Cảm nhận Ba ơi, mình đi đâu? - Hơn cả cảm xúc thật

Chim Cụt

đang cố gắng dài ra
Gà về hưu
Tham gia
4/12/13
Bài viết
14.361
Gạo
3.100,0
HƠN CẢ CẢM XÚC THẬT

Vừa hết chương 2 của Ba ơi?, tôi muốn viết vài dòng cho những gì đã đọc được.

... ba vẫn sẽ tặng các con một cuốn sách. Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền. Đây là hai trong những câu mở đầu của quyển sách.

Tôi đã đọc vài dòng giới thiệu trước khi đến những nội dung đầu tiên của Ba ơi?. Quyển sách cũng đã được mở đầu bằng tâm sự của một người cha về hoàn cảnh của hai đứa con Mathieu và Thomas. Sở dĩ nói như vậy (tức, tôi hoàn toàn biết sơ lược nội dung của quyển sách) là vì rõ ràng câu trích dẫn trên mới làm tôi thảng thốt. Một câu giới thiệu tưởng chừng nhẹ nhàng, chất chứa tình yêu vô bờ bến của người cha nhưng lại được kết thúc một cách hoàn toàn... tàn nhẫn.

Tàn nhẫn vì nó là sự thật.

Tàn nhẫn vì người cha đã không thể làm gì để thay đổi sự thật đó.

Và tàn nhẫn vì người cha đã làm tất cả nhưng cũng chẳng thay đổi được gì.

Chúng tôi rất muốn che chở cho nó khỏi cái số phận đã bám riết lấy nó. Điều khủng khiếp nhất, là chúng tôi không làm được gì. Thậm chí, chúng tôi không thể an ủi nó, không thể nói với nó rằng chúng tôi yêu nó như những gì nó có, bởi người ta bảo chúng tôi rằng nó bị điếc.

Bất lực!

12303170474_353ec5b713.jpg

Đây là ảnh chụp trên khu nghĩa trang The Angels Family
- nơi Kiều Gia và các bạn của em yên nghỉ.
Tấm biển "Cha Mẹ xin lỗi con" như thay lời của những bạn trẻ đã nạo phá thai,
thay lời cho những người Cha người Mẹ mất con,
và có lẽ là thay lời của người Cha Fournier trong sách.
Ông đã nói: "... ba rất tiếc vì chúng ta đã không thể cùng nhau hạnh phúc,
... xin các con tha lỗi vì ba đã làm hỏng các con."

Nó làm tôi nghĩ đến Kiều Gia - đứa con đã mất của mình.

Cũng bất lực!

Quyển sách được tiếp tục với những so sánh được - mất hết sức châm biếm giữa việc có những đứa con khỏe mạnh bình thường và việc có một đứa con tật nguyền.

Nhờ các con, ba mới có được nhiều lợi thế hơn so với các bậc phụ huynh có con cái bình thường. Ba không phải bận tâm gì về chuyện học hành hay định hướng nghề nghiệp cho các con. Ba mẹ không phải phân vân xem nên chọn chuyên ngành khoa học hay chuyên ngành văn học. Ba mẹ không phải lo lắng xem các con sẽ làm nghề gì sau này, bởi chúng ta nhanh chóng biết được điều đó: không gì cả.

Và đặc biệt, suốt nhiều năm trời, ba được hưởng miễn phí giấy chứng nhận đã đóng thuế ô tô. Nhờ các con, ba đã có thể phóng trên những chiếc ô tô cỡ lớn của Mỹ.

Tôi cũng có con, bé còn nhỏ thôi, chưa đi học. Cứ nghĩ đến việc sau này con sẽ làm bác sĩ hay kỹ sư thì tôi cũng khá đau đầu. Nhưng tôi hoàn toàn không muốn đánh đổi việc đau đầu cỏn con ấy để lấy tí thảnh thơi với một đứa con mà tương lai của nó chả nằm ở một cái trường đại học danh tiếng nào cả. Hoàn toàn không. Nhưng, người ta có thể làm gì khi đến cả việc đọc mà đứa con bé bỏng của mình cũng không làm được? Người ta rầu rĩ à? Không, hãy biết chấp nhận sự thật và cười với nó, nếu có thể.

Người ta vốn dĩ không thấy kỳ diệu với những đứa trẻ bình thường, bởi chúng thật sự bình thường mà. Cho đến khi người ta thấy điều gì đó bất thường ở những đứa trẻ tật nguyền, thì người ta mới thấy điều kỳ diệu là con của mình vẫn có đủ năm ngón tay, năm ngón chân.

Cũng như tôi đã không cảm nhận được sống đã là một điều kỳ diệu, cho đến khi mất Kiều Gia.

Đọc Ba ơi, tôi nghĩ, nếu Kiều Gia được sống và cũng tật nguyền như Mathieu hay Thomas, thì liệu bản thân có dám khẳng định được sống đã là một điều kì diệu? Tôi không chắc vì tác giả đã nói: Đôi lúc, trong đầu tôi nảy sinh những ý nghĩ khủng khiếp, tôi muốn quăng nó qua cửa sổ...

Kiên nhẫn?

Để nuôi dạy một đứa trẻ, thậm chí là một đứa trẻ thông minh, hoạt bát, bạn cần phải kiên nhẫn. Vậy để chăm sóc cho một đứa trẻ chỉ luôn phát ra những tiếng “brừm-brừm” từ miệng thì bạn có gì hơn hai chữ kiên nhẫn?

Cũng chỉ kiên nhẫn mà thôi!

Và Fournier là một người cha kiên nhẫn, vì ông đã không bóp chết nó ngay lúc nó chào đời, như bóp chết một con mèo.

Ba ơi? còn rất nhiều nội dung nghe có vẻ buồn cười, lại chẳng cười nổi nhưng tạm thời tôi viết cho những gì mình đã đọc thôi, khi nào đọc xong, viết tiếp, nếu có thể.

--- o0o ---

Tôi đang bước sang chương 3 của quyển sách.

“Tôi tự nhủ nếu tôi bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhất là đối với vợ tôi. Càng ngày tôi càng không sống nổi, bọn trẻ càng lớn càng trở nên khó tính. Thế là tôi nhắm nghiền mắt lại và vừa tăng tốc vừa cố giữ cho mắt nhắm nghiền càng lâu càng tốt.”

Thử đặt mình vào vị trí của người Cha: Có hai đứa con tật nguyền và một người vợ luôn cáu bẳn (có lẽ thế vì cho đến thời điểm này tác giả chưa nhắc nhiều đến thái độ của người vợ) cùng một chữ nhẫn. Ông có quá nhiều thứ cần đến chữ nhẫn và cái gì cũng luôn có giới hạn của nó. Tôi cho rằng, ví như ông có thật sự tự tử cùng hai đứa con bé bỏng đi chăng nữa thì cũng không có nhiều người trách ông đâu. Đúng ra thì họ không có tư cách đó, bởi vì phần lớn những người chĩa mũi nhọn vào những việc như thế thường là những người chả bao giờ thử đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, mà ở đây là thử có một đứa con dị dạng. Chỉ có một số ít, rất ít những người làm cha làm mẹ có con như con của Fournier mới có thể hiểu cho nỗi thống khổ của ông, nuôi con không xong, giết con không đành, là có quyền xì xào bàn tán về việc ấy.

Ở một khía cạnh nào đó của người ngoài cuộc, tôi nghĩ cái chết là sự giải thoát cho các em - Mathieu và Thomas. Tôi dám chắc, không nhiều thì ít, trong các bạn đang đọc đến dòng này, có bạn đã từng nghĩ đến cái chết, chỉ để giải thoát mình khỏi điều gì đó tồi tệ, chẳng hạn như cuộc sống bế tắc, nhục nhã vì đã làm một điều ngu xuẩn, bị chồng, vợ, người yêu bỏ rơi… Thế nên, việc tôi nghĩ cái chết sẽ giải thoát cho hai đứa con trai của Fournier thì cũng có một phần nào đó hợp lý ở góc độ chủ quan, nếu các em có thể suy nghĩ được, như chính các bạn đã từng nghĩ - dĩ nhiên là không thể và tôi mạn phép nghĩ giùm các em.

Nhưng thử nghĩ đến Kiều Gia, tôi không chắc là mình có thể làm được điều đó: Biến cái giả sử không tưởng - Kiều Gia còn sống và tật nguyền, thành cái hiện thực đau lòng - Kiều Gia vẫn sẽ chết, vì muốn giải thoát cho con khỏi tật nguyền. Đúng vậy, tôi không chắc, liệu mình có đủ can đảm thực hiện hai chữ ví như trên kia, hay liệu mình có đủ kiên nhẫn như Fournier - không làm cái việc ngu xuẩn ấy, hay không.

Quyển sách dần hé mở về đứa con thứ ba và về công cuộc tìm một phụ nữ trẻ của người cha đơn thân này. Đến đây thì có thể khẳng định, cô vợ của ông chẳng những cáu bẳn, mà tệ hơn là cô ta đã trốn chạy khỏi cuộc đời của cha con ông.

Phải đau lòng và tự cảm thấy nực cười thế nào, tác giả mới có thể đưa ra câu: Rõ ràng cô ta sẽ là người lý tưởng, bởi cô ấy biết các con tôi và cách sử dụng chúng. Ông thực sự tàn nhẫn khi chọn động từ sử dụng thay vì chăm sóc hay nuôi dưỡng các con của mình. Điều đó gần như làm tôi bật cười. Đôi khi nụ cười chẳng nói lên được nó hài hước chút nào cả. Nhưng như phần đầu tôi đã nói, phải biết chấp nhận sự thật, và cười với nó, nếu có thể, Fournier đã thật sự biết cười với chính hoàn cảnh trớ trêu của mình, một tiếng cười đi cùng giọt nước mắt chảy ngược vào tim.

Ông biết cười khi tạo ra một con chim không biết bay vì mắc chứng chóng mặt. Ông mô phỏng hoàn cảnh của nó y như hai đứa con của mình: Thay vì yếu mềm trước khuyết tật của mình, nó lại lấy khuyết tật đó ra để vui… nó rất dạn dĩ, nó mỉa mai những con chim bay, những con chim bình thường. Như thể Thomas và Mathieu mỉa mai những đứa trẻ bình thường chúng gặp trên phố vậy.

Ông biết cười khi liệt kê ra được thứ tiếng yêu tinh của Mathieu và Thomas: nghêu ngao, gầm gừ, ăng ẳng, ríu rít, quàng quạc, liến thoắng, gào rú hay kêu ken két. Nghe vui tai đấy chứ?

Mới đây, tôi gặp một chuyện rất xúc động. Mathieu đã say sưa đọc một cuốn sách. Tôi lại gần, vô cùng hồi hộp.

Nó cầm quyển sách ngược.

Tôi không biết khi viết đoạn này, Fournier có cười nổi hay không nhưng tôi thật sự có chút buồn cười. Xấu xa quá chăng? Không, tôi không cần làm đẹp lòng ai với câu khẳng định là chẳng có gì buồn cười cả. Có một chút đấy, bởi Fournier vẫn có khả năng cười trên nỗi đau khổ của mình thì tại sao tôi lại không? Nhưng sau đó là gì? Là cả một sự thương cảm - không phải thương hại - cho cả ba cha con. Fournier đã hy vọng điều gì bao nhiêu và đã thất vọng với cùng điều đó đến như thế nào chứ?

Ông vẫn không hề ủ rũ cho đến cả khi Mathieu vĩnh viễn rời xa ông và Thomas, sau cuộc phẫu thuật cột sống. Ông cho rằng ca phẫu thuật có mục đích giúp nó nhìn thấy bầu trời. Lại là một người Cha biết cười trước cái chết của con.

Chưa hết, ông còn có một giấc mơ đẹp về Mathieu:

Con trai bé nhỏ của tôi rất dễ thương, lúc nào thằng bé cũng cười, đôi mắt nó nhỏ, đen và sáng, như mắt chuột.

Tôi thường sợ mất nó. Nó cao hai centimet. Thế mà nó đã mười tuổi.

Khi nó chào đời, chúng tôi rất ngạc nhiên, hơi lo lắng một chút. Bác sĩ liền trấn an chúng tôi, ông ta nói: "Các vị cứ kiên nhẫn, nó hoàn toàn bình thường, chỉ hơi chậm phát triển thôi, nó sẽ lớn." Chúng tôi kiên nhẫn, chúng tôi sốt ruột, chúng tôi không thấy nó lớn.

Mười năm sau, vết khắc trên chân tường để đánh dấu chiều cao của nó lúc nó một tuổi vẫn luôn có giá trị.

Không một ngôi trường nào chịu nhận nó với cái cớ là nó không như những đứa trẻ khác. Chúng tôi buộc phải giữ nó ở nhà. Chúng tôi đã phải tuyển người giúp việc. Thật khó có thể tìm được ai đó chịu chấp nhận. Một việc nhiều âu lo và trách nhiệm, nó quá nhỏ bé, người ta sợ làm mất nó.

Đặc biệt là nó rất hay đùa, nó thích đi trốn và không đáp lời khi người ta gọi nó. Chúng tôi phải bỏ thời gian tìm nó, phải dốc hết các túi quần túi áo và tìm trong tất cả các ngăn kéo, mở tung tất cả các loại hộp. Lần mới đây nhất, nó trốn trong một bao diêm.

Làm vệ sinh cho nó rất khó, chúng tôi luôn sợ nó bị chết đuối trong chậu. Hoặc nó trôi mất qua lỗ thoát trên bồn rửa. Vất vả nhất, là cắt móng tay cho nó.

Để biết trọng lượng của nó, chúng tôi phải đi ra Bưu điện đặt nó lên cái cân thư.

Vừa rồi, nó bị đau răng dữ dội. Không nha sĩ nào muốn chữa cho nó, tôi đã phải đưa nó đến nhà ông thợ sửa đồng hồ.

Mỗi lần các bậc phụ huynh hay bè bạn thấy nó, họ đều bảo: "Nó mới lớn làm sao." Tôi không tin họ, tôi biết họ nói vậy để làm vui lòng chúng tôi.

Một ngày kia, một vị bác sĩ can đảm hơn những vị khác nói với chúng tôi rằng nó sẽ không bao giờ lớn được. Cú đó thật tàn nhẫn.

Dần dần, chúng tôi cũng quen, chúng tôi đã thấy ích lợi.

Chúng tôi có thể giữ nó bên mình, chúng tôi luôn có nó trong tay, nó không cồng kềnh, chúng tôi nhanh chóng để nó vào túi, nó không mất phí vận chuyển công cộng, và đặc biệt nó rất tình cảm, nó thích bới chấy trên đầu chúng tôi.

Một ngày kia, chúng tôi mất nó.

Tôi thức thâu đêm lật từng chiếc lá rụng lên.

Đó là mùa thu.

Đó là một giấc mơ.

Tôi hoàn toàn tham lam khi đã trích dẫn một đoạn dài phía trên. Thật sự là tôi không biết nên rút ra câu nào để có thể đại diện được tốt nhất giấc mơ của Fournier. Hoặc là vì chúng ta thường thích những giấc mơ đẹp kéo dài, kéo dài mãi, thậm chí không muốn tỉnh giấc.

Tôi gần như cũng đắm chìm trong giấc mơ thiên thần kia của tác giả.

Hẳn là các bạn ngạc nhiên với cảm nhận giấc mơ đẹp hay giấc mơ thiên thần kia của tôi nhỉ? Đúng là trong đoạn trích trên, tác giả vẫn dùng lối văn trào phúng với những câu từ không-thể-hài-hước-hơn để nói về một việc đau lòng, nhưng đó vẫn là một giấc mơ đẹp, cho dù Mathieu vẫn ra đi. Với tôi, thế giới của những con người và sự vật bé nhỏ là thế giới thần tiên - nơi con người ta có thể làm những điều-bất-thường với một thái độ hết-sức-bình-thường, nơi phép màu là một điều hiển-nhiên-phải-có.

Ba ơi? có nhiều nhất những cụm từ như là: liệu rằng, nếu như, nếu các con như, đáng lẽ, có thể, thì có lẽ, thì ba sẽ,… - toàn những từ dùng trong mệnh đề If 2. Tác giả không lừa mình dối người khi ông thẳng thắn thừa nhận những ước mơ, những hi vọng ở hai đứa con tật nguyền. Việc biết chấp nhận sự thật và cười với nó, nếu có thể không có nghĩa là ông không được quyền có những nếu như ấy. Đến cả việc nhạo báng chính con của mình, ông còn có quyền thì cớ gì ông không có quyền nghĩ đến một mệnh đề If 2 cho Mathieu và Thomas? Thêm nữa, nếu như của ông là nếu như của một giả sử hoàn toàn không có khả năng xảy ra, nó khác nếu như của những điều mơ tưởng viển vông chưa đạt tới được do chưa nỗ lực hết mình. Những nếu như của ông là dễ hiểu khi đã thất bại trong trò chơi xổ số di truyền học.

Đoạn Fournier giải thích vì sao ông không thích dùng từ tật nguyền cho các con của mình, thay vào đó là cụm từ không như những người khác làm tôi nhớ tới từ số mệnh. Tôi cũng không thích dùng số mệnh, thay vào đó là: Mỗi một người sinh ra và chết đi, trên đời này, đều vào một thời điểm nhất định, mà có người gọi đó là số mệnh. Từ ngữ đôi khi không có khả năng diễn đạt tốt lắm cái người ta muốn nói. Nó phổ biến, nó chung chung và nó tàn nhẫn… nên có lúc người ta thích tự tìm cho một cách nói khác, để giảm đi tính nghiệt ngã mang trong từ gốc.

Phải, Fournier đã chứng minh rằng, việc ông không dùng từ tật nguyền với hai con của mình là đúng. Chúng không như những người khác, như Einstein, Mozart, Michel-Ange không như những người khác. Một so sánh logic để bảo vệ quan điểm dùng từ của mình.

Khác với một Mathieu gần như không biết làm gì, Thomas biết giận dữ, biết vui mừng, biết vỗ tay, biết cả nói dối… Hẳn là sẽ không có ông Bố, bà Mẹ nào sung sướng khi con mình nói dối, cho đến khi nó đủ lớn để hiểu, cuộc sống cũng cần những lời nói dối thiện ý. Fournier đã sung sướng đến xúc động khi phát hiện ra Thomas biết nói dối. Một tia hy vọng trong suốt những trang sách vừa qua của Ba ơi?. Đây không phải là tia hy vọng đầu tiên. Sở dĩ đến bây giờ tôi mới nhắc đến là bởi tia hy vọng đầu tiên là sự xuất hiện của đứa con thứ ba. Nhưng tia hy vọng này sớm bị dập tắt ngay sau đó. Vì sao à? Cho đến những gì tôi đang đọc thì Fournier chưa nói rõ, nhưng rõ ràng việc ông phát hiện ra Thomas có tí sáng dạ hơn Mathieu xứng đáng là đoạn văn sáng nhất trong chuỗi những đoạn văn u ám trong sách.

Có lẽ Chúa đã ban phước lành cho Thomas, khi không sớm đem em đi như đã làm với Mathieu trước đó. Cho dù điều đó đồng nghĩa với việc Thomas sống phần đời còn lại trong Viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt thì Thomas vẫn cho Fournier những phút giây hạnh phúc mà Mathieu đã chưa làm được: Vẽ cho ông và con gái mình một bức tranh, viết cho ông một lá thư nhân Ngày của cha (cái này thì tôi vẫn còn khá thắc mắc liệu đó có thật là Thomas viết hay chỉ là tác giả tự huyễn hoặc để an ủi chính mình), nói chuyện điện thoại với ông để trao đổi những thông tin quan trọng

Có lẽ Fournier đang ban ơn cho chúng ta khi không kết thúc quyển sách với cái chết của Thomas hay vài dòng chia sẻ về cô con gái út.

Nếu quyển sách kết thúc với một cái chết nữa, liệu rằng người ta sẽ đau lòng hơn không? Có thể có, có thể không. Có, bởi vì quá nhiều sự ra đi của những thiên thần bé bỏng đều sẽ làm tan nát trái tim của độc giả. Không, bởi vì được sống đã là một điều kỳ diệu, cho dù dưới hình dáng xinh đẹp bình thường hay dị dạng đáng yêu.

Nếu quyển sách kết thúc bằng việc mở ra những ngày tháng tươi đẹp của Fournier cùng cô con gái Marie (khá bí ẩn với tật-nguyền hay không-tật-nguyền) thì cũng đều làm người đọc đau lòng. Marie tật nguyền - độc giả đau lòng, chắc chắn sẽ là như thế vì làm sao mà Chúa lại có thể để điều đó xảy ra với Fournier những ba lần. Marie không tật nguyền - độc giả cũng đau lòng, bởi người ta thường không muốn kết thúc một câu chuyện buồn mà bằng một chuyện vui; bởi như thế thì thật tội nghiệp cho Mathieu và Thomas - tại sao các em lại tật nguyền trong khi em của các em lại không. Người ta ít nhiều sẽ dành cho hai em nhiều hơn nữa sự thương cảm, nếu Marie không tật nguyền - điều mà tôi cho rằng không cần thiết. Thương cảm quá nhiều sẽ dễ bị đánh đồng là thương hại.

Quyển sách kết thúc với câu: Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc. Theo tôi thì đây là một kết thúc hợp lý. Nó hợp lý đúng với tinh thần biết-chấp-nhận-sự-thật của quyển sách.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, đó là: Xuyên suốt quyển sách, tôi đã hơn một lần muốn khóc, nhưng không thể. Từng câu, từng chữ của Fournier đều mang màu sắc của sự châm biếm, giễu cợt chính hoàn cảnh của mình khiến tôi suýt cười, nhưng chưa thực sự cười một lần nào. Trải nghiệm quyển sách để lại cho tôi, đó là khóc không được, cười không xong.

Khi người ta đứng giữa hai thứ gì đó, mà ở đây là hai cảm xúc bi - hài thì người ta khó xử, thậm chí chết chân, đứng tim, tê não, xót lòng… hoặc là như lời tựa của cuốn sách Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini:

Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này.

- Ba ơi, mình đi đâu?
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chim Cụt

đang cố gắng dài ra
Gà về hưu
Tham gia
4/12/13
Bài viết
14.361
Gạo
3.100,0
Re: Ba ơi, mình đi đâu? - Hơn cả cảm xúc thật
Ơ thế Cụt đọc online à? Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ. :3
Vầng, tôi nghèo lắm cô, hổng có tiền mua sách. :v Năm mới nên làm chút việc tốt để cả năm may mắn. :D
 

thao1011

Vô cùng dễ thương
Tham gia
9/12/13
Bài viết
4.178
Gạo
2.196,0
Re: Ba ơi, mình đi đâu? - Hơn cả cảm xúc thật
Vầng, tôi nghèo lắm cô, hổng có tiền mua sách. :v Năm mới nên làm chút việc tốt để cả năm may mắn. :D

Vâng, đầu năm nay em cũng tặng 5 quyển sách rồi. Nghĩ cũng tiếc nhưng để đó không đọc còn tiếc hơn. :confused:
 

Du Ca

Gà BT
Tham gia
11/12/13
Bài viết
4.815
Gạo
0,0
Re: Ba ơi, mình đi đâu? - Hơn cả cảm xúc thật
Vâng, đầu năm nay em cũng tặng 5 quyển sách rồi. Nghĩ cũng tiếc nhưng để đó không đọc còn tiếc hơn. :confused:
Chậc em tặng sách gì thế? Biết thế vô tình thương mến thương với em sớm cho rồi haha...
 

Sâu

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
9/12/13
Bài viết
2.969
Gạo
11.380,0
Re: Ba ơi, mình đi đâu? - Hơn cả cảm xúc thật
Em chưa kịp đọc cuốn này, vì nhận xét của Cụt mà em sẽ bổ sung thêm cuốn này vào đơn hàng đã lên tới con số 4 trăm nghìn của em. :3
 

Gà BT
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
8/12/13
Bài viết
1.413
Gạo
1.039,0
Re: Ba ơi, mình đi đâu? - Hơn cả cảm xúc thật
Sẽ đọc quyển này. Cảm giác rất xúc động.
 
Bên trên