Tản văn Viết về sự viết

Hoạ sĩ

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/14
Bài viết
104
Gạo
1.264,0
Như mỗi ngày trong suốt 2 tháng trở lại đây, tôi tắt đèn đóng cửa căn xưởng vẽ trên tầng thượng rồi xuống gian gác nhỏ của mình với ý định sẽ ngủ trước nửa đêm để rồi bản thân lại bị những suy nghĩ vô tri trong đầu cuốn đi hết từ việc linh tinh này sang việc linh tinh nọ. Những tuần cuối năm âm lịch, hàng xóm nơi tôi sống tiệc tùng hát hò từ sáng tới đêm náo nhiệt ồn ào. Thế là, khuya, tôi đăng nhập lại vào chiếc tài khoản đã bỏ không từ lâu ở Gác để thực hiện một việc mà mình thi thoảng vẫn nghĩ đến mỗi vài năm một lần: xoá đi những câu chuyện dở hơi mà mình từng sáng tác từ 7 đến 9 năm về trước.

Đã 7 năm, tôi vẫn nhớ mình từng luôn yêu thích việc đọc sách và sáng tác văn học kể từ khi còn nhỏ, lại có một tâm hồn sớm sâu sắc, nên lỡ viết ra những điều mình “tưởng thế là hay” cho đến khi tôi gặp được Thầy. Ngày ấy khi tôi còn sinh viên, trong bài thi kết thúc môn Mỹ học hồi năm hai, Thầy đưa cả lớp đi xem một buổi triển lãm rồi cho chúng tôi ngồi làm bài thi ngay dưới vỉa hè, Thầy dặn: “Mình không cần đọc một bài viết hay, các em chỉ cần viết sự thật về những gì các em tự nhận thấy.” Vài chục sinh viên mỹ thuật trong một khoá khi đó ngồi rải rác dưới hè phố, chia nhau giấy bút để làm bài thi. Kết quả, sau này Thầy kể: “9 điểm là điểm cao nhất mà mình từng chấm cho một sinh viên. Trong suốt 7 năm mình dạy ở trường mĩ thuật, em là sinh viên duy nhất được mình cho điểm 9.” Kể từ đó, tôi không sáng tác thêm bất kì một câu chuyện tưởng tượng nào nữa. Tôi nhận ra: sáng tạo không phải là tưởng tượng, sáng tạo thực chất đến từ nền tảng, và để đi được đến nghệ thuật thì còn cần cả sự thành thật với chính mình.

Sự đời kì diệu lắm thay, như thể khi tôi đã nhận ra đúng đường thì mọi chuyện liên quan tới cái “sự viết” lại chảy trôi như thuận theo con nước. Tôi theo Thầy mình đi khắp nơi, có những buổi tối tôi ngồi gà gật ngủ trước mặt bác Phan Cẩm Thượng khi bác đang say sưa giảng về lịch sử mĩ thuật, lại có khi ngồi cà phê xem bác Nhật Chiêu đọc tarot hoặc bói Kiều, hay tôi tới Sài Gòn múa cùng Trần Tiễn Cao Đăng, vào Hội An sang nhà bác Nguyên Ngọc ăn chè, đi miền Tây ngồi quán vỉa hè uống nước cóc với Nguyễn Ngọc Tư… Xuôi theo con nước, tôi ghé chơi cùng những người hành nghề viết, cho đến một ngày thấy chính tên mình được in trên bìa một cuốn sách lớn dưới vai trò dịch giả.

1296 trang của cuốn sách Van Gogh: The Life do tôi cùng với 3 người bạn khác chuyển ngữ trong suốt 3 năm liền. Ngày ra mắt, bác Trịnh Lữ trìu mến nhìn chúng tôi ngợi khen bản dịch. Mà có lẽ ít ai biết rằng cả 4 dịch giả đều không có chuyên môn về ngôn ngữ, dịch thuật, thậm chí toàn những người mất gốc tiếng Anh. Nhưng chính Thầy, người đã tin tưởng giao cho chúng tôi cuốn sách, đã nắm bắt được thế mạnh trong ngôn ngữ của từng người để phân chia nhiệm vụ dịch, và Thầy chính là người hiệu đính. Dịch thuật không chỉ đơn thuần là chuyển đổi từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác dựa trên tác phẩm đã sáng tác. Mỗi bản dịch đều có cuộc đời riêng của nó, mà đôi khi là riêng biệt với tác phẩm gốc. Đã 2 năm kể từ ngày phát hành nhưng tôi vẫn chưa đọc lại nó thêm lần nào, nhưng hành trình dịch sách trong suốt 3 năm thì vẫn còn in dấu với biết bao lần tranh cãi nảy lửa, hay những cảm xúc thăng trầm trong cuộc sống của chính chúng tôi khi dường như bị cuốn theo cuộc đời của nhân vật.

Giờ đây, tôi viết, theo một cách khác với trước kia. Không còn dùng con chữ để miêu tả lại những điều mĩ miều trong tâm trí, không viết để cho người khác đọc và khen hay, không viết để thể hiện năng lực, hay để thao túng một điều gì đó theo mong muốn mình. Tôi cố gắng viết ra những điều không thừa không thiếu, viết đủ. Tôi viết cho tôi để phản tư, tôi viết cho những con người cụ thể khi tôi cần bày tỏ điều gì với họ, viết để lên tiếng khi nhận ra những điều không ổn, viết cho sự rõ ràng, viết để tìm đường, viết để xua đi sự nhập nhằng, viết để tỏ mình, viết để hiểu thêm về con người.

Ngôn từ là một phương tiện mô tả, nó nhiều lời, nên đôi khi ta dễ bị nó đánh lừa. Cũng như tâm trí chúng ta luôn ngập tràn trong những dòng suy nghĩ xoáy vòng không ngơi nghỉ. Nên tôi viết để tự đọc, đọc để nhận diện, rồi định hình lại con đường suy tư của bản thân. Còn khi tâm trí đã thảnh thơi (hoặc phát điên), tôi sẽ vẽ, vì hội hoạ không cần đến sự diễn giải của ngôn từ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Hexagon

-trong sáng-
Tham gia
6/12/13
Bài viết
4.038
Gạo
3.378,0
Re: Viết về sự viết
Cuốn Van Gogh bạn bè anh nhiều người mê lắm :D.
 
Bên trên