Chương 12
Cuối năm lớp 8 còn có một sự kiện đình đám nữa xảy ra liên quan đến con Hà "còi". Nói là đình đám vì sự tồn tại của con Hà "còi" trong lớp tôi vốn dĩ chẳng hơn gì một cái bóng, thế mà lần này, tên nó đột nhiên được cô giáo nêu ra trước cả lớp. Con Hà "còi" chẳng có gì đặc biệt, học lực trung bình, không có khả năng nổi trội, ăn mặc xuềnh xoàng, đã thế còn còi dí còi dị. Hàng ngày nó lặng lẽ đến trường, lặng lẽ đi về, cũng chưa bao giờ thấy nó vi phạm kỷ luật của lớp. Chỗ nó ngồi ở một góc khuất, thậm chí các thầy cô giáo cũng rất ít khi gọi nó lên bảng. Nói tóm lại, nó chính là một ví dụ điển hình của kiểu người không có cá tính, mờ nhạt, có thể hoà tan vào bất cứ đám đông nào. Chẳng hiểu sao, sau này cứ mỗi khi nghĩ đến con Hà "còi", tôi lại liên tưởng đến hai cô gái trong Tỏa nhị kiều của Xuân Diệu, mặc dù con Hà "còi" quê mùa còn lâu mới có được vẻ đài các (dẫu là nhàn nhạt) của các cô ấy. Con Hà "còi" còn là một trong số hai đứa duy nhất của lớp tôi không đăng ký học thêm bất cứ môn nào (đứa kia chính là tôi). Thế nhưng hình như chỉ có mình tôi được hưởng sự "quan tâm" đặc biệt của cô giáo dạy văn, còn nó thì lại lọt lưới, tuy rằng điểm số môn văn của nó cũng chỉ quanh quẩn trên mức trung bình một tí teo. Ấy thế mà có một hôm, cô giáo đột nhiên nêu tên nó trước cả lớp trong tiết sinh hoạt cuối tuần. Lý do nó được nêu tên thì chẳng có gì đáng tự hào: cô giáo phê bình nó không chịu hoàn thành "kế hoạch nhỏ". Nếu bạn đã từng là học sinh, chắc sẽ biết phong trào "kế hoạch nhỏ" là gì. Đó là phong trào nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm, tinh thần yêu lao động, tuổi nhỏ làm việc nhỏ của học sinh chúng tôi. Nhưng lũ học sinh nông cạn chúng tôi nào có hiểu được tường tận nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa đó, chúng tôi chỉ biết rằng, làm kế hoạch nhỏ tức là mỗi đứa phải nộp cho nhà trường 2 cân giấy vụn và 1 chai 65 (loại chai thuỷ tinh 650ml, thường dùng để đựng rượu quốc lủi có nút lá chuối hoặc đựng nước mắm, rất phổ biến hồi đó). Trước đây khi nhà tôi còn có bà và mẹ, tôi chẳng bao giờ phải lo lắng về chuyện đó vì "kế hoạch nhỏ" đã có người chuẩn bị sẵn sàng, đến hạn, tôi chỉ việc mang nộp cho cô giáo là xong. Nhưng từ ngày chỉ còn hai bố con, tôi mới thực sự phải làm "kế hoạch nhỏ". Giấy vụn thì tôi cứ nhặt những tài liệu, sách báo cũ của bố tôi đem nộp. Nhiều hôm bí quá, tôi lấy đại cả những cuốn sách chuyên ngành phủ đầy bụi, cũ mèm, toàn tiếng Nga của bố trên giá sách, cho vào cho đủ cân (dù sao thì bố tôi cũng chẳng bao giờ sờ đến chúng, nên sẽ chẳng bao giờ phát hiện ra). Chai 65 thì tôi lấy chai đựng nước mắm đem nộp. Nước mắm còn trong chai được tôi đổ ra bát, cốc, hoặc bất cứ thứ gì trong tầm tay mà có thể chứa được chất lỏng. Vài hôm sau, tôi lại xin tiền bố đi mua một chai khác thay thế vào. Tất nhiên, làm "kế hoạch nhỏ" kiểu như tôi thì chẳng có ích lợi về bất cứ mặt nào. Những đồ dùng vẫn còn giá trị sử dụng đang tự nhiên tự lành bị tôi biến thành phế liệu. Ý thức tiết kiệm chưa rèn luyện được thì chúng tôi đã học ngay được tinh thần đối phó và khả năng xoay xở. Thằng Bình "Định" mỗi lần đến hạn nộp "kế hoạch nhỏ" đều than thở "sao nhà trường không quy béng ra thành tiền có phải hiệu quả hơn không". Nó giải thích rằng giá trị của những thứ (còn tốt) mà chúng tôi mang nộp tất nhiên phải hơn giá trị của những thứ đó khi bị coi là phế liệu, nhà trường lại còn mất công bán đồng nát để đổi lại thành tiền nữa chứ. (Cái thằng đúng là được thừa hưởng tư duy kinh tế nhanh nhạy của bố mẹ nó có khác). Nhưng than thì than thế thôi, việc phải nộp thì vẫn cứ phải nộp. Và năm này qua năm khác, chúng tôi vẫn tiếp tục làm "kế hoạch nhỏ" theo kiểu của chúng tôi. Duy chỉ có con Hà "còi" là khác. Con Hà "còi" thực sự gom góp và tích cóp phế liệu hàng ngày để có cái nộp khi đến hạn "kế hoạch nhỏ". (Điều đó, cả lớp chúng tôi được biết do chính nó nói ra, trong cái ngày nó bị cô giáo nêu tên phê bình).
Nhưng năm nay thì khác. Con Hà "còi" thật thà khai rằng số phế liệu nó gom góp được trong cả năm dành cho "kế hoạch nhỏ", đã bị nó đem bán đồng nát để lấy tiền mua thuốc cho mẹ.
- Mẹ em ốm hàng năm nay rồi, nhưng bây giờ bệnh đã vào giai đoạn nặng. Mẹ không làm được gì, chỉ nằm trên giường chịu đau thôi. Nhà không còn tiền mua thuốc nên em đã bán hết chỗ phế liệu em có để mua ít thuốc bắc cho mẹ uống. Chắc hết năm nay, em cũng phải nghỉ học thôi.
Con Hà "còi" vừa nói vừa khóc. Lần đầu tiên chúng tôi thấy nó nói dài đến thế trước cả lớp, mà lại rất trôi chảy, không hề vấp váp, chỉ đôi khi giọng nó nghẹn lại giữa những cơn nức nở. Cả lớp ngồi im ngơ ngác. Lũ con gái rơm rớm nước mắt, lũ con trai cúi mặt nhìn bàn. Ngay cả cô giáo cũng tỏ ra bối rối. Từ trước đến giờ, có lẽ không ai trong lớp tôi biết hoàn cảnh nhà con Hà "còi" khó khăn đến mức độ nào. Chúng tôi không để ý đến nó, một cái bóng mờ nhạt chẳng ảnh hưởng đến ai. Bây giờ nhìn nó khóc, tôi mới chợt giật mình nhớ lại buổi sáng tôi gặp con Hà "còi" lặng lẽ khóc trong khoảnh vườn sau trường. Tôi cũng giống như tất cả những đứa bạn vô tâm khác, chẳng bao giờ bận tâm tới những vấn đề không phải của mình. Cho đến tận ngày hôm nay...
Con Hà "còi" vẫn đứng im, cúi đầu, lấy ống tay áo gạt nước mắt. Cả lớp im phăng phắc như đang trong tiết dự giờ của thanh tra phòng giáo dục huyện.
- Cô biết nhà em thuộc diện khó khăn, được hưởng chế độ miễn học phí. Nhưng sao khi mẹ ốm nặng hơn, em không nói với cô từ trước? Cô sẽ thông báo với nhà trường miễn cho em các khoản đóng góp khác - Cô giáo khẽ hắng giọng, nói với con Hà "còi".
Nhưng con Hà "còi" không trả lời câu hỏi của cô giáo. Nó tiếp tục cúi mặt, nước mắt lặng lẽ nhỏ xuống trang vở đang mở rộng trên bàn. Cô giáo thở dài, bảo nó:
- Hết giờ ở lại gặp cô, cô sẽ xem có thể xin trợ cấp khó khăn cho em được không.
Con Hà "còi" lý nhí cảm ơn cô giáo và ngồi xuống, tiếp tục giấu mình trong cái góc khuất nẻo của nó. Cả lớp dần trở về trạng thái cũ. Cô giáo lại tiếp tục dò ngón tay trên cuốn sổ "thần chết" trứ danh của mình...
Giờ ra chơi, con Hà "còi" không ngồi nguyên tại chỗ như mọi ngày mà lẩn đi đâu mất. Nhưng dù cho có mặt nó hay không, con Hà "còi" bỗng nhiên đã trở thành đề tài cho cả lớp xôn xao bàn tán. Thằng Cường "Dương" chép miệng bảo nhà nó cùng xóm với nhà con Hà "còi", vậy mà cũng không biết mẹ con Hà "còi" bệnh nặng đến thế.
- Nhưng nhà nó nghèo thì tao biết từ lâu rồi. Bố nó mất sớm, mẹ nó bán rau ở chợ nuôi mấy chị em nó. Nó còn có một chị hơn nó 3 tuổi, hình như bỏ học đi làm may kiếm tiền từ mấy năm trước hay sao ý. - Thằng Cường "Dương" tiết lộ thêm cho chúng tôi những thông tin ít ỏi mà nó biết.
- Thế mà nó vẫn có đầu óc để học hành nhỉ. Chưa bao giờ thấy nó bị nêu tên vì không làm bài tập về nhà. - Thằng Dũng "dê" nhận xét.
- Sao không? - Thằng Thành "Danh" phản bác - Hoàn cảnh nhà nó thế chắc nó quen rồi, có bỏ bê học hành thì cũng thay đổi được gì?
- Mà sao nó không chịu kể cho ai về hoàn cảnh nhà nó nhỉ? Hoặc ít nhất cũng nói với cô giáo có phải đỡ bị nêu tên trước cả lớp không? - Thằng Bình "Định" thắc mắc y hệt như cô giáo.
- Có ai muốn để cho người khác biết được nhà mình nghèo hay không? - Tôi bỗng nhiên nổi cáu, huých vào mạng sườn thằng Bình "Định" một cú khiến nó nhảy dựng lên - Nếu là mày, mày có kể cho người khác biết không?
Thằng Bình "Định" không giận tôi thúc cùi chỏ vào sườn nó, chỉ gục gặc cái đầu, miệng lẩm bẩm:
- Ừ, có lý.
Rồi nó chép miệng " triết lý" như một ông già:
- Người ta chả bảo "tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại" còn gì.
Tôi không biết nghèo thì có được xếp vào loại "xấu xa" hay không, nhưng tôi có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, không ai thích cho người khác biết về cái nghèo của mình cả. Một thằng nhóc luôn mặc quần xắn ống tới trường hằng ngày để che giấu những gấu quần rách te tua, một con bé luôn lặng lẽ thu mình vào thế giới riêng, không đụng chạm đến ai với mong muốn cũng không ai đụng chạm hoặc để ý đến mình...Những đứa trẻ ấy chỉ đang cố làm mọi cách để bảo vệ lòng tự trọng dễ bị tổn thương của chúng mà thôi...
Buổi học nhóm hôm sau của tôi và Thuỳ Đan, tất nhiên, đề tài buôn chuyện cũng xoay quanh con Hà "còi".
- Tớ bảo này, hôm trước tớ về kể chuyện bạn Hà cho mẹ tớ, mẹ tớ nói sao bọn mình không tìm cách giúp đỡ bạn ấy. Để bạn ấy phải bỏ học thì tội lắm.
- Giúp bằng cách nào bây giờ? - Tôi thắc mắc.
- Hay là chúng mình vận động cả lớp quyên góp đồ dùng học tập, quần áo, sách vở tặng bạn ấy. Tớ cũng có thể xin cô giáo cho tớ với bạn ấy thành một cặp "Đôi bạn cùng tiến", giúp bạn ấy ôn tập.
- Tớ nghĩ con Hà "còi" cần tiền để mua thuốc cho mẹ, chứ nó có vấn đề gì về học tập đâu mà cần giúp - Tôi vội vàng phản bác, hốt hoảng trước viễn cảnh Thuỳ Đan sẽ đá đít tôi để chuyển sang "cặp đôi" với con Hà "còi".
Thuỳ Đan nhăn mặt nhìn tôi:
- Sao cậu lại gọi bạn bè bằng "con" nọ "con" kia thế? Thế lúc nói chuyện với người khác, cậu cũng gọi tớ là "con" phải không?
Tôi ớ người ra, thật "oan" cho tôi quá. Thử hỏi cả cái lớp này xem có phải bọn con trai toàn gọi bọn con gái là "con" không? Đâu phải mình tôi. Đây là cách gọi rất phổ biến, đến nỗi cái miệng thành quen, muốn làm người "lịch sự" cũng thấy ngượng. Vả lại, cứ thử gọi "bạn Hà còi, bạn Hằng móm, hay bạn Thuỳ Đan..." trước mặt lũ con trai trong lớp mà xem, chúng nó chả cười cho thối mũi ấy chứ. Hơn nữa, sau lưng chúng tôi, bọn con gái cũng gọi chúng tôi là "thằng" đấy còn gì? Nhưng gan tôi vẫn còn bé lắm, nên tôi chả dại gì tranh luận với Thuỳ Đan về vấn đề "nhạy cảm" này. Tôi đành chỉ gãi đầu, gãi tai, chối bay chối biến:
- Đâu có...Mà cậu có biết bọn con trai gọi cậu là gì không?
- Là gì? - Thuỳ Đan nhìn tôi, vừa tò mò, vừa cảnh giác.
- Là... hoa khôi Thuỳ Đan - Tôi hơi ngập ngừng, miệng trả lời còn mắt thì liếc ra ngoài cửa sổ, không dám nhìn thẳng vào mặt nó. (Công nhận, dám nói ra điều này trước mặt Thuỳ Đan, tôi tự thấy mình quả thật quá dũng cảm!!!)
Thuỳ Đan thoáng đỏ mặt, nhưng ngay lập tức, nó cười phá lên vui vẻ:
- Các cậu cũng lắm chuyện nhỉ? Có nói xấu gì tớ nữa không đấy?
- Ai dám nói xấu cán bộ lớp - Tôi cười phụ hoạ.
- Ừ nhỉ, cậu cũng là cán bộ lớp còn gì? Thế thì bọn mình càng phải làm cái gì đó để giúp đỡ bạn Hà - Thuỳ Đan lại tiếp tục phát huy "sở trường" chuyển hướng câu chuyện sang đề tài chẳng liên quan.
- Nhưng làm "cái gì đó" là cái gì mới được? - Tôi liền chứng tỏ mình là một thằng vô tích sự.
Thuỳ Đan không trả lời, nó ngồi ngẩn ra, lông mày nhíu lại, vẻ như đang suy nghĩ ghê lắm. Tôi cũng ngồi đần ra đó, nhìn ngang, nhìn dọc, một tay chống cằm, một tay quay lấy quay để chiếc bút bi, cho đến khi ánh mắt tôi bỗng nhiên chạm phải một tờ báo cũ ai đó vo viên bỏ lại trên mặt bàn phía bên kia.
- Hay là thế này - Tôi vụt nảy ra một ý tưởng - Bọn mình phát động phong trào làm "kế hoạch nhỏ mở rộng", lấy tiền giúp đỡ con...à...bạn Hà "còi" được không?
- "Kế hoạch nhỏ mở rộng" là sao? - Thuỳ Đan mở to đôi mắt như hai viên bi thuỷ tinh trong suốt, nhìn tôi ngạc nhiên.
- Là bọn mình vận động cả lớp thu nhặt phế liệu như giấy vụn, đồng, nhôm, sắt vụn, chai lọ...tóm lại, có gì góp nấy. Rồi mình đem bán đồng nát, tiền thu được sẽ tặng cho con...ừm...bạn Hà "còi" để mua thuốc cho mẹ.
- Ý tưởng hay đấy - Thuỳ Đan rất phấn khởi trước gợi ý của tôi - Kế hoạch nhỏ của trường chỉ đòi đóng góp giấy vụn và chai 65, nhưng nhà tớ còn có mấy cái nồi nhôm hỏng và nhiều dép nhựa cũ, đứt quai lắm, à, có cả lông gà, lông vịt nữa nhé. Để tớ sẽ đề nghị với cô giáo cho chúng mình phát động phong trào quyên góp này, thế nào cũng sẽ có kết quả tốt cho mà xem.
Buổi học nhóm hôm đó, chúng tôi đã chẳng học môn gì. Tôi với Thuỳ Đan ngồi lại tới tận chiều tối để vạch ra kế hoạch cho việc tổ chức quyên góp. Thuỳ Đan rất có đầu óc tổ chức. Nó lập tức bắt tay vào viết ra những việc cần làm, sẽ trình bày với cô giáo như thế nào, kết hợp với lớp trưởng và các tổ trưởng ra sao, phân công ai là người đứng ra thu nhận phế liệu, ai là người sẽ chịu trách nhiệm đi bán phế liệu...Thuỳ Đan càng nói càng hăng, thái độ vô cùng hồ hởi. Khuôn mặt nó bừng sáng hẳn lên, ánh mắt long lanh, cử chỉ hoạt bát, làn da trắng mịn ửng hồng tràn đầy sức sống. Trong mắt tôi lúc ấy, Thuỳ Đan duyên dáng và đáng yêu vô cùng. Hình ảnh đó, sau này, đã trở thành một phần không thể nào tách rời khỏi ký ức về những năm tháng niên thiếu sôi nổi của tôi...
Nhưng hoá ra từ dự định đi đến hiện thực là cả một chặng đường khá xa. Và trở ngại đầu tiên cũng là trở ngại mà chúng tôi không ngờ tới nhất. Thuỳ Đan sau khi gặp cô chủ nhiệm về, lắc đầu nhìn tôi buồn bã:
- Tớ cứ tưởng cô sẽ ủng hộ, ai ngờ cô nói muốn làm thế, cô phải báo cáo nhà trường, rồi phải tổ chức họp phụ huynh để trưng cầu ý kiến. Mà theo cô thì chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh không đồng ý. Cô nói tốt nhất để cô tìm hiểu xem có xin được trợ cấp gì thêm cho bạn ấy không.
- Vậy không làm được à? - Tôi ngạc nhiên nhìn nó.
- Cô đã nói thế tức là không đồng ý rồi - Thuỳ Đan ỉu xìu.
- Thế thì bọn mình cứ tự làm thôi - Tôi nhìn nó, thản nhiên gợi ý.
- Không cần cô giáo cho phép à? -Thuỳ Đan ngơ ngác.
- Tớ sẽ chịu trách nhiệm - Tôi trấn an Thuỳ Đan - Tớ sẽ vận động mọi người trong lớp. Ít nhất thì nhóm bọn tớ chắc chắn sẽ tham gia quyên góp.
- Cũng được, vậy bọn mình tự làm, nhưng cứ lặng lẽ làm thôi, bảo mọi người giữ bí mật. Tớ không muốn bạn Hà biết vội, sợ bạn ấy tủi thân - Thuỳ Đan lại trở nên hồ hởi sau giây phút lưỡng lự trước tư tưởng "vượt rào" của tôi.
Còn tôi, chỉ cần Thuỳ Đan vui, có lẽ nhảy vào lửa tôi cũng dám làm. (Đừng tin, tôi chỉ nói thế cho nó có hình tượng thôi nhé!).
Vậy là tan học ngày hôm sau, tôi tập hợp lũ bạn thân lại, thông báo:
- Ê, chúng mày về nhà tìm xem có còn sách báo cũ, nồi niêu xong chảo cũ, sắt, đồng, nhôm vụn, dép nhựa cũ, lông gà, lông vịt, chai lọ...tóm lại là cái gì có thể bán đồng nát được thì đem đến nộp hết cho tao nhé.
- Mày chuyển nghề đi buôn đồng nát đấy à - Thằng Bình "Định" cười hề hề.
Lũ còn lại nhao nhao:
- Sao vậy, thiếu tiền chơi điện tử à?
- Trong đầu chúng mày có cái gì khác ngoài chuyện chơi không? - Tôi kẻ cả ghé mông lên bàn, hai tay khoanh trước ngực rất chi là trịnh trọng - Tiền đấy là để giúp con Hà "còi" mua thuốc cho mẹ nó. Giúp nó được ít nào hay ít đấy. Biết đâu nó cảm động sẽ nghĩ lại, không muốn bỏ học nữa.
- À, ra thế - Cả bốn thằng đồng loạt ồ lên.
- Không ngờ mày cũng biết nghĩ cho người khác - Thằng Cường "Dương" khen ngợi tôi - Tao là hàng xóm nhà nó, chắc chắn phải giúp nó rồi.
Thằng Thành "Danh" gật gù:
- Hay đấy, thế mà không nghĩ ra.
Thằng Dũng "dê" bảo mẹ nó hay tích cóp lông gà lông vịt, chắc chắn có thể đóng góp. Nhà thằng Bình "Định" kinh doanh thuốc tây nên có rất nhiều hộp các tông, bìa cứng, nó hứa sẽ mang đến cho tôi tất cả những thứ gì bán được.
Bắt đầu từ hôm đó, chúng tôi đứa nọ rỉ tai đứa kia, báo cho nhau về kế hoạch quyên góp phế liệu giúp đỡ con Hà "còi". Nhóm của tôi phụ trách việc vận động lũ con trai, Thuỳ Đan phụ trách việc kêu gọi lòng từ tâm của bọn con gái. Cũng may, con Hà "còi" từ trước đến giờ vốn dĩ "xa lánh chuyện đời", chỉ lủi thủi trong cái góc của nó nên vẫn không biết gì. Sau một tuần vận động, kết quả cũng không tồi: hơn nửa lớp đồng ý đóng góp. Non nửa còn lại, đứa thì bảo không tìm được phế liệu gì ở nhà, đứa thì bảo mẹ nó nói mỗi năm làm "kế hoạch nhỏ" cho trường là đã hết hơi rồi, tiền đâu đi lo cho người khác, đứa thì nói thẳng nó chẳng thân thiết gì với con Hà "còi" nên không đóng góp...Nhưng chúng tôi vẫn hết sức vui mừng với thành quả đạt được, và cũng hết sức thông cảm với những đứa không tham gia. Suy cho cùng, đã gọi là giúp đỡ thì phải tuỳ tâm, đâu phải chỉ tiêu giao khoán mà bắt đứa nào cũng đóng góp được? Thứ bảy tuần đó, tôi, Thuỳ Đan và bốn thằng bạn trong xóm "nhà lá" đạp xe vòng quanh thị trấn, đến nhà từng đứa một để thu gom phế liệu. Hết buổi chiều, chúng tôi tập hợp được một đống xong nồi méo mó, mấy bao tải giấy vụn, bìa cứng, lông gà, lông vịt, dép nhựa đứt quai...Sau đó chúng tôi phải phân loại riêng từng thứ, tập kết hết ở nhà Thuỳ Đan để hôm sau nhờ mẹ nó đem bán đồng nát. Cả một ngày lao động mệt nhoài, chân tay đứa nào đứa nấy nhem nhuốc như dân buôn đồng nát chính hiệu, nhưng chúng tôi mặt mũi vẫn hớn hở, chẳng thấy đứa nào kêu mệt. Lần đầu tiên, tôi được nếm trải cảm giác hạnh phúc khi làm một việc mà mình biết sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác. Mẹ tôi vẫn thường bảo, hạnh phúc khi chia sẻ sẽ được nhân lên, còn nỗi buồn chia sẻ sẽ làm cho nó vơi bớt đi. Cho đến tận hôm nay, tôi mới biết rằng mẹ tôi đã nói đúng.
Chúng tôi thu được một món tiền nhỏ từ việc bán đồng nát. Thằng Bình "Định" còn hào phóng hy sinh khoản tiền thưởng tháng này của bố mẹ nó, đóng góp thêm vào số tiền bán phế liệu. Tôi, Thuỳ Đan và những thằng còn lại lục ống bơ tiền tiết kiệm, dốc hết ra đến xu lẻ cuối cùng. Tổng hợp vào thì cũng được một khoản kha khá. Thuỳ Đan và tôi sẽ chịu trách nhiệm đến thăm nhà con Hà "còi" và đưa tiền cho nó. Chúng tôi quyết định sẽ thực hiện việc đó ngay sau buổi học thứ hai đầu tuần. Nhưng cuối giờ học, Thuỳ Đan bỗng mang đến cho tôi một bất ngờ. Lúc hẹn gặp nhau để chuẩn bị đến nhà con Hà "còi", nó đột nhiên chìa ra trước mặt tôi một phong bì tiền:
- Có người ủng hộ thêm này.
- Ai thế? - Tôi ngạc nhiên hỏi nó.
- Một người giấu tên - Nó cắn môi nhìn tôi, đầy vẻ ngập ngừng.
- Trong lớp mình à? - Tôi dò hỏi, nỗi tò mò đã dâng lên đến tận cổ.
- Tớ cũng không biết - Nó khẽ lắc đầu.
- Ơ, người ta đưa tiền cho cậu cơ mà? - Tôi cố vặn vẹo.
- Không phải đưa thẳng cho tớ mà đưa cho mẹ tớ, mẹ tớ đưa lại cho tớ. Nhưng mẹ tớ bảo người ta không muốn nói tên nên không thể cho tớ biết.
- Này, hay là của mẹ cậu ủng hộ mà không muốn nói ra?
- Không, tớ hỏi mẹ rồi, nhưng mẹ bảo không phải - Thuỳ Đan ngước nhìn tôi với vẻ quả quyết - Thôi, là ai thì cũng mừng, mình lại có thêm một chút tiền nữa cho bạn Hà.Số tiền trong phong bì không nhiều, nhưng cứ thêm là tốt. Tôi và Thuỳ Đan bỏ chung tất cả tiền thu được vào một phong bì, mua thêm một cân cam rồi thẳng tiến đến nhà con Hà "còi". Khi chúng tôi đến nơi, con Hà "còi" vừa đi học về được một lúc, đang ngồi cạnh giường bón cháo cho mẹ nó. Mẹ nó không ngồi dậy được, chỉ nằm trên giường, cố gắng há miệng ra để con Hà "còi" đút từng thìa một. Nhìn thấy chúng tôi đứng trước thềm nhà, con Hà "còi" ngạc nhiên đến nỗi quên cả đút cháo.
- Các bạn đến đây làm gì? - Nó lắp bắp hỏi.
- Bọn mình đến thăm mẹ cậu - Thuỳ Đan mau miệng trả lời - Mẹ cậu có đỡ hơn chút nào không?
- À, ừ...mẹ tớ vẫn thế thôi. Các bạn vào nhà ngồi chơi đi - Con Hà "còi" lúng túng đứng lên, tay vẫn cầm bát cháo, loay hoay nhìn quanh xem có chỗ nào để mời bọn tôi vào ngồi không.
- Cậu cứ bón cháo cho bác đi, bọn tớ ngồi đây được rồi - Thuỳ Đan vội chỉ vào góc nhà, nơi có bộ bàn ghế gỗ cũ mèm với những vệt nứt dọc theo các thớ gỗ trên mặt bàn.
Con Hà "còi" lại lúng túng ngồi xuống bên giường, lấy mảnh khăn xô khẽ lau vệt cháo đang chảy ra bên khoé miệng chưa khép lại của mẹ nó. Thuỳ Đan không ngồi xuống mà đến đứng bên cạnh Hà "còi". Con Hà "còi" càng lúng túng. Tay nó run run làm rớt cả cháo ra tấm vải lót ở cổ mẹ nó.
- Cháu chào bác ạ - Thuỳ Đan lễ phép nói với mẹ con Hà "còi".
- Mẹ tớ gần như không nhận biết được gì đâu - Con Hà "còi" cúi mặt đáp thay mẹ, một giọt nước mắt rơi xuống bát cháo nó đang cầm trên tay.
Tôi đưa mắt nhìn khuôn mặt căng thẳng của Thuỳ Đan. Mắt nó đang long lanh chực khóc, nó cắn chặt môi, vẻ lúng túng không khác gì con Hà "còi" lúc nãy. Chà, tôi thì lại càng vô dụng trong tình huống này.
- Tớ xin lỗi, tớ không biết...- Thuỳ Đan nghẹn giọng gần như thì thầm.
Con Hà "còi" không nói gì nữa, lặng lẽ đút nốt chỗ cháo cho mẹ nó. Tất cả chúng tôi đều im lặng cho đến khi con Hà "còi" xong việc, đứng lên thu dọn chén bát. Sau đó, nó bảo chúng tôi ra ngồi ở bàn nước, rồi loay hoay rót nước mời chúng tôi.
- Cậu cứ ăn cơm đi, kệ bọn tớ ngồi đây được rồi - Thuỳ Đan nói khẽ.
- Không sao, tớ quen ăn muộn rồi - Con Hà "còi" trả lời, vẻ mặt nó đã bình tĩnh trở lại.
- Bọn tớ hôm nay đại diện cho các bạn ở lớp đến thăm mẹ cậu và có chút quà tặng, mong mẹ cậu mau khỏi bệnh - Thuỳ Đan đặt túi cam và phong bì tiền lên bàn, đẩy đến trước mặt con Hà "còi" - Quà này là do các bạn trong lớp thu nhặt phế liệu đóng góp đấy. Lớp mình mong Hà cố gắng tiếp tục đi học, đừng bỏ học nhé.
- Tớ...tớ...- Con Hà "còi" lắp bắp mãi không nói được thành lời, rồi cuối cùng nó oà khóc.
Tôi và Thuỳ Đan đưa mắt nhìn nhau. Mãi một lúc lâu sao, Thuỳ Đan mới dám thò tay sang cầm tay con Hà "còi", lúng túng an ủi nó:
- Cậu đừng khóc nữa. Hãy cố gắng lên. Chúng tớ sẽ luôn ở bên cạnh cậu. Chúng tớ sẽ giúp đỡ cậu trong học tập. Nếu hôm nào cần nghỉ ở nhà chăm sóc bác thì bọn tớ sẽ chép bài và ôn bài cùng cậu. Có gì khó khăn mà bọn tớ có thể giúp được thì đừng ngại nhé. Chỉ cần cậu cố gắng, mọi chuyện sẽ qua thôi.
- Tớ...cảm ơn các cậu - Con Hà "còi" nói trong tiếng nấc. Nó lau nước mắt bằng chiếc khăn quàng đỏ vẫn quàng trên cổ áo trắng học sinh đã ngả màu, mà từ lúc đi học về nó chưa kịp thay ra.
Buổi chiều hôm đó, chia tay con Hà "còi" trong ánh nắng chói chang trước thềm căn nhà tuyềnh toàng của nó, tôi đã hiểu thế nào là cảm giác xót xa, đồng cảm với nỗi bất hạnh của người khác. Tôi cũng đã hiểu được cảm giác hạnh phúc, khi mình có thể chia sẻ để làm vợi bớt đi, dù chỉ là chút ít, nỗi bất hạnh ấy. Thêm một lần nữa, tấm màn nhung của sân khấu cuộc đời lại vén lên đôi chút, cho tôi có thể nhìn xa hơn và sâu hơn vào cuộc sống quanh mình.
Tuy nhiên, ở đời không phải cứ làm việc tốt là đều được hoan nghênh. Chuyện lũ học sinh lớp chúng tôi tự ý đứng ra quyên góp tiền để ủng hộ con Hà "còi" cuối cùng cũng loang ra cả trường. Trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ, một phụ huynh khó tính nào đó đã đứng lên phản đối việc cô chủ nhiệm không quan tâm đến lớp, để cho học sinh tự do quyên tiền (mà ai biết bọn nó sẽ sử dụng số tiền đó như thế nào, ai là người kiểm soát, ai dám chắc số tiền đó có đến được tay người cần giúp đỡ hay không, hay lại bị một vài học sinh bớt xén hoặc đem tiêu pha bậy bạ)? Hơn nữa, học phí và các khoản đóng góp bắt buộc của nhà trường đã đủ là gánh nặng tài chính đối với nhiều gia đình rồi, giờ lại còn thêm những khoản từ thiện tự phát khác ngoài chủ trương của nhà trường nữa thì bố mẹ làm sao chịu nổi? Quan điểm của vị phụ huynh này nhận được sự đồng tình của không ít các bậc cha mẹ khác. Trước sự chất vấn của phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm lớp chúng tôi đành phải đứng ra xin lỗi và hứa sẽ điều tra cụ thể xem chuyện này thực hư như thế nào, đồng thời cũng hứa sẽ không để tình trạng này tiếp tục xảy ra nữa. Tất cả những chuyện đó, tôi được biết là do nghe bố tôi kể lại.
Sau này, có tin đồn cô giáo chủ nhiệm lớp tôi bị hiệu trưởng khiển trách vì đã để xảy ra chuyện quyên góp tự phát đó. Nghe nói vị phụ huynh khó tính kia hình như có họ hàng xa gần gì đó với hiệu trưởng. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm đã không đả động gì đến vụ từ thiện tự phát của chúng tôi trong tiết sinh hoạt cuối tuần, mà cũng không thấy cô điều tra gì cả. Chỉ có một lần, cô nói ngắn gọn trước lớp rằng cô hoanh nghênh tinh thần tương trợ, giúp đỡ bạn bè của chúng tôi, nhưng nghiêm khắc phê bình việc chúng tôi tự ý hành động khi chưa được sự cho phép của nhà trường. Cô cũng nói đã gặp riêng và yêu cầu những học sinh liên quan đến vụ quyên góp phế liệu tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm chuyện này. Lũ chúng tôi ngơ ngác, đứa nọ nhìn đứa kia. Tôi cứ thấp thỏm lo cô sẽ khiển trách một mình Thuỳ Đan vì không thấy cô gặp riêng tôi bao giờ. Và tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để nhận hết tội lỗi về mình. Nhưng tôi đã không có dịp để thể hiện phong độ "đại trượng phu" ấy. Khi tôi hỏi, Thuỳ Đan cũng lắc đầu bảo cô giáo không nói gì với nó cả. Lũ thằng Bình "Định", Thành "Danh", Cường "Dương", Dũng "dê" lại càng chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Vậy thì cô đã gặp riêng và khiển trách những ai, nếu không phải là mấy đứa "đầu sỏ" bọn tôi? Tôi cứ ôm cái thắc mắc ấy trong lòng mà không có câu trả lời. Mãi cho đến nhiều năm sau, khi chúng tôi vừa tốt nghiệp cấp 3, trong một lần họp lớp, Thuỳ Đan mới tiết lộ cho chúng tôi biết cô giáo chính là người đã bật đèn xanh cho nó trong vụ quyên góp tự phát giúp Hà "còi". Cô cũng chính là người giấu tên đã ủng hộ tiền cho chúng tôi thông qua mẹ Thuỳ Đan. Vì đã hứa với cô, nên Thuỳ Đan quyết tâm giữ kín bí mật đó suốt những năm tháng ấy, không tiết lộ với ai, kể cả tôi.
Trong suốt chiều dài một đời người, có thể có hàng trăm, hàng nghìn người có mối liên hệ với chúng ta. Có những người chỉ lướt qua ta với những dấu ấn mờ nhạt, có những người dừng lại và trao đổi với ta đôi lời chào xã giao, vô thưởng, vô phạt, nhưng cũng có những người để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc. Cô giáo chủ nhiệm lớp 8A của chúng tôi hồi đó là một người như vậy. Nhờ có sự hậu thuẫn ngấm ngầm của cô, chúng tôi đã làm được một việc lương thiện, đã được trải nghiệm cảm giác hạnh phúc bằng cách chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của người khác, đã trưởng thành hơn lên rất nhiều về nhân cách. Chúng tôi cũng phải cảm ơn cô, bằng cách riêng của mình, đã bảo vệ những tâm hồn trong trẻo, hướng thiện của chúng tôi khỏi bị vẩn đục bởi lớp bụi bẩn của những toan tính vụ lợi. Chúng tôi có thể giữ được một tuổi thơ hồn nhiên, một tâm hồn không bị "lão hoá" sớm trước muôn vàn ảnh hưởng của thế giới người lớn bộn bề xung quanh, chính là nhờ có những người như cô giáo chủ nhiệm lớp 8A năm ấy...Không biết có phải do tác động của chúng tôi hay không, nhưng con Hà "còi" sau đó đã từ bỏ ý định thôi học. Nó tiếp tục lên lớp, dù cuộc sống của nó chưa bao giờ hết những khó khăn, và cuối cùng cũng đã tốt nghiệp đại học sư phạm. Nó sẽ trở thành một cô giáo. Nhưng đó lại là chuyện của nhiều năm sau này.