Đây là nhận xét của mình với bài viết chưa được chỉnh sửa.
Mình chờ một cái kết khác chứ không phải một câu chuyện cũ trên một bối cảnh mới. Tác phẩm của bạn để lại cho mình không gì ngoài cốt truyện và nhân vật qua lời văn cộc lốc, thiếu sức uyển chuyển về miêu tả. Không gì của riêng bạn (ví dụ về văn phong) đọng lại ở độc giả để khiến nó trở nên là Cá cược của Yan cute, mà không dễ dàng là Cá cược của bất cứ ai.
Truyện của bạn có kha khá điểm thiếu logic:
- Vì bạn sử dụng cô làm danh xưng cho cả nhân vật y tá và nữ chính Hà nên mình thắc mắc có phải y tá trẻ quá chăng? Dường như bạn bỏ qua bước tính toán tuổi đời của các nhân vật ở các mốc thời gian? Giả sử Hà hiện 25 tuổi (18 tuổi kết hôn, 5 năm hôn nhân sau đó và ví dụ 2 năm nữa tính đến thời điểm hiện tại), vậy chuyện cô được sinh ra phải là 25 năm trước? Cô y tá khi đó bao nhiêu tuổi đủ để được làm việc ở bệnh viện và đến giờ thì bao nhiêu tuổi với thâm niên 25 năm trong nghề? Mình nghĩ cần phải có khoảng chênh lệch tuổi nhất định ở hai nhân vật này.
- Quá là không thuyết phục với thời điểm Hà ra đời không có một sự kiện (lịch sử chẳng hạn) hay tình huống khách quan đặc biệt gì lại khiến cô y tá khi ấy vẫn nhớ một nốt ruồi trên cơ thể một đứa bé sơ sinh sau chừng ấy năm trời. Chưa kể, nếu nốt ruồi nhỏ hay đúng hơn là tàn nhang trên da bé thì mình không nghĩ cô y tá dễ bị ấn tượng đủ để nhớ sau 25 năm, thật ra mình muốn nói, trẻ nhỏ thế thì chưa có các đặc điểm nhận dạng kiểu này; nếu nốt ruồi lớn đủ để gây ấn tượng với cô ý tá năm đó thì sau này khi lên hình sẽ thấy ngay, điểm này lại không khớp với lời của Lý.
- Không cần thiết mổ xẻ nhưng chi tiết Hà góp nhặt từng nghìn để mua được chiếc Audi 2 tỷ hơi bị cụ thể đến làm mủi lòng người nuôi heo đất là mình đây. Bây giờ bỏ qua thị trường giá cả ô tô, mình tạm tính thế này: 2 tỷ/100 ngàn/365 ngày vị chi là hơn 54 năm. 100 ngàn là mình đã lấy số tối đa của đơn vị từng nghìn mà bạn nói. Không rõ cô Hà này hiện bao nhiêu tuổi và bắt đầu nuôi heo Audi 2 tỷ cho chồng từ khi nào? Đương nhiên là bạn có thể phản biện rằng đây chỉ là cách nói trừu tượng (?), đã thế thì nên nói góp nhặt từng đồng. Một chi tiết nữa cũng liên quan đến 2 tỷ này, đó là cô Hà thì bảo không đụng vào tiền của bố mẹ trong khi anh Tình thì bảo đó là tiền tiết kiệm của vợ bao gồm tiền bố mẹ và tiền lương. Có một sự không khớp ở đây.
- Thế này nhé, anh Tình không mấy coi trọng tình cảm vợ chồng nhưng lại tiếc đứt ruột vì thua kèo chiếc Audi 2 tỷ. Thế sao anh ta lại không hề nỗ lực để chứng thực vợ mình ngoại tình với Lý? Dù rằng đời dân cá độ lên voi xuống chó nhưng mình không nghĩ 2 tỷ là con số nhỏ để chỉ một cú điện thoại thông báo từ Lý là Tình cứ thể tin răm rắp. Theo lẽ thường, Tình sẽ phải tìm mọi cách (trong truyện thì mới có một lần yếu xìu) để phản bác Lý (để không phải thua kèo chứ không phải vì anh ta tin vợ - chuyện này thì thôi vứt đi cho rồi) nhưng bạn lại cắt đứt cái rụp sự hoài nghi này một cách khiên cưỡng.
Ngoài ra, bạn dùng một số từ hoặc diễn đạt chưa hợp lý:
- Tình và Hà nói chuyện qua điện thoại thì anh làm sao nhớ tới khuôn mặt đầm đìa nước mắt của vợ? Cứ cho là Hà khóc đến như lấy nước mắt rửa mặt thì động từ nhớ trong ngữ cảnh này khiến mình nghĩ là họ đã đối diện nhau khi đó nhưng thực tế là không, chưa kể Tình nhớ vợ chỉ khóc thút thít. Thôi thì họ dùng video call nhỉ?
- Tình thấy chạnh lòng khi nghĩ đến Hà bị anh chửi oan? Cách diễn đạt của bạn ở đoạn này khiến mình nghĩ Tình thay vì Hà cảm thấy chạnh lòng. Mình nghĩ chạnh lòng là cảm xúc người khác gây ra cho mình chứ không phải tự thân ta nảy ra cảm xúc này, mà lại vì việc ta làm ra nữa chứ thì lại càng không.
- Bạn lặp đi lặp lại ý tứ Hà là một cô vợ xinh đẹp, hiền dịu, chu đáo, giỏi giang nhưng ngoài mấy tính từ này ra thì mình không thấy có gì chứng tỏ điều đó. Bạn tạo cho nhân vật một cái vỏ hoàn chỉnh về tính cách, tài năng lẫn nhân phẩm nhưng rỗng ruột. Thay vì thế, bạn nên nói cụ thể hơn, đặc biệt là vấn đề chung thủy - mấu chốt của câu chuyện. Điểm trừ này khiến mình nhớ đến nhiều truyện ngôn tình hay bảo anh nam chính kia là một doanh nhân giỏi, biết lùi biết tiến, biết các mánh khóe trên thương trường, ai cũng sợ bị công ty anh đó nuốt trọn, ai cũng đổ xô làm ở tập đoàn anh này... nhưng lại chẳng có một trường hợp cụ thể nào minh họa cho rất nhiều lời khen sáo rỗng đó.
- Nếu mình là bạn thì sẽ dành nhiều con số cụ thể hơn cho các nhân vật và tình tiết chứ không phải các bình luận và lượt thích.
- Bạn còn mắc một số lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi hội thoại, lỗi chú thích...
Cuối cùng, tác phẩm của bạn có mấy ưu điểm: (1) Sử dụng bối cảnh rất linh hoạt với thời đại như Facebook, như iPhone, như video call (?)... (2) Nhân vật cũng được mở rộng thêm nhiều tuyến phụ để hỗ trợ cho nhân vật chính, như người làm chứng cho Tình và Lý, như mấy cô bạn hàng xóm của Hà... (3) Cách xử lý tình huống cũng rất hợp thời và khá khôn ngoan khi không để pháp luật can thiệp vào vụ cá cược.
Nhìn chung, truyện có khá nhiều lỗ hổng.
Chim Cụt
Thành viên BGK cuộc thi Phóng tác số 1/2016