8
Cọt... cẹt...
Tiếng bản lề cũ lung lay làm Phụng tỉnh giấc, quay sang bà vẫn ngủ yên lành, Phụng khẽ trở dậy. Cánh cửa gỗ cũ không chút bụi bẩn cứ thế đung đưa, gió lùa qua chớp cửa chạm tay Phụng mát lạnh. Cô nghiêng đầu, nhìn mảnh trăng lưỡi liềm vắt vẻo giữa mảng đen thăm thẳm, cái đen như muốn nhấn chìm cả vầng sáng vàng vọt ấy, cũng nhấn chìm luôn tâm tư của Phụng.
Một tay Phụng kéo cổ áo lên cao rồi giữ chặt, một tay với cửa đóng lại, thả chốt xuống. Tiếng chốt găm vào lỗ nhỏ nghe như tiếng bút gãy, thật may không khiến bà giật mình. Phụng phủi tay theo thói quen rồi rón rén về giường, vén màn chui vào chăn mỏng. Độ này cuối hè, trời chẳng còn oi nồng nữa, thay vào đó là những đợt gió mang theo hơi lạnh ùa về khắp làng, báo hiệu thời khắc giao mùa đã tới. Giờ này chắc anh Chức đã ngủ, hoặc không ngủ... anh cũng trằn trọc nhưng là vì lo lắng, hồi hộp.
Sớm mai,anh lên tỉnh.
Phụng đan những ngón tay vào nhau, mắt mở to nhìn mấy thanh xà ngang trên trần nhà, đầu nghĩ rất nhiều. Trước hết là việc cô đã không qua nhà Chức ăn bữa cơm chia tay cùng mọi người. Anh là niềm tự hào của trường, của làng, nên trước hôm anh đi bác Cần đụng hẳn một con lợn béo mua ở trên chợ Chương. Ngay từ sáng nhà anh đã đông người qua lại, rôm rả chuyện trò, vui vẻ lắm.
Thế mà, cô nói không qua là không qua. Lần đầu tiên cô kiên định đến thế.
Cô không qua, Chức cũng không tới nhà kiếm cô. Phụng đưa tay dụi mắt, cô chẳng trách anh đâu, nhà khách khứa chật kín như thế.
Sau đó cô nghĩ đến quãng thời gian không còn được gặp anh thường xuyên nữa. Quãng thời gian mà chạy ra đường sẽ chẳng thể tình cờ thấy anh phóng xe qua. Hoặc buỗi chiều man mát, khi khói bếp nhà nhà đều bốc lên sẽ chẳng thấy anh trong bộ đồ xanh đoàn viên đứng trước cổng gọi cô í ới, trên tay là chùm nhãn thơm lừng... Sẽ chẳng còn nữa, bởi cô nghe nói anh học trên đó ba năm, xong còn lên cả đại học. Với Phụng, đại học nghe thật xa vời, cô còn không có ý định sẽ học lên cấp ba nữa cơ mà. Cô nghĩ mình thi tốt nghiệp cấp hai xong sẽ về xưởng gốm làm hẳn, vừa tiện trông bà.
Trong mơ màng trước khi chìm vào giấc ngủ Phụng còn loáng thoáng thấy tấm lưng hổn hển ướt đẫm trong trận bão vừa qua, thấy bàn tay rắn rỏi nắm chặt tay cô chạy, thấy cả cái ngoái đầu với đôi mắt đẫm nước nhìn cô nữa.
Đêm ấy, Phụng cuốn chăn kín tận cổ, giấc ngủ chập chờn không yên.
...
Con gà trống choai đã trổ mã xong lông vũ cái nào cái nấy cứng và bóng loáng, nghe đâu cũng đạp mái được mấy con gà rồi. Hôm nay từ tờ mờ sáng, khi con trống già còn lim dim mắt, lười biếng rúc vào đống rơm cho ấm, thì chú ta ưỡn ngực băng qua sân. Cũng chẳng thèm nhảy lên bờ giậu hay cột rào như trống già mà bay thẳng lên nóc nhà, vỗ cánh đầy mạnh mẽ sau đó rướn cổ gáy rõ to.
Ò ó o o…
Âm thanh xuyên thủng màn sương đặc quánh và lạnh lẽo, đánh thức nguyên cả xóm.
Một ngày mới nữa bắt đầu.
Phụng ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở, lộc cộc lê đôi dép gỗ lại chuồng lợn, vơ đại một nắm rau lang ném vào máng, rồi mới ra lu múc nước rửa mặt. Nhưng vừa chạm vào thau nhôm là cô rụt tay lại ngay.
- Lạnh quá!
Phụng rùng mình, chạy vội vào trong nhà kiếm áo ấm khoác vào. Cũng lấy luôn một cái cho bà.
- Gió đầu mùa lạnh quá bà ạ!
Bà Tỉnh tròng tay vào cái áo len màu nâu cánh gián, nhíu mắt nhìn ra sân lá khô rụng đầy. Thế là một năm nữa lại sắp hết…
- Bà đi tất luôn cho ấm nhé!
Phụng lộn tất, tròng vào chân cho bà, rồi đổ nước trong phích ra chậu nhỏ, pha âm ấm cho bà rửa mặt. Xưa bà đẻ, nhà nghèo chẳng có thời gian kiêng cữ, nên cứ đụng nước lạnh là ngứa với đỏ cả khớp.
Trong lúc quét sân, Phụng chợt nhớ đến cái hàng rào với những sợi dây leo khô quắt queo. Mấy hôm trước bà bảo dỡ hết đi cho sạch sẽ, dù gì chúng cũng chết cả rồi.
Dây leo hết nước quéo lại thành ra dai vô cùng, Phụng phải dung dao cắt chứ không bứt tay được. Trong lúc lúi húi giựt mấy sợi bám chặt vào cột rào thì một lọ thủy tinh xanh xanh được nút gỗ cẩn thận từ đâu rơi xuống đám dây dưới đất. Phụng giật mình vì tưởng con gì, nhảy lùi vài bước, định thần lại mới dám cúi xuống nhặt lên xem.
Lọ thủy tinh đổ màu đặc chẳng thể nhìn thấu bên trong, Phụng cậy nút gỗ ra rồi nhắm một bên mắt nhìn vào trong. Bên trong có một mẩu giấy trắng, tò mò cô kiếm một cái que nhỏ, thò vào khều. Xóc với khều phải mất một lúc mới moi được mẩu giấy ra. Mẩu giấy khiến Phụng tò mò thì cái vòng cườm rớt ra sau đó khiến cô há hốc miệng. Ai lại đem cái vòng xinh xắn thế này nhét vào lọ rồi bỏ ở đây nhỉ?
Phụng hồi hộp mở tờ giấy vở bị gập làm tư, làm tám thật nhỏ ra, vuốt phẳng. Chẳng khó để nhận ra nét chữ cứng cáp đã từng sửa bài cho cô rất nhiều lần.
“Ngày này năm ngoái em bảo từ bé đến lớn em chưa được ai tặng quà vào ngày sinh nhật, em còn nhớ không nhỉ? Lúc ấy anh hỏi em sinh ngày nào. Em bảo lúc sinh em nhà không có lịch, nên khi làm khai sinh bố chọn đại ngày 15 cho dễ nhớ. Nhưng mẹ anh nói ngày em sinh, chính bố anh gánh một đầu võng khiêng mẹ em lên trạm y tế, cũng là ngày xã đền đất cho nhà anh nên mẹ đã ghi lại vào sổ. Là ngày 17 em nhé!
Hôm rồi lên xã, trên đó họp chợ đông lắm, bán cũng nhiều đồ đẹp nữa, rồi một bác bán hàng đứng tuổi, cứ mời anh mua hàng mãi…Đây là lần đầu tiên anh tặng quà sinh nhật cho em nhỉ? Thế mà lại chẳng được đưa tận tay anh thấy tiếc lắm…
Phụng ơi, thêm tuổi nữa phải vui hơn nhé! Năm sau anh sẽ dẫn em lên đây dạo bờ hồ, ăn kem cốm và xem múa rối nước.
Phụng ơi,...”
Phụng thừ người, cô nhìn mẩu lịch cũ có số 17 màu tím than nhàu nhĩ kẹp giữa trang giấy mà thấy sống mũi cay cay. Vài tia nắng hồng yếu ớt rơi xuống ngang mái tóc thề đen láy, rồi đậu lại rất lâu lên con bướm nhựa đính trên vòng cườm mà cô đã tròng vào tay tự lúc nào. Phụng cũng nhìn rất lâu vào con bướm nhựa ấy. Cô nhớ lại buổi sớm mùa bướm về, từng đàn từng đàn dập dờn bay trên những ngọn hoa cỏ dại, yểu điệu vỗ cánh, Chức đã bắt cho cô một con, phấn trên cánh nó rụng lên tay cô, mịn như bụi gốm. Nhưng Phụng lại thả nó lại với đàn, cô muốn nhìn nó tự do bay đến bất cứ đâu, hơn là hoảng loạn rồi chết dần mòn trong lọ thủy tinh.
Phụng tháo vòng cườm nhét trở lại lọ cùng bức thư tay, nút chặt. Năm sau, cô sẽ đón sinh nhật bằng vị cốm ngọt ngào và gió hồ mát lạnh, được xem rối nước ở nhà hát giữa hồ, và nếu may mắn cô sẽ được xem vở Múa Tiên dựng lên từ truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân, cội nguồn của người Việt ta. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thôi thúc cô mong ngóng đến ngày này năm sau.
…
Trong lúc Phụng đơm xôi, bà Tỉnh cứ giơ cái áo len đan mũi vặn thừng màu huyết dụ lên ngắm ngía, rồi đập nhẹ cho mấy hạt mốc trắng li ti trên áo rơi xuống.
Bát xôi lạc bốc khói nghi ngút, mùi thơm lẫn béo của gạo và lạc khiến Phụng không kiềm được, véo một miếng bỏ vào miệng, rồi mới bọc lại cẩn thận, bỏ vào cặp sách.
- Bà ơi, cháu ủ xôi trên bếp, khi nào bà ăn thì lấy cho nóng nhé!
Bà Tỉnh gật đầu, đưa áo len cho Phụng. Xong lại nhón thêm củ khoai mật nóng hổi dúi vào tay cô.
Phụng áp củ khoai vào má, thấy ấm hẳn lên. Cô cười:
- Cháu đi học nhé, bà không được ra vườn đâu đấy. Cháu trồng su hào cả rồi, mùa đông mới ăn được. Khi ấy cháu sẽ muối hẳn một vại cho bà.
Tay rót trà dừng lại, bà Tỉnh vui vẻ gật đầu, tính ra ngoài cà pháo nén thì su hào muối là món bà thích nhất.
Đề phòng mưa bất chợt, Phụng lấy cái ô nhỏ màu đỏ tươi dắt vào bên hông cặp, cái ô này là hôm bữa dì Tiến đi chợ huyện, thấy đẹp nên mua cho cô một cái. Phụng quý nó lắm, nhiều khi trời đổ mưa cũng không xài, cứ thế ướt nhẹp về nhà, bị bà mắng mấy lần chẳng chừa.