Cảm nhận Tiểu thuyết đàn bà - Không phải là tiểu thuyết.

Sâu

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
9/12/13
Bài viết
2.969
Gạo
11.380,0
Lần đầu tiên đọc Tiểu thuyết đàn bà là khi tôi mười bảy tuổi. Ở cái tuổi đó, tôi bị say mê với từng con chữ và số phận của những người đàn bà trong sách nhưng lại không đủ sức để thấu hiểu nó, sâu sắc, mạnh mẽ.

Bốn năm đã trôi qua, khi đọc lại cuốn sách này một lần nữa, tôi không còn say mê một cách ngấu nghiến như thuở đầu nhưng những trải nghiệm đã giúp tôi cảm nhận nó một cách trọn vẹn nhất.

Câu chuyện mở đầu không hề đi theo một khuôn phép và đầy ấn tượng, như đập mạnh vào giác quan người đọc.

Đàn bà!

Rõ ràng không phải một con báo. Không phải một con cọp. Cũng không phải một con vượn, mà là một con đàn bà.

Người đàn ông đứng sững lại sau đám dây mây chằng chịt.

Con đàn bà trần trụi…

Thế nhưng, truyện trong truyện, đó là một đoạn trích trong bản thảo cuốn tiểu thuyết đang viết dở của Thoa về dòng họ nhà mình.

Đó là một dòng họ “dương thịnh âm suy”.

Vài người đàn bà xuất hiện, những nhân vật chính trong cuốn sách của nữ nhà văn Lý Lan. Sợi dây liên kết họ chính là huyết thống.

Không dịu dàng, mềm mỏng, không hạnh phúc, ấm êm, thậm chí không có cả sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn. Hơn nữa, họ còn lạc nhau trong thế giới rộng, trong một dòng họ lớn và lạc cả chính bản thân mình.

Bằng giọng văn tỉnh táo cùng ngòi bút sắc sảo, tác giả đã làm sống lại tất cả những nỗi niềm cùng những đau khổ, mất mát, chia li mà chiến tranh đem lại. Không chỉ với những con người cầm súng chiến đấu ở tiền tuyến mà cả những người ở hậu phương, nhất là những người đàn bà. Người mẹ. Người vợ. Người con gái.

Một bà Tổ Mọi trần trụi giữa rừng sâu, quấn quít với gã đàn ông trong một bộng cây giữa hoang dã, rồi mang thai, rồi theo gã đàn ông trở về kinh, rồi một mình nuôi con và viết nên lịch sử của cả dòng họ lớn khi gã đàn ông chết đi.

Bà Ngoại chăm cháu bằng những khúc hát ru não ruột, đau đớn vì những mất mát chiến tranh, hoài niệm với phần quá khứ còn xót, đến tận lúc chết vẫn đau đáu về chuyện đứa cháu gái thất lạc chưa tìm ra.

Là Thoa – nữ nhà văn lạc lõng trong một thế giới hiện đại, bó mình trong bản thảo của cuốn tiểu thuyết viết về dòng họ cùng những bí mật ám ảnh trong những giấc mơ, gắn chị vào câu chuyện chiến tranh với những mất mát khôn cùng. Chị day dứt, dằn vặt những chuyện của quá khứ, lay hoay tìm kiếm bản thân trong cuộc đời rộng lớn. Và tìm kiếm chị Đen

Chị Đen – người đàn bà với nước da ngăm đen và mái tóc đen khác biệt, người đàn bà xót lại trên đất Việt Nam là giọt máu của tên lính Lê Dương trong một cuộc cưỡng hiếp.

Là Không Bé bơ vơ trên đất Mỹ, quấn mình vào thứ hạnh phúc xa vời, ngỡ như nắm được trong tay lại bất chợt biến mất.

Là Liễu…

Là những người đàn bà. Họ gần như trơ trọi trong thế giới, không đàn ông, bị đàn ông bỏ mặc, bị đàn ông yêu thương như đồ vật thậm chí bị ném vào những bi kịch chiến tranh. Mạnh mẽ. Gan lì. Và giải quyết mọi chuyện theo cách của đàn bà.

“Giữ lấy đức tin bền vững em ơi

Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời”.

Hai câu hát trong bài “Tình ca” vẫn cứ văng vẳng xuyên suốt những trang truyện, nhẹ nhẹ, thấm đẫm, da diết, thúc giục. Như vỗ về những mất mát không đáng có của những người đàn bà – một nửa thế giới đáng được yêu thương.

Những con chữ lành lạnh nhưng mạnh mẽ cuộn chặt nội tâm, tôi như bị cuốn vào trang sách, phiêu lưu cùng những con chữ để “tìm về” cuộc đời của từng nhân vật nhưng lại không thể đi sâu vào đấy.

Tôi chỉ có thể nhìn thấy họ sâu sắc bằng những người đàn bà đang hiện diện quanh mình. Bà Nội. Bà Ngoại. Mẹ. Các Dì. Đôi khi, thậm chí bằng cả chính Tôi…

Yêu thương nhau. Yêu thương chính mình. Tự nuôi dưỡng những cảm xúc, tự đứng lên sau những đau thương, tự bước đi trong thế giới phẳng, tự già.

“Đời người ta có thể do mình tự quyết định sao?”

“Mình phải tự quyết định cho dù số phận hay thế lực này nọ luôn áp đặt hay xô lệch con đường đời mình chọn.”

Cuộc đối thoại với hai câu hỏi và nói đầy mạnh mẽ và bản lĩnh, vững tin vào cuộc đời và con đường của chính mình. Thế nhưng, những người đàn bà ấy, giữa những mối liên hệ ruột thịt, họ cô độc.

Người ta có thể khóc khi vui, có thể cười khi đang đau đớn, có thể cô độc bước đi nhưng tuyệt nhiên không thể hết yêu thương. Có lẽ vì vậy mà sau những nỗi đau giày vò thể xác lẫn tâm hồn, người Mẹ vẫn có thể nói với con gái một lời thật ý nghĩa.

“Con đừng giới hạn tình yêu. Con cứ mở lòng ra, tình yêu tự luân lưu.”

Tình yêu tự luân lưu, như cuộc đời.
 

IMPvirus

Gà con
Tham gia
13/7/14
Bài viết
26
Gạo
0,0
Re: Tiểu thuyết đàn bà - Không phải là tiểu thuyết.
Thấy được cái thực tế.
 
Bên trên