Chuyến hành hương của thời gian - Cập nhật - Nhạc Vũ

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
0,0
Tên truyện: CHUYẾN HÀNH HƯƠNG CỦA THỜI GIAN.
Tác giả: Nhạc Vũ
Tình trạng sáng tác: Hoàn thành. Tình trạng đăng: Hoàn thành.
Lịch đăng: Không cố định
Thể loại: Truyện dài
Độ dài: 15 chương
Giới hạn độ tuổi đọc: Không. Cảnh báo về nội dung: Không​
Chương 1: Nước mắt đêm mưa.
Chương 2: Yêu thương là bản ngã, đau thương là chấp niệm. Tất thảy, đều khó buông.
Chương 3: Mưa thôi rơi, vẫn chưa hết ngày dài.
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16. Hết.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
0,0
Chương 1: Nước mắt ngày mưa.

Một tuần nay, mưa rơi không ngớt, mặt trời liền mấy ngày không ló dạng, khung cảnh núi non trên thị trấn nhỏ lúc nào cũng có sương mù dày đặc, ảm đạm thê lương.

Tôi ngủ vùi mấy hôm liền, lúc tỉnh dậy thì mở mắt nhìn trân trân cảnh vật đó qua ô cửa sổ, mỏi mắt quá lại ngủ thiếp đi.

Trong giấc ngủ chập chờn ngắt đoạn, tôi lại mơ về đêm kinh hoàng ấy.

Đó là một đêm hè ẩm ướt, tiếng côn trùng, ếch nhái kêu vang cả một vùng. Trên chiếc giường nhỏ, tôi nằm cạnh mẹ và em gái. Ở cuối đuôi giường, vài cái tô nhỏ được kê lên để hứng nước mưa bị dột vào. Mưa rơi tí tách, lâu lâu vài giọt nhỏ bị văng ra, thấm ướt mép manh chiếu nhỏ.

Khoảng canh ba, đột nhiên cây nến được đặt cạnh giường bị gió luồn qua khe cửa thổi tắt ngóm, cả căn phòng tối đen như mực. Ngay sau đó, từ ngoài cửa căn phòng nhỏ vọng vào tiếng dép đi loẹt xoẹt, tiếng thì thầm chửi rủa.

Tôi bật dậy, tim run rẩy, lay mẹ:

- Mẹ! Dậy đi! Bố đến rồi, bố đến rồi.

Mẹ và em gái nghe từ “Bố” thì giật mình hốt hoảng. Ba người chúng tôi nhanh chóng nhảy xuống khỏi giường, đứng nép vào trong góc.

Vài giây sau, tôi nghe tiếng bố quát ầm lên:

- Mở cửa ra! Mả bố tụi mày, mở cử ra!

Tôi nín thở, cả người nhũn ra. Em gái tôi bật khóc, hoảng sợ mà cố nén tiếng nấc vào trong. Tay mẹ đặt lên vai tôi đã lạnh buốt cả, những ngón tay chai sạm bấu mạnh vào da thịt khiến tôi đau buốt.

Bố lại tiếp tục gầm lên:

- Mày không mở à? Không mở này! Không mở này!

Nói rồi, bố dùng vật gì đó, đập mạnh vào cánh cửa gỗ kêu bôm bốp, mấy mảnh ván nhỏ nhanh chóng vỡ tan, văng ra tứ phía, tạo một lỗ hổng như lỗ chó.

Đang lúc bố định tiếp tục đập thêm nhát nữa thì mẹ tôi đã kịp mở cửa sổ, theo đó leo lên, nhảy ra ngoài. Trước khi đi, mẹ bảo:

- Trốn đi, mẹ đi kiếm người giúp.

Bố cũng lần theo cánh cửa đó, từ ngoài nhảy vào trong.

Em gái tôi đã không còn kiềm chế được, hoảng sợ khóc òa lên. Tôi ôm nó, ngồi thụp xuống.

Đột nhiên, một chút ánh sáng lóe lên.

Nương theo ngọn lửa yếu ớt phát ra từ cái quẹt trên tay bố, tôi thấy khuôn mặt hung dữ của ông. Bố đang đứng cạnh tôi, đôi mắt lòng sọc có phần ngái ngủ, cả người tỏa ra một mùi rượu tanh tanh, hôi nồng nặc. Một tay ông cầm quẹt dương về phía tôi, tay kia kéo theo cây xà-beng dài một mét, đầu xà-beng nhọn hoắt, miết xuống đất, tiếng kêu buốt tận tai.

- Mả bố mày! Đi về! Dám bỏ đi à!

Bố gầm gừ nói, không ngừng đe dọa:

- Tao đập chết tụi mày!

Lúc này, tôi cũng đã khóc nức nở. Tôi nắm chặt tay em gái, vừa khóc vừa van xin:

- Bố! Tha cho bọn con. Bố ơi!

Ánh lửa từ cái quẹt dần mất đi, lần sau quẹt lên nhanh tắt hơn lần trước. Sau cùng không còn quẹt lên lửa nữa.

Bố tôi tiếp tục chửi rủa trong màn đêm đen kịt.

Tôi khóc đến mờ mịt, ù tai. Thứ ánh sáng duy nhất tôi thấy được lúc này là ánh trăng yếu ớt bên ngoài kia, chiếu nghiêng qua cái lỗ mà bố tôi vừa đập xong.

Đột nhiên, tôi bật dậy, kéo tay em gái chạy đi, chui qua cái lỗ nhỏ vừa vặn cơ thể của mình.

Hai chị em tôi chạy thoát, vừa ra ngoài đã thấy mẹ cầm một khúc cây dài chạy tới. Cuối cùng, mẹ bỏ lại khúc cây, ba mẹ con tôi mò mẫm trong màn mưa, đi trốn.

Rất nhiều năm sau này, mỗi khi nhớ lại đêm hôm ấy, nước mắt của tôi vẫn còn rơi.

***
Tôi thoát ra khỏi giấc mơ, cả người ướt đẫm mồ hôi, gương mặt cũng trở nên nhớp nháp vì nước mắt.

Vừa sáng, mặt trời ra khỏi núi lên đến lưng chừng, chiếu nghiêng nghiêng qua ô cửa sổ, nắng vàng cam, thơm mùi cỏ sữa, chan đặc khắp phòng.

Tôi gượng người ngồi dậy, cố lấy lại nhịp thở, cằm kê lên bệ cửa, mắt nhắm nghiền. Cuối cùng nắng cũng lên rồi. Mùi của thiên nhiên, của hương đồng gió nội cứ thế đi vào mũi, tinh khiết quẩn quanh.

- Dậy rồi hả?

Thứ giọng nói nhẹ nhàng, trầm khàn không rõ vùng miền vừa phát ra ấy buộc tôi mở mắt. Trong ánh dương rực rỡ, tôi nhìn lên, một người xuất hiện trước ô cửa sổ phòng tôi, dáng cao cao, mái tóc rối bù. Bên ngoài bộ đồ ngủ mặc thêm chiếc áo cardigan dài chạm gối. Anh ta đứng ngược sáng, chỉ riêng khuôn mặt người đó tôi không thấy rõ.

Dường như, anh ta cười với tôi một cái, rồi đi mất.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

lyta2206

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
22/5/16
Bài viết
138
Gạo
900,0
Chào bạn, lại là mình đây :)

Như đã hẹn thì comment này chỉ mang tính "đánh dấu" vì phần mở đầu thường không có gì nhiều để nói.
Trong một số tình huống thì nhiều tác giả thường sử dụng lối dẫn trực tiếp, đi kèm một act mang tính giật gân. Ở chương này mình không thấy sự kết hợp đó, cộng với việc văn phong của bạn luôn đi theo xu hướng khá mềm mại khi nên dẫn qua cảnh ở quá khứ khiến mình khá... bàng hoàng. Vậy nên, mình nghĩ bạn nên điều nhịp lại một chút bởi với dung lượng ngắn như vậy, vừa đảm bảo tính bất ngờ mà vẫn có sự thống nhất là một điều khá khó.

Vậy thôi. Cảm ơn và chúc bạn viết tốt hơn nhé!
Thân,
Minh Ruby.
 

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
0,0
Chương 2: Yêu thương là bản ngã, đau thương là chấp niệm. Tất thảy, đều khó buông.

Khả Bôn vừa đi khỏi, tôi liền nghe tiếng động cơ đang chạy của vài chiếc xe ben vọng tới từ xa, dần dần càng lúc càng rõ hơn. Dường như ngay khi đến trước cổng nhà này thì im bặt. Lát sau, có một tiếng động lớn phát ra, nghe như có thứ gì vừa nện mạnh xuống đất.

Tôi ngồi yên trên giường, cố lắng nghe.

- Con tôi mặc áo dài đi học mà ông đi nát đường thế này, đất cát dính lên hư cả mấy bộ rồi, các ông có đền không?

- Ông dỡ cây lên. Tôi chạy xe thuê thôi, ông đi tìm chủ thầu mà nói chuyện.

- Không dỡ! Chừng nào làm lại đường cho dân thì mới cho đi.



Tôi nghe lời qua tiếng lại vài câu thì hiểu rõ đầu đuôi.

Con đường đi ngang qua nhà này là đường duy nhất dẫn đến nơi khai thác cát dưới bến sông. Quanh năm suốt tháng, xe chở cát chạy hoài không nghỉ, đường đất bị nát cả ra. Vừa bắt đầu mùa mưa, đường bị xe lội cho sinh sình, ổ gà chi chít.

Cũng vì lý do như thế, năm tôi học lớp mười, có lần đi trên đường trơn bị trượt, người bổ nhào xuống vũng nước, áo dài trắng trên dưới dính đầy bùn. Dượng tôi trông thấy thì hốt hoảng, sau khi dìu tôi vào nhà liền chạy ra chặn xe, buộc tài xế xuống xe rồi chửi đổng, còn dọa đi kiện lên công an xã.

Dượng vẫn như xưa, hôm nay lại một lần nữa chặn xe, có lẽ vì sợ em gái tôi trượt té.

Tôi ra khỏi phòng, đứng trên lan can của nhà sàn nhìn xuống. Mấy chiếc xe đã lần lượt quay đầu, dần đi mất hút. Khoảng sân rộng bên dưới chỉ còn Bôn đang đứng, dáng anh ta bất động, lưng hướng về phía tôi.

Tôi theo tầm nhìn của Bôn, hướng mắt về phía xa.

Trước rặng núi trải dài trùng điệp, mây hững hờ trôi, một nông trại rộng lớn bao bọc hết quả đồi xanh bát ngát. Cỏ non trên đồi qua mấy ngày mưa đã mọc lên um tùm, sương sớm dường như vẫn còn đọng lại, lấp lánh ánh mai.

Nắng vừa hửng, khí lạnh mới chớm tàn, công nhân trong nông trại liền bắt đầu làm việc, người xay cỏ cho bò sữa, người ngụp lặn trong những luống trà xanh chạy dài tít tắp, ngắt búp chè non.

Dưới tán cây đa già xum xuê lá, dượng đứng chấm công.

Nơi đó, sáu năm rồi, đã không còn mẹ tôi đứng nữa.

***

Sau đêm mùa hạ khủng khiếp kia, bố mẹ tôi ly dị. Không lâu sau mẹ tái hôn với dượng, chúng tôi chuyển về đây.

Dượng đối xử với mẹ con tôi rất tốt.

Năm ấy, tôi vừa tròn mười lăm tuổi, lần đầu tiên có phòng riêng. Lần đầu tiên, tôi đi học được mặc quần áo mới. Lần đầu tiên, tôi thấy mẹ sống vô ưu vô nghĩ, thấy em mình được ngủ giấc an lành.

Em tôi hạnh phúc đến quên lãng những ngày cơ cực. Suốt ngày tôi thấy nó cười nói, ca hát líu lo. Từ đó, nó đã không còn hốt hoảng chạy trốn khi nghe tiếng cửa mở cọt kẹt lúc nửa đêm. Từ đó, tôi đã không còn nghe nó thì thầm hỏi “Hôm nay bố có say rượu không vậy chị?”

Và còn, dượng có một người con trai, hơn tôi năm tuổi. Anh tên là Khả Bôn.

Năm tôi chuyển về, Bôn đã lên đại học. Lần đầu tôi gặp mặt người đó là hôm dượng làm bữa cơm mừng ra mắt mẹ tôi với họ hàng. Anh ta lúc ấy chỉ trưng ra bộ mặt lạnh như tiền, đăm đăm khó chịu, mặc cho mẹ tôi ân cần bao nhiêu cũng chỉ tỏ thái độ phớt lờ.

Tôi đối với anh ta mà nói, chỉ là có chút chán ghét. Mỗi lúc Bôn từ thành phố trở về, không khí trong nhà sẽ trầm đi một chút. Tôi không để tâm nhiều, cuộc sống mới của tôi, ngày ngày tháng tháng cứ thế yên bình trôi đi.

Ba năm sau đó, biến cố lớn đến với tôi - mẹ đột ngột qua đời. Tim tôi vỡ tan thành từng mảnh, lồng ngực như bị xé rách, đau đớn xác xơ. Ngày đưa mẹ đi chôn, tôi cầm di ảnh mẹ, chỉ muốn nhảy xuống cái huyệt sâu, theo mẹ chôn vùi. Thế nhưng nhìn đứa em nhỏ của mình đang khóc đến lả người, tôi đành khụy xuống, ôm chặt lấy em. Từ ngày đó, thế giới của tôi sụp đổ tan tành.

Không còn mẹ, dượng cũng không lấy thêm ai nữa, một lòng chăm nom chị em tôi.

Những ngày tháng ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều cầu nguyện mình sẽ không còn thức giấc nữa, trong giấc ngủ sâu cứ thế chết đi. Nhưng tôi không thể ngủ, nếu không dùng thuốc, tôi không ngủ được. Thuốc ngủ đối với thần kinh con người như thuốc phiện, càng uống càng không thể dừng, lần này uống một ít, lần sau phải uống nhiều hơn, chỉ có như thế mới có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Một lần nọ, tôi từ nhà bếp bước ra, trong tay cầm nắm thuốc ngủ và ly nước, bị Khả Bôn bắt gặp. Anh ta nhìn chằm chằm vào cái vỏ thuốc tôi dục trong thùng rác, sau đó quay phắt người, nắm chặt lấy cổ tay tôi.

- Đưa đây!

Tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Bôn, hỏi lại:

- Đưa cái gì?

- Đưa thuốc đây cho anh.

Tôi nắm chặt thuốc trong tay, lại nhìn anh ta, chậm rãi nói:

- Anh bỏ tay ra.

- Đưa thuốc đây, em uống thuốc ngủ nhiều như thế, muốn chết à!

- Bỏ ra…

Nói rồi, tôi giật mạnh tay ra khỏi tay Bôn, cả người mất chớn, té ngược về sau. Tiếp theo, tôi chỉ nghe có tiếng người hốt hoảng bên tai, tiếng xe cấp cứu. Rồi cơ thể tôi bị nhấc bỗng lên, cả người bị xô lệch mấy lần.

Sau đó thì, tôi không nhớ sau đó nữa, chỉ cảm thấy mình đã ngủ một giấc rất ngon. Rồi bỗng dưng, một luồng sáng chói lóa chiếu thẳng vào mắt tôi, mắt phải, rồi mắt trái. Có người liên tục kéo mí mắt tôi ra, giống như buộc tôi thức giấc.

Tôi khó khăn mở mắt, đầu rất đau, như thể bị va đập đến nứt toác ra. Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy, là một người đang đeo khẩu trang y tế, thân mặc áo blue. Sau đó, vị đó rời đi, dượng, em gái tôi và Bôn xuất hiện.

Tôi thắc mắc, toan mở miệng thì có cảm giác răng lưỡi đắng ngắt, cổ họng khát khô, nói không ra lời. Bôn thấy thế, anh ta liền cúi xuống, đỡ tôi ngồi dậy, cuống quýt giúp tôi uống nước.

Trước khi nằm xuống, tôi mơ màng nhìn thấy ánh mắt hoảng loạn của Bôn. Bàn tay anh ta bên dưới vai tôi, run run nắm chặt.

Dượng đứng bên thở hắt ra một cái, cất lời:

- May quá, tỉnh lại rồi. Tỉnh lại là may rồi. May quá! Mẹ con trên trời mà biết, thể nào cũng trách dượng… Trúc Linh, con ở lại với chị, dượng với anh Bôn đi đăng ký cho chị con chụp CT.

Dượng đi rồi, em tôi mới rưng rưng nước mắt, nói:

- Hai, hai đau không?

- Hai không sao, Linh nín đi. Đồ cái thứ mau nước mắt.

Sau đó, tôi lại mệt mỏi ngủ thiếp đi. Nằm viện theo dõi cả một tuần mới được cho về, cuối cùng, tôi phải bỏ lỡ kỳ thi đại học.

Từ đó về sau, bỗng dưng Bôn quan tâm đến chị em tôi nhiều hơn trước. Không còn bộ mặt lạnh lùng và thái độ thờ ơ thường trực, anh ta bắt đầu trò chuyện với em tôi thường xuyên, đến độ, những lúc đi học ở thành phố, có khi anh ta gọi điện cho nó, nói cả tiếng trời.

Tôi không hiểu, đến giờ vẫn không hiểu, tại sao anh ta lại thay đổi nhiều như thế, là vì cảm thấy đồng cảm, cảm thấy có lỗi hay là vì thương hại?

***

Hôm nay giỗ mẹ, tờ mờ tối đã có người bắt đầu đến thắp nhang, khói hương nghi ngút cả một nhà.

Lúc tôi cùng mấy cô hàng xóm đang ở dưới bếp chuẩn bị soạn cơm thì em gái tôi chạy vào, nó thở hồng hộc, nói:

- Hai! Hai gọi cho anh Bôn bảo ảnh trên đường về ghé mua rượu nha.

- Linh gọi đi, Hai đang bận.

- Em cũng bận lắm, dượng bảo em đi mời khách.

- Thế thì nói dượng gọi… Ơ!

Tôi chưa nói hết câu Linh đã chạy vọt đi, thoắt cái liền ra khỏi gian nhà. Tôi thở dài, đi đến tủ lạnh lấy điện thoại bấm số gọi Bôn.

Chuông đổ rất lâu, rồi tắt. Tôi định lần nữa gọi đi thì đã thấy cuộc gọi đến.

- Alo, Như?

- Vâng. Anh đi làm về chưa? Dượng bảo anh mua vài lít rượu.

- Ừm.

Trong tiếng nói nhẹ nhàng của Bôn xen lẫn tiếng gió rất mạnh rít qua, dường như anh ta vừa chạy xe, vừa trực tiếp nghe điện thoại.

- Lần sau anh tấp xe vào lề rồi hẵng xài điện thoại.

Nói rồi, tôi cúp máy, lại bận rộn đi chuẩn bị đồ ăn.

Không lâu sau, Bôn về. Mặt mũi anh ta bị gió táp đỏ gay, cả người tỏa ra thứ hơi lạnh của trời đêm, xen lẫn đâu đó có chút mùi formon thoang thoảng.

Bôn đặt hai chai rượu lớn xuống bàn, tiến đến gần tôi, ân cần hỏi:

- Xong cả chưa?

- Lên bàn nữa là xong.

Tôi trả lời, ánh mắt không nặng, không nhẹ nhìn anh ta một cái.

Bôn cười cười, vừa quay đi vừa quay lại nói:

- Đói chết anh!

Bôn vẫn vậy, đối với thái độ nhàn nhạt của tôi cũng không tỏ ra bực dọc, tôi không hưởng ứng kệ tôi, anh ta cứ thích nói, cứ thích cười.

Mấy cô hàng xóm nhìn dáng Bôn rời đi, bắt đầu bàn tán:

- Không biết thằng Bôn có người yêu chưa? Chả bao giờ thấy dẫn về.

- Chắc có rồi chứ. Tốt tính thế kia mà, công việc lại đàng hoàng. Nghe đâu con nhà bà Hạnh đầu thôn mê nó lắm mà nó không chịu ấy chứ!

- Nó thì chắc đầy gái theo ấy mà.

Một cô trả lời. cô khác lại nói:

- Như, con có thấy nó dẫn ai về chưa?

- Dạ chưa.

Tôi trả lời qua loa, không muốn tham gia nói chuyện.

Rất may, sau bữa cơm, Linh đã phụ tôi rửa chén cùng mấy cô hàng xóm đó. Tôi tránh được tổ hợp bát nháo đó, trốn vào phòng, thơ thẩn nhìn trời đêm.

Đêm rất trong lành, khí lạnh mơn man. Cái xích đu đặt trước phòng tôi bị gió thổi, nhẹ đung đưa, tiếng kêu cót két. Xa xa, mấy sào hoa lay ơn của dượng được chong đầy đèn điện, sáng rực cả một vùng.

Sao neo trên trời, sao lặn dưới hồ nước nhỏ, chấm tí tẹo, sáng long lanh. Riêng trăng khuyết bị mây che đi mất, mây che mỗi trăng, tầng tầng lớp lớp. Mẹ tôi ở trên trời kia, là trăng tối, hay là sao sáng?

Hôm nay dượng làm thịt rất nhiều gà, nấu cháo ăn ngọt lịm, không biết mẹ biết không?

Ngày bé, có lần mẹ con tôi bị bố đuổi đi, trong túi mẹ chỉ có đúng hai mươi ngàn tiền lẻ. Mẹ thương chúng tôi đói, dẫn hai chị em vô quán cháo gà, ba người chúng tôi chỉ dám ăn ba tô cháo loãng. Mẹ bảo:

- Đợi lúc nào có tiền mẹ cho hai đứa ăn cháo có cả thịt, có cái đùi to luôn.

Lần đó, tôi đã tự hứa với lòng mình “Mai này lớn lên phải thật giàu, mỗi ngày phải mua cho mẹ cháo gà nhiều thịt, phải cho mẹ cuộc sống hạnh phúc đủ đầy.” Rút cuộc, mẹ không đợi được tôi trưởng thành đã vội bỏ đi rồi.

Tôi ganh tị vô cùng, những ai bị mẹ đòi tiền ăn hàng tháng, những ai có mẹ càm ràm, hối thúc tìm người yêu.

Một lần nữa, tôi lại thấy thống khổ, kích động cầm ra con dao rọc giấy dưới ngăn bàn, cứa một đường xéo vào cổ tay. Trong tích tắc, máu túa ra, chảy ròng ròng. Cảm giác đau đớn khiến tôi dễ chịu hơn, hơi thở không bị nghẹn bứ trong lồng ngực nữa.

Vài phút sau, tôi băng tay lại, trùm chăn ngồi ở góc giường.

Quá nửa đêm, lúc tôi đang trong tư thế ngồi sắp đi vào giấc ngủ, nhà bên cạnh bỗng dưng trở nên huyên náo.

Tiếng ồn làm tôi giật mình, tỉnh ráo. Tôi khoác vội cái áo len mỏng, nhanh chân chạy ra ngoài.

- Làm sao? Giờ làm sao?

- Gọi xe cấp cứu!

- Số bao nhiêu?

...

Đám đông lao xao, người này người kia ai cũng vội vàng.

Khó khăn lắm tôi mới chen vào được nhà nọ, cạnh cái giường đặt bên cửa sổ phòng khách có hơn chục người đang đứng, người chụm đầu nhìn, người nắm tay nắm chân ai đó đang nằm. Tôi nhìn kỹ người nằm, thì ra là bác Phúc. Ban tối, tôi vừa gặp bác sang ăn giỗ. Thấy tôi, bác gái đang ngồi bên giường liền đứng lên, ánh mắt cầu cứu hiện rõ trên khuôn mặt.

Tôi chạy vào, vội vã nói:

- Để con xem. Mọi người tản ra hết đi, túm tụm thế này sao người ta có không khí mà thở.

Mấy người kia nghe thế thì dàn ra, vẫn chưa chịu rời đi.

- Cô chú ra ngoài kia ngồi đi. Con năn nỉ đó!

Tôi bất lực lên tiếng, cuối cùng họ cũng chịu đứng ra xa.

Bác Phúc nằm trên gường, người bất động. Da bác trắng nhợt, môi tím tái, toàn thân lạnh ngắt. Là hạ thân nhiệt! Tôi cúi xuống, ghé sát tai vào mũi bác để nghe. Nhịp thở không đều, rất chậm. Có lẽ nhiệt độ cơ thể đã bị hạ sâu.

Tôi quay sang định bảo bác gái kêu cấp cứu thì thấy bác đang xoa nắn tay chân cho bác trai. Tôi bực dọc, toan ngăn cản thì chợt nghe giọng một người khác gắt lên:

- Bác bỏ tay ra xem nào, nắn nắn bóp bóp cái gì!

Bác gái bị Bôn quát thì xanh mặt đứng dậy, chân tay cuống quýt. Chắc hẳn bác không biết, đối với ca cấp cứu hạ thân nhiệt tuyệt nhiên không được làm hành động nó, nếu không tình trạng bệnh nhân sẽ còn trầm trọng hơn.

- Bác gọi cấp cứu nhanh lên!

Tôi vừa nói vừa vươn người dậy đóng hai cánh cửa sổ vào, sau đó ngước mắt nhìn Bôn. Có lẽ anh ta đang ngủ say thì bị tiếng ồn làm cho thức dậy, khuôn mặt Bôn ngái ngủ, quần áo đầy nếp nhăn.

- Hạ thân nhiệt cấp?

Tôi gật đầu sau câu hỏi của Bôn.

- Thở rất yếu, phải CPR ngay.

- Để anh!

Nói rồi, Bôn lập tức leo lên giường, quỳ xuống cạnh bác Phúc, liên tục hồi sức tim phổi. Chỉ một lát, hơi thở của bác Phúc dù chưa ổn định nhưng cũng đã nhanh hơn.

Chúng tôi đắp thêm chăn, bón cho bác một ly nước ấm. Sau đó ngồi đợi thêm mười phút thì xe cấp cứu đến.

Tôi cùng Bôn hỗ trợ chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu xong liền trở về nhà. Bôn đang đi sau tôi, leo lên đến lưng chừng cầu thang thì chạy ngược xuống. Tôi dừng bước, quay lại nhìn anh ta.

Trong đám người vẫn tập trung trước nhà bác Phúc, Bôn ân cần giảng giải:

- Mọi người uống rượu xong người nóng nóng một tí là hết thôi, đừng có tắm, cũng không được nằm hứng gió thế kia đâu. Như bác Phúc bị nhiễm lạnh, suýt tí là chết đấy. Mọi người nên cẩn thận.

Dặn dò xong xuôi, Bôn chậm rãi đi ra. Thấy tôi đang đứng trên cầu thang, chân anh ta bước nhanh hơn vài nhịp.

Tôi quay người, nhanh chóng trở về phòng.

Chưa đầy một phút sau, cửa phòng vang lên tiếng gõ.

Tôi vừa vặn tay nắm, cánh cửa ngay tức khắc bị đẩy vào. Bôn đứng trước mặt tôi, nhịp thở gấp gáp chưa điều chỉnh được.

Tôi nhìn Bôn, lười nhác hỏi:

- Có chuyện gì không?

Bôn không trả lời, chau mày nhìn tôi.

Tôi toan mặc kệ liền bị Bôn nắm lấy tay.

- Tay em, chỗ này có máu.

Bôn hất mắt về phía cổ tay ban nãy tôi vừa rạch. Chỗ đó, máu đã thấm qua cả lớp áo ngủ lẫn áo len, vệt máu chạy dài, hơi loang lỗ.

- Không sao.

- Không sao gì? Cho anh xem.

- Không sao. Buông ra…

Tôi vẫn giữ giọng điệu điềm đạm, chỉ có cánh tay cựa quậy, muốn giật ra.

Bôn đứng lặng, không phản ứng tiếp, đôi mắt anh ta hơi trầm xuống, ánh nhìn mờ mịt như sương. Khoảnh khắc đó, Bôn nhẹ buông tay tôi ra.
Trước khi cánh cửa nhỏ đóng lại, tôi nghe anh ta nói, giọng thỏ thẻ yếu ớt như vừa bị cứa đứt tim gan:

- Em băng chặt lại đi. Sát trùng cẩn thận
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
0,0
Chương 3: Mưa thôi rơi, vẫn chưa hết ngày dài.

Tờ mờ sáng, tiếng hát của Hoa Thần Vũ phát ra từ cái điện thoại đặt cuối đuôi giường làm tôi thức giấc. Tôi hé mắt, nhìn ra cửa sổ. Sương vẫn còn giăng kín lối, từ trên xuống dưới, trắng xóa cả một vùng.

Gà còn chưa gáy. Chưa nghe tiếng đài phát thanh từ cái loa treo cao cao ở đầu thôn. Trong bếp còn vắng tiếng ấm nước sôi hú còi mỗi sáng dượng pha trà. Nhà bên vẫn chưa đánh máy cày lên rẫy. Không gian tĩnh lặng, đến mức, tiếng kim đồng hồ phát ra từ phòng Bôn phía bên kia của hành lang, tôi còn nghe rõ.

Tôi trở mình, đắn đo, nên hay không gọi anh ta dậy.

Sớm nay, tôi trở lại công việc sau kỳ nghỉ phép dài ngày.

Trạm y tế xã - nơi tôi làm, chỉ có hai bác sĩ, hai y sĩ, một dược sĩ, bốn con người ngày ngày quẩn quanh trong khu cơ quan nhỏ, làm thứ công việc nhiều không nhiều, ít không ít, nặng chẳng phải, mà nhàn hạ cũng không.

Bệnh nhân đôi lúc dăm ba người mang bảo hiểm tìm đến, nhờ chúng tôi xác nhận chuyển lên tuyến trên điều trị, có người vào truyền nước, rửa vết thương, lại có người vào nhận thuốc trợ cấp. Mỗi ngày ngồi đếm, chắc vô ra không quá hai chục người. Đông nhất, có lẽ là vào những ngày khám sức khỏe và tiêm phòng cho trẻ.

Vào hè, thời tiết ở vùng núi ngày càng thất thường hơn. Khí trời lúc ẩm nồng, khi mưa lạnh. Người lớn như tôi mới đó đã bị cảm hai, ba lần.

Hôm nay là đợt tiêm phòng đầu tiên trong quý, tôi phải đến trạm từ sớm, chuẩn bị vài thứ trước giờ thăm khám bé bắt đầu.

Đã mười lăm phút kể từ lúc tỉnh giấc, tôi vẫn nghĩ chưa thông. Nếu không nhờ Bôn lấy xe ô tô chở ra quốc lộ, tôi không còn cách nào khác ngoài đi bộ.

Đường từ thôn ra xã mấy hôm nay vẫn còn nát bét, đi xe máy mà không vững tay lái, thế nào cũng bị trơn trượt. Tôi lái xe được, có điều chiếc xe Cup của tôi đã thực sự quá cũ rồi, trưa hôm qua tôi lái nó đi, vừa được nửa đường thì bị bùn dính kẹt cứng vào bánh, lôi cả cỏ rơm quấn chặt vào tăm xe. Ráng đi thêm đoạn nữa liền bị trượt, té bịch một cái, cả người cả xe đen như trâu lội sình.

Đi bộ cũng thực sự khó khăn, phải xắn quần thật cao, muốn chân không bẩn phải mang ủng. Sau đó khó nhọc lội qua đừng đụn sình và vũng nước lớn, đi khoảng ba cây, ra đến đường cái, tìm một chiếc xe ôm mới có thể đến nơi làm..

Tôi nằm mường tượng, tự dưng phát nản. Cuối cùng, tôi ra quyết định, nhờ Bôn.

Chỉ vài phút sau khi tin nhắn nhờ vả của tôi được gửi đi, ngoài hành lang truyền đến tiếng dép đi loẹt xoẹt, đến trước cửa phòng tôi thì dừng lại. Sau tiếng gõ cửa, Bôn liền nói:

- Kỳ Như, đợi anh khoảng mười phút nha, anh cũng đi làm luôn.

- Được.

- Nhớ mặc áo ấm một chút, sương dày lắm.

- Vâng.

Đến bây giờ, Bôn đối với tôi, chắc là người gần gũi trong cuộc sống. Tôi không ngại Bôn, cư xử với anh ta cũng rất đỗi bình thường. Năm tháng trôi qua, ở chung dưới một mái nhà, cùng ăn một bữa cơm, cũng có thể coi là một gia đình rồi.

***

Năm giờ năm mươi phút sáng, chúng tôi ra khỏi nhà.

Màn sương dày đặc như một bức tường vững chắc, chặn lại chút ánh sáng vàng yếu ớt chiếu ra từ mui xe. Trên con xe bán tải nhỏ, đã bạc trắng màu, Bôn tập trung cầm chắc bánh lái, ánh mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Tôi buồn ngủ, tựa đầu vào cửa kính xe. Cái đài cũ đã bắt đầu phát ra bản nhạc dạo cho bản tin buổi sớm của đài tiếng nói quốc gia.

Mãi một lúc lâu, chúng tôi mới ra tới được đường quốc lộ. Sau đó mất gần mười phút nữa để đến trạm y tế. Lúc này Bôn thả lỏng, quay sang nhìn tôi xuống xe:

- Sương dày thế này hôm nay chắc lại mưa?

- Cũng không biết nữa.

- Chiều đợi anh đón về.

- Vâng.

Bôn gật đầu, không nói nữa. Trông anh ta có vẻ vội vàng.

Đi làm sớm như thế, hẳn là bị gọi đi đột xuất. Công việc của Bôn, nửa đêm canh ba cũng có thể bị triệu tập, có hôm anh ta đang tắm, bỗng dưng đùng đùng từ nhà tắm chạy ra, trên đầu còn chưa sạch bọt xà phòng, vội vã chạy đi.

Tôi dập cửa xe. Trong màn sương mờ còn chưa tan hết, nhìn chiếc xe nhỏ dần đi xa mất dạng.

Phòng họp cơ quan đã có hai người đến. Cô Oanh bác sĩ là trạm trưởng, đang viết kế hoạch lên cái bảng trắng bên phải cửa vào, cô Hương y sĩ đang xắp xếp y cụ. Tôi vừa tới, chào hỏi qua loa rồi vào phòng lưu trữ vắc-xin làm việc của mình. Lát sau, hình như My y sĩ cũng tới, ba người họ ăn sáng cùng nhau, nói chuyện rôm rả.

Tôi thở phào, may vì mình đã trốn vào đây từ trước.

Tôi không phải muốn tách biệt với mọi người, cũng không muốn ít nói. Chỉ là tôi sợ.

Ngày tôi mới vào làm việc còn cố gắng cười nhiều, cố kết thân với bọn họ. Có điều họ thực sự kỳ lạ, luôn bày ra bộ dạng khinh khỉnh, khi dễ gần, khi hời hợt, tôi sống theo tâm trạng của họ, thực sự mệt mỏi.

Là nơi chỉ có phụ nữ ngày ngày va chạm, chẳng biết là bạn hay là thù. Có lần tôi vô tình đưa chân đá đá, chỉnh cái thùng bông băng ở dưới cùng bị đặt hơi méo. Cô Hương trông thấy liền cao giọng dạy dỗ:

- Trời ơi, cái thùng đồ của người ta còn chưa xài mà dạng háng ra đá, ai nhìn thấy họ kiến nghị bây giờ. Cúi xuống chỉnh một cái có gì đâu mà khó. Lười thì thôi đừng làm. Con gái con đứa!

Lúc đó tôi chỉ có thể đứng cười trừ, tưởng vậy là xong chuyện. Nào ngờ, cô Hương gặp ai cũng mang ra kể, bọn họ thao thao bất tuyệt, bình phẩm sau lưng tôi. Chỉ từ một cái đá chân, mang ra nói cả về con người tính cách. Như thể nếu họ nghiêm túc thảo luận xong, tôi sẽ trở thành người như họ muốn.

Sau lần đó, tôi trở nên xa cách, không cố kết thân với ai nữa, cư xử luôn thận trọng. Một trạm y tế bé con con cũng khiến tôi trở nên phiền não.

Tôi chuẩn bị vắc-xin và y cụ thêm một lúc thì phụ huynh cùng trẻ lần lượt xuất hiện, càng lúc càng đông. Cái sân vắng hôm nay được lấp đầy xe, từ trong ra ngoài khuôn viên trạm chật kín người, dù đã bốc số họ vẫn chen nhau đứng, tuyệt nhiên bỏ qua thứ tự. Tiếng bé khóc, tiếng người lớn trò chuyện xôn xao. Không gian ngột ngạt vô cùng.

Tôi đang ngồi thăm khám tổng quát, nghe rõ hai cô kia nói:

- Bé nhà chị cao hơn bé nhà em.

- Nhưng bé nhà chị gầy quá, tròn tròn như bé nhà em mới khỏe.

- Em chỉ sợ nó không thông minh.

- Ừ cái đó mới quan trọng nhất. Lớn lên có học hành giỏi giang không đây?



Đang viết sổ theo dõi bệnh nhi, tôi khẽ thở dài. Hai đứa bé chỉ mới ba tháng tuổi đó, còn đỏ hỏn trên tay đã bị so sánh, áp đặt rồi. Không biết mười năm, mười lăm năm nữa, chúng sẽ thành thanh mai trúc mã, hay là thành con người ta trong mắt mẹ đối phương.

Tôi cứ thế nghe những đoạn hội thoại giống nhau cả một buổi trời.

Đầu giờ chiều, người dần vãn bớt. Chỉ còn vài phụ huynh nhà xa vừa mang con đến.

Tôi ngồi lâu sinh mỏi đành đứng dậy ra hành lang vận động thân mình. Lúc này mới nghe vài người bàn tán:

- Giết xong chôn sau nhà cả tháng. Sáng nay tự tử rồi.

- Sao tự tử?

- Không biết. Chắc cắn rứt, ám ảnh quá, nên chết theo. Ghê quá mà.

- Dám giết người!

- Sáng sớm nay mẹ nó sang tìm, thấy nó thắt cổ bằng dây điện mới tri hô lên. Tui đi chợ về nghe nói thế cũng chạy sang, mà lúc đó công an vây kín rồi nên không thấy gì cả. Nghe bảo uống thuốc sâu trước rồi mới thắt cổ sau. Để lại hai lá thư.



Tôi còn muốn nghe thêm nữa thì bị gọi trở về vị trí, bận rộn làm việc, dọn dẹp đến chạng vạng mới xong. Lúc không còn tập trung nữa mới nhận ra bên ngoài đã lất phất mưa rồi. Đồng hồ chưa điểm đến bốn giờ mà trời đã tối sầm. Mây đen giăng kín từ thung lũng đến dãy núi đằng đông. Gió lồng lộn, tung hoành thổi quần quật một vùng.

Mấy người trong trạm vừa rãnh rỗi cũng bắt đầu nói về vụ án tôi nghe được ban trưa.

Ở xã bên, sáng nay người ta phát hiện ra một vụ giết người. Người chồng nghi vợ lăng nhăng nên đã ra tay giết vợ, sau đó chôn sau nhà. Trong vòng một tháng sau khi giết vợ, anh ta sống khép kín, thường xuyên đi chùa. Ai hỏi đến vợ thì anh ta bảo “Theo trai rồi.” Hai ngày trước, anh ta mang con đi gởi nhà mẹ. Sáng nay người mẹ sang tìm thì thấy anh ta tự tử. Hai bức thư để lại, một là trăn trối, hai là kể lại quá trình sát hại và nơi chôn vợ mình.

Tôi biết hết câu chuyện, bỗng thấy rùng mình. Tôi còn không dám giết con vật gì bao giờ cả.

Lúc nhỏ, có lần đang ngồi dưới bếp nấu cám heo, đúng lúc đến giờ tivi chiếu phim Hoàng Cung, tôi vừa nghe thấy nhạc phim liền nôn nóng chết đi được, chạy phắt từ nhà dưới lên trên. Đang chạy thì cảm giác chân vừa đạp lên thứ gì đó, trượt một cái, ngay lập tức nghe một tiếng “Quác!” rồi im bặt. Tôi nhìn xuống. Trời đất thiên địa! Vội quá, mắt mũi đặt trên đỉnh đầu, lỡ chân đạp phải một con gà con lớn bằng nắm tay. Nó bị tôi đạp cho xẹp lép, chết ngay tại chỗ. Tôi sợ quá, ngay cả ở trong nhà cũng không dám, trưa nắng chạy ra ngồi dưới gốc phượng ngoài sân, từ đó nhìn vào tivi đặt trong nhà, vừa xem phim, vừa khóc.

Sau này, những năm tháng học ở trường trung cấp Y đã rèn giũa tôi trở nên dũng cảm hơn, có thể thường xuyên tiếp xúc với máu me, xác chết. Cò điều, cũng như mọi người, những câu chuyện giết người vẫn khiến tôi sợ hãi.

Tôi nhìn những giọt mưa bám trên ô cửa kính, giọt này chạy xuống, nhập cùng giọt khác, mỗi lúc một nặng rồi bắt đầu chảy thành dòng. Không biết Bôn đã hoàn thành nhiệm vụ chưa, nếu chưa xong, mưa càng ngày càng lớn, anh ta và đồng nghiệp sẽ rất cực.

Tôi đang mải suy nghĩ thì My bước vào, thái độ nói chuyện với tôi tươi tắn hơn bình thường:

- Kỳ Như! Anh trai bạn tìm bạn kìa.

- Hở? Anh trai?

- Ờ, anh bạn đang đợi đó.

Tôi khó hiểu đi ra ngoài, từ cửa phòng khám bệnh rẽ phải vào hành lang, nhìn thẳng liền thấy Bôn đứng trước hiên cửa chính, tay cầm cái ô chưa mở đang nhỏ nước, tay đút vào túi quần tây đã tương đối bạc màu. Anh ta không mặc áo khoác, vì lạnh mà hai vai nhô lên, cơ thể hơi co lại, nhìn rất thảm thương.

Thấy tôi xuất hiện, Bôn cười mỉm, đi đến đứng chặn ngay trước cửa. Tôi với anh ta, một trong một ngoài, một khô ráo một ướt át, chỉ cách nhau một cái bước chân là hai không gian đối lập hoàn toàn.

- Đi. Về!

- Sao nãy không vào trong trú?

- Không, mắc cỡ lắm.

Bệnh thần kinh!

Tôi mặc kệ anh ta, quay vào để lấy đồ. Lúc trở ra thì loáng thoáng nghe tiếng My nói:

- Anh trai thôi cô.

Mấy người đó, rút cuộc chắc cũng nhẹ nhõm rồi. Hẳn là lần nào thấy Bôn đưa đón tôi họ cũng tò mò đến phát điên. Đoán già đoán non hôm nay lại được chính “Anh trai” giải đáp.

Tôi và Bôn nhanh chóng lướt qua màn mưa để vào xe.

Trong khoảng không gian nhỏ bé và đặc sệt, có chút mùi formon thoang thoảng. Mùi này, người bình thường ngửi phải thường thấy khó chịu, ví dụ như dượng hoặc Trúc Linh. Còn tôi tương đối quen rồi. Bôn thì không cần nói nhiều nữa.

Năm đó tôi lỡ kỳ thi đại học, năm tiếp theo trường cảnh sát lại không tuyển nữ sinh ở khu vực mà tôi ở. Cuối cùng, tôi bỏ lỡ ước mơ từ thuở bé, đành theo học hệ trung cấp tại một trường Y ở thành phố.

Khi tôi vào học kỳ một của năm nhất, Bôn đã tốt nghiệp xong. Anh ta xuất sắc thi đậu nội trú. Tôi vẫn còn nhớ rõ, hôm các tân bác sĩ nội trú chọn ngành học, Bôn là người thứ bảy lên chọn - là người đầu tiên và duy nhất chọn khoa Tâm thần, cả hội trường vỗ tay giòn giã, thầy trưởng khoa Y còn đích thân lên tuyên dương vì sự lựa chọn của anh ta.

Sau đó, Bôn mới học ngành Tâm thần học được một năm, lại đột ngột chuyển qua học pháp y khoảng hai năm, rồi về tỉnh công tác. Chẳng ai hiểu vì sao Bôn lại xoay mòng mòng như thế.

Dượng trước sau không tỏ thái độ phản đối gì, chẳng qua lâu lâu lại bảo “Làm cái nghề gì cực quá!”. Chỉ có mấy người họ hàng suốt ngày tặc lưỡi than tiếc “Nó mà cứ như người ta giờ giàu phải biết!”

Tôi bất giác quay sang nhìn người bên cạnh.

Bộ đồ anh ta đang mặc không phải là bộ đồ lúc sáng. Chắc hẳn trước khi quay về, anh ta đã tắm rửa ở cơ quan. Những bộ đồ để ở đó, lúc nào cũng bị vương mùi formon ít nhiều.

- Em nhìn lâu thế? Anh mắc cỡ.

Tôi thở dài, nhanh chóng chuyển ánh nhìn về phía trước.

Dạo gần đây chẳng hiểu anh ta ăn trúng phải thứ gì, đụng một chút lại nói “Anh mắc cỡ! Mắc cỡ lắm! Mắc cỡ chết đi được!” Đàn ông hai chín tuổi đặt trên đầu, nhằm lúc nói chuyện như thiếu nữ. Nhìn thì đĩnh đạc, chỉnh chu, lâu lâu tính khí như bị hóa rồ hóa dại. Nhiều khi tôi nghĩ anh ta bị ma nhập cũng nên.

- Tối đúc bánh xèo ăn ha! Mưa này ăn bánh xèo thì bá cháy bọ chét.

- Vậy chặp nữa anh ghé tiệm tạp hóa đầu thôn, em chạy xuống mua bột bánh xèo.



- Anh đặt lịch khám chỗ bác sĩ Việt cho em rồi.

- Vâng… mà, hở?

Tôi bận tính toán về món bánh xèo, rau thì bỏ su su vào thôi hay thêm giá nữa, thịt thôi hay dùng cả tôm, mua mấy gói bột thì vừa ăn cho ba người. Tôi đang nghĩ rất sâu, nghe Bôn nhắc đến bác sĩ Việt cũng mộng mị gật đầu. Nhưng ngay sau đó liền nhận thức được điều anh ta muốn nói.

- Anh đặt lịch làm gì? Em không cần khám.

- Tại sao không cần?

- Không cần là không cần. Anh không cần quan tâm.

Bôn lập tức ủ rủ, vẻ mặt bất lực hiện lên mỗi lúc một rõ. Suốt quãng đường từ lúc đó về nhà, Bôn không nói một câu, tôi không nhìn anh ta một cái. Khi đi ngang tiệm tạp hóa, tôi cũng chẳng buồn nhắc anh ta ghé vào.

Chiều tàn, mưa tạnh hẳn. Bầu trời vốn đen kịt từ từ để lộ ra vài quầng sáng. Những tia vàng thưa thớt xuyên mây chiếu xuống, cô đơn lạ thường.

Xe về đến trước cổng tôi liền thấy thằng bé hàng xóm đang ngồi bệt trên bậc thang lối lên nhà sàn. Đứa trẻ tám tuổi da ngăm màu mật, đồ mặc gọn gàng, tay cầm một bịch nilon nhỏ ôm trước ngực, ánh mắt rõ mong chờ.

Tôi vừa xuất hiện nó đã chạy ù ra, miệng cười toe toét.

- Cô Kỳ Như! Nhanh lên, nhanh lên cô. Con đợi cô lâu lắm rồi, sao cô về trễ thế?

- Từ từ, có gì mà tìm cô?

- Cô phải gói quà cho con gấp. Con phải đi sinh nhật. Nhanh lên cô.

Tôi cười phì, nhanh chóng đi lên nhà. Thằng bé cũng lẽo đẽo theo sau, miệng không ngừng liến thoắng:

- Cô gói đẹp đẹp cho con nha, nếu quà mấy bạn khác đẹp hơn, con mắc cỡ lắm!

Tôi lấy cái túi nilon từ bàn tay bé xinh của thằng bé. Bên trong có một bức tượng nhỏ, hai cây viết mực, một cuốn sổ nhỏ bé tí teo.

Thì ra mấy đứa nhỏ ở quê vẫn như chúng tôi ngày trước. Đi sinh nhật toàn tặng linh tinh thế này, khi bức tượng, lúc cục xà phòng hay dăm ba cuốn vở, gói trong tờ giấy mỏng mỏng màu hồng, màu đỏ.

Tôi giúp cậu bé xong thì trở về phòng.

Đi ngang phòng Bôn, lúc này không đóng cửa. Bên trong căn phòng nhỏ chỉ kê mỗi chiếc giường, một tủ để đồ và kệ sách đóng trên cao, điểm nhấn duy nhất là cái thảm lớn được trải khắp phòng, rải rác bên trên nó cơ man nào là máy tính, máy chơi game, cuốn atlat người và vài ba cái đồng hồ.

Hình như vừa vào phòng, Bôn đã tiện tay gạt tất cả sang bên, trực tiếp nằm lên tấm thảm. Anh ta nằm sấp, dùng tay kê đầu, đôi dép mang trong nhà còn chưa cởi. Cõ lẽ đã rất mệt.

Buổi tối, tôi nấu cơm xong, ngồi đợi đến lúc tivi chiếu xong thời sự vẫn chưa thấy Bôn xuất hiện.

Dượng đã ra ngủ ngoài nông trại để canh rau. Đang mùa thu hoạch, người ta thường hay vào ăn trộm, mỗi người trộm một ít, thành ra lại thất thoát nhiều. Dượng thuê công canh ban đêm không được, cả tuần nay hôm nào cũng phải tranh thủ ăn sớm để đi.

Em tôi – Trúc Linh dạo này ôn thi đại học, dượng gởi nó ở nhà họ hàng ngoài huyện, hôm nào không phải học đêm mới về nhà.

Tối hôm qua giỗ mẹ, đông là thế. Hôm nay, lại mình tôi thui thủi. bánh trái người ta mang tới thắp nhang cất đầy trong tủ, chẳng có ai ăn.

Tôi đói cào ruột, định ăn một mình, lại nghĩ đến Bôn, đành đi lên gọi anh ta ăn cơm cùng.

Phòng Bôn vẫn chưa bật đèn, cửa vẫn mở toang. Ánh đèn từ hành lang hắt vào trong, chia căn phòng thành hai nửa sáng tối. Bôn đã đổi tư thế nằm. Anh ta nằm nghiêng, người co lại, hai tay ôm lấy mình.

Tôi nhẹ nhàng di chuyển, đứng trước cửa vừa gõ cửa vừa nói:

- Dậy ăn cơm.

Lặng im.

- Dậy ăn cơm. Trễ lắm rồi.

Tĩnh mịch.

Bôn không hề có dấu hiệu phản ứng.

Đột nhiên, tôi thấy lo. Ngay lập tức chạy đến, ngồi xuống cạnh Bôn. Cơ thể anh ta đang run nhẹ. Khi bị bàn tay lạnh của tôi đặt lên trán, Bôn hơi rùng mình. Trán anh ta rất nóng, hơi thở cũng nóng nồng. Anh ta sốt rồi, sốt rất cao.

Hôm qua ngủ trễ, hôm nay dậy sớm. Dính sương, ướt mưa. Mùi đất bùn, hơi thi thể. Thân nam nhi, chống đỡ đến mức này đã là quá sức rồi.
 

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
0,0
Chương 4:

Khó khăn lắm tôi mới nhét được cái gối kê dưới đầu và kéo Bôn nằm thẳng bởi cái cơ thế cứng ngắc và dài loằng ngoằng của anh ta. Cả người Bôn tỏa ra thứ nhiệt độ nóng hổi và ướt đẫm mồ hôi. Miệng khép kín nhưng từ cổ họng phát ra chút âm thanh nghe như rên rỉ. Hoặc do quá mệt, hoặc có chỗ bị đau.

Sau khi được tôi lau qua bằng nước ấm và đắp một cái khăn lên trán, Bôn dường như đã dễ chịu hơn. Cơ mặt dãn ra, hơi thở dần đều đặn.

Tôi ngồi cạnh Bôn, hai tay bó gối. Đợi một lúc vậy, khi nào khăn nguội, thay cho anh ta một cái khác, lúc đó hẵng về phòng.

Người trước mặt tôi vẫn đang thở rất sâu, mắt nhắm nghiền, vì sốt mà da mặt hồng hào, cả cổ, cả tay cũng ửng đỏ cả lên. Mệt mỏi đến vậy, chẳng lúc nào biểu lộ ra. Là do từ nhỏ không có ai chăm sóc, trở thành thói quen. Hay là do đàn ông, con trai ai cũng đều như thế.

Tôi biết, ai cũng cô đơn. Anh ta hẳn cô đơn lắm, chẳng qua là không muốn nói ra.

Quá nửa đêm, Bôn dần khá hơn. Tôi đắp cho anh ta thêm một lớp mền, sau đó trở về phòng. Lưng vừa đặt xuống giường liền nghe bụng kêu vài tiếng. Bữa tối còn chưa ăn miếng nào, giờ mới thấy đói.

Tôi đấu tranh tư tưởng, ăn hay không ăn. Giờ này ăn sẽ dễ béo, tôi từng béo rồi, tôi sợ. Lúc bắt đầu dậy thì, cơ thể dần tăng ký. Dù chỉ nặng bốn mấy ký, nhưng chiều cao khiêm tốn – một mét năm lăm, cho nên nhìn tròn quay. Mà bạn đồng lứa, hoặc rất cao, hoặc cao bằng đó nhưng rất gầy, nhìn sao cũng đẹp, khiến tôi hết sức tự ti. Sau này, khi vào trung cấp, tự dưng tôi sút ký, nhìn người nhỏ nhắn hơn, từ đấy ăn uống cẩn thận hơn để duy trì cân nặng đó.

Nhưng mà bây giờ, đói đến cào ruột. Người ta bảo không nên ăn khuya, ăn khuya sẽ ăn một thấm mười. Tôi nhìn đồng hồ, gần một giờ sáng. Đã qua ngày mới rồi, không phải khuya, cho nên khẳng khái đưa ra quyết định, ăn!

Gà kho sả, đậu miếng sốt cà, canh măng tóp mỡ, đều là những món tôi thích vô cùng. Ăn khuya, ăn lúc đói, một mình tôi xử hết cả nửa nồi cơm. Càng ăn càng ngon miệng, một chút no cũng không cảm thấy. Tôi ăn xong, nặng bụng, ngồi thừ ở ghế. Nhìn dĩa gà còn vài miếng, tham lam muốn ăn thêm mà không ăn nổi nữa.

Ngày xưa, khi còn ở cùng bố mẹ, bố thích gà rim nghệ, cho nên bao giờ mẹ cũng làm món đó. Nếu tôi đòi ăn gà kho sả, con gà sẽ chia ra làm hai, mẹ phải nhọc công làm hai món. Lúc đó, cũng có những lúc bố không say, gia đình hòa thuận, hai bố con giành nhau con gà, không khí vô cùng hạnh phúc.

Đó đã là chuyện rất lâu về trước. Hiện tại, tôi muốn ăn gì cũng được, tự mình làm. Món ngon đầy bàn, không cần dè dặt ăn để dành phần cho bố làm mồi uống rượu. Thế nhưng, muốn một nhà bốn người cùng tranh con gà nhỏ cũng không được nữa rồi.

Trong không gian tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng bướm đêm bạt mạng lao vào cửa sổ. Chiếc đồng hồ treo trên tường đều đặn nhích kim từng chút một. Cuộc sống này, đều không ngừng trôi đi, mà tôi, thì cứ hoài dậm chân tại chỗ mà ăn mày quá khứ.

***

Sáng sớm, tôi thực sự mang ủng đi làm. Đi được nửa đường, nghe từ sau vang lên những tiếng động lớn.

Tôi quay lại nhìn, một chiếc xe ngựa kéo thô sơ như đang xé rách màn sương, dần chạy tới. Trên đó, một người đàn ông mặc đồ lao động, đứng thẳng lưng, giữ chắc tay cương. Còn có hai đứa bé, một nam một nữ, nhỏ trạc tuổi nhau, ngồi thụp xuống thùng xe.

Trông thấy tôi, cậu bé reo lên:

- Cô Kỳ Như! Cô Kỳ Như!

Tôi cười cười, giơ tay chữ V đưa lên mắt, xem như đáp lời. Nó cũng làm hành động tương tự, rồi cười tít mắt.

Người đàn ông kéo ngược dây cương, sau đó hô một tiếng “Dọ. Dọ” để dừng ngựa, rồi từ trên cao nhìn xuống, nói với tôi:

- Bác sĩ không ngại thì leo lên ngồi, anh đưa một đoạn ra đường.

- Không ngại, không ngại.

Tôi mừng hết lớn, như gặp được cái phao cứu mạng, liền một phát nhảy tót lên xe.

Hai đứa nhỏ thấy tôi leo lên thì ngồi dạt vô trong một khúc, cậu bé hồ hởi nói:

- Cô Kỳ Như, đi xe ngựa vui ha!

- Ừ.

- Mà sao hôm nay cô lại đi bộ? Ô tô nhà cô hư rồi ạ?

Tôi nghĩ ngợi, không biết nên trả lời thế nào cho dễ hiểu. Cậu bé này là ông hoàng của hàng vạn câu hỏi vì sao, mỗi lần nói chuyện với nó, tôi mệt bở hơi tai.

- Ô tô không hư, mà người lái ô tô hư?

- Người lái…

Không đợi nó nói hết câu, tôi cướp lời:

- Hôm qua đi sinh nhật vui không?

- Vui lắm cô. Nhưng em con không vui lắm.

Cậu bé vừa dứt lời, cô bé ngồi bên cạnh bỗng xù lông lên, gằn giọng:

- Ai là em của mày?

- Thì em là em của anh mà.

- Mày im đi! Tao là chị của mày.

Bố hai đứa nhỏ lúc này vừa cười vừa nói:

- Thôi thôi, không anh em, không chị em gì cả, gọi tên nhau cho bố nhờ.

Tôi cũng phì cười.

Hai đứa nhỏ này vốn sinh đôi, mà đứa trai thì thích làm anh, đứa gái thích làm chị, đụng tí là chí chóe. Có điều, chúng nó được dạy dỗ rất tốt. Bố mẹ tuy làm nông cực khổ, chưa bao giờ để chúng thiếu thốn gì. Đầu năm học nào, mẹ chúng cũng nhờ tôi chở lên phố, mua sắm đồng phục, học cụ, sách vở, dù không phải đồ tốt nhất, cũng là đầy đủ nhất. Mà hai đứa nhỏ, thực sự ngoan ngoãn, dễ thương, còn bé tí mà hiều chuyện, chả thấy đua đòi.

Có những ngày, tôi đứng ở cửa sổ phòng mình nhìn sang, thấy hai đứa nhỏ đang cùng bố mẹ tập xe đạp thì thầm nghĩ “Mai này, mình chỉ cần một gia đình như thế!”

***

Buổi chiều, tôi lại ì ạch mang đôi ủng trở về.

Ngày trời không mưa, trời xanh, mây trắng, nắng vàng nhàn nhạt. Đường đất cũng khô bớt vài phần. Chỉ cần cứ thế vài hôm nữa, là có thể đi xe máy rồi.

Tôi mang tâm trạng dễ chịu trở về, suốt dọc đường đi bộ, nhìn đám vàng hoa cải, đám cà xanh lá, lại đếm số bò ngoài đồng cỏ, đếm mấy cái xuồng hút cát phía sông xa. Cứ thế, chẳng mấy chốc đến nhà.

Căn nhà nhỏ đối diện hướng núi, nằm cao cao trên những cột to và khung vững chắc, cửa nẻo bốn bề đều mở toang. Từ mặt đất, đi lên mười hai bậc thang sẽ tới sàn nhà, quẹo phải sẽ trông thấy giàn hoa lan và sen đất của dượng treo la liệt, bước vài bước, quay trái liền đứng trước cửa chính căn nhà.

Hẳn là Khả Bôn đã dậy. Lúc nào ở nhà, anh ta cũng mở cửa banh tành ra hết, còn bảo “Hít thêm một ít gió, là dương thịnh âm suy.”

Từ phòng khách, tôi đi vào bếp, không thấy một ai. Nồi cháo ban sáng nấu cho Bôn đã đặc quánh lại, dường như anh ta có ăn vì đã vơi đi một ít. Tôi tiếp tục di chuyển, đến trước cửa phòng Bôn thì dừng lại, ngần ngại gõ cửa. Sau hai ba lần không có tiếng trả lời mới trực tiếp mở cửa, bước vào.

Phòng Bôn rất sáng, bởi vì ở một góc bên trên có giếng trời, cánh cửa sổ lớn còn được mở toang ra. Gió thổi rèm đưa, nhè nhẹ mà phối hợp.

Lúc này, không ngờ Bôn đang ngủ vùi trên thảm, chăn mền che kín thân từ trên xuống dưới, chỉ để lộ đôi chân trần. Tôi nửa quỳ, nửa cúi, khẽ kéo một góc tấm mền xuống, đưa tay thử nhiệt độ trên trán anh ta. Không biết do còn sốt, hay do đắp mền quá kín, trán Bôn rất nóng.

Tôi ngẫm nghĩ, toan rút tay ra. Ngay lúc đó, người nằm trong chăn đột ngột thò tay, dùng bàn tay vừa to vừa nóng, mấy ngón tay dài bắt lấy tay tôi. Mắt vẫn nhắm nghiền mà nói:

- Lạnh!

Tôi đờ người. Trong tình huống cấp bách, nói đại một câu:

- Trời sáng rồi.

Khả Bôn thở nhè nhẹ, đôi mắt còn đang khép dần cong cong xuống, bở môi mỏng lại cong lên, hai khóe miệng càng lúc càng sâu. Sau đó anh ta rất tự nhiên mà buông tay tôi, tay kia đưa lên day trán, lại cuộn mền vào lòng, ngủ tiếp.

Tôi đợi một hồi, không thấy Bôn phản ứng, tự dưng khó hiểu. Chẳng lẽ anh ta ngủ mơ sao?

Chập choạng tối, dượng từ nông trại trở về. Vừa thấy tôi, mặt dượng nghệt ra, nửa cười nửa nghiêm túc, sau cùng nhịn không được mới nói:

- Con mới cắt tóc hả?

- Dạ.

- Dượng thấy tóc con bình thường là đẹp rồi. Mai mốt đừng cắt nữa

- Dạ.

Tôi đưa tay rờ mái tóc mới, mặt dần đỏ gay.

Tối nay, tôi sẽ sang tỉnh bên ăn đám cưới bạn thân. Nghĩ lâu ngày bạn bè không gặp, liền sửa sang một ít.

Tôi vốn luôn để tóc ngang vai. Bình thường một năm sẽ ba lần đến tiệm cắt tóc cuối xóm, mỗi lần cắt ngắn năm centimet, cho nên cắt xong nhìn không khác là bao.

Hôm nay đang thơ thẩn đi bộ về, thấy cái tiệm tên Xinh ngoài xã, vốn đang định cắt kiểu đầu mới, thế là không do dự bước vào, mang cho thợ cắt tóc xem cái hình Ueno Juri, cuối cùng ông chủ tiệm Xinh rất tùy hứng mà cắt cho tôi cái đầu tóc lỉa chỉa như Châu Đông Vũ.

Thấy tôi xị mặt, ông chủ mới nhoẻn miệng cười nói:

- Cắt theo mẫu đó nó tầm thường lắm, nhìn thế này mới phong cách chứ.

Tôi không buồn, không vui, không nói một câu mất lòng, liền trả tiền rồi nhanh chóng rời đi.

Bây giờ đối diện với ánh mắt kỳ lạ của dượng tôi mới nhận ra, có lẽ hoạt động mạo hiểm nhất một đời người không phải là lấy chồng đâu, mà là đi cắt tóc. Cái đầu mới này của tôi, hẳn không phải xấu bình thường đâu, mà là rất xấu. Không phải, rất rất xấu mới đúng.

- Con dọn cơm cho dượng ăn nhé. Con ăn trước rồi. Dượng ăn xong chở con ra xã đón xe được không ạ? Hôm trước con có xin phép dượng rồi.

- Ừ, vậy tranh thủ dọn đi, dượng ăn nhanh thôi.

Trước khi tôi đi, Bôn vẫn còn chưa dậy. Ngủ còn lâu hơn Bạch Tuyết. Tôi không dám đánh thức, đành viết lên giấy note, nhờ anh ta cho mấy con ba ba của tôi ăn trong hai ngày tới.

***

Tôi cùng Hân, Yến chơi thân với nhau từ năm đầu ở trường trung cấp. Yến tình tình dễ chịu, dịu dàng, Hân lại sôi nổi, vui tươi, ba đứa ba tính, tới giờ đã quen được gần sáu bảy năm.

Ngày còn đi học, ba đứa cứ hứa hẹn ra trường ở chung, ngày đi làm, tối về nhà cùng ngồi xem phim, nuôi mấy con ba ba làm con chung… Rút cuộc học xong, mỗi người một mong muốn, tách nhau ra sống những cuộc đời khác.

Mà buồn cười nhất, cái Hân lúc nào cũng to miệng chửi mấy đương yêu đương, còn bảo không lấy chồng, cuối cùng bây giờ lại là đứa đầu tiên đeo gông vào cổ.

Từ chỗ tôi đến chỗ Hân, là từ núi này qua núi khác. Suốt quãng đường đều là đèo cao, đá tảng, xe vì thế liên tục lắc lư, nghiêng phải trái, tôi không chợp mắt được tí nào.

Vừa đến nơi, cả người mệt nhoài. Vậy mà nhìn đôi uyên ương mặt mũi tươi rói đang đứng đợi ở bến xe, tâm trạng liền phấn chấn.

Hân thấy tôi, bỗng gập người xuống, ôm bụng cười sằng sặc, rồi chỉ mặt tôi nói:

- Trời má, không tin được luôn. Lông đầu của bà… tóc bà… hahaha.

Người đàn ông cao, gầy đứng cạnh Hân cũng nhìn tôi chằm chằm, lại cúi xuống nhìn Hân. Cuối cùng anh ta đưa tay, kéo Hân đứng dậy. Con quỷ bạn tôi vẫn chưa ngưng cười, người tựa vào chồng sắp cưới, cười điên dại.

Tôi đến gần, liếc xéo nó một cái, sau quay qua gật đầu chào người kia. Anh ta rất lịch sự mà mỉm cười đáp lại, vừa bắt tay tôi vừa nói:

- Cảm ơn em đã đến dự đám cưới tụi anh.

Tôi về nhà Hân, ngủ được hai tiếng thì Yến cũng tới nhập bọn. ba đứa dính nhau suốt từ khi gặp mặt, kể đủ thứ chuyện.

Chuyện ngày đó ở kí túc xá, lén nấu ăn. Một lần bảo vệ đi kiểm tra, không may thu được cái nồi cơm điện. Tôi không tình nguyện nhận tội, vì đó là tài sản chung của cả ba, bèn bẩn tính nói:

- Không phải nồi của con đâu bác, nồi của bạn kia.

Nói rồi, tôi chỉ tay sang Hân đang đứng cách đó không xa.

Tôi vừa dứt lời, mắt nó lòng sọc, muốn lồi cả ra. Sau đó nhanh chóng tính kế, nói:

- Dạ không, dạ không. Của Yến đó bác, nó đang trong nhà tắm.

Yên thực sự ở trong nhà tắm, lúc này vừa bước ra còn chưa hiểu chuyện gì. Khuôn mặt đầy vẻ ngơ ngác trước ánh nhìn chòng chọc của bác bảo vệ.

Cuối cùng, Yến ngây thơ bị hai đứa tôi hại, vừa bị phạt, vừa bị dán giấy cảnh cáo ở bảng thông báo kí túc.

Rồi chuyện ba đứa nửa đêm không ngủ, trùm chăn đi vòng vòng trong sân kí túc, rình mấy cặp yêu đương hẹn hò. Có lần làm người ta phát bực, đuổi chạy vòng vòng.

Cứ thế, ba đứa nói cười đến tắc thở. Ngay cả lúc trên bàn ăn, tôi đang tập trung thưởng thức món cà ri. Hân vẫn cao hứng nhắc chuyện cũ:

- Bà nhớ không, có hôm Yến ăn bánh tráng trộn. Cứ nổ, đòi nhiều ớt, nhiều tắc. Hôm sau đang trực cấp cứu mà bị tiêu chảy. Chạy toilet cả ngày, ỉa trôi cả tương lai.

Tôi nghe đến đây mà nghẹn họng, nhìn thứ nước cà ri màu vàng đặc mà nhợn muốn nôn ra. Ấy vậy mà Yến vẫn bình tĩnh múc lên một muỗng cho vào miệng, còn nói:

- Bà nghĩ tương lai dễ ỉa trôi vậy sao? Vậy thì cuộc đời bà đến đây là sắp đứt rồi đó.

Kinh quá. Tôi rút cuộc không chịu nổi, buông đũa, xem như kết thúc bữa ăn.

Hôm sau, Hân khoác lên mình bộ áo cưới trắng tinh, chút trẻ con, nhí nhảnh ngày thường bỗng nhiên mất sạch. Cô gái nhỏ hay cười tôi gặp nhiều năm trước, hôm nay đã trở thành vợ người ta. Khăn voăn trắng không che được khuôn mặt đẹp như hoa, bao nhiêu hạnh phúc và ý cười ẩn hiện bên khóe mắt.

Thì ra, bộ dạng của những cô gái trong ngày cưới là như thế. Lấy chồng, may mắn thì, ngày này không phải là ngày hạnh phúc nhất. Còn không may mắn, có lẽ ngày này chính là ngày hạnh phúc nhất rồi.

Tôi nhìn Hân, cảm xúc hỗn tạp đan xen. Tự dưng Yến ngồi cạnh khều khều:

- Ê, bà đi bao nhiêu tiền?

- Một triệu. Ít không?

- Huhu, thế là tôi lố rồi, biết thế tôi cũng đi một triệu, tôi đi hai triệu đó.

- Hở?

- Ôi mẹ ơi, hai… hai triệu. Tôi phải làm sao? Thế thành ra tôi keo kiệt rồi.

- Ơ… mà quên, hai đứa mình đã đút phong bì vào thùng đâu.

Đúng rồi. Tôi suýt thì quên mất, tiền còn chưa bỏ vô phong bì. Cắt tóc xong, giống như trí thông minh cũng theo đó mà rơi bớt.

Sau khi bàn bạc kỹ, tôi và Yến quyết định, mỗi người đi phong bì hai triệu. Nói cho sang thì là vì tình nghĩa bao năm, còn nói kiểu hèn hèn tí, thì chính là đóng hụi sinh lời.

Cuối cùng, hai ngày gặp gỡ, hàn huyên cũng kết thúc.

Nhân lúc đợi xe tới đón tôi, mọi người chụm lại, hát kara tưng bừng. Tôi ngoài mặt bình thường, mà trong lòng tiếc nuối. Rất nhiều người đi qua trong đời, chỉ có thể cùng vài người làm bạn. Đi học đã khó, đi làm càng khó gặp hơn. Mà quan trọng, tôi vốn ham vui, đi chơi mà phải về trước mọi người, lỡ sau khi mình về, có chuyện vui nào khác, thực sự rất tiếc. Rút cuộc, muốn hay không, tôi vẫn phải về. Ba đứa ôm ấp, bịn rịn một hồi, tôi mới lên xe.

Trời chiều vốn đã đến lúc xám màu, mà hôm nay bỗng nhiên sáng rực, mây đỏ chuyển hồng. Cầu vồng mọc lên những hai cái, đan xen.

Xe dần lăn bánh, bỏ lại phía sau hai dáng hình nho nhỏ, chính là cả thanh xuân rực rỡ của tôi.

***

Lúc tôi về đến bến xe liên tỉnh, đã là quá nửa đêm. Vừa xuống xe thì Bôn gọi, bảo đang bắt đầu trên đường đến đón. Tôi nhìn đồng hồ, có lẽ tầm một tiếng nữa Bôn mới đến, vậy là đành ra ghế chờ ngồi đợi.

Mấy hôm liền không ngủ, hôm đi xe, hôm thức đêm tán dóc, hôm nay lại đi xe. Hai mắt tôi không chống cự được, cứ thế mà chùng xuống, lim dim ngủ. Không biết trải qua bao lâu, lúc người tôi tưởng như mất trọng lực mà rơi xuống thì có cảm giác trán mình bị chặn lại.

Một bàn tay áp lên trán tôi, dùng lực đẩy giúp người tôi tựa lại vào ghế.

Người tôi luôn lạnh, hiện tại ngồi ngoài trời đêm nên cơ thể càng lạnh hơn. Mà bàn tay kia lại ấm nóng vô cùng. Vậy nên sự chênh lệch nhiệt độ làm tôi mơ màng tỉnh giấc.

Là Bôn.

Anh ta ở trước mặt tôi, ngồi chống gối, hai mắt nhìn thẳng vào đôi tay buông lỏng của tôi.

Mái tóc Bôn luôn được vuốt keo hất ngược lên, hôm nay xõa xuống. Dưới ánh đèn vàng cam mờ sương ảm đạm, nụ cười nhàn nhạt khiến khuôn mặt anh ta trở nên rất dịu dàng.

Bôn thấy tôi tỉnh ngủ thì đứng dậy, từ túi áo khoác dày móc ra một đôi bao tay vải, vừa nhét vào tay tôi vừa ân cần nói:

- Về nhà thôi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
0,0
Chương 5:

Gió vùng núi se se lạnh, xào xạc lao xao, thơm nồng mùi cỏ cây, hoa lá, mùi trà xanh mơn mởn những búp non. Và còn, thum thủm mùi phân bón…

Tôi thiệt muốn chửi đổng vài câu.

Đám rau bắp cải ở bên kia đường, chiều qua vừa mới được bón phân ủ hoai, nửa đêm, trời lại đổ mưa nặng hạt. Sớm nay, nắng hửng, mùi thối theo hơi nước liền bốc lên, theo gió tỏa khắp vùng.

Tôi đặt chậu quần áo mới giặt dưới dây phơi. Dù vừa bưng nặng xong, cũng chỉ dám khe khẽ thở, sợ rằng nếu há miệng hớp vào một hơi, sẽ ói ra cả mật xanh mật vàng.

Ấy vậy mà, cậu ấm Khả Bôn vẫn có thể nằm hít thở cái mùi hôi nồng nặc đó, ngủ nướng đến giờ này chưa dậy.

Anh ta dù tốt, nhưng không phải cái gì cũng tốt. Một là lâu lâu chọc ghẹo khiến tôi phát bực. Hai là ngủ quá nhiều. Quang trọng nhất, cái thứ ba là không bao giờ chịu tự tay giặt đồ.

Dăm bữa nửa tháng, Bôn sẽ mang về một giỏ đồ bẩn từ cơ quan. Quần áo bên trong, thứ dính bùn đất, thứ dính máu, có lúc còn dính những thứ dơ bẩn không xác định được. Trước đây, Trúc Linh còn chưa học nhiều, lần nào đống quần áo đó cũng là do nó giặt. Bây giờ đến lượt tôi.

Tối qua, lúc tôi đang cặm cụi đúc bánh xèo thì Bôn lại xách cái giỏ đó về, vẻ mặt hồ hởi, vui vẻ nói:

- Dô dô, hàng về.

Tôi bốc một ít giá cho vào cái chảo đang chứa thứ chất lỏng màu vàng nghệ, sau đó không tình nguyện nhìn anh ta một cái. Làm như mang kẹo về cho tôi không bằng!

- Làm cho anh bánh không rau nha.

Bôn dặn, rồi nói tiếp:

- À, cái áo này, bẩn chỗ này… Còn cái này, chỗ này… Cái quần này, bị rách đầu gối rồi…

Vừa nói, Bôn vừa rút ra từng cái đồ trong giỏ, huyên thuyên về các vệt bẩn bị dính trên đó.

Tôi bị anh ta làm phân tâm, bánh cháy xem đi một ít. Lúc đó không nhịn được mới nói:

- Anh bỏ đồ vô giỏ lại đi, rồi để trong góc phòng tắm ấy, sáng mai em giặt.

- Hê hê. Cảm ơn em. Mắc cỡ quá!

Nói rồi, Bôn quay người, bước chân sáo mà đi, miệng lảm nhảm về tỉ số trận bóng nào đó vừa nghe được trên tivi.

***

Lúc tôi phơi đến cái áo blue cuối cùng thì thấy từ bên kia hàng rào cây dâm bụt lấp ló bóng người, còn chưa kịp nhận ra là ai đã nghe người này lên tiếng:

- Kỳ Như phơi đồ hả con?

- Dạ. Chào bác Phúc.

- Ờ, ờ. Dượng con có bên nhà không?

- Dạ có. Dượng đang uống trà ngoài sân.

Tôi vừa nói xong, vị lão thành cách mạng có mái tóc hoa râm liền khoát tay vài cái, sau đó quay người bước đi, có vẻ như sẽ sang nhà tìm dượng.

Y như rằng, tôi vào nhà chưa đầy ít phút đã nghe tiếng hai người đàn ông lớn tuổi hào sảng chào nhau. Lại thêm vài phút nữa, dượng bỗng từ dưới sân gọi lớn tên tôi:

- Như ơi… Như ơi!

Tôi vội chạy ra, từ trên hàng lan can gỗ nhìn với xuống cái bàn đá đặt dưới dàn bông giấy.

- Dạ?

- Xuống dượng bảo.

Tôi cào cào mái tóc thưa, mang một bụng khó hiểu từ trên nhà đi xuống.

Bác Phúc trông thấy tôi đến gần liền đứng dậy, tay bắt mặt mừng như thể bà con thân quen lâu ngày chưa gặp. Sau đó, bác khoát tôi ngồi xuống bên cạnh, rót cho tôi một chén trà. Bộ dạng như tôi là khách đến từ xa, còn bác là chủ nhà hiếu khách.

- E hèm… À thì, hôm nay bác có cái vấn đề này muốn nói với con. Chẳng là bác ra viện lâu rồi, cũng may nhờ có con với thằng Bôn. À mà Bôn có nhà không chú nhỉ?

Vừa nói, bác Phúc vừa quay sang hỏi dượng đang ngồi đối diện, ánh mắt mong chờ.

Dượng tôi khoan thai uống một hớp nước trà rồi mới trả lời:

- Hôm nay cuối tuần, nó còn ngủ trên phòng ấy.

Bác Phúc lộ vẻ mặt vui vẻ, nói:

- A! Thế à. May mà nhờ hai đứa nó, không thì giờ chắc tôi đi rồi chú ạ.

Lại quay qua nhìn tôi, tiếp lời:

- Chuyện là bác có bàn với bác gái, trưa nấu mâm cơm mời nhà mình sang ăn, gọi là có lời cảm ơn. Bác đã có nói với dượng con rồi, dượng con thì vui vẻ nhận lời rồi, còn hai đứa thôi.

Tôi vốn đang không tự nhiên, nghe tới đây càng lúc càng hóa sượng. Bỗng dưng, ơn nghĩa từ nhà bên rớt sang, không biết đối đáp thế nào. Đương nhiên là không muốn đồng ý. Ăn cơm với người lớn rất mệt, rất không tự nhiên, bác Phúc lại còn là bộ đội đã về hưu, từng câu từng chữ đều… chính là không biết diễn tả thế nào.

Tôi nghệt mặt ra, cười cười.

Bác Phúc nhịn không được mới nói:

- Cũng chả có gì nhiều, chút cơm rau canh cặn, con đừng có ngại. Trưa trưa nhà mình phải sang đấy, bác mong.

Dượng thấy tôi ậm ờ, liền ra hiệu một cái bằng mắt, ý bảo tôi đồng ý. Tôi giả đui không thấy, tiếp tục cười ngu. Lần này dượng đích thân thay tôi nói:

- Bác cứ yên tâm, trưa nay tôi với chúng nó sang, không khách sáo gì cả, bà con chòm xóm bao lâu rồi còn gì.

Bác Phúc lúc này mới để tôi đi.

Tôi nhìn trời xanh cao vời vợi, mây trắng tách thành từng bông nhỏ lãng đãng trôi. Khẽ thở dài một cái. Có nhiều chuyện trong đời, dù đơn giản, không thể cho là phiền phức, nhưng lại khiến tôi nhọc lòng.

Khi mặt trời đứng bóng, hướng dương xòe nở hoa, sương đầu ngọn cỏ bể tan tành, Khả Bôn mới dậy.

Vì ngủ nhiều, mắt Bôn trở nên sưng húp, đầu tóc rối bù như tổ quạ, còn vừa đi, vừa ngáp, vừa gãi, trông không khác gì tên nghiện. Nếu như, một cô gái nào đó đang đem lòng tương tư một Khả Bôn chỉnh chu, gọn gàng ngày thường, giờ mà thấy cái tên nhếch nhác đang trước mặt tôi, hẳn sẽ mang yêu thương vứt sạch.

Thấy tôi đang ngồi chơi ghép hình bên bàn ăn, anh ta đến gần, đưa bàn tay lớn quét qua một lượt, phá tung bức tranh tôi ghép đã được hơn một nửa, lại đi đến bếp giở lồng bàn nhìn ngó, tiếp tục đến mở cửa tủ lạnh, lấy chai nước hạt é đã pha sẵn, sau mới đến ngồi đối diện tôi.

Tôi mặc anh ta làm trò, kiên nhẫn mò từng mảnh nhỏ ghép lại từ đầu.

Bôn tu ừng ực chai nước xong, chống cằm hỏi tôi:

- Bố đâu?

- Dượng sang bác Phúc rồi.

- Dạo này bố cũng siêng đi tán phét ghê.

Tôi thở dài, ngẩng đầu nhìn Bôn, bất đắc dĩ truyền đạt lại:

- Bác Phúc bảo trưa nay mời cơm. Nói là muốn cảm ơn chuyện hôm bữa giúp bác đi cấp cứu.

- What?

Tôi nhún vai, đứng dậy. Vừa thu dọn vừa hỏi:

- Em định đi bây giờ. Anh muốn đi sau, hay muốn em đợi?

- Đợi đợi. Đi một mình mắc cỡ lắm!

Người nói hai tiếng “mắc cỡ”, năm nay đã rất gần tuổi ba mươi.

***

Trong một buổi sáng, lần thứ ba tôi thở dài.

Bác Phúc vẫn chưa dừng diễn văn kể từ lúc tôi và Bôn ngồi vào bàn ăn. Không biết đó là do thói quen của bác từ khi còn làm lãnh đạo, hay là do chuyện này quan trọng đến mức nhất định phải nhắc lại nhiều lần.

Rút cuộc, chính bác gái là người không chịu được mới ngăn bác ấy lại:

- Thôi thôi, anh trao đổi vậy là ai cũng hiểu rồi, bây giờ ăn nhanh chứ cơm canh nguội mất.

Lúc này bác Phúc mới cười hì hì, mời mọi người ăn.

Trong mâm cơm, ngoài dượng, tôi, Bôn và vợ chồng bác Phúc, còn có hai bà người hàng xóm khác. Mấy người cùng dùng bữa, nói dông nói dài, lại nói qua một vấn đề mà tôi nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao lại xuất hiện.

Một bác nói:

- Bôn với bé Như giỏi giang, còn tốt như thế, anh Phúc có lính bộ đội nào tốt tốt thì giới thiệu cho mỗi đứa một người.

Bác khác nói:

- Ừ, tuổi này phải yêu đương mà lập gia đình chứ.

Bác Phúc vỗ bàn nói:

- Có, có! Bôn thì hơi khó kiếm đấy, còn bé Như muốn hay không thôi chứ bác dù nghỉ hưu rồi nhưng mà muốn kiếm anh bộ đội tốt thì dễ như trở bàn tay.

Tôi không tỏ thái độ gì, chỉ cười qua loa. May mà có Khả Bôn vì ham ngủ nên không hưởng ứng, anh ta ăn no căng da bụng, chùng da mắt, liền đứng lên xin phép về, còn không quên kéo tôi cùng về chung.

Trước khi đi, tôi bị bác Phúc đòi lấy số điện thoại để làm mai. Dù không muốn, nhưng dưới ánh mắt chỉ thị của dượng, tôi đành đưa số. Có điều trong lòng cũng không mấy để tâm, cho rằng bác Phúc chỉ nhất thời cao hứng nhiệt tình.

***

Mùa mưa mỗi năm hình như đều tự cho mình một quãng nhỏ nghỉ ngơi. Giữa những cơn bão liên tiếp gần kề, sẽ có những ngày trời ráo hoảnh, đẹp như một bức tranh họa bằng màu nước. Đó cũng chính là lúc kì thi đại học bắt đầu.

Trúc Linh trải qua thời gian dài dùi mài sách vở, cuối cùng cũng bước vào những ngày thử thách quan trọng nhất thời niên thiếu.

Cách hôm thì hai ngày, tôi lên phố, đi vòng tới vòng lui, đặt thuê một phòng khách sạn gần điểm thi cho Linh và bạn ở mấy ngày.

Trước khi về, tôi ghé vào một nhà sách lớn, mua thêm hai bộ xếp hình, mua cho em gái vài cây viết lấy may, mua cho dượng bộ cờ tướng mới, rồi đắn đo mãi, mới quyết định mua cho Bôn một cái Fidget Spiner kiểu mới.

Lúc tôi đang tính tiền, điện thoại bỗng rung chuông, phát ra bản nhạc của Hoa Thần Vũ tôi thường hay nghe nhất – Con đường bình phàm.

Là Bôn gọi tới.

- A-lô.

- Anh xong việc rồi. Bây giờ em đang ở đâu?

- Nhà sách trung tâm. Chuẩn bị về.

- Em đặt khách sạn rồi hả?

- Vâng. Đặt rồi.

- Vậy thì đứng đó đợi anh qua đó về chung.

- Không…

Lời còn chưa nói xong Bôn đã dập máy, dường như là muốn nhanh chóng qua đây.

Tôi nhìn đường xá tấp nập người xe. Lúc này, chiều đã phai hoàn toàn màu nắng, phố đương lúc lên đèn. Cách một lớp kính mỏng, không gian thanh nhã trong nhà sách so với thế giới ngoài kia, thực sự khiến tôi dễ chịu. Cho nên tôi quyết định gởi lại đồ vô tủ , di chuyển lên quầy sách bên trên.

Có một quyển sách tôi vô cùng thích, là Toto Chan bên cửa sổ. Dù đã đọc nhiều lần, dù đã mua về để gối đầu giường, nhưng mỗi lần vào một nhà sách nào đó, tôi đều lần mò xem nó có trong nhà sách đó hay không, sau đó đọc lấy vài trang.

Tôi nhanh chóng đến vị trí quen thuộc, cầm lấy quyển sách màu cam có hình cô bé nhỏ, nét vẽ bằng tay, giở một trang bất kì, đọc nghiền ngẫm như thể mới lần đầu.

Khi nhạc trong nhà sách đổi sang bản nhạc không lời khác, tôi buông sách, đi dạo một vòng. Đi đến quầy văn học kế bên, lướt qua mắt tôi là sách mới của bác sĩ Tần Minh trong bộ truyện Pháp y Tần Minh nổi tiếng.

Không lâu về trước, tôi nhớ có một lần, chính tại nơi này, trông thấy một người con trai mặc áo sơ mi trắng, ngồi bệt dưới đất, đầu cúi gầm, chăm chú đọc một cuốn sách trong bộ truyện trên. Đối với người đó, hình như cả thế giới xung quanh anh ta đang hoàn toàn bất động, yên tĩnh vô cùng. Chỉ có đôi mi lâu lâu lay động, và những ngón tay dài trắng bóc vuốt ve từng trang sách. Lần đó, nếu không phải do Trúc Linh đến gọi, có lẽ anh ta quyết đọc cho bằng hết mới rời đi.

Sau nhiều phút chần chừ, tôi cuối cùng quyết định mua trọn bộ ba quyển. Dù gì cũng sắp đến sinh nhật anh ta, mua trước rồi đến ngày đó tặng.

Tôi ra khỏi nhà sách, chỉ đứng đợi một lát thì Bôn đến. Ngay lúc anh ta vừa tấp xe vào lề, thì ngay trước mắt chúng tôi xảy ra tai nạn.

Một người phụ nữ chở theo con gái, từ trước cửa nhà sách đi xuống lòng đường, do quan sát không cẩn thận, chị ta lao xuống đụng trúng người đang ông đang đi bên phải đường.

Tôi vừa bước ra đứng cạnh Bôn, chớp mắt liền nghe đùng một tiếng. Bôn dựng xe, cùng tôi chạy lại.

Hai cái xe máy đổ trên đường, người trên xe đều ngã sõng xoài ra cả. Người đàn ông có vẻ không sao, nhanh chóng đứng lên, dựng xe quan sát. Đứa bé sau xe người phụ nữ cũng vậy, dễ dàng chống người dậy, ánh mắt hốt hoảng tột cùng. Chỉ có người phụ nữ dường như không ổn, chị ta bị xe đè phải một chân, chân còn lại không biết bị mắc chỗ nào mà gập lại. người nửa ngồi nửa nằm, khuôn mắt đầy vẻ đau đớn.

Cả tôi và Bôn đều biết, chị ta đang rất không ổn. Phần từ hông xuống dưới, chắc chắc có vấn đề.

Tôi ở phía sau đỡ lưng người phụ nữ, Bôn cùng vài người đi đường khác cẩn thận kéo cái xe lớn ra. Người-xe tách khỏi, chị ta dường như buông bỏ mọi chống đỡ, ngã ngửa dựa vào lòng tôi.

Bôn dựng xong xe, liền quay sang hỏi:

- Có sao không?

Tôi nhìn người phụ nữ một lượt, nhìn xuống dưới lưng thì thấy toàn là máu. Máu thấm qua chiếc váy dài màu xanh, dính xuống cả đường. Tôi chau mày, lo lắng nói:

- Chảy máu bên dưới, không biết bị…

Tôi đang nói, bỗng dưng bị giọng người đàn ông trong vụ tai nạn át mất:

- Cô đi cái kiểu này chết con người ta rồi. Đi ngoài đường mà không nhìn ngó gì thế. Giờ tính sao đây?

Nói rồi, người nọ xòe bàn tay trầy xước của mình ra cho đám người vây quanh xem, rồi lại xem xét cái xe máy bị bể mất một phần yếm đằng trước.

Trong khi đó, tôi và Bôn tiếp tục thăm khám người phụ nữ. Chúng tôi không dám di chuyển chị ta, chỉ có thể nhẹ nhàng nhấc hờ người để quan sát.

- Có lẽ xương chậu có vấn đề rồi. Chưa biết nặng nhẹ thế nào. Chị ráng chịu đau một ít, tụi em sẽ đỡ chị nằm xuống.

- Làm ơn gọi cấp cứu dùm tôi!

Bôn đồng thời nói với người phụ nữ bị thương và một người tốt bụng đang ôm đứa bé. Sau đó, anh ta cùng tôi cẩn thận đỡ người phụ nữ nằm xuống, tiếp đến cởi áo khoác ngoài của mình, quấn thành cái gối nhỏ đặt dưới phần gối chị ta. Rồi lại không nói không rằng, vòng tay qua đầu tôi, lấy đi cái khăn tôi đang đeo trên cổ, xếp lại, đặt dưới cổ người phụ nữ.

- Ở đây không có gì để sơ cứu được. Bệnh viện rất gần, cố gắng giữ cơ thể bệnh nhân bất động là được.

Những lời này là Bôn nói với tôi. Tôi hiểu ý, gật đầu một cái, cố gắng giúp bệnh nhân bình tĩnh.

Người đàn ông kia mải quan sát, giờ mới nhớ ra ý nghĩ của mình, quát:

- Bệnh viện cái gì? Gọi cảnh sát giải quyết trước đi! Người đây, xe đây, ba mặt một lời. Đưa đi bệnh viện rồi, người ta đi hết ai làm chứng cho tôi, cuối cùng người bị nặng thì đúng, người bị nhẹ thì sai à?

Đứa bé – con của người phụ nữ nghe xong, không biết là vì hiểu chuyện hay vì khó chịu mà òa khóc nức nở. Hiện trường tai nạn càng lúc càng lộn xộn.

Tôi vốn khó chịu với người này từ ban nãy. Cái thái độ từ đầu đến cuối chỉ sợ thiệt mình, thấy người ta bị như thế mà chỉ lo giữ của. Thiệt muốn đứng lên tát cho một cái.

Mà không cần đến lượt tôi bực bội, Bôn lúc này đã trở nên bức bối, đứng bật dậy, nắm chặt tay, lớn tiếng:

- Mẹ nó. Cảnh sát cái chân nhà anh ấy. Tôi là cảnh sát này. Anh muốn vừa mất xe vừa đền mạng đúng không?

Người kia nổi máu côn đồ, mắt đỏ au, giương nắm đấm, hậm hực xông tới:

- Mày nói cái gì! Mày nói cái gì! Mày tin bố đánh mày không!

- Anh đánh…

Tôi thấy sự tình không ổn, đành đưa tay níu lấy tay Bôn, lắc lắc vài cái, nhìn thẳng vào mắt anh ta, thầm mong anh ta bình tĩnh lại. Nếu thực sự đánh nhau chỗ này, sự việc sẽ càng mất kiểm soát.

Bôn từ cao nhìn xuống, nhìn thấy đôi mắt lo lắng của tôi bèn dịu lại. Lúc đó điều chỉnh cảm xúc, nói:

- Người ta bị thương rất nặng, anh không giúp được thì thôi, còn cản trở? Đều là việc không ai mong muốn cả, anh thương người ta một tí. Anh lo thì tôi làm chứng cho anh.

Nghe Bôn nói lý lẽ, lại thêm ở xung quanh mỗi người một câu, người kia mới thôi gây sự. Lấy danh thiếp của Bôn và địa chỉ của của người phụ nữ bị thương xong liền đi ngay, mang lương tâm của chính hắn, đặt dưới bàn chân, tự mình dẫm lên.

Rất may, xe cấp cứu không đi quá lâu, rút cuộc cũng đến. Đám đông tản ra, đoạn đường ách tắc rất nhanh được lưu thông. Lúc này, hơi thở của tôi mới có thể bình thường trở lại. Vừa rồi, mọi chuyện diễn ra vô cùng hỗn loạn làm tôi có chút chấn động.

Bôn thì không. Anh ta đã quen với những hiện trường như thế, thậm chí còn đông và căng thẳng hơn gấp nhiều lần. Ý chí có lẽ đã được luyện thành gang thép.

Lần đầu tiên tôi thấy Bôn mất bình tĩnh, là lúc bị dượng bắt gọi mẹ tôi là mẹ.

Lần thứ hai, là lúc thấy tôi cầm một đống thuốc ngủ trong tay.

Lần thứ ba, là chỉ mới vài khắc trước.

Từ khi trưởng thành, tính Bôn thay đổi nhiều hơn, dần trở nên điềm đạm, ôn hòa. Tuy trong công việc có phần nghiêm túc, lãnh đạm chút ít, nhưng đối với tôi, Bôn phần lớn nhìn vào tâm trạng tôi mà đối xử, tỏ ra rất dễ chịu. Bởi thế cho nên tôi vẫn không hiểu tại sao ban nãy, anh ta lại mất bình tĩnh đến vậy.

Tôi nhìn Bôn nhét áo khoác và khăn choàng đã vấy bẩn vào cốp xe, toan đến dắt xe mình để đi về. Nào ngờ chân chưa nhấc, Bôn đã đến đứng ngay trước mặt, xòe tay, nói:

- Đưa chìa khóa cho anh!

- Làm gì?

- Mang gởi xe em ở chợ. Anh chở em về. Mai anh đi ô tô đi làm, rồi lấy về sau.

Tôi không từ chối, từ túi vải lấy ra chiếc chìa khóa nhỏ đưa cho anh ta. Dù gì tôi cũng chưa bình ổn, người lại có chút bơ phờ, không phải chạy xe cũng tốt.

Bôn chở tôi. Suốt quãng đường dài, không nói lấy một câu.

Bầu trời không biết tự bao giờ đã chuyển màu đen mực. Màn đêm hoàn toàn chiếm lĩnh không gian. Xe đi xuống đèo, xuyên qua rừng thông, bóng đêm càng sẫm hơn một chút, tiếng gió rít cũng lớn dần.

Đột nhiên, tôi lo lắng cho tâm trạng của Bôn.

- Bôn!

Người ngồi phía trước tôi dường như rất ngạc nhiên, tốc độ thả đèo có phần chậm lại, đầu hơi nghiêng về sau, trả lời:

- Sao?

Tôi chẳng biết mình gọi anh ta làm gì, bỗng dưng bản thân bị rơi vào trầm mặc.

Bôn tưởng tôi không nghe thấy, lại nghiêng đầu lần nữa:

- Em gọi sao?

- Lạnh không?

- Lạnh.

- Vậy thì lái chậm thôi.

- Lái chậm cũng lạnh.

Tôi tìm chuyện để nói, lại không biết cách duy trì, ngại ngùng im lặng.

- Lạnh không?

Lần này Bôn hỏi tôi.

- Cũng lạnh.

- Đút đỡ tay vào túi áo anh đi. Lúc nãy vội, quên lấy bao tay trong giỏ xe của em.

Tôi làm như không nghe thấy, không trả lời.

Tôi mặc áo len dày, không có túi.

Áo khoác lớn của Bôn bỏ trong cốp xe, hiện tại anh ta đang mặc áo hoodi bên ngoài. Túi áo hoodi nằm trước bụng, nếu thò tay vào đó, chẳng phải là ôm luôn còn gì.

Tôi miên man suy nghĩ, bỗng bàn tay lạnh đặt chơ vơ trên đùi bị tay trái Bôn đưa về sau kéo về phía trước đặt vào cái túi nhỏ.

- Tay phải em tự bỏ vô đi, tay phải của anh không buông ra được.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mashiro-miuna

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
18/3/18
Bài viết
1.965
Gạo
908,0
sẽ ói cả cả mật xanh mật vàng.
Không biết có đúng không nhưng hình như chỗ này phải là "ói ra cả mật xanh mật vàng" chứ?:)
đã mua về để gồi đầu giường
Cái này phải "gối đầu giường" không ta?:-/
thể bệnh nhân bất động là được.
"Cơ thể" mới đúng chứ nhỉ?o:-)
Nhạc Vũ viết hay lắm, Miu rất ủng hộ. Cố lên nha! Love you~:tho26:
 

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
0,0
Chương 6:

Ngày hè, thời gian rất nhàn hạ, chầm chậm mà trôi. Trừ những ngày mưa, nắng đoạn, mây úa màu, ngày bình thường, chiều tàn mà vẫn gió lộng, nắng chứa chan.

Ngày cuối tuần, dượng ra huyện dự hội thảo nông nghiệp từ sớm chưa về. Khánh Linh sau khi thi đại học liền theo bạn bè đi du lịch từ, còn Khả Bôn xuống thành phố học nghiệp vụ đã hơn một tháng nay. Một mình tôi ở trong căn nhà trống.

Tối qua tôi xem một bộ phim, thức thâu đêm cày cho bằng hết mười lăm tập. Cứ hết tập này đến tập khác, hứa sẽ đi ngủ, cuối cùng xem đến sáng. Ngủ vùi một mạch, thức dậy đã là bốn giờ chiều.

Trời nắng, vừa ngủ dậy người đã bị mồ hôi làm cho rít rịt, tôi đành đi tắm. Sau đó để nguyên đầu ướt, cầm một quả táo, đi ra hiên nhà. Tôi ngồi trên xích đu, co chân ôm gối, cả người dựa vào phía sau, lại ngửa lên nhìn trời, xuyên qua mấy kẽ lá đung đưa trên đỉnh đầu, trông thấy một vùng cao vời vợi, xanh ngát xanh.

Gió luồn qua áo, tóc ướt chấm cổ gầy, táo ngòn ngọt lạnh. Thật sự, dễ chịu vô cùng.

***

Chập choạng tối, dượng về.

Sau khi ra vườn bắt vào một con gà ta lớn, dượng liền vặt lông, làm thịt, rồi bảo:

- Con luộc một nửa, một nửa mang kho sả mà ăn. Nấu thêm chút cơm chút canh, tối dượng mời bác Phúc qua ăn cơm.

Tôi nghe hai từ “bác Phúc”, mắt liền nổ đom đóm ngàn con, đầu óc cũng tức thì ngưng trệ.

Lần trước, bác lấy số tôi xong, mấy ngày sau lại bày một bữa cơm, đưa một anh bộ đội trên phố về, kêu tôi qua gặp. Tôi vì ánh nhìn nghiêm khắc của dượng mà miễn cưỡng phải đi.

Vẫn một bàn mấy người, chỉ là chỗ của Bôn thay bằng một người con trai khác – Anh bộ đội nghiêm chỉnh, gọn gàng.

Tôi cúi gầm đầu ăn, lâu lâu lại len lén liếc nhìn anh bộ đội ngồi bên cạnh. Da dù hơi đen nhưng mặt mũi sáng sủa, hiền hòa. Người cao lớn nhưng không thô kệch. Lời lẽ tuy khuôn khổ nhưng giọng trầm, ấm áp.

Có một điều, duy chỉ có một điều. Lúc anh ta hỏi chuyện, tôi quay sang, lại tình cờ nhìn vào được bên trong khoang miệng, thấy răng anh ta bị sâu hai cái. Mà từ lúc đó, tôi như bị ám ảnh răng sâu, hễ quay sang lại không kìm được, phải nhìn chằm chằm vô nó. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình biến thái vô cùng.

Tôi vừa bận rộn tay chân nấu ăn vừa nhớ lại, không khỏi thấy buồn cười.

Đúng lúc cái nồi đầy nước chứa nửa con gà trắng bắt đầu sôi, điện thoại trong túi áo tôi đột nhiên đổ chuông lớn từng hồi.

- Alo.

- Kỳ Như!

- Vâng.

- Em đang làm gì?

- Nấu đồ ăn.

- Ừ. Tối nay em soạn mấy cái áo thun mỏng gởi xuống thành phố dùm anh với, ở đây nóng quá.

- Vâng. Gởi nhà xe nào?

- Xe nào cũng được, em gởi xong thì nhắn qua cho anh.

- Vâng.

Tôi trả lời, không mấy tập trung vào cuộc nói chuyện, nghe đầu bên kia vắng tiếng nói liền một tay cầm điện thoại đặt lên bàn, tay kia vội vàng đảo qua đảo lại chảo gà kho sả đang dậy mùi.

Qua một lúc, gà săn lại, sả đã ngả vàng, ớt cũng chín mềm thấm đầy gia vị, tôi hài lòng tắt lửa, ngồi xuống bàn ăn chờ đợi nửa con gà còn đang luộc.

Vừa chống cằm, tôi bỗng sực nhớ ra, cuộc nói chuyện ban nãy hình như chưa kết thúc. Vội vội vàng vàng cầm điện thoại lên, y như rằng thời gian cuộc gọi vẫn đang nhảy từng giây một. Tôi thở dài, áp điện thoại vào tai, nói:

- Alo…

- Nghe.

- Anh làm gì? Sao không cúp máy?

- Nghe em nấu đồ ăn.

Tôi nhàn nhạt hỏi:

- Anh ăn chưa? Tối rồi.

- Chưa ăn. Ăn cơm quán hoài ớn quá. Lâu rồi không ăn, đồ ăn ngọt ăn không quen.

- Vậy thì phải làm sao?

- Không sao cả, vẫn ăn được, đôi lúc ăn linh tinh.

- Anh đi ăn đi. Cúp máy đây. Khi nào gởi đồ xong sẽ nói cho anh.

Nói rồi, tôi cúp máy. Lại tất bật dọn ra một bàn đầy thức ăn.

Không lâu sau, bác Phúc sang, cùng dượng từ dưới sân đi lên, vào thẳng nhà bếp.

Thấy tôi, bác Phúc cười híp mắt:

- Sao rồi, cô bác sĩ?

Tôi chả biết bác hỏi cái gì sao, đành cười cười nói:

- Dạ bình thường.

Cuộc nói chuyện không có nội dung cứ vậy mà xong.

Hai người đàn ông lớn tuổi ngồi ăn, tôi lui vào phòng, uể oải nằm xuống. Cũng may dượng chẳng bao giờ bắt tôi ngồi ăn cùng nếu có khách đến nhà, bằng không, bác Phúc lại thao thao bất tuyệt về anh bộ đội, hỏi tôi “Có vừa ý không? Có thích không? Có muốn tìm hiểu không?”

Người lớn tuổi, dường như rất hào hứng với việc làm ông mai, bà mối.

Rất phiền.

Tôi là một cô gái bình thường, thích xem phim, mê thần tượng, thỉnh thoảng còn mộng mơ. Cũng không hề kênh kiệu mà bài xích chuyện này, nhưng việc cùng với một người lạ tiếp xúc, rồi bỗng nhiên bảo “Mình tìm hiểu đi” hay “Mình yêu nhau đi” thực sự thấy kỳ quái vô cùng, càng ngưỡng mộ hơn mấy người đi xem mắt mà nói thích là thích, nói yêu là yêu, rồi đến được với nhau.

Tôi suy nghĩ một lúc lâu, chợt nhớ ra có việc chưa làm, bèn gọi điện thoại qua nhà xe một cuộc, sau đó nhấc thân mình, di chuyển sang một căn phòng khác.

Căn phòng nhỏ gần một tháng không có ai ra vào, cửa luôn đóng kín, vừa hé mở liền có một luồng hơi lạnh thoát ra, vắng lặng vô cùng.

Tôi bật đèn, trước mắt hiện ra tấm thảm quen cuộc. Trên đó vẫn y như cũ, đồ đạc bày linh tinh, chăn gối rải rác còn chưa gấp lại, dường như vai trò của chiếc giường phía trên đã bị lãng quên hoàn toàn.

Bên trong cái tủ lớn vừa được tôi mở tung ra, đồ đạc được treo, xếp gọn gàng, hoàn toàn chỉ có ba màu đen, trắng, xám, mỗi màu một chồng riêng.

Bỗng nhiên, tôi bất giác nhớ đến thời trung cấp. Mỗi cuối tuần, Khả Bôn đều đứng đợi dưới dãy lầu tôi ở, tay cầm cầm giỏ lớn, bên trong chứa ba bịch đồ nhỏ, là áo quần đã được chia theo màu.

Ngày đó, lúc chưa thân thiết, Yến với Hân còn tưởng tôi đã có người yêu, mà hai người tình cảm rất tốt, cuối tuần nào “anh người yêu” cũng mang rất nhiều trái cây đến cho tôi, còn tôi giặt cho người ta một giỏ đầy áo quần.

Sau này biết chuyện, hai đứa hết sức ngạc nhiên, còn bảo tôi: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.” Tôi hoàn toàn không muốn thế, Bôn hẳn cũng không. Chỉ là, trong một lần tâm sự gần đây, Yến nói: “Bà đứng một chỗ người ta cũng sẽ tiến thêm một bước. Trừ phi bà lùi lại, thụt lùi thật nhanh.”

Tôi ngừng hồi tưởng, nén cái thở dài trong lồng ngực, lấy vài chiếc áo thun. Trước khi bước ra ngoài, không kìm được mà nhìn cái khung ảnh được đặt ở góc bàn. Bên trong, có bức ảnh một nhóm sinh viên y khoa mặc áo blue, ống nghe đeo lắc lư trên cổ, bên trái góc ảnh, là dáng hình một người con trai quen thuộc, hai tay bỏ sâu vào túi áo, miệng mỉm cười, như có như không.

***

Một tuần sau đó, tôi vẫn như cũ, cuối tuần ở nhà, hết ăn vặt, xem phim, lại xếp hình, đọc Toto Chan bên cửa sổ.

Dượng thấy thế mới bóng gió hỏi tôi:

- Con gái lớn ngày nghỉ không đi chơi đâu à?

- Không dượng ạ.

- Hồi trước còn thấy lên phố chơi, mà sao dạo này ứ nằm ì trong nhà thế?

Tôi cười cười. Khi không biết nói gì, hay không muốn nói, đều híp mắt cười cho qua.

Thực sự không biết nói thế nào. Không dám nói với dượng là đã hết tiền xài.

Con gái không muốn ra khỏi nhà, hoặc vì thực sự đang buồn, hoặc do mặt đột nhiên nổi mụn, và thường nhất là lúc hết tiền.

Tôi có cái tật, vừa lãnh lương sẽ chia tiền ra nhiều phần nhỏ, tính toán chi ly cho từng việc, xong lấy hết số tiền dôi ra mua sắm linh tinh, rút cuộc, hễ khi nào có việc phát sinh là tháng đó nghèo rớt mồng tơi.

Từ khi đi làm, tôi nhất định không dùng tiền của dượng nữa, cũng dặn Trúc Linh không được lấy. Dượng nuôi chúng tôi bao năm qua, thực sự vất vả rồi. Mà lâu lâu dượng lại âm thầm chuyển khoản cho tôi một số tiền nho nhỏ, nếu tôi hỏi đến, dượng sẽ trả lời: “Dượng trả công cho con làm vườn giúp dượng.” Tôi luôn áy náy, nhưng cũng không biết làm sao cho phải, cuối cùng quyết định chuyển tất cả sang sổ tiết kiệm, dành cho Trúc Linh học đại học sau này.

Vừa rồi, Trúc Linh đi chơi, tôi đành lấy hết tiền tháng đưa cho nó. Đứa em gái này của tôi, lúc nào cũng thương chị, sợ chị thiệt thòi, từ bé đến lớn cái gì cũng nhường tôi, bởi thế, tôi cũng không nỡ để nó đi chơi mà thua kém bạn bè. Rút cuộc, bây giờ trong ví hoàn toàn là “vườn không nhà trống.”

Đương lúc tôi ngồi xem lại Gia đình là số một, đoạn Đức Minh nói: “Mẹ mẹ giết nó đi mẹ, rồi sinh đứa khác”, điện thoại bàn đặt cạnh tivi phát ra một hồi chuông cổ điển “reng, reng” kéo dài.

- Xin chào…

- Xin hỏi, đây có phải nhà anh Thanh không?

- Dạ đúng, cô tìm ai?

- À, cho cô gặp Kỳ Như được không con?

Tìm tôi? Là ai? Lại gọi vào số điện thoại này.

- Con là Như. Cho hỏi cô là ai ạ?

- Như à, là dì đây, dì Oanh.

Nghe cái tên này, tim tôi chết lặng vài dây, hô hấp dường như cũng hoàn toàn đình trệ.

Dì Oanh? À, là vợ hai của bố.

Bố, là ai? Là người đã nhiều năm rồi tôi chưa gặp. Ngày đi chôn mẹ, bố lẫn vào đám người đông đúc đưa ma. Ánh mắt ông ấy nhìn tôi, hoang hoải, cô đơn đến đáng thương. Tôi trước nay chưa từng hận bố. Chỉ là sợ hãi ngập tràn. Cho đến bây giờ, nếu nhìn khuôn mặt ấy, có lẽ tôi vẫn sẽ bị tim nhũn chân run.

- Chào dì.

- Con dạo này có khỏe không?

- Làm sao dì biết số này?

- Dì hỏi họ hàng nhà con, ngày xưa mẹ con có cho họ số này. May quá, lâu như thế còn liên lạc được.

- …

- Dì gọi đường đột quá, nhưng bố con giờ đang nằm viện, dì gọi hỏi con có muốn sang thăm bố một chuyến không?

Tôi không chần chừ, trống rỗng mà đáp mỗi hai từ:

- Dạ, được.

Tôi ngồi thừ trên ghế rất lâu sau cuộc điện thoại kìa. Bản thân chẳng nghĩ gì cả, đột nhiên thấy thương cảm ngập tràn. Rồi trên mắt từ từ hình thành một tầng nước mỏng tang, tivi trước mặt đã không còn thấy rõ hình ảnh nữa.

Không khóc, nhất quyết không được khóc. Tôi đứng dậy đi vào phòng, đến kệ sách lấy xuống con heo đất, thả xuống một cái, vỡ tan tành. Sau đó lúi cúi nhặt nhạnh mấy tờ tiền đã để dành từ rất lâu, xếp gọn vào ví. Lại đeo một cái túi vải trên vai, thưa vài câu với dượng, sau hướng cửa lớn mà đi.

Tôi lội bộ ra đường lộ, đi một cuốc xe ôm ra chợ xã, rồi bắt xe buýt đi lên phố. Đến bến, đổi sang một chiếc xe buýt khác về huyện cũ – nơi tôi lớn lên cùng tuổi thơ cơ cực. Tổng cộng, hết hai tiếng đi đường.

Xuống xe, đi bộ hai trăm mét, ở ngã ba đường, quẹo phải đi thêm một cây số, lại quẹo trái đi thêm một cây nữa, ấy là đã đến nơi.

Bao năm rời đi, nơi xưa cũ cũng đã khác hoàn toàn. Con đường nhỏ ngày ngày tôi chở cỏ bò sau yên xe đạp, giờ đã được trải nhựa trơn láng, rộng rinh. Cánh đồng vốn đầy những hoa lau, hoa dã quỳ đã thay bằng nhà lưới, vườn ươm lớn. Khoảng đất trống ngày đó bọn con nít chúng tôi thả diều, đánh trận, hiện tại mọc lên những nhà cao, cửa rộng rồi.

Tôi dựa vào trí nhớ, tìm đến vị trí ngôi nhà ngày xưa mình từng ở. Nhà gỗ, mái ngói đã không còn.

Tôi bấm chuông, mắt nhìn xuyên qua khe hàng rào lớn thấy một ngôi nhà xây đẹp đẽ, chờ đợi cánh cửa nhà mở ra. Rút cuộc, bấm nhiều lần mà vẫn không có ai xuất hiện.

Lúc nãy nghe điện thoại, tôi chỉ đồng ý rồi cúp máy, cứ thế mà đi. Không nghĩ đến việc hỏi số liên lạc, không nói mình sẽ liền đến thăm, càng không nghĩ nhỡ như họ đã chuyển nhà.

Tôi đứng thẫn thờ một chỗ rất lâu.

Khi đến nơi trời còn sáng rõ, mà hiện tại đã tím rịm một màu. Cột khói của cái lò gạch ngay dưới chân núi vẫn đang từ từ nhả những luồng trắng đặc mù, sau đó lan ra rộng làm nhòe cả ngọn núi lẫn hình dáng những cánh chim bay.

Chốn cũ này, không biết còn bao nhiêu người cũ. Tôi làm liều, sang nhà bên cạnh bấm chuông.

Chỉ một hồi vang lên, liền có người ra mở cửa, nhìn chằm chằm tôi hỏi:

- Chị tìm ai?

- Cho chị hỏi, nhà bên cạnh không biết của ai?

- À, nhà bác Oanh. Bác trai nhà đó nằm bệnh viện mấy hôm nay nên trong nhà không có người đâu.

- Vậy… cảm ơn em.

Tôi nói xong, toan quay đi, bỗng nhớ ra một điều, bèn quay đầu lại hỏi:

- Mà nhà này có phải nhà Tuyền không?

- Chị hỏi chị Tuyền hồi trước ở đây hả? Nhà chị đó bán lại nhà cho nhà em rồi chuyển xuống thành phố ở rồi.

- Ồ. Cảm ơn em.

Nói rồi, tôi thực sự quay đi. Men theo đường cũ mà ra đường lớn, lại đi xe ôm đến bệnh viện cách đó không xa.

Cuối tuần, bệnh viện nườm nượp người ra vào thăm nom.

Tôi còn tưởng phải mò mẫm rất lâu để tìm người, rút cuộc chỉ vừa đi vào khuôn viên bệnh viện đã nhìn thấy một bóng lưng quen thuộc. Tuy ở ngay trước mắt mà như ở xa tít chân trời.

Dưới tán cây bàng xum xuê rộng lớn, ánh đèn vàng lách tách tiếng thiêu thân, bố ngồi trên ghế đá, lưng đưa về phía tôi, cả người bị vây quanh bởi một làn khói mỏng manh, trắng mờ. Bố hút thuốc từ lâu, đến giờ vẫn còn giữ thói quen này.

Bố ngồi một chỗ bao lâu, tôi cũng ở đằng sau mà giữ nguyên vị trí. Tiến không được, lại không muốn lùi. Đột nhiên có một bàn tay đặt lên vai khiến tôi giật mình, người nảy lên một cái, đồng thời quay lại phía sau.

Người phụ nữ nhìn thẳng mắt tôi, nở nụ cười phúc hậu, trên tay còn cầm một phích nước nóng màu đỏ cỡ vừa.

Tôi biết người này.

Sau khi bố mẹ chia tay, không lâu sau bố cũng lấy người mới. Có một lần mẹ tôi chủ động liên lạc về, hỏi thăm tình hình. Sau đó có một lần khác, mẹ dắt tôi lên phố, cùng gặp dì ở một quán cà phê nho nhỏ, nói chuyện rất lâu.

Tôi gật đầu chào dì, đưa ngón tay lên miệng, kẽ nói “suỵt” rất nhanh, rồi kéo dì ra góc khuất.

- Con đến hồi nào? Sao phải vội vàng thế? Mà sao không nói trước với dì?

- Bố… có sao không dì?

- Gan, phổi yếu rồi, mà đầu cũng không được bình thường, hay nói linh tinh…

Tôi trao đổi với dì không lâu, sau nhét vào tay dì một phong bì nhỏ. Hai người đẩy qua đẩy lại một lúc lâu, dì mới chịu mang cất vào túi áo.

Lúc tôi nhất quyết ra về, không vào gặp bố, dì rưng rưng nước mắt mà nói:

- Chuyện gì cũng qua rồi. Được thì lần sau con gặp bố một lần. Máu mủ ruột rà, không phải nói bỏ là bỏ được. Dì không có con riêng, nên dù mới gặp con được hai lần, dì vẫn thương tụi con…

Tôi ôm dì một cái thật chặt, rồi rảo bước quay đi. Ghi nhớ mãi trong đầu bóng hình người bố đã già đi theo năm tháng. Không phải tôi mãi mãi không muốn nhìn mặt bố, mà là tôi chưa thể sẵn sàng.

***

Tháng tháng năm năm, trôi qua như một cái khoát tay.

Cô bé con ngày đó, tóc ngắn da đen, a dua cùng mấy đứa bạn nhỏ, nhảy từ nóc chuồng bò xuống đất, tự khiến mình bị gãy cả răng, khóc nức nở. Cô bé ngày đó, đi ăn trộm xoài, bị bố đánh đòn, nước mắt lấm lem. Cô bé năm ấy, vì mẹ mất mà từ tự nhốt bản thân mình, châm thịt cắt tay… Hiện tại, đã lớn khôn.

Tôi nhìn cô gái trên cửa kính xe buýt đang không ngừng rung lắc, thì ra mình đã trưởng thành rồi. Trải qua bao nhiêu chuyện, quay đầu nhìn lại mới phát hiện ra, con người ta không phải trưởng thành rồi mới đầy mỏi mệt, mà là chịu biết bao mỏi mệt, lúc ấy mới có thể trưởng thành.

***

Tôi về đến trước nhà, là lúc trăng thanh đã lên cao.

Dân trong vùng đều đã lên đèn trước cửa nhà. Giữa không gian tĩnh mịnh và cảnh sắc đêm đen, cả một thung lũng nhỏ như nằm giữa hai tầng sao lớn.

Một lần nữa, tiếng hát Hoa Thần Vũ lại báo cho tôi có cuộc gọi đến. Con chó hàng xóm nghe động, bèn sủa ầm cả lên.

Tôi đến dưới nhà sàn, ngồi xuống cái ghế đá mà dượng vẫn hay ngồi uống trà, nhận cuộc gọi:

- …

- Kỳ Như?

- Vâng.

- Em đang làm gì?

- Đang ngồi.

- Em đang ở đâu?

- Ở nhà.

- Em về rồi hả?

- Vừa về đến nơi.

- Như!

- …?

Bôn im lặng, một lúc rất lâu. Tôi chỉ nghe tiếng anh ta nhè nhẹ thở. Có lẽ anh ta biết chuyện tôi đi thăm bố thông qua dượng. Không biết anh ta đang nghĩ gì?

Tôi cảm thấy lồng ngực mình như bị ai siết lại, rồi đè nặng xuống, khó chịu vô cùng.

Chờ đợi, lại chờ đợi. Cho đến khi tôi không còn kiên nhẫn nữa, toan cúp máy thì Bôn lại mở lời:

- Cuối tuần sau anh về, muốn mua gì dưới này không?

Thần kinh tôi dãn ra, lúc này mới có thể hơi cười mà nói:

- Có. Nhờ anh vào khoa Dược của trường, mua dùm mấy hộp sâm.

- Còn gì nữa không?

- Hết rồi.

- Có ăn mít Tố Nữ không?

- Có.

- Ừm, được. Đợi anh về.

Trăng sao sáng rực, mà trời lất phất mưa rơi. Lại mưa rồi. Ngày dài mới biết, lòng người rối ren.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mashiro-miuna

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
18/3/18
Bài viết
1.965
Gạo
908,0
Tuyệt vời! Quả nhiên không phụ Miu ngày ngày cứ ghé qua diễn đàn truyện dài một lần ngóng trông Vũ. Miu rất thích cái cách Vũ xây dựng hình tượng của chàng Bôn, trầm tĩnh mà dịu dàng, ít nói nhưng mỗi câu đều khiến người ta thấy ấm lòng. Đây là hình tượng nam nhân vật làm Miu ấn tượng nhất sau Tề Mặc trong Đạo Tình. Cố lên! Viết tiếp đi Vũ ơi! Miu hóng lắm rồi ý.
Cổ vũ xong rồi, giờ Miu soi nhé. Đừng lo, Miu soi cả bài mới bắt được hai lỗi thôi.
cái khung cảnh (1) được đặt ở góc bàn . (2)
Miu nghĩ cái (1) là khung ảnh, chẳng biết phải không.
Cái (2) là sai về cách đặt dấu chấm. Miu là mèo lười, nên hổng có nói cách đặt đúng đâu, mà tin tưởng Vũ cũng biết rồi.
Xong hớt rồi nghen, Miu lại lót dép ngồi một chỗ nhìn chằm chằm diễn đàn truyện dài chờ Vũ đây.
 
Bên trên