Thế thân - Cập nhật - Cỏ

Cỏ Sam

Gà con
Tham gia
21/6/21
Bài viết
55
Gạo
24,0
Tên truyện: THẾ THÂN
Tác giả: Cỏ
Tình trạng: Đang cập nhật
Lịch đăng: 1 chương/tháng
Thể loại: Tiểu thuyết
Độ dài: Chưa xác định
Giới hạn độ tuổi: Không
upload_2022-4-5_10-17-8.png

Bìa: Thiết kế bởi Shop Les Petites - Lâm Huyên

Tác phẩm lấy cảm hứng từ những giai thoại xung quanh cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương và An Tư công chúa.

Hồ Xuân Hương: Sống ở nửa cuối thế kỉ mười tám đầu thế thế kỉ mười chín, tương truyền là con gái Hồ Phi Diễn. Người trấn Nghệ An. Là người con gái tư chất thông minh hiếu học, giao thiệp rộng rãi với danh nho đương thời. Tuy nhiên cuộc đời bà lại gặp nhiều éo le ngang trái, lận đận tình duyên.

MurK5d6O8r0qxA5NCCQwiQ.1535351832-212x300.jpg


(Nguồn ảnh: Internet)

An Tư công chúa: Không rõ sinh mất năm nào. Theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, An Tư công chúa là con gái út của Trần Thái Tông, nhưng không rõ mẹ bà là ai. Việt sử tiêu án chép Thiên Tư công chúa, công chúa nhà Trần, Hòa thân công chúa, là một trong hai vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính trọng đại. Bà nổi tiếng trong việc kết hôn với Trấn Nam vương Thoát Hoan, giữ cho quân Trần rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần hai vào năm 1285. Kết cục của bà đến bây giờ vẫn là đề tài bàn luận của các sử gia. Sau chiến thắng không ai rõ về An Tư nàng sống chết ra sao vẫn là một ẩn số.

tai-xuong.webp


(Nguồn ảnh: Internet)

Xung quanh cả hai người phụ nữ này đều có rất nhiều giai thoại để lại về thân thế, tình duyên và cuộc đời của họ. Tác giả lấy cảm hứng từ chính những giai thoại ấy để viết nên tác phẩm.

Đôi lời giới thiệu về tác phẩm

Cảm thương thay những con phượng hoàng bị lầu son gác tía vây hãm giam cầm. Những nữ nhân muốn phá cũi sổ lồng khỏi những lễ giáo nhưng lại bị thời thế bủa vây, đè nén đến bất lực đành như cánh bèo mà thuận theo dòng nước chảy. Rồi đây, ai sẽ người rạch nát lưới này? Để con chim sẻ được cất cánh bay lượn trên bầu trời như con chim phượng hoàng, để con cá trạch lội dưới bùn được bơi ra biển cả mà hóa thành rồng?

Câu trả lời nào dành cho số mệnh của họ. Bóc đi lớp bụi mờ của lịch sử, lật lại từng trang sách, sẽ thấy cảm thông biết bao với những thiếu nữ mười tám đôi mươi bị thời thế quay cuồng đến tái tê cõi lòng. Dù cao sang hay thấp hèn cũng gói lại trong đôi lời bạc mệnh. Xuân xanh ấy, ai cho đi? Ai lấy lại? Ai là người bên em đến cuối cùng? Hay chỉ là những ngóng trông trong vô vọng:
Trông người chinh chiến dặm trường
Xa xôi mây gió đôi đường chia phôi
Một lòng mong nhớ khôn nguôi
Hỏi người nam tử than ôi động lòng?

Lưu ý: Cốt truyện và các nhân vật trong tác phẩm là hư cấu không phải là nhân vật lịch sử hoặc có liên quan đến lịch sử. Tên triều đại và niên hiệu không tương ứng với thực tế nước ta. Các trang phục, tên cung cấm, địa danh tác giả có tham khảo trong các triều đại phong kiến Việt Nam để tạo tính chân thực. Tuy nhiên không cụ thể ở một triều đại nhất định nào, vì vậy vui lòng không kiểm chứng lịch sử. Ngoài ra, các nét đẹp văn hóa, ẩm thực, phong tục tâm linh đã được tham khảo trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm nhằm thể hiện rõ nhất hơi thở của xã hội Việt Nam thời kì phong kiến.

Đôi lời ngoài lề

Đây là một câu chuyện có thật, dựa trên sự tưởng tượng hư cấu đáng tin cậy của tác giả về những con người không có thật nhưng lại mang dáng dấp của người thật.

Chúc các bạn thư giãn, vui vẻ khi đọc truyện

Thân ái, Cỏ
Chương 1 - Chương 2 - Chương 3 - Chương 4 -
Chương 5
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Cỏ Sam truyện của bạn bị sai trình bày nhưng mình thấy truyện có vẻ chỉn chu nên chỉnh giúp bạn thay vì xoá. Bạn để ý lần sau nhé.
 

Cỏ Sam

Gà con
Tham gia
21/6/21
Bài viết
55
Gạo
24,0
Chương 1: Tai bay vạ gió

Lịch sử triều đại:

Nước Nam, Năm Thuận Thiên thứ mười tám, ngày hăm lăm tháng tám.

Vua Nguyễn Hiền, hiệu là Tử Vương lên ngôi năm bảy tuổi, trị vì đã được mười năm. Vua chưa lập hoàng hậu. Thực quyền nằm trong tay thái hậu. Thời thế hỗn loạn, nịnh thần nhũng nhiễu, hoàng thất lục đục, quần thần đấu đá tranh giành, giặc ngoài nhăm nhe lấn chiếm.

*

Đến trấn Kinh Bắc này mà hỏi nhà họ Trác không ai là không hay. Bởi lẽ Trác Gia Ích là một thầy đồ có tiếng trong vùng, ông đã dạy dỗ biết bao nhiêu tú tài, trạng nguyên cho đất nước. Nức tiếng gần xa, cho nên trong trấn và cả ngoài trấn, nhà nào có con trai muốn dấn thân vào quan lộ thì đều tìm đến ông, mong ông cho gọi một tiếng thầy. Giỏi giang là thế nhưng bản thân ông không ra làm quan mà chọn cuộc sống yên ấm nơi quê nhà.

Hơn mười năm trước ông đỗ đầu ba kì thi Hương, Hội, Đình, làm đến chức thượng thư bộ lễ [1], nhưng làm được năm năm bỗng nhiên ông cáo quan về ở ẩn từ đó sống cuộc đời ẩn dật, tránh xa danh lợi chốn quan trường. Vợ ông, Bạch Hạ Uyển là con gái một võ tướng, thuở thiếu thời cũng là một nữ nhân xinh đẹp có tiếng. Ngày bà lên xe hoa về nhà họ Trác, quán rượu ven đường còn không đủ chỗ cho mấy chàng công tử đến uống cho quên sầu. Bà vì mến tài năng đức độ của ông mà đã kiên quyết từ chối mối duyên cha mẹ sắp đặt với vị quan tri huyện lúc bấy giờ. Đến tận bây giờ con cái đề huề, gia đình yên ấm các cụ bên đằng vợ ông mới nguôi ngoai nỗi giận năm nào.

Với cái tài vun vén của bà và đức độ của ông bây giờ gia đình nhà họ Trác cũng tạm gọi là có của ăn của để. Nhưng ông chỉ có hai cô con gái, người khác thấy đó là bất hạnh thì ông lại không cho là như thế. Hai cô con gái ông, một cô mười sáu tuổi đặt là Ái Hân, Ái trong yêu quý còn Hân trong hân hoan vui vẻ. Nhà họ Trác chào đón cô con gái đầu lòng như một niềm vui khôn tả không như các kì hào, phú hộ với quan quân lúc bấy giờ chỉ mong mỏi nam nhân nối dõi tông đường. Cô thứ hai nhà họ Trác mười bốn tuổi đặt là Ái Mộc, Mộc trong nghĩa là cây, mong con an lành, hiền hậu như thân cây cỏ.

Hai cô con gái tính tình khác biệt. Đúng như cái tên Ái Hân hướng ngoại thích tập võ nghệ, chữ nghĩa văn thơ, kết giao bè bạn. Ngược lại Ái Mộc lại hướng nội, thích sống an phận thủ thường, tề gia nội trợ. Cả hai cô đều làm ông bà rất vừa lòng.

Hôm nay mát trời, ông Gia Ích vừa tản bộ trong vườn vừa ngắm mấy cành hoa mẫu đơn đang vào độ bung sắc, nở đỏ rực một góc sân. Toàn bộ căn nhà gia đình ông đang sinh sống đây là từ thời cha mẹ ông để lại, đến đời ông có sửa sang lại đôi chút. Một căn nhà chính năm gian rộng rãi với hai dãy nhà ngang, một dãy nhà ngang ba gian để gia đinh trong nhà ở thêm một gian trái làm bếp, một dãy nữa cũng ba gian để ông dạy chữ. Nhà ông nuôi không nhiều nô bộc vì đồng áng cũng chẳng có việc gì nhiều. Chủ yếu nô bộc là do những nhà khó khăn quá mang con đến gửi gắm. Cả nhà chỉ có ba đứa gia đinh, là cái Mận, cái Hồng và anh cu Mẫn. Nói gia đinh cũng chẳng phải vì ông bà vẫn coi như con cháu trong nhà.

Gia thế ông nếu kể từ thời cha ông về trước cũng là bậc danh nho [3]. Các bậc phụ thân nội ngoại đều làm quan trong triều cả. Đến ông thời thế hỗn loạn, thù trong giặc ngoài, bản thân ông cũng không phù hợp những đấu đá tranh giành. Thế nên, ông đành chọn con đường ẩn dật không tiến vào chốn thị phi quan trường. Nhưng đã học chữ thánh hiền mà không ra giúp đời thì tâm lại không an, cho nên ông dốc toàn bộ tâm lực mà dạy dỗ cho học trò mong sao đất nước chọn được người đủ tài đủ đức mà gánh vác.

Ông vẫn hay bảo anh cu Mẫn rằng có thích học chữ ông dạy cho, nhưng anh cu Mẫn gãi đầu gãi tai cười khì khì bảo dăm ba cái chữ nghĩa loằng ngoằng còn khó hơn cày ruộng anh chả thích học. Mỗi lần như thế ông chỉ còn biết thở dài bảo:

- Chữ nghĩa không nuôi thể xác được, nhưng nuôi tâm hồn được.

Anh cu Mẫn không hiểu nhưng đoán ý chừng là chữ nghĩa cũng có ích. Thế là thi thoảng không bận đồng áng anh cũng ghé lại gian nhà ngang ông dạy ngó nghiêng nguệch ngoạc vài chữ. Nhưng ra khỏi cửa, vài trận gió thổi chữ nghĩa lại bay ra ngoài đồng cả, thành ra học hành bập bõm mãi anh vẫn chưa viết được cái tên mình. Nhưng việc đồng ruộng thì anh chăm lắm, một cọng cỏ cũng không lọt vào ruộng được.

Năm nay đến kì, khoa thi Hương lại mở. Học trò lũ lượt đến nhà ông xin học, nhưng tính ông khẳng khái không phải ai ông cũng nhận. Trước khi trở thành học trò của ông các sĩ tử cũng phải trải qua một lần sát hạch. Qua được vòng này ông mới nhận dạy dỗ. Ông thường bảo người học cũng có dăm bảy loại. Có kẻ học chỉ chăm chăm làm quan, vơ vét cho đầy túi, có kẻ lại ham bả vinh hoa, đắm chìm vào quyền lực mà quên mất giá trị của chữ nghĩa. Chỉ có những người có tâm với chữ nghĩa thực sự mới có thể giữ lại những giá trị cốt lõi mà phụng sự nước nhà. Dạy dỗ những kẻ ấy mới đáng để bỏ công mài giũa. Cũng như người ta mài đá thành ngọc, bỏ bao công sức cho nên không thể nhặt bừa một hòn nào đó được.

Trong tổng số mười một người đến xinh học năm nay, chỉ có bảy người được nhận. Bốn người còn lại đều bị loại cả. Trong bốn người ấy, theo ông có hai anh không hiểu hết cái giá trị của chữ nghĩa. Một anh ham quyền lực, một anh thích tiền tài. Theo nhẽ thường anh nào bị loại thì lại cắp nải đi tìm thầy đồ khác. Ấy thế mà không hiểu năm nay ở đâu lòi ra một anh. Nghe tin mình không được nhận thì làm loạn một phen khiến ông đến đau đầu. Anh ta ngồi từ sớm tinh mơ đến tối muộn nài nỉ, nài nỉ không được thì quay ra chửi đổng. Cái thứ thầy đồ rởm mà còn làm cao. Thứ này, anh ta không thèm học. Rằng là không có thầy Trác anh ta vẫn cứ đỗ cho mà xem. Cái anh học trò cũng hay, lải nhải đủ điều cả. Anh cu Mẫn nghe thế thì tức lắm, anh bảo với ông rằng:

- Để con ra cho cái ngữ không biết điều ấy một trận nên thân.

Nhưng ông cản:

- Nhà ta vốn muốn an thân, cứ mặc kệ hắn.

Cái Hồng cái Mận nghe cũng ứa gan, chưa bao giờ nhà ông bị tai bay vạ gió như thế. Hai đứa nó bảo với bà:

- Hay là để tụi con ra chửi nhau với nó.

Bà bật cười vì cái sự hung hăng của hai đứa, bà bảo:

- Nhắm chửi lại người ta không mà đòi chửi.

Cái Hồng chống hai tay vào nách dướn người trợn mắt nom như con cào cào bảo:

- Úi sời, ngày xưa ở nhà con chửi nhau có thua đứa nào đâu. Cái ngữ chữ nghĩa nửa mùa này, con ăn ba lưng cơm là chửi cả ngày với hắn được.

Thấy thế bà vội can:

- Thôi thôi, mồm liền tai, mình chửi mình nghe trước, cứ mặc cho nó chửi. Cứ đóng cổng cho thật chắc.

Thế là ròng rã hơn một ngày hàng xóm láng giềng cứ hết giờ cơm là lại ra hóng cái anh sĩ tử nhà nào đứng chống nạch chửi đổng vào ngõ nhà họ Trác, nom cứ như mấy bà cãi nhau chuyện khoi nước ngoài đồng. Mấy bà bụm miệng cười tủm, rõ là có chữ mà chửi có khác nào phường tôm cá không, có bà thì rách chuyện hơn cũng ra hỏi dăm ba câu cho có. Làng xóm cũng nói ra nói vào vài bữa rồi cũng quên. Chỉ khổ lũ chó con, ngày ăn được ba lưng cháo loãng mà sủa đến hăng, nhưng sủa mãi cũng không lại anh học trò nửa mùa, lắm chữ này. Đến lưng buổi là chúng nằm chỏng quèo ra ngủ cả. Nhưng được cái chúng cũng ham việc, cứ ăn no là lại ra đấu khẩu với anh chàng đang chực chờ chửi nhau ngoài ngõ. Thành ra trong nhà ngoài ngõ cứ gọi là inh tai.

Cứ thế đến chiều tối mới êm êm. Hỏi ra mới biết cái anh sĩ tử lắm điều ấy lại chính là con trai vị tri huyện họ Lỗ năm nào bị từ chối hôn ước với bà Bạch Hạ Uyển. Giờ lại đến lượt mình bị khước từ anh ta tưởng rằng ông Trác vẫn nhớ chuyện khi xưa nên đôi phần ấm ức. Thôi thì lần này cũng coi như báo thù cho cha. Mặt trời cuống núi, anh chàng cũng vừa tầm đói, chửi xuông cả ngày cũng mệt rồi, thế nên mới thất thểu ra về. Lúc ấy nhà họ Trác mới được yên.

Nhưng cái yên ổn ấy cũng chẳng được bao lâu. Giống như bầu trời quang, một đám mây đen đột ngột xuất hiện chỉ là điềm báo mở đầu. Còn cả một trận mưa giông đang chờ ở phía sau. Và dĩ nhiên đám mây đen nhỏ bé chẳng xá gì so với mưa giông.

Chú thích:

[1] Bộ Lễ hay Lễ bộ là tên gọi của một cơ quan hành chính thời phong kiến tại các nước Đông Á như Trung Quốc, tương đương với bộ thông tin - truyền thông, bộ văn hoá - thể thao - du lịch, bộ giáo dục - đào tạo và bộ ngoại giao ngày nay. Quan đứng đầu bộ Lễ là Lễ bộ thượng thư (hay thượng thư bộ Lễ), tương đương với bộ trưởng các bộ trên ngày nay.

[2] Danh nho: Nhà nho nổi tiếng về học vấn và đức hạnh.
 

Cỏ Sam

Gà con
Tham gia
21/6/21
Bài viết
55
Gạo
24,0
Chương 2: Sóng ngầm

Khuôn viên của nhà họ Trác không rộng lắm nhưng được chăm chút cẩn thận và sắp xếp rất vừa mắt. Căn nhà chính ở giữa, hai căn nhà ngang dối diện nhau ở hai bên. Ở giữa là cái sân gạch vuông đỏ. Xung quanh sân trồng đầy hoa mẫu đơn. Ở góc vườn sát bức tường lao, có một cái ao nhỏ. Trên mặt ao trồng mới khóm sen mới lên được vài bông. Cạnh hồ, có một cái gác [1] nhỏ đặt bên trong một bộ chõng tre với cái bàn gỗ tròn. Chỗ ấy, những đêm trăng cả gia đình ông vẫn ra ngồi nhìn ngắm trời đất, ngâm thơ, thả chữ, nảy Kiều. Ông vẫn nhủ rằng có hai đứa con gái là phúc phận của gia đình ông, ít nhất chúng cũng sẽ sống cho đến khi ông lìa đời không phải chịu cảnh “bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa[2]” giữa thời buổi loạn lạc này.

Những lối đi quanh vườn đều dược lát đá, dọc đường đi lối lại đều trồng rất nhiều thược dược, mẫu đơn. Lại có cả bốn, năm cây tường vi mới đơm bông vụ đầu, bông rủ xuống đẫm sương. Dưới mặt ao, làn nước tĩnh lặng, yên ả. Thỉnh thoảng những con cá nhỏ lại quẫy đạp nhảy lên đớp vài cái lá và cánh hoa bất chợt rơi rớt xuống mặt ao. Cảnh vật hài hòa tựa như một bức tranh thủy mặc [3].

Trong khuôn viên, ái nữ nhà họ Trác đang chăm chỉ dặm tô từng nét chữ trên mảnh giấy vuông trắng. Cái Mận ngồi bên đang chăm chú mài mực. Mỗi một chữ viết xong Ái Hân đặt sang bên, Mận lại xếp lên đó hai ba mảnh kẽm nhỏ chèn giấy, nhìn khung cảnh hết mực yên bình. Tựa như làn nước mùa thu đang lăn tăn gợn sóng trên mặt hồ yên tĩnh. Gió thổi hiu hiu đủ để thổi mái tóc dài óng mượt bồng bềnh của Ái Hân vừa nhẹ bay, một vài sợi tóc mỏng quấn quýt vào gò má ửng hồng, Ái Hân đưa đôi tay nhỏ nhắn gạt vài sợi lên vành tai như con chim câu nhỏ đặt hạt thóc vàng vào cái tổ rối tinh của mình. Rồi nàng lại tiếp tục dặm tô nét chữ.

Bên kia Ái Mộc đã viết chữ xong, nàng đang cắt tỉa mấy nhành mẫu đơn. Cái Hồng đi theo chỉ trỏ chỗ này chỗ kia. Đôi tay nhỏ nhắn mềm mại của Ái Mộc khéo léo, nâng niu từng cành hoa xinh xắn. Nhìn gương mặt nàng tựa như vầng trăng đêm rằm, sáng trong và tròn vành vạnh.

Anh cu Mẫn thì chẳng hiểu gì ba cái thứ hoa hoét này đành cầm cái chổi lia xoèn xoẹt cái sân cho sạch lá. Anh Mẫn vẫn bảo với ông, hoa không ăn được, bà với cô trồng gì rõ lắm. Là con, con sẽ trồng toàn rau muống, cả cái ao nữa, vứt vài cọng rau muống là cả nhà ăn quanh năm suốt tháng. Tính anh Mẫn tuy hơi bỗ bã, nghĩ gì nói đấy nhưng được cái thật thà, chăm chỉ, chất phác.

Nghĩ lại thì hoa hoét cũng như chữ nghĩa vậy, tuy không làm no bụng nhưng lại là phương thuốc hữu hiệu để an ủi tâm hồn. Nhất là trong những ngày trong lòng nặng đầy tâm sự như thế này.

Gió thổi hiu hiu, ông Gia Ích đứng từ xa nhìn hai cô con gái rất mực yêu chiều không hiểu vì cớ sự gì mà thở dài đăm chiêu nghĩ ngợi. Chiều qua, ông được nhận được chiếu chỉ của vua vời vào cung. Đích thân võ tướng Lý Nam Ân mang tới, hẹn ông ngày mai lên đường. Xem ra lần này không đi không được. Chưa biết rõ nguồn cơn nhưng từng làm quan bốn năm năm trong triều, ông cũng đoán được đôi phần rằng chuyện chẳng lành. Xưa nay chốn quan trường đâu phải vời người vào chơi xuông được. Ắt là có sự gì chẳng tốt đẹp cần đến người đã lánh thân ẩn dật như ông.

Bà Hạ Uyển biết tâm sự trong lòng chồng, bà cũng lo lắng chẳng kém gì ông. Con gái võ tướng đã quen với binh đao. Cha bà cũng từng chiến đấu biết bao trận mạc, tính tình khẳng khái, gây biết bao ganh ghét đố kị cho đám loạn quan trong triều. Sau này cha bà cũng vì muốn yên ấm mà không nhận công phong tước, chỉ mong sau này nếu có loạn lạc hi vọng con cháu được đãi ngộ hơn người. Nay cha bà đã mất, anh em tuy làm quan nhưng danh tiếng và quyền lực đã không còn được như trước, sợ rằng biến loạn không thể gánh vác. Bà nén một tiếng thở dài, tiến lại phía ông:

- Ông đừng lo lắng quá, chuyện đâu còn có đó.

Ông Gia Ích chỉ trầm ngâm gật đầu. Bà đặt tay lên vai ông rồi nói tiếp:

- Tôi đi chợ bây giờ, mua ít đồ tươi về làm cơm, với lại cũng cần chuẩn bị cho ông ít đồ mai lên đường.

Ông nắm chặt bàn tay bà đang đặt trên vai:

- Bà không cần chuẩn bị gì nhiều đâu, tôi đi vài hôm rồi lại về.

- Thôi tôi đi kẻo nắng.

Ái Hân, Ái Mộc thấy mẹ đi chợ cũng muốn đi theo, cả Hồng cả Mận cũng muốn đi nữa. Thế là cả nhà năm người kéo nhau ra chợ. Bà Hạ Uyển đùa:

- Thế này còn đông hơn cả quân Nguyên.

Anh cu Mẫn thấy cảnh năm bà con dẫn nhau rồng rắn ra chợ cũng đến phì cười. Anh vừa hát nghêu ngao vừa ra đụn rơm sau nhà rút một ít về chuẩn bị nấu nồi cơm trước. Ông Gia Ích nhìn theo bóng người nhà khuất sau cánh cổng, lại nhìn mặt hồ yên ả. Biết đâu dưới mặt nước lũ cá đang quẫy đạp điên cuồng, sóng chỉ dồn dập ở nơi đáy nước, trên mặt hồ khó mà nhìn thấy được.

Đến chợ, cái cHồng, cái Mận theo bà Hạ Uyển vào mấy sạp hàng quen mua mấy thứ lặt vặt. Ái Hân, Ái Mộc được dịp ra ngoài tung tăng ngoài hàng phấn sáp. Đối với nữ nhân mà nói, không có gì thú vị bằng được điểm trang xinh đẹp mỗi ngày. Nhất là khi các cô đều ở độ tuổi trăng tròn, cái tuổi vừa chớm nở như bông hoa sớm vừa e ấp vừa tràn trề nhựa sống.

Ái Mộc bám vào tà áo chị, gương mặt tròn đầy, đôi mắt long lanh, gò má ửng hồng. Cô chọn vài món đồ đặt vào chiếc giỏ tre. Ái Hân đi trước nhìn ngắm dân tình. Xét về tính cách, Ái Hân giống mẹ nhiều hơn, khí chất sôi nổi, nhiệt huyết, thích giao thiệp rộng rãi. Hai chị em đang vui vẻ chọn đồ, bỗng một giọng nói cất lên từ phía sau:

- Chào hai cô.

Hai cô gái ngoảnh lại, nhìn một lượt chàng thư sinh đang đứng mỉm cười nhìn họ. Một hồi vẫn chưa nhận ra ai. Ái Hân cất tiếng hỏi:

- Xin hỏi, cậu đây là…

- Xin tự giới thiệu, tôi là Đặng Phan, cứ gọi tôi là Phan.

- Chào cậu Phan, chúng ta quen nhau chưa nhỉ? – Ái Hân tiếp lời.

- Ồ, chắc hai cô không nhận ra tôi nhưng tôi thì thoáng nhìn đã nhận ra hai cô rồi. Tôi là học trò khóa mới đây của thầy Trác.

- À, hóa ra là vậy.

- Chẳng hay hai cô đã chọn được món đồ gì chưa?

- Chúng tôi chọn vài thứ lặt vặt của nữ nhân thôi, xin cậu Phan đừng bận tâm.

- Cô Ái Hân thật khéo chọn, mấy mọn đồ vừa vặn xinh quá.

Ái Hân bật cười:

- Cậu Phan tinh tường thật, đây là đồ Ái Mộc vừa chọn.

Đặng Phan thấy mình khen hớ, có phần hơi sượng, vội nói lảng qua chuyện khác:

- Mấy ngày tới, thầy Trác bận việc vào kinh tôi đã xin phép thầy, được tới nhà luyện chữ cùng hai tiểu thư đây, chẳng hay ý hai tiểu thư thế nào?

Ái Mộc túm áo chị, tủm tỉm còn Ái Hân cười lớn:

- Chúng tôi thân phận thứ dân, cũng chẳng được gọi là tiểu thư đài các gì, cậu Phan cứ gọi bằng tên cũng được, không cần đa lễ quá trở thành khách sáo, không tiện. Vả lại, thứ lễ nghi mà đạo nho dạy ta so với thời thế thì còn nhiều thứ đáng bàn lắm.

Thấy Ái Hân lời lẽ khác hẳn nữ nhân thường, Đặng Phan lấy làm ấn tượng lắm. Đặng Phan từ nhỏ học chữ nho nhưng đối với chính chàng cũng cảm thấy đạo nho không hẳn là khuôn vàng thước ngọc. Riêng đối với việc phân bậc nam nữ trong sự học chàng đã thấy không còn hợp thời nữa rồi. Nay gặp được Ái Hân trong lòng càng cảm thấy nữ nhân cũng người văn chương, khí thế không kém gì nam nhân. Quả là tâm đầu ý hợp, mới gặp lần đàu mà như quen biết đã lâu.

Họ say sưa trò chuyện, làm quen, mà không biết rằng đằng xa trong góc nhỏ, có một người đã âm thầm quan sát. Tướng tá đạo mạo, ánh mặt sắc lạnh, nhìn sơ qua không đoán được rốt cuộc có sự tình gì.

Chú thích:

[1] Gác: Một căn nhà nhỏ chỉ xây bốn trụ và mái dùng để nghỉ ngơi.

[2] Câu ca dao ý chỉ con trai sẽ bị bắt đi lính trong thời phong kiến.

[3] Tranh thủy mặc có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa từ thời xa xưa và lan truyền cho tới ngày nay. Đặc biệt, tranh thủy mặc hay còn được gọi là tranh Thủy Mạc, một loại tranh vẽ thiên nhiên, non nước kết hợp với nghệ thuật thư pháp.
 

Cỏ Sam

Gà con
Tham gia
21/6/21
Bài viết
55
Gạo
24,0
Chương 3: Mặt hồ dậy sóng
Xét về tuổi tác Đặng Phan chỉ hơn Ái Hân một tuổi. Gọi họ là bạn cùng trang lứa cũng không sai. Ba người bạn thong dong trên đường nói vài câu chuyện bâng quơ về gia đình bè bạn. Kì thi Hương ba năm trước Đặng Phan bỏ lỡ vì phải chịu tang cha. Khi ấy cha cậu là một viên quan cửu phẩm, có tiếng là chính trực. Không may ông bệnh nặng mà qua đời. Gia đình cậu quyền thế cũng không lớn, chỉ có thể dựa vào thực lực của chính mình. Ái Hân trước nay vốn ưa người thẳng thắn trung thực, thấy Đặng Phan thẳng thắn như vậy cũng lấy làm cảm mến.

Bỗng đằng xa, ồn ào một góc chợ. Trong đám đông một toán người khoảng ba bốn tên đang nhằm thẳng hướng của mấy người Ái Hân mà tiến lại. Đặng Phan đoán chuyện không hay liền bảo hai người cùng lánh đi đường khác. Nhưng bọn kia cũng không vừa, chúng cho một tên đi lối khác chặn đầu trước. Những tên khác cũng nhanh chân chạy tới. Đến nơi, tên đi đầu hất hàm hỏi Ái Hân bằng giọng mỉa mai:

- Thế nào, tiểu thư nhà họ Trác, nhận ra ta chứ?

- Cho hỏi cậu đây tên gì? Hà cớ gì chặn đường chúng tôi như vậy? – Ái Hân hỏi lại, gương mặt không biến sắc.

Tên kia cười lớn, gác một chân lên cái ghế của hàng quà bánh bên đường. Trông hắn không khác gì một con mèo đang xù lông mà trong thâm tâm lại tự tin mình là hổ. Hắn nói tiếp:

- Quả không hổ danh con gái Bạch Hạ Uyển, thảo nào cha ta năm xưa khó quên được bà ấy. Ta xin tự giới thiệu, cha ta là Lỗ Cao. Ta là độc đinh của dòng họ Lỗ, tên gọi Chí Hào.

- Thì ra là Lỗ thiếu ra nhà quan tri phủ [1].

- Đúng thế, vậy mà lão già họ Trác nhà cô không biết nhìn người, hà cớ gì nhận một tên học trò hèn mọn như hắn – Vừa nói hắn vừa chỉ vào Đặng Phan – Mà lại không nhận bổn thiếu gia ta.

- Việc cha ta nhận học trò vốn đã có chủ đích, công tử đã làm loạn một ngày ngoài ngõ, giờ còn muốn lôi thôi điều gì?

- Lôi thôi? – Ha ha – Xem ra hôm nay ta không thể không kết bạn với tiểu thư đây rồi. Hôm nay thiếu gia đây rất có hứng, muốn mời hai người đẹp cũng như bạn học Đặng Phan đây uống vài chén.

Chẳng là trước đây khi đến xin vào làm học trò của thầy Trác, Đặng Phan và Chí Hào cũng có nói chuyện dăm ba câu trước đó trên đường, cũng coi như biết nhau. Đặng Phan đáp lại:

- Cảm ơn nhã ý của quý công tử tiếc là tôi không thể nhận lời được. Chúng tôi…

Không để Đặng Phan nói dứt lời, Lỗ Chí Hào đã chen ngang, hắn vênh cái mặt lên trông rất bướng nói:

- Chưa đến lượt ngươi từ chối, thế nào hai tiểu thư?

Ái Hân trả lời rất dứt khoát:

- Xin lỗi Lỗ công tử, chúng tôi quả thật không có thời gian, hẹn công tử khi khác.

Ái Hân nói vừa dứt liền dắt tay Ái Mộc định bước đi, Chí Hào hất hàm cho đám tay chân đứng chặn lại xung quanh. Đặng Phan thư sinh chói gà không chặt, về cơ bản không thể trở thành đối thủ của đám du côn này. Huống hồ con trai nhà họ Lỗ nổi tiếng là hống hách. Cha hắn, anh hắn đều làm quan, nghe nói quyền thế cũng có chút ảnh hưởng trong triều. Đằng mẹ hắn có họ bốn đời với đô đốc [2] Trần Mặc. Như nhà hắn vẫn tự hào thì chức quan nhất phẩm này danh giá nhất nhì trong triều chứ chẳng phải chơi. Mối quan hệ loằng ngoằng dây mơ rễ má ấy, nếu chăm chỉ đi lại thì họ cũng xem như là gần. Hơn nữa chị họ hắn cũng bên đằng ngoại vừa được phong tước hiệu quý phi, dòng họ dựa thế mà thăng tiến không ít. Ái Hân tuy học được chút võ nghệ của mẹ nhưng cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, chưa đủ để thực dùng. Tình thế khó qua, Ái Mộc nhút nhát nép vào sau chị.

Lỗ Chí Hào biết họ yếu thế, hắn đắc ý đưa tay nắm lấy cổ tay Ái Hân định lôi đi. Nhưng cái mặt vênh váo chưa sung sướng được bao lâu thì đã nhăn nhó kêu lên “á á” như bị chọc tiết. Tay hắn kêu khục khục như cái bản lề cửa lâu ngày, một bàn tay nắm chặt lấy cổ tay hắn, vặn ngược lên phía sau.

Chí Hào định thần lại, cố ngoái cái cổ ngắn như cổ rùa của mình nói với

- Kẻ nào dám láo xược với ta?

Đám thuộc hạ loi nhoi vội xông lên để nhân cơ hội lấy lòng cậu chủ nhưng chưa kịp động thủ đã bị người lạ mặt hạ đo ván. Chúng lăn lộn trên nền đất bụi kêu oai oái. Xung quanh chợ mọi người xúm cả lại xem chơi. Vừa xem vừa chỉ trỏ. Ở trấn này ít đoàn mãi nghệ nên những vụ ẩu đả như thế này họ lấy làm tò mò lắm. Xem đánh đấm mà mặt ai cũng hồ hởi, hân hoan cả. Ái Mộc thấy đông người xúm lại càng nép sâu hơn vào sau chị và cậu Phan. Ái Hân đứng phía trước nhìn gương mặt sắc lạnh, vuông vức phong trần của người lạ mắt, trong lòng có chút tò mò. Lỗ Chí Hào lại hét lên giữa đám đông

- Ngươi là ai, ai cho người dám đánh người của ta?

Người kia ghé vào tai hắn, nói đủ cho hắn nghe:

- Lý Nam Ân.

Lỗ Chí Hào lại hét lên lần nữa:

- Lý Nam Ân là tên quái quỷ nào?

Người lạ mặt vặn thêm một cái thật đau, rồi mới thả ra. Chí Hào ngã dúi dụi. Một tên thuộc hạ bò lồm cồm dưới đất đỡ cậu chủ dậy rồi ghé vào tai Lỗ Chí Hào thì thầm to nhỏ đôi điều. Nghe xong Chí Hào có vẻ cũng hơi chột dạ, hắn vội bê cái tay vừa bị bẻ rời đi. Trước khi đi hắn còn cố ngoái cổ lại, chỉ tay vào Ái Hân, Ái Mộc mà nói thêm:

- Cứ chờ mà xem, chuyện hay còn đang chờ các người ở phía trước.

Lý Nam Ân cũng không nói lời nào mà cất bước. Ái Hân nhận ra người nam nhân hôm trước có tới nhà, nàng muốn cảm ơn đôi điều nhưng không kịp. Nhìn bóng lưng lạnh lùng bước đi Ái Hân còn ngoái nhìn cho đến khuất. Mọi người thấy hết chuyện hay cũng tản ra cả, chỉ còn lại ba người. Đặng Phan thấy vậy cũng giục Ái Hân Ái Mộc rời đi, biết đâu Lỗ Chí Hào lại gan tò mà mò quay lại thì rách chuyện.

Ba người nhanh chóng tìm được bà Hạ Uyển lẫn trong đám đông. Cái Hồng cái Mận tay xách cơ man là đồ đạc, còn bà đang ngó nghiêng tìm con trong đám đông. Gặp bà Hạ Uyển Đặng Phan lễ phép chào hỏi và xin được đi cùng đến ngõ. Nhìn chàng thư sinh nho nhã bà Hạ Uyển cũng bằng lòng. Hơn nữa, cha Đặng Phan bà có biết tuy làm quan được ít năm nhưng ông nổi tiếng là thanh liêm. Người yêu mến cũng không ít.

Tối hôm ấy cả nhà cùng ngồi cả ra sân. Ái Mộc thắp thêm hai cây đèn nữa, đặt ra giữa chiếu, khoảng sân sáng trưng. Bà Hạ Uyển gấp quần áo bỏ vào trong tay nải cho ông. Ái Hân Ái Mộc ngồi bên cạnh như những ngày còn bé. Bóng của họ đổ dài trên mặt sân tối. Ái Mộc ngoắc hai ngón tay cái vào nhau giơ lên trước đèn vẫy vẫy. Cái bóng trở thành hình con chim câu nhỏ đang vẫy cánh. Ái Hân cũng chụm tay lại giơ lên, thoáng cái đã thành hình con chó sói. Thế là con sói đuổi con chim câu bay tán loạn. Cả nhà cùng cười thật vui vẻ.

Mấy con đom đóm thấy ánh đèn sáng cũng bay lại góp vui. Anh cu Mẫn chụm tay lại chụp một cái, con đom đóm đã nằm gọn trong lòng tay. Cái Mận vội đi lấy cái vỏ trứng rồi thả vào trong đó, con đom đóm nhấp nháy như một cái đèn bé xíu. Nhìn con đom đóm tất cả mọi người đều cảm thấy trân trọng hơn khoảng thời gian yên bình này. Bởi vì chúng cũng như ánh sáng xanh nhỏ xíu đang nhấp nháy kia. Biết đâu chỉ ngày mai là chợt tắt.

Tinh sương sớm hôm sau, Lý Nam Ân đã cho xe ngựa kề cổng. Cả nhà tiễn ông sụt sùi, ông nắm tay bà an ủi:

- Tôi chỉ là vào cung đâu phải ra chiến trận gì.

Nhưng trong lòng bà Hạ Uyển hiểu rõ chuyến này đi lành ít dữ nhiều. Ái Hân nhìn thoáng qua nam nhân đang cưỡi ngựa. Nang nhận ra ngay người cứu cô hôm trước ngoài chợ, muốn tiến lại nói đôi điều nhưng e là không khí này không tiện, đành lùi lại nắm tay cha. Ông dặn dò trên dưới trong nhà rồi bước lên xe. Chiếc xe ngựa ì ạch xuất phát. Bà Hạ Uyển nén thở dài, nhìn theo bóng chiếc xe mờ dần, đến khi khuất mới đóng cửa cài then.

Ái Hân đi về cái gác nhỏ ven hồ, Mận cũng đi theo sau. Trong lòng Ái Hân không hiểu sao rối như tơ vò. Nếu nàng là nam nhân biết đâu đã có thể đi cùng cha chuyến này. Nàng định cầm bút viết đôi điều nhưng lại thở dài đặt xuống, chẳng còn tâm trạng nữa. Chữ nghĩa tưởng như công bằng nhưng kì thực vẫn là thứ thuộc về nam nhân, nữ nhân dù giỏi giang đến mấy thì cuối cùng vẫn chỉ là một cánh bèo trôi vô nghĩa trong vận mệnh xoay vần mà thôi. Ái Hân nhìn mặt hồ, đàn cá dưới hồ nhảy lên lách tách, làn nước xanh nổi bọt trắng xóa, cả mặt hồ đều đang dậy sóng.

Ngoài kia vẫn văng vẳng trong một góc khuất nào đó tiếng khóc tỉ tê của người mẹ già, vợ thảo khi thấy những người chồng người con của mình phải lần lượt ra biên ải. Đất nước là quý báu, nhưng gia đình cũng quan trọng vậy. Nước mắt còn chảy trong mỗi gia đình thì đến khi nào đất nước mới được yên. Lầm than khi nào mới hết nơi những dân đen, con đỏ [3].

Chú thích:

[1] Tri phủ: Chức quan đứng đầu một phủ, đơn vị hành chính thời phong kiến, dưới tỉnh.

[2] Đô đốc: Chức quan thuộc hàng nhất phẩm tương đương với sĩ quan hải quân cao.

[3] Con đỏ: Chỉ chung nhân dân thời phong kiến
 

Cỏ Sam

Gà con
Tham gia
21/6/21
Bài viết
55
Gạo
24,0
Chương 4: Một đóa tường vi muốn vẫy vùng
Ngoài biên ải, giặc giã không yên cho nên binh lính cũng được tuyển mộ đều. Cứ theo suất đinh [1] mà tính. Năm đinh lấy một lính, mỗi lính đi bảy tám năm nếu may mắn nguyên vẹn thì sẽ được trở về. Nguyên vẹn ở đây nghĩa là còn đi được, còn nhìn được không kể thiếu hụt một vài chỗ không cần thiết thì vẫn tính là nguyên vẹn. Cụ thể hơn ví dụ như hai mắt còn một, hai chân còn chống nạng khập khiễng được và hai tay thì còn cầm nắm được một.

Ông Trác tuy vẫn trong tuổi đinh nhưng nhà ông chỉ có một đinh. Không lẽ lại bắt ông đi lính ở tuổi này? Nếu không thì có chuyện gì được nữa. Cả nhà đều băn khoăn cả. Ông vào kinh cũng đã ba hôm, tính từ ngày lên xe ngựa theo viên võ tướng vào kinh. Ở nhà, bà Hạ Uyển trong lòng thấp thỏm tối ngày không yên. Mọi việc đồng áng trong nhà một tay anh cu Mẫn cáng đáng cả. Cái Hồng, cái Mận thấy bà lo nghĩ sớm hôm thành ra cũng rầu rĩ. May thay từ hôm ông đi, Đặng Phan cũng ghé chơi thường nên trong nhà cũng đỡ phần nào.

Đặng Phan nho nhã ý tứ, chủ yếu làm bạn với hai cô con gái nhà họ Trác. Câu chuyện của ba người cũng xoay quanh chữ nghĩa đạo nho. Đặng Phan lại có chút khác người. Nam nhân kết giao bè bạn có thể bàn luận thơ văn với nữ nhân lúc bấy giờ không có nhiều, thậm chí là hiếm thấy. Nhưng đối với Đặng Phan mà nói, không chỉ kết bạn mà với chuyện thơ văn cũng tỏ ý rất trân trọng không giống kẻ phàm phu tục tử chỉ chú ý đến chuyện nam nữ đơn thuần. Vì thế Ái Hân cũng rất cởi mở. Nhân chuyện gặp gỡ hôm trước trên đường, Ái Hân vẫn băn khoăn về câu thách thức “cứ chờ xem” của Lỗ Chí Hào mà có đôi phần lo lắng, nên đem chuyện này muốn thăm dò hỏi han xem thế nào.

- Chẳng hay cậu Phan đây cũng là chỗ thân quen với nhà họ Lỗ, không biết quyền thế trong tay hắn thế nào? Có thể đến nỗi xoay vần thời thế được chăng?

- Nói thật với Ái Hân, tôi với cậu ta có gặp nhau đôi bận trên đoạn đường tới đây, cũng chỉ là biết sơ qua như những gì đã biết, ngoài ra cũng không biết gì hơn. À, nghe nói nhà hắn có người họ hàng làm quan trong triều đình, người này lại rất được thái hậu trọng dụng. Vì thế mà hắn cũng dựa hơi hống hách.

- Xem ra chúng ta đã gặp vận xui khi lọt vào tầm ngắm của hắn rồi. Mà thôi không nói chuyện này nữa, tôi thấy cậu Phan cũng có chút khác người, không biết cậu nghĩ sao về con đường học hành của nữ nhân?

- Chữ nghĩa đối với nữ nhân mà nói đôi phần khác với nam nhân, tuy không thể tiến vào quan lộ nhưng lại điểm trang cho nữ nhân khí chất hơn người.

- Vậy là đối với nữ nhân, con đường học hành cũng chỉ là một thứ trang sức thôi sao?

- Thời thế xoay vần, sao lớn đổi ngôi, biết thời biết thế không lo phận mình.

- Cậu Phan suy nghĩ đúng là khác người, được kết giao với cậu chính là may mắn, quả là ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý [2] nói rằng cậu Phan một viên ngọc sáng cũng không quá chút nào.

- Ái Hân quá lời rồi.

Cứ thế câu chuyện ngày càng đáng bàn. Chuyện sách vở, chuyện đời, đối đáp thơ ca đều đã bàn cả. Xem ý tứ cũng ngày một thân tình Ái Hân đáp lại cũng có chút nhiệt tình. Đặng Phan cũng tỏ ra mình không phải là cậu học trò dài lưng tốn vải. Ngày qua ngày ông Trác vẫn biệt tăm hơi, công việc trong nhà ngoài anh cu Mẫn thì Đặng Phan cũng giúp đỡ không ít. Nhất là ngày mùa, thóc lúa ngoài đồng không tự có chân mà mò về nhà được. Đến đống rơm cũng không tự đánh lên mà cũng cần người. Nhà thì dặc là đàn bà thiếu nữ cả, làm lụng cũng chẳng được bao nhiêu. Đặng Phan cũng không ngần ngại mà xắn tay làm giúp.

Cứ chiều chiều, lại thấy cậu Phan lại thắt lưng áo, cầm cây dài xào bằng tre đánh đống rơm với anh cu Mẫn. Rơm đã được phơi khô, mấy cô gái trong nhà cùng nhau thu lại chất đống sau trái bếp. Anh cu Mẫn chỉ việc chất lên cao để dùng dần. Công việc tưởng đơn giản nhưng cũng công phu, rơm phải được chất xung quanh cái cọc tre sao cho đều, dùng quanh năm không mốc. Anh cu Mẫn thấy điệu bộ lóng ngóng ban đầu của chàng sĩ tử thì cười khà khà. Được dịp anh huấn luyện thêm cho cậu Phan một khóa, chẳng mấy khi được bắt chước ông làm thầy. Đã thế lại còn là thầy của một anh nhiều chữ, cũng đáng để vui mừng lắm chứ. Thế nên anh cu Mẫn cũng nhiệt tình chỉ dạy. Mà cậu Phan đối đãi với nô bộc cũng không hề tỏ ý khinh thường. Bà Hạ Uyển cũng lấy làm vừa lòng với cậu học trò này lắm.

Một ngày nọ, sau khi việc đồng áng đã tạm xong xuôi, bà Hạ Uyển tỏ nhã ý muốn mời cậu Phan ở lại dùng cơm gạo mới với cả nhà, nhưng xem ra Đặng Phan còn có phần e ngại. Chỉ đến khi Ái Hân ngỏ lời, Phan mới gật đầu. Qua bữa cơm thân lại càng thêm thân, ý chừng đã xem như người nhà cả. Đặng Phan cũng tới lui đều. Nhưng trong lòng Ái Hân vẫn có mối tơ chưa thể gỡ.

Từ ngày gặp gỡ Lý Nam Ân, trong lòng thiếu nữ luống đã có cảm tình đặc biệt. Muốn gặp chàng nói đôi lời nhưng không được, nay cha đã đi được nửa tháng, tin tức không hay, chàng cũng chẳng còn cơ hội nào gặp lại quả là sầu lại đong thêm sầu. Nhưng sầu hơn nữa là tâm ý này lại không thể tâm sự cùng ai được. Thân nữ ít nhiều bị ràng buộc bởi thời thế mà lòng chàng còn chưa biết thế nào, nói ra mà chẳng được chàng đáp lại thì lại càng thêm hổ. Vả lại biết đâu chàng đã có người chờ đợi thì sao? Một người như chàng thiếu gì nữ nhân muốn được bầu bạn. Ái Hân nhìn cành hoa tường vi trĩu xuống mặt hồ, bóng đổ trên mặt nước lượn lờ theo làn sóng gợn, bật thành đôi câu để trải nỗi lòng:

- Tường vi bóng xế đổ lênh đênh/ Thân nữ bồng bềnh luống bấp bênh/ Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy/ Bao giờ nhi nữ hết chênh vênh.

Đặng Phan nghe thấy cũng đối lại đôi câu:

- Một đóa tường vi cánh nhẹ tênh/ Gió cuốn bay cao khỏi dập dềnh/ Nữ nhi khí chất hơn ham hiểu biết/ Ắt hẳn đoạn đường trải thênh thênh.

Ái Hân nghe Đặng Phan đối đáp cũng lấy làm vui trong lòng. Trước nay nàng đọc sách thánh hiền, tam tự kinh, tứ thư, ngũ kinh [2] đều đọc cả, chữ nghĩa chẳng kém bậc nam nhân nào. Nhưng chỉ vì mang thân nữ nhi mà đến cuối cùng những người như nàng vẫn bị coi như một ngọn cỏ ven đường. Chỉ là chiếc túi thêu nhỏ bé tô điểm thêm cho nam nhân mà thôi. Ngay cả mẹ nàng cũng vậy, võ nghệ tinh thông nhưng cuối cùng vẫn chọn trở về làm hậu thuẫn cho chồng. Chẳng phải xưa kia bà Trưng bà Triệu xuất chúng hơn người, vì nhẽ gì mà đến nay nữ nhi lại bị lễ giáo kìm nén đến như vậy. May thay người bạn tâm giao này đã hiểu thấu và cũng trân trọng phần nào cái sự học của nữ nhân, quả là trân quý.

Ngày qua tháng lại, cùng nhau đối thơ, làm việc trong nhà và trò chuyện. Xem chừng cũng đã hiểu nhau. Nhân cuộc đối đáp đang vui vẻ, cậu Phan cũng mượn thơ mà hỏi han đôi điều.

- Thiếu nữ đa sầu, hỏi một câu/ Lòng riêng e ấp đặng nông sâu/ Lối nào cho tỏ xin chỉ rõ/ Nặng lòng quân tử suốt đêm thâu?

Nghe thế Ái Hân cũng đáp lại:

- Nam tử vô tình, nói một câu/ Khiến lòng thiếu nữ luống lo âu/ Vườn hồng e ấp dăm bảy lối [4]/ Cánh bèo trôi dạt biết về đâu?

Đặng Phan đã mượn thơ mà ngỏ ý, nói đôi điều trăn trở, Ái Hân cũng lấy thơ mà khéo léo không trả lời. Thơ của cậu Phan đã tỏ rõ mười mươi tấm chân tình, chỉ có Ái Hân là lòng riêng chưa tỏ. Thấy xa chẳng được, cậu Phan lại hỏi gần:

- Ta kết thân cũng đã lâu, có thể coi như bạn tâm giao, tôi có thể hỏi một câu với cô Ái Hân không?

- Được, cậu Phan cứ hỏi?

- Một nữ tử khác người như Ái Hân, chẳng hay hình mẫu phu quân thế nào?

Ái Hân bật cười:

- Đối với nữ nhân thời loạn, một mái ấm yên ổn là mừng rồi, đâu dám mơ đến hình mẫu, còn cậu Phan thì sao?

Dường như chỉ đợi đến câu hỏi này, Đặng Phan bắt lấy một cánh tường vi đang lạc trong gió chiều, bộc bạch:

- Nếu có được một người vợ hiền thảo như Ái Hân đây thì chính là vinh hạnh.

Ái Hân cười, không đáp. Trong lòng nàng đã hiểu đôi phần. Cậu Phan đã tỏ ý rõ ràng như thế, chỉ đợi Ái Hân gật đầu. Chỉ một cái gật đầu, cuộc đời nàng ắt hẳn là được nâng niu như cánh tường vi đang nằm gọn trong đôi bàn tay chăm chút của Đặng Phan. Nhưng với nàng cái gật đầy này lại chẳng dễ gì làm được. Nữ nhân chính là khó hiểu như vậy. Chờ đợi điều gì chỉ có trong lòng nàng là hiểu rõ.

Chú thích:

[1] Suất đinh: Nam từ mười ba đến năm ba tuổi thời phong kiến tính là một suất đinh.

[2] Các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, thời kì phong kiến Việt Nam cũng dùng bộ sách này để dạy học.

[3] Câu trích trong tam tự kinh: nghĩa là, hòn ngọc thô nếu không được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu đạo lý làm người.

[4] Mượn hình ảnh trong ca dao: vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
 

Cỏ Sam

Gà con
Tham gia
21/6/21
Bài viết
55
Gạo
24,0
Chương 5: Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Đã hơn nửa tháng trôi qua, ngày nào bà Hạ Uyển và cả nhà cũng mong ông trở về. Thấy tiếng xe ngựa lạch cạch là anh cu Mẫn đã vội chạy ra mở cổng. Nhưng ông vẫn chẳng thấy bóng dáng. Bà đã bắt đầu sốt ruột. Ngày nào bà cũng ra ngóng vào trông. Ban đầu mấy con chó con còn đi theo gót bà ra vào, về sau đến độ chúng cũng quen cả dáng bà ngoài ngõ nên nằm ườn trong sân mà ngóng vọng ra. Có đêm chúng ngủ mấy giấc rồi tỉnh dậy vẫn thấy bà đi lại. Nếu chúng biết nói chắc cũng chạy lại mà khuyên, chứ đêm hôm bà mặc áo lụa trắng đi lại thấp thoáng bên rặng trúc ngay thềm sân đến là giật mình.

Ái Hân cũng không thể nào ngủ được, lòng nàng cũng ngổn ngang đầy tâm tư rối bời. Ái Hân bước nhát một xuống bậc thềm, thấy mẹ đang thở dài đi lại trước sân. Nàng ngồi xuống bậc, im lặng. Bà Hạ Uyển bước lại hỏi con:

- Muộn rồi còn chưa ngủ sao con?

- Còn mẹ, sao mẹ vẫn chưa ngủ?

- Lòng mẹ rối như tơ, cha con đi đã lâu mà chưa thấy hồi âm, không biết trong cung có chuyện gì.

- Mẹ đừng lo lắng quá, nội nay mai là cha ta sẽ về thôi. Mẹ vào đi ngủ kẻo thân thể mệt mỏi, khó yên.

Để con khỏi bận lòng thêm, bà Hạ Uyển đành vào giường nằm. Từ hôm ông đi cái giường như cứng hơn hẳn, bà trằn trọc trở mình quay qua, quay lại mãi chưa thể nào nhắm mắt được. Vừa chợp mắt được một lát thì gà đã gáy canh năm [1]. Bà lật đật trở dậy, thấy cái Hồng cái Mận đã nấu cơm sáng, thổi bếp khói um cả một góc trời. Khói không xanh mà đen đặc lờ mờ tỏa ra trên mái ngói. Nhìn thế lòng bà càng thêm nặng. Bà bước xuống bếp hỏi:

- Làm gì mà thổi bếp khói um thế Mận?

- Thưa bà, nãy cái Hồng đánh đổ nước vào rơm, ướt quá, con thổi mãi không cháy.

- Ra rút rơm khác đi con, chứ thổi thế chỉ tổ cay mắt chứ bao giờ mới cháy.

Cái Mận vâng dạ rồi ra rút rơm, anh cu Mận lật đật ra đồng từ sớm cũng vừa mới về. Anh cài then cổng cẩn thận rồi vào nhà. Thấy bà đang ngồi ngẩn ngơ, anh cu Mẫn tiến lại:

- Thưa bà, rơm rạ ngoài đồng thu hết rồi, mai con đi mướn con trâu về cày ải ngoài bãi ruộng. Rồi gieo vụ mới.

- Ừ, cứ liệu mà làm. Xong xuôi rồi, bảo cái Hồng cái Mận dọn cơm sáng ăn kẻo đói.

Đến quá ban trưa, cả nhà vừa chợp mắt được một lát thì nghe tiếng gọi dồn ngoài cổng. Anh cu Mẫn uể oải mắt nhắm, mắt mở ra mở cửa. Vừa hé cánh cổng anh đã cất giọng oang oang:

- Ông, ông về bà ơi!

Cả nhà bị tiếng anh Mẫn đánh động thì bừng tỉnh, bà vội vã đi ra. Theo sau là Ái Hân, Ái Mộc với Hồng, Mận. Gương mặt u ám của bà bừng sáng khi thấy ông bước xuống từ xe ngựa. Theo sau là binh lính bê vác bao nhiêu là đồ đạc hòm xiểng, nhìn thật nặng nề. Ông im lặng bước vào nhà gương mặt còn nặng nề hơn mấy cái hòm. Bà ngơ ngác còn chưa hiểu chuyện gì, lật đật đi theo ông vào nhà. Võ tướng Nam Ân cũng tiến vào.

Gương mặt Ái Hân chợt như đóa hoa nở khi thấy viên võ tướng cũng về cùng cha. Người võ tướng chỉ huy binh lính sắp xếp mấy cái hòm gỗ gọn gàng. Rồi quay lại lệnh cho gia đình họ Trác hành lễ để nhận chiếu [2] vua ban:

“Ngày mồng chín, tháng chín, năm Thuận Thiên thứ nười tám:

Cung cấm cô liêu, công chúa xuất giá, thái hậu hiếm con chỉ có ba người, nay vua bận bịu ngày đêm. Thái hậu không người bầu bạn, u buồn không dứt. Thánh thượng vì thế mà không yên trong lòng. Nay được bẩm tấu nhà họ Trác có hai cô con gái tuổi cũng đương tầm. Vì thế nhân ngày lành tháng tốt vời một cô vào cung phong tước công chúa, làm vui lòng thái hậu. Vàng bạc gấm vóc ban thưởng một phần, hằng năm sẽ hậu hĩnh hơn nữa. Hẹn cho ba ngày chuẩn bị rồi lập tức theo thái úy [3] Lý Nam Ân về cung.

Nhà họ Trác nhận chỉ”

Đọc xong lập tức cáo từ. Bà Hạ Uyển vui chưa được bao lâu thì đã nhận tin sét đánh ngang tai, mặt mày biến sắc, đứng lên không nổi. Cái Hồng phải đỡ bà mới đựng dậy được ngồi mép vào cái tràng kỉ [4]. Cái Mận tò mò lật mở mấy cái hòm gỗ, bên trong toàn là vàng bạc. Bà nhìn chỗ vàng bạc châu báu, nước mắt trực trào ra, nhận chỉ chẳng khác nào đổi con lấy bổng lộc, mà không nhận tức là chống lệnh vua. Cung cấm bà đã từng biết tới, không phải chỗ dân đen háo hức mong chờ gì. Ông ngồi thất thần, cả nhà im lặng, không ai nói tiếng nào.

Mãi đến chiều tối, cái Mận dọn cơm, phải gọi khe khẽ từng người. Vẫn không khí im lìm như lúc ông mới về, đến nỗi nghe được cả tiếng lũ dế mèn kêu ri ri trong xó tối. Chúng nó cứ như tranh thủ hát thứ tiếng của riêng mình để mà an ủi gia chủ, nhưng ngặt nỗi nghe thế chỉ thêm não lòng. Anh cu Mẫn lẩm bẩm “bắt được chúng mày là ông rang hết”, nhưng biết chúng nó ngồi ở cái xó nào. Thế nên đành im lặng mà nghe vậy. Cả căn nhà năm gian cứ như rộng ra thêm nữa. Bữa cơm dọn ra, cà nhà ngồi ăn mà im như tượng gỗ. Ai nấy nuốt vội cho xong. Bà thì thở dài liên tục.

Cái Hồng, cái Mận thì cứ thì thầm to nhỏ. Chúng thắc mắc với nhau rằng được vào cung phong tước không phải chuyện đáng mừng lắm sao. Đã thế ở nhà cũng nhận bao nhiêu là bổng lộc, có ăn tiêu cả năm cũng không hết. Cả nhà làm gì mà cứ như bị vua ban tử như thế. Hai đứa từ nhỏ xuất thân thuần nông, chưa từng biết đến cung cấm, tâm hồn lại đơn giản, với chúng ăn no mặc ấm chính là sung sướng. Những chuyện mưu tính thâm ngầm chưa từng hay biết tới. Có lẽ bởi thế mà ông xanh lại đối đãi hơn người, quanh năm vui vẻ nói cười không phải toan tính trước sau cho tâm thêm nặng trĩu. Cái này những người lắm chữ chưa chắc đã có được. Cũng coi như là một lẽ công bằng. Đến tối muộn ông mới gọi cả nhà vào bàn công chuyện, ông bảo:

- Chuyện đã nghe rồi, chiếu vua đã ban không thể không nhận, nói là vời nhưng xem ra là ý lệnh, không vào cung sợ là không xong.

- Chuyện là thế nào hả ông? Sao tự nhiên con mình lại bị điệu vào cung như thế. Ông hãy kể rõ đầu đuôi ngọn ngành.

- Tôi đi đường mất ba ngày vào đến kinh thành, ý vua đã rõ, hoàng thượng muốn con mình vào làm con nuôi cho thái hậu, để người bầu bạn nơi cung cấm. Tôi e có gì khuất tất nên xin không nhận ân huệ, vua cho giữ người, nói là ở lại chơi nhưng tôi biết là giam lỏng. Ngày ngày, vua cho người tới khuyên bảo, dọa nạt, nếu không y chỉ e khó giữ mạng cả nhà, tôi đành chấp thuận.

- Ra là như thế, vậy ông tính thế nào?

- Còn biết thế nào được nữa, nhà ta không vây, không cánh biết chống đỡ thế nào. Tội của cha, khi xưa không làm quan cho trót.

Ái Hân nghe thế vộ gàn:

- Cha đừng nói vậy, nhà ta yên ổn đến giờ cũng là nhờ cha cả. Chuyện đâu còn có đó, chúng ta từ từ tính tiếp. Biết đâu đây lại là phúc nhà ta tích được.

Ông Gia Ích thở dài:

- E là chuyện là không chỉ đơn thuần như thế. Nhà ta lánh đời đã lâu, xưa nay có ai ngó ngàng, nay tự nhiên bổng lộc không tiếc, sợ rằng còn gì điều gì to tát ở phía sau.

Bà Hạ Uyển vội nói:

- Hay là để tôi nhờ bác cả thăm dò sự thể, chẳng gì cũng là phó thiên hộ [5] của triều đình. Hơn nữa khi xưa trước khi cha mất lập được không ít công lao, không xin bổng lộc, chỉ mong con cháu được đãi ngộ.

- Thời thế thay đổi, e là càng xin càng thêm rối.

- Cứ để tôi thử, biết đâu lại được. Thôi quyết định như thế, ông đi nghỉ đi, đã mấy ngày đường, hẳn là cũng mệt rồi.

Ái Hân bước ra sân, Ái Mộc theo sau cầm tay chị. Hai chị em nhìn trời, trăng sáng quá, vừa trong vừa tròn. Ái Mộc bảo chị:

- Trăng sáng chị nhỉ.

Ái Hân chưa kịp đáp thì gió ào ào ở đâu thổi tới, mây đen đã vội che kín cả. Mặt sân đang sáng chợt tối đen trong chốc lát. Mấy cánh tường vi mỏng manh bị gió quật rơi lả tả xuống mặt hồ. Hai chị em phải lấy vội vạt áo che mặt lại cho đỡ bụi. Ái Hân bất chợt mà thốt lên:

- Nguyệt vừa khéo độ nở như hoa/ Chẳng hay gió nổi mưa sa bão bùng.

Ái Mộc nắm tay chị mà đối rằng:

- Trăng xanh chú Cuội với Hằng Nga/ Can qua nổi gió chẳng qua thử lòng.

Hai chị em cùng nhìn nhau mà cười. Ái Mộc cũng đã hiểu đôi phần tâm ý của cậu Phan với chị. Nàng cũng mong chị mình được yên ấm một đời, quả là tình thân đáng quý. Chỉ có điều trong lòng Ái Hân có nỗi lòng mà em chưa hiểu được. Đêm ấy, Ái Hân không ngủ được, cả nhà mong mỏi biết bao nhiêu ngày cha trở về. Nhưng nay sự thể lại ngoài tầm dự tính. Tưởng rằng họa đến nơi nay lại không biết là phúc hay họa. Vì thế mà không biết đối phó thế nào cho phải.

Bên kia trong phủ nhà họ Lỗ, cha con Lỗ Chí Hào đang vui mừng mở một tráp tiền. Lỗ Cao vuốt râu tự cho mình là nhanh nhạy, nắm bắt thời thế. Cũng không ngớt lời mà khen con trai được việc. Xem ra sự việc lần này có tay hắn nhúng vào. Nhưng chẳng nhẽ một tên quan tri phủ nhỏ bé ở trấn Kinh Bắc này có thể nhúng tay vào việc triều đình hay sao?. Sự thể thế nào phải chờ sau mới rõ.


Chú thích:

[1] Canh năm: Canh là cách tính thời gian của thời phong kiến, canh năm khoảng từ ba giờ đến năm giờ sáng.

[2] Chiếu có hai loại là địa chiếu và tiểu chiếu, đại chiếu dùng để ban bố sự việc trong đại. Tiểu chiếu là những van bản hành chính vua ban xuống cấp dưới.

[3] Thái úy: chức quan võ cao cấp nhất thời phong kiến, hàng nhất phẩm

[4] Kiểu bàn ghế gỗ truyền thống của người Việt xưa.

[5] Phó thiên hộ, chức quan võ thuộc hàng ngũ phẩm tương đương với trung úy.
 
Bên trên