Khi đọc truyện "Anh có thích nước Mỹ không?", mới đầu mình vô cùng ghét cái kết của câu chuyện này, ghét cả diễn biến, nói chung là ghét tất cả sau khi đọc xong từ đầu đến cuối câu chuyện vì tất cả đều nằm ngoài dự đoán của mình, vì mình không thể chấp nhận nổi sự thật quá phũ phàng đến đau lòng (con người mà, chả ai có thể chấp nhận một sự thật không như mình mong muốn). Nhưng mình vẫn thích đọc nó, bởi nó cho mình nhiều tâm tư, nhiều suy nghĩ khác nhau...
Vài năm trở lại đây, mình đọc lại câu chuyện này và mình đã không còn bất mãn với nó thêm một lần nào nữa. Một câu chuyện hoàn hảo, hoặc ít nhất đối với mình là như vậy. Diễn biến của câu chuyện xảy ra đúng như những gì nó cần xảy ra.
"Đời không như là mơ, không đẹp như mộng, cũng chẳng hoàn hảo như trong suy nghĩ." Thực chất cuộc đời là như vậy, câu chuyện này hoàn toàn đúng với sự thật của cuộc sống là nó đâu có "đẹp". Vì sao Trịnh Vy và Trần Hữu Chính yêu nhau một cách mãnh liệt như thế mà họ lại không đến được với nhau? Vì sao Nguyễn Nguyễn - một cô gái tốt như vậy sau khi chịu nỗi đau bị người đàn ông mình yêu ruồng bỏ và đến giây phút cuối cùng tưởng chừng như có thể bước qua "lưng chừng" của hạnh phúc, lại chết một cách đau đớn như thế? Vì sao tất cả nhân vật trong câu chuyện này không ai có thể chạm tới hạnh phúc, mơ ước thật sự của đời mình? Vì sao? Tại vì sao?... Tác giả Tân Di Ổ có thể là người từng trải, người chứng kiến, hay một người có những suy nghĩ thực tế. Cô gửi đến cho những người phụ nữ đang hoặc đã từng có một thời thanh xuân câu chuyện này để làm gì? Phải chăng cô muốn giúp họ chạm tới những mảnh "ký ức" xa xôi nào đó... Chạm tới những điều mà họ "đã" cho rằng: chắc chắn sẽ thành sự thật...
"Phải chăng dù tình yêu có mãnh liệt đến mấy nhưng chỉ cần sai lệch một milimet cũng đủ để phá vỡ một tình yêu được xây dựng nên từ nụ cười, nước mắt, hạnh phúc, nỗi đau, ký ức,... hay khi yêu, dù có gặp phải muôn trùng khó khăn nhưng chỉ cần lựa chọn "từ bỏ" thì mọi công sức sẽ đổ sông đổ biến hết? Phải chăng một khi đã "từ bỏ" thì sẽ quyết không quay đầu, hay do tình cảm khi xây dựng lại sẽ không còn cảm xúc như lúc ban đầu?"
Mình đã từng nghĩ: "Giá như Lâm Tĩnh không đi Mỹ, hoặc ít ra cũng phải cho cô một sự chờ đợi thì tốt biết mấy." Nhưng nghĩ lại, nếu như vậy thì Trịnh Vy sẽ không bao giờ nhận ra: cô yêu Lâm Tĩnh vì anh là thanh mai trúc mã với cô, là người mà cô chọn làm chồng, là người mà cô trao thứ tình cảm trong sáng nhất, thứ tình cảm đẹp đẽ và tinh khiết nhất, yêu một cách đúng nghĩa. Còn cô yêu Trần Hữu Chính vì anh khiến cô ghét anh vô cùng, khiến tâm trí cô lúc nào cũng chỉ nghĩ đến anh, về anh, một mình anh... khiến cho cảm xúc của cô bị xáo trộn, khiến cô không ngại cơn mưa mà vẫn chờ đợi anh, khiến cô có thật nhiều kỷ niệm đẹp,... Anh đã cho cô nhận ra rằng: anh là người cô chọn để đi hết quãng đời còn lại của mình. Cô yêu anh một cách sâu sắc, yêu anh từ trong tư tưởng, lối sống, trong giấc mơ hay đang thức, yêu hết mình yêu hết lòng, dùng cả lí trí lẫn tâm hồn để yêu,... (chữ "yêu" của Trịnh Vy thật là nói mãi cũng không hết) và yêu nhiều hơn chữ yêu, yêu không hối tiếc.
Mình cũng từng nghĩ: "Nếu Trần Hữu Chính để lại cho cô một lời hứa hẹn thì liệu người đang ở bên cô bây giờ có phải là anh?" Nếu thực sự là như vậy thì sẽ không có một Trịnh Vy "mới" của ngày hôm nay. Sẽ không từ một cô gái bồng bột, dại dột, hấp tấp của tuổi trẻ mà trở thành một người tỉ mỉ và trưởng thành hơn.
Cả hai người đàn ông mà cô yêu thương nhất đều đi Mỹ, rồi cả hai cùng trở về. Cả hai bắt cô phải lựa chọn, và cô lựa chọn sự đúng đắn:
"Dù yêu anh nhiều đến đâu, nhưng cô đã trưởng thành rồi, không thể cứ tiếp tục theo đuổi chữ "yêu" được nữa. Có lẽ cô đã quá mệt mỏi khi cứ chạy theo chữ "yêu", cô nên dừng lại và về lại khởi đầu thì hơn. Bây giờ cô cần một hạnh phúc mới, một hạnh phúc không "đẹp" như cô từng khao khát nhưng ít ra nó vẫn an ủi cô phần nào. Cô cần một chỗ dựa, một bờ vai... và vì thế cô chọn anh - Lâm Tĩnh."
Hai người đàn ông...
Lâm Tĩnh, bản thân anh thì mình không cần phải nói nhiều quá. Bởi anh vốn vẫn yêu Trịnh Vy nhưng lại vướng vào sự hiểu lầm nhì nhằng của trước kia, và sau khi giải thích mọi chuyện thì tất cả đều trở về với đúng "trình tự" của nó. Còn về Trần Hữu Chính, anh là người đàn ông khiến mình nể phục nhưng cũng thấy đáng tiếc. Mình nể anh vì anh luôn hướng tới tương lai của bản thân (bởi con người vốn sống là vì chính mình mà), tương lai của cả gia đình anh, anh không bị chuyện tình cảm mà làm xao nhãng cả tương lai phía trước của mình. Mình đáng tiếc vì anh đã làm mất đi một mối tình đẹp mà có lẽ mãi về sau anh sẽ không bao giờ "gặp" nữa. Anh cũng yêu Trịnh Vy lắm chứ, nhiều là đằng khác. Nhưng có lẽ vì anh là một người đàn ông chu toàn nên cô và anh thật sự không thể đến với nhau.
Nguyễn Nguyễn, liên kết với chúng ta.
Tân Di Ổ nhấn mạnh nhân vật này đối với người đọc rất nhiều (theo mình nghĩ vậy). Cô chính là người luôn hướng về mặt tích cực và cái "đẹp" của cuộc sống đấy thay vì nhìn về mặt tiêu cực và cái "phũ" của cuộc đời. Chính vì vậy mà một người đọc tiểu thuyết, cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm như cô đã phải chịu một nỗi đau về sự thật "phũ". Chúng ta cũng vậy, cứ nghĩ câu chuyện nào cũng như câu chuyện nào, rồi sẽ có một cái kết đẹp. Tân Di Ổ đã mang đến cho ta những suy nghĩ, quan niệm mới. Có thể mới đầu bạn đọc sẽ cảm thấy chán ghét "Anh có thích nước Mỹ không?" giống như mình. Nhưng theo thời gian, theo độ tuổi giống chị
Ivy_Nguyen, rồi suy nghĩ cũng sẽ thay đổi. Có thể khi mình mười bảy rồi hai mươi hai, hai lăm rồi ba mươi, mình sẽ thực sự hiểu thấm thía câu chuyện này hơn.
P/s: cảm nhận này của mình tuy hơi dài nhưng đó là tất cả những gì mình hiểu về ý nghĩa của câu chuyện. Klq nhưng có lẽ đây là bài cảm nhận dài nhất của mình từ trước đến giờ
![happy :) :)](/styles/yahoo/1.gif)
.