Hoàn thành Gốm - Hoàn thành - Ô ăn quan

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
15.1

Khắp các lối dẫn vào làng, sương phủ đặc quánh. Thành thử gần sáng rồi mà trời vẫn tối om om. Lúc này, một vài nhà đã rục rịch thổi cơm, khói từ ống ngói bốc lên tạo thành những mảng mỏng trắng đục, lởn vởn quanh mái bếp một lúc rồi lẫn vào cùng sương mù. Con gà trống già vội vã nhảy lên bờ giậu, dang hai cánh vỗ phành phạch, rồi rướn cái cổ lên mà gáy một hơi rõ to.

Phụng mở mắt, cô dụi dụi vài cái cho đỡ kèm nhèm rồi nhẹ nhàng vén màn chui ra.

Cô mò mẫm tìm dép xỏ vào chân rồi lại mò mẫm ra mở cửa, mỗi cử động đều thật khẽ để không làm bà thức giấc.

Hôm nay trời nhiều sương. Sương ướt đẫm trên những lộc non mới nhú, đọng thành giọt trên mái gianh và lấm tấm trên gàu gỗ.

Mặt trời còn lâu mới lên đây, Phụng thầm nghĩ khi cô thả gàu xuống giếng múc nước. Cô định nấu cháo khoai lang cho bữa sáng, đã lâu lắm rồi cô không dám ăn món cháo này, bởi nó nhắc cô nhớ đến mẹ thật nhiều.

Đó là những sáng như sáng này, mẹ dậy thật sớm, băm khoai lang đã phơi khô rồi ngâm với nước vo gạo cho ngấm sau đó bỏ vào nồi cháo trắng đang sôi sùng sục. Bà nội ngồi bên cạnh lặt đầu cá cơm rồi sên với đường cho keo lại. Cá cơm ăn kèm với cháo khoai, khi ấy bát cháo sẽ đậm vị thơm của gạo, ngọt của khoai và cay mặn của cá... Đưa chén cháo lên miệng húp đánh soạt một cái, sẽ không nhịn nổi mà suýt xoa khen ngon.

Phụng liếm môi, cảm giác thèm dâng lên tận đầu lưỡi. Cũng không hẳn là thèm cháo. Có lẽ là một hương vị nào đó đã thiếu từ rất lâu rồi chăng?

- Thế giới của những người lớn thật phức tạp.

Quyền nhìn Phụng, cậu thấy khó hiểu khi cô đột nhiên nói như thế.

- Ừm… Nhưng mà mày nấu cháo ngon đấy. – Quyền đặt bát cháo nhẵn thín xuống bậc thềm, cười.

Phụng không để tâm tới lời khen của Quyền, cô thở dài.

- Lòng tao luôn mâu thuẫn… về cái này cái kia.

- Là cái gì?

- Mọi thứ.

Quyền nghĩ chút rồi cũng thở dài.

- Mày tính nghỉ học thật à?

Phụng cụp mắt. Cô muốn nghỉ học, cô không muốn đi tìm bố mẹ… nhưng phần khuất trong cô lại không chịu yên lặng, nó thôi thúc cô làm điều ngược lại.

- Mày mà nghỉ, tao cũng nghỉ đấy. – Quyền bảo.

- Điên à? – Phụng quát. – Mày làm sao phải nghỉ?

- Thế mày làm sao phải nghỉ? – Quyền gân cổ đáp lại.

- Tao khác mày…

Phụng im lặng. Quyền cũng im lặng, máu dồn hết lên mặt ban nãy từ từ chảy xuống, lòng cậu cũng nguội. Đặt cánh tay lên bờ vai gầy gò, Quyền thấy thương Phụng hơn bao giờ hết. Đôi vai nhỏ bé ấy đã phải gồng gánh quá nhiều thứ.

- Nge tao, cố mà học cho hết, giống anh Chức ấy, rồi đem cái kiến thức giúp cho làng mình. – Phụng nói, đĩnh đạc hệt như lời cô Văn.

- Không có mày, đi học chán chết.

Phụng phì cười, gõ nhẹ lên đầu Quyền.

- Học ấm vào thân mày chứ ai.

Quyền xị mặt, cậu nhìn mái tóc đen nhánh rối bời bởi gió của Phụng, thuận tay tóm lấy, làu bàu.

- Con gái con đứa đầu tóc như tổ quạ.

Quyền vừa nói vừa tóm gọn hết tóc của Phụng ra phía sau gáy cô, cẩn thận vuốt cho vào nếp rồi lấy cọng rạ quấn qua vòng, thắt nút.

Phụng ngồi im cho Quyền cột tóc, tự dung thấy vừa buồn cười lại vừa thích thích.

- Sao mày biết cột tóc vậy?

- Xời, như cột rau vậy thôi. – Quyền đáp.

- …

- Sao?

- Không. – Phụng vừa cười vừa lắc đầu. Nếu Quyền mà bớt thô thiển một chút thì cậu không còn là Quyền nữa, mà là anh Chức mất rồi.



Bông hoa phượng đầu tiên nở bung trên tán lá xanh rì báo hiệu kì nghỉ hè sắp tới. Phụng nghiêng đầu nhìn sắc đỏ quen thuộc qua ổ của sổ, nụ cười chưa kịp vẽ lên thì đã tắt ngúm bởi khuôn mặt tái mét của bí thư trường bất thình lình xuất hiện ngay cửa sổ.

- Phụng, lên… lên… phòng thầy hiệu trưởng gấp gấp…

Cậu bạn vừa nói vừa thở, hình như là đã chạy quá nhanh.

Phụng chậm chạp gấp sách vở bỏ gọn vào hộc bàn, chậm chạp đứng dậy. Có chuyện gì nghiêm trọng sao? Ngoài việc đội Toán giành giải nhất tỉnh và việc đội Văn không có giải nào, kể cả giải an ủi ra, thì còn việc gì thầy hiệu trưởng muốn gặp cô nữa?

Dọc hành lang, lâu lâu bí thư lại đưa mắt liếc Phụng một cái rồi mau chóng nhìn thẳng phía trước như không có gì khiến Phụng càng lo lắng hơn. Cô níu tay áo cậu bạn, nhỏ giọng:

- Này, cậu biết đấy đi thi còn dựa vào chút may mắn… tớ chỉ là thiếu đúng chút may mắn đó thôi…

- Không phải chuyện đó đâu Phụng… Có người muốn gặp cậu đấy. Nghe bảo là từ miền Nam… đấy. – Bí thư nhấn mạnh hai chữ miền Nam.

Mặt Phụng biến sắc, cô khựng lại. Miền Nam ư?

- Người phụ nữ có đôi mắt giống cậu lắm.

Phụng đứng im, chân không tài nào nhúc nhích được nữa. Miền Nam, từ miền Nam tới và muốn gặp cô sao? Mắt giống cô nữa?

Phụng nắm chặt tay, cô xoay lưng chạy một mạch ra cổng trường, mặc cho bí thư í ơi gọi phía sau.

Cô thấy sợ hãi lắm, cô không dám nghĩ tới nữa. Nếu là họ thật thì cô phải làm gì? Cứ thế cô vừa nghĩ vừa chạy một mạch. Lúc này cô muốn nhào vào lòng bà. Chỉ ở trong lòng bà cô mới bình tâm được. Nghĩ vậy, cô càng chạy càng nhanh, bí thư không tài nào đuổi kịp, đành trở về trường.



Về nhà, lòng Phụng cũng không yên. Cô chạy ra cổng đứng ngóng về phía đầu con đường đất, cảm giác tiếc nuối. Lỡ họ đi luôn rồi thì sao? Phụng giựt mạnh hai tay, cảm thấy bực bội với chính mình. Ấy thế nhưng chỉ cần đầu đường lấp ló bóng người là cô lại ba chân bốn cẳng phóng như bay vào nhà, ngồi bệt xuống phía sau tủ gỗ, nín thở.

Cứ chạy ra chạy vào như vậy cũng được ba bốn lần. Bà Tỉnh nhịn không được sự khác lạ của cháu gái, đành hỏi. Nhưng Phụng toàn cười cười đánh trống lảng sang chuyện khác.

- Bà ơi, bà vào nhà đi ạ, ngồi đây nắng lắm ạ. – Phụng nài nỉ.

Bà Tỉnh phớt lờ, thong thả lấy trầu cau ra nhai, nghe gió thổi vi vu qua tán lá. Bà dỗi vì Phụng không chịu trả lời bà.

Dì Tiến phơi thóc ở trong sân nào hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chỉ thấy một bà một cháu vui vẻ ở trước cổng thì cũng vui lây. Quên luôn việc anh Mạnh sao đi mãi từ sáng sớm vẫn chưa thấy về.



Đêm, Phụng không tài nào chợp mắt được. Cô thao láo nhìn ra phía cửa sổ, nơi có chum gốm xinh xinh và bầu trời nhiều sao. Cảm giác như những ngôi sao đang rớt cả vào trong chum gốm đầy nước đầu hè vậy.

Sáng, Phụng bỏ tập vở vào bọc, xách đi học, hôm qua chạy về nên cặp vẫn còn ở trên lớp. Ra đến cổng thì gặp Quyền chờ sẵn, cậu giơ cái cặp sách da bò lên, cười gian.

- Hôm qua sợ gì mà bỏ của chạy lấy người luôn vậy?

Phụng nhét tập vào cặp, buồn bực không nói nên lời. Cô đeo cặp lên vai, tự nhiên leo lên phía sau xe, ngồi mà không cần Quyền nói gì.

- Bí thư nhờ tao nhắn mày là ra chơi hôm nay lên phòng thầy hiệu trưởng…

Oạch!

- Ây da!

Phụng vội xuống xe nên chân nọ víu chân kia ngã dúi, cùi chỏ tay chống xuống đất rướm máu.

- Gì thế? Đang nhiên đang lành làm sao thế?

Quyền vội kéo Phụng đứng dậy, phủi đất bám trên người cô, định mắng vài câu cho đỡ bực nhưng nhìn mặt cô méo xẹo, cậu lại mềm lòng.

- Hậu đậu.

Cậu nắm tay Phụng kéo vào sân. Phụng ngoan ngoãn bước theo bởi cô không muốn tới trường nữa.

- Ở đây thôi, rửa ở đây, tay và đầu gối nữa… đừng để bà mày thấy. – Quyền thấp giọng bảo.

- Xời, hồi xưa ngày nào mà chả thầy da tróc vảy… - Phụng bĩu môi đáp.

- Giờ mày bao nhiêu tuổi rồi? Không biết xấu hổ.

- Ây da… - Phụng giãy nảy lên.

- Ha ha, xót chứ gì, cho chừa, ở đó mạnh mồm…

Quyền cười ha hả khi thấy Phụng nhăn nhó. Bộ dạng đáng ghét của Quyền khiến cậu lãnh nguyên gáo nước vào mặt.

- Ở đó mà cười đi…

Quyền vuốt nước trên mặt, mắt hấp háy nhìn bóng lưng Phụng.

- Ê, đi đâu đó, đi học mày...

- Không!

- Ơ, sao thế?

Chả sao cả, Phụng nghĩ trong lòng. Không gặp họ cũng chả sao cả. Dù gì cũng không gặp tám năm nay rồi. Nghĩ là nghĩ thế nhưng mắt cô sớm đã đỏ hoe.



Đứng cùng Phụng ngoài cửa phòng thầy hiệu trưởng là anh Chức. Chức có việc Đoàn đội nên về lại trường. Phụng thấy Chức thì như thấy cứu tinh của đời mình nên không bỏ lỡ cơ hội, liền kéo anh đi chung với mình.

Tới của phòng thầy hiệu trưởng thì cô không dám vào, níu tay Chức đứng bên ngoài hồi lâu.

- Anh vào cùng em mà, không có gì phải lo hết. – Chức cười dịu dàng như mọi lần.

Phụng ngước lên nhìn đôi mắt trong veo quen thuộc, nghe như có tiếng suối chảy khe khẽ bên tai. Anh lúc nào cũng bừng sáng như mặt trời vậy. Chức nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của Phụng, siết nhẹ. Chỉ thế thôi Phụng cũng thấy đủ để cô can đảm hơn. Phụng hít một hơi thật sâu rồi bước vào trong.

Trong phòng đúng là lại có hai người một nam một nữ. Phụng nhìn khuôn mặt lạ hoắc cười với mình thì cũng tự nhiên cười lại. Họ trẻ và thân thiện, và dĩ nhiên họ không phải là “họ”. Phụng thở phào, nhưng liền sau đó có chút thất vọng. Thì ra cô đã tự mình nghĩ quá nhiều.



Bây giờ khắp làng không ai là không biết chuyện bài văn thi học sinh giỏi của Phụng sau khi được đăng tải trên mặt báo đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ công chúng. Chính vì thế mà một tòa soạn có tiếng ở miền Nam đã không tiếc công cử tận hai phóng viên về làng Phụng tìm cô để phỏng vấn.

Ai cũng muốn biết cô bé tuổi đời còn trẻ nhưng đã có suy nghĩ rất sâu sắc ấy là người như thế nào. Đồng thời cũng muốn biết thêm về làng gốm mà cô bé luôn tự hào thực chất ra sao.

Dưới sự dẫn dắt và thái độ thân thiện của phóng viên, sau vài phút rụt rè ban đầu, Phụng đã trả lời trôi chảy tất cả các câu hỏi. Anh Chức bảo cô chỉ cần nói đúng như suy nghĩ của mình. Cuối cùng buổi phỏng vấn kết thúc nhanh hơn cô tưởng tượng. Phụng được xe con chở về đến tận cổng nhà.

Vài ngày sau người trong làng chuyền tay tờ báo có in hình Phụng đứng cạnh lò gốm, đó là bức hình của hai năm về trước trong lễ khai lò mới. Bác Đại tâm đắc nhất đoạn cô trả lời khi được hỏi về gốm, nên đọc lớn cho bà con nghe:

- Phóng viên hỏi con bé: Vì sao lại thích làm gốm mà không phải là một nghề nào khác. Con bé trả lời sao mấy người biết không? Nó bảo: là gốm chọn em chứ không phải em chọn gốm. Em là người con của gốm cũng như những người dân nơi đây, sinh ra và lớn lên cùng gốm. Gốm như máu thịt, hơi thở của em vậy.

Ở dưới tiếng vỗ tay rần rần, ai cũng bảo đúng là dân chuyên Văn trả lời có khác, câu nào câu nấy bóng bẩy nghe đã cái lỗ tai.

- Tiếp tiếp. Đoạn phóng viên hỏi ước mơ của con bé là gì, con bé đã nói ngắn gọn thế này: Em ước mình có thể khôi phục ngành nghề truyền thống của làng… Mở ngoặc, cô bé ấy lau nước mắt nhưng ánh mắt vô cùng mạnh mẽ và kiên định, đóng ngoặc… Hừm…

Bác Đại gấp tờ báo lại, ở dưới cũng im lặng. Không ai biết phải nói gì, họ vo vo ngón tay, họ khẽ hắng một tiếng trong họng, nhưng mắt ai nấy đều cay cay.

Phụng lặng lẽ ngồi ở góc hiên, bên cạnh cây lựu chúm chím những nụ đỏ, giở tờ báo ra đọc. Mắt cô dừng lại ở dòng ghi chú của phóng viên. “Khi chúng tôi hỏi em về bố mẹ, em bối rối rồi im lặng, đằng sau đôi mắt biếc ấy có lẽ là cả một câu chuyện dài.” Phụng chớp mắt, lòng cô bỗng nghiêng như chính đôi nét chữ ấy vậy, một bên chơi vơi một bên chìm ngỉm…



Một tuần sau, xe bán tải cùng một ô tô con ầm ầm chạy vào làng. Trên xe bán tải có cái chảo to ơi là to. Một người tinh ý nhận ra đó là xe của đài truyền hình lớn nhất nước.

Xe ô tô con chạy tới tận cổng nhà Phụng, đón cô ra chỗ xe bán tải. Họ lại phỏng vấn cô về gốm, nhưng lần này không chỉ mỗi cô mà họ còn phỏng vấn cả bác Đại, bác Cần… những người làm gốm khác nữa. Không chỉ ghi âm mà còn có cả ghi hình, ba bốn máy quay các góc khiến Phụng cùng mọi người choáng ngợp.

Bài báo về Phụng đã trở thành vấn đề nóng hổi trên cả nước, người ta dường như rất quan tâm đến việc cuối cùng cô và làng gốm sẽ như thế nào. Vì thế mà đài truyền hình mới cho xe xuống tận cái làng nhỏ xíu này làm phóng sự về gốm.

Đứng trước micro to đùng, Phụng thấy run lập cập. Rất đông dân làng đều đến để xem cô ghi hình. Nhưng rồi những khuôn mặt háo hức của mọi người khiến cô bình tĩnh hơn hẳn.

Sau khi người bên đài truyền hình rời đi, làng cô lại bình thường như mọi ngày, ai lo việc nấy. Nhưng, có cái gì đó tươi mới thổi vào cuộc sống buồn bã của họ và dù không rõ ràng cho lắm, nhưng ai nấy đều biết họ có quyền tiếp tục nuôi hi vọng cho gốm, và cho chính mình.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Giọt Sương

Gà con
Tham gia
20/6/16
Bài viết
6
Gạo
0,0
Không ngờ chị có truyện này nữa. Em sẽ đọc hết tất cả truyện chị viết luôn nè. Hi hi.
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
15.2
Những hạt nắng đầu tiên của buổi bình minh nhẹ nhàng buông xuống làng gốm nghèo, soi rõ bụi đất xám lơ lửng trong không khí, gợi nhớ về quãng thời gian bận rộn trước kia. Xế, người dắt trâu đi cày về cũng nhìn về phía lò nung đã bị san phẳng, chỉ còn gạch vữa ngổn ngang chất thành đống, mường tượng lại những hôm lò đỏ lửa, khói bốc lên trời cuồn cuộn, chạnh lòng. Sớm, người thả vó đánh dậm đi ngang qua xưởng, dù bây giờ đã là bãi đất trống trơn, cũng đưa tay chùi mắt cay vì nhớ những rôm rả khi gốm được mùa, ngỡ chỉ mới hôm qua…

Sau những hi vọng là những lo sợ về tương lai, dẫu có khi chính bản thân họ còn không rõ tương lai là phần đời con cháu sau này hay là ngày mai, rồi ngày mai của ngày mai nữa. Họ ăn một bữa lại sợ bữa sau đói nên chẳng dám ăn no ăn đủ.

Thằng cu con nhà dì Tiến lên sởi, ngứa sốt khóc rống cả ngày. Dì Tiến đương chửa được ba tháng, gập người nôn thốc nôn tháo vì nghén ngoài sân sau. Anh Mạnh từ bận rồi đi làm tận đâu xa lắm, cứ vài ngày mới về nhà, cũng chỉ vì nhà sắp có thêm miệng ăn.

Bữa trưa của bốn người chỉ vỏn vẹn có rổ rau xanh ngắt nhà trồng, nồi cháo loãng còn bốc khói nghi ngút và chén thịt bằm rang mặn.

- Lát cháu đi xin ít khế về muối với sung cho dì. – Phụng cười, kiếm câu chuyện vui cho bữa ăn ảm đạm.

Dì Tiến đang muốn buông đũa, nghe vậy mặt rạng rỡ hẳn:

- Ừ, dì cứ thấy thèm thèm món gì, ra là khế. Mày xin quá cho dì vài quả, dì ăn không.

Phụng mở nắp lọ ruốc, múc một muỗng lởn bỏ vào bát cho dì, thở dài:

- Vâng ạ!

Mấy bữa rồi dì Tiến lại đưa Phụng ít tiền đi chợ, nhưng cô không lấy. Dì đương bụng mang dạ chửa, có bao nhiêu thứ cần lo sau này. Bản thân dì còn tằn tiện tích cóp, bảo cô sao mà cứ cầm hoài được.

Bữa cơm xong, Phụng đội nón đi xin khế. Trên đường đi gặp Chức đạp xe ngược chiều, trong giỏ xe phía trước đầy nhóc những khế là khế, quả nào quả nấy căng mọng.

Kít!

- Em đi đâu thế?

- Dạ, em…

Chả nhẽ bảo em đi xin khế? Phụng lúng túng không biết trả lời thế nào.

- Trời nắng vậy, sao không đội nón?

Phụng vội đội nón lên đầu.

Chức phì cười, anh chống tay lên ghi đông, mắt nheo lại vì nắng chói, nhưng trông sao cũng thấy tuấn tú.

- Lên xe đi, anh chở ra song xem tụi Quyền thả diều. Hôm nay thuận gió, diều bay đẹp lắm.

Phụng nghe thả diều hai mắt sáng lên, cô thích xem thả diều lắm, nhưng mà…

- Anh hái khế cho em rồi. Còn ếch thì ở chỗ Quyền. Lát anh chở em về. Được chưa?

- Ơ…

Chức nháy mắt, lúm đồng tiền xinh xinh rõ tươi tỉnh:

- Lên xe đi, không tới nơi thì gió lặng mất.

- Dạ!

Phụng ngồi sau Chức, nắng đổ bóng hai anh em thành vệt dài trên vệ cỏ ven đường. Chợt, cô đặt tay hờ lên lưng áo trắng tinh khôi, cô không nhớ nổi mình đã bao lâu không ngắm bóng lưng vững chãi như thế này. Cô em gái nhỏ và anh trai, những ngày tíu tít cùng nhau học cùng nhau chơi, cùng nhau làm gốm… Đã trưởng thành cùng nhau như thế, đã có lúc cảm xúc lẫn lộn nhưng sau cùng, anh với cô trên hết vẫn là tình thân.



Tình thân thuộc có thể giúp người ta bỏ qua nhiều thứ, Phụng chắc chắn như thế vì Chức luôn nhường nhịn cô trong mọi chuyện. Cô cũng nghĩ mình sẽ cư xử như thế với anh, nhưng tới ngày hôm qua cô mới biết bản thân mình ích kỉ thế nào.

Hôm qua, Phụng qua nhà bác Đại, cô mang xấp giấy đăng kí kết nạp Đoàn của lớp đưa anh Chức, đây là việc mà Bí thư trường nhờ cô, vì cậu bận đi đá banh này nọ.

Nhưng anh Chức chạy ra chợ mua sườn heo để tối bác Nhu nấu canh nên không có nhà. Bác Nhu bảo cô vào trong đợi cho mát. Phụng nghe hai chữ sườn heo mà chảy nước miếng trong lòng, cô thèm vị thịt biết bao.

Phụng xoa bụng khi ngửi thấy mùi cá kho thịt béo ngậy bốc lên. Tiện thể mò mẫm mấy quyền sách trên bàn học để đọc cho quên đói. Bỗng cô quờ vào lọ mực, nắp xoáy không chặt nên vừa rớt xuống nền liền đổ loang ra. Phụng hốt hoảng cúi xuống nhấc lọ mực lên theo phản xạ, nhưng bao nhiêu mực đã đổ hết ra cả rồi. Lúc đứng dậy cô húc đầu vào ngăn kéo khiến nó xô ra ngoài, xộc xệch hết cả giấy tờ bên trong.

Phụng vừa day day chỗ da đầu sắp u một cục, vừa loay hoay chỉnh ngăn kéo ngay ngắn như cũ. Phụng lôi xấp giấy tờ là xếp lại. Bỗng một lá thư rơi xuống gần vũng mực, cô vội nhặt lên. Bìa thư ố vàng chứng tỏ đã được gửi từ lâu lắm rồi, cô lật mặt trước xem thử… Gì đây, tên cô ở ngay chỗ người nhận… Phụng không thể tin vào mắt mình. Cô nhận ra ngay nét chữ mềm mại của mẹ. Lá thư này đã xé bao, tức là nội dung bên trong đã được đọc. Rốt cuộc mẹ đã viết gì mà anh Chức không muốn để cô đọc?



Phụng tựa đầu vào đầu gối, cô vừa mới khóc một trận cho hả dạ. Trong thư mẹ bảo sẽ đón cô ở bến tàu, vậy nhưng cô không biết gì cả. Không biết và không đến, chắc hẳn mẹ buồn lắm, chắc hẳn mẹ nghĩ cô không thương mẹ nữa. Phụng lại úp mặt vào đầu gối khóc, không đâu, cô chưa bao giờ hết thương mẹ. Nhưng nếu khi đó Chức đưa cô lá thư này, cô sẽ bỏ bà ở lại mà ra bến tàu ư? Không, cô không thể làm thế. Phụng chùi nước mắt ướt nhèm trên mặt, cô không thể bỏ bà một mình được.

Cô chẳng biết phải làm thế nào cho đúng, chỉ biết bây giờ cô thấy tim mình buồn quá, cô đã trách lầm bố mẹ suốt nhiều năm ròng, đã ôm nỗi tủi thân mà lớn lên từng ngày.

- Sao ngồi đây?

Phụng ngẩng lên. Là Quyền đi bắt ếch về, cạp quần xắn tới bẹn, chân đầy bùn sình. Nó đi bắt ếch hèn chi trốn tới chỗ vắng vẻ này mà cũng đụng mặt nó. Phụng bất đắc dĩ phải kể chuyện lá thư cho nó nghe. Nghe xong Quyền chỉ thở dài.

- Tao không hiểu sao bố mẹ lại không về thăm tao với bà lấy một lần. Đã từng về tới bến tàu để chờ tao. Sao không cố mấy bước về nhà… - Phụng buồn bã nói với Quyền.

Quyền nạy bùn khô đóng thành mảng trên tay, nghĩ lung lắm, sau đó nói:

- Chắc giống anh Tiến, anh Tiến đi lâu lắm rồi không thấy về thăm bác Đại…

- Anh Tiến chắc sợ gặp dì Tiến…

- Chắc mẹ mày sợ gặp bà mày…

Phụng với Quyền nhìn nhau, một con bướm trắng từ đâu bay đến, đậu lên chóp mũi Phụng, đôi cánh mỏng khẽ chớp chớp đưa mùi hương hoa thoang thoảng thơm. Phụng đột nhiên mím môi, cánh mũi phập phồng, cô cố gắng để không hắt xì.

- Hoa mận nở rồi mày ạ. – Quyền khẽ bảo, như chính cậu ngửi thấy mùi hoa mận chứ không phải Phụng.

Hắt xì!

Phụng tiếc nuối khịt mũi. Cô ngước nhìn con bướm nhỏ bay vòng vòng trên đầu Phụng, không hiểu vì sao nó không chịu rời đi, trước giờ cô chưa thấy bướm trắng bao giờ, ít nhất là ở trong làng này.

Quyền nhìn Phụng, cậu định kể lại chuyện bà ngoại từng kể cho hai anh em nghe. Rằng bướm trắng là hiện thân của linh hồn người đã khuất, một câu chuyện rất là dài đằng sau đó, nhưng mẹ cậu thường gạt đi và cho rằng bà lẩm cẩm rồi.

- Mày nghĩ bố mẹ mày bây giờ thế nào?

Phụng nhún vai, mắt hơi buồn.

- Tao không biết, nhưng hi vọng họ luôn khỏe mạnh.

- Ừm… - Quyền tư lự.

p… ộp…

Mấy con ếch ngộp nắng kêu loạn cả lên. Trong cái giỏ mây cũ đầy bùn, chúng nào biết cái đầm lầy khan hiếm thức ăn kia lại là chốn an toàn nhất cho chúng. Chỉ vì ham mồi ngon, chỉ vì tưởng rằng trong lợp kia là nơi phồn vinh hơn mà cuối cùng sa lưới, sự sống cũng theo đó mất đi.



Người bắt lợn vừa đi, Phụng ngồi xuống đất, đếm lại tiền. Mai cô sẽ đưa bà đi bệnh viện khám mắt. Hôm nay bên trạm y tế xã bảo rằng mắt bà bị thoái hóa rồi, sắp tới có thể không thấy được nữa. Nhưng một vị bác sĩ trẻ về xã thực tập lại bảo với cô rằng có lẽ dây thần kinh nào đó ở mắt của bà bị teo lại, chỉ cần thay là có thể nhìn rõ lại được. Dĩ nhiên, chỉ có bệnh viện lớn trên tỉnh mới đủ khả năng làm điều đó.

Nghỉ hè rồi, nên Phụng có nhiều thời gian hơn. Cô cải tạo lại khoảng sân trước nhà, nạy hết gạch lên để lấy đất trống trồng rau củ. Cô dự định sẽ bắt giàn mướp với giàn bí ở sát cổng, phía dưới trồng mùng tơi, rau đay. Cô cũng gieo mấy luống su hào, cải trắng để muối cho mùa lạnh… Phía sau nhà đã cắt đất bán từ dạo xưởng đóng cửa nên chỉ còn chuồng heo với gà bên hông nhà và mấy vạt rau cạnh đó.

Bán xong heo đợt này, cô sẽ nuôi gà để ăn và để bán, nhanh lấy lại vốn hơn heo mà nhà lúc nào cũng sẽ có tiền, không sợ ốm đau phải đi vay mượn.

Phụng đang xách nước để chà rửa chuồng heo thì Chức qua. Có lẽ là anh qua xin lỗi?

- Quyền nói anh nghe à?

- Không, anh tự biết.

Phụng cười cười, cô tạt xô nước xuống nền, cầm chổi xể bắt đầu kì cọ, dường như chẳng để tâm đến việc ấy lắm.

Lần đầu tiên Chức trông tội đến vậy, anh nhìn Phụng hồi lâu rồi xắn quần, bước vào.

- Để anh làm cho.

- Không cần đâu, em tự làm được.

- Để anh.

- Em đã nói không cần!

Phụng đột nhiên xẵng giọng khiến Chức bất ngờ, tay anh chạm đến đầu chổi liền khựng lại. Phụng cũng thấy bất ngờ vì hành động của mình. Thấy sự bối rối trong đôi mắt cô luôn rất thích mỗi khi nhìn vào, Phụng thấy mình có chút gì đó không phải với anh. Cô liền xụi lơ, tay cầm chổi cũng buông ra.

Chức chầm chậm nắm lấy bàn tay vừa buông thõng ấy, hết sức thành khẩn nói:

- Anh xin lỗi.

Phụng chùi nước mắt đã lăn qua hàng mi dưới, chực chảy xuống gò má ửng đỏ. Cô thực sự không muốn khóc. Cô cũng không muốn trách anh. Cô chẳng trách ai cả, ai cũng chỉ muốn tốt cho cô. Có thể, một chút cô sẽ trách cuộc đời, nhưng rất nhanh cô lại cảm thấy cuộc đời chẳng có gì để trách. Cuộc đời mang cô đến với gốm, cho cô được sống những tháng ngày thật đẹp và ý nghĩa cùng mọi người.

- Anh xin lỗi…

Chức ôm lấy Phụng, ngẹn ngào xin lỗi lần nữa. Anh dùng bờ vai rắn rỏi của mình để gánh lấy nỗi buồn sau những giọt nước mắt của cô. Anh đã nghĩ rằng nếu Phụng không ra bến tàu, mẹ cô ít nhất vì nhớ con mà sẽ về thăm cô và bà vài lần. Ngày hôm ấy anh đã chạy ra bến tàu, nhưng không thấy mẹ Phụng. Có thể bà thấy anh và đã nấp đâu đó để anh không thể trông thấy bà.

- Cái Phụng đâu rồi, cái Phụng đâu rồi… mau mau ra đây…

Giọng bác Cả oang oang, có thể nhận rõ sự hân hoan trong từng câu chữ.

Phụng với Chức đều vội vã kéo áo lau mặt, tiện thể có xô nước bên cạnh, cả hai cùng lấy nước rửa mặt thật nhanh.

- Ôi giời ơi, giờ này mà còn chui trong chuồng heo, làm gì đó bây, rửa chuồng heo à? Thôi thôi bỏ đấy… Ơ tiện thằng Chức ở đây thì ra luôn, giời ơi, bác sống ngần này tuổi đầu, không ngờ lại có thể chứng kiến việc này…

Bác Cả tự biên tự diễn, nói một hơi dài, nét mặt sung sướng nhanh chóng đổi thành xúc động. Nhưng khi nước mắt tưởng chừng rớt ra đến nơi thì bác lại cười ha hả.

Chức với Phụng hoang mang nhìn nhau vì bác Cả nói xong lại tất tả chạy đi. Có lẽ bác đi thông báo cho những nhà khác nữa.

Dọc đường đi, Phụng không giấu nổi tò mò xen lẫn lo lắng, cô căng thẳng hỏi Chức:

- Không biết xảy ra chuyện gì anh nhỉ?

- Anh cũng không rõ, nhưng chắc không phải chuyện buồn…

Bởi vì nếu người ta buồn đau, chắc chắn họ sẽ không vừa khóc vừa cười mà đi loan tin như thế.

Bước chân của Phụng với Chức bỗng trở nên gấp gáp hơn, cuối cùng cả hai đều chạy. Ai cũng muốn biết rốt cuộc là làng có chuyện gì.
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
15.3
Mặt trời vừa ló đằng Đông, bãi đất hoang tàn ngày nào bây giờ đã chất đầy những gạch và và thân gỗ lớn. Thanh niên trai tráng cởi trần, áo thắt ngang hông, mỗi bên vai một bao xi măng, lần lượt khuân từ xe tải xuống, chất thành đống lớn cao quá đầu người. Tiếng nói cười rôm rả, mặt ai nấy đều rạng ngời.

Bác Đại xông xáo nhất, bác chạy chỗ này chỗ kia xem xét, nhưng không có gì là không vừa ý cả. Bởi tỉnh cử hẳn có một đội gồm kĩ sư giám sát và thợ xây xuống hẳn hoi. Còn nhớ ngày trước xây lò, xây xưởng cũng chỉ toàn bác với thanh niên trong làng hùn sức xây. Hỏng chỗ nào vá chỗ đó, nào có máy móc hiện đại như này mà cân đo đong đếm chính xác.

Bác Cần đứng nhìn xe trộn vữa tự động một lúc, rồi gật gù nói với bác Cả:

- Cái này trông cứ như đít con ong ấy, mà được việc đáo để.

- Ôi dào cái bác này, ví với chả von… dưng mà giống thật… cứ ngoe nguẩy ngoe nguẩy…

Hai bác già vỗ vai nhau cười lớn, cười đến chảy nước mắt, rồi lại ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Thế là gốm hồi sinh rồi, giờ người ta giúp xây xưởng, xây lò, còn bảo là sẽ khang trang và hiện đại hơn cái cũ, giúp tiết kiệm nhiên liệu với hạn chế ô nhiễm môi trường gì đó dài dòng lắm, bác chả nhớ hết. Nhưng toàn cái tốt thế là vui rồi.

Phụng, Chức, Quyền vắt vẻo ngồi trên cây xoan già, quan sát toàn cảnh phía dưới, miệng không khép lại được vì vui. Hôm qua, cán bộ trên tỉnh về làng cô, đưa công văn rồi phổ biến về việc sẽ giúp khôi phục và duy trì ngành nghề gốm sứ, nhưng nghe đâu là có mạnh thường quân hỗ trợ nữa.

Phía đầu làng, người ta cũng đang xây cổng mới, trên đó đề rõ dòng chữ: Làng gốm sứ truyền thống Việt Nam. Mấy nay đi chợ, dân tình bàn tán xôn xao ghê lắm, ai nấy đều tự hào. Rồi cán bộ đi từng nhà động viên mọi người quay lại với nghề gốm, tỉnh có chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu cho những nhà khó khăn, đông con…



Đây sẽ là mùa hè đáng nhớ nhất trong cuộc đời Phụng. Cô được nhìn thấy lò gốm thành hình qua mỗi ngày, chứng kiến từng viên gạch chồng lên cao ngất, tựa như chạm tới bầu trời xanh mênh mang. Chưa bao giờ làng rộn rang đến vậy… Đêm người ta chẳng buồn ngủ sớm, vác ấm chè ra hiên, tụm năm tụm ba bàn chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện làm nhà trẻ cho mấy đứa nít ranh có chỗ quậy phá, và đôi khi, cả chuyện thiên hạ.

Hôm qua, bác Cả qua nhà Phụng, hỏi bà cô về bà cố. Bác muốn làm lễ tạ lỗi và rước bà Tư về nhà thờ tổ nên muốn xin một bức ảnh của bà. Phụng đưa bác bức hình duy nhất của bà cố mà cách đây không lâu cô tình cờ tìm thấy. Cũng đưa cả di vật cuối cùng của bà là mảnh gốm hoa đào mà mặt trong nếu nhìn thật kĩ sẽ thấy một kí hiệu hoa sen nhỏ xíu, chính là bút tích của bà.

Hôm làm lễ, cụ Áng cũng từ trên núi xuống. Phụng nhìn bức hình bà cố được lồng trong khung xà cừ với kính, lạ thay đôi mắt đượm buồn khi xưa không còn nữa, môi bà trông như đang mỉm cười. Có lẽ bà đã sớm tha lỗi cho tất thảy, vậy nên bà mới phù hộ cho gốm, cho mọi người như thế này.

Ngày xưởng khai trương, các bác lớn trong nghề thỉnh cụ tổ nghề và cả bà cố của Phụng về chứng giám. Lệ con gái không được phép đặt chân vào nhà thờ tổ được phá bỏ. Theo đó, con gái cũng có thể học gốm và được ghi tên vào gia phả nghề.

Vài ngày sau, bác Cả khiến mọi người cả kinh khi cầm chén gốm màu hồng nhạt tất tả chạy vào trong xưởng, luôn miệng gào to:

- Gốm hoa đào, đây chính là gốm hoa đào.

Bác Đại, bác Cần, cô Sương cùng mấy người trong xưởng bỏ cả việc mà tụm lại chỗ bác Cả, xem xét chén gốm kia. Màu men bóng loáng có thể soi rõ khuôn mặt từng người khi ghé đủ sát, màu hồng dàn đều không chút gợn, thành gốm mỏng nhưng đặc, khi rõ âm thanh trầm ấm chứ không trống rỗng.

Đặt gốm dưới ánh mặt trời một lúc, người ta bỗng thấy hiện ra trước mặt một cô thiếu nữ đương tuổi xuân thì trong bộ áo dài trắng tha thướt, hé đôi môi hồng chum chím cười duyên. Nhưng rồi cô thiếu nữ ấy vội vàng tan biến trong tia nắng vàng rực đang rọi lên những bông hoa đào mới nở, còn nguyên những hạt phấn trắng li ti trên cánh hoa hồng dịu dàng. Một cơn gió lạnh mang theo hơi ẩm thổi qua, phảng phất mùi thơm dịu dàng tinh khiết. Đầm sen hiện ra yên bình với những cánh sen hồng ửng e thẹn…

- Thật kì diệu! - Mọi người cùng thốt lên khi cuộc du ngoạn về màu sắc kết thúc.

Bất cứ lúc nào họ nhìn chén gốm, đều sẽ cảm thấy như bị kéo vào các khung cảnh khác nhau và không thể nào tự thoát ra được. Chỉ khi gốm đã đổi xong các tông màu của mình, họ mới được trả về thực tại.

Sau đó, các bác cầm chén gốm tới nhà Phụng để xác nhận lại lần nữa, mọi người đồ rằng đây chính là di vật của bà Tư. Nhưng bà Tỉnh bảo rằng, chén gốm đó không phải do bà cố Phụng làm. Mọi người lại được phen xôn xao. Đúng lúc đó Phụng đi mua gà giống về, bác Đại liền hỏi ngay:

- Phụng, chén gốm này cháu lấy ở đâu thế? Bác thấy trên bậu cửa sổ của cháu.

Phụng đặt lồng gà xuống, mấy con gà con hoảng loạn kêu chiêm chiếm không ngừng. Phụng vừa thở vừa thành thật đáp:

- Dạ… cháu làm ạ.

- Cháu làm?

Mọi người đồng thanh kêu lên rồi ngạc nhiên nhìn nhau, ánh mắt lộ rõ biểu cảm không thể tin nổi.

- Khi nào?

Phụng nhíu mày nhớ lại:

- Đêm trước khi người ta cho xe tới cán nát xưởng ạ.

Rồi Phụng lí nhí thú nhận:

- Cháu đã lẻn vào trong xưởng bằng cách trèo tường.

Bác Cả trả chén gốm cho Phụng, đồng thời run run thông báo:

- Đây chính là gốm hoa đào. Quả thực đúng là cháu làm chứ?

- Cháu có thể làm thêm một cái giống vậy. – Phụng đáp chắc nịch. – Bà cố đã chỉ cháu làm.

Phụng không hiểu sao cô lại nói sự thật này với mọi người. Bởi vì sẽ chẳng ai tin cả. Mảnh gốm hoa đào bà cố chỉ cho cô tìm và cả những chỉ bảo của bà cố, sẽ chẳng ai tin.

- Có lẽ là di truyền. Bà Tư sinh thời tư chất vượt bậc, tuổi trẻ tài cao. – Bác Cả gật gù nói.

- Đúng vậy, cái Phụng cũng rất thông minh và khéo tay, học một hiểu mười. – Cô Sương khẳng định.

Chén gốm hoa đào thứ hai do Phụng làm có màu men giống chén gốm ban đầu như đúc, tuy nhiên nó lại không hề đổi màu. Lúc này Phụng chợt nhớ ra, khi cô cầm chén gốm đầu tiên nó cũng không đổi màu ngay, thế nên cô mới nghĩ mình đã thất bại.

- Cháu nghĩ gốm hoa đào cần thời gian nhất định để đổi màu. Hay là cứ để bình gốm này ngoài sân vài ngày thử xem sao ạ.

Không mất quá lâu để chứng minh suy đoán của Phụng là đúng. Gốm hoa đào sau bảy ngày sương gió, nắng bụi cuối cùng cũng đổi màu dưới ánh bình minh của ngày thứ tám. Hóa ra, mọi thứ trên đời này đều cần có thời gian nhất định để trở nên tuyệt vời. Gốm men hoa đào cũng không ngoại lệ.

- Phụng, cháu đã làm được gốm hoa đào. Cháu xứng đáng là truyền nhân gốm hoa đào trẻ tuổi nhất của gốm làng Láng. Sau này, tất cả gốm hoa đào đều lấy kí hiệu của cháu để làm dấu. – Bác Cả trịnh trọng tuyên bố.

- Sao thế được ạ, cháu… - Phụng lắc đầu từ chối.

- Có thể chứ. Cháu hoàn toàn hội tụ đủ điều kiện, đừng từ chối nữa, không ai xứng đáng hơn cháu đâu. Hãy tin bác.

Phụng nhìn mọi người, ai nấy đều gật đầu đồng tình.

- Cho tràng pháo tay khích lệ cháu nó nào. – Bác Cả hô hào.

Mọi người đồng loạt vỗ tay. Phụng nhìn những khuôn mặt rạng rỡ nhìn mình cười thì bật khóc. Đây là mơ ư?

Cô Sương chạy tới ôm Phụng, rồi mọi người cũng kéo tới ôm lấy nhau. Giữa vòng tay ấm áp, lòng Phụng ngập tràn hạnh phúc



Hôm khánh thành xưởng, mọi người đều đứng đợi trước cửa lò từ tờ mờ sáng. Khi mẻ gốm đầu tiên ra lò, phóng viên báo chí và cả đài truyền hình đều tập trung rất đông xung quanh lò. Họ chụp hình, quay phim và cả phỏng vấn từng người một. Mặt ai nấy đều hồ hởi khi máy quay lia tới, và giọng ai cũng phấn khởi mỗi khi được hỏi cái này cái kia.

Một ngày giữa hè, Phụng với Quyền vui vẻ ngồi đầu hè ăn me dầm ớt, đua nhau hít hà vị cay cay chua chua thấm từ đầu lưỡi tới cuống lưỡi, thì bác Cả đến. Trên tay là xấp hợp đồng đặt hàng, bác cười khà khà:

- Đây, bây giờ cứ giấy trắng mực đen, lại thêm cái dấu mộc nhà nước cấp cho, đố mà cãi được.

- Vâng, thích thật bác nhỉ.

Phụng cầm xấp hợp đồng, nhìn vào danh mục đặt hàng, suýt xoa khi con số lên tới tận vài ngàn.

- Độ này chắc phải thức đêm nhiều đây. – Quyền huých nhẹ vai Phụng, nháy mắt nói nhỏ. – Tao với mày canh cùng ca nhé, tao bắt mấy con ếch nướng rồi nhâm nhi.

Phụng cười cười gật đầu. Bác Cả lại cầm tờ hợp đồng đi khoe tiếp, giọng bác sang sảng từ đầu làng tới cuối xóm, thật là vui.



Năm Phụng mười tám tuổi, cô mặc áo lụa trắng, tóc bện gọn hai bên, chụp một tấm hình cùng bà nội. Bà cô, mắt đã nhìn tốt trở lại, móm mén nhìn cháu yêu cười.

- Thật ạ? Cháu giống bà cố y đúc luôn hả bà?

Phụng cười khúc khích khi thấy bà ra hiệu như thế. Cô thơm nhẹ lên má bà rồi vòng tay ôm lấy bà, tận hưởng cảm giác yên bình.

Giờ đây làng Láng nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Tụi trẻ con chơi cút bắt quanh lò gốm. Bụi đất sét trải đầy lối vào xưởng, mùi khen khét không lúc nào là không ngửi thấy. Phụng đứng ở gò đất cao trền triền đồi, nhìn những cột khói lẫn vào bầu trời xanh thẳm, nghe gió thổi vi vu qua tai. Trong giây lát cô ngỡ mình hóa đám mây, tự tại bay lượn, ôm trọn quê hương cất vào tim mình.

Ra, có thứ hạnh phúc cực giản đơn mà tròn đầy.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Không xuất bản nữa sao?
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Mụ để ý nhỉ, chả ai biết tui post full cho bản Gốm hết. ^^ Ùa, tui định thế, để sau này tui có nhiều thời gian rồi tính.
Tôi nghĩ là không có ai biết bà có ý định xuất bản. :)
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Mà nhà bà từng làm gốm à mà biết rõ?
Có khi tôi phải nghiên cứu truyện này để viết lại truyện của tôi. :D Nhìn toàn thoại, chán quá.
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
Mà nhà bà từng làm gốm à mà biết rõ?
Có khi tôi phải nghiên cứu truyện này để viết lại truyện của tôi. :D Nhìn toàn thoại, chán quá.
Tui biết thôi chứ không có làm. Trong họ hàng nhà tui có người làm gạch thôi, còn làng thì có người làm gốm. Lúc bé tui cũng được thấy nhiều.
 
Bên trên