File của bạn có những lỗi sau:
1. Trước/sau dấu câu có/không có dấu cách, ví dụ: - Sao…là sao?
>>> Với các dấu câu, bao gồm dấu chấm, phẩy, chấm phẩy, hai chấm, chấm hỏi, chấm than, chấm lửng:
- Có dấu cách ngay phía sau;
- Không có dấu cách ngay phía trước.
SỬA: - Sao… là sao?
2. Thiếu dấu kết câu, đầu câu không viết hoa, ví dụ:
- Vậy con đi bu nhé! – tiện tay lấy chiếc cuốc đang nằm lăn lóc ngoài sân phơi, nó xách lên vai mà đi.
- Ấy, đừng, tao đưa mày đi xem chỗ này hay lắm. – Hải Té cũng biết chẳng thể giấu được, nói – Nhưng mày phải đi theo tao.
>>> Mọi câu văn đều cần có dấu kết câu. Tùy trường hợp, đó có thể là dấu chấm, chấm hỏi, chấm than, chấm lửng.
SỬA:
- Vậy con đi bu nhé! – Tiện tay lấy chiếc cuốc đang nằm lăn lóc ngoài sân phơi, nó xách lên vai mà đi.
- Ấy, đừng, tao đưa mày đi xem chỗ này hay lắm. – Hải Té cũng biết chẳng thể giấu được, nói. – Nhưng mày phải đi theo tao.
3. Lỗi đánh máy, ví dụ: căn biệt thư...
4. Sai chính tả, ví dụ: dảo bước, rè bỉu, rát vàng, huyên thuyên, danh ma...
5. Không có dấu cách trước/sau dấu gạch giữa, ví dụ: Ông luôn muốn hóa giải thành kiến xã hội, tìm phương cách để trở nên sang-giàu song hành, nghĩa là vừa giàu có vừa có địa vị xã hội, được mọi người trọng vọng.
>>> Đối với dấu gạch giữa:
- Có dấu cách ngay phía sau, nếu được dùng để mở đầu lời thoại;
- Có dấu cách ngay trước và sau, nếu được dùng để phân biệt giữa lời dẫn và lời thoại, hoặc dùng để mở đầu thành phần phụ chú, dùng nối giữa các ý ngang nghĩa với nhau.
SỬA: Ông luôn muốn hóa giải thành kiến xã hội, tìm phương cách để trở nên sang - giàu song hành, nghĩa là vừa giàu có vừa có địa vị xã hội, được mọi người trọng vọng.
6. Viết hoa sau dấu ngoặc kép, ngoặc đơn, ví dụ: Thằng Hải Té sợ tới ngã nhào, hét “Á!” một tiếng, chân tay run lẩy bẩy, hắn không đứng nổi nữa, chỉ lổm cồm bò bằng bốn chi ra thật xa miệng giếng.
>>> Trong dấu ngoặc kép (" ") và dấu ngoặc đơn ( ) nói chung không viết hoa. Trừ trường hợp mệnh đề trong dấu phải viết hoa vì một lý do khác, như: Sau dấu ( : "); một câu trích dẫn; tên của một phong trào; tên của danh hiệu thi đua.
7. Góp ý thêm:
a. Ví dụ: xi – măng...
>>> Với các từ phiên âm tiếng Việt, giữa dấu gạch nối và các từ không có dấu cách. (Thật ra mình nghĩ từ này không cần dấu gạch nối.)
b. Ví dụ: hai hai tuổi
>>> Hoặc là hai mươi hai tuổi, hoặc là hăm hai tuổi.
* * *
Kết: Lỗi số 2 khá nhiều. Lỗi số 4, em thường nhầm lẫn giữa phụ âm d và r. Em sửa file rồi gửi lại để chị xem nhé.