Chương 1:
Theo cùng năm tháng…
Có những điều, thời gian không thể thay đổi được.
Có những điều, luôn theo cùng năm tháng...
- Này, xong chưa? Oh my god, tôi bóp chết cậu bây giờ? Cậu đang làm gì với kiện hàng thế hả?
Tôi ngẩng lên ngơ ngác nhìn Đăng đang chống hông, mặt hầm hè.
- Cậu tưởng sách nó là đá chắc? Quăng bồm bộp như thế, cong hết mép lên thì sao?
- Nếu cậu giỏi như thế sao không làm đi? Tớ thách cậu đấy?
Đã sẵn nóng nực, mệt mỏi trong người tôi vô lý ngang ngược cãi lại. Trừng mắt nhìn cái người vừa cằn nhằn tôi, cái tay trái “xinh xinh” của cậu ta đang băng bó rất thảm thương, nên từ sáng đến giờ vì cái-con-người-này mà tất cả các kiện hàng được chuyển vào bởi một-mình-tôi. Từ sáng đến chiều, cậu ta có mỗi một công việc vĩ đại đó là cầm cái cành cây nhặt được ngoài đường phe phẩy vào chỉ trỏ tôi.
Cửa hàng sách vào ngày chủ nhật chỉ có hai nhân viên: tôi và cậu ta. Tôi rất thích công việc này, vừa không phải chịu nắng gắt, không phải đi lại nhiều, mà còn được đọc truyện miễn phí, và đương nhiên lương vì thế cũng không cao. Đời tôi chưa gặp một người nào tự kiêu tự đại như thế, tiếng anh thì trình độ chỉ bằng học sinh cấp hai, nhưng rất sính ngoại, mở miệng ra bao giờ cũng đệm mấy câu tiếng anh, cao mét bảy lăm, ngoại hình tầm tầm: mắt không to, mũi không thẳng, cằm không vuông, da thuộc kiểu ngăm ngăm nâu “nhìn lâu thấy đẹp”, được mỗi cái răng trắng lại có cái khểnh trông cũng kéo lại chút ít, ấy thế mà suốt ngày khen mình đẹp trai, tự coi mình là hình mẫu lý tưởng của mọi cô gái. Tay cậu ta bị đau, nhưng vẫn cứ chăm chỉ chườn mặt đến cửa hàng sách, huênh hoanh tự đại rằng nếu cậu ta không đến thì các cô gái sẽ không đến mua sách nữa, vì vậy, dù quả thật cậu ta có “nằm mát ăn bát vàng” thì doanh thu bán sách đều đều duy trì là nhờ cậu ta, vì vậy lương chúng tôi bình thường chia đều 5:5, nay cậu ta sẽ chỉ lấy 3:7.
Đăng, Hải Đăng, tạm coi cậu ta là “thanh mai trúc mã” với tôi đi, cứ những năm quan trọng của cuộc đời tôi là lại phải ngồi với cậu ta, mà đã ngồi cạnh nhau, không muốn thân cũng phải thân, chẳng ai gần gũi hơn bạn cùng bàn. Học cùng nhau lớp cấp 2, nhưng đến năm lớp 9 mới ngồi cạnh nhau, cãi nhau chí chéo, hồi đấy còn có cái trò kẻ đôi bàn ra “đánh dấu chủ quyền” suốt ngày cãi cọ, tôi với Đăng ghét nhau lắm, ba năm cấp ba, “xoay chuyển càn khôn” thế nào, lớp 12 chúng tôi vẫn phải dính lấy nhau, lên đại học, cứ tưởng sẽ tránh được cậu ta rồi, ai dè… vẫn chung trường, chung khoa.
Mà cái chuyện vì sao cậu ta cứ bám lấy tôi như thế, tất cả là do lỗi mặc kệ thế sự, tự tin quá mức của cậu ta, cái lỗi nho nhỏ còn lại chỉ là do tôi quá tốt bụng, luôn giúp đỡ bạn bè, để bây giờ “làm ơn mắc oán” mỗi lần gần kì thi, ôm quyển sách Luật dày bự, cậu ta lại oán hận nhìn tôi :”Tại cậu, tại cậu, tất cả là tại cậu!”
- Này!- Đăng đẩy một phiếu đăng kí dự thi đại học cho tôi.
- Ha, cảm ơn nhé, tớ lại viết nhầm rồi, đang sợ thiếu.- Tôi hí hửng cầm lấy, thì thào nói, bây giờ là giờ Toán, nhưng tôi dám cá là ngoại trừ mấy đứa bàn đầu ra thì bảy mươi phần trăm lớp tôi cũng đang hì hục viết.
- Ai cho cậu?- Đăng giật lấy vội từ tay tôi.
- Không cho, đưa tớ làm gì?
- Viết đi. Tớ thì chắc chắn đỗ khối A rồi, nhưng mẹ tớ cứ bắt thi thêm một khối nữa, cậu thích trường nào thì điền đại vào.
Tôi cũng hào phóng giúp cậu ta, cứ chặc lưỡi có điền bừa cũng chẳng sao, tôi đâu có biết một ngày cái hồ sơ tôi ghi lại có tầm ảnh hưởng lớn đến như thế, tôi cứ điền trường tôi thích vào, hí hửng dán cả ảnh cho cậu ta vào, tốt bụng đến độ vác dùm xuống văn phòng xin dấu luôn vì một lý do Đăng nói rất củ chuối, nhưng có vẻ đúng: “Tớ thề với cậu là bọn nó không xếp hàng đâu, người nhỏ dễ lách, đi xin đi.”, cậu ta từ đầu đến cuối không hề động vào hồ sơ, thậm chí khi nhận lại tờ phiếu hai cũng đút luôn vào đáy cặp, hôm lấy giấy báo thi thì lại gửi nhờ thằng lớp bên cạnh kiêm hàng xóm đi lấy hộ. Vác mặt đi thi cũng không quan tâm kết quả lắm,mất năm phút đánh trắc nghiệm bừa vào phiếu trả lời môn tiếng anh.
Cho đến khi nửa đêm 30/7, tôi đang nằm ngủ sướng mê man vì đỗ được trường mình mong ước, Hải Đăng lại gọi điện làm phiền tôi, ca thán rằng cậu ta trượt khối A, tôi an ủi đến khô roong cả miệng, cậu ta mới lè nhè bồi thêm là đỗ cùng trường với tôi.
Cuộc đời đúng là lắm chữ ngờ.
Đăng đang định cự nự lại cậu ta, nhưng có khách trả tiền hàng đến nên phải chạy ra quầy tính tiền, lúc đi không quên quay lại tỏ thái độ.
Vẫn còn hai thùng sách chưa xếp lên giá, nhưng cảm thấy mỏi nhừ hết cả người, tôi bảo với Đăng một tiếng rồi đi về, cậu ta lúc đấy đang tính toán tổng doanh thu hôm nay nên cũng không mấy để tâm lắm.
Tôi đi bộ về chồ trọ, nhà tôi thuê không gần trường nhưng giá rẻ, khá gần hiệu sách. Trời chập tối, đèn đường đã bật, tôi thích nhất thời điểm này trong ngày, có nhiều cửa hàng trên đường và có một bến xe buýt, những khi buồn hay có cảm giác nhớ nhà, tôi thường hay đến đó ngồi. Cứ gần đến bến, tôi không đi vòng qua, mà thường cúi xuống vừa đi vừa đếm mười ba bước, bước cuối cùng nhất định tôi phải đứng ở dưới mái hiên, dù cho phải nhảy vì lỡ ước lượng không đúng (rất may là thời điểm đó thường vắng khách), đó là cách tôi tự động viên bản thân mình, số mười ba, con số luôn bị coi là xui xẻo, nhưng con số này lại luôn mang lại may mắn cho tôi
- Một, hai, ba…
- Mười, mười một , mười hai...
Chân đã bước đến bước thứ mười ba, nhưng tôi lại không đến nữa, bởi tôi biết, thần may mắn đã lại mỉm cười với tôi.
Cậu ấy đi vượt qua tôi, điềm tĩnh ngồi xuống dưới mái hiên, đeo tai nghe, mắt nhìn về phía trước, mông lung, vô định.
Tại sao ngày nào tôi cũng đi qua đây mà không gặp cậu ấy nhỉ?
“Tại sao ngày nào mình cũng đi qua đây mà lại không gặp cậu ấy nhỉ?”
Mười tám tuổi, khi ấy, tôi cũng đã từng tự hỏi mình câu ấy.
Hồ Thanh bỗng chốc lơ đãng, và nhìn tôi.
Và
.
.
.
Lườm tôi.
Lườm tôi?