Chương 8
Ngày làm bài kiểm tra một tiết môn văn, tuy đề bài không phải phân tích bài thơ Nhớ rừng, nhưng cũng là một đề tôi đã làm qua cùng với Thùy Đan trong buổi học nhóm tuần trước. Vì vậy, tôi vô cùng tự tin, hăm hở cắm đầu cắm cổ viết liền một mạch kín đặc ba trang giấy, một kỷ lục từ trước đến nay, khiến thằng Bình "Định" bên cạnh cũng phải mắt tròn, mắt dẹt.
- Mày trúng tủ à? - Nó nhìn tôi dò xét.
- Này, đừng tưởng ai cũng học tủ như mày - Tôi vênh váo trả lời, sung sướng tót ra sân đá bóng, mặc kệ thằng bạn tọc mạch ngồi lại với nỗi ngạc nhiên của nó.
Nhưng cuộc đời luôn là một chuỗi những bất ngờ. Lúc tôi đinh ninh tôi sẽ phá vỡ được cái hàng rào điểm 5 chắn lối trên con đường đến với văn chương của mình, thì tôi lại phát hiện ra rằng, điều đó còn khó hơn việc thuyết phục Thùy Đan giảm số lượng bài tập giao cho tôi mỗi ngày. Một tuần sau, tôi ngậm ngùi nhận lại bài làm văn dài ba trang giấy kỷ lục đó cùng với điểm 5 đỏ chót bên lề. Tuy nhiên, không có lời phê của cô giáo. Tôi ngẩn người nhìn cái điểm 5 dai dẳng ấy. Nó bám lấy tôi như thể muốn khẳng định rằng những cố gắng để bỏ rơi nó của tôi là không tưởng. Thùy Đan sốt ruột liếc về phía tôi mấy lần liền. Chắc nó nóng lòng muốn biết điểm số của tôi còn hơn cả tôi nữa. Tôi buồn vì điểm của mình một, thì áy náy vì đã làm Thùy Đan thất vọng mười. Giờ ra chơi, không đợi tôi lên chỗ nó, Thùy Đan đã tự động tìm xuống chỗ tôi.
- Bài làm văn của cậu được mấy điểm? - Thùy Đan hỏi ngay khi vừa thấy tôi.
Tôi lặng lẽ chìa bài kiểm tra của mình cho nó. Thùy Đan nhíu mày nhìn điểm 5 đỏ chót, rồi lại nhìn ba trang giấy dày đặc chữ của tôi. Nó không nói gì, chỉ bắt đầu chăm chú đọc. Thùy Đan đọc rất kỹ, có những chỗ tôi thấy nó đọc đi đọc lại, còn cầm bút chì gạch chân một vài đoạn trong bài. Một lúc lâu sau nó mới ngẩng lên nhìn tôi, trong mắt nó thấy toàn những dấu hỏi:
- Bài của cậu có phân tích đủ ý mà, tớ cũng chỉ phân tích những ý này thôi, không hiểu sao cậu lại được 5 nhỉ? Mà dàn ý này là dàn ý cô giáo cho bọn tớ lúc đi học thêm. Cô còn nói chỉ cần làm đủ những ý này thì ít nhất cũng đạt điểm 7.
À, ra thế. Vậy là chỉ những đứa đi học thêm mới biết những kiến thức đó. Tôi học chung nhóm với Thùy Đan nên có may mắn được tiếp cận nguồn "hàng độc" ấy. Mặc dù thằng Bình "Định" đã cảnh báo tôi từ trước (nó cũng sẵn sàng cho tôi chép cả bài học chính lẫn bài học thêm), nhưng tôi chẳng quan tâm đến điểm số nên đã bỏ ngoài tai. Vả lại, từ trước đến nay, môn văn của tôi lúc nào cũng chỉ chạm ngưỡng trung bình là tụt xuống, cho nên tôi cứ nghĩ khả năng của mình chỉ đến vậy thôi, có đi học thêm cũng không giải quyết vấn đề gì. Trong 5 đứa bọn tôi, duy nhất mình tôi không đi học thêm môn nào cả. Vào những năm 90 ấy, đồng lương của giáo viên rất khiêm tốn. Việc dậy thêm đã trở thành nguồn bổ sung thu nhập chủ yếu của các thầy cô giáo. Tuy nhiên, không phải tất cả các lớp học thêm đều thực hiện đúng nhiệm vụ và ý nghĩa cao đẹp của nó, cũng như không phải tất cả các thầy cô giáo đều như mẹ hiền. Cũng có những thầy cô thích làm mẹ kế, cha dượng. Cô giáo dạy văn của chúng tôi là một ví dụ điển hình. Mặc dù không nói ra, nhưng cô luôn luôn dành nhiều ưu ái cho những học sinh đến lớp học thêm của cô. Chỉ cần những ai đi học thêm đều đặn, thì điểm số môn văn sẽ được bảo đảm. Còn những đứa xui xẻo, gia đình không đủ điều kiện kinh tế để cho đi học thêm, hoặc những đứa nganh ngạnh coi trời bằng vung như tôi (cho đáng đời), thì phải chấp nhận một bảng điểm không lấy gì làm đẹp mắt trong học bạ. Trước đây tôi không quan tâm đến việc chúng nó học gì trong lớp học thêm, nhưng bây giờ, nhờ có Thùy Đan mà tôi biết được rằng, học sinh đến lớp học thêm để biết trước đáp án cho những bài kiểm tra, và để mua lấy sự ưu tiên của giáo viên. Tất nhiên, cũng có những lớp học thêm tốt, nơi chúng tôi được củng cố kiến thức và rèn giũa thói quen học tập nghiêm túc, được gợi mở tư duy sáng tạo. Nhưng đáng tiếc rằng, những lớp học thêm như vậy quả thật quá hiếm hoi, và số lượng các thầy cô giáo chân chính, tâm huyết với nghề cứ ngày một ít dần vì bị nỗi lo cơm áo gạo tiền cuốn đi trong guồng quay khắc nghiệt của cuộc sống. Trước đây, tôi cũng đã mù mờ cảm thấy có sự phân biệt đối xử giữa những đứa đi học thêm và những đứa không đi học thêm. Nhưng tôi không ngờ rằng, cô giáo dạy văn lại sẵn sàng cho tôi điểm thấp chỉ vì cái tội không đến lớp học thêm của cô, cho dù bài làm của tôi không đáng bị đánh giá thấp như vậy. Một lần nữa, cái tính bốc đồng, nganh ngạnh lại khiến cho bộ sưu tập các giây phút nông nổi của tôi dài thêm ra mãi. Rất nhiều năm sau này, tôi vẫn không thể nào quên giai đoạn khốn khổ vào cuối năm lớp 8 ấy, khi mà cái tội không biết sợ trời, sợ đất đã khiến cho tôi làm mếch lòng cô giáo dạy văn của mình...
-Mày được mấy? - Tôi quay sang hỏi thằng Bình "Định".
- 7 điểm - Nó ngại ngần chìa bài kiểm tra của nó cho tôi xem.
- Còn mày? Mày? Mày? - Tôi quay sang thằng Thành "Danh", Dũng "dê", Cường "Dương", đứa nào cũng 7 điểm cả.
Khi đó, bất bình trước cách cho điểm không công tâm của cô giáo, tôi quyết định phải làm cho ra nhẽ. Trước những cặp mắt ngơ ngác của lũ bạn, tôi nghênh ngang cầm bài kiểm tra của mình lên gặp cô giáo dạy văn. Cô đang sắp xếp sách vở trên bàn giáo viên, thấy tôi đặt bài kiểm tra của mình trước mặt cô, cô bèn ngẩng đầu lên, chiếu vào tôi tia nhìn không mấy thiện cảm:
- Có chuyện gì thế? - Cô hỏi tôi.
- Thưa cô, cô xem lại giúp em bài này ạ. Em không hiểu tại sao em lại được điểm 5 - Tôi bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt cô với bộ mặt ngây thơ vô (số ) tội rất đặc trưng của mình.
- Bài của cậu phân tích thiếu trọng tâm, không đủ ý, lối viết rườm rà, không cô đọng, 5 điểm là xứng đáng.
- Thưa cô, cô cho em biết em phân tích thiếu ý nào được không ạ? Và thiếu trọng tâm ở chỗ nào, để lần sau em còn rút kinh nghiệm. - Tôi dai dẳng hỏi tiếp, giọng nói còn có phần ngọt ngào đến độ chính tôi cũng thấy...rùng mình.
- Thiếu chỗ nào thì cậu về học lại bài giảng đi nhé, tôi không có thời gian trả lời cho một mình cậu. - Cô giáo bắt đầu nổi cáu, cầm bài kiểm tra dúi vào tay tôi với ý định đuổi tôi về chỗ ngồi.
- Nhưng em tham khảo bài làm của một số bạn rồi, em cũng phân tích đủ ý giống các bạn mà sao chỉ có em được 5 điểm thôi? - Tôi ương bướng nhìn cô giáo với ánh nhìn có phần thách thức.
- À, cậu nói vậy là có ý gì? Cậu dám nói tôi cho sai điểm cậu à? Cậu thử xem môn văn của cậu từ trước đến giờ có bài nào vượt quá điểm 5 không? Về đọc lại bài làm của cậu đi, 5 điểm là tôi đã quá nương tay với cậu rồi đấy. Cậu lại còn không biết điều à? Trên lớp, cậu học lơ là, học thêm thì không đi. Cậu nghĩ cậu giỏi rồi phải không? Được, để tôi xem cậu giỏi đến mức nào. Để tôi xem cuối năm cậu có qua nổi bài kiểm tra học kỳ không nhé. Tôi sẽ phải nói chuyện với chủ nhiệm lớp của cậu mới được...
Bị tôi chọc giận, cô giáo dạy văn thực sự mất bình tĩnh, đứng hẳn lên, chỉ tay vào mặt tôi nói một hơi không nghỉ. Nhưng tôi hoàn toàn chẳng sợ những lời mắng mỏ, đe dọa của cô ấy chút nào. Tôi không lảng tránh ánh mắt cô mà tiếp tục nhìn trân trân vào cô với vẻ mặt bình thản. Cô giáo tức đến nỗi tôi thấy tay cô run run, giọng nói lạc cả đi:
- À, cậu đang thách thức tôi phải không? Cậu còn dám đứng đấy nhìn tôi hả?
Rồi cô tiện tay cầm bài kiểm tra của tôi lên, ném thẳng về phía tôi đang đứng. Cả lớp im phăng phắc như thể tất cả bỗng nhiên đã hóa đá, chỉ còn tiếng cô giáo đang xa xả mắng tôi tuôn ra không cách gì kiềm giữ được. Tôi cúi xuống nhặt bài kiểm tra ở dưới đất, lẳng lặng quay lưng lại, bước về chỗ ngồi. Còn cô giáo dạy văn cũng giận dữ xách cặp đi ra khỏi lớp.
Bọn thằng Bình "Định", Dũng "dê", Thành "Danh", Cường "Dương" xúm lại quanh tôi, đứa le lưỡi, đứa sờ đầu.
- Mày ăn phải cái gì mà điên vậy? Không sợ cô ấy "trù" à? - Thằng Thành "Danh" giật bài kiểm tra từ tay tôi, hỏi.
Thằng Cường "Dương" vỗ vỗ vai tôi ra chiều thông cảm:
- Thôi mày tiêu rồi, bài thi học kỳ 2 này mày cầm chắc dưới trung bình. Tốt nhất đi đăng ký học thêm ngay đi.
- Kệ tao, ảnh hưởng đếch gì đến chúng mày - Tôi gạt tay chúng nó ra - Tao đây đã bao giờ sợ điểm kém chưa?
- Tao đã cảnh cáo mày rồi còn không nghe - Thằng Bình "Định" chép miệng, lắc lắc đầu nhìn tôi vẻ phê phán.
Nhưng tôi không muốn nghĩ đến điểm số, không muốn nghĩ đến cái hoạt cảnh chả ra làm sao mà tôi vừa gây ra, không muốn khơi dậy những ý nghĩ thiếu tôn kính đối với một người mà lẽ ra tôi phải kính trọng. Tôi chỉ cảm thấy một nỗi thất vọng mơ hồ dâng lên trong lòng, thất vọng vì cái gì thì tôi cũng mù mờ không biết. Song, có một điều tôi biết rất rõ, cho dù trời sập, tôi cũng sẽ nhất định không đăng ký học thêm môn văn. Tôi giấu mọi nỗi khó chịu sau vẻ mặt bất cần đời, xô ghế đứng dậy, kéo lũ bạn ra sân đá bóng. Tôi hy vọng, tâm trạng u ám của tôi cũng sẽ lăn ra theo trái bóng tròn, để nó khỏi bám riết lấy trái tim tôi...
Tan học hôm ấy, tôi với Bình "Định" vừa dắt xe ra khỏi nhà để xe, thì có tiếng ai đó gọi tên tôi:
- Đan ơi.
Tôi quay lại và nhìn thấy Thùy Đan đang ôm cặp đứng ngay phía sau. Đây là lần đầu tiên Thùy Đan gọi tôi bằng tên. Một cảm giác lâng lâng khó tả bỗng trào lên trong lòng, khiến cho tôi ú ớ mãi mới mở miệng ra được:
- Cậu tìm tớ à? - Tôi hỏi.
Thùy Đan khẽ gật đầu. Tôi vội gạt chân chống chiếc xe đạp xuống, bước về phía Thùy Đan. Thằng Bình "Định" đã tót lên yên xe chờ đợi, thấy thế bèn nháy mắt với tôi:
- Tao về trước đây.
Rồi chẳng buồn nghe tôi trả lời, nó co chân lên, cong mông đạp, chỉ vẫy tay lại phía sau ra ý chào cả hai đứa bọn tôi. Tôi lúng túng đút một tay vào túi quần, đứng đối diện Thùy Đan. "Thiên thần" nhìn tôi với đôi mắt lúc nào cũng trong veo và long lanh như nước:
- Sao sáng nay cậu lại làm thế?
- Chuyện với cô Minh á? Tớ có làm gì đâu, chỉ muốn cô ấy nói rõ cho tớ những lỗi sai thôi mà - Tôi tỉnh bơ trả lời nó.
- Ừ, nhưng không cần phải nói trước mặt cả lớp như thế. Dù sao, cô ấy cũng là giáo viên...
- Giáo viên thì muốn làm gì cũng được à? - Tôi bướng bỉnh - Tớ thấy tớ chẳng có gì sai cả.
- Tớ có bảo cậu sai đâu, tớ chỉ nghĩ không cần phải làm ầm ĩ lên như thế thôi - Thùy Đan nhìn tôi. (Sao giọng nó lúc nào cũng nhẹ nhàng thế nhỉ?)
- Tớ tự biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Cậu cũng không phải lo cô Minh biết cậu cho tớ chép bài ở lớp học thêm đâu, tớ sẽ không làm gì liên lụy đến cậu. - Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại đi trả lời nó bằng cái giọng dễ xa nhau đó.
Nhưng Thùy Đan chỉ bình thản nhìn vào mắt tôi:
- Tớ không lo chuyện đó, tớ chỉ lo cậu sẽ gặp khó khăn với môn văn học kỳ này thôi.
Nói xong, nó chẳng thèm chào tôi, cứ thế quay lưng thong thả bước về phía cổng trường. Tôi đứng như hóa đá. Câu nói của Thùy Đan đã đóng đinh chân tôi xuống mặt đường... Lại thêm một lần nông nổi! Cái tật nói trước khi nghĩ không khéo sẽ biến cuộc đời tôi thành một chuỗi những phút giây lầm lỡ mất thôi. Nhưng không hiểu sao, lòng tôi chợt thấy ấm áp lạ thường. Nhiều năm sau này, tôi vẫn còn nhớ mãi cảm giác ấm áp đó, cảm giác của một kẻ cô đơn bỗng tìm được tri kỷ. Tất nhiên, Thuỳ Đan chẳng thể tri kỷ gì nổi với một đứa học sinh cá biệt như tôi. Nhưng nó không thương hại tôi, cũng không đem "quyền lực" sao đỏ ra để giáo huấn tôi về hành động chống đối giáo viên, mà trái lại, nó còn lo lắng và quan tâm đến sự "an nguy" của tôi nữa. Thử hỏi làm sao tôi không cảm thấy ấm áp cho được? Tuy nhiên, vào giờ phút đứng chôn chân ở nhà để xe của trường khi ấy, tôi của tuổi 13 vẫn còn quá ngu ngơ để có thể hiểu ra nguồn "năng lượng" nào đã sưởi ấm trái tim tôi. Mãi nhiều năm sau này, tôi mới biết Thuỳ Đan chính là nguồn "năng lượng" đó, là mặt trời nhỏ toả sáng trong thế giới của riêng tôi...