BÀI THAM GIA SỐ 5: bạn
Fuju.
Nói về cuốn sách để lại ấn tượng sâu sắc cho em thì hình như cũng không phải chỉ có một hai cuốn ạ. Lần này em xin phép gửi chị bài viết về “N.P” của Banana Yoshimoto, nhân dịp vừa mang nó ra đọc lại mà những cảm xúc về nó vẫn như khi đọc lần đầu. Bài viết này của em cũng là viết từ lần đọc đầu tiên đó. Em cũng bắt chước chị, viết như một bài cảm nhận hoàn chỉnh nên trong bài em cho phép em được giữ nguyên đại từ nhân xưng “tôi” nha chị.
"N.P" - Những thanh âm của u buồn và hạnh phúc
“N.P” là sự tổng hòa của những sự việc bất thường, những con người bất thường. Câu chuyện diễn ra vỏn vẹn chỉ trong một mùa hè mà cảm giác cứ như hàng năm tháng, hàng bao nhiêu thời gian đã trôi qua vậy.
Cuốn sách bắt đầu bằng cuộc nói chuyện giữa Kazami và Shoji về việc nhà văn Takase Sarao đã tự sát bên cạnh thiên truyện số 98 do ông sáng tác, được cho là ẩn chứa lời nguyền giết người. Shoji, người yêu của Kazami, dịch giả của thiên truyện mang tên “N.P” đó cũng tự sát khi công việc anh làm còn đang dang dở. Sau cái chết của anh vài năm, Kazami gặp lại những đứa con của Takase, toàn những con người kì lạ: chị em sinh đôi Otohiko và Saki có gì đó hơi xa cách nhau và Sui, cô con riêng của Takase từng loạn luân với cha, với anh trai và có thời còn quan hệ yêu đương với cả Shoji. Nói ngắn gọn thì 5 người bọn họ - Shoji, Kazami, Saki, Otohiko, Sui đều có mối dây kết nối nào đó trong cuộc đời cho dù họ có hay không ý thức được điều ấy. Nhưng cũng chẳng thay đổi được thực tế là Kazami đúng ra chẳng liên quan gì tới câu chuyện đau đầu của gia đình Sarao. Thế mà bằng một con đường bí ẩn nào đó và chẳng hề báo trước, họ trôi vào cuộc đời cô (hay cô trôi vào cuộc đời họ - nói thế nào cũng được) rất tự nhiên như thể đúng ra nó phải thế, và thân thiết với cô hình như còn hơn cả gắn bó với nhau cho ra đúng kiểu một gia đình. Ba con người đó, ai cũng có câu chuyện riêng để kể và họ đều tìm đến cô như tìm đến một người bạn lâu năm để xin lời khuyên hay chỉ đơn giản là muốn được lắng nghe, được trút bầu tâm sự. Những mối quan hệ nảy sinh chỉ trong mùa hè ngắn ngủi đó, ngỡ rằng cũng chỉ là dạng bèo nước gặp nhau thôi, hóa ra lại vững chắc. Thế mà tôi cứ nghĩ nó sẽ chẳng đâu vào đâu cả, bởi cuộc sống của họ đâu có khúc đáng kể nào giao nhau ngoại trừ câu chuyện về bản thảo dịch dở và người bạn chung - Shoji - đã qua đời!
Cách Banana Yoshimoto mào đầu câu chuyện với lời nguyền và những cái chết khiến tôi sởn gai ốc. Tôi còn tưởng rằng mình đang đọc một “Ringu” nào khác cơ chứ. Ngay từ những dòng đầu tiên, những chương đầu tiên đã xuất hiện màu của chết chóc. Và nó cứ lởn vởn đấy, trong từng suy nghĩ, từng hành động, lời nói của nhân vật, dẫu vô hình mà vẫn như chạm vào được.
Thế mà hình như cô gái tên Saki quá vô tư thì phải? Ừ thì đúng là cô chẳng có vai gì đặc sắc trong vở bi kịch gia đình này, tôi vẫn cảm thấy cô hơi quá vui tươi, đến nỗi trở thành hơi kịch. Cô đứng ngoài tất cả mọi chuyện, tất cả! Thật lạ lùng. Mà cũng có thể vì sự bất lực nên cô giấu đi nỗi buồn vào sau những nụ cười đó. (Chẳng phải những ai hay cười hay nói cũng là vì muốn giấu đi một góc tối nào đó trong tâm hồn ư?). Tôi muốn tin là thế thay vì ý nghĩ rằng cô là con người thờ ơ, lạnh nhạt, bạc bẽo, bởi vì tôi có cảm tình với nhân vật này, cũng chẳng rõ vì sao. Ít nhất thì nhờ có cô mà những dòng chữ nhuốm màu u uẩn và kì quặc này được tiếp thêm chút ít tươi sáng cho sắc tối dịu lại.
Otohiko thì lúc nào cũng đeo cái vẻ mặt u sầu dù thảng hoặc anh cũng có cười gọi là chiếu lệ. Trong mối quan hệ trái luân lí với Sui, tình yêu của anh đối với cô cũng nhiều ngang với sự dằn vặt. Tôi thấy anh đáng thương biết mấy khi cái mặc cảm yêu đương sai trái in hằn lên khuôn mặt đỏ bừng khi hai người ở bên nhau giữa đám đông. Dù vẫn yêu Sui tới mức khi quan sát người ta người trên phố anh đã hình dung ra tất cả những khuôn mặt của những người phụ nữ qua lại đều là cô, anh vẫn cố kiếm tìm lí do để trốn tránh, thậm chí là một lí do trẻ con tới đáng cười như là cùng bạn bè đi cắm trại. Ở cái tuổi đó? Đúng là bế tắc, bế tắc đến bạc nhược.
Còn về Sui, tôi cứ cho rằng mình sẽ có ác cảm với cô gái này lắm - một cô gái ngủ với cả bố và anh trai, chẳng màng đến luân thường đạo lí gì cả. Thế mà cuối cùng xem ra lại hoàn toàn ngược lại. Cô gái này dường như là “trùm sò” của những điều mâu thuẫn: vừa nổi loạn vừa dịu dàng, vừa kiên cường vừa yếu đuối, vừa đáng trách vừa đáng thương. Mà thật ra mối tình với người cha kia ập đến khi hai người chưa biết họ là cha con, tôi đoán mình cảm nhận được một phần đau đớn, bất lực của họ khi sự thật phơi bày. Suy cho cùng nó cũng giống với nỗi đau của hai người yêu nhau lại không thể ở bên nhau, mà tôi chắc rằng khi đó cha con họ yêu nhau thật, yêu theo đúng kiểu yêu đương chứ không phải tình phụ tử gì sất… Rồi vừa vượt qua cái chết của bố, cô lại bị cuốn vào tình yêu với anh trai, cũng đau, cũng rã rời tinh thần thể xác chẳng kém. Thành thử cuối cùng tôi lại thấy Sui nổi loạn ít hơn dịu dàng, kiên cường ít hơn yếu đuối, đáng ghét ít hơn đáng thương. Cô cũng giống như Otohiko, hoàn toàn bế tắc, hoàn toàn đáng thương trong vở bi kịch.
Nhưng thật may vì chị em họ còn có Kazami. Tôi không phải là cố khoác cho Kazami một bộ mặt vĩ nhân gì đó, nhưng quả thật cô đã đến bên họ đúng lúc, làm những việc đơn giản và ít khoa trương nhưng hiệu quả. Cô thân thiết với Saki khiến không khí trở nên thoải mái. Cô cho Otohiko vào nhà cái đêm anh say rượu và ướt sũng dưới mưa; cùng anh ngồi bên đường ngắm nhìn dòng người, dòng xe và tâm sự với nhau như tri kỉ - một đời người có được mấy kẻ để ta tin tưởng trút cùng những tâm sự thâm kín như vậy chứ? Cô bầu bạn với Sui, xua đi nỗi cô đơn, bóng tối và lôi kéo Sui về phía bờ tươi sáng… Kazami đứng ngoài tất cả, là người chứng kiến lại như không phải nhân vật chính. Kazami cứ như làn gió thoảng vô hình và tự do không gì miễn cưỡng được, lại cũng hữu hình như miếng carbon, giống mẹ cô nói - đem hấp thụ hết tất cả vẩn đục vào mình, cứ hút hết những nỗi buồn, những tâm sự thầm kín một cách lặng lẽ, không ai cảm nhận được. Chỉ tới khi mây tan và mặt trời xuất hiện, người ta mới biết người đó quan trọng đối với những trang tiểu thuyết đời họ như thế nào.
Thế đấy. Đến cuối cùng hóa ra mây tan thật. Không có thêm cái chết nào khác. Otohiko không chết. Sui không chết mà còn tìm được bến đỗ cuối cùng cho cuộc đời mình. Mất mát duy nhất - à mà hình như không thể nói rằng đó là mất mát, chỉ là thay đổi duy nhất so trước đó - là cô chỉ biến mất xa thật xa, thoát ra khỏi quá khứ đầy giông, hầu như cũng là ra cuộc đời những người còn lại. Còn Kazami, dù đã hút vào người hàng tấn nỗi buồn khủng khiếp mà vẫn chẳng hề hấn gì. Những nỗi buồn đó vốn không thuộc về cô, nó sẽ không thể chạm vào cô được!
Và cuối cùng tôi có được điều tôi mong muốn nhất: Kazami và Otohiko yêu nhau. Tuyệt biết mấy!
Tôi có thể nói một cách khá rõ ràng lí do vì sao tôi yêu thích, ấn tượng với cuốn tiểu thuyết nho nhỏ này đến thế (quả thật nó chẳng dày dặn gì). Ở "N.P", tình yêu là trung tâm nhưng không phải là tất cả. Tôi còn đọc được cả tình thân, tình bạn, những dằn vặt, trăn trở về cuộc đời và những mối quan hệ khác... cũng giống như đời thực vậy, thật dễ khiến con người ta thấy có cảm tình. Và còn một lí do nữa, đó là tôi sẽ không phải lo lắng thắc thỏm về việc những nhân vật thân yêu của tôi sẽ bị đầy đọa tới mức chẳng còn ra hồn người nữa. Không, tác giả không làm điều đó! Họ có thể phải trải qua đau khổ, có thể mất mát, nhưng rồi đến cuối cùng cuộc sống sẽ trả lại cho họ điều gì đó đáng giá: một cuộc đời hoàn toàn mới, những người bạn mới, hay tình yêu… Ý nghĩ rằng “cái chết là kết thúc sự sống của người này, nhưng lại hoàn toàn có thể là sự bắt đầu đầy mới mẻ, thậm chí là tốt đẹp cho một cuộc đời khác” mà tôi rút ra từ câu chữ của “Kitchen”, của “Vĩnh biệt Tugumi”... và của “N.P” khiến tôi cảm động lắm, cảm động đến phát khóc được. Chẳng nhân văn, chẳng "người" sao? Bởi thế, tôi thích những cái kết buồn, thật vậy, nhưng không phải ở đây, không phải ở “N.P”, không phải ở những câu chuyện của Banana Yoshimoto!
Vậy đó, tôi thấy những thanh âm vang lên từ “N.P” chứa đủ cả u hoài và hạnh phúc, điên khùng và bình dị. Nhưng nó sẽ theo kiểu “khổ tận cam lai”, một cái kết mà ai trong chúng ta cũng muốn hướng tới trong cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của chính mình. Và câu chuyện dừng lại ở đó, tôi không thể/không muốn tìm thêm một cái kết nào vừa ý hơn nữa!
Thảng hoặc, mẩu hội thoại cuối cùng hơi buồn bã nhưng cũng tràn ngập sự an yên của Otohiko và Kazami lại vang lên những âm thanh tinh tang trong trẻo trong đầu tôi:
“- Em khóc đấy à?
Tôi có khóc một chút. Nếu như đây không phải là bờ biển, thì chắc cái cảm giác mãnh liệt về sự vắng bóng của Sui đã không ập tới dữ dội thế này. Mùa hạ, ở bên nhau chỉ để rồi chia tay sao? Vẫn còn những người bạn ở lại, và tiếp tục. Nhưng, người ấy thì sẽ không thể gặp lại được nữa rồi. Sẽ không còn những cú điện thoại gọi tới vào buổi chiều nữa rồi.
- Đừng khóc nữa, không anh cũng sẽ khóc mất.
- Em nín rồi.
- Thế thôi, ngoan nào.
Otohiko nói mà khuôn mặt như muốn khóc thật, đáng xấu hổ làm sao.
- Để anh ngủ với em cho đỡ buồn nhé? (Câu nói này của anh chàng khiến tôi phải bật cười, ai ngờ được rằng sẽ có lúc nó thoát ra từ miệng cái con người đã từng bí bách, bất lực đến thế!)
- Em phải nói câu đó với anh mới đúng chứ.
- Anh yêu em rồi hay sao ấy. (Cười lần 2, chà, bởi vì Otohiko tỏ tình dễ thương quá!)
- Thôi đi nào.
- Anh sẽ nghĩ về chuyện này khi nào sang thu.
- Anh cứ nghĩ đi. - Tôi nói - Em cũng sẽ nghĩ nữa.
Tôi nhìn Otohiko. Tôi nhìn bầu trời, và biển, và cát, và đống lửa đang nhòe đi trong nước mắt. Tất cả cùng lúc ùa vào đầu tôi, nhanh đến choáng váng, làm mắt tôi hoa lên. Mọi thứ đều rất đẹp. Mọi thứ của những chuyện đã xảy ra đều đẹp một cách dữ dội, như trong mắt của một người điên.”
Tinh tang, tinh tang, cái chuông gió treo trên khung cửa sổ phòng tôi khẽ động. Cuối cùng sau những sự vĩnh viễn ra đi cũng có điều gì đó ngọt ngào ở lại với họ, mà rất có thể cũng sẽ là ở lại vĩnh viễn...