Lâu Uyển rất thích những đứa bé theo học đạo thuật. Tô Tú Thải Liên ngày đó được nàng chọn cho đi theo cũng vì lý do này. Mỗi lần nàng nhìn thấy những đứa trẻ ấy, nàng cảm thấy trong lòng mình sẽ thanh thản hơn, cũng tràn đầy mãn nguyện mà chẳng cần lý do.
Người đứng đầu đoàn hộ vệ nói với nàng: “Cô Uyển, thế này không ổn đâu. Đành rằng chỉ là một đứa bé, ít ra cũng phải đưa nó đến kinh đô an toàn, nhưng sao phải dắt con bé theo vào tận nơi, lại kể cho nó nhiều vậy. Chẳng phải chuyện cơ mật sẽ lộ hết.”
Nữ hộ vệ gắt nghe vậy, gắt: “Anh đang chất vấn cô Uyển đấy à? Cô Uyển ắt tự có tính toán riêng.”
Người đàn ông phân bua: “Không phải tôi chất vấn cô Uyển, chỉ là… như thế này thật sự không ổn. Chuyện quan trọng đến vậy sao có thể để sơ hở.”
Lâu Uyển liếc nhìn Lã Như Ý. Cô đã lại sức phần nào, cũng tự cưỡi được ngựa, đang vừa ruổi ngựa vừa nhìn ngắm quang cảnh.
Nàng nói: “Không sao. Đứa bé này ta sẽ mang theo về Dụ thành. Mà dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ, có nhìn thấy gì cũng chẳng hiểu.”
Người đàn ông ngạc nhiên: “Cô Uyển định mang nó về Sở ư? Chẳng lẽ nó có tài cán gì?”
Nữ hộ vệ nói: “Con bé thông minh lắm. Nó là người Yên, hơn nữa còn biết xem tứ trụ, chiêm tinh. Nếu đem về Cẩm Tú Điện thì kể cũng không tồi.”
Người đàn ông vẫn không yên tâm: “Nhưng chúng ta đâu biết gốc gác nó thế nào. Nhỡ có gì mờ ám...”
Nữ hộ vệ cười: “Làm việc lớn tất phải cẩn thận, nhưng quá cẩn thận thì không có cơ hội làm việc lớn.”
Đi cả một ngày, đến ba hộ vệ đi theo cũng cảm thấy gió và tuyết sắp quạt nát da thịt mình thì một tòa thành lớn đã hiện ra trước mắt. Tòa thành đội tuyết mà sừng sững mọc lên lấp lánh như thủy tinh.
Đội người đến trước cổng thành thì giảm tốc độ. Hai tên lính canh người Yên khoác áo lông xám chặn lại, hỏi, giọng sang sảng: “Người từ đâu đến?”
Nữ hộ vệ nghe vậy bèn thúc ngựa lại gần, đáp: “Cô chủ nhà bọn tôi là nữ chủ nhân của thương đoàn lớn từ Yên sang Đông Lô, giờ trở về quê muốn mang thử chút hàng hóa ở Đông Lô mở rộng buôn bán. Phía sau bọn tôi còn vài xe hàng do đường trắc trở mà chưa đến kịp, bọn tôi đành tìm đường vào thành trước để nhờ hỗ trợ.”
Đoạn, cô ta trỏ về phía những kiện hàng nhỏ chất trên lưng ngựa.
Lâu Uyển cũng thúc ngựa tiến lên trước, thả mũ áo choàng đang che ngang nửa gương mặt ra, từ trong túi áo lấy ra một thẻ bài gỗ và một cuộn trúc, nói với hai lính canh. Mỗi tiếng cất lên là một đợt sương khói lạnh buốt phả ra: “Đây là chứng thân và thông hành, mời các vị xem cho. Thời gian gấp rút, bọn tôi phải vội tìm người đến giúp đoàn xe.”
Hai tên lính canh nhìn tốp người áo quần xa hoa trước mắt. Cô chủ đoàn thương buôn đích xác là người gốc Yên, đoàn người cũng toàn những kẻ dáng vóc cao lớn khỏe mạnh, mặc trang phục truyền thống Đông Lô. Đông Lô mê võ học, nam nữ ai nấy đều biết cưỡi ngựa bắn cung. Nhìn những kẻ này ai nấy đều khoác gấm lụa sang quý, biết là thân thế chẳng tầm thường, giấy tờ không có vấn đề gì, lại đang có việc gấp, vội vàng gác thương xuống mời vào thành.
Tốp ngựa thuận lợi tiến vào trong kinh đô nước Yên.
Yên là một mảnh đất lạ kỳ, thành quách trơ trọi mọc lên giữa vạn ngàn hoang vắng, nhưng bên trong thì phồn hoa tấp nập lạ kỳ. Người qua kẻ lại, áo quần rực rỡ, sạp quán đầy hai bên đường.
Lâu Uyển đối xử với Như Ý rất tốt. Sức khỏe Như Ý không tệ, được một vài ngày mà đã khá lên nhiều dù trên đường hiếm thấy chỗ nghĩ chân nào tử tế. Lâu Uyển để Như Ý cưỡi một chú ngựa thuần tính, đi ngay bên cạnh ngựa của mình, xem chừng rất để ý đến cô.
Lã Như Ý khoác một chiếc áo choàng Đông Lô che kín mít khuôn mặt, nhưng vẫn hơi lo lắng. Thấy Như Ý bồn chồn không yên, Lâu Uyển cười: “Đừng lo, có ta ở đây rồi. Gan bé thế này làm sao đi theo ta được.”
Thế mà nghe vậy Như Ý lại yên lòng.
Lâu Uyển nghĩ ra điều gì, chợt hỏi: “Em ở Yên lâu rồi, có từng nghe thấy thành cổ đời vua Giản không?”
Nhà họ Giản là dòng dõi đế vương, từng trị vì Yên một thời gian dài, khoảng thời gian nhà họ Giản nắm quyền cũng là khoảng thời gian huyền thuật hưng thịnh nhất. Sau này Yên suy sụp, không lâu sau nhà họ Giản cũng bị lật đổ.
Lã Như Ý suy nghĩ một hồi mới đáp: “Hình như em từng đọc qua ở đâu đấy rồi, chuyện này cũng khá kỳ lạ đặc sắc, nhưng mà ghi chép lại sơ sài. Em chỉ nhớ rằng sau khi nhà họ Giản bị lật đổ, đời sau dựng vương cung mới, một thời gian sau quay lại thì thấy toàn bộ lối đi vào tòa thành cũ đều bị bít kín, lòng vòng phá tường, tìm đường đi nhưng như bước vào mê cung không tìm nổi tòa thành này.”
Thấy Lâu Uyển không nói gì, Như Ý hỏi: “Cô có chuyện cần tìm đến thành cổ sao?”
Lâu Uyển khẽ cười.
“Thực ra chuyện về ngôi thành cổ này cũng rất ít người biết. Đời sau thiêu gần hết bản chép sử có liên quan đến nhà họ Giản, chỉ còn vài trang ghi chép thất lạc, chuyện bây giờ hầu hết đều là truyền miệng.”
Lâu Uyển gật đầu: “Chuyện này ta cũng biết. Em còn trẻ mà đã hiểu chuyện, đọc nhiều biết nhiều, quả là không giống mấy đứa trẻ bình thường.”
Lâu Uyển cũng không nói với Như Ý rằng, nàng vốn biết tòa thành cổ đó ở nơi nào, mà hơn hết còn nắm rõ nó như lòng bàn tay.
Lâu Uyển hỏi: “Em bao nhiêu tuổi rồi?”
Nghe Lâu Uyển hỏi vậy Như Ý hơi bất ngờ, vốn Lâu Uyển dường như chẳng có điều gì tò mò về thân phận của cô, nhưng vẫn đáp: “Năm nay em mười tám.”
Lâu Uyển không nhìn Lã Như Ý nữa, chỉ đưa tay vuốt lớp bờm ngựa, nói: “Mười tám à, còn trẻ lắm, nhớ phải sống vui vẻ một chút. Ở Sở kể thế mà cũng có nhiều chỗ vui, khi nào về sẽ cho người dắt em đi.”
Như Ý được dỗ như dỗ trẻ con, không biết nói gì chỉ cười khúc khích. Nụ cười còn chưa kịp tắt, bờ vai đã thấy bị húc nhẹ. Có một mùi hương thoảng quá, như mùi hoa lá cây cỏ, lại như đá gạch, đất ẩm. Còn có mấy sợi tóc mềm mại như tơ khẽ bay lên. Lã Như Ý quay lại, một người một ngựa từ hướng ngược lại đang ruổi bước, bóng lưng thon thản xinh đẹp. Người này yểu điệu lả lướt vô cùng, nhưng trên người lại có thứ mùi hương kỳ lạ, của cỏ, của đất, và hình như là… mùi tro.
Mới nghĩ tới đây, chợt Như Ý thấy người đàn bà dường ngoái lại, chếch bên sườn mặt là một nụ cười. Cái bóng của người đàn bà ấy mờ mờ ảo ảo, rồi chẳng mấy chốc đã chợt mất hút.
Nhìn bóng người đàn bà trên lưng ngựa cứ mờ nhạt dần rồi tan vào khoảng không, Lâu Uyển im lặng xoay người lại. Phố phường vẫn huyên náo, ai vẫn bận chuyện người nấy, như chẳng ai thấy một người một ngựa không biết từ đâu xuất hiện rồi lại đột nhiên biến mất về đâu. Như Ý ngẩng đầu, hỏi Lâu Uyển: “Người phụ nữ kia…”
Một bàn tay mát lạnh đặt lên đỉnh đầu cô, vuốt nhẹ hai cái, như tỏ ý không muốn nói nữa.
Hôm ấy, Lâu Uyển dắt đoàn người đi vào một con ngõ cụt bỏ hoang. Nàng đứng đó một lúc. Nữ hộ vệ hỏi: “Có cần phá tường không ạ?”
Lâu Uyển nhìn bức tường dột nát, đằng sau tối như hũ nút, lắc đầu: “Không cần, người chúng ta cần gặp không có ở đây. Về đợi đã.”
Tòa thành nàng ta nắm rõ như lòng bàn tay, hiện giờ không vào nổi.
Cách đây một tháng, Lâu Uyển lại được gọi vào cung. Đó cũng là lúc chặng đường tìm kiếm Trường Sinh chú bế tắc đã ba tháng trời bỗng chợt mở ra một con đường.
Một khoảng thời gian trước đó, Lâu Uyển cử một toán lính Sở đóng giả thương đoàn tiến về Yên tìm kiếm manh mối về Trường Sinh chú, dặn dò rõ ràng từng bước từng bước, từng nơi tìm kiếm, từng người phải lưu ý trong chuyến đi. Cuối cùng, cả một đoàn lính tinh nhuệ, trở về chỉ có một người.
Người trở lại thần trí mơ hồ, đôi mắt trống rỗng, như một xác sống đứng trước mặt Cơ Chiêu, nhưng lời nói rõ ràng rành mạch, vừa chi tiết lại vừa trôi chảy. Anh ta kể lại khoảng thời gian ngắn ở lại Yên, theo manh mối Lâu Uyển cho mà chật vật tìm được trong tòa thành bỏ hoang một người đàn bà Yên, áo quần lạ kỳ, đôi mắt xám tro. Trước đó Lâu Uyển cũng đã báo trước về người này, nàng ta gọi bà là một vị tiền bối của nàng.
Người đàn bà kỳ lạ ngồi trong tòa thành đổ nát như một bức tượng ngọc, có những khả năng vô cùng quái đản.
Lúc toán lính tiến vào, bà ta đang ngồi đối mặt với bức tường phủ đầy mạng nhện, xanh rêu phong, không quay đầu nhìn cũng nghe được tiếng bước chân nhẹ như không của toán lính tinh anh, cười khanh khách: “Chờ bao lâu cũng có khách đến thăm kia đấy.”
Toán lính nghe lời dặn của Lâu Uyển, không dám bất kính, bèn rất dè dặt cung kính chào hỏi và mở lời thăm dò bà ta như có như không về Trường Sinh chú.
Người đàn bà nghe xong vẫn không ngoảnh đầu lại, chỉ lộ ra sườn mặt trắng muốt như sứ, giọng điệu như chuông ngân vẫn lẫn tiếng cười: “Đến được tận đây thì chắc cũng phải có kẻ nào cao minh lắm chỉ đường. Chà, nhưng lại để mấy tên oắt con này đến chào hỏi, kẻ cao minh này có vẻ không hiểu tính của ta lắm nhỉ.”
Toán lính biết bà ta không phải kẻ tầm thường, vội nói: “Cô chủ của bọn tôi đây chính là Lâu Yên My Lâu Uyển. Cô chủ có giao tình cũ ít nhiều với người, liệu người có còn nhớ?”
Người đàn bà nghe tới đây bỗng chốc ngây dại, gương mặt dưới ánh sáng trắng dường như trong suốt sắp tan vào nắng. Bà ta như suy nghĩ rất lâu, rồi thốt: “Lâu Uyển, Lâu Uyển nào. Là Lâu Uyển nào nhỉ?”
Bần thần hồi lâu, đoạn, bà ta phất tay: “Ta cũng chẳng biết là Lâu Uyển nào. Có lẽ có từng quen thật. Nhưng thôi, cứ gọi cái kẻ xứng đáng nói chuyện với ta đến đây. Rồi muốn bàn gì thì bàn.”
Sườn mặt hư hư ảo ảo của bà ta lại biến mất sau lớp tóc đen óng. Người đàn bà lại ngồi thẫn thờ như một bức tượng, hứng những tia sáng lấp lánh từ khe tường rọi vào.
Toán lính dợm nói gì bỗng chợt thấy một cơn gió kỳ lạ nổi lên, khiến đá vụn của tòa điện xập xệ cũng lộp bộp rơi xuống, bụi mù mịt, bay cả vào mắt toán lính. Mắt cay xè đau đớn, chưa kịp đưa tay lên lau đi đã thấy đầu váng vất, cả người bỗng chợt nhũn ra, từng khớp xương đều như tê liệt, ngã rạp xuống đất, chỉ riêng còn lại kẻ có võ nghệ cao cường nhất là còn trụ vững nhưng cũng mặt mày tái xám xây xẩm.
Người đàn bà nói: “Còn đứng được cơ à, thế thì để ngươi về chuyển lời đi. Nhưng bảo kẻ kia nhanh lên đấy. Mùa xuân sắp đến rồi, nhưng ta cũng chỉ có thể chờ đợi nốt mùa xuân này thôi. Nếu đến lúc giữa đông mà không tới đây được thì ta cũng chẳng biết thế nào đâu.”
Người đàn bà quay người, vươn đôi tay trắng mềm mại như ngó sen, đầu ngón tay khẽ điểm lên trán tên lính, khiến kẻ kia trong chốc lát đôi mắt đã đen đục mờ mịt không tiêu cự, rồi xoay người bước đi cứng ngắc như một xác sống.
Toán lính này mất hai tháng rưỡi tìm ra được đường vào kinh đô nước Yên, người lính kia lại trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh mà trong tháng rưỡi đường dài đã về đến Dụ thành kinh đô nước Sở. Toàn thân ướt đẫm nước tuyết chưa khô nổi, gương mặt trắng cắt không còn giọt máu, nhưng vẫn giữ được một hơi. Báo xong tin liền ngã vật ra đất.
Vua Sở đăm chiêu một hồi rồi gọi Lâu Uyển đến. Kiểm tra người lính kia một hồi, Lâu Uyển nói: “Quả thật đã gặp đúng người cần tìm. Xin bệ hạ cho Lâu Uyển lĩnh tám hộ vệ, lập tức lên đường sang Yên trong ngày.”
Để người có địa vị như Lâu Uyển tự mình ra mặt cũng rất mạo hiểm, nhưng manh mối về Trường Sinh chú quý giá là vậy, lần này vuột mất thì không biết đến bao giờ mới lùng ra được lần nữa.
Cơ Chiêu thầm cân nhắc. Nhưng manh mối này quý giá, cũng không quý giá bằng Lâu Uyển Lâu Yên My. Tiên đế ròng rã bao nhiêu năm trời công dã tràng là vì cớ gì, vì không có căn bản vững chắc, không tìm được đúng đường để tìm trường sinh. Còn Lâu Uyển chính là cái nền để tìm kiếm Trường Sinh chú.
Nhưng Lâu Uyển chỉ cười đáp: “Chỉ đến chào hỏi một vị tiền bối mà cũng chẳng làm được thì Lâu Uyển còn ở đây làm gì.”
Vì cớ đó nên nàng ta mới có mặt ở đây.
Đêm hôm ấy Lâu Uyển có một giấc mơ.
Lúc chiều, trong lúc nhìn thấy bóng lưng rong ruổi trên ngựa của người đàn bà kia, Lâu Uyển chợt vô thức lặp lại hành động của bà ta. Nàng mơ màng nhớ lại, ngày xưa bà ta từng vuốt tóc nàng, dùng chiếc lược thơm mùi gỗ chải mái tóc còn chưa mọc dài của nàng, áp bờ má mịn màng nóng hổi lên má nàng.
Lâu Uyển mơ thấy bà ta nắm chặt lấy bả vai nàng, đôi mắt đẹp trợn trừng như đang ép buộc nàng: “Chôn tro cốt ta ở dưới tòa thành cổ. Ta sẽ ở đó chờ ngươi. Đến khi hối hận hãy tới đó tìm ta, tìm Trường Sinh chú.”
Lâu Uyển mở mắt. Một gương mặt đẹp đẽ như tranh đã áp sát lấy nàng tự bao giờ, người đàn bà treo ngược mình, lửng lơ trên không trung, nửa tò mò nửa nghi ngại nhìn nàng. Đôi mắt xám lạnh có phần ngây thơ không hợp với tuổi tác trưởng thành dán chặt lên gương mặt Lâu Uyển.
Lâu Uyển nhìn bà ta. Nàng thấy bà ta chăm chú nhìn mình, thấy gương mặt tưởng như đã quá quen thuộc trong những giấc mơ đến với nàng hàng đêm, nhưng giờ đây lại hơi lạ lùng. Nàng đưa tay chạm vào má bà ta. Bàn tay trắng muốt với chiếc nhẫn ngọc xanh mướt, kỳ lạ làm sao lại trùng màu với làn da của bà ta, cũng mượt mà mang sắc màu khó bắt gặp.
Người đàn bà ngạc nhiên, bà ta hữu hình nhưng vô thể, như bóng ma lập lờ đụng vào là tan như không khí.
Nhưng ngay sau đó, người đàn bà cũng nhận ra Lâu Uyển không thật sự chạm vào mình, bàn tay nàng áp lại gần má bà ta, tưởng như đang vuốt ve nhưng luôn cẩn thận giữ một khoảng cách khó nhìn để không chạm vào cơ thể làm bằng tro bụi của bà.
Người đàn bà cũng đưa tay lại gần, như đang chạm lên gương mặt Lâu Uyển, bà ta hỏi: “Ngươi biết ta sao?”
Lâu Uyển không nói, chỉ nhìn người đàn bà.
Người đàn bà nói: “Ngươi vừa đến đây là ta được thả ra, ta có thể đi lại, có thể nhìn, nói, nghe, ta rời được thành cổ.”
Lâu Uyển nhìn đôi lông mày cong cong của bà ta, giọng nói nhẹ nhàng như đang ru một đứa bé: “Đương nhiên tôi biết bà. Tôi còn nhớ bà. Tôi nhớ bà từng vuốt tóc tôi, hát cho tôi nghe, đút sữa cho tôi uống. Lúc tôi chào đời, bà là người đầu tiên ôm tôi.”
Người đàn bà cười khanh khách: “Ta là mẹ ngươi đấy à?”
Lâu Uyển mỉm cười: “Không.”
Người đàn bà hỏi: “Thế đừng có nói dối ta, làm sao ngươi nhớ được lúc mình chào đời thế nào chứ.”
“Thế mà tôi lại nhớ được đấy.”
Người đàn bà lại cười với Lâu Uyển, nụ cười của bà ta có vẻ âu yếm, còn đôi mắt thì ấm áp. Bà ta chống má, nói: “Lâu lắm rồi ta không vui như thế này đấy, tại vì ta được ra ngoài, lần đầu tiên được ra ngoài đấy. Bởi vì nếu trở về thành cổ thì ta sẽ lại bị giam lại, sẽ lại quên hết nên ta còn không dám quay trở lại. Cả ngày hôm nay ta cứ ở bên ngoài, rồi ta nhìn thấy ngươi, lúc nhìn thấy ngươi ta đã biết ngươi là kẻ quan trọng. Ta chẳng nhớ nổi ngươi, cũng chẳng biết ngươi làm thế nào mà biết ta, nhưng nói xem, ta nên báo đáp ngươi thế nào đây.”
Lâu Uyển nhìn bà, nói: “Có một thứ mà bà biết.”
Nụ cười của người đàn bà vẫn in trên gương mặt xinh đẹp, nhưng có vẻ nhạt nhẽo hơn trước nhiều: “Nếu đấy là điều ngươi muốn, thì ngươi phải trả ta nhiều hơn thế này đấy.”
“Vậy tôi phải trả bà thứ gì đây?”
Trăng đang lên cao, rọi qua khung cửa sổ để hé, rọi cả lên đôi mắt của người đàn bà: “Không phải ta không biết ơn ngươi hay là ta tiếc rẻ không muốn nói cho ngươi biết mấy điều cỏn con đấy. Chỉ là cô bé ạ, thật sự ta chẳng có gì trong tay đâu, chỉ trừ cái điều ngươi đang muốn hỏi thôi. Nếu ta mà nói ra thì ta sẽ trắng tay thật sự. Ta không phải người mà chỉ một hũ tro, chắc ngươi cũng biết rồi, một khi ta hoàn thành trách nhiệm của mình cũng là lúc ta phải biến mất. Mà ta thì không muốn bao nhiêu năm buồn đau của ta phải kết thúc trong u mê thế này.”
Bà ta nói tiếp: “Ta không phải người đòi hỏi, mà cũng không đòi hỏi được. Chỉ cần ngày mai tìm đến tòa thành cổ, ta tin nếu ngươi đã biết đến ta mà tìm tới tận đây thì cũng chẳng khó gì mà tìm thấy nó.”
Người đàn bà nhìn nàng với ánh mắt hy vọng: “Ngày mai, khi đến, chỉ cần nói cho ta biết, tại sao ta lại ở đây? Ta đã chết thế nào? Ta là ai? … Ngươi là ai?”
Bà ta còn chưa dứt lời, Lâu Uyển giang tay, tay áo xanh lam phủ lên người người đàn bà như một con suối đang bao lấy người bà ta. Người đàn bà ngỡ ngàng, đôi mắt nhạt màu mở to. Lâu Uyển thì thầm điều gì vào tai bà ta. Là lời hát ru. Bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ.
Giây phút ấy, trong đầu óc vốn trống rỗng đã quá lâu của người đàn bà chợt xuất hiện rất nhiều điều.
Người đàn bà chợt nhớ về một nơi.
Tên nó là Xích Châu.
Đó là nhà của bà ta.
Bà ta nhớ hoàng hôn đỏ rực của Xích Châu, trên ngọn đồi gió thổi mát rượi.
Bà ta nhớ mình ôm một đứa trẻ, hát cho nó nghe lời hát đã đưa nôi cho bất cứ đứa trẻ nào lớn lên ở Xích Châu.
Mưa kìa con
Mưa thấm đẫm cỏ
Mưa ôm lấy hoa
Ô, mưa sà xuống lán
Mưa cuốn đi trâu đi bò
Mưa cuốn đi chúng ta
Đi từ quê ta
Đến nơi xa lạ
Người đàn bà thấy mình đang nắm lấy tay đứa bé, nó đang cười khúc khích với bà, đầu chỉ lưa thưa chút tóc.
Đây là đâu
Đây là đất Yên
Đây là quê mới của ta
Bà áp má lên má nó, gọi :
«Yên My.»
Yên đâu rồi
Yên đã tan tác
Yên uống máu của ta, rồi lại chết chìm trong máu
Rồi người đàn bà lại nhớ cái ngày đứa bé kia quay lại. Bà là người nhận ra nó đầu tiên. Nhưng bà ngẩng đầu lên nhìn nó bằng ánh mắt xa lạ :
«Ngươi là ai ?»
Ta đưa theo trâu bò, đưa theo chị em, đưa theo con ta, theo máu ta
Ta nhìn Ngô vẫy vùng rồi lụi bại
Ta nhìn Trần chết dưới vó ngựa
Ta nhìn máu Lỗ ròng ròng chảy
Ta nhìn Sở leo lên
Rồi lại tự buông mình xuống dòng nước lạnh ngóm
…
…
…
Rồi bà ta lại thấy mình đang bị bao bởi một vòng lửa ngùn ngụt bốc tới tận trời, thấy thây người chồng chất quanh thân. Bà ta thấy giọng vang mình như kẻ đang bị người ta xé nát cổ họng :
« Đừng bao giờ quên ngày hôm nay. »
Rồi bà ta thấy bàn tay bẩn thỉu két cả máu lẫn đất đen kịt của mình rút cây trâm vàng trên búi tóc lỏng lẻo, rồi cắm ngập vào bụng. Nhìn thấy máu phun ra, lấm tấm bắn trên áo Yên My.
…
Bà ta đã chết từ lâu rồi. Điều này bà vốn cũng đã biết.
Bà được thiêu xác, trở thành một hũ tro cốt sống dưới lớp đất ẩm ướt ở tòa thành cổ hàng chục năm trời không ai ghé lại. Hôm nào bà cũng ngồi, ngó ra bên ngoài những khe tường, tìm ánh sáng mặt trời, tìm cỏ cây bên ngoài.
Lúc Lâu Uyển trở vào kinh đô, cái bóng ma vất vưởng vốn áp sát vào bức tường dột nát của bà ta chợt xuyên qua cả từng tầng đá lạnh lẽo, đổ sụp thân ra ngoài.
Bà ta nhìn bầu trời, rồi hít một hơi thật sâu.
Thực ra thì, thực tế thì chẳng cảm thấy gì. Nhưng lúc đấy bà ta mường tượng được nắng đậu trên da rất ấm áp, bà ta cảm thấy gió luồn vào trong ống tay áo man mát.
Bà ta lang thang, không ai nhìn thấy bà ta. Bà ta thử động vào vai của một kẻ qua đường.
Đầu ngón tay bỏng rát, bà ta thấy cả thân thể mình vỡ vụn. Lúc tỉnh dậy, mình đã lại ngồi trong thành cổ. Đầu trống rỗng, ánh mặt trời, gió, không khí, tất cả những ký ức biến mất sạch sẽ như chưa hề tồn tại. Thứ duy nhất còn lại chính là cảm giác có một thứ quan trọng đang từ từ lại gần, cởi bà ta khỏi xiềng xích của tòa thành cổ. Và, thứ cảm giác cháy rát ở đầu ngón tay đi vào tiềm thức của bà ta, nhắc nhở bà ta rằng chớ có đụng vào bất cứ thứ gì ở thế giới không thuộc về mình.
Lúc này, người đàn bà đang nhìn Lâu Uyển. Lần này bà ta không cảm thấy làn da mình bỏng rát, có lẽ vì những ký ức xộc vào đầu khiến mọi nỗi đau trên thể xác vốn mong manh của một linh hồn cũng nhòa đi không thấy rõ. Nhưng bà có thể cảm thấy lượng ký ức vừa chảy trôi trong đầu mình chưa được bao lâu cũng đang từ từ tan biến. Bà ta nghĩ. Có rất nhiều điều bà muốn nói với Lâu Uyển.
Bao nhiêu năm nay ngươi sống ra sao.
Có vui không. Sống có tốt không.
Ta nhớ ngươi nhiều lắm.
Cơ thể người đàn bà như một con búp bê vỡ, không ngừng xuất hiện những vết nứt, bà ta xoa đầu Lâu Uyển: «Ngươi trưởng thành rồi, Yên My. Ta không phải mẹ, cũng chẳng bế ẵm ngươi được mấy ngày, nhưng ta rất tự hào về ngươi.»
Người đàn bà biến mất. Có lẽ đã lại trở về thành cổ, quanh quẩn bên hũ tro cốt.