Truyện ngắn Thánh nữ

Tham gia
3/7/17
Bài viết
1
Gạo
0,0
Cám ơn Thánh nữ!
Những ánh đuốc bập bùng. Mấy chục gương mặt bao quanh, má chảy xuống, mắt trừng trừng, miệng bành rộng, lưỡi lu lú lè ra... qua ánh lửa chớp lòa trông giống như ông thần ác. Mấy chục ông bà thần ác! Ở giữa, hai vợ chồng Út Cua lam lũ thiếu đói bám víu đổ ụp vào nhau, rải rác dưới đất là một số tấm hình thiếu nữ trên người chỉ mặc mỗi bộ đồ lót với nhiều tư thế khêu gợi.
"Ông thần ác" Hai Lúa rít lên: Đồ hư đốn.
Ông bà Ba Khoai phụ họa: Không thể tin nổi.
Bà Tư Đậu lắc lắc đầu qua lại: Con gái mà đi qua khỏi con rạch ngăn cù lao này là học thói hư đốn hết.
Bà Năm Bần đệm thêm: Cởi truồng mà đứng ển ển thế kia cho đàn ông nó dòm, đồ lăng loàn trắc nết.
"Cởi truồng" là từ ngữ của bà Năm Bần, chứ thật ra Đồng Trinh -cô gái trong hình, con của vợ chồng Út Cua, có mặc đồ lót, bởi Đồng Trinh là người mẫu nội y. Nhưng nơi cái xứ cù lao biệt lập này thiếu đủ thứ: Không thầy giáo, không thầy thuốc... và những thứ của đời sống hiện đại như điện đài lại càng không, nên những tấm hình như thế thì quá là kinh khủng!
Con gái xứ cù lao-nghe đâu là hậu duệ của cung tần mỹ nữ chạy giặc mà trôi dạt về đây, tuy thiếu thốn đủ thứ nhưng đôi chân vẫn cứ cố rướn dài tới nách cho dáng đi thêm đài các, cái ngực cái mông cứ phởn phơ đầy nhóc ngược với lượng dinh dưỡng được đưa vào người. Nếu cái cơ thể đó mà được chăm bón đúng kiểu thì ôi thôi. Và đã có một đứa con gái được chăm bón như thế. Đó là Đồng Trinh, con gái của vợ chồng Út Cua.
Cứ đến ngưỡng mười bốn mười lăm, cái nữ dáng vừa mơn mởn lu lú chưa kịp hoàn thành chu trình thì cái bụng đã trướng lên vượt bậc, tác giả là một thằng tát ao, mót cá... nào đó. Rồi lớn lên lưng lửng, rồi già đi vồi vội, rồi quanh quẩn đói nghèo theo công thức chung, đàn bà ôm con thơ đàn ông ôm bầu rượu, rồi quẩn quanh ôm nhau đời này qua đời khác. Chưa kịp qua trẻ con đã thành đàn bà. Đàn bà mang cái dáng hình yểu điệu thục nữ tạo hóa ban cho cộng với sự tàn phá của hoàn cảnh khắc nghiệt làm nên những hình nhân đài các tức tưởi. Cái thịt cái da vẫn ngọt vẫn hương, nhưng cái ngọt không đượm hậu mà cái hương cũng không thẩm thấu. Đóa hoa chưa kịp hé cái duyên hàm tiếu đã tàn nhẫn mãn khai. Mãn khai trong khắc khoải.
Rồi trong một đêm mưa gió, sau trận đòn thừa sống thiếu chết của thằng chồng trẻ, có một bà mẹ trẻ con đã điên loạn chạy trốn khỏi cù lao, trốn chạy khỏi địa ngục hiện tại dù không biết phía trước là những hiểm nguy nào đang chực chờ. Đó là Đồng Hạnh, con gái lớn của vợ chồng Út Cua.
Về đến chốn đô hội, tuy chưa phải là thiên đường, nhưng cuộc sống của Đồng Hạnh tốt gấp ngàn lần cảnh nhà dột khi mưa chồng ói khi nhậu. Đồng Hạnh nhận ra rằng, lâu nay cô và các cô gái khác ở cù lao là những lao động khổ sai: Trên giường là công nhân tình dục, bước xuống giường là osin giúp việc, ra ngoài thì cày cuốc kiếm rau kiếm gạo cho con no bụng, kiếm rượu cho chồng thỏa mãn dục vọng... nhưng không hề nhận được thù lao, cả thù lao về vật chất lẫn thù lao tinh thần. Chồng cởi quần thì phải nằm im dù mưa hay nắng, chồng ói là phải hốt dù đang ngủ hay đang ăn, chồng hết rượu thì phải kiếm cho bằng được dù có hay không có tiền....
Ngay sau khi ổn định được cuộc sống, Đồng Hạnh đã làm cuộc giải cứu em gái mình khỏi kiếp nô lệ lao động khổ sai mười bốn mười lăm bụng trướng. Rồi đây em gái Đồng Trinh của cô nhất định sẽ là của quý. Của quý đãi anh hùng. Không thể mặc nhiên là của thằng tát ao mót cá. "Hoa thơm ai cũng nâng niu, người thơm ai cũng chắt chiu để dành". Một sự xác lập lại giá trị.
Được chăm sóc đúng bài, cơ thể của bé gái Đồng Trinh đã phát triển hoàn hảo, gien di truyền cộng với phương thức chăm sóc thực dụng thời hiện đại đã cộng hưởng cho ra một Đồng Trinh nồng nàn quyến rũ, quyến rũ đến ngộp thở. Đôi chân như dài hơn, nuột nà hơn. Cái mông cái ngực vừa man dại di truyền vừa được đắp gọt theo từng bài tập thể hình, từng viên thuốc kích thích, từng hủ kem dưỡng bồi. Đồng Trinh nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà thời trang, và trở thành một siêu mẫu nội y, cô là một tác phẩm hoàn hảo của tạo hóa, là một báu vật làm rạng danh mảnh đất sinh ra cô như báo chí ca ngợi.
Rồi ảnh chụp của nữ hoàng nội y Đồng Trinh trên báo lọt vào tay mấy gã cư dân cù lao đang làm phụ hồ ở thành phố, họ không thể nào nhận ra nữ hoàng Đồng Trinh bởi nàng quá tỏa sáng quá rực rỡ, nhưng những thông tin đăng kèm thì đích thực nó là con dân xứ cù lao rồi. Mấy gã đem những tấm hình này về .làm quà cho các bô lão ở cù lao. Con gái cù lao là để cho mấy thằng tát ao, mót cá... lột trần ở bờ ao góc ruộng, chứ không phải tự cởi truồng ưỡn ẹo phơi dáng trước bàn dân thiên hạ, như vậy là làm ô uế xứ sở cù lao.
Cuộc đấu tố diễn ra, ngoài phần nhục mạ khủng bố tinh thần, thì vợ chồng Út Cua phải đền bù danh dự cho mỗi gia đình trong cù lao một thùng rượu và một tảng thịt. Chuyện này đến đây là kết thúc.
#
# #
Xóm cù lao đã đổi khác. Có thầy thuốc, có thầy giáo, có điện... cùng nhiều phương tiện hiện đại. Tất cả là nhờ vào nhà tài trợ Thánh nữ.
Đầu tiên phải kể đến là cây cầu nối qua rạch, để cư dân cù lao dễ dàng kết nối với thế giới bên ngoài. Cầu xây xong, vợ chồng lái đò Hai Lúa thất nghiệp, được nhà tài trợ dựng cho căn nhà nhỏ cạnh cầu để buôn bán mưu sinh. Kết nối cầu để cái chân đi lại dễ dàng rồi kết nối đến điện, để mọi người có được ánh sáng, ánh sáng cho con mắt nhìn thấy đồ vật chung quanh, cho cái đầu nhìn thấy thế giới xa lơ xa lắc. Điện về thì các thứ vật dụng hiện đại tự dưng chạy về theo.
Xứ cù lao không còn biệt lập, mà đã gia nhập thế giới phẳng. Chuyện gì xảy ra trên thế giới là xứ cù lao biết liền, bàn liền. Mà quan tâm nhất vẫn là chuyện của đứa con gái hư hỏng Đồng Trinh.
Tiếp theo là nhà của Út Cua được tài trợ xây mới. Tiêu chí của nhà tài trợ là chọn gia đình nghèo nhất tại cù lao. Qua trận đấu tố thì ôi thôi, gia đình của Út Cua không còn có thể là nghèo, mà phải gọi là quá nghèo, kiểu này thì có làm cả đời cũng chưa trả hết nợ phạt vạ. Nhưng nó đang là tội đồ, đâu thể cho hưởng lộc như vậy. Cả xóm đang nâng lên đặt xuống để chọn ra gia đình được nhận tài trợ thì phía tài trợ chỉ định đích danh gia đình Út Cua. Thế này thì đích thực là Thánh rồi, ngồi tận đẩu tận đâu mà biết hết chuyện ở cù lao.
Nhà của Út Cua được xây dựng khang trang, bên cạnh lại có một dãy nhà dài. Xây xong, Thánh nữ cho biết sẽ thuê dãy nhà dài để làm cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ dành cho phụ nữ cù lao, ai tham gia làm công nhân sẽ được học nghề và được tài trợ nửa phần tiền xây sửa lại nhà, nửa còn lại trừ dần vào lương. Ở xứ này nguyên liệu năng lác lục bình mọc đầy, rất tiềm năng để cho xưởng hoạt động lâu dài.
Vậy là phụ nữ cù lao đăng ký học nghề không sót một ai. Ban đầu là để hưởng chế độ xây sửa nhà, mãi sau này khi có dịp so sánh với những nơi khác thấy thu nhập của xưởng cù lao cao hơn nhiều, nên bám lấy nghề. Nguyên nhân vì sao tiền công cao thì không ai biết chính xác. Chỉ nghe phong thanh rằng, chồng Thánh nữ sở hữu chuỗi siêu thị ở nước ngoài, sản xuất rồi bán hàng trực tiếp không qua trung gian, nhờ đó giá bán thấp mà thu nhập người lao động lại cao.
Cù lao trở thành điểm du lịch sinh thái, du khách nước ngoài nườm nượp đến tham quan và mua sắm hàng mỹ nghệ, đời sống cù lao lại nâng thêm một mức nữa. Đời sống vật chất nâng cao, người ta cũng quan tâm đến những thứ ở tầm cao hơn. Nếu trước đây, người ta làm quà nhau bằng chuyện chó cán xe, mà nhất là chuyện của Đồng Trinh, kiểu như: Chồng của Đồng Trinh tiền cao như núi nhưng cái bản lĩnh đàn ông xụi xuống tận vực sâu; Con ca sĩ lộ clip sex với chồng người ta còn trơ trẽn chường mặt trên báo cãi chày cãi cối; Lão giám đốc đi tù vì tội buộc nhân viên nữ mặc váy ngắn để dụ khách hàng nào ngờ bản thân mình cầm lòng không đậu nên đã hiếp dâm ... Rồi cười hô hố, há há. Phải chăng khi nghèo, người ta hay tự sướng bằng những chuyện đau khổ của người khác?
Nay thì không như vậy nữa. Chuyện cư dân cù lao quan tâm bây giờ là lượng khách du lịch đến Việt Nam đang tăng hay giảm, Thủ tướng đi Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại nào, khủng hoảng kinh tế thế giới, tỷ giá tăng giảm ra sao, chính sách tài khóa bên Mỹ bên Âu, mặt hàng nào đang bị điều tra bán phá giá, mấy đồng tiền ảo bitcoin onecoin có thể cho mình giàu thật hay không....
Lần nọ, đứa con của vợ chồng Năm Bần bệnh nặng, bệnh viện yêu cầu nộp một khoản viện phí cực lớn, Năm Bần đành đưa con về nhà nằm chờ chết. Xe nhà thương vừa về đến cù lao thì tài xế nhận được lệnh chở bệnh nhân quay trở lại để điều trị tiếp. Vợ chồng Năm Bần hết hồn, không biết chuyện gì đang xảy ra. Hỏi thì tài xế trả lời: "Tui cũng không biết rõ. Chỉ nghe loáng thoáng là có nhà tài trợ tên Thánh nữ gì đó đã đóng toàn bộ viện phí rồi, giờ chở đứa nhỏ về để chữa tiếp". Vợ chồng Năm Bần thảng thốt cùng quay mặt nhìn ra cửa kính, tay chắp trước ngực: "Lạy Trời, lạy Phật, lạy Thánh nữ...". Ủa, mà Thánh nữ đạo Chúa hay đạo Phật vậy?
Đứa con của Năm Bần hết bệnh về nhà. Năm Bần xem Thánh nữ là cha là mẹ, là thánh là thần đã tái sinh đứa trẻ. Khi nghe ý định của Năm Bần muốn xin tấm hình lớn của Thánh nữ để treo ở nhà, để ngày đêm vợ chồng con cái nhìn vào đó mà tạ ơn, không phải vọng tưởng vô hình vô ảnh, cả đám trong xưởng mỹ nghệ nhao nhao:
Tư Đậu: Tui nữa, nhà tui cao rao kín đáo là nhờ Thánh nữ mà.
Ba Khoai: Mấy đứa con của tui được đi học là nhờ Thánh nữ, tui cũng muốn có ảnh của Thánh nữ để treo.
Tám Bồn Bồn tâm đắc: Ừ hén. Chứ hồi giờ cứ nhận lộc của Thánh nữ mà hổng biết mặt mũi Thánh nữ thế nào.
Cuối cùng thì hầu như nhà nào ở xứ cù lao: Hai Lúa, Ba Khoai, Tư Đậu, Năm Bần, Sáu Sen, Bảy Súng, Tám Bồn Bồn... cũng đều mong muốn có hình của Thánh nữ để treo. Nguyện vọng này thật là chính đáng, đương nhiên là được nhà tài trợ chấp nhận. Lễ rước hình của Thánh nữ về cù lao đã chọn được ngày lành tháng tốt. Cả cù lao được trang trí lộng lẫy, gương mặt từng người bừng bừng hào quang. Thánh nữ vốn đã biến xứ cù lao u tối thành một thế giới bừng sáng, giờ mà treo hình Thánh nữ nữa thì ôi thôi!
Sau hồi múa lân rộn ràng. Sau chặp cúng nhất bái, nhị bái... theo tiếng chuông của đức thầy, giờ khai mở hình của Thánh nữ đã đến. Hàng trăm con mắt háo hức, tôn kính hướng nhìn lên trên. Hai con lân tiến về tấm hình theo tiếng trống nhịp dồn nhè nhẹ, từ từ kéo tấm lụa vàng xuống dưới. Trên tấm hình khổ lớn, bên phải là bức tượng đức Di Lặc với nụ cười hoan hỉ và từ bi ban phước khắp trần gian, góc dưới bên trái có một cô gái mặc áo dài trắng muốt tinh khôi, quỳ gối, hai tay cầm tràng hạt chắp trước ngực, mắt hiền từ ngước lên nhìn vị thánh.
Lân lùi ra, trống ngừng dập. Không khí trở nên im ắng lạ thường.Tiếng con sóng nước vỗ lăn tăn. Tiếng rập rềnh của hàng đàn chuồn chuồn báo hiệu trời sắp mưa to.
Lễ xong rồi. Về nhà thôi.
Nhưng trong lòng mỗi cư dân cù lao đều thắc thỏm. Lẽ nào? Lẽ nào Thánh nữ lại là... Đồng Trinh!? Trong những cuộc buôn chuyện, mình có từng đắc tội với Thánh nữ?
5/2017
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên