều. Bên anh nhận lời nhanh chóng. Hôm tổng duyệt, anh đến và chào tôi bằng một cái đá mắt.
Liên hệ khách mời là một vị trí không thú vị như tôi tưởng, cá nhân tôi cho là vậy. Hoặc, đến một lúc nào đó thì mọi thứ đều mất đi những hào hứng ban đầu. Nhưng ý tôi “không thú vị” ở đây chẳng phải chuyện quen thuộc thành ra nhàm chán kiểu thế. Thứ tôi nhắc tới là những tin nhắn khách sáo, lịch sự chuyên nghiệp lặp đi lặp lại tới mức vô hồn. Tôi vẫn làm chúng hàng ngày dù phát ngán. Hồi mới chạy cho đội chị Dưa, chúng tôi không có tin nhắn mẫu soạn thảo trước, mỗi khách mời tôi đều soạn riêng. Đôi khi tôi không chắc phía bên kia liệu có thực sự đọc những dòng tôi soạn ra, hay họ đã nhấn vào file thông tin ngay tắp lự khi nhìn thấy câu “Xin chào, mình là…”. Chẳng trách được. Thời gian là vàng là bạc. Chính tôi còn thế. Chỉ là tôi hơi sợ những lạnh lùng. Nói đúng ra, một phần nào đấy, tôi sợ sự dối trá của ngôn từ. Tôi sợ ai đó cũng giống tôi lúc này, gửi những lời đon đả mẫu mực mà lòng trơ như đá. Cũng không phải không tốt, tôi tự an ủi mình vậy.
Các khách mời thường có đội quản lý riêng, cũng không hay xuất hiện suốt cả chương trình. Họ sẽ đến trong ngày tổng duyệt, kiểm tra âm thanh micro, nhạc nền, chương trình chính thì đến trước ba mươi phút và cũng ra về ngay sau khi hết bài. Hầu như tôi không có tương tác nào với họ. Cùng lắm thì giống một camera người chạy gần. Có khi còn chẳng bằng, nhìn họ qua ti vi tôi còn cảm giác chân thực hơn khi thực sự ở cạnh họ. Chúng tôi chỉ là mối quan hệ xa lạ, lịch sự tử tế. Chắc là có một điều đúng, rằng tôi thấy họ thực sự tồn tại: chớp mắt khi mỏi, lặng lẽ lướt điện thoại, hoặc họ cũng ngồi im và thần người khi chẳng có việc gì để làm.
- Nếu rảnh thì cậu nên đi nhảy dù một lần. Giá hơi mắc chút, nhưng thật sự rất đáng.
Anh chìa ngón cái với tôi trong khi hút ngụm lớn từ cốc trà tắc đá. Tôi nhớ mình đã sững người đến gần như bất động. Chị Dưa giao cho tôi công việc liên hệ khách mời không phải vì tôi là một đứa giỏi ăn nói, mà vì tôi là đứa giao tiếp cẩn trọng. Hầu như các khách mời cũng không yêu cầu nhiều về tiếp chuyện, họ chủ yếu hỏi về kịch bản chương trình nếu phải đợi hơi lâu, nhiều nhặn chỉ là vài lời xã giao khen ngợi đoàn đội. Điều tốt nhất mà tôi nghĩ giúp họ thoải mái là cho họ không gian hay một khoảng cách an toàn.
- Thật sự rất đáng. Tôi mới nhảy dù lúc qua Thái. Cũng gần đây thôi…
Tôi gật đầu lấy lệ và cười mỉm đáp trả. Chắc vì thói hay đa nghi, tôi cũng tự mình sinh ra tính ngại ngùng. Anh có lẽ sẽ là khách mời duy nhất tôi liên hệ kể về chuyện riêng tư kiểu này.
- Này M., bớt miệng đi. - Anh quản lý, vốn là anh trai của anh, cằn nhằn đứng bên cạnh lướt điện thoại.
- Ài… Chỉ là nhảy dù thôi mà? Mà cậu đã bao giờ nhảy dù chưa? - Anh quay lại câu chuyện với tôi.
- À… Chưa ạ.
Tiếng chuông điện thoại vang lên, anh quản lý nhắn anh lần nữa rằng, sau sự kiện này còn có một chương trình khác rồi đi ra bên ngoài bắt máy. Anh làu bàu trong miệng vẻ không hài lòng điều gì đó nhưng tôi cũng không cố để hiểu xem anh đang nói gì. Ngồi im lặng được một lát, anh quay sang tiếp tục câu chuyện nhảy dù với tôi.
- Tôi đã định bỏ về lúc người hướng dẫn đưa tôi đai bảo vệ. Ôi, cậu phải thử đi một lần. Run cầm cập. Thật sự đấy, không thể nào làm cho cái đùi tôi hết run được. Lúc chạy từ trên mỏm đá xuống, chân tôi không còn chút lực nào cả, tôi còn tưởng tôi bò tới nơi. Tôi cứ tự bảo mình là không sao, không sao, chưa chết, chưa chết được đâu chứ. - Anh bật cười. - Thế mà, anh chàng hướng dẫn phía sau lại còn cười khùng khục, nói bằng thứ tiếng Anh - Thái bảo tôi bình tĩnh. Bình tĩnh thế quái nào được, chưa són ra quần là may rồi đấy.
Tôi không dám ho he chỉ treo nụ cười gượng gạo hùa theo.
- Nhưng thích lắm nhé. Lúc thả dù từ dốc, cảm giác lơ lửng thật sự. Tôi đội mũ bảo hiểm hẳn hoi, rồi có người phía sau, an toàn thế rồi. Chẳng biết nói thế nào nhưng mà nó vừa sợ vừa khoái trá. Dù bắt đầu bung và mình lượn lên cao. Tim tôi cứ đập thình thịch thình thịch thế này này.
Anh xòe tay rồi nắm lại liên tục diễn tả rồi nói tiếp.
- Rất lâu rồi tôi mới thấy khoái thế. Chân mềm nhũn cả. Lúc hoàng hôn xuống thì đầu tôi chẳng còn nghĩ cái gì được nữa. Mình gần mặt trời lắm. Mà nó đẹp, nó đẹp tới mức tôi quên cả thở, cậu cũng nên thử một lần đi cho biết.
Tôi nhìn tròng mắt đeo lens của anh, không rõ tất cả mọi thứ mình đang nghe là thật hay giả. Có vẻ phản ứng của tôi khiến anh hơi ngại ngùng, anh đổi hướng chuyện.
- Đội cậu cũng chạy tốt lắm. - Anh chỉ về phía vị trí của một cậu chàng bên kỹ thuật đang quay phần biểu diễn trên sân khấu. - Thật. - Anh nhìn tôi, gật đầu một cái. - Không phải đánh trống lảng đâu nhé. Tôi khen thật.
- Mọi người cũng thích các bài anh biểu diễn lắm. - Tôi cẩn thận nặn ra một câu đủ tiêu chuẩn.
- Thế hả?
Không hiểu sao lúc này biểu cảm của anh có chút chưng hửng. Tôi không chắc mình đã nói đủ chưa nên bồi thêm lời.
- Bên em liên hệ với anh lần này là lần thứ tư mà lần nào anh cũng diễn tốt cả. Phản ứng khán giả đều hào hứng. Em gửi anh feedback mấy lần trước rồi, chắc anh bận nên chưa đọc đấy.
Anh hơi ngừng lại một chút, nhìn mông lung, rồi quay lại tủm tỉm cười với tôi.
- Tôi không phân biệt được khen thật với khen giả đâu, nên thôi tôi nhận hết nhé.
***
Bật lửa của anh tôi vẫn giữ tới lần thứ bảy gặp nhau. Mối quan hệ giữa chúng tôi phần nào đã phát sinh thân thiết hơn dạo trước. Đủ để tôi thấy mình cũng bằng một chiếc camera chương trình truyền hình thực tế có anh tham gia.
- Cậu có dùng không? - Anh gõ bao thuốc ai để quên trên bàn tiếp khách mời.
Tôi gãi đầu.
- Thỉnh thoảng ạ.
- Từ lúc nào cơ?
- Tầm cấp ba, em hút với bạn. Cả lũ chơi với nhau, chúng nó thách thì mình rít thôi. Em không nghiện, có người rủ thì biết hút. Nhưng nếu mà chán hay mệt quá thì cũng hơi thèm.
- Bố mẹ không biết à?
- Biết thế nào được anh. - Tôi cười trong khi nghĩ anh hơi ngây thơ.
- Ừ, không nghiện thì tốt. Không tốt nên đừng dùng nhiều quá.
Anh ngừng một lát. Không khí giữa chúng tôi im lặng, không có âm thanh nào vang lên ngoài tiếng nhạc xập xình vọng vào của đội nhảy đang diễn.
Tôi cuộn chặt tờ giấy trong tay, tỏ ý từ chối khéo.
- Không cho thì thôi. - Anh bĩu môi. - Nhưng mà tôi thích lúc các cậu chạy chương trình lắm. Hơi ghen tỵ đấy. Thề, không điêu.
Anh ngừng lại một chút.
- Các cậu cảm nhận sân khấu thế nào nhỉ? Tôi tò mò từ hồi đầu mà chẳng dám hỏi. Không ánh sáng đèn sân khấu, cũng chẳng có người theo dõi. Thực ra, tôi đứng trên sân khấu, đèn chiếu từ dưới lên, lại thêm đèn từ trên xuống nên chẳng thấy gì cả, chủ yếu là nghe âm thanh xung quanh để hưởng ứng theo. Cậu có biết cái đèn hay đi theo mình không? Cái mà mình di chuyển tới chỗ nào thì đèn sẽ lia tới chỗ đó. Tôi ghét đặc cái đèn đấy. Dù nó đảm bảo việc ai cũng được nhìn thấy mình. Người ta bỏ tiền ra mà. Chỉ là, đôi khi vẫn bực mình, cảm giác như mình bị mất bóng vậy. Cơ mà về nhà thì mấy cái bóng lại theo bù. - Anh cười cười nhìn tôi. - À đấy, lại lan man. Ý tôi là tôi thích cách các cậu chạy từ đầu tới cuối chương trình với nhau. - Anh hất đầu chỉ ra bên ngoài.
Theo hướng chỉ của anh, chị Dưa đang chăm chăm trông lên sân khấu. Chị bên liên hệ tiết mục cũng đã giục ba nhóm biểu diễn kế tiếp đứng đợi sẵn ở hai bên sân khấu. Phía bên ngoài cánh gà, tôi đã thấy hàng rào an ninh đợi anh kết thúc biểu diễn thì chạy ra gàn người hâm mộ.
- Cậu có một đội, nhìn thích phết. Tôi thích nhận show bên cậu hơn mấy chỗ khác, khán giả của cậu, đội ngũ của cậu, ai cũng nhiệt tình cả. Tôi thích cái năng lượng đấy. Tôi tham dự mấy sự kiện khác, họ chuyên nghiệp hơn thật, đầu tư tiền bạc hơn thật, nhưng thiếu cái gì. Tôi cứ đứng đực ra, chẳng liên quan quái gì với cái sự kiện đó cả. Hoặc là do năng lực của tôi chưa đủ tốt nên mới thế. Sao nhỉ? Tôi chẳng rõ nữa, nhưng đúng là dạo gần đây mấy phần trình diễn của tôi cứ thiếu thứ gì so với trước. Hơi buồn là thế. Tôi duy trì mọi thứ đủ tốt để không ai nhận ra vấn đề, cậu làm việc với tôi cậu biết mà. Mình chỉ cần hát tốt bài của mình, nhưng như vậy thì chưa đủ.
Tôi không trả lời nữa. Cuộc trò chuyện đã đi ra ngoài tầm xã giao mà tôi có thể kiểm soát được.
- Cậu nghĩ sao? Thế có bình thường không?
Tôi gãi cổ, nhăn mặt suy nghĩ một lúc. Mắt anh vẫn chăm chú nhìn tôi chờ đợi. Trong một thoáng, tôi đã ước rằng cô MC ở ngoài sẽ gọi tên tiết mục của anh ngay tắp lự, phát sinh phải đổi timeline cũng được.
- Chắc là lâu anh không nghỉ ngơi thôi ạ. - Nghĩ mãi tôi cũng trúc trắc tìm được một lý do. - Cũng khó để lúc nào mình cũng hừng hực với việc mình vốn thích làm hoặc đã làm được rồi.
Tôi không nghĩ tôi nói gì buồn cười nhưng anh lại khúc khích rồi gật gù nhìn tôi.
- Ừ. - Anh cười. - Chắc là vậy rồi.
***
Tôi lại gặp anh ở lần thứ chín. Trông anh gầy hơn so với những lần trước đó. Là một liên hệ khách mời, một đối tác làm việc lâu dài với anh, tôi nghĩ việc hỏi han tình trạng sức khỏe của anh không phải là điều gì kỳ lạ:
Anh ngẩng đầu lên, rời mắt khỏi điện thoại rồi nhăn mặt nhìn tôi:
Tôi tiến lại gần sát anh. Mùi nước hoa hơi nồng lẫn trong mùi hương liệu của phấn trang điểm khiến tôi cảm thấy khó thở. Tôi nghĩ chắc anh cũng bí bức lắm. Trời dạo này đã vào hè, kiểu áo da và quần hộp anh mặc trông thì đẹp nhưng sẽ bám rít vào người. Dù chỉ mặc ba lỗ bên trong thì cũng không thoáng mát hơn được là bao.
- Nhờ ơn anh T. của cậu đấy. - Anh hất đầu về phía anh quản lý đang đứng ở phía bàn bên kia, mặt hằm hằm không rõ giận thật hay làm bộ. - May là từ chiều nay đến cả ngày mai tôi được nghỉ một chút.
Lúc này biểu cảm của anh đã trở nên tươi vui hẳn, làm như chẳng hề có chuyện gì trước đấy.
- Mai cậu đi ăn sáng với tôi không?
Suýt nữa tôi đánh rơi tờ timeline xuống đất.
- Dạ?
- Mai cậu đi ăn sáng với tôi không? Tôi mời.
- À…
- Này, M.
Đột nhiên anh quản lý ngẩng đầu lên gọi anh, cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi. Tôi thấy chân mình như muốn quỳ mọp xuống mà cảm tạ anh quản lý.
- Mai… Xem nào… - Anh vừa nhìn vào điện thoại vừa kéo dài giọng. - Mai chắc chú vẫn phải chạy tiếp đấy. Nhận job quảng cáo từ phía Phương Nam.
Một tiếng hò reo của người tham gia phía ngoài sân vận động vọng vào trong phòng chờ. Trái ngược với tâm tình của tôi, giọng M. cao hẳn lên:
- Sao lại thế?
- Thôi chịu khó chút.
- Nhưng em đã nói em không nhận làm việc với bên đó nữa rồi cơ mà.
Trông thái độ gay gắt của M., anh quản lý lướt mắt nhìn qua tôi rồi dịu giọng hơn.
- Rồi, rồi, để anh tính, diễn xong ở đây về rồi mình nói tiếp.
M. cũng quay ra nhìn tôi một chốc rồi cũng hạ giọng nói.
- Em không biết đâu đấy, anh làm gì thì làm.
Không khí trong phòng căng thẳng hơn tôi nghĩ. Tôi không dám ho he gì ngoài ngồi im sát cạnh M. Y như ở cạnh một quả bom nổ chậm. Tôi mong là quả bom sẽ không phát nổ cho đến hết sự kiện này. Tháng này tôi vừa mới vượt KPI, tôi chỉ muốn sống sót đến cuối tháng mà thôi.
- Này, tôi mượn điện thoại cậu một chút, điện thoại tôi sắp hết pin rồi. - Đột nhiên M. quay ra nói nhỏ với tôi.
- Anh cần sạc không, em có đấy. - Tôi nhanh nhảu.
- Thôi, tôi có nhưng để ở ngoài xe. Tôi mượn tạm một chút thôi, nhờ tí việc.
Tôi dè dặt đưa điện thoại cho anh. Đúng là chưa tới một phút anh đã trả lại cho tôi. Không có gì bất thường cả. Nhưng tôi chỉ giữ được sự bình tĩnh khoảng ba mươi giây, vì ngay sau đó, tôi nhận được tin nhắn của M. gửi tới cho mình. Quả bom đã phát nổ.
“Anh M. đây. Chốc cậu cho anh trốn nhờ một hôm. Lúc diễn xong anh sẽ giả vờ đau bụng xin vào nhà vệ sinh rồi sẽ thay quần áo ở đó. Cậu làm thế nào đuổi khéo lão T. đi. Đưa anh chìa khóa xe, anh đợi chú ở quán bia Phượng Bò trong hẻm bên cạnh hội trường này.”
Tôi lập cập vừa nhập, vừa xóa tin nhắn văn bản.
“Không được đâu anh ơi, anh làm thế thì sau này em làm sao liên hệ được với anh T. nữa. Mình còn làm việc lâu dài với nhau mà anh.”
“Không thì anh không diễn hôm nay và kể cả sự kiện sau với bên cậu nữa. Cậu biết anh mà, anh không thiết gì đâu.”
***
Mười một giờ mười ba phút.
M. diễn xong ba bài hát, đáng lý quay lại phòng chờ và ra xe luôn thì lại đau bụng phải vào nhà vệ sinh gấp.
Mười một giờ mười lăm phút.
Tôi gọi anh T. ra nói rằng phía bên tôi có quà cảm ơn M. sau nhiều lần hợp tác, nhờ anh nhận giúp.
Mười một giờ ba mươi ba phút.
Điện thoại tôi rung. Tôi xin phép anh T. nghe điện thoại. Phía bên kia đầu dây là giọng của anh, nghe có vẻ hả hê đến phát bực:
***
Anh hú hét khi phóng bạt mạng trên chiếc Wave cổ lỗ sĩ của tôi. Dân nghệ sĩ đúng là phải có điều gì bất thường. Tôi kéo khẩu trang lên che mặt trong khi nghĩ cách soạn tin nhắn xin lỗi gửi cho anh T. Kiểu gì thì kiểu anh ta cũng biết chuyện gì đang xảy ra, mà người ta đã nói “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”.
Lúc này, con xe đi qua cổng công viên Thống Nhất, chuẩn bị xuống hầm Kim Liên giữa cái nắng hè tháng tư.
- Này! Xuống hầm nhé! - Anh nói lớn với tôi khi tôi nghe thấy tiếng dậm số và vặn ga.
Con xe chuyển làn lao nhanh theo đoàn người xuống hầm phía dưới. Tôi gửi xong tin nhắn rồi lẳng lặng vờ thất thanh nói với anh:
- Chết, em quên mất. Phanh xe em hôm qua mới hỏng.
Xe tôi lao vụt đi, lướt qua những con xe khác trong tiếng hét của anh đã bị đánh bạt bởi tiếng ồn va đập trong đoạn hầm tối. Tiếng bíp còi hoảng hốt. Nắng vẫn hắt phía bên kia căn hầm, đổ chéo lên tường một khoảng màu sáng, may không phải là ánh sáng của một thế giới nào khác. Tôi nghe thấy anh léo nhéo chửi thề trách tôi gì đó, nhưng tôi chẳng hề khó chịu chút nào.
Ừ thì phanh xe tôi mới thay sáng nay. Và ừ thì dân nghệ sĩ cũng sợ chết cả thôi.
***
Tôi đưa anh về nhà mình. Hai anh em đặt đồ ăn rồi nghỉ trưa, đến chiều tôi bảo anh nếu không tiện sang nhờ nhà ai thì cứ ở lại nhà tôi, còn tôi thì vẫn phải đi làm. Có một lúc tôi đã nghĩ mình liều thật. Rõ ràng tôi chẳng thân thiết gì với người này, tôi chỉ như một chiếc camera, chẳng hề rõ anh là ai, sống thế nào, đang ở đâu. Thế mà tôi lại dám cho người ta ở lại nhà mình khi mình đi vắng. Nhưng nhà tôi thì cũng đâu có thứ đồ gì giá trị mà sợ, phải không? Và dù gì tôi cũng đã đi tới bước này rồi.
Buổi chiều tôi chờ tin nhắn của chị Dưa báo a T. không còn theo đuôi thì mới lật đật chạy đến chỗ sơ duyệt cho sự kiện sắp tới vào cuối tuần. Khoảng gần tám giờ tối chúng tôi mới họp phát sinh xong. Chị Dưa kéo cả nhóm đi ăn tối luôn, nhưng tôi từ chối. Lúc ra lấy xe đi về, trước khi cất điện thoại vào cặp, tôi bấm số gọi điện cho anh. Buổi trưa anh có hẹn tối nay anh đãi tôi một bữa. Đầu dây nhấc máy khá lâu, giọng anh nghe hơi khàn khàn, có lẽ là ngái ngủ. Anh ngắc ngứ bảo anh quên mất, tôi nói để tôi về rồi tiện ghé hàng nào mua đồ luôn. Tôi nhờ anh bật hộ bình nóng lạnh, khoảng nửa tiếng nữa tôi sẽ về tới nhà. Lúc mở cửa vào phòng, tôi cầm hộp ngan cháy tỏi, liếc thấy ở trong bếp là mấy đồ anh mới đặt, hầu hết là đồ ăn nhẹ. Lục đục mất một lúc, người này người kia đi tắm, rồi dọn dẹp, sắp mâm, chín giờ kém chúng tôi mới bắt đầu vào bữa.
- Nào, anh kính chú một chén. - Anh cụng lon bia với tôi. - Hôm nay anh ngủ quên mất. Nhà chú ngủ êm thật, say như chết.
Tôi lựa miếng lườn ngan, vừa gặm vừa gật đầu cười cười.
- Hay anh thuê dài hạn luôn nhỉ? - Anh nói nhẹ tênh. - Chú yên tâm, anh cọc cho chú nửa tháng tiền trọ nhưng chỉ sang vài buổi thôi…
- Thôi em xin anh. - Tôi cười. - Anh tha cho em.
- Sao? Ở với tôi chẳng thích quá.
Tôi lấy điện thoại bấm sáng màn hình rồi chìa cho anh xem. Thông báo vẫn còn hiện tin nhắn và hơn hai mươi cuộc gọi nhỡ từ số “Quản lý của M.”.
- Vâng, thích lắm. - Tôi đáp.
- Nào… - Anh cười lớn rồi lại cầm một lon bia lên. - Thế lại để anh tạ tội với chú một cốc.
Tiếng bật lon vang trong phòng, kế đó là âm thanh của bia sủi bọt trong cốc tôi.
- May là nhờ có chú thì anh mới được ngủ sướng như thế này. Nào, dô nào.
Vừa chạm cốc anh, tôi vừa hỏi:
- Thích bằng hôm nhảy dù không anh?
- Còn nhớ à? - Anh bật cười. - Mà chú này lạ. Nhảy dù sao sướng bằng hôm nay được.
Mồm mép người nào đó quả là chuyên nghiệp. Tôi cười cười, nhấp ngụm bia mát lạnh đáp.
Có chút cồn vào người, anh nói nhiều, dù bình thường anh đã nói nhiều sẵn. Nhưng lúc say trông anh hài hước hơn, hoặc là do tôi thả lỏng nên dễ cười hơn. Điệu bộ gà gật lè nhè của anh chẳng khác nào mấy ông chú ở dưới quê. Hay cái cách anh lèm bèm về chuyện công ty quản lý cũng không khác gì chúng tôi nói xấu khách hàng với nhau. Lúc say anh vẫn thích hát. Anh bật Youtube bằng điện thoại, lấy lon bia giả làm micro, bắt tôi diễn cùng anh một bài hát nổi rất lâu trước đấy, chắc phải từ thời tôi còn đi học. Tôi hùa theo anh, khi cồn và những trận cười đã khiến tôi quên bẵng cả anh và tôi là ai. Tôi cho anh xem những bức ảnh tôi chụp lưu trong một tài khoản riêng tư trên mạng xã hội. Hầu hết đều là những khoảnh khắc đời thường mỗi ngày, như bầu trời của hôm sự kiện đầu tiên tôi làm việc, bóng lưng chị Dưa vào một hôm nào đó, hay dòng người đi bộ trên một con phố ban sáng. Tài khoản có một lượng người theo dõi và tương tác khá cao. Không nhiều người biết tôi là chủ tài khoản này. Anh vừa xem chúng vừa luôn miệng khen tôi, rồi còn hẹn tôi làm thử MV cho anh. Anh cũng bảo tôi chụp bằng máy film xem sao, anh nghĩ tôi sẽ hợp, còn nói khi nào anh mang sang cho tôi mượn máy của anh.
Tôi không nhớ chúng tôi nói chuyện tới mấy giờ, chỉ biết khi tôi tắt đèn muốn đi ngủ cũng là lúc đèn đường bên ngoài tắt theo. Bình thường, khoảng giờ này sẽ là giờ tôi tỉnh giữa đêm. Cái thói ngủ không sâu đã hình thành từ thời cấp ba tới nay. Những lúc gần một, hai giờ sáng, mắt tôi cứ thao láo nhìn lên trần nhà. Bóng tối trong phòng, bóng tối ngoài đường, tiếng xe lạch cạch chạy ngang qua con ngõ nhỏ, tôi trông thấy ánh đèn xe hắt lên trần, rồi dần biến mất. Tôi nằm trên giường, trân trân nhìn vào bóng tối, nghe tiếng kim đồng hồ chạy từng tiếng, từng tiếng một. Hôm nay thì khác, hôm nay bóng tối bên ngoài vẫn lẫn vào bóng tối bên trong. Nhưng không có tiếng đồng hồ nào cả, chỉ có tiếng thở của người ở bên cạnh, tiếng lè nhè của anh kêu tôi “Ngủ đi mày”. Do cồn hay do điều gì khác mà tôi lại thấy thả lỏng thế? Tôi không biết. Liệu có phải tôi và anh đã thân nhau hơn? Tôi lại càng không trả lời được.
***
Sau đợt đó, thỉnh thoảng anh sẽ tới nhà tôi - một hoặc hai lần một tuần. Hầu hết sẽ vào đêm muộn thứ tư, thứ năm. Lúc anh mang sang con vịt nướng, lúc thì là đồ nấu lẩu. Cũng có khi anh sẽ ghé tạm vào buổi trưa. Dần dà, tôi sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tin nhắn giữa anh và quản lý, đi kèm với dòng thông báo “Đang ở nhà A.”. Sau vụ sự kiện với Phương Nam bị hủy, anh T. cũng không nhắn gì lại với tôi, tới giờ tôi vẫn chưa xem tin nhắn anh gửi hay bấm vào xem các cuộc gọi nhỡ.
- Không sao đâu, chuyện thường ấy mà.
Tôi chỉ biết tin theo lời nói thế của M.
Tôi cũng bắt đầu thấy mình hơn một chiếc camera của chương trình thực tế: dần quen thuộc với việc anh lùng sục tủ lạnh nhà tôi; hay nửa gương mặt của anh lúc anh xem những tấm ảnh tôi mang ra lab rửa, được chụp từ máy Minolta anh cho mượn. Có những khi tôi bận chạy việc, anh sẽ ngồi ở dưới sàn lướt điện thoại, hoặc nằm ườn trên giường rồi lấy điện thoại tôi để chơi game. Những cuộc trò chuyện khi sôi nổi, khi nhạt nhẽo tầm phào cũng bắt đầu lấp đầy khoảng cách giữa chúng tôi. Vài kỉ niệm cũng ngày càng nhiều lên, đủ để khi nhớ tới anh tôi sẽ mỉm cười. Như khi tôi nhặt rau thơm ăn vịt nhưng lại vứt nhầm túi ngọn vào thùng rác. Như khi anh úp mì xào nhưng hậu đậu đổ cả nước cả mì vào bồn rửa. Hay anh kể với tôi về công việc, về gia đình anh. Thì ra anh cũng như một người làm công ăn lương, cũng có nhiều bất công, nhiều điều biết thế mà nhắm mắt mở mắt cho qua. Anh cũng có một giai đoạn chật vật, cũng đầy những cảm xúc tới giờ vẫn chưa được giải quyết, cũng cảm thấy mình bình thường, kém cỏi, và chỉ biết cố gắng lao về phía trước như bao nhiêu người bình thường khác. “Có chăng là may mắn hơn một chút thật”, anh bảo vậy.
- Bố tao nuôi tao vất vả lắm mày. Tự dưng có thằng con đòi làm nghệ sĩ. Nhà thì không có cơ nào. Hồi mười bảy, hai mươi thì thằng nào chẳng muốn chứng minh mình. Tao cũng cứ cố thôi. Hát, rồi đàn, rồi sáng tác. Cứ buồn gì thì lại cầm đàn mà hát. Hồi đấy nếu không có mấy người trên Soundcloud ủng hộ, thì chắc tao chả theo được. Cũng may mà cũng chẳng may. Nếu không thành công, cứ đâm vào đến chục năm nữa thì niềm hy vọng hồi đấy là không may. Nhưng mấy câu khen đó lại là cái cọc duy nhất của tao rồi. Nói với bố, bố cũng không hiểu được. Giờ nghĩ lại thì tao cũng chả tin con tao nếu nó chỉ xòe dăm câu khen trên mạng. Trước đây, tao cũng suy nghĩ chứ. Mình có cáng đáng nổi không. Quyết rồi thì phải chấp nhận, chuyện gì tới cũng phải chấp nhận đánh đổi. Nhưng nói thật, nhiều cái đến giờ tao cũng không chấp nhận được đâu, biết nó thế thôi. Bố tao với tao vẫn không nói chuyện lại với nhau được. Vẫn hỏi han bình thường, nhưng có chuyện gì thì không kể như trước được nữa. Tao với bố tao hồi xưa thì khác, tao nghĩ hiếm có thằng con trai nào mà thân thiết được với bố như tao. Nhiều khi tao nghĩ thế có đáng không. Nếu hồi đó tao không cực đoan quá thì mọi chuyện sẽ tốt hơn chứ? Bây giờ thì tao có sự nghiệp rồi, tao chứng minh được tao rồi, thì tao cũng… đấy… mày biết đấy. Cảm giác tao nhận được chẳng hề như tao mong đợi. Đứng trước những đám đông, họ biết mình từ cái tên trôi nổi đâu đó chứ không phải quan tâm tới thứ mình đang làm, đang hát. Tao chẳng biết tao đang tiếp tục vì cái gì? Cho tao à? Hay tao chỉ cần tiền thôi? Mà đúng là tao cần tiền thật. Thế nên tao mới nghĩ có khi tao chẳng thích hát tới thế, chỉ là tao muốn được công nhận thôi. Tệ mày nhỉ?
Anh không nhìn tôi khi nói những lời ấy. Gương mặt anh hơi cúi xuống, quay ngược hướng ánh sáng, nắng chỉ hắt lên những sợi tóc tơ ngả nâu, đổ lên bờ vai buông thõng trong chiếc áo oversize. Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời anh:
Anh không đáp lời tôi, lâu tới mức tôi đã chuyển sang làm việc gì khác. Một khoảng lặng cứ kéo dài, kéo dài mãi, nằm im trong dải nắng chiếu từ phía ngoài lên sàn nhà. Rồi anh cũng trả lời tôi, nhưng đó lại là một câu hỏi:
Vào những ngày cuối tuần rảnh, mặc tôi có từ chối thế nào, anh sẽ kéo tôi tham gia câu lạc bộ cầu lông ở một nhà văn hóa khu bác anh sống, toàn người lớn tuổi tham gia. Đôi khi chúng tôi đi bơi, hoặc đi leo núi theo đoàn mà anh đăng ký trước. Hoặc, chúng tôi cùng nhau xem vlog - một sở thích chung hiếm hoi duy nhất, tưởng như chẳng hợp gì với tính cách của cả hai. Dù rằng chúng tôi có gu xem khác nhau, tôi thích xem vlog du lịch trong khi anh thích xem vlog làm những công việc thường ngày, thì anh với tôi đôi khi cũng sẽ ngó vào xem chung.
Rồi khi những bí mật mà tôi biết về anh đủ nhiều, tôi đã bảo anh:
- Mai em sẽ tung tin cho bên báo lá cải.
Anh chỉ cười mà không đáp lại.
- Anh nghĩ em không dám á?
- Mày dở à? - Anh mở to mắt nhìn tôi. - Tất nhiên là có chứ.
Tôi nhướng mày chờ câu giải thích. Anh cốc vào trán tôi một cái rõ đau rồi đáp:
- Thì 50/50. Có khi chú sẽ không nói. Thế thì anh được tất. Vừa có chỗ trú lại vừa có thêm thằng đệ rất được.
Phần trán bị anh cốc âm ẩm đau nhưng cũng nhanh chóng ấm lên. Hình như khi ấy tôi đã bĩu môi, tỏ ý không hài lòng về câu trả lời. Anh để ý thấy, đứng cạnh huých vào vai tôi một cái, nói khẽ bằng cái giọng khàn khàn trầm trầm của anh:
- Sao? Mày không thấy mày rất được à?
Mùi dầu gội quanh quẩn bên tôi, giọng anh rất gần, tôi thấy tai mình nóng bừng, nghe tiếng tim đập nhanh một nhịp mất kiểm soát, đến mức tôi chỉ có thể vội vàng cách xa anh, đánh trống lảng nhảy sang chuyện khác.
Nhưng cảm giác ấy không xuất hiện chỉ một lần như tôi dự tính: Khi anh choàng vai tôi, sự gần gũi bất ngờ khiến tôi giật mình, tôi đẩy anh ra vừa sợ hãi vừa bối rối, anh ngỡ ngàng nhìn tôi, im lặng đoán ý, tôi chỉ biết vội vàng cụp mắt lấy bừa một lý do. Những cái choàng vai sau đó vẫn tới nhưng bao giờ cũng được báo trước bằng một cái vỗ nhẹ. Tim tôi vẫn vô thức co lại, mãi về sau mới bắt đầu thả lỏng với cái ấm áp, nằng nặng của cánh tay gác bên vai mình. Một lần khác tôi khen tay anh đẹp, anh vừa xòe tay, vừa nghếch mặt tự hào bảo tôi sờ thử những đường gân xanh trên ấy. Tôi chạm lên theo lời anh, rõ ràng chẳng có gì vậy mà tai lại ù đi, người nóng bừng choáng váng. Đột nhiên cơn run tay kéo tới mất kiểm soát, tôi thẹn quá hóa giận, chỉ biết rụt tay lại cáu kỉnh. Tôi không muốn anh sẽ nhìn thấy bộ mặt này của mình, tôi biết, tôi hiểu quá rõ rủi ro nào sẽ xảy đến với mình. Vậy mà vẫn có đôi lần tôi bật thốt những câu nói hớ, để rồi tới khi nói xong rồi mới thấy hoảng loạn: ví như trước khi đi ngủ, giữa câu chuyện anh kể về người bạn ca sĩ nào đó, tôi sẽ vô tình hỏi “Em thì sao? Anh thấy thấy em thế nào?”. Tôi vừa chờ đợi câu đáp của anh, vừa ước mình chưa từng nói gì hết, tim như bị treo lên chỉ chực rơi hẫng xuống.
“Không, mày khác mà. Mày mà như thế là mất chất.”
Tim tôi nhẹ nhàng được đặt xuống, như được ai gói vào trong một lớp chăn êm. Tôi im lặng nhìn lên trần nhà cố kìm nụ cười, trong khi hai má đã nhô cao. Tay tôi vô thức nắm chặt lại như một cách để khiến mình tỉnh táo, nhưng kể cả thế tôi vẫn không sao giấu nổi niềm vui cứ loang mãi trong ngực rồi lan ra cả không khí bao xung quanh mình. Thật may, những điều ấy chỉ nằm trong bóng tối. Nhưng dù dù tất cả chỉ nằm trong bóng tối, tôi cũng không sao lờ đi những cảm xúc chộn rộn nhảy múa trong lòng, chúng hệt mấy chiếc đèn pha sân khấu đổi màu loạn xạ mỗi khi chương trình phát tới đoạn nhạc sôi động. Tôi muốn gạt cần tắt chúng đi nhưng lại không biết cần gạt nằm ở đâu cả.
Đôi khi tôi tự nhủ khoảng thời gian hiện tại là sự bù đắp cho tôi vào quãng ngày còn là học sinh. Tôi không có nhiều bạn thân từ bé. Hoặc nếu có, cứ đến một lúc người ta sẽ rời đi, tôi mất liên lạc, hay người đó không còn thích tôi nữa. Có lẽ là bởi tính cách của tôi không đủ thú vị để ở cạnh ai lâu, cũng có lẽ bởi gương mặt tôi, hoặc một điều gì khác khiến họ dè chừng. Lớn lên trong gia đình cả bố và mẹ đều lớn tuổi hay đi công tác, lại là con một, tôi cũng thấy mình là kẻ lạc lõng. Nhưng nó không phải điều gì quá tệ, mình vẫn có thể sống cùng lạc lõng mà không hề hấn, sứt sẹo gì. Đôi khi tôi còn thấy biết ơn những ngày tĩnh lặng như thế, nó khiến những dòng suy nghĩ rối loạn của tôi ở cái tuổi choai choai thẳng thớm và rành mạch hơn. Nhưng, nếu có người bảo tôi có muốn quay về khoảng thời gian đó không thì tôi không muốn. Hiện tại của tôi tốt hơn nhiều. Có một tổ đội như chị Dưa ở cạnh, khi Messenger mỗi ngày đều có thông báo tin nhắn, khi mọi người đều cười trong một câu chuyện bâng quơ tôi kể, tôi đều cảm thấy “như vậy là đủ rồi”. Dù công việc không hẳn lý tưởng, hay phù hợp với với tính cách, nhưng tôi quý mọi người. Dần dà, đường từ nhà đến công ty không còn là con đường mà tôi chán nản hay ghét bỏ nữa. Trong những khoảng thời gian đi làm, tôi bắt đầu thấy niềm vui như những đốm sáng nhấp nháy trong lòng mình. Tôi là người thích ở một mình, nhưng nếu ở quá lâu thì lại không chịu nổi. Thế nên, khi có thêm anh thỉnh thoảng xuất hiện trong đời tôi, rủ tôi làm chuyện này chuyện kia, hay sẽ có hôm anh say quắc cần câu ở nhà tôi và ở lại qua đêm, tôi đã cảm thấy yên tâm hơn.
Chỉ là, cảm giác thỏa mãn ngày càng nhiều, thì nỗi bất an về điều gì đó lại ngày càng lớn. Ví như ngay lúc này, khi anh đã bắt taxi ra về từ năm giờ sáng, tôi trân trân nhìn lên trần nhà lắng nghe lời thầm thì nảy ra đầu mình rằng: “Giá như anh ở lại lâu hơn”. Tôi sợ tiếng nói ấy, sợ nó lại gieo vào lòng tôi một niềm hy vọng mòn mỏi.
Chuyện làm tôi e dè ở mối quan hệ này thì có đủ thứ: anh là người nổi tiếng. Anh là người ưa mạo hiểm, chính thế anh có thể bất cần và vô tâm. Anh vui vẻ, anh thích cá cược, thích các cuộc vui và mọi điều bất ngờ. Xét kĩ ra anh khác tôi, hoàn toàn, không mảy may lăn tăn nào, và vì thế chúng tôi chẳng hợp nhau mấy, sự thật là thế. Mà quan trọng nhất là không ai nên dính vào tôi, cũng không ai phải có trách nhiệm với những vấn đề tôi không sao giải quyết được với chính mình. Thêm nữa, tôi đã quá lâu có thêm một người mới trong vòng bạn bè. Liệu khi anh đủ biết nhiều về tôi, anh có thấy nhàm chán? Hay rằng, chỉ vì so với những người bạn nghệ sĩ trong giới, tôi vô tình trở thành người đặc biệt với anh?
Tôi không cần phải nghĩ nhiều như thế. Tôi biết. Cứ tận hưởng thôi, cuộc vui đang ở đây. Tôi vui vì có một người thú vị như anh ở cạnh. Và vừa hay, anh cũng thấy thế. Chỉ là, cứ vào những khi anh không có mặt, những khi tôi ngồi không và nhớ ra một hình dáng quen thuộc nào đó đã từng xuất hiện trong nhà mình, những câu hỏi lại ùa tới. Tôi không biết liệu niềm vui sẽ kéo dài được tới bao lâu. Rằng những cảm xúc này, lời nói khi say của chúng tôi bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần chỉ là hưng phấn nhất thời. Và khi tất cả hiện tại này dừng lại, liệu tôi có đủ khả năng để cáng đáng những cảm xúc sẽ kéo chùng tâm trạng tôi xuống hay không?
Tôi biết chắc tôi sợ hơn là thích thú đặt cược tương lai. Đó cũng là điểm mà tôi luôn khác anh. Tôi sẽ không bao giờ để mình mạo hiểm 50/50.
***
Từ sau hôm đó, anh cũng không liên hệ hay tới nhà tôi, chắc khoảng hơn hai tháng. Dân trong ngành nên tôi cũng biết dạo này anh bận: các bài quảng cáo có hình anh suốt. Tôi thấy may mắn vì điều này sẽ giúp tôi có thể tránh mặt anh mà không cần lên tiếng giải thích. Hồi đầu, đôi lúc khi cầm điện thoại, tôi sẽ ngồi đọc lại tin nhắn giữa anh và tôi, lướt tìm hình ảnh của anh trong vài sự kiện , hoặc xem MV nhạc của anh mà tôi giấu anh tự làm. Những khung hình có anh - chỉ là một góc mặt hay bóng lưng - chen giữa đoạn video về khung cảnh mà chúng tôi cùng từng nhau tham gia. Gần đây thì tôi không còn làm thế nữa, tôi chăm đi ăn tối với nhóm hơn, rủ chị Dưa vào cuối tuần đi chơi nhiều hơn. Mọi điều tốt lên, những câu hỏi cũng không tới khi tôi ngồi nghỉ giữa hai sự kiện liền kề. Lúc về đến nhà, tôi vẫn nhớ vài mẩu chuyện, vài hình ảnh của anh, nhưng chúng thoáng qua rất nhanh, đủ để tôi vui vẻ mà không mang theo nỗi lo lắng, hay dòng suy nghĩ vẩn vơ nào. Tôi quay trở lại lối sống của mình, đôi khi tỉnh giấc giữa đêm nhìn vào bóng tối, chờ đợi một ánh đèn xe chạy qua ngõ, hắt vội khoảng sáng lên trần nhà.
Cuối tháng tám, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Lúc bấm nghe là hai giờ sáng. Người ở đầu dây bên kia hình như cũng không nghĩ tôi sẽ nhấc máy.
- Alo?
- À… Alo? - Anh đáp. Tôi nghe thấy tiếng người và tiếng nhạc hơi lớn, có vẻ đang trong một quán pub.
Không hiểu sao, tôi nghĩ anh đang gãi đầu ở phía bên kia đầu dây.
- À, anh gọi chơi thôi. Ai biết đâu mày bắt máy. 50/50 mà.
Tôi vờ chửi thề một câu cáu kỉnh rồi bảo anh rằng mình cúp máy đi ngủ đây.
- Mà này. - Anh nói nhanh. - Thứ bảy đi Đà Lạt không? Anh bao.
Tôi liếc nhìn lịch ở trên bàn làm việc, trong đầu là đủ kiểu từ chối nhưng không hiểu sao lời nói ra đã là gật đầu đồng ý.
***
Hồi trước anh đã nói anh muốn đi Đà Lạt. Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi anh chưa tới đó bao giờ, dù gì cũng là nghệ sĩ, lại hay đi diễn. Thế mà anh lại chưa tới đó thật.
Chúng tôi xuống sân bay Liên Khương là lúc gần một giờ trưa. Anh vừa gọi taxi xong đã phấn khích khoác vai tôi rồi bảo rằng thời tiết thích thật. Tôi nhìn tay anh đặt trên vai mình. Anh cao hơn tôi chỉ một chút, ngẩng đầu lên là có thể thấy đôi mắt đang cười tít lại của anh. Không biết do tiết trời Đà Lạt ren rét như mùa thu Hà Nội hay điều gì lại khiến cái ôm bất ngờ ấy chẳng giật mình sợ hãi chút nào.
- Ừ, thích thật. - Tôi hít một hơi sâu, mỉm cười.
Checkin ở homestay xong thì hai đứa đi ăn. Ban đầu cả hai có ý định làm vlog, nhưng tới nơi thì ai cũng mệt nhoài. Tôi đùn anh việc quay, anh cũng đùn ngược cho tôi, thành ra chẳng ai chịu làm, kế hoạch phá sản. Tôi mỉa mai anh:
- Thế mà hôm nọ bảo anh sẽ đặt máy thế này, xong mình quay thế này.
- Ừ, tao chỉ thế thôi. - Anh vừa đáp vừa gắp miếng gà trong nồi lẩu gà lá é, mặc cho tôi cứ giễu cợt bên cạnh.
Buổi chiều, những đám mây đùng đục dần chuyển thành mưa nhỏ, mặt đất cảm giác nóng hơn so với trưa. Chúng tôi ở trong homestay đến hơn ba giờ mới ra khỏi phòng. Anh mặc sơ mi khoác ngoài với áo ba lỗ bên trong, quần lửng kèm tất cao cổ, nhìn kiểu gì cũng trông như một người bạn đại học. Không khí sau cơn mưa mát hơn chúng tôi nghĩ, cảm giác trong lành và sảng khoái đến mức cứ như thể đang rơi vào một chiếc chăn êm. Vì chỉ định đi có hai ngày nên chúng tôi cũng không tham lam việc tham quan nhiều điểm du lịch, cả hai thống nhất chỉ chạy xe, đi ăn, đi cà phê Mơ, đi chợ, chụp vài tấm ở góc HongKong, hay bể bơi Chillies quay MV.
Chuyến đi không mấy thuận lợi lắm, nếu không muốn nói là đen đủi tới mức tôi phải đi tra thử trên mạng xem ngày chúng tôi đi là ngày gì. Anh cầm lái và hai lần suýt tông vào xe người khác.
- Do người ta đi chậm đấy, có phải do tao đâu.
Tôi lườm anh rồi bảo anh phải bớt thói Hà Nội lại, bớt phóng ẩu và bớt “văn” đi. Lúc chúng tôi rời quán ăn ra đến quán cà phê, anh phát hiện làm rơi mất ví để ở túi sau quần, rồi cứ thế đứng đực mặt ở quầy thu ngân làm tôi không dám trêu gì. Đỉnh điểm nhất là việc anh dẫm phải phân chó lúc trên đường đi chụp ảnh. Khi trở về homestay thay giày, tôi cứ cười mãi khi anh cứ chửi về con chó mà anh không biết mặt. Tôi nghiêng ngả được một lúc lâu thì anh cuối cùng cũng chịu tươi tỉnh cười theo.
Trời hửng nắng ở lần đi thứ hai, may mắn là có lẽ ông trời đã chán chơi khăm chúng tôi rồi. Tôi ngồi sau anh, nghe gió rừng reo, nghe tiếng anh hát, ngắm nhìn những khoảng sáng hắt hờ nơi bậc thang dẫn vào cửa rừng thông. Những con dốc sâu hun hút mà dẫn ra là những ngọn đồi núi bao quanh, hoàng hôn từ từ bao lấy bầu trời. Cảm tưởng như tôi đang trong một vlog mà mình vẫn thường ao ước được là người ở trong đó. Tôi vốn thích du lịch nhưng chẳng bao giờ dám đi đâu vì sợ phải phải làm mọi thứ một mình. Vô thức tôi nhìn lưng anh hơi khom khom đằng trước, tự nhiên trong lòng lại thấy an toàn ấm áp.
“Không được tựa thử, nhớ đấy.” Tôi thầm nhủ.
Chúng tôi đi chơi, chụp ảnh cũng phải hơn bảy rưỡi mới xong. Bắt đầu đói bụng, anh kéo tôi tới một quán nướng ngói nằm cách khá xa so với trung tâm. Chòi đồ nướng nằm ở giữa đoạn dốc, một bên là rừng thông bạt ngàn, một bên nhìn xuống là trại dâu và khu người dân ở. Tám giờ hơn đèn ở xung quanh đã tắt hẳn. Quán khá thưa người dù đồ ăn và phục vụ đều tốt. Tiếng thì thầm của một vài bàn quanh quẩn chúng tôi, trong khi đó tôi trông ra ngoài, cố đếm xem có bao nhiêu loại côn trùng đang kêu. Những đốm sáng từ vài trại dâu chỉ lác đác, lập lòe, thể như những đốm ma trơi lơ lửng. Tôi nhìn chúng, nghe tiếng nhạc bập bõm lúc được lúc không phát ra từ cửa tiệm, ngửi mùi khói hăng hắc chân thật, thấy hơi bia vẫn đang nồng trong họng, tự nhiên nhận thức rõ mình đang ở một chốn xa lạ, với một người có lẽ cũng sắp trở thành người xa lạ. Người ấy đang ngồi trước mặt tôi vẫn đang lấy thịt từ ngói, còn tôi thì đã ngang dạ. Những âm thanh thủ thỉ cứ vang lên trong đầu, giống như hôm qua, hôm kia, hay hôm kia nữa - bắt đầu từ buổi sáng khi anh rủ tôi tới nơi này. Chúng lặp lại, thuyết phục tôi bằng những hy vọng và lý lẽ riêng mình. Tôi nhìn anh vẫn đang gắp miếng thịt, chớp mắt tự nhiên rồi lẳng lặng nói:
Người nọ ngẩng đầu lên. Không có lớp make up trang điểm, không có tròng lens, cũng không làm tóc. Nước da anh màu bánh mật, nhìn giông giống với người dân ở đây. Miệng vẫn đang nhồm nhoàm và đôi mắt hai mí rõ ràng mở to về phía tôi. Anh có nhiều người hâm mộ cũng bởi ngoại hình sáng sủa, tự nhiên này. Ở phía trên cổ áo có vẻ vẫn còn dính nước sốt. Người này sẽ trẻ con và vô tâm lắm, tôi biết thế. Nhưng người này sẽ nhiệt thành lắm và chân thành lắm, tôi cũng biết thế.
- Hả? - Anh vừa nói vừa nhai.
- Em thích anh. - Tôi lặp lại.
- Anh cho mày cầm Fanpage của anh nhé? Mà mày đã Like Fanpage chưa? - Anh cười cợt, trong khi cúi xuống ăn tiếp.
Tôi nhún vai, rồi cúi đầu gắp một miếng thịt trên ngói. Lần này đến lượt tôi cặm cụi ăn, trong khi anh quay sang và nhìn tôi thật lâu. Ánh mắt anh vẫn dõi theo tôi.
Bàn tay anh siết tay tôi dưới gầm bàn. Tôi quay sang nhìn anh. Mắt anh chăm chú nhìn tôi, những ánh đèn của quán ăn chiếu sáng trong tròng mắt. Tôi thấy anh cười, nụ cười mỉm, rồi dần kéo lên nhe ra hàm răng. Khuôn cằm của anh bao giờ trông cũng đẹp. Đường nét của yết hầu và xương quai xanh khiến tôi không dám nhìn lâu. Tôi bật cười theo mà chẳng rõ lý do.
- Cái thằng này. - Anh đấm vào vai tôi một cái. Rồi anh choàng vai ôm chầm lấy tôi. Mùi xả vải đầy trong không khí chẳng mang theo sự sợ hãi nào cho tôi. Tiếng anh thì thầm bên tai, khẽ thôi, nhưng tôi nghe thấy được.
***
Tôi không nhớ chúng tôi đã ôm nhau như thế nào, cái ôm có siết, hay nhẹ nhàng không, anh đã nói điều gì, nhưng tất thảy chẳng còn gì quan trọng nữa cả.
Sau này, mỗi khi nghĩ tới Đà Lạt tôi vẫn cảm thấy những cảm xúc ấy còn lại trong mình.
Chúng tôi trở về homestay, dành cả ngày còn lại trong căn phòng, thì thầm rúc rích, kể chuyện gì đó tôi không còn nhớ rõ, nhưng đều là những câu chuyện rất xưa. Về một thằng bé hồi cấp ba hay cấp hai không ai bắt nạt nhưng cũng không ai tới gần, một phần nó cũng không dám tới gần ai. Về một thằng bé luôn tự hỏi vì sao mình được sinh ra, và vì sao mình được sinh ra mà lại không được chấp nhận. Những câu hỏi mà lời đáp chỉ là những bóng lưng, những lời thì thầm trong cuộc trò chuyện không có mặt nó. Không lời mắng nhiếc nhưng câm lặng đối với nó cũng thật đáng sợ.
- Lạc lõng nếu đã quen thì mình cũng sẽ thấy nó không tệ tới thế đâu mà.
***
Chúng tôi trở về Hà Nội với một chiếc vòng tết đôi. Anh hay tới nhà tôi hơn, dù chỉ là hai hay ba phút dưới nhà vì mai anh còn bận. Anh sẽ kiên nhẫn khi tôi vờ như không vui vì chuyện công việc bận rộn của anh. Rồi anh sẽ tựa đầu lên hõm vai tôi, thì thầm rằng anh mệt quá, hơi thở anh quanh quẩn ấm áp. Anh sẽ tìm tới tay tôi, cái nắm tay mềm mại và an toàn. Cơn bực dọc tan đi, trong lòng tôi chỉ còn một sự bình yên dịu dàng hiếm hoi có được. Chúng tôi cũng dần quen hơn sau đôi lần chới với va phải cuộc sống của nhau: tôi không có thói quen chia sẻ, anh lại quá bận để có những cuộc trò chuyện dài với tôi như trước, không có những buổi hẹn hò trong tưởng tượng, chỉ là vài lời thủ thỉ tâm tình qua cuộc điện thoại nửa đêm. Dù thế, bao giờ anh cũng sẽ đợi trước cửa nhà tôi với một viên caramel cất trong túi - viên kẹo anh phần lại trong số những viên anh mang theo phòng trừ mình tụt huyết áp.
- Ngậm đi cho nó ngọt. Mày đắng quá. - Anh trêu tôi thế khi còn ở Đà Lạt, và về tới Hà Nội vẫn tiếp tục nói mãi.
Vẫn những cuộc hẹn đó, những êm đềm như rơi vào một chiếc chăn bông, như khi thả xe xuống một con dốc thoải ở Đà Lạt. Mỗi sáng tôi nhìn vào gương, tôi sẽ tự cảm ơn mình. Tôi đã dần ngủ sâu, không còn chờ đốm đèn giữa đêm sẽ hắt lên trần nhà rồi biến mất nữa.
***
Hai tháng sau chuyến du lịch thì thông tin trên mạng nổ ra. Chỉ là lời đồn về một ca sĩ và về thái độ làm việc của ca sĩ đó. Thường xuyên hủy show sát giờ, hay hạch sách với bên làm việc có tên Phương Nam, không hợp tác trong quá trình ghi hình. Bình luận ở dưới thì đều chỉ đích danh anh. Tôi thấy có một bình luận dài khác, nói về việc bắt gặp anh và một cậu con trai có hành động thân mật ở Đà Lạt. Nhiều lời chế giễu bông đùa.
Nhân lúc rảnh rỗi, tôi nhắn tin hỏi anh có sao không.
Khi đi Đà Lạt, tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn cho mình. Tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng “Không sao đâu”, rằng những ký ức không hay từ thời trung học sẽ không lặp lại lần nào nữa. Rằng tôi có thể vượt qua được những vấn đề của mình với anh bên cạnh. Mọi thứ sẽ ổn thôi. Tôi nghĩ rồi sẽ ổn cả thôi.
Cho đến trưa, tin đồn kia bắt đầu lên ở nhiều trang mạng khác nhau, nhưng điện thoại thì hoàn toàn không có âm thanh thông báo tin nhắn mới nào.
Đến chiều tối thì anh mới trả lời tôi: “Anh ổn”. Gọn lỏn, hai từ.
Tôi bấm số gọi cho anh nhưng không thấy ai bắt máy. Tôi nắm chặt tay, nhìn vào màn hình điện thoại vẫn không có tín hiệu. Tôi nhắn thêm cho anh một tin: “Thấy tin nhắn thì gọi lại cho em”. Nhưng cả tối đó vẫn không có cuộc gọi nào tới cả. Tôi đi ngủ lúc mười một giờ hơn, tới sáng hôm sau dậy chỉ thấy một bên mặt gối vẫn còn âm ẩm nước.
***
“Anh xin lỗi. Cảm ơn em. Anh sẽ ra nước ngoài một thời gian.”
Tôi nhìn tin nhắn rồi bật khóc tức tưởi trong nhà vệ sinh ở văn phòng. Tôi rất muốn hỏi mọi chuyện là thế nào, mình có cách khác không, mình có thể làm được gì khác không. Nhưng những suy nghĩ cứ vấp, đổ, ngã, chống chồng lên nhau. Chúng rối loạn và những cơn đau mới ép nẹp lên cơn đau cũ. Tôi trách mình, tôi trách anh, rồi lại trách mình đã trách anh như thế, anh đâu có lỗi gì đâu. Trán đau như búa bổ, tôi ra khỏi nhà vệ sinh, xin phép chị Dưa nghỉ chiều với đôi mắt đỏ hoe. Chị Dưa bảo về nhà thì nhắn tin cho chị, nhưng về tới phòng tôi chỉ biết đổ gục xuống giường.
Tôi biết làm thế nào bây giờ?
***
Từ đó, anh biến mất khỏi giới giải trí. Fanpage không có cập nhật lịch trình hay hình ảnh mới, chỉ là lời an ủi của admin tới những người hâm mộ khác, xin cho anh chút thời gian để quay trở lại và trả lời.
Tôi vẫn sống và đi làm. Trở lại những thói quen cũ. Đôi khi tủi thân sẽ đột nhiên thấy mắt ướt nhòa. Giai đoạn này bao giờ cũng thế, khi cơn đau còn mới, cảm tưởng da thịt mình đều có vết thương, những vết thương để hở khó lành cứ trưng ra ngoài không khí, vừa đau vừa xót. Chị Dưa cho tôi nghỉ phép nhưng tôi không dám ở nhà lâu.
“Chỉ giai đoạn này thôi.” Tôi trấn an chị.
Những cuối tuần đến rồi đi trong những ký ức quen thuộc bủa vây lấy mình. Tôi trồng một mầm cây mới, dọn dẹp những đồ vật mình không dám nhìn lại, trang trí lại căn phòng, thay ga trải giường mới, tự thưởng cho mình một chiếc xe đạp địa hình từng rất ao ước. Chỉ giai đoạn này thôi, tôi trấn an mình, rồi tôi sẽ có thể bình ổn khi nhìn một poster cũ có hình của anh.
“Chỉ giai đoạn này thôi.” Tôi lặp lại.
Một chiều cận Tết dương, trong tin nhắn Zalo, mẹ nhắn cho tôi về bảo ăn cỗ, mẹ nói tôi về thì cư xử, ăn mặc cho đàng hoàng tử tế, đừng làm mất mặt gia đình. Hôm đấy, chẳng có lời lẽ nào tôi cảm thấy mình có thể tự trấn an chính mình được nữa. Tôi bật nhạc rất lớn, bật nhạc thật to, rồi cứ thế vờ như không nghe thấy tiếng nấc của mình lẫn trong bài nhạc ấy.
Đôi khi tôi nghĩ hẳn do tôi “đắng quá”, do tôi có quá nhiều xước xát, anh không chịu nổi khi cuộc sống của anh còn đầy vấn đề, vì vậy chúng tôi mới không thể đi tiếp cùng nhau. Ít nhất trong chúng tôi phải có người khỏe mạnh chứ. Phần khác, tôi đã quên mất, anh trẻ con, mà trẻ con thì tùy hứng lắm. Tôi thích sự vô tư của anh, nhưng cũng không sao cáng đáng nổi sự tùy hứng ở mặt trái còn lại. Ngay từ lần đầu, ngay từ buổi sáng anh gọi điện rủ tôi đi Đà Lạt, à không, trước đó, tôi đã biết là như thế rồi. Hoặc có khi, tất cả những gì xảy ra trong hai tháng qua, những gì tôi tự nhủ “đây là hiện thực”, tất cả chỉ là một thứ trò hề, để mua vui, cho một người đang chán việc hát hò trên sân khấu mà thôi. Liệu sẽ có một ngày anh sẽ quay lại, xin lỗi tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục như chẳng hề chia ly?
Không có ai nói cho tôi sự thật. Mà bản thân tôi cũng không dám hỏi.
Những cơn mơ gặp anh vẫn lẳng lặng đến, mặc cho lý lẽ đưa ra bao nhiêu giả thuyết. Những cơn mơ về một chiều mưa rả rích ở Đà Lạt. Anh đứng đó tay cầm ô, tay ôm lấy tôi, bóng hình hai đứa chồng lên nhau. Hơi thở anh chân thật quá đỗi, có khi nào lại chỉ là ảo ảnh như thế. Vậy mà lại là ảo ảnh thật, đến cuối cùng của những giấc mơ, tôi nghe thấy chính mình thì thầm, như tiếng vọng từ dưới mặt đất dội lên: “Không có nơi nào chứa chấp nổi mày đâu”. Suốt những thời gian đó, tôi ôm lấy những tiếng vọng ấy, vừa khóc vừa cố gắng trả hình hài cho chúng là hình ảnh của chính mình thời tấm bé. Nhưng dường như không có cách nào khác, tôi chỉ có thể cả đời đèo bòng theo chúng, chờ một ai đó tới vỗ về, gỡ chúng ra khỏi người mà thôi.
***
Sáng một ngày chủ nhật nào đó, tôi với điện thoại đọc tin nhắn mới gửi tới.
“Xin lỗi em, nhưng em có thể cho anh xin ít phút được không? Anh đang ở dưới nhà.”
Tin nhắn gửi được hai phút trước. Dãy số lạ, nhưng đuôi số thì tôi đã thuộc làu từ lâu. Tôi trân trân nhìn vào màn hình. Tôi tắt màn hình. Tôi không muốn thấy gì hết. Tôi chưa thấy gì hết.
“Có phải anh không muốn quay lại không?” Một ý nghĩ nảy lên. “Không”. Tôi trả lời. “Không đáng, không đáng với mình đâu”. Nước mắt tôi trào ra. Chúng mặn chát, ướt đầm, dính dớp. Chúng chảy xuống cổ, thấm qua áo, chảy qua ngực.
Điện thoại rung lên bần bật, cuộc gọi đến. Tôi dằn cơn đắng ngắt trong họng, cố không cho mình run rẩy. Cuộc gọi kết thúc rồi lại tới lần nữa. Tim tôi như chung một chế độ rung với chiếc điện thoại. Lăn tăn hồi lâu, tôi nuốt nước bọt, ấn bắt máy.
- Alo?
- À… Alo… À, anh… Em có… - Âm thanh ngừng lại. Anh không nói gì nữa. Tôi nghe tiếng hít thở. - Anh xin lỗi vì tự dưng đến. Em có thể nói chuyện với anh một chút không? - Như thể sợ tôi cướp lời, anh nói tiếp. - Nếu không thì em có thể gặp anh lúc nào đó khác cũng được.
Tôi thấy tai mình ù đi, là giọng của anh thật. Tôi cắn chặt răng, thấy môi mình run run.
***
Anh ở ngay dưới nhà, đứng dựa vào tường với chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp, khẩu trang bịt kín nửa khuôn mặt. Quần áo thường ngày, có lẽ anh vẫn chưa thực sự trở lại. Tôi mở cửa, cố để âm thanh phát ra thật chậm chạp và bình tĩnh. Rồi đột nhiên tay tôi không còn sức khi mắt chạm phải anh. Tôi đứng im bất động, cổ họng nghẹn ứ lại.
- Này… - Tôi nghe giọng mình đã run rẩy. Chữ “này” đã lạc hẳn đi.
Anh đứng gần tôi, giữa chúng tôi chỉ là một cánh cửa xếp. Trông anh gầy rộc, nhìn xơ xác tới thảm hại. Tôi chẳng trông ra làn da bánh mật và nụ cười tươi rói bỡn cợt. Chẳng trông ra đôi mắt lúc nào cũng híp thành một hình cong cong.
Cửa mở, tôi đẩy cửa và bước ra ngoài đối diện với anh.
- Đến làm gì? - Tôi nói.
- Mời một bữa nhé? Trước anh nợ một bữa đấy. - Anh cố cười, xoa xoa hai bàn tay trống đặt ở trước mặt.
Chẳng có bữa nợ nào cả, tôi biết chắc thế nên chỉ im lặng nhìn anh. Biểu cảm trên gương mặt anh dần gượng gạo, anh xoa xoa đầu, nói tiếp:
- Mình nói chuyện một chút được không?
- Anh có thể nói luôn ở đây. - Tôi đã hơi bực mình.
Lúc này anh nhìn tôi vẻ sợ sệt.
Tôi nhường đường cho anh vào trong. Lúc lấy cho anh cốc nước tôi tưởng như một khoảnh khắc khi trước quay về, anh vẫn ngồi đó, dải nắng im ắng hắt trên những sợi tóc tơ ngả nâu, bờ vai buông thõng trong chiếc áo thùng thình nửa sáng nửa tối. Không, tôi lắc đầu, người đó đã không còn ở đây nữa rồi.
Tôi đặt cốc nước xuống dưới sàn, không nói gì. Cuộc trò chuyện vốn biết trước sẽ trúc trắc và gượng gạo, sao tôi còn muốn bắt đầu?
- Anh xin lỗi. - Anh lặp lại, giọng lần này đã run rẩy.
- Về chuyện gì?
- Thì… - Anh ngập ngừng. - Mọi chuyện mà anh đã làm.
Tôi quay nghiêng mặt, không nhìn anh nữa.
- Đáng lý chúng mình đã không như thế này. - Anh chợt lúng túng. - Anh không biết mọi thứ đã sai từ đâu, và sao mình lại như vậy nữa. - Anh dừng lại, cố gắng muốn bắt đầu từ đâu đó. - Em biết đấy, trước khi quen em, anh đã có một thời gian dài chán nản, anh không thấy mình còn thích nhạc nữa. Trong khi đó, những người bạn cùng thời của anh đã thích nghi, hoặc vài người vẫn đang vô tư trên con đường của họ. Anh nhìn họ, không hiểu mình đã hỏng hóc ở đâu, vì sao mình lại không vui, vì sao mình đạt được thứ mình muốn rồi mà mình vẫn không vui. Anh không biết phải giải thích thế nào, nhưng cái thế giới này không như anh tưởng tượng. Anh có nên từ bỏ không, dù sao anh cũng chỉ mới có tiếng tăm thôi mà, anh đã mất bao nhiêu công sức theo đuổi, anh đâu thể buông tay sớm thế được. Vì thế, anh cứ sống tiếp thôi, sống tiếp với tình trạng nhầy nhụa như thế. Người ta gọi đấy là vỡ mộng à? - Anh tự hỏi rồi tự trả lời. - Ừ, có lẽ là vỡ mộng thật đấy.
Anh cười, chua xót.
- Tới khi gặp em quen em, anh chẳng bận tâm điều gì nữa cả, anh cứ vui mãi. Anh không còn nghĩ tới những hỏng hóc trong mình nữa, không nghĩ tới những câu hỏi và băn khoăn cũ nữa. Có một người hiểu anh nghĩ gì, hợp anh tới thế, dù anh có lo lắng, mệt mỏi thế nào luôn an ủi và vỗ về anh, em không ghét bỏ những cảm xúc tồi tệ của anh, một điều anh không thể tự làm với chính mình. Ở cạnh em, anh sẽ quên hết tất thảy chuyện ở ngoài kia, chỉ có anh và em và chúng mình, chuyện chúng mình. Thế giới của anh khi ấy xoay quanh đi hát và về nhà em. Anh chia đôi người, cả ngày chỉ đợi phần người còn lại đứng dưới cửa nhà em, chờ em chạy ra, nắm lấy tay mình.
Tôi cắn chặt răng.
- Nhưng,… - Vai anh buông thõng.
Anh ngước mắt nhìn tôi, nhưng tôi lại nhìn ra ngoài. Tiếng quạt chạy ro ro trên đầu.
- Anh không thể chối bỏ phần người còn lại. Anh là người đi hát, anh là người viết nhạc, anh có công chúng, có người nhìn vào mình. Khi tin đồn nổ ra, mọi thứ trong anh sụp đổ, A. ạ. Những hỏng hóc không biến mất, nó vẫn ở đấy mà chẳng qua anh lờ nó đi thôi. Mọi thứ khi ấy rối rắm lắm. Giờ anh có thể nói với em là nó rối, nhưng khi ấy, anh còn không nhận ra nổi là nó rối rắm. Anh chỉ cảm thấy đau đầu, anh nhắn tin hết người này người kia để hỏi. Trong khi đó, T. cứ giục anh, lâu lâu lại báo thêm một tin mới, một fanpage khác đang lên bài, một người nữa đã cung cấp thông tin gì đó. Anh sợ giọng nói của T., sợ những bình luận luẩn quẩn suốt nhiều năm nay lại rộ lên, anh nghĩ mình chỉ cần trốn đi đâu đó, rồi mọi sự sẽ lại bình thường. Không có gì xảy ra cả, tất cả sẽ lại bình thường nếu mình biết ỉm nó đi. Vì thế, anh đã nhắn tin đó với em trước khi chạy trốn một mình.
Tiếng quạt cứ chạy, một chiếc xe máy nào ngang qua. Tôi thấy nước mắt mình rơi, đầm đìa. Gương mặt anh nhòe đi trong làn nước mắt.
- Anh vẫn luôn làm thế từ trước tới nay. Có lẽ sai lầm đã có từ đó. Anh luôn chạy khỏi những điều anh không thể kiểm soát.
Tôi hít một hơi sâu, cố không để lạc giọng đi.
- Hết rồi chứ?
- Anh xin lỗi vì mọi chuyện. Anh đã biết mình rất trẻ con, không tốt với em…Anh đã suy nghĩ rất nhiều… Anh… Liệu mình…
Tôi lắc đầu. Sau chừng ấy, tôi không muốn tin tưởng nữa.
- Anh không muốn mình như cũ nữa. Anh hứa anh sẽ không như trước, nhưng em có thể cùng giúp anh không? - Anh dừng lại, quả quyết. Rồi anh rút từ trong túi ra một chiếc bật lửa để trên bàn. - Em cho bọn mình cơ hội nhé?
Nước mắt tôi thi nhau rơi xuống. Tai tôi đã lùng bùng cả. Liệu đây có phải điều tôi luôn chờ đợi?
***
Anh không ở đây, ngay lúc này. Tôi ngồi bó gối trên giường, nhìn qua cửa sổ trông ra ngoài. Kể cả sau một giấc ngủ dài, cảm giác mình vẫn sống như ngày này tuần trước, nước mắt vẫn cứ tuôn. Bên cạnh tôi là chiếc bật lửa, còn trong lòng chẳng biết là nhẹ nhõm hay là rối rắm.
Câu hỏi của anh khi ấy cứ lặp đi lặp lại. Ánh mắt của anh, khuôn miệng mấp máy của anh, bóng hình của anh, tôi đã nhớ thương nhiều đến thế, giờ nó ngay trước mặt, tôi lại chẳng dám chạm vào. Những cơn mơ chân thật về vòng tay của anh hiện về, tôi đã mường tượng bao nhiêu vậy mà giờ đây vì sao tôi lại sợ sệt đến thế?
Chẳng có câu trả lời nào. Dù có là hôm qua, hay hôm nay, hay tuần trước, tôi cũng không sao trả lời được: tôi sẽ tiếp tục giữ chiếc bật lửa, hay vứt nó đi, cắt đứt, xóa sạch mọi dấu vết của anh trong cuộc đời mình?
Tin nhắn chào ngày mới của anh vừa hay đến. Điện thoại rung nhẹ trên giường. Tôi liếc thấy nhưng không đọc tin nhắn, hướng mặt ra ngoài lâu thật lâu.
Tôi vẫn không biết câu trả lời cho hiện tại, không biết chuyện gì sẽ xảy đến trong tương lai. Nếu đã không biết như thế, tôi và anh chỉ đành tiếp tục chờ đợi, chờ tới khi nắng hong khô những câu chuyện cũ, tôi có thể bước ra khỏi quá khứ để trả lời anh, một cách rành mạch và rõ ràng.
Ừ, phải, vào một lúc nào đó mà không phải hôm nay.