Truyện ngắn Truyện ngắn "Gương"

Tham gia
13/10/23
Bài viết
1
Gạo
0,0
Hắn là một kẻ có đam mê sưu tập gương. Không một xó xỉnh nào trong nhà hắn là không có gương cả, có lẽ trừ trần nhà. Thậm chí đến cả mặt bàn cũng lát kính, mặt tủ lạnh cũng phải lựa loại sáng bóng nhất để có thể nhìn rõ khuôn mặt của mình.

“Một kẻ lập dị!” – bà hàng xóm nhắc đi nhắc lại câu nói đó khi tôi hỏi về hắn

“Hồi vợ chồng chúng tôi mới chuyển đến đây, tôi có qua nhà hắn chào hỏi. Thân hình hắn cao to, che kín cửa ra vào nên lúc đó tôi đã không thấy được gì bên trong nhà hết…”

Bà lão này có vẻ là một kẻ bao đồng gớm, tôi nghĩ vậy. Qua chào hỏi hàng xóm mới mà cũng phải nghé mắt bằng được nhìn vào bên trong. Nhưng nghĩ lại cũng nhờ có bao đồng của bà ta mà tôi may mắn có được ít thông tin về hắn – một nhà văn mà sắp tới có dịp được hợp tác. Bà ta kể lại rằng, hắn có vẻ ngoài tương đối đạo mạo, dễ nhìn; thậm chí đối với các quý bà trung niên, có thể được liệt vào dạng lịch lãm, thu hút. Cơ thể cường tráng cùng đôi mắt nâu là những gì ấn tượng nhất mà bà cụ nhận thấy.

Càng nói chuyện về hắn, bà ta càng thể hiện rõ bản năng “thám tử” của mình; rằng những kẻ có bề ngoài đạo mạo như hắn thực chất là những tên “biến thái ngầm”.
“Cậu có thể những bà già như tôi lẩm cẩm nhiều chuyện nhưng vốn kinh nghiệm nhìn người của chúng tôi hơi bị chính xác đấy. Chẳng phải những bộ phim vẫn xảy ra trường hợp đó hay sao. Vẻ ngoài đẹp chỉ là cái mã bên ngoài, đánh lừa chúng ta, che giấu bản chất biến thái bên trong mà thôi anh bạn ạ.”

Thú thực câu chuyện của chúng tôi hơi lan man, thậm chí có phần “không đúng trọng tâm” lắm khi bà cụ chỉ quanh quẩn kể về hắn ta trông tuyệt vời ra sao và sự cảm thán của bà về sự biến thái của hắn. Quay trở lại với vấn đề làm sao bà cụ biết được hắn ta là một kẻ biến thái cuồng gương, bà ta nói rằng vì sự nghi ngờ (mà tôi cho rằng sự nghi ngờ đó thật sự quá sức suy diễn với một bà cụ rồi) ngày hôm đó, bà ta quyết tâm soi bằng được trong ngôi nhà đó anh ta ẩn chứa điều gì. Vậy là bà ta lên một kế hoạch, theo như chính lời bà ấy kể. Thú thực, nếu bất cứ ai là tôi trong trường hợp này đều sẽ cảm thấy ngờ vực, cảm thấy bà cụ này chẳng đáng tin chút nào hết, thậm chí hoang tưởng, kì quặc. Nhưng không hiểu bằng một sức hút nào đó, tôi cảm thấy như mình đang được đọc một series trinh thám hạng 3 đăng trên các diễn đàn trôi nổi. Mọi thứ đều mang tính chất suy tưởng, cách viết non nớt, thiếu chặt chẽ, chỉ toàn những câu cảm thán lan man nhưng vẫn thu hút độc giả theo một cách nhất định nào đó. Tôi nhớ lại đứa con gái mới lớn của mình. Con bé cũng hay đọc tiểu thuyết mạng trên các diễn đàn linh tinh dành cho giới trẻ. Dĩ nhiên là một biên tập viên, tôi cũng có chút tò mò nên tìm đọc thử. Tôi muốn thử tìm hiểu tại sao bọn trẻ bây giờ lại dễ bị hấp dẫn trước lối viết và kiểu tư duy như vậy; trong khi rõ ràng về mặt giá trị, nó không thể so bì với những tác phẩm mà một người có chuyên môn và vốn đọc như tôi từng tiếp xúc. Kết quả mà tôi thu nhận được sau một đêm thức trắng đọc truyện của bọn trẻ cũng giống như những gì tôi nhận thấy trong cuộc nói chuyện với bà cụ này. Có lẽ văn học buộc tôi phải suy ngẫm nhiều quá, trong khi nhiều lúc tôi chỉ muốn một thứ gì đó nhẹ nhàng. Lấy việc ăn uống ra cho dễ hình dung vậy. Đa số chúng ta đều thích ăn thịt đúng không? Vị ngon và kết cấu của thịt thực sự áp đảo với các loại rau xanh nhạt lách, vô vị. Nhưng tin tôi đi, bạn không thể ăn một bữa nguyên thịt, càng không thể chịu nổi nếu phải ăn thịt cả một tuần dài. Rau vô vị nhưng tồn tại vì lẽ đó. Nó cân bằng bữa ăn của bạn bằng sự nhẹ nhàng vốn có của nó. Vị thanh đạm, màu xanh dịu mắt. Kết cấu khi nhai của rau cũng dễ chịu hơn thịt nhiều, đó là điều chúng ta phải công nhận. Dù không thích ăn rau nhưng chúng ta đều dễ dàng nhận thấy sức vóc của nó, đơn thuần về mặt ăn uống chứ chưa nhắc đến dinh dưỡng. Tôi thích văn học bởi những thách thức nó đặt ra cho tôi, buộc tôi phải suy nghĩ. Nhưng tôi thật sự không thể để bản thân chìm trong những suy nghĩ mải miết đến đau đầu vì nó. Tôi cũng cần những thứ “dễ nuốt” như rau vậy. Thứ gì đó đơn giản, không cầu kì, thậm chí có phần dễ dãi trái ngược hoàn toàn với lý tưởng đọc trước đó của tôi. Dĩ nhiên tôi luôn đề cao những tác phẩm văn học, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng sự việc trước đó và câu chuyện với bà cụ đã cho tôi thêm một điểm nhìn tôi để tôi bớt đi sự phê phán gay gắt loại truyện hạng ba của bọn trẻ bây giờ. Dù sao đầu óc của chúng cũng cần những thứ dễ dãi để cảm thấy được giải trí, được thỏa mãn sau những giờ học uể oải, mỏi mệt trên trường. Nghe bà cụ kể, với tôi mà nói như đang được tán phét với anh bạn của mình. Chúng tôi chẳng ai nói thật cả, toàn những câu chuyện do chúng tôi bịa đặt ra để pha trò. Ý nghĩa duy nhất mà nó có, có lẽ chỉ là sự thoải mái mang tính chất giải trí. Nhưng tin tôi đi, đó là điều bạn đang cần sau một chuỗi ngày dài mệt nhọc, với những lần căng mắt căng não soi sửa bản thảo cho mấy ông nhà văn đáng kính của tôi. Chỉ khác, câu chuyện có phần hoang tưởng này của bà cụ, nghe cũng hợp lí, đáng để tôi lưu tâm trước buổi gặp mặt với hắn – người mà tôi sắp sửa hợp tác.


Kế hoạch của bà cụ là bà ta sẽ liên tục nấu thừa những món ăn ngon rồi lấy cớ đem qua cho hắn để tranh thủ được nhòm vào căn nhà bên trong. Bởi nếu căn nhà bình thường, nó đã không kéo rèm kín quanh năm suốt tháng. Mà kể cả trong căn nhà đó không có gì bất thường đi chăng nữa, bà ta nghĩ cũng sẽ có thêm cơ hội tiếp xúc, hiểu hơn về bản chất của hắn ta. Những suy diễn của bà cụ, vẻ tưởng như ngớ ngẩn với cuộc sống thực tế mà cũng hợp lí một cách kì lạ. Rõ ràng bà ta cũng là một người cao tay khi nghĩ ra trò nấu ăn thừa xong đem sang cho. Những bà cụ hàng xóm bao giờ cũng vậy, họ thường hay nấu ăn thừa một chút rồi đem chia cho những người trong xóm. Việc bà cụ lấy cớ đó chỉ để dòm vào căn nhà ngay sát cạnh, cũng là một lẽ bình thường, thậm chí kín đáo. Mà nghĩ lại thì cần gì hai chữ “kín đáo” trong khi hắn ta đâu biết được những suy diễn cùng kế hoạch cẩn thận của bà cụ già? Bởi vậy mà tôi không khỏi cảm thán cuộc nói chuyện của chúng tôi “mâu thuẫn đến hợp lí” một cách kì lạ.

Cứ cách hai ngày, bà cụ lại qua đem đồ ăn cho hắn. Mới đầu hắn có vẻ ái ngại. Khuôn mặt hơi khó xử một chút nhưng sau đó một tuần, hắn cũng quen dần, cảm thấy đồ bà cụ nấu cũng ngon (đây là tôi đang thuật lại lời kể của bà cụ). Bà ta nói rằng hắn ta ăn sạch banh, về sau còn nói lời cảm ơn và mong bà cụ khi nào rảnh có thể nấu đem qua cho hắn chút, dù sao hắn cũng sống một mình.

“Thấy anh ta vui vẻ và lịch thiệp quá, tôi cũng suýt quên đi mục đích của mình. Đã mấy lần liền tôi phải tự nhủ bản thân không được lơ là trước vẻ đạo mạo đó.”
Vài tuần sau đó, trong một lần đưa cơm, người ra đón bà ta không phải là hắn mà là một cô gái nào đó.

“Cô ta cao chừng mét rưỡi, người nhỏ xíu. Nhưng khuôn mặt và cách ăn mặc trông ra dáng một người phụ nữ phết. Có lẽ không phải là một cô bé cấp ba nào đó. Cô bé có phần rụt rè, nhận lấy hộp cơm sườn kho bà cụ làm, cảm ơn một tiếng rồi vội đóng cửa.”

Và có lẽ chính chiều cao của cô gái nọ đã vô tình để lộ cho bà cụ thấy được không gian bên trong căn nhà. Đó là một hàng lang trải dài bằng những gương treo kiểu cổ điển. Cửa ngăn vách bếp, theo quan sát của bà ta cũng làm từ kính, mặt bàn trắng trắng, có lẽ là do phủ lớp kính cùng với ánh nắng hắt chiếu vào từ cửa số kính khu phòng ăn.

“Tôi đã rất kinh ngạc, cậu biết không. Biến thái thật mà. Ai lại để kính kín mít khắp như vậy chứ. Hay hắn ta là một kẻ biến thái tự luyến thích ngắm nhan sắc của mình trong gương? Ôi trời, thật không thể tin được mà!” – Bà ta cảm thán

“Vậy sau đó bà có tiếp tục gửi đồ ăn sang cho anh ta không? Người phụ nữ đó có còn đến căn nhà đó nữa không?” – Tôi hỏi

Bà ta uống một hớp chè, vẻ như khát nước do nói nhiều lắm rồi tiếp tục:

“Tôi cũng hơi sợ, ngộ nhỡ hắn biến thái hơn mức này thì sao. Nhưng dù sao anh ta cũng rất biết ơn khi tôi mang đồ ăn sang, tôi đoán vậy, tôi thỉnh thoảng tôi vẫn mang sang một ít. Thỉnh thoảng thôi, chứ không thường xuyên nữa. Tôi ít tiếp xúc với hắn ta hơn, lấy cớ đang có bệnh cúm nên chỉ gọi, bấm chuông rồi để cơm ở trước cửa. Mọi chuyện cũng đã được một tháng rồi.”

“Bà làm vậy là phải. Dù sao những hàng xóm kì quặc như vậy cũng nên dè chừng một chút. Nhưng có vẻ anh ta cũng tốt bụng mà nhỉ, dù nãy giờ chúng ta đều không phủ nhận được độ cuồng gương biến thái của anh ta.”

Bà cụ gật gù, thấy rằng tôi nói rất xác đáng.


Tiếng tít tít trên đồng hồ điện tử của tôi vang lên, đã là năm giờ chiều. Tôi cũng cần phải về để đón con. Tôi lấy áo khoác treo trên móc ở cửa bếp, chào tạm biệt bà cụ rồi ra về. Ra đến cửa, tôi ghé mắt nhìn sang căn nhà của hắn. Một căn nhà ba tầng có vẻ ngoài bình thường được kéo kín rèm cửa sổ.

Đêm hôm đó, tôi ngồi lì trong phòng làm việc, đọc đi đọc lại những sáng tác đã được xuất bản của hắn. Lối viết lạnh tanh, dửng dưng mà lý trí đến kì lạ. Đoạn hắn ta kể lại cái chết của cô vợ chàng Tuân (nhân vật trong tiểu thuyết “Tuân” của hắn), tôi đọc mà không tránh khỏi sự rùng mình.

“Cô ta ngã xuống nền đất lạnh băng, ngấp ngứ mấy hồi đầy vật vã rồi chết. Tuân nhìn vợ, vẻ mặt lạnh băng rồi quay gót đi. Không một múi cơ nào trên gương mặt anh ta thể hiện sự đau buồn. Đó là điều mà tôi mà bà Mùi đều nhìn được. Tuân đóng cửa, tôi lui cui theo gót ra ngoài, để lại bà Mùi khóc lóc thảm thiết trước cái chết đầy sững sờ của cô con dâu. Tôi không dám ở lại căn phòng, vì nhớ lại khoảnh khắc đó mà cảm tưởng như sắp trào họng. Ý chết rất nhanh, rất gọn. Chính chúng tôi còn không ngờ cô ta chết nhanh đến vậy chỉ sau cuộc cãi vã với Tuân. Một vài phút ngắn ngủi nhưng thực là nỗi khủng khiếp đối với tôi. Hóa ra sinh mệnh con người có thể chấm dứt một cách dễ dàng đến vậy. Điều đáng sợ nhất vẫn là ánh mắt của Tuân khi đó. Tôi tự hỏi anh ta nghĩ gì trong bộ óc siêu việt đó. Một chút cảm xúc trên gương mặt, chúng tôi cố gắng kiếm tìm coi như sự an ủi cho cái chết của Ý mà không thể nào tìm nổi. Tuân thản nhiên đến lạnh lùng. Ra khỏi căn phòng, anh ta dựa tay vào lan can, gọi tôi châm lửa thuốc lá. Anh ta hút, cứ thế hết hai điếu, không nói gì cả, vẻ như rất bình thản trong khi tiếng khóc thảm thiết của bà Mùi vẫn cứ văng vẳng khắp căn nhà. Anh ta dí tàn thuốc vào thành lan can, thả cho nó rơi xuống rồi nói với tôi bằng một giọng rất tỉnh của một kẻ bao năm qua vẫn luôn tỉnh táo: Chú cùng mẹ tôi ở lại lo hậu sự cho Ý. Tôi vào Nam vài ngày, rồi tôi lại ra. Nói rồi, Tuân nhanh chóng bỏ đi. Tôi ngoái nhìn anh ta lần cuối, cố gắng tìm lấy chút cảm xúc trên gương mặt đó nhưng Tuân vẫn vậy, nét mặt anh không có chút thay đổi. Vang lên trong tôi chỉ có tiếng giày lạnh lùng của anh…. Và rồi vài ngày sau, Tuân chuyển cho tôi vài chục triệu với lời nhắn: Lo tang lễ cho Ý.”


Tôi đã đọc đi đọc lại tiểu thuyết “Tuân” của hắn, một cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhưng lại không được bày bán rộng rãi trên thị trường. Rất ít người biết đến nó, cả các đồng nghiệp của tôi cũng không ai biết. Có lẽ một phần là bởi hắn ta gửi gắm bản thảo của mình vào tay một nhà xuất bản trôi nổi không có tiếng tăm cho lắm.
Càng đọc “Tuân”, tôi càng tự hỏi người viết ra cuốn sách đó là người thế nào. Tôi nhanh chóng tìm được thông tin tác giả qua phần email ở bìa sách, liên lạc với anh ta ngỏ ý muốn hợp tác với bên xuất bản của chúng tôi. Nhưng cũng chính bởi càng đọc tác phẩm, nỗi lo trong tôi về con người tác giả trong lần đầu tiếp xúc càng lớn. Tôi tự hỏi hắn là người thế nào, nội tâm của hắn ra sao khi viết cuốn sách. Con người hắn là ai trong số hệ thống nhân vật: là Tuân lãnh đạm khó đoán; là Thuấn hèn nhát nhưng nhân ái, dịu dàng; là Ý mưu mô, tính toán nhưng thật lòng yêu chồng,,… Khúc mắc lớn của tôi nằm ở đó. Và hơn nữa, dù đã đọc “Tuân” rất nhiều lần nhưng tôi không thể nào hiểu nổi nội tâm của hắn. Những gì thấy được ở hắn chỉ là sự lạnh đạm đến thản nhiên và bình tĩnh; thậm chí có phần khiến tôi sợ hãi. Bởi vậy mà gặp mặt tác giả cũng là cơ hội để tôi được lý giải khúc mắc lớn trong lòng. Lo lắng nhiều như vậy, nên tôi đã đến hỏi thăm những người hàng xóm quanh đó, theo địa chỉ đã được đưa ra trong mail trước một hôm đến lịch hẹn. Những người khác có vẻ như không để tâm lắm, duy chỉ có bà cụ kia là niềm nở mời tôi vào nhà kể chuyện. Bà ấy nói rằng khi bà ấy chia sẻ với người khác về câu chuyện này, họ nghĩ mà hoang tưởng, nhìn nhầm; thậm chí nói thẳng ra là… họ chẳng để tâm lắm. Cũng đúng thôi, nhưng với tư cách là một biên tập viên, tôi không được phép bỏ sót bất cứ điều nào cả.

Tôi cứ ngồi lì trong lòng, suy nghĩ về vẻ ngoài, về cụm từ “biến thái” bà cụ gọi hắn, về sở thích sưu tập gương kín khắp nhà, và về những gì anh ta thể hiện trên trang giấy.

Không tránh khỏi gặp mặt, tôi cuối cùng cũng quyết định gặp hắn sau bao ngày hèn nhát viện cớ. Hôm thì đau mắt đỏ, hôm thì cảm cúm. Nhưng lần nào tôi cũng nhận được lời hỏi thăm tương đối "lịch thiệp" qua mail, quả như lời bà cụ. Nhưng sự lịch thiệp đó trong mắt tôi có vẻ hơi mang màu sắc dè chừng, ngờ như một sự đạo mạo giả dối của gã chăng. Tôi thiết nghĩ, hắn về cơ bản cũng không cần phải "lịch thiệp" đến mức vậy.

Gửi biên tập H

Tôi là X, nhà văn mà anh đã liên hệ để hợp tác cho cuốn sách sắp tôi. Tôi rất lấy làm tiếc khi anh liên tục gặp phải những điều không may mắn trong sức khỏe, có lẽ dạo gần đây dịch bệnh nói chung đang dần trở nên phức tạp hay chăng? Tôi cũng không rõ nữa nhưng khi biết tin anh ốm, tôi đã rất lấy làm buồn khi chúng ta không thể ngay lập tức bắt tay vào bàn luận về cuốn sách. Tôi sẽ rất vui nếu tình hình sức khỏe anh khá lên trong tương lai và chúng ta có thể gặp mặt.

Xin chúc anh thật nhiều sức khỏe!

Ký tên
X

Tôi có đưa vợ xem email mà hắn gửi, vợ tôi cũng nói rằng nó lịch thiệp quá mức cần thiết. Vợ tôi bổ sung thêm rằng văn phong viết mail của hắn giống như cung cách của một người nước ngoài viết thư trang trọng rồi dịch sang tiếng Việt vậy.
"I would be delighted to here if your health is getting better, until the day we can arrange our meeting." - "Em nghĩ nó sẽ là như vậy" - vợ tôi, một dịch giả nhận xét.

Tôi không nói gì nhiều lắm, vì khi đó tôi đương bận tận hưởng cảm giác được vùi mình trong lồng ngực ấm áp của người. Chỉ là một sự sực nhớ, chìa điện thoại cho người xem trong cơn ngái ngủ rồi lại say sưa rúc tìm hơi ấm của vợ.

Hai tháng sau sự kiện gặp gỡ, tôi chợt nhận ra nếu bản thân cứ viện cớ mãi, tôi sẽ không đạt được chỉ tiêu đặt ra cho công việc. Có vẻ mọi thứ mệt mỏi hơn tôi nghĩ. Tôi nửa phần lo sợ, nửa phần lười nhác, uể oải nhắn một chiếc mail cảm ơn sau hai tháng không trả lời vì cơn cúm rồi hẹn gặp mặt hắn vào Thứ Nam tới. Tôi có gọi điện trước cho bà cụ hỏi tình hình, nhưng chính bà cụ dạo gần đây cũng không qua lại quá nhiều với hắn. Bà chỉ bảo không thể viện cớ mãi là bản thân bị bệnh không có khả năng đưa đồ ăn được, vì có ai bệnh mãi đâu. Tôi gật gù đồng ý, bởi lẽ tình huống đó cũng giống như tôi hai tháng trước vậy.

Một căn nhà đầy gương...
Lối hành văn kì lạ....
Một kẻ kì quái và đạo mạo...

Tôi nghĩ rất hiếm nơi trong thành phố này có gia đình nào lại nuôi đom đóm. Ý tôi là, đom đóm ở quê tôi đầy, nhưng không ai lại nuôi ngài cả, đặc biệt trong thành phố. "Việc nuôi những con ngài có tác dụng gì nhỉ?" - Tôi nghĩ mãi.

Tôi hẹn hắn vào buổi chiều, nhưng có vẻ như gã bận. Hắn bày tỏ mong muốn nếu được, tôi có thể qua vào ngay tối hôm đó. Tôi cũng thoải mái vào buổi tối thôi, chỉ là tôi vẫn sợ hãi. Một lãnh địa toàn gương trong bóng tối, làm tôi có cảm tưởng như đang lạc vào nghĩa địa đêm; chỉ khác là qua gương thấy được bản mặt mình. Vừa dừng xe trước cửa nhà hắn, tôi đã thấy rập rờn ánh sáng của những con đom đóm. Tim tôi như lạc mất một nhịp, bởi trong đầu tôi khi đó chỉ nghĩ đến ma trơi.

Sợ khách lạ sợ, đúng bảy rưỡi tối, tôi thấy cánh cửa nhà hắn khẽ mở. Một người phu nữ bước ra. Tôi có thể khẳng định cô ta 100% là phụ nữ; bởi dẫu đường nét có trẻ trung, dáng người có nhỏ nhắn đến đâu, tôi vẫn thấy một nét đượm buồn nơi khóe mắt - điều mà tôi tin chỉ những người phụ nữ mới có được. Những cô thiếu nữ trở thành phụ nữ là khi, mắt họ biết buồn vì sự đời, biết sầu vì tình ái... Người đó cao chừng mét rưỡi như bà cụ miêu tả, mặc một chiếc áo cardigan màu be, phủ ngoài chiếc áo sơ mi nâu sờn vải. Tà váy xòe dài chấm gót, qua làn gió có thể lấp ló những lớp voan bồng trông rất nhã nhặn. Không sai được, đó chắc chắn là một người phụ nữ.

"Thưa ông, anh ấy đang chờ."

Một lời nói lịch thiệp quá mức thừa thãi. Thiết nghĩ, nếu là vợ tôi hay mọi người khác, họ sẽ chỉ nói: "Ồ, anh biên tập đã đến rồi đó sao. Mời vào, anh X đang chờ anh rồi." Thiếu sự suồng sã một cách cần thiết, tôi thoáng nghĩ vậy.

Tôi gật đầu, lặng lẽ theo chân người phụ nữ nọ bước vào trong căn nhà. Quả thực như bà cụ nói, hành lang bước vào bên trong trải dọc những tấm gương. Tôi thấy hơi ngợp, nhưng không phải bởi gương mà là bởi ánh sáng phản chiếu qua chúng. Chói mắt đên đáng sợ, tôi nhủ thầm.

"Hi vọng ông không thấy căn nhà này có chút dị hợm."

"Không. Không hề. Tôi nghĩ rằng chủ nhà là một người rất có gu. Việc sắp đặt nhà cửa bao giờ cũng mang một dụng ý nào đó mà đúng không? - Tôi vội vàng đáp mà không cần suy nghĩ, chỉ sợ người phụ nữ kia cho rằng tôi sợ mãi hoặc lờ mờ nghi hoặc tình trạng viện ốm của tôi bấy lâu nay.

"Ông nói phải. Mọi thứ đều là sự sắp đặt có dụng ý cả. Nhưng trên đời này vẫn có những điều rất tình cờ, cả việc sắp đặt nhà cửa vậy."
"Vậy sao?"
"Dạ. Tôi là một người khá ngẫu hứng, thích gì mua nấy. Tôi thường khó kiểm soát bản thân khi đi chợ đồ si, ở đó có quá nhiều thứ tuyệt vời của thế hệ trước mà chúng tôi nay không có. Tôi cứ mua chúng về la liệt nhà cửa, rồi sắp xếp chúng không theo một motif nào cả."

Tôi cười một cách nhẹ nhõm, có vẻ như cuộc hội thoại này không tạo cho tôi cảm giác khó chịu hay sợ sệt nào hết. Thoáng chốc, tôi đã quên đi những chiếc gương.
"Vợ tôi cũng là một người như vậy. Cô ấy đã từng vác về một chiếc đèn dầu Nga cổ, rồi ngày hôm sau đem về mấy chiếc chăn con công từ thời bao cấp xưa chỉ vì thấy bắt mắt quá. Ai đến nhà tôi cũng ngạc nhiên vì sự lộn xộn của nội thất. Tình cờ thật nhỉ."

Người đó mỉm cười, vẻ như thoải mái.

Chúng tôi bước đi trên chiếc cầu thang trải nhung đỏ, vẻ như châu Âu với những chiếc gương diềm khung mạ vàng kiểu cách.
"Vẻ như châu Âu vậy."
"Dạ đúng vậy, đoạn cầu thang được lấy cảm hứng từ đồ nội thất châu Âu. Thêm vào đó, tôi cũng thích cảm giác đi trên thảm nhung."

Dù có vẻ đang tung hứng trò chuyện rất tốt, nhưng tôi vẫn không dám hỏi về câu chuyện cái gương.
Tôi đi qua những cái gương, và đôi lúc tôi nhìn thấy gương mặt mình trong đó. Suy nghĩ không liên quan chợt thoáng qua khi tôi lờ mờ nhận thấy vết chân chim trên khóe mắt mình. Cuộc đời trôi nhanh hơn tôi nghĩ.

Chúng tôi dừng lại trước căn phòng có cửa gắn một tấm gương chữ nhật lớn. Toàn thân tôi in hằn lên tấm kính. Tôi nhìn gương, khẽ kéo vạt áo vest sao cho ngay ngắn, chỉnh lại cà vạt, hít một hơi thật sâu. Người phụ nữ gõ cửa, ba tiếng thật trầm.

"Anh biên tập H đến rồi ạ."

Cô ấy ra tín hiệu cho tôi bước vào, khi cánh cửa đã được mở hé chừng nửa bàn chân. Mắt tôi chưa kịp hé vào khe cửa thì mũi đã va phải một mùi hương nồng nản. Tôi tin đó là Cèdre. Gỗ tuyết tùng vốn là một trong những mùi hương yêu thích của tôi. Về cơ bản, không quá nhiều người thích nó bởi mùi tương đối cay, nồng, có một chút sắc khói trong đó. Nhưng tôi lại đặc biệt thích mùi gỗ tuyết tùng, như cách tôi yêu một bát phở đậm mùi quế và hoa hồi vậy (dù tôi biết rằng việc cho quá nhiều quế và hoa hồi sẽ khiến bát phở có vị hăng, cay, át mất vị ngọt đặc trưng của thịt và xương ống). Một căn phòng không có gương đập vào mắt tôi, đối lập hoàn toàn với không gian ngoài kia nơi hàng chục tấm gương phủ kín. Sàn trải thảm nhung, mặt bản trải khăn nhung tăm và các ghế ngồi đều được bọc nhung. Nhung và gỗ, hai chất liệu nổi bật trong căn phòng nơi gã tiếp khách. Tôi an vị ngồi vào ghế, mắt đảo một lượt quanh phòng tìm dấu hiệu của những chiếc gương, mũi vẫn không ngừng hít hà hương tuyết tùng nồng nàn.

Có tiếng bước chân người. Tôi nín thở.

Và rồi, hắn bước ra...
[Còn tiếp...]
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên