Tôi hiếm khi bình thơ, cũng ít khi đưa ra cảm nhận, chỉ dừng lại đọc thơ của mọi người để suy ngẫm (bao gồm cảm nhận và học hỏi), rồi like. Chị từng nói với tôi, nút like giống như tôi thích người bạn này thì tôi like ủng hộ, chưa chắc like vì bài thơ hay. Tôi khẳng định với chị, với người khác (có thể) tôi like để động viên, nhưng với chị thì chưa từng. Hôm nay, khi đọc bài thơ này, tôi quyết định để lại đôi dòng cảm nhận, dù có thể nó chưa lột tả được hết cái thần của bài thơ, nhưng tôi hy vọng chị vui vì điều đó.
Tháng mười qua ta treo một nỗi buồn
Trên ngọn sầu đông vù con dơi lẻ
Ngày theo ngày rớt theo tờ lịch khẽ
Đếm tình sầu bằng những vệt tay chai.
Cô đơn quá, khắc khoải quá và thời gian sao vô tình quá! Tháng mười qua ta treo một nỗi buồn. Nỗi buồn ấy cứ tưởng nhẹ tênh, bởi vì có thể "treo" được cơ mà. Nhưng không, nỗi buồn ấy nặng lắm, nó không làm người ta đau đáu, nhưng nó lại âm ỉ cháy trong lòng. Bởi vì người phụ nữ ấy đã đếm tình sầu bằng những vệt tay chai, chị đếm nỗi sầu ấy bao nhiêu tháng ngày là bấy nhiêu ngày tháng đã trôi qua vô tình như thế: Ngày theo ngày rớt theo tờ lịch khẽ. Và con dơi lẻ trên ngọn sầu đông kia, phải chăng là tâm hồn lẻ loi và cô độc của chính chị?
Thời gian ơi mùa đất ẩm chưa phai
Người vô ý nắng hong sầu chỗ ướt
Cánh chim mỏng bạt gió chiều lướt thướt
Loài trú đông... tháng mười gửi sau lưng.
Cảnh vật trong thơ buồn quá đỗi, tôi như nghe thấy tiếng chị thở dài trước sự vô tình và vội vã của thời gian: Thời gian ơi mùa đất ẩm chưa phai - Người vô ý nắng hong sầu chỗ ướt. Liệu nắng có hong nổi nỗi sầu dai dẳng ấy không? Tôi nghĩ chắc là khó. Bởi lẽ một lần nữa tôi lại nhìn thấy hình tượng cô đơn khác hiện ra khắc khoải: Cánh chim mỏng bạt gió chiều lướt thướt - Loài trú đông... tháng mười gửi sau lưng. Tôi tự hỏi, liệu cánh chim mỏng ấy có qua nổi một mùa đông?
Có một lần, loài Thạch thảo thơm lừng
Mùa thu chết ai nhớ cho mà khóc
Câu thơ tình rơi buồn trong ca khúc
Tháng mười một chạm thực lẫn hoang đường.
Mùa thu chết ai nhớ cho mà khóc. Đau! Tôi đau, không ai nhớ nhưng chị vẫn nhớ, vẫn hoài niệm, vẫn khóc đấy thôi. Loài hoa Thạch thảo đã từng nở thơm lừng, nhưng có lẽ mùa này đã không còn hương vị ban sơ ngày cũ, bởi lẽ tất cả chỉ còn là quá khứ, là hoài niệm và bởi lẽ câu thơ tình rơi buồn trong ca khúc nên tháng mười một đến mà như không đến, thật mà như không thật trong chị: Tháng mười một chạm thực lẫn hoang đường.
Ai cầm giữ để xem là bằng chứng
Ta ngắt đi cho vào túi gầy thu
Nhỡ đông dài không dày thêm áo mỏng
Ướt lạnh này chẳng vu vạ cho xưa.
Ngày đến vậy mà ai nào để ý
Vội thay mùa mỗi lúc nhắc người đưa
Thông minh thế cũng đành ngu ngơ thế
Vội tim nhau ta xếp chật cho vừa.
Hai khổ cuối, theo tôi chị đã cố tình phá vỡ nhịp thơ của ba khổ trước đó, đọc lên không còn êm đềm như những đoạn trước, mà nó khắc khoải, nó "lạc đi" so với những vần thơ êm dịu ban đầu. Có lẽ, thu đi vội quá, đông đến nhanh quá khiến người phụ nữ trong thơ không thể nào đuổi kịp thời gian. Mùa đông lạnh đấy, chị bảo: Ướt lạnh này chẳng vu vạ cho xưa nhưng tôi nghĩ, nếu không có cái ngày xưa ấy, có lẽ mùa đông chẳng ướt lạnh đến thế này!
Và tôi xin dùng chính khổ cuối của chị thay cho lời kết:
Ngày đến vậy mà ai nào để ý
Vội thay mùa mỗi lúc nhắc người đưa
Thông minh thế cũng đành ngu ngơ thế
Vội tim nhau ta xếp chật cho vừa.
Cuối cùng, cảm ơn chị vì một bài thơ hay.