Đây là truyện ta rất thích và ta luôn nói tình yêu trong truyện này nó vô cùng đẹp. Nếu nàng chỉ nhìn vào chữ "tình" nàng sẽ thấy gượng ép như nàng nói. Thực ra trong cả câu chuyện này, thứ tình yêu nam nữ nó rất bé nhỏ. Những chi tiết nhỏ xíu về sự gần gũi của hai người rất đắt giá, ví như khi anh ve vuốt cơ thể cô bằng bóng chiếc quạt giữa ngày hè oi ả, ví như cô nhắm mắt gối trên đùi anh ngủ say. Nó thể hiện một tình cảm khát khao cháy bỏng nhưng đồng thời cũng vô cùng thuần khiết và quý báu.
Lại nói, cô thiếu nữ có yêu Mẫn không? Yêu Kinh không? Khó nói! Mẫn và Kinh chỉ là niềm tin trưởng thành của cô thiếu nữ bị trói buộc trong một xã hội lập lờ, nửa phong kiến nửa thuộc địa, nơi giáp điều vẫn đó nhưng con người cứ chực bung ra, nhất là những người trẻ, ngông cuồng và là phụ nữ như cô gái của chúng ta. Cô ấy chỉ lấy Kinh và Mẫn làm cái cớ để nổi loạn và trạng thái tỉnh cảm của cô ấy cũng là cái thích thú khi lập lờ với hai chàng trai, nó là một sự tự thỏa mãn mình. Cô ấy nửa mùa khi nghĩ mình có bầu mình sẽ cưới Mẫn dù cô ấy luôn từ chối điều đó, và chép miệng, ừ thì yêu, ừ thì đó là người đàn ông của mình. Và sự phản bội của Mẫn, không đơn giản là sự phản bội tình yêu, đối với cô gái ấy nó là sự sụp đổ của niềm tin, lý tưởng. Cô ấy chẳng yêu Mẫn đến thế nhưng cô ấy tin, cô ấy cho đó là lý tưởng của mình, rằng một người con gái mới lớn, tự cho mình cái quyền tự do yêu đương, phá bỏ lề thói, tự định đoạt đời mình, trở thành đàn bà và khi nhìn thấy Mẫn trao tình yêu sâu sắc sống chết với tri kỉ của mình thì cô ấy sụp đổ. Đó là một sự tự phủ định, điều đó làm cô ấy thấy bản thân mình trở thành thứ phù phiếm, trước mắt là thứ tình cảm thiêng liêng, là lý tưởng thiêng liêng còn mình thì trở thành đứa nực cười với niềm tin nực cười. Và đó là lý do cô ấy nói Mẫn phản bội tôi, tôi phải chết. Không phải hận vì yêu, mà tuyệt vọng vì tự phủ nhận mình!
Lại nói đến tình yêu với người sĩ quan Nhật. Họ đồng điệu tâm hồn qua những nước cờ, trong thế giới của mình, họ là những người cô đơn, không ngừng tự khẳng định rồi lại tự phủ định mình. Cô gái sống nửa mùa trong xã hội TQ giao thời, giãy giụa giữa làn sóng đấu tranh cách mạng và sự hèn nhát trước đế quốc. Chàng trai ưỡn ngực đi đến một dân tộc xa lạ với niềm tin khai sáng và ban ơn để rồi sống trong hoài nghi và bất lực, giữa hiện thực và tội ác và một niềm tin ngày một méo mó, héo mòn. Đấy là lý do tâm hồn họ giao thoa. Nàng hỏi tại sao chàng sĩ quan chỉ vì tình yêu chọn tự sát, tớ nói tình yêu không phải lý do, nó là giọt nước tràn ly. Người sĩ quan mệt mỏi bàng hoàng giữa cuộc chiến vô nghĩa, cay đắng nhận ra cuộc chiến mình từng tôn sùng là một sự phản bội lý tưởng, dân tộc mình xâm lược là một dân tộc đáng kính và tốt đẹp và mình yêu điều đó, qua hình ảnh cô gái Trung Hoa. Đây là tâm lý phản chiến của rất nhiều binh sĩ trong các cuộc xâm lược và trên thực tế rất nhiều người tự sát vì điều này.
Thật ra đây không hẳn là một câu chuyện yêu đương nam nữ, ta lại thấy nó giống như một phép ẩn dụ. Hai con người đại diện cho hai dân tộc, người bị xâm lược và kẻ xâm lược và tình yêu giống như sự hóa giải thù hận. Với cách kể này tác giả cho thấy nỗi đau hai chiều, nỗi đau của người bị xâm lược và nỗi đau của kẻ đi xâm lược. Cho nên với ta, cái kết là sự giải thoát, không bế tắc tí nào, đó là cái kết của tình yêu vượt lên chiến tranh, khói lửa, thù hận, tình yêu với hàm ý rộng lớn của nó chứ không phải tình cảm cam nữ, là cái kết của sự sám hối và sự tha thứ, cái kết của những tâm hồn rốt cuộc cũng gặp lại và đồng điệu với nhau.
Đấy là lý do ta thấy tình yêu của truyện này vô cùng đẹp, ý tưởng giác ngộ rất cao^^!