Bóng chiều cũng đã xế tà, mặt trời đang dần lặn khuất sau dãy núi dài, hương thơm từ những cánh đồng lúa xanh mơn mởn khiến cho cái mệt mỏi của buổi làm việc vất vả ngoài đồng gần như được vơi bớt.
“Tiếng gà gáy sương buổi sớm,
Bình minh vẫn gọi người đâu rồi,
Năm nắng, mười mưa quê là thế,
Tần tảo ngày đêm mong đủ bữa.” [1]
[1]Trích “Quê tôi” – Nhật Hy.
Ông Hai – cha thằng Lúa từ chiếc chòi nhỏ phía xa cánh đồng men theo con đường đê mà về nhà. Chiếc áo ổng ướt hết cả mồ hôi, người thì lấm tấm bùn đất, có một vẻ còn khá mệt mỏi hiện trên khuôn mặt hốc hác.
Bỗng từ xa bà Tám chạy lại gần vẻ mặt hí hửng, như cứ vừa mới được ăn cỗ ở đâu về, người bả tròn như cái bánh trôi, suốt ngày cứ đi vòng vòng xóm tám chuyện, nói xấu người này người kia chả ai ưa nổi bà ta, mà chẳng chịu làm gì nên mới có cái biệt danh bà Tám.
Bà ta thấy ông Hai liền vẫy gọi từ đằng xa:
- Chú Hai, sao không mò qua nhà thằng Năm giựt cô hồn, nhà nó mới mời ông thầy pháp từ làng bên qua về cầu phúc đó, nghe bảo ông này linh lắm nó mở tiệc rình rang luôn.
- Thảo nào sáng giờ tôi ở ngoài đồng mà cứ nghe ồn ào vậy, ủa cô Tám không qua đó hả?
- Già đầu vầy mà đi tranh mới mấy đứa con nít sao, mà có tranh cũng không lại lũ quỷ đó.
- Vậy về nhà phải gọi thằng Lúa đi giựt mới được, thôi chào cô Tám tôi về.
Ông Hai lại tiếp tục về nhà, vừa về đến nhà ông Hai đã gọi to:
- Lúa đâu ra đây tao bảo.
Từ trong nhà thằng Lúa chạy ra mà không biết chuyện gì hết:
- Dạ, cha kêu con có việc gì không?
- Sang nhà ông Năm lẹ, sắp có giựt cô hồn đó qua mà ấy ít đồ về.
- Sao ông Năm Giàu hôm nay tốt bụng thế, mọi ngày keo như kẹo kéo có được một đồng của ổng cũng khó.
- Kệ đi, mày mà nói nữa là người ta giựt hết bây giờ.
Thằng Lúa liền chạy đi như gió, vì nhà ông Năm ở tận đầu làng cách đây một quãng khá xa, chạy được nửa đường bỗng nó nhớ thằng Cỏ, nên mới vòng qua nhà Cỏ rủ nó đi cho có bè có bạn mà giúp nó giựt nữa.
Đến nơi thì thằng Cỏ đang ngồi hì hục chặt cả đống củi cao trước sân, mồ hôi nhễ nhại. Thấy vậy Lúa mới gọi:
- Cỏ qua nhà ông Năm giựt cô hồn nhanh.
Nghe thấy vậy thằng Cỏ bỏ luôn công việc đang làm chạy theo thằng Lúa.
Nhà ông Năm là giàu nhất làng, nhà vừa cao cửa lại rộng, nhìn cái sân nhà ổng thôi cũng gấp mười lần cái nhà của thằng Cỏ rồi, lát gạch men từ trong ra ngoài, cổng thì cao chót vót, trước cửa là hai con sử tử đá phong thủy sừng sững oai hùng. Bên trong thì toàn là hoa cảnh nhất là hoa sứ.
Đến nơi tụi nó thấy bọn ngũ quỷ đang đứng trực ở đó chẳng có đứa nào dám đến gần, thằng quỷ nhị biệt danh Qủy Nấm vì đầu của nó như một cây nấm di động nên đi đâu cũng bị gọi là Nấm, nó vừa ốm là vừa hô chẳng biết dùng từ gì để diễn tả “vẻ đẹp’’ của nó, nhưng vì trong nhóm ngũ quỷ nên nó rất ngông:
- Cấm đứa nào bén mảng lại gần, đứa nào giành với tụi này tao đánh gãy giò.
Thằng Cỏ cũng ngông không kém, thấy vậy muốn làm anh hùng như trong mấy bộ phim Tàu, xông ra:
- Mấy đứa mày là ai mà dám cấm tụi tao.
Qủy Nấm lớn tiếng mặt hầm hầm sát khí, vênh váo:
- Mày ngon à nha, biến không tao đập chết bây giờ.
Thằng Lúa vội kéo thằng Cỏ lại nói nhỏ bên tai:
- Mày muốn chết à, im đi.
Nghe thấy tiếng cãi cọ, ồn ào từ trong nhà ông Năm Giàu bước ra, tức giận đùng đùng:
- Đứa nào mà làm ồn nữa cút về nhà luôn cho tao, không cho giựt giếc gì hết.
Nghe vậy nhóm ngũ quỷ câm hẳn luôn, tụi nó mới chịu đi ra ngoài, mặt thằng nào thằng đấy cũng đằng đằng sát khí như muốn “ăn tươi nuốt sống” thằng Cỏ vậy.
Cái xe Lam từ xa chạy đến làm bụi tung mù mịt như sương làm mờ hết cả con mắt. Ông thầy pháp từ trong xe bước xuống, chơi nguyên bộ đồ vàng khè, hình bát quát khắp nơi.
Mặt ông ngẩn lên đến tận trời xanh, chắc ông này hay bị ngã vì tội khoái nhìn lên trời, mặt vẻ nghiêm nghị, tướng đi hiên ngang, hống hách đến khó chịu:
- Thằng Năm đâu thầy đến mà không ra đón à.
Nghe thấy vậy từ nhà dưới, ông Năm nhanh chân chạy ra, khép nép:
- Dạ, thưa thầy tại con đang ở nhà dưới nên không biết thầy tới, mời thầy xơi nước trước đi ạ.
- Xơi gì mà xơi, chuẩn bị lập đàn luôn đi giờ lành mà qua coi như xong.
- Dạ, bay đâu dọn lễ cúng lên nhanh.
- Tốt, tốt, nhưng thầy làm phép là phải có vật dẫn không thì không linh. – Ông thầy đưa ám chỉ.
Ông Năm vội lấy từ túi áo ra một chiếc phong bì đỏ, lén lén nhét vào tay ông thầy pháp:
- Dạ có chứ ạ, có chứ con chuẩn bị chu đáo hết rồi thầy đừng lo.
Ông thầy mở ra liếc nhìn, có vẻ hài lòng gật đầu một cái:
- Được rồi, thầy là thầy dễ tính đấy chứ người khác là không xong đâu, bắt đầu đi.
Ông ta mang ra một bình nước, một thanh kiếm gỗ, mấy lá bùa màu vàng khè, chữ ghi trên đó như con lăng quăng, và một cái chuông nhỏ.
Ổng ống một ngụm nước gì đó rồi phun ngay ngọn nến, lửa xẹt ra một cái chói sáng cả cái bàn nhìn cứ như
Thánh Hỏa[2],đứa nào đứa nấy cũng trố mắt ra mà nhìn.
[2] Một vị thần có thể tạo ra lửa và điều khiển lửa.
Ông Năm thì đứng nép một bên chấp tay mà khấn, nhìn ổng chẳng giống ngày thường quát tháo, nạt nộ người khác.
Ông ta lại tiếp tục cầm cây kiếm múa qua múa lại, cứ như “Thần điêu hiệp nữ’’ trong phim Tàu vậy, múa được một tí, ông thầy lại dừng cầm cái chuông lên cứ đi quanh bàn, nhảy như lên cơn động kinh, miệng thì cứ ư ử, nói cái gì nghe chẳng rõ.
Sau khi đi được mấy vòng lại trở lại bàn cúng đốt mấy lá bùa cho vào cái chén nước, rồi gọi ông Năm lại:
- Uống cái này đi, lát ta thăng thì mới hỏi được mấy đấng bề trên.
Cùng lúc đó ông thầy cũng mang ra một tấm vải màu đó cứ như tấm che mặt của cô dâu vậy, trùm lên đầu rồi ngồi xuống, ông Năm cũng quỳ ngay tại đó, vừa quỳ vừa lạy, thầy thì cứ ư ử, một lát hét một tiếng lớn rồi nói, giọng cứ như con gái, cả đám đứa nào cũng buồn cười mà chả dám cười sợ ông Năm ổng đuổi về:
- Ta là Tiểu Long Nữ, ngươi gọi bổn tọa lên đây có việc chi?
- Dạ, kính thưa Tiểu Long Nữ việc làm ăn của con dạo này có cứ xuống mà con chẳng biết tại sao, xin Người giúp đỡ.
- Ngươi xuống là đúng rồi, nhà ngươi có “chuột’’, con chuột này là tinh, cần phải diệt trừ không là ngươi cũng tán gia bại sản thôi.
Ông Năm bàng hoàng, lo sợ miệng lắp bắp:
- Xin người thương tình mà giúp con.
Ông thầy ấy từ trong người một lá bùa, đưa cho ông Năm:
- Đây là lá bùa ta đã độ trì, chỉ cần đốt cho vào nước phảy khắp nhà là được, thôi ta thăng đây.
Vừa nói ổng vừa lạy lấy lạy để:
- Con xin tiễn Người.
Xong xuôi ông Năm vội đứng lên, ông thầy cũng mở tấm vải ra vẻ mặt ngơ ngác. Ổng mời ông thầy xuống nhà trên ăn cỗ, rồi nói lớn:
- Rồi đó tao đếm đến ba, tụi bây vào giựt cô hồn, cho tao lấy cái lộc. Một… hai… ba.
Cả đám nháo nhào tranh dành giựt, chỉ chốc lát là cả bàn lễ chẳng còn cái gì. Thằng Cỏ “bội thu” được cái đùi gà quay, còn thằng Lúa chỉ kịp lấy được một trái cam mà thôi.