1. TÔI VÀ CUNG HOÀNG ĐẠO
Cung Hoàng đạo là một kiến thức chiêm tinh học và thiên văn học của phương Tây thời cổ. Mười hai chòm sao tạo thành mười hai cung trong vòng tròn hoàng đạo, có nghĩa "Đường đi của mặt trời".Theo đó, ai sinh ra trong thời gian
mặt trời đi qua chòm sao nào thì họ sẽ được chòm sao đó chiếu mệnh và tính cách của họ cũng bị chòm sao ảnh hưởng nhiều.
[1]
Lần đầu tiên đọc kết quả cung Hoàng đạo của mình, tôi thật sự ngạc nhiên vì nó nói đúng đến tám mươi phần trăm về tính cách của tôi. Tham khảo một số bạn bè, họ cũng nói rằng những kết quả cho cung của họ là khá chính xác. Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại tại đó. Qua tìm hiểu thực tế, tôi thấy rằng có những cung được cho là khắc tinh của nhau lại là những người bạn thân suốt đời, trong khi những cung được xem là bạn hữu lại chẳng ưa gì nhau. Đi xa hơn nữa, tôi nhận thấy những dự đoán của cung Hoàng đạo như “
Cặp đôi nào là tốt nhất?”, “
Tử vi mười hai cung Hoàng đạo trong tháng này”, hay “
Con số may mắn dành cho cung Hoàng đạo của bạn,”…lại mang tính cách bói toán hơn là khoa học.
Trước đây tôi không tin vào cung Hoàng đạo, và đến bây giờ cũng như vậy. Tuy nhiên, tôi không cho nó là một sự mê tín dị đoan. Nó là một ảnh hưởng của tâm lý học lên con người thì đúng hơn.
Người ta tin vì cung Hoàng đạo dường như nói đúng về tính cách của mình. Từ đó, họ tin luôn vào những điều còn lại như về vận mệnh, tương lai mà cung Hoàng đạo nói về họ.
Nhà tâm lý học Bertram đã cho sinh viên làm một bài trắc nghiệm tính cách với nhiều lựa chọn, nhưng chỉ có duy nhất một kết quả được tổng hợp từ bài phân tích tính cách mười hai cung Hoàng đạo.
Các sinh viên được yêu cầu đánh giá độ chính xác của kết quả trên với bản thân, dựa vào thang điểm từ một đến năm. Số điểm trung bình lên tới 4,26 đã khiến chính tác giả cuộc nghiên cứu cũng phải bất ngờ. Số điểm này cho thấy một sự thật khó tin: phần lớn sinh viên đánh giá kết quả duy nhất của cuộc trắc nghiệm là chính xác với họ.[2]
Nếu mười hai cung Hoàng đạo đều có những nhóm tính cách khác biệt, thì tại sao hầu hết các sinh viên của Bertram lại cho rằng kết quả duy nhất đó đã mô tả đúng con người họ? Rõ ràng n
iềm tin vào cung Hoàng đạo thường sẽ tăng tỉ lệ thuận với số lần bạn đọc được thông tin “tình cờ” chính xác. Tuy nhiên, sự tin tưởng ấy rất có thể chỉ là kết quả của một hiện tượng tâm lí mang tên xác nhận chủ quan – Bạn sẽ chỉ chú ý tới những thông tin trùng hợp ngẫu nhiên chứ không quan tâm tới thông tin sai lệch.
Vấn đề lớn nhất mà cung Hoàng đạo có thể gây ra là nó sẽ giới hạn cách suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống của người đặt niềm tin vào nó. Chẳng hạn nếu cung Hoàng đạo cho biết tuần này bạn sẽ sa sút tài chính, bạn có thể sẽ cảm thấy lo lắng và trở nên dè xẻn quá mức cần thiết; ngược lại, nếu nó “dự báo” bạn sẽ rủng rỉnh hầu bao, có thể bạn sẽ phung phí tiền bạc vì chắc mẩm mình sẽ gặp vận may.
Ngoài ra, bạn có thể còn tự áp đặt cho bản thân những nét cá tính mà cung Hoàng đạo đã “quy định” cho cung của bạn. Chẳng hạn bạn sinh ra trong cung Nhân Mã và cung Hoàng đạo nói rằng Nhân Mã thường ham chơi, bốc đồng, khảng khái… và bạn sẽ tưởng rằng mình có tính cách đó thật. Đây chính là một biểu hiện của hiện tượng tự kỉ ám thị. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là khi các nét tính cách mà cung Hoàng đạo “quy định” lại là tiêu cực. Người tin vào mười hai cung Hoàng đạo sẽ cho rằng mình đã được “Trời định” cho những tính xấu đó rồi, vậy nên không việc gì phải thay đổi.[3]
Đã là con người thì ai cũng có những ưu, nhược điểm riêng, nhưng tính cách không phải là sự thật bất biến. Không phải vì cung Hoàng đạo nói bạn là người nhút nhát mà cả đời bạn không bao giờ dám tự tin đứng trước đám đông. Nếu bạn thực sự ý thức được về những vấn đề của bản thân và nỗ lực thay đổi chúng, bạn chắc chắn sẽ thành công.
Vì thế, cung Hoàng đạo đối với tôi chỉ là một phần mang tính chất giải trí. Nó có thể đúng, cũng có thể sai về tính cách của tôi, nhưng chắc chắn nó không thể quyết định được bạn bè tôi phải chơi là ai, tôi phải tránh không được tiếp xúc với ai, hay số phận tôi sẽ phải như thế nào.
2. NHÂN MÃ
Theo Hoàng đạo thì tôi thuộc cung Nhân Mã. Và tôi thích những mô tả về tính cách của cung này vì phần nào nó nói lên con người của chính tôi:
Tính hướng ngoại, lạc quan, nhiệt tình của Nhân Mã khiến mọi người xung quanh ít khi thấy cung này buồn và than vãn. Dường như khám phá những điều mới lạ là điều không thể thiếu trong cuộc sống của Nhân Mã. Họ không thể đứng hay ngồi yên một chỗ mà không vận động và di chuyển.
Nhân Mã thích các hoạt động xã hội, thích sự tự do. Trong tính cách của Nhân Mã có sự đối kháng với các nguyên tắc mang tính áp đặt. Họ ghét nhất là sự quanh co, lừa dối.
Mặc dù thông minh và có tinh thần cầu tiến, Nhân Mã có điểm yếu là cư xử thiếu tế nhị. Trong các mối quan hệ, nó yêu cầu sự độc lập. Trong tình yêu, Nhân Mã không thể phủ nhận rằng mình là sao rộng lượng và đa tình nhất trong Hoàng đạo.
Cũng giống như chòm Bạch Dương và Sư Tử, Nhân Mã là một thành viên trong nhóm Hỏa.Có thể bất ngờ “bùng cháy” khi bị ai đó chèn ép hoặc cư xử suồng sã.
Về mối quan hệ, Nhân Mã hẹn hò với: Sư Tử, Bạch Dương; làm bạn với Xử Nữ, Song Ngư, và khắc tinh của Nhân Mã là Song Tử.
Về tính cách, nó chỉ sai ở chỗ tôi là một người hướng nội và thỉnh thoảng người khác cũng nhìn thấy tôi buồn. Những kết quả còn lại là khá đúng. Tôi không bao giờ than vãn trực tiếp và ít khi mượn những dòng trạng thái Facebook để thể hiện tâm trạng chán nản của mình. Tôi cực kỳ ghét sự dối trá và sự áp đặt – tôi thích công lý và tự do. Về tình yêu, tôi thừa nhận mình rất đa tình – theo như cách hiểu về đa tình mà tôi sẽ nói sau. Còn về mối quan hệ hợp hay không hợp với các cung khác thì đó là điều tôi sẽ kiểm chứng dần.
Một lý do nữa để tôi thích các mô tả trên là vì nó đưa ra nhiều lời khen ngợi hơn là chê bai, nhiều điểm tích cực hơn là tiêu cực – rõ ràng đây là một ảnh hưởng về mặt tâm lý. Trong kết quả trên, tôi chỉ có khuyết điểm duy nhất là thiếu tế nhị trong cư xử, và thật đúng như vậy. Thiếu tế nhị là xấu, nhưng tôi hy vọng có một ngày tôi sẽ cải thiện được nó. Nhưng quả là thảm họa nếu như một ai đó bị nhận xét là “người bi quan, ngu dốt và không có tinh thần cầu tiến”, phải không các bạn? Người đó chắc sẽ mặc định đây là tính cách của mình, sẽ luôn đau khổ, thất vọng vì mình suốt đời sẽ không bao giờ thấy được ánh mặt trời.
Nhưng thế gian này đâu phải chỉ cung Nhân Mã mới có người đa tình, và ngược lại tôi cũng không tin rằng tất cả người thuộc cung Nhân Mã đều đa tình, huống chi lại là đa tình nhất. Chính những chữ “nhất” này thường làm người ta ngộ nhận và hoang tưởng. Lấy ví dụ một cô bé cung Song Tử chia sẻ trên facebook thế này: “
Top 7 chòm sao dễ thương khiến đối phương xin chết dưới chân: ‘…vô địch: Song Tử’”, và rồi cô bé ấy cứ đinh ninh rằng mình là người dễ thương nhất, trong khi mọi người xung quanh ai cũng ngao ngán về tính cách, nhan sắc và toàn bộ con người của cô bé đó và đang tìm cách tránh xa. Trong trường hợp này, chữ “nhất” đã gây hại hơn là có ích cho chủ nhân.
Vòng đi quanh lại, tôi không nhận chữ ‘nhất’, nhưng tôi tạm nhận chữ ‘đa tình’. Nguyên nhân của việc tôi là người đa tình, tôi sẽ giải thích theo một cách khoa học hơn trong khả năng có thể.
3.BỆNH LỚN TIM
Thỉnh thoảng chúng ta nghe thấy một lực sĩ hay một vận động viên đang chơi đột nhiên bị tử vong vì
bệnh tim to. Trong y khoa gọi bệnh tim to là
cardiomegaly. Ở lồng ngực, đường kính của tim thường phải nhỏ hơn một nửa bề ngang của lồng ngực. Nếu lớn hơn thì tim được coi là tim to. Kích thước này có thể xác định bằng máy siêu âm hay quang tuyến.
Lần đầu tiên tôi để ý đến tim của mình là vào đầu năm lớp mười. Hôm đó cả lớp tập chạy bền bốn vòng sân vận động. Tôi chạy được hai vòng thì thầy dạy thể dục bảo dừng lại thầy kiểm tra. Thầy cầm tay tôi và nhìn đồng hồ chừng một phút. Sau đó tôi hoàn tất hai vòng nữa thì thầy lặp lại quá trình bấm huyệt, xem đồng hồ. Xong thầy bảo tôi đi qua đi lại một tí, rồi bắt mạch lần thứ ba. Không im lặng như những lần trước, lần này thầy kinh ngạc thốt lên:
- Sao kỳ vậy ta?
Không chỉ thầy thấy kỳ, mà tôi và cả lớp cũng thấy quá kỳ. Chúng tôi đều không hiểu mục đích thầy làm vậy để làm gì nữa. Cuối giờ, thầy tập trung cả lớp lại để giải tán, và trước khi ra về, thầy phán một câu làm cả lớp ai cũng bàng hoàng:
- Lớp này có người bị bệnh lớn tim.
Lúc ấy tôi không hiểu bệnh lớn tim có phải là
bệnh tim to theo định nghĩa của y học hay không, nhưng tôi và cả lớp hiểu thầy muốn ám chỉ ai. Đứa nào cũng cảm thấy sợ hãi nhưng không ai dám hỏi thầy thêm gì. Từ hôm đó đến bây giờ tôi cũng chưa từng một lần đi khám tổng quát, nói gì đến chụp X-quang hay siêu âm lồng ngực, nên cũng chẳng biết kích thước tim mình như thế nào nhưng chắc chắn nó khá lớn. Mỗi khi đặt tay ở ngực phải tôi vẫn cảm nhận được tim mình đang đập cũng mạnh y như khi đặt tay trên ngực trái vậy. Bạn có thể tự kiểm tra xem thử có giống tôi hay không, nếu có thì bạn cũng đừng nên lo lắng – bạn chỉ mắc bệnh lớn tim mà thôi.
Tôi vẫn chơi các môn thể thao vận động mạnh, vẫn thường hay xúc động trước những hoàn cảnh thương tâm và những sự việc bất ngờ, vẫn thức thật khuya và dậy thật sớm khi cần, thỉnh thoảng vẫn làm việc quá sức. Dầu vậy tôi vẫn chưa thấy triệu chứng nào mà sách vở kể về
bệnh tim to như đau ngực, nặng ngực, khó thở, mệt mỏi, bị ngất đi, tim đập sai nhịp như rung tâm nhĩ, tâm thất đập nhanh…Và đến giờ tôi vẫn sống khỏe mạnh sờ sờ ra đó!
Vì thế, tôi kết luận chắc chắn rằng
bệnh lớn tim và
bệnh tim to là hai thứ bệnh khác nhau, mặc dầu chúng ta cứ thường nghĩ rằng ‘to’ cũng đồng nghĩa với ‘lớn’. Một kết luận thứ hai mà tôi rút ra, đó là bệnh của tôi có liên quan đến việc tôi là người đa tình. Ai mà không biết rằng trái tim tượng trưng cho tình yêu, phải không các bạn? Không chỉ người Việt, mà hầu như hết thảy những dân tộc trên thế giới đều có chung hình ảnh này về tình yêu. Tố Hữu chẳng đã viết về nàng Mỵ Châu “
Trái tim lầm chỗ để trên đầu” để ám chỉ nàng coi trọng tình yêu hơn lý trí hay sao? Và tất cả các mạng xã hội quốc tế rõ ràng dùng biểu tượng trái tim để biểu lộ cho tình yêu.
Vì tôi bị bệnh lớn tim, điều này ảnh hưởng rất nhiều lên mặt tình cảm của tôi: tôi có khả năng, và có trách nhiệm phải yêu nhiều – hay nói theo từ Hán Việt là tôi bị bệnh đa tình. Tôi không biện hộ cho mình, nhưng liệu tôi có thể làm gì khác hơn được? Người có não to thì phải suy nghĩ nhiều, người có chân dài thì chắc phải chạy rất nhanh, người có bụng to thì chắc chắn ăn và uống rất khỏe. Vậy bạn sẽ làm gì nếu bạn bị lớn tim? Tôi cố gắng lý luận để bạn có thể thông cảm phần nào cho căn bệnh của tôi, và cũng có thể đồng ý với tôi về một kết luận mang tính khoa học hơn rằng:
người đa tình nhất không nhất thiết phải là người thuộc cung Nhân Mã, nhưng đó là người có trái tim lớn nhất.
4.BỆNH NÓNG MÁU
Đọc tựa đề chắc bạn tự hỏi, bệnh nóng máu là gì, nó có liên quan gì đến câu chuyện này? Thật ra nó cũng là một phần không thể thiếu được để các bạn có thể hiểu về tính cách của tôi. Tôi là người rất nhiệt tình. Tôi nhiệt tình đến mức luôn là người đến sớm trong mọi cuộc hẹn, và lẽ dĩ nhiên tôi phải đợi. Tôi nhiệt tình đến mức luôn chuẩn bị chu đáo cho mọi kế hoạch, và nhiều lúc những kế hoạch đó mang lại cho tôi nỗi thất vọng cùng cực vì đến giờ chót thì người ta cho tôi leo cây. Tôi cũng nhiệt tình trước mọi cuộc thi đấu ăn thua vì tôi luôn muốn mình là người chiến thắng.
Theo âm Hán Việt, nhiệt có nghĩa là nóng – vậy nhiệt tình có thể hiểu nôm na là ‘tình cảm nóng.’ Nóng ở đây không phải kiểu nóng trong chữ
hot-girl hay
hot-dog, nhưng đó là sức nóng của mặt trời, của ngọn lửa, hoặc của một cái gì đó có thể phát sinh nhiệt.
Nhiệt tình có được là nhờ nhiệt huyết – tức máu nóng, và ngược lại, tình cảm nóng cũng sinh ra máu nóng. Nhiệt tình và nhiệt huyết luôn tác động qua lại cho nhau. Vậy có kể kết luận chắc một điều là rằng tôi rất dễ nóng máu. Tôi chưa đi hiến máu, và cũng chưa xét nghiệm máu nên vẫn không biết mình thuộc nhóm máu gì, nhưng rõ ràng tôi không thuộc nhóm máu lạnh. Mỗi khi có gì trái ý mình, hoặc nhìn thấy sự bất công thì tôi cảm thấy máu nóng dần lên từ chân đến đỉnh đầu, và tôi phải làm một cái gì đó để hạ hỏa: hoặc là đấm tay vào tường, hoặc đá vào cửa, hoặc bẻ gãy hay đập vỡ một vật dụng nào đó.
Ba tôi là người đầu tiên phát hiện ra tôi bị bệnh. Năm đó tôi mười bảy tuổi – lứa tuổi gọi là bẻ gãy sừng trâu. Dầu như đã nói, tôi không có triệu chứng nào của bệnh tim hoặc cao huyết áp, nhưng thấy cái máy đo huyết áp điện tử mới mua, tôi cũng thử đo xem huyết áp mình thế nào. Ai cũng biết rằng huyết áp lúc nghỉ của người bình thường là 120/80mmHg, và hễ lên 130/90 thì được xem là cao huyết áp. Vậy mà khi đo thì con số của tôi lên đến 150/110, còn cao hơn cả ba tôi là người lúc đó đang chữa trị bệnh. Ngay lập tức, tôi được dùng chung chế độ với ba: nhịn hết mọi loại thức ăn khác và chỉ ăn bắp chuối hột hầm lạt với tim heo.
Sau một tháng kiên trì thì huyết áp của ba tôi đã trở về mức bình thường, còn tôi chẳng có gì thay đổi, hay nói chính xác là thay đổi theo một chiều hướng khác. Trong khi chỉ số huyết áp của tôi vẫn ở mức 150/110, thì tôi phải đi du lịch một tuần ở bệnh viện vì một lý do khác: tôi kiệt sức vì thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Sau khi hồi phục, tôi đành phải chấp nhận xem mức huyết áp này là bình thường, mặc dầu đối với tất cả mọi người khác nó có thể là cao. Nói cách khác, tôi không mắc bệnh cao huyết áp, mà chỉ bị bệnh nóng máu.
Tôi rất nóng tính, dễ nóng vội và thường hay nóng giận. Đây là tính cách của người Hàn Quốc – theo như tôi biết và qua những người Hàn tôi tiếp xúc – thì họ nóng nảy vì luôn phải ăn món kim chi. Còn tôi vốn không thích ăn ớt hoặc những món đắng cay, nên lý do tôi có huyết áp 150/110 đến giờ vẫn là một điều bí ẩn với mọi người.
Theo cung Hoàng đạo thì tôi thuộc nhóm Hỏa. Nhưng lý do thật sự tại sao tôi bị bệnh nóng máu thì tôi vừa khám phá ra. Theo y học, việc tăng huyết áp gây nhiều áp lực cho tim. Có lẽ đây là một phần nguyên nhân của việc tôi bị lớn tim. Và ngược lại, vì tim tôi lớn nên nó sinh công rất nhiều. Khi công năng không được sử dụng nó sẽ chuyển thành nhiệt năng, và nhiệt năng đó tác động vào máu của tôi sinh ra nhiệt huyết. Nhiệt huyết khi không có cơ hội phát huy sẽ bị đè nén, như kiểu bạn nấu nước sôi mà đậy kín nắp vung, thì nó sẽ tạo ra áp lực – và áp lực này đẩy chỉ số huyết áp của tôi lên cao vút.
Tóm lại, tôi phải sống suốt đời với hai căn bệnh hỗ tương lẫn nhau mà không bệnh viện nào có thể chữa trị: bệnh lớn tim và bệnh nóng máu.
5.ĐA TÌNH LÀ GÌ?
Để tiếp tục câu chuyện, tôi thiết nghĩ chúng ta phải thống nhất với nhau về ý nghĩa của chữ đa tình, kẻo chúng ta lại hiểu lầm và hiểu sai về nhau. Nếu
sớt gu gồ thì chúng ta thấy có khá nhiều khái niệm sai như sau:
“
Đa là nhiều - người đa tình là yêu nhiều người cùng một lúc, nhưng yêu ai cũng thật lòng hết.” Tôi lấy kinh nghiệm của mình đảm bảo rằng không ai có thể nào yêu cùng lúc nhiều người mà có thể đều thật lòng với tất cả. Và trong cuộc đời tôi đúng là có yêu hơn hai người, nhưng luôn luôn chỉ yêu một người trong mỗi thời điểm mà thôi.
“
Đa tình là tính xấu của một người không biết yêu, không có tình yêu chân chính, chỉ có tình dục núp dưới vỏ yêu đương thôi.” Khái niệm này lại càng quá sai. Các bạn nghĩ thế nào là tình yêu chân chính còn thế nào là tình yêu chân phụ? Tình yêu của các bạn có chân chính hơn của tôi hay không? Chẳng lẽ các bạn là những người duy nhất biết cách yêu, còn người đa tình thì chỉ thiên về mặt thể xác? Bạn sẽ nghĩ sao nếu tôi đặt vấn đề ngược lại: “đa tình là tính tốt của một người biết yêu…”
Một định nghĩa thứ ba có vẻ đúng hơn về mặt chữ nghĩa: “
Người đa tình là người nhiều tình cảm, gặp ai cũng thích, đi đâu cũng yêu...Người đó luôn rải tình yêu đi bốn phương.” Tuy nhiên, nó chỉ đúng được đến dấu phẩy đầu tiên: đa tình là nhiều tình cảm, chấm hết. Phần còn lại nên xóa đi vì nó không thể quy gán cho người đa tình. Loại người gặp ai cũng thích, đi đâu cũng yêu thì người ta gọi là đồ lăng nhăng, là đồ yêu tạp, là đồ không vững lập trường, đồ vô trách nhiệm và tóm lại là đồ bỏ đi. Vậy mà còn bày đặt rải ‘tình yêu’ đi bốn phương thì thử hỏi đó là loại tình yêu gì nhỉ?
Tóm lại, không ai có thể định nghĩa chính xác thế nào là đa tình, trừ khi chính người đó là người đa tình. Chúng ta không thể nói về cái chúng ta chưa từng kinh nghiệm, có phải không ạ? Có những điều tai nghe, mắt thấy, nhưng nếu chưa nếm qua thì chúng ta cứ chê bai nó là dở, là hôi. Nhưng khi chính mình đã kinh nghiệm rồi thì chúng ta mới biết đó là một loại đặc sản mà hiếm người nếm được.
Tôi chưa thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng, nhưng tôi sẽ khái quát để các bạn hiểu phần nào về người đa tình. Tôi có trái tim lớn, nhưng không phải vì thế tôi có thể cùng một lúc yêu được nhiều người trên phương diện tình yêu nam nữ. Trong trường hợp này, sự khác biệt là ở chất lượng chứ không phải ở số lượng. Tình cảm của tôi chân thành hơn, sâu đậm hơn, và đầy đam mê hơn.
Bên cạnh đó, là người có nhiều tình cảm, tôi vẫn có thể quan tâm đến nhiều người khác nhưng không nhất thiết là tình cảm nam nữ. Có thể đó cũng chỉ là tình cảm bạn bè, tình thân trong gia đình, hay thậm chí là tình cảm của con người đối với nhau mà thôi. Chính vì điều này mà người ta hay gán rằng tôi yêu đơn phương quá nhiều người, hay trong tim tôi chứa hàng ngàn bóng hình, hoặc hờn trách vì tôi chỉ dùng nửa trái tim để yêu. Nhưng tất cả chỉ là những sự hiểu sai mà tôi phải chịu.
Phần lý luận đến đây là hết. Và sau đây tôi cũng sẽ minh họa qua một vài câu chuyện "tình" chọn lọc của cuộc đời tôi nhằm giúp các bạn biết rằng người đa tình là một người yêu hết mình, luôn chung thủy và sẵn sàng hy sinh tất cả vì người mình yêu, cho dù người đó có lúc chỉ cần yêu bằng nửa trái tim là đủ.
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Cung_Hoàng_Đạo
[2] Ali Luke, “Why You Should Ignore Your Horoscope”, 2009.
http://www.dumblittleman.com/
[3] Như trên.