Cửu dẫn đường rảo bộ về phía trước, bước qua một thành lũy khác, tường đá cao đến ba, bốn mét, bao bọc xung quanh Tử Cấm Thành khi nãy. Dọc đường vẫn không có bóng dáng một vật sống nào, chỉ có tiếng gió, những âm vọng sóng vỗ rì rào mơn man. Con sông phía ngoài thành lũy trôi lững lờ vừa hay ngăn địa phận trong thành với ngoài thành. Đã rất lâu Cửu không nhìn thấy đôi khóm tre, bờ chuối, dăm bóng cây bụi mọc lang phản chiếu dưới lòng sông Tô xanh ngát như thế này. Thẳng trước mặt, cây cầu đá chạm khắc lối cũ, lan can thấp bắc ngang từ bên kia bờ sang đến bên này bờ trong ký ức đã hiện ra chân thực. Dưới sông trên sông quây thành cụm ghe xuồng, nào lư đồng, chân đèn vàng, kiềng vàng, kiềng bạc, nào bát đĩa gốm sứ, nào vải lụa tơ tằm. Trông ra chân thành, hai phía tả hữu, vẫn còn đôi quang gánh đậy kín, vài sập tre, lán tre mọc lên nối nhau san sát. Chỉ tiếc là cảnh đông đúc thì vẫn đó, nhưng lại nhuốm màu đìu hiu tịnh không một bóng nón quai thao, cũng chẳng thấy ai mang đôi hài, đôi guốc mộc như xưa. Con mèo già trông ra, không hiểu sao lại cảm thấy một niềm hoang hoải không rõ thành lời. Nhà đây, thành đây, ấy thế, thể như đứng giữa một đống đổ nát hoang tàn sót lại, Cửu không biết rốt cuộc phải nhặt nhạnh thứ gì, phải xây từ đâu, dựng thế nào, mà liệu có cố thì nó có được gì hay không?
“Mày vẫn đang nghe thấy tiếng nói của hồn đất. Không có gì cả, không có gì phải lo lắng hết Cửu ạ, hồn đất vẫn còn đây. Trông kìa, kia là quán nước của bà Mão vẫn hay ngồi, có cả xuồng buôn của lão Đạm, phải, phải rồi, đây là Thăng Long của mày, không có gì sai ở đây cả.”
Bà thầy bói đi bên cạnh lúc này ngước mắt ra xa nhìn dưới những bóng đa, bóng đề bên bờ kia sông, bắt đầu thấy những mái nhà gianh vách đất, len giữa đôi căn nhà gạch ba gian rộng rãi. So với bên trong thành, tuy viện phủ, đình đài không nguy nga như trong vòng Đoan Môn, ít ra cổng tường viện cũng bề thế, mái lợp ngói lưu ly men lam sứ, phía ngoài này trông giản dị dân dã hơn, có lẽ đã là nơi con dân tụ tập sinh sống.
- Đây là… - Bà thầy bói thắc mắc buột miệng.
Con mèo già vốn câm như hến cả quãng đường, dù người đàn bà hỏi gì cũng đều không hé răng, đột nhiên ngước lên, mở miệng đáp một lèo, chẳng rõ nó nói với bà hay tự nói với mình:
- Địa phận giữa Hoàng Thành với La Thành. - Nó chậm chạp. - Đông Kinh Thăng Long “tam trùng thành quách”, đời nào cũng thế. Thứ ngươi hỏi ban nãy là vòng thành trong cùng - vòng Tử Cấm, lấy Đoan Môn làm cổng chính, dành cho vua và cung phi ở, tường thành này… - Con mèo già hất mặt về phía thành lũy đá sau lưng bà. - Là Hoàng Thành, thành lũy thứ hai, ngăn giữa dòng dõi quý tộc, trọng thần với dân cư chốn kinh đô. Từ sông Tô trở đi đều là địa phận trong vòng La Thành, dân tứ chiếng (15) tụ về mà buôn bán sinh sống.
- Đây là sông Tô Lịch? - Bà thầy bói ngạc nhiên nhìn con nước chảy trong veo trước mắt mình.
- Phải. Dân cỏ mùa hè nóng quá toàn nhảy xuống sông mà lội đầm. - Con mèo ngừng một lát. - Sau lưng là Cửa Đông Hoàng Thành, giáp với phường Hà Khẩu, đường thẳng phía trước mặt chắc không lạ gì với ngươi, hướng Đền Bạch Mã, Hàng Buồm rẽ ra Mã Mây bây giờ.
- Vậy… Cửu tính làm gì tiếp theo?
Cửu rảo bộ về phía trước, đi lên chiếc cầu đá, lát gạch thô tuy mấp mô nhưng sạch sẽ. Một viên đá trên lan can cũ sờn vỡ ra, rơi xuống bến sông.
- Chưa biết.
Cuộc hội thoại lại chìm vào im lặng. Bà thầy bói ngó bên này bên kia, đoán chừng ngoài Cửa Đông hẳn có họp chợ. Quang gánh nhiều không kể xiết, các sập hàng nước chè, vôi cau, bên các thúng hoa héo vẫn còn đầy xung quanh. Bờ bụi tre mọc quây cụm bên những bụi chuối tự vây quanh các căn nhà ngói gạch, gian đất, tạo thành một rào chắn tự nhiên. Bà thầy bói lại ngó sắc mặt Cửu, dường như không khí ngoài thành mát mẻ cũng làm nó không còn khó chịu như khi ở Điện Kính Thiên, bà thầy bói gặng hỏi thêm lần nữa:
- Tôi đoán nếu Cửu đã nghe phong thanh về vùng đất cấm, thì hẳn cũng phải định trước điều Cửu muốn tìm là gì. Nếu Cửu nói với tôi, biết đâu, tôi lại giúp được gì đó. Như chuyện hôm trời mưa vậy. Dù sao, không phải không tôi cũng muốn bám Cửu để thoát ra ngoài.
Lúc này hai người rẽ phải đường, giáp mặt với bờ sông Tô đổ ra một bến nước lớn hơn. Trông màu nước, bà thầy bói đoán là bến sông Hồng. Ghe, xuồng, thuyền bè theo dòng từ phía cửa bể tiến vào, bến trên bến dưới. Dưới ven sông còn lợp vài chái nhà dựng tạm, mặt sông thả trôi đôi thúng, mẹt các đồ của dân buôn. Cửu dừng lại, ngước nhìn một cổng hội quán nằm ven sông, hướng trông ra cửa bể. Cổng tạo từ các cọc gỗ nhỏ, phía trong lớp mái ngói lưu ly đỏ, vẻ như làm bằng đất nung. Hai bên cột kèo, chạm trổ đôi hình lân dáng dấp điêu khắc kiểu Trung Hoa; phía trên cổng treo tấm hoành phi cỡ đại khắc bốn Hán tự không rõ nghĩa.
- Hồn đất. - Con mèo già mở miệng. - Gã Rùa đó nói, hồn đất ở nơi này là thứ vĩnh cửu.
***
Gã Rùa mà Cửu nhắc đến đã chết vào trước giao thừa năm 2016 (16). Dòng dõi sống trong hồ nhà gã, suốt bốn trăm năm không nói nổi một câu cho trọn vẹn. Cứ ậm ừ mấy từ lại hụm sâu xuống mặt hồ. Phải có mang nước như lũ cá thì Cửu chả ngại xuống hai mặt một lời với cả tông cả ti nhà chúng.
“À thì…”, Lão Rùa đầu tiên khoảng thời Lê bị Cửu tóm sống lúc ngoi lên mặt hồ bắt nắng ậm ừ rồi lủi mất dạng.
“Cậu mèo biết đấy…”, lần thứ hai Cửu lại tuột mất bởi đứa con gái lão.
“Chúng tôi chỉ nghe…”
Chắc do Cửu tới luôn, nên bọn chúng cũng ít khi ngoi lên, mà lần nào ngoi lên cũng y như rằng là lúc Cửu canh me từ sớm. Tựu lại, suốt bốn trăm năm dông dài, cả dòng tộc Cụ Rùa chỉ nói được vỏn vẹn thế này: “À thì, cậu mèo biết đấy, chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng lúc lão Quang Âm sang chơi làm khách với Thủy Thần nhà tôi, là gì mà lão sợ vùng đất cấm, có thứ gì ở đó khiến lão mất dạng, không thể sắp xếp thành dòng từ trước ra sau, rồi lại nói gì mà hồn đất, hồn sông; chúng tôi lần mò trong sách cổ thì biết rằng địa linh…”
Đến đoạn sách cổ thì gã Rùa lại lặn mất, rồi lặn thẳng xuống âm tào địa phủ không ngoi lên mà cũng không sinh con đẻ cái gì nữa. Cứ thế, Cửu đành ôm bụng tức và thêm một niềm hy vọng mong manh rằng, hẳn có thứ gì đó ít nhất có thể giúp Cửu thắng được lão già quỷ quyệt.
Nhưng từ sau cơn mơ tỉnh dậy, nếu coi đây là vùng đất cấm thật thì rõ ràng những gì lời Cụ Rùa nói đều không linh ứng. Trước, vùng đất cấm vẫn có sự xuất hiện của lão già, điều biến mất là vật sống, không phải lão. Sau, hồn đất tại hội quán lẫn khu Đông Kinh sầm uất khi xưa bắt đầu biến chất, biến dạng hoàn toàn trong vùng không gian hiện tại. Về phía đầu mối “địa linh” hay “sắp xếp thành dòng” thì vẫn chưa thực sự thuyết phục. Mà nếu coi tất cả chỉ là mơ, thì Cửu cũng không biết tiếp theo nên xử sự thế nào.
Hơn nữa, Cửu còn phải đối phó tới một chuyện đã rất lâu nó không muốn động tới.
- Cửu! Cửu!
Lòng thuyền bấp bênh, dập dềnh lên xuống. Con mèo già hoàn hồn nhìn về phía bà thầy bói.
- Từ lúc hội quán trở ra tôi đã để ý thấy Cửu cứ nghĩ đâu đâu. Rốt cuộc chuyện gã Rùa là thế nào, tôi chưa hiểu gì cả?
Ánh hoàng hôn ngả bên những nếp nhà gianh, mùi cỏ rơm và khói lam chiều tưởng như vương trên tầng không. Con xuồng nhỏ dạt trên lòng sông Tô lững lờ trôi qua dưới một gầm cầu đá. Bà thầy bói khua nhẹ mái chèo. Vân nước khẽ động, lăn tăn vọng mãi ra sát bờ. Đôi hàng liễu rũ xanh bên bến, lay khẽ theo một chiều gió lộng đìu hiu.
Vốn thấy Cửu cứ tần ngần mãi trước cổng hội quán, lại để lộ ra vẻ mất mát thấy rõ, bà thầy bói đành gợi Cửu sang hướng chuyện khác, rủ Cửu xuống ghe chèo thuyền thử. Tưởng con mèo sẽ gắt lên như bình thường, thế mà nó chẳng nói chẳng rằng, cụp đuôi hướng về một bến thuyền gần đó leo lên. Bà thầy bói đâm lao phải theo lao, chứ trước giờ, bà cũng không biết chèo thuyền. Cũng may gió đẩy thuyền trôi, con nước đã đưa hai người đi quanh một vòng Kinh Đô, giờ đang trở ra một cửa ô mạn khác Hoàng Thành. Cứ độ một chốc qua Tứ trấn, phủ chúa Trịnh, hay đoạn Văn Miếu, con mèo già lại đột ngột nói ra những chuyện tận đẩu tận đâu rồi lại trầm ngâm không nói gì nữa. Những chuyện ấy, đều đổ về một mối rằng bốn trăm năm trước, kinh thành của nó trông như thế nào, đông đúc sầm uất ra sao và bao giờ cũng bị ngắt quãng khi nhắc tới một người con gái gọi xưng là “chị”.
- Cửu này. - Bà thầy bói gác mái chèo đã cầm suốt mấy canh giờ lên thành xuồng, ngồi xuống. - Giờ Cửu nói thật cho tôi. Cửu không tìm hồn đất đúng chứ? Cửu muốn đi tìm ai?
Con mèo đối diện nhìn bà thầy bói, rồi lại nghiêng mặt đi. Người đàn bà thở dài im lặng, vốn con mèo vẫn ưa hành xử một mình, có cố ép cũng chỉ nhọc công. Bà ta cũng lục đục đứng dậy, định cầm mái chèo ngược dòng về đường cũ.
- Nếu Cửu không nói, tôi cũng không ép nữa.
- Hàng Buồm... - Con mèo nhị thể mở miệng. - Cũng phải mãi tới thế kỷ sau mới gọi như vậy. Khi mà cả dọc phố đã thành một nơi buôn vải tàu buồm, trao đổi các đồ làm từ cói, hay các linh kiện đóng ván. - Nó lại tiếp tục nói một chuyện không liên quan tới câu hỏi. - Sông Tô đổ ra bến Nhị Hà, đầu mối thuyền bè đi đâu về đâu cũng tụ ở đó. Chốn đắc địa, dân gốc Hoa kéo từ trên thuyền Nam Sơn mang theo vợ con đến định cư. Lại nằm ngay đoạn Chợ Cửa Đông, trước hội quán bao giờ cũng người ra kẻ vào, xe thồ ngựa, xe thồ bò kín lối đi. Một trong số những gia chủ người Hoa khi ấy là chủ của ta.
Nó ngừng lại. Mắt con mèo lấp lánh lạ, ít khi nào bà thầy bói trông đôi đồng tử vàng lợt lạt buồn tẻ có một vẻ như vậy. Nó ngước nhìn vòm gạch đá khi thuyền đi qua cửa ô.
- Hồi ấy, Đông Kinh rất nhộn. Người ta còn gọi Thăng Long là Kẻ Chợ. Các cửa ô thế này bao giờ cũng họp buôn bán đồ vào dinh lớn, lại đi được bằng đường thuyền, trên đường dưới bến, không lúc nào thiếu người. Đèn lồng sáng trưng, rọi trước những tửu lâu nằm mạn đô. Ta thích nghe phường chèo, phường hát đứng trên những tầng lâu í ới vọng xuống. Chỉ có họ mới không chê “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Người qua kẻ lại, không mua bán thì cũng kiếm chuyện chơi ngoài chợ. Đông lắm. Sĩ tử lên kinh thành dùi mài kinh sử cũng có, dân buôn cũng có, gái ả, gái tuồng cũng có, đủ hạng người, từ cao tới thấp. Có thời họ mặc giao lĩnh, có thời họ mặc tứ thân, có thời họ mang nón quai thao, có thời là khăn xếp, khăn mỏ quạ. Người sang thì đi kiệu, đi võng lọng che, kẻ nghèo thì đi ngựa, đi lừa. Đêm xuống người ta ăn nghỉ sớm, sáng giờ Dần, giờ Mão là đã tỉnh cả làng cả xóm. Trẻ con Hoa Kiều thì vui, chúng ùa ríu rít từ trong hội quán, chơi và nói với nhau bằng thứ tiếng lơ lớ. Những đứa đi học thì điềm tĩnh hơn, nhưng có dịp thì cũng nghịch như quỷ. - Mắt con mèo long lanh. Thể như nghĩ ngợi, con mèo thôi không nói gì nữa. - Chúng chỉ thích kéo đuôi và kéo râu ta. Một lũ đáng ghét!
Con mèo hình như đang mỉm cười.
- Trong vòng trăm năm ấy, ta đã cược với lão già thứ vĩnh cửu thuần túy là lòng người.
Mái chèo song song vỗ nhịp chuyện kể. Ngóng ra một gốc gạo đứng sững xanh rì, thấp thoáng một mái đình nguy nga, vọng lên vòm thanh thiên lồng lộng.
- Cũng không phải lần đầu ta thua cược.
Bà thầy bói nhìn dáng con mèo ngồi bên mũi thuyền bên kia, trầm tư trông ra.
- Nếu họ đã thay lòng, sao Cửu còn muốn tìm lại?
- Ta không có ý tìm lại người đó.
- Cửu nói dối.
Một vân nước vỡ trên mặt hồ yên ả.
- Chuyện cần làm của ta là tìm cho ra hồn đất. Hồn đất ở đây, quả thực vẫn còn.
Bà thầy bói cau mày nhìn Cửu. Nó đang tránh né.
- Từ hôm đó tới nay, tôi vẫn chưa hiểu hồn đất là gì? Ý Cửu đó là vật có thể cầm nắm được ư?
- Cách đây khá lâu, đám thân tín ta kể lại rằng lũ cổ vật ngâm mình dưới đất một thời gian đều sẽ lên hàng yêu. Ta chưa chứng thực, cũng chưa từng nghe tới yêu ma. Bản thân ta là do gặp lão Quang Âm mà thành bộ dạng bây giờ. Còn dòng dõi Gã Rùa cũng gần tương tự như tay sai của lão. Về phía lũ cổ vật, chúng nó nói có một viên ngọc sâu dưới lòng đất to như cái mâm, tròn như mặt trăng, tỏa ra âm thanh ánh sáng dẫn lối chúng luyện hóa thành yêu. Thứ đó được gọi là hồn đất. Đám thân tín nói thế, quả ta có tin đôi phần, vì âm thanh chỉ đường dẫn lối giống loài nào cũng nghe thấy, một dạo đi tìm trong tàng thư, nhân loại các ngươi gọi đó là khả năng “cảm nhận địa từ”. Cứ coi hồn đất là một cục nam châm lớn, nằm sâu dưới lòng đất phát ra từ trường vậy.
- Cửu tính tìm bằng cách nào?
- Cái này ta chưa rõ… - Nó nhẹ giọng. - Có lẽ là nơi địa linh. Nhưng kể cả Điện Kính Thiên, Đền Bạch Mã, hồ Lục Thủy, lẫn hội quán, cảm nhận của ta và đất vẫn không thật rõ. Còn thì còn, nhưng xem chừng sẽ là ở một nơi khác, rất xa chốn này.
Con mèo nhìn xuống mặt nước trong văn vắt, tỏ rõ đá cuội dưới đáy sông, tư lự. Mái chèo động, bà thầy bói tiếp lời.
- Tôi không rõ viên ngọc hồn đất, nam châm rồi yêu quái gì đó Cửu nói. Tôi không tin được, nhưng biết đâu được đấy, như Cửu đang trước mặt tôi còn nghe hiểu tiếng người thì có khi hồn đất lại có thật. - Bà ngẩng đầu nhìn ra xung quanh tịch mịch. - Nhưng mà… - Bà ngừng lại. - Thứ đất mà Cửu kể với tôi, về Đông Kinh, về Thăng Long, về Kẻ Chợ và thứ đất tôi nhìn thấy ngay đây, chúng không phải là một.
Cửu nhíu mày.
- Cửu biết mà. Lúc từ hội quán trở ra, Cửu đã biết rõ mình mất cái bình giống tôi rồi.
Uỳnh!
Mặt sóng xô, chòng chành sủi bọt đánh lên trên mạn xuồng. Nước từ ngoài theo con sóng lớn đã hất tràn nửa bên trong. Người đàn bà đã ướt nhẹp chiếc quần ống suông. Cảm giác lạnh rít trên đôi bàn chân. Tiếng động lớn từ trên đất liền, những mái đình dường như đang rung lắc dữ dội.
Rầm! Rầm!
Một căn nhà tranh ven sông đổ sụp xuống mặt đất ngay trước mắt Cửu và người đàn bà. Nan cói, nan tre gẫy gục trên mặt đường lớn đè lên những vách đất ọp ẹp - hoàn toàn chỉ còn là đống đổ nát. Bà thầy bói nhìn Cửu, thất thần lắc đầu thảng thốt. Ngay liền đó, toàn bộ những gốc gạo, gốc đa trông đến chục tuổi chồng lên nhau đổ ngang dọc thành một dải ngổn ngang trên mặt đất.
Uỳnh! Uỳnh!
- Nhanh! - Con mèo giật giọng. - Rẽ trái, vòng trở lại Điện Kính Thiên. Sập rồi!
Bà thầy bói luống cuống dùng mái chèo rẽ nước chuyển hướng. Những thúng mẹt, các đồ buôn bằng gốm, bằng vàng bạc, hay đủ các loại vải trôi nổi trên lòng sông va vào mạn xuồng. Con thuyền chòng chành mấy lần tưởng như sắp lật. May thay, gió thổi đúng chiều, bà thầy bói trong cơn nguy hiểm khéo chống, xuồng thuận dòng vun vút lao đi.
Uỳnh! Uỳnh!
Mặt đất vẫn tiếp tục rung chuyển dữ dội. Một cơn động đất! Một cơn động đất đang diễn ra. Cửu ngẩng lên nhìn trời bắt đầu tối dần, không hiểu rốt cuộc có chuyện gì, đất Việt ngàn năm nay có bao giờ động đất lớn tới thế? Thêm cả hố xoáy giữa đường hôm bà thầy bói mắc kẹt, rõ ràng... Lão muốn cướp mạng Cửu ư? Chính lão là người cho Cửu thời gian chín mạng, muốn giết Cửu thì cần gì nhiều công sức dồn tới chân tường thế này?
Gió thổi từ đằng sau lưng, reo ù ù, nghiêng ngả đám cây cổ thụ. Một gốc liễu bên sông bật rễ, đổ nhào xuống. Thân cây lớn từ trên cao dội ngay xuống giữa thuyền. Bà thầy bói quýnh quáng đảo tay, luồn lách qua khoảng hở, căng thẳng chèo thuyền qua. Vừa kịp lúc khi ngẩng lên, chỉ thấy tán liễu đã đập mạnh xuống mặt sông, bọt sóng trào lên tầng không, tán liễu ngả rạp ngay sau đuôi thuyền. Đường về lắt léo hơn lúc đi, nhưng cũng nhanh hơn nhiều, chẳng mấy chốc một người một mèo đã neo thuyền đậu bến trèo lên bờ. Có điều, chèo thuyền thì dễ mà đi bộ thì khó. Mặt đất im lìm một lúc rồi lại động, rung lắc dữ dội. Tiếng loảng xoảng rơi vỡ tứ phía, lại thêm những cột cây bất chợt bật cả rễ, cả bà và Cửu đều trong trạng thái căng thẳng, ngã dúi xuống đường mấy lần.
Hai người dùng hết tốc lực chạy, Cửu đi đằng trước, dẫn đường thông qua lối tắt chật kín những gian nhà từ mạn sông Tô vòng trở lại cửa Đông. Bụi bay mù mịt, đất cát cuốn dậy tầng không tới không mở nổi mắt. Khóm tre vẫn đứng nguyên chưa đổ, chỉ ngả nghiêng theo chiều gió lốc thấp rạt đỉnh đầu. Vừa qua chiếc cầu đá, thuận đường chạy qua cửa Đông, đột nhiên Cửu đứng khựng lại.
“Cửu… Cửu ơi…”
Âm thanh quen thuộc khiến Cửu ngoái đầu nhìn ra sau. Phía bên kia bờ hướng Đền Bạch Mã, đột ngột phát lộ một quầng sáng vàng quỷ dị. Gió đánh trọn những lời Cửu lẩm bẩm, bà thầy bói chỉ kịp nghe nó quay về phía mình hét lớn:
- Ở trước gốc xà cừ đợi ta.
- Cửu! Cửu!
Bà thầy bói chỉ gọi vọng theo, lúc này con mèo già nhị thể đã vọt sang phía bên kia cầu đá.
Uỳnh! Uỳnh!
Mặt đất nứt toác, xẻ năm xẻ bảy những đường ngoằn ngoèo như hình rắn rết. Chiếc cầu cũng đã vỡ những tảng đá lớn bên đôi bờ lan can. Gió lộng vẫn ù ù kéo sát rạt bên tai. Cửu căng chân, rồi lại chụm bốn chi bật người xa về phía trước. Nó phải nhanh lên! Không có gì phải sợ, phải, không có gì phải sợ. Hồn đất chắc chắn đang ở trước mặt nó!
Rắc… Rắc…
Âm thanh sống động vang bên tai. Đất đang vỡ thành đá vụn, chúng nứt toác và bắt đầu hiện lên vô số hố tử thần đen ngòm. Thứ ánh sáng vàng lợt lạt trông như cột tay người vẫn đang ở trước mặt. Cửu phải thắng lão! Bất cứ giá nào!
- Cửu!
Con mèo hụt chân rơi thẳng vào một cái hố. Tay người đàn bà bắt chặt lên một bên chân trước, kéo nó lên khỏi miệng hố. Cửu bước lên, vùng khỏi tay bà, tiếp tục chạy hướng về phía trước. Nhưng ngay lập tức, lại một hố đất khác sụt ngay dưới chân nó, nó rơi tự do ngay trong lòng hố.
- Về! Đi về thôi! - Người đàn bà hét lớn trong tiếng gió lộng, ném một đầu gỗ dài phía xuống hố.
Cửu được lôi lên tiếp tục lao đi nhưng lần này đã bị bà thầy bói ôm rịt vào người. Cả hai bắp tay lớn giữ lấy thân con mèo nhị thể, bà ta quay ngược người hướng về phía trước.
- Về!
Bà thầy bói không quản móng con mèo cào xước chảy máu cả hai bắp, chạy hết tốc lực, ngược vào cửa Đông Hoàng Thành. Vừa bước qua khỏi chiếc cầu đá…
Rắc… Rắc…
Từng viên gạch thô rơi ùm xuống mặt sông, bọt sóng vỡ tan trắng xóa đôi bờ. Bà thầy bói ngoái lại nhìn, thấy nước đổ dồn về phía Đền Bạch Mã, nơi phát ra ánh sáng quái dị, mà lúc này, đường đi đột nhiên dốc hơn hẳn, tựa như một lòng phễu lớn, có thứ gì đang hút tất cả mọi thứ, lao thẳng xuống vực.
“Từ giờ em sẽ tên là Cửu…”
Âm thanh vang vọng phía sau, con mèo thất thần, vốn vẫn đang yên vị trên tay bà đột nhiên giãy dụa thoát ra khỏi vòng tay. Nó chạy ngược về hướng đằng sau, đầu không ngoảnh lại.
- Cửu! Đó là lão! Đừng để lão lừa! Cửu!
Con mèo chạy ra phía chiếc cầu đá ngoài cửa thành, thấy toàn bộ cây cầu đá đã biến mất mới dừng khựng lại.
- Không kịp nữa đâu! Cửu!
Âm thanh phía đền Bạch Mã vẫn vang vọng. “Đừng nhầm lẫn, Cửu ở đây không phải là…”
Người đàn bà chôn chân, cố nhìn xem sắc mặt con mèo.
- Đi về. - Nó nghiến chặt răng lạnh giọng quay người chạy hướng về điện Kính Thiên.
Bà thầy bói thở phảo, cũng lập tức guồng chân thẳng một đường. Một người một mèo song song nhau, phía sau lưng là tiếng rầm rập của cây cối, vườn tược, Thái Miếu, các biệt cung, viện phủ độ sập, vỡ nát dưới nền đường. Mấy lần bà thầy bói phải nhanh người né qua, nhưng cũng không kịp mà mặt, vai cổ đã xước xát chảy máu cả. Hai người mau chóng tới Ngự Đạo. Vừa bước qua cổng chính, chân cổng Đoan Môn ba tầng lâu sụp hẳn đến bốn năm tấc đất, cắm sâu xuống hố đất phía dưới. Lúc này, chỉ còn phần đất phía Điện Kính Thiên vẻ như chưa bị ảnh hưởng. Cây xà cừ vẫn đứng đó, rễ đã bật một nửa. Bà và Cửu chạy liền vào cánh cửa không gian.
Uỳnh! Rầm!
Tiếng động lớn một lần nữa lại vang lên. Bà thầy bói trông ra, thấy Điện Kính Thiên cao lớn bề thế sụp hẳn xuống. Những tầng ngói, bậc lan can đá, những lư đồng, trường lang sơn son thếp vàng sập toàn bộ. Không lâu sau, quả nhiên mặt đất phía ngoài nâng lên cao, tất cả xoáy thành hình tròn, lao thẳng xuống một đáy vực tựa như hình phễu.
Bà thầy bói nhìn theo, chỉ thấy những mảnh vụn ngói hoàng lưu ly phản chiếu thứ ánh sáng vàng son một thời xoay vòng rồi dần biến mất nơi miệng vực. Toàn bộ không gian quá khứ trống hoác, phủ một tấm màn lớn, tối om bịt bùng như phía trong căn hầm. Người đàn bà trung niên ngồi thụp xuống thất thần, mắt vẫn trân trân nhìn ra phía ngoài.
Rào! Rào! Rào! Ngoài đêm đen, một cơn mưa bất chợt đổ xuống. Cửu vẫn giữ nguyên, chớp đôi mặt lợt lạt trông ra cơn mưa đứng sững người. Đó là tiếng Chị phải không? Có phải Chị vẫn sống ngoài đó phải không? Nó đã lỡ mất phải không? Có phải nó đã lỡ mất lần nữa phải không? Ngàn câu hỏi quấn lấy con mèo già xô vào lòng nó. Và khi ấy, tiếng bàn tay ram ráp vỗ lên đỉnh đầu nó, nhịp vỗ khẽ như có như không.
- Về thôi Cửu.
----------------------
Chú thích:
(15) Tứ chiếng: Tứ trấn Đông, Nam, Đoài, Bắc, mốc là Kinh Thành.
(16) Cụ Rùa cuối cùng tìm thấy trong Hồ Gươm đã chết vào 19 tháng 1 năm 2016.