Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn

Vũ Khúc

Gà con
Tham gia
12/12/15
Bài viết
57
Gạo
0,0
Mình muốn chia sẻ một chút những vất vả và phiền tóai mà mình đã gặp phải khi cố gắng theo đuổi nghiệp viết. Mình nghĩ rằng những gì mình gặp phải rất phổ biến một khi bạn thực sự đam mê và muốn trở thành một nhà văn thực thụ.

Trước hết phải nói rằng viết văn không phải là nghề theo nghĩa nó có thể nuôi sống được mình mà chỉ là một cái nghiệp mà tự nhiên mình đâm đầu vào, giống như một người hâm đường quang không đi lại chui đầu vào bụi rậm. Thế nên mình không thể dành tòan bộ thời gian cho việc viết, tệ hơn nữa là cái thời gian mình có thể viết thường rơi vào khỏang đầu thừa đuôi thẹo, ví dụ ban đêm, thứ bảy chủ nhật, ít giờ rỗi rãi tranh thủ được lúc ít việc. Viết như vậy rất mệt mỏi và phải có lòng say mê lắm mới có thể theo đuổi một cách kiên trì. Mình thường viết vào buổi đêm khi tất cả các thứ khác đã tạm ổn, nhưng đó lại là giờ rất buồn ngủ. Buồn ngủ và mệt mỏi sau một ngày vất vả với đủ thứ chuyện. Có nghĩa đó là cái giờ sáng tạo kém nhất trong ngày khi mà cơ thể chúng ta có xu hướng biểu tình đòi được đi ngủ. Nhưng biết làm thế nào được nhỉ?

Nghiệp viết thực sự là thứ rủi ro, có lẽ rủi ro nhất trong số tất cả các thứ nghiệp. Thứ nhất là bạn sẽ phải đánh đổi một thời gian rất lớn, có thể là nhiều đêm, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để hòan thành một cuốn sách mà bạn không bao giờ biết chắc chắn được là quyển sách đó có được in hay không. Bạn chỉ biết nỗ lực một cách hết sức có thể, và tin vào năng lực của bản thân, tin rằng truyện mà mình thích thì người khác cũng sẽ thích, và rằng sẽ có ai đó có con mắt xanh cũng tin bạn như thế, đồng ý đánh cuộc vào tương lai của cuốn truyện đó, cũng có nghĩa là tương lai của chính bạn. Tôi tin rằng điều này không chỉ đúng với những người đang chập chững bước vào nghề, mà còn đúng luôn với những cây đa cây đề, cây cổ thụ trong làng văn. Không ai có thể nói rằng sự nghiệp huy hòang trong quá khứ sẽ là đảm bảo chắc chắn cho thành công trong tương lai. Nhiều nhà văn đã trải qua một giai đọan được tôn vinh trước khi năng lực xuống dốc và không còn được chào đón nữa, mà điển hình là Nguyễn Huy Thiệp. Con người từng được xem là nhà văn đã thay đổi nền văn học VN sau đổi mới giờ đây không còn viết được một truyện nào ra hồn nữa và đã hòan tòan biến mất khỏi văn đàn. Tôi vẫn nhớ cảm giác khi đọc tiểu thuyết Tiểu Long Nữ của Nguyễn Huy Thiệp và tự hỏi mình cái của nợ gì thế này ngay sau trang đầu tiên. Trong khi đó đối với những công việc chính của chúng ta, một khi ta đã leo lên vị trí quan trọng, ví dụ như trưởng phòng, giám đốc, thủ trưởng đơn vị, thì đó sẽ là đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống ổn định của chúng ta sau này. Nghiệp viết, tiếc thay, nghiệt ngã hơn rất nhiều, và vì vậy cũng công bằng hơn rất nhiều.

Sự hi sinh của bạn đồng nghĩa rằng bạn phải từ bỏ nhiều thú vui trong cuộc sống. Trong trường hợp của tôi đó là giấc ngủ, những giờ lười biếng nghe nhạc, xem điện thọai, đọc tin tức, đọc truyện vân vân và vân vân. Và sau rốt chúng ta phải tự hỏi mình làm như thế vì cái gì? Rất có khả năng đó là hành động vô nghĩa và ngu xuẩn nhất mà chúng ta đã phạm phải trong đời. Bạn có được xuất bản những tác phẩm mình đã viết không? Những tác phẩm đó có được biết đến không? Và bạn sẽ kéo dài cuộc sống nửa mùa này đến khi nào? Những câu hỏi đó sẽ kéo dài cho đến hết nghiệp viết. Nó dày vò chúng ta và khiến chúng ta mệt mỏi. Vậy đấy, có lẽ chúng ta nên từ bỏ. Tôi nên từ bỏ. Các bạn nên từ bỏ. Đó là một trận đánh với cối xay gió với nhà văn là những Donkihote, cái bút là cây thương, cái máy tính là con lừa và bà vợ, nếu như các bạn có vợ, hoặc bà mẹ, chắc chắn là các bạn có mẹ, sẽ là người phụ tá thực tế và thông minh Sancho Panza luôn nhắc nhở chúng ta về sự vô nghĩa và ngớ ngẩn của điều mà chúng ta đang làm, rằng chúng ta có thể làm được vô vàn điều có ích hơn, ví dụ như đi học tiếng Anh bằng A, học nấu ăn để sau này chăm sóc cho chồng con, hoặc chí ít là nên ngủ sớm để cái mặt không mọc ra một cục mụn to đùng vào sáng hôm sau. Họ có đúng không? Quá đúng ấy chứ. Nhưng viết văn thực sự giống như nghiện, nào có dễ cai.

Người viết văn ham muốn điều gì? Xin đừng nói rằng tôi viết vì thích viết. Hòan tòan đúng khi bạn tự nhiên cầm bút hoặc mở máy tính để gõ những dòng chữ đầu tiên chỉ vì yêu thích viết đơn thuần. Nhưng để hòan thành một tác phẩm thực sự, ví dụ một tiểu thuyết dài vài trăm trang với những tình tiết lôi cuốn, những chi tiết đủ thuyết phục người đọc, thì tình yêu sẽ là không đủ. Khi đó bạn sẽ trở thành một bussinessman chính hiệu, bạn phải tự học hỏi những kiến thức trước nay chưa ai dạy, bạn phải sắp xếp thời gian, bạn phải đầu tư công sức trí tụê. Tình yêu chỉ giúp bạn đi bước đi đầu tiên trên cuộc đua maraton kéo dài hàng cây số. Khi đó bạn phải có một mục tiêu rõ ràng. Các nhà văn phải là người khao khát được công nhận, khao khát được sống vĩnh cữu, những đứa con của mình sẽ được tồn tãi mãi mãi với thời gian. Bạn phải có một mục tiêu to lớn thì mới có thể hy sinh cuộc đời một cách nhiều như thế và dai dẳng như thế.
 

spillingthewind

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/15
Bài viết
102
Gạo
0,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Đọc bài chia sẻ của bạn, mình không cầm lòng được nên phải sign in hè.

Thực sự mà nói, viết truyện đúng là cái mệt nhất. Mệt hơn cả những môn học hóc búa nhất mình đã, đang, sẽ hoặc không bao giờ có cơ hội học.

Mình thấy những điều bạn nghe rất hợp tình hợp lí, thực tế nó vậy đó, cho dù một số người vẫn chưa nhận ra được cái địa ngục mà tất cả người viết đang theo đuổi mà vẫn còn ngây thơ giống như mình hồi còn nhỏ, dại, chưa gì đã đâm đầu vào. Nhưng từ lúc nào, mình đã không còn quan trọng hóa vấn đề này lên làm gì vì chẳng thể thay đổi được cái sự thật rằng mình tự nguyện hơn là bị ép buộc. Cái gì mà người ta không thể thay đổi thì phải học cách chấp nhận. Dần dần mình cũng quen với nó, sáng sáng ngủ dậy và đêm đêm trước khi ngủ "Chà, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu." rồi mỉm cười.

Đa số con người chúng ta khá là ích kỉ, dễ dàng nghĩ rằng sự thiệt thòi, mất mát của mình là quá lớn, trong khi vẫn chưa là gì đối với những người họ hi sinh thật sự. Có Trời mới biết những con người vĩ đại ấy mất nhiều hơn hay được nhiều hơn trong con đường cam go này.

Tại sao ta sống cuộc đời nửa vời, tại sao ta không nổi tiếng như mong muốn, tại sao? Thế ta có bao giờ tự hỏi liệu trái tim thực sự cháy hay chưa mà nghĩ rằng mình đã tạo ra được cái gì đó hay ho, thậm chí tuyệt tác để đời?

Đừng bao giờ tính toán với nghệ thuật nếu bạn thật sự là nghệ sĩ.
 

Vũ Khúc

Gà con
Tham gia
12/12/15
Bài viết
57
Gạo
0,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Việc viết văn giống như một quá trình học tập. Chúng ta viết, và rút kinh nghiệm ngay trong khi viết. Kinh nghiệm đó sẽ khiến các tác phẩm tiếp nối hay hơn, đảm bảo khả năng thành công lớn hơn.
Chúng ta đi trên một con đường, mà từng bước đi được xây chắc bằng mỗi tác phẩm được xuất bản, và được công nhận.
Nhưng điều gì sẽ xẩy ra nếu một tác phẩm mà bạn giành bao nhiêu thời gian, công sức, và hy vọng bị tất cả từ chối. Bạn sẽ viết tiếp một tác phẩm khác hay dừng lại?
 

spillingthewind

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/15
Bài viết
102
Gạo
0,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Bạn nói cứ như thể bạn ở trong hoàn cảnh đó vậy, nhưng có bao nhiêu người cả đời chỉ viết đúng một tác phẩm duy nhất?
 

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Có nhiều người không thể chọn được nghề. Mà phải để nghề chọn họ.

Khi test hướng nghiệp MBTI, mình thuộc tuýp INFP điển hình với chỉ số % cao ngất ngưởng trên mọi đặc trưng. Có lẽ đó là lý do vì sao mình luôn cảm thấy không hạnh phúc khi phải làm những công việc có tính cộng đồng, kỉ luật cao, lặp lại ngày qua ngày. Khi đó, cuộc sống trong mắt mình thật tồi tệ, tẻ nhạt và vô nghĩa.

Và rồi mình nhận ra, chỉ có những con chữ mới khiến mình cảm thấy hạnh phúc.

Nghề nghiệp thích hợp nhất với INFP là nhà văn. Rất nhiều nhà văn lớn trên thế giới thuộc tuýp người này. Điều đó không có nghĩa là INFP nào cũng sẽ theo nghề viết và thành công, mà đơn giản chỉ là tuýp người này có hệ thống nguyên tắc và giá trị nhân sinh quan rất mãnh liệt, thường cảm thấy thích thú trong việc truyền tải chúng cho mọi người, hay cố gắng mang tới cuộc sống này một thứ gì đó tốt đẹp. Và đó là mục đích chủ yếu của mình khi đến với viết.

"Viết để làm gì?" Bản thân mình thì viết vì mình thích truyền thụ, thích chia sẻ, với mong mỏi người đọc sẽ cảm thấy tích cực hơn, rút ra một điều gì đó. Và hơn tất cả, mình cảm thấy hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều khi được gắn bó với bàn phím, cây viết.

Tất nhiên, ham mê một cái gì đó, mình không phủ nhận ai cũng muốn đạt được thành tựu. Đó là được giới có chuyên môn công nhận. Được xuất bản sách. Được dựng phim. Được quảng bá rộng rãi. Được nổi tiếng. Kiếm được thu nhập v.v... Nhưng không phải ai cũng thành công. Và không phải thành công nào cũng là mãi mãi. Có những người dành cả đời cho đam mê, kết thúc vẫn thất bại. Nhưng có những người chỉ coi nó như một thú vui qua đường, đột nhiên lại trở thành hiện tượng. Vì nghệ thuật là thứ không có chuẩn mực. Đôi khi nó lại được gắn liền với "bản năng", "tài năng", "thiên bẩm" và thậm chí là "thời vận", "trào lưu", "tân giá trị".

Mâu thuẫn này đặt ra cho mỗi người một sự lựa chọn. Nếu bạn coi "thành tựu" là điều duy nhất đáng giá trên đời này, hãy quyết tâm theo đuổi nó, và bằng lòng trả mọi giá. Bị từ chối, lại tiếp tục. Khi đó, đừng đắn đo suy nghĩ gì. Vì rõ ràng, cái bạn cần là "thành tựu" cơ mà? Bạn đâu có quan tâm gì đến việc khác? Sao phải cân đo đong đếm rồi than thở? Trừ khi bạn là thiên tài, bạn có vận lớn, bằng không thành tựu nào cũng đều phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt cả. Hãy thôi than vãn đi.

Còn như mình, "thành tựu" với mình không phải là thứ gì đó quá xa vời. Được công nhận thì là hạnh phúc to. Không được công nhận thì là hạnh phúc nhỏ. Chỉ cần hoàn thiện một tác phẩm - hạnh phúc. Có người đọc nó, theo dõi nó, đồng cảm - hạnh phúc. Được viết hàng ngày - hạnh phúc. Mình tự khoanh vùng "thành tựu" lại một cách phù hợp với tiêu chí của bản thân, trả một cái giá vừa phải thôi, làm sao để sống vui vẻ, đó mới là điều quan trọng.

Có người bảo mình, sao không theo học rồi viết tin, bài đăng báo. Khổ nỗi cái tính vô kỉ luật của mình không chịu được sức ép từ việc mỗi ngày phải nộp từ một đến vài bài đều đặn như vắt chanh. Nội dung phải viết theo yêu cầu, gò bó, o ép. Thậm chí phải bốc phét, nói láo cho hợp thị trường. Biến ngòi bút của mình thành một cái máy công nghiệp. Mỗi bài được trả khoảng 300k. Một tháng phải viết ít nhất 10 - 20 bài mới đủ sống. Và cứ đều đặn như thế. Xin lỗi, mình không làm được.

Thế nên mình vẫn viết theo cách của mình, vẫn làm việc theo cách của mình. Coi viết là thú vui, không đặt nặng thu nhập, danh tiếng. Bên cạnh đó tìm một công việc không quá khiến mình "bất hạnh", tiền bạc đủ sống và thời gian còn lại nuôi dưỡng tinh thần bằng con chữ. Đó chính là khoảng không gian hạnh phúc của một đứa INFP như mình rồi.

Viết một bài văn đã khó. Viết một câu chuyện bằng viết cả một trăm bài văn. Thời gian, cảm xúc, chất xám vắt ra không biết bao nhiêu mà kể. Đúng, rất vất vả. Một truyện dài khoảng mười vạn từ mình dùng ít nhất một năm - một năm rưỡi để hoàn thiện. Mà không phải cứ ngồi vào máy là chữ nghĩa ra sòn sòn. Còn vật vã chán chê. Tra cứu dày đặc. Hàng trăm lần muốn bỏ dở. Độc giả thì ít. Đến khi đưa cho NXB, họ từ chối. Không sao. Hãy nhớ lại lý do khiến mình bắt đầu viết, nhớ rằng nó đã khiến mình thấy hạnh phúc thế nào.

Giống như bài hát của Bức Tường: "Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời, dù ta biết gian nan đang chờ đón, một trái tim vẫn âm thầm, vẫn bước đi hướng tới muôn vì sao". Mình cũng muốn "khắc" tên mình trên đời. Nhưng không hẳn là bằng danh tiếng, mà bằng những trải nghiệm, suy tư của mình đưa vào trong câu chuyện. Chiến thắng ở đây nhiều khi là chiến thắng chính mình, chiến thắng những lúc chán nản, yếu đuối, chiến thắng bản thân trước kia cứ quay đều theo một cuộc sống vô vị chẳng hề thấy mình sống, mà hoàn toàn chỉ là tồn tại. Vậy thôi.

Từ giờ đến cuối đời, mình chỉ hi vọng viết xong khoảng hơn mười bộ tiểu thuyết với hai bộ nặng kí nhất là kinh dị và viễn tưởng. Để làm gì à? Chẳng để làm gì. Mình không bán chữ lấy tiền hay danh tiếng. Mình đổi chữ lấy cảm giác hạnh phúc cá nhân. Và mình vẫn đang thu về đều đều rồi.

Nếu bạn đang băn khoăn thì hãy cứ suy nghĩ thật kĩ. Xong rồi trả cho lựa chọn của mình một cái giá vừa vặn. Và rồi... vừa lao động vừa hưởng thụ thôi. :)) Chúc sức khỏe! ^^
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Mình cũng thuộc INFP nhưng giờ đỡ rồi, mình lái qua hệ khác. Nghe nói chỉ có mười mấy phần trăm người thuộc nhóm này.
Lái được sao? :D
Mình tỉ lệ đặc trưng cao lắm, chắc không lái nổi. Mà cũng chẳng muốn lái.
Mười mấy phần trăm là nhiều rồi. Có bọn tuýp lãnh đạo í, chỉ không phẩy mấy phần trăm. :))
 

spillingthewind

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/15
Bài viết
102
Gạo
0,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Mình tỉ lệ đặc trưng cao lắm, chắc không lái nổi. Mà cũng chẳng muốn lái.
Idealist INFP không dễ sống chút nào, sau khi đọc xong bảng mô tả, chỉ biết thở dài thôi. Thay đổi được nhưng phải thay đổi từ động cơ.
 

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
1.800,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Idealist INFP không dễ sống chút nào, sau khi đọc xong bảng mô tả, chỉ biết thở dài thôi. Thay đổi được nhưng phải thay đổi từ động cơ.
Mình thì thấy bình thường. :D Còn vui vui khi lý giải được vì sao mình lại thích thế này, tại sao lại không muốn thế nọ. Mình chỉ tìm thêm vài bài phân tích nhược điểm của INFP để khắc phục thôi. Chứ khó sống hay không là ở mình thôi bạn ạ. Cứ cố gắng thay đổi để hòa nhập trong khi bản thân không thấy ý nghĩa và mãn nguyện cũng chẳng để làm gì.
 

spillingthewind

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/15
Bài viết
102
Gạo
0,0
Re: Nỗi khổ khi bạn theo đuổi nghiệp viết văn
Trừ khi bạn là thiên tài, bạn có vận lớn, bằng không thành tựu nào cũng đều phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt cả.
Câu này hình như có gì đó sai sai. Thiên tài không trả giá bằng mồ hôi nước mắt hở?

Mình thì thấy bình thường. :D Còn vui vui khi lý giải được vì sao mình lại thích thế này, tại sao lại không muốn thế nọ. Mình chỉ tìm thêm vài bài phân tích nhược điểm của INFP để khắc phục thôi. Chứ khó sống hay không là ở mình thôi bạn ạ. Cứ cố gắng thay đổi để hòa nhập trong khi bản thân không thấy ý nghĩa và mãn nguyện cũng chẳng để làm gì.
Lúc mới làm bài test, mình thấy MBTI khá hợp lí nhưng sau này, khi hiểu mình nhiều hơn, mình không còn bó buộc vào một kết quả phân loại nào nữa vì cuối cùng mình cũng thấy con người mình không thể giải thích bằng một lí thuyết nào, cho dù có vẻ đúng đến đâu.
 
Bên trên