Yêu cậu học sinh cá biệt
Chương 4
Sau một đêm khóc hết nước mắt vì xấu hổ, trưa nay, người ta lại thấy Bảo An gương mặt tràn đầy tự tin, đứng trước cổng trường Trung học Phổ thông Bình Minh, tiếp tục thực hiện kế hoạch.
Hôm nay bụng dạ không đau nên trống trường vừa điểm, Phong cũng hòa cùng đám học sinh ra khỏi trường luôn. Giữa bao nhiêu học sinh, ai nấy đều mặc bộ đồng phục như nhau, Bảo An vẫn có thể xác định được “con mồi” của mình. Đúng là tiếng gọi của tình yêu có khác.
Vừa nom thấy An hí hửng phi xe đến chắn ngay trước mặt, Phong liền chẹp miệng một tiếng, rồi dùng giọng điệu không thể chán nản hơn mà rằng:
“Lại là mày à?”
Nụ cười trên môi vẫn rạng ngời không tắt, Bảo An nhanh nhảu đáp:
“Tớ đến đón cậu mà.”
An có lòng mà Phong chẳng có dạ. Không cần tốn một giây suy nghĩ, Hoài Phong phũ phàng từ chối luôn:
“Không khiến.”
Nói đoạn, cậu đút tay túi quần, đủng đỉnh đi tiếp. Trên gương mặt thoáng chút thất vọng, nhưng rồi An nhanh chóng phi xe lên chặn trước mặt Hoài Phong, bất bình lên tiếng:
“Cậu hứa sẽ trả ơn tớ mà.”
Bằng chất giọng đều đều, Phong đáp:
“Vậy bây giờ mày muốn gì?”
“Tớ muốn... cậu thực hiện mọi yêu cầu của tớ vô điều kiện và vô thời hạn.”
“Mơ à? Chỉ là cho đi nhờ xe thôi mà.”
Vội vàng hét to, Phong đã làm cho con bé trước mặt giật mình đến co rúm cả người rồi kìa. Nhưng An cũng chẳng vừa. Con bé vênh mặt lên hét:
“Vậy được! Để tớ la toáng lên cho mọi người biết hôm qua suýt nữa thì phải ‘ấy’ ở gốc cây nhá.”
Một vài học sinh nghe thấy tiếng “vàng oanh” của An bèn đồng loạt quay lại nhìn, chỉ trỏ bàn tán:
“Hình như là Hoài Phong mà.” Học sinh số một cho hai.
“Ờ đúng rồi. Mà con kia nó nói anh ý ‘ấy’ ở gốc cây là sao?” Học sinh số hai góp lời.
“Hay thằng đó bị ảo tưởng, nghĩ cái cây là đứa nào đấy, rồi...” Một nam sinh với gương mặt hết sức biểu cảm bình luận.
“...”
Ở cái trường này, có ai mà không biết tới Phong cơ chứ. Độ “nổi tiếng” của cậu còn phủ sóng khắp mấy trường gần đó nữa cơ. Học sinh ngoan, học sinh hư ai ai cũng từng nghe danh cậu. Hoài Phong là thủ lĩnh của “Lượn” – một “băng đảng” nổi tiếng trong thế giới của những đứa học sinh cá biệt. Ở cái thế giới ấy, Phong có nhiều người nể nhưng cũng không ít đứa thù. Nhưng dù là nể hay thù thì cái chuyện đáng xấu hổ kia không thể để cho ai biết được.
Đám học sinh bu lại ngày càng nhiều, lời bình luận về từ “ấy” của Bảo An càng lúc càng tăng. Hoài Phong bắt đầu nóng mặt. Cậu nhìn con bé lùn lùn trước mặt bằng ánh mắt đã hằn lên tia đỏ. Bàn tay nắm chặt, Phong nghiến hàm răng lộ rõ vẻ tức giận. Bảo An thấy vậy cũng hơi tái nhưng con bé vẫn ương bướng hỏi lại:
“Sao? Cậu... đồng ý chứ?”
Hoài Phong cố kìm chế, hít một hơi thật sâu, rồi thở hắt ra, điềm tĩnh nói:
“Được. Giữ mồm giữ miệng là được.”
Nghe vậy, An nhà ta lấy làm hí hửng lắm. Búng tay cái tách, con bé dõng dạc đặt ra yêu cầu đầu tiên:
“Trước mắt, tớ muốn cậu cho phép tớ đến đây đón cậu mỗi ngày.”
Rõ phiền phức, Phong chẳng thích thế chút nào. Huống hồ, có bao giờ Phong về nhà ngay đâu cơ chứ. Sau khi tan học, Phong còn bận tụ tập cùng đám bạn cơ. Để đám ấy chứng kiến cảnh cậu ngồi sau xe một đứa con thì thật chẳng ra thể thống gì cả. Có điều lời đã hứa, kẻ quân tử như Phong, sao có thể nuốt lại?
“Nhưng tao không ngồi xe mày đâu. Mày chỉ được phép đi theo bên cạnh thôi.”
“Ơ...”
An định phản bác lại nhưng vừa nhìn thấy đôi mắt Phong đang trừng trừng nhìn thẳng mặt mình, con bé liền ngậm ngùi đồng ý. Thế là trên con đường ngập tràn tiếng ve kêu, bằng lăng nở tím hai bên đường, người ta thấy một cậu con trai đủng đỉnh, tay đút túi quần đi phía trước, một đứa con gái lái xe chậm chậm, lẽo đẽo theo sau. Nhìn cậu con trai kia sang chảnh quá chừng!
Được sự đồng ý của Hoài Phong, ngày nào An cũng chăm chỉ ngược nắng, ngược gió, ngược đường đến đón “bạn là con trai”. Vì nắm được thóp Phong nên An càng lúc càng lấn tới, đòi hỏi vô tội vạ.
Chuyện kể rằng, hôm đấy Hoài Phong đang điếc hết cả tai vì tiếng An léo nhéo đằng sau, bỗng dưng lại thấy im bặt. Cậu quay xuống nhìn thì thấy An đang đứng nhìn chằm chằm vào quán “sữa chua bà già” bên đường. Cậu gọi, An bèn nhìn cậu với ánh mắt cún con, giọng ngọt xớt xin xỏ:
“Cậu mua cho tớ đi.”
“Sao tao phải mua cho mày? Con nhà giàu mà phải đi xin ăn cái thằng nghèo kiết như tao à?”
“Tại tớ để quên ví tiền ở nhà mất rồi.”
“Vậy quên ăn luôn đi.”
Vốn định lấy chuyện cũ ra uy hiếp nhưng An lại sợ làm vậy sẽ bị Phong mau ghét và mau chán thì chết. Suy đi tính lại, An thấy “Khổ nhục kế” vẫn là cách hay nhất. Cúi gằm mặt xuống, con bé dùng chất giọng tủi tủi mà mếu máo rằng:
“Cho bốn điểm A,B,C,D lần lượt thẳng hàng. Nhà tớ là điểm A, trường tớ là điểm B, trường cậu là điểm C, nhà cậu là điểm D. Tớ sẵn sàng hy sinh tiền điện, bỏ công bỏ sức, đi ngược cả đoạn đường dài đến đón cậu mà giờ đến mấy cốc sữa chua cậu cũng không mua cho tớ được à?”
“Ai bắt mày đến? Biến về đi.”
Định nói mấy câu phũ phàng nhưng nhìn thấy mắt An đang rơm rớm nước, Phong lại dịu giọng:
“Rồi rồi, ngồi xuống. Mệt!”
Chỉ đợi có vậy, An liền ngay lập tức làm theo lời Phong. Vứt bỏ ý tứ, con bé cắm mặt vào ăn lấy ăn để. Hoài Phong ngồi cạnh đó bất chợt phì cười.
Lại một hôm khác, Phong vừa ra khỏi cổng trường liền trông thấy An đang đứng ở bên đường, mặt mũi nhă nhó, cũng chẳng thấy xe đâu. Hoài Phong tiến lại, còn chưa kịp hỏi han gì thì nàng ta đã òa lên khóc:
“Lúc sáng đi học tớ bị tông xe, giờ cái xe đang được sửa ở ngoài hàng rồi.”
“Người ngợm có sao không? Thế mày đi bộ đến đây à? Xe hỏng rồi thì đi về đi, đến đây làm gì nữa?”
Hoài Phong tuôn ra cả một tràng. Dù cậu quát rất to nhưng giọng điệu lại có chút lo lắng. Thế mà con bé ngốc Bảo An còn hồn nhiên trả lời:
“Tớ muốn gặp cậu mà. Vui chứ? Tớ đi xe ôm đến đây, có điên đâu mà đi bộ.”
Thật khiến Phong đùng đùng tức giận. Gạt phắt người Bảo An sang một bên, Phong lao phăm phăm về phía trước. Được một đoạn xa xa, Phong mới ngoảnh đầu nhìn lại. Bắt gặp dáng ai đó lùn lùn vẫn đứng yên vị chỗ cũ, gương mặt mếu máo nhìn mình, Phong bèn cắm cổ cắm đầu đi ngược lại.
“Sao?”
“Chân tớ đau, không nhấc nổi. Cậu cõng tớ về được không?”
Hoài Phong cúi xuống nhìn cái chân đang bị băng của An, trong lòng có chút xót. Nhưng bảo cậu cõng con bé ư? Đừng hòng!
“Gọi xe mà về. Tao không rảnh? Nhà mày gần lắm đấy? Tự đến được thì cũng tự về được.”
“Vậy cậu về đi. Tớ ở đây đến khi nào chân hết đau thì tớ sẽ tự về.”
Á à, An đang dọa cậu đấy à? Được thôi, An thích thì cứ đứng đấy đi, Phong không quan tâm đâu. Sau khi “Hừ!” một tiếng, Phong liền dứt khoát ra đi. Thế nào mà được một đoạn, cậu chàng lại quay lại lần nữa. Khuỵu người xuống, Phong nói:
“Lên đi.”
Nghe tiếng ai đó quen quen, An liền ngẩng đầu lên nhìn. Thấy cái lưng Hoài Phong thù lù trước mặt, lòng An sung sướng vô cùng. Con bé quàng hai tay qua cổ Phong, rồi lấy hết sức bình sinh mà nhảy một phát lên lưng cậu. Bị động, Phong hơi loạng choạng bèn quát:
“Chân đau mà nhảy khỏe gớm?”
“À thì... á... á... đau muốn chết.” An làm bộ kêu gào thảm thiết.
Hoài Phong thở dài một cái, rồi bắt đầu “làm phước” cho Bảo An quá giang.
Tì cằm lên bờ vai rộng của Hoài Phong, An nhắm mắt tận hưởng niềm hạnh phúc này. Bờ vai rộng, tấm lưng vững chắc của Hoài Phong khiến cho An cảm thấy bình yên vô cùng, giống hệt như lúc con bé ôm món quà cuối cùng mà người cha để lại. Bảo An cứ cười khì khì, thỉnh thoảng hát mấy câu. Toàn thân nhễ nhại mồ hôi, đã bị hành xác lại còn bị tra tấn lỗ tai thế này, bực quá Phong mới gắt:
“Im hộ cái.”
“Tớ xin lỗi. Cậu mệt lắm không?”
“Mệt.”
An lúc này mới để ý gương mặt đầm đìa mồ hôi của Phong, trong lòng có chút áy náy. Hà Nội những ngày tháng năm thì nóng bức và oi ả vô cùng, lại phải cõng thêm con heo 40 cân và hai cái cặp sách, quả là tội cho Phong ghê. Nhận ra trò đùa có vẻ hơi quá, Bảo An lí nhí nói:
“Vậy để tớ xuống đi.”
“Ở yên đấy. Mà đến đoạn kia thì đi như thế nào nữa?”
Bảo An từ đó im bặt, thỉnh thoảng mới lên tiếng chỉ đường cho Phong. Sau hơn bốn mươi lăm phút đi bộ, cuối cùng Phong cũng hoàn thành xong nhiệm vụ “hộ tống” An về nhà. Cảm ơn Phong xong xuôi, An bèn lấy chìa khóa mở cổng vào nhà.
Hoài Phong nhìn ngồi nhà hai tầng to đùng màu trắng với thiết kế theo phong cách châu Âu, lại nhìn cái dáng người nhỏ nhỏ đang tra chìa vào ổ khóa.
“Mày ở nhà một mình à?”
“Ừ. Mẹ tớ tối mới về cơ.”
“Trưa ăn gì? Tự nấu à?”
“Tớ có biết nấu gì đâu. Bình thường tớ toàn lang thang ngoài đường, thấy quán nào hay hay thì vào ăn thôi. Hoặc có hôm lại đến nhà ông bà. Nhưng mà trưa nay chắc...”
Bảo An ngước lên nhìn Phong với ánh mắt thăm dò. Cậu cũng nhìn lại con bé.
“Nhìn gì mà nhìn?”
Trưng ra bộ mặt đáng thương, An dùng chất giọng tội nghiệp mà rằng:
“Cậu có thể đi mua đồ ăn về cho tớ không?”
Sau mấy giây suy nghĩ, Phong cũng đồng ý. Một lúc sau cậu quay về, bước qua cánh cổng trắng, cậu nhận ra vườn nhà Bảo An rất rộng với thảm cỏ xanh mướt bao phủ quanh ngôi nhà.
An đang ngồi ở bộ bàn ghế gỗ phía bên trái ngôi nhà, thấy cậu bạn liền tíu tít gọi. Hoài Phong tiến lại gần, đặt mấy cái túi lên bàn. Bảo An háo hức mở ra và reo lên:
“Oa, cậu mua nhiều đồ thế?”
“Ừ, ăn đi. Tao về đây.”
“Cậu không ở lại ăn cùng tớ à? Nhiều đồ thế làm sao tớ ăn hết? Bỏ đi thì phí lắm. Với lại ăn một mình cũng chán lắm.”
Hoài Phong nghe xong, nghĩ lại cũng thấy hợp lý. Cậu bỏ cả đống tiền ra để mua chỗ này về, chẳng lẽ lại không ăn. Hơn nữa nhìn gương mặt An tồi tội thế kia, Phong cũng không đành lòng. Cậu ngồi xuống, tự nhiên rút một cái bánh mỳ que ra, vừa ăn vừa nói:
“Ăn đi. Nhìn gì nữa?”
Được ăn trưa với Phong, lòng An ngập tràn vui sướng. Típ mắt lại, An cười không thấy Tổ quốc.
Ngồi ăn ở ngoài vườn, gió thổi hiu hiu, mát rượi cả người, Hoài Phong lại nhớ tới cái võng mắc ở vườn nhà mình, nằm ở đó cũng mát lắm. Trong vườn, bà nội cậu trồng rất nhiều loại cây, nhưng toàn cây rau với cây ăn quả. Bà bảo làm thế để tiết kiệm tiền đi chợ. Vườn nhà Bảo An cũng có nhiều cây, nhưng lại toàn cây cảnh quý, đắt tiền. Ở nhà cậu, vườn không chỉ là nơi trồng cây mà còn là cái bãi rác, ở một góc vườn chất đầy những mảnh gỗ gãy, bàn ghế cũ, tủ cũ,... Còn vườn nhà Bảo An thì thơ mộng hơn, có thảm cỏ xanh, có hòn non bộ, có cả cái xích đu trắng xinh xinh. Hoài Phong bật cười với cái so sánh khập khiễng của mình. So sánh cái vườn “nông dân” với khu vườn “thành phố”.
Ăn xong, Phong ngỏ ý muốn giúp An đi lên phòng nhưng con bé nhất quyết từ chối với lý do con gái phải biết giữ mình, giữ gìn thanh danh. Buổi trưa, nhà không có ai, nếu An cho cậu vào nhà, nhỡ có ai nhìn thấy thì thật là mất hình tượng “thục nữ” của con bé quá.
Bóng Hoài Phong vừa khuất, Bảo An vội chạy tót vào nhà, leo lên giường và cởi bỏ lớp băng trắng cuốn quanh chân. Con bé ôm bụng cười ngặt nghẽo! Đặt cằm lên đầu con gấu bông, An thủ thỉ:
“Với kinh nghiệm của một người đàn ông, bố nói xem, bạn ý quan tâm tới con như vậy, có phải là bạn ý đã có tí thích rồi không? Khì khì, mà bố thấy con diễn giỏi chứ? Hay con thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh bố nhỉ?”
Bảo An thao thao bất tuyệt nói chuyện với “bố” một hồi, rồi lăn ra ngủ khì lúc nào không hay.