Con mèo già có chín cái mạng và bà thầy bói hết thời - Cập nhật - Chanh30

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
con-meo.png

Tên truyện: Con mèo già có chín cái mạng và bà thầy bói hết thời
Tác giả: Chanh30
Thể loại: Truyện vừa
Giới thiệu truyện:

"Ve vẻ vè ve
Nghe vè chuyện kể
Con mèo nhị thể
Sống chín trăm năm
Tâm còn chưa chết.

*
Ve vẻ vè ve
Nghe vè chuyện kể
Con mèo nhị thể
Sống chín trăm năm
Dăm ngày chưa sống."
O bế bản thân: Trong truyện mình có lấy cảm hứng địa danh, yếu tố văn hóa nước nhà. Mà ý hư nhiều hơn ý thực, sẽ tốt hơn nếu không coi truyện là tài liệu tham khảo chính thống nhé ~~~
Những tài liệu tham khảo mình sẽ tập hợp sau khi hoàn thành nhé, sợ sót lắm :)))))))))

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Nắng rẽ mây, chia vòm trời thành lớp lớp bờ sóng xô bên mạn trời Đông. Ban mai tỏa rạng, đổ bóng dãy thượng tầng nhà cổ nối nhau san sát trên trục phố Hàng Buồm. Quả như lời đồn, ánh triêu dương (1) giữa tiết tháng tư thực rực rỡ, chỉ tiếc là, Cửu thầm nhủ, dầu rực rỡ thế nào cũng chẳng làm sáng màu lớp ngói lưu ly (2) đã phai bạc suốt hàng trăm năm.


“Ê, mày có biết chuyện con mèo có chín mạng không?”

“Hử?... À… Con mèo kia á?”

“Ấy, hai đứa chớ có động tới nó. Giống mèo hoang, dữ phải biết. Mấy người đã bị nó cào xước tay xước chân rồi.”


Cửu uể oải đưa mắt lướt ngang đôi du khách nọ. Những lời truyền miệng hư hư thực thực nó đã nghe nhàm cả tai, nhiều năm nay Cửu chẳng buồn bận tâm tới nữa. Con mèo nhị thể rướn người, quen chân lẹ làng nhảy lên mái ngói hậu viện hội quán. Gió hãy còn đượm hơi sương, ngai ngái vị ban sớm. Con mèo già đứng từ trên cao, trông vọng những mái nhà đô thành nay chụm lại thành từng khu đông đúc.


Đã bao lâu rồi nhỉ?


Cửu biếng nhác ngả người, gác đầu lên cánh tay nheo mắt nhìn trời. Nó có chín cái mạng đúng như lời cậu ta nói thì sao, cuộc sống cứ kéo dài mãi thế này thì sao? Rốt ráo có thoát nổi lão hay không? Kể từ cuối triều Lý tới nay, nhắm mắt mở mắt, chẳng mấy mà một thiên niên kỷ không biết chừng.


Dăm ký ức chập chờn hiện về, con mèo già lắc lắc đầu không muốn nghĩ ngợi gì thêm. Cơn ngái ngủ theo lệ lại tới gõ cửa, phần nào kéo câu hỏi ra xa khỏi tâm trí. Mấy nhánh xà cừ lòa xòa bên diềm ngói, xào xạc mơn man bên tai dập dìu vỗ thành từng nhịp, từng nhịp. Phút chốc tạp âm chung quanh cũng hóa thành khúc phong cầm, dạo ngang giấc mộng điệp của con mèo già cả vô danh nào.


Lao xao trong gió, một cõi miên trường…


***

“Từ giờ em sẽ tên là Cửu…”

“Ù… Ù… Ù…”


Tiếng gió lộng ngắt giấc mộng làm đôi. Cửu nghển cổ nhìn quanh, biết mắt đang mở mà chẳng trông ra hình thù gì, tứ bề chỉ thấy đen đặc một màu im ắng. Có lẽ thần thức nó vẫn đang trầm trong mê man cõi mộng. Cửu im lặng, chờ đợi giấc ngủ quãng trưa tan ra khỏi mình.


“Ve vẻ vè vè…”


Bất chợt âm cười khúc khích cất lên lanh lảnh.


“Nghe vè chuyện kể

Con mèo nhị thể

Sống chín trăm năm

Tâm còn chưa chết.”


Giọng hát đồng dao của con trẻ không biết từ đâu va đập không gian. Chúng loang thành từng hồi vọng như âm chuông, âm khánh.


“Ve vẻ vè ve

Nghe vè chuyện kể

Con mèo nhị thể

Sống chín trăm năm

Dăm ngày chưa sống.”

Cửu gắng mở to mắt nhìn, căng tai lắng nghe. Bản năng của con mèo già đánh động nó về một mối nguy hiểm sắp đổ ập xuống đầu. Bóng tối ngày nặng nề, tối tăm tới mức Cửu tưởng như không còn cảm giác về cơ thể mình.

“Ve vẻ vè ve

Nghe vè chuyện kể…”


Tiếng khúc khích vẳng khi gần khi xa. Nó tiến đại về phía sau lưng, dò dẫm tránh hướng nguồn âm vọng lại. Ria mép dài bất thường hiện vẫn chưa chạm phải chướng ngại nào cản trở, xem chừng là một không gian rất rộng.


“Ha ha ha ha!”


Giọng đồng dao đột ngột chuyển thành tiếng cười. Sắc cười cao, sáng, đanh mà lạnh. Rõ của trẻ con nhưng chắc chắn không phải là đám trẻ thông thường. Âm lách cách từ kim loại, chiếc chuông gió nào réo rắt vọng ngang. Cửu hơi rùng mình. Gió vun vút thổi không biết từ đâu. Nó cong người đề phòng. Lông mao toàn thân đã dựng đứng, xù cả lên.


“Con mèo nhị thể…”

“Ha ha ha ha!”

Tiếng cười ngày càng lớn, dội vào màng nhĩ. Cửu thấy đầu mình ong ong. Bóng tối quay cuồng. Một lực lớn kéo tuột nó về phía đằng trước. Cửu căng chân, quơ quào vuốt cố bám vào điểm trụ nào. Gió thổi ngược chiều, kéo sát rạt lông mao, reo ù ù bên tai.

“A… Con mèo! Con mèo!”

Ánh sáng tỏa rực ở cuối đằng xa. Màu vàng không thấy ấm áp đâu chỉ thấy tia quỷ dị.

“Ve vẻ vè ve

Nghe vè chuyện kể

…”

Cửu trợn căng mắt nhìn.

“Con mèo nhị thể

Sống chín trăm năm…”

Giọng nói phát ra ngay từ đằng trước mặt, âm vang âm vang.

“Tâm còn chưa chết.



Dăm ngày chưa sống.”

Cửu sững người, há hốc mồm.

Một cột tay người! Một cột tay người sống xếp chồng đứng lên nhau!

“Ha ha ha ha!”

Tiếng cười vang lên cao vun vút, sắc lạnh như xé không gian. Những cánh tay người nối cùng bả vai xếp chồng khít nhau từng đôi từng đôi một, kéo tít lên thành hình cột trụ to như cột đình. Cửu trơ mắt ngước nhìn, không thấy đâu là điểm cuối cùng. Âm thanh rõ phát ra từ đây nhưng cả cột trụ không có miệng, cũng không mắt không tai, chỉ đượm một màu trắng ơn ởn thiếu nhân khí. Mỗi đôi cánh tay hệt nhành cây mọc từ thân cột, chuyển động không ngừng, hất lên rồi hạ xuống, tung hứng đỡ hàng vạn viên châu cỡ bằng nắm đấm trẻ con. Cửu nhìn kĩ, thấy hạt châu bị ném không theo quy luật, lên rồi xuống, xuống rồi lại lên, mỗi hạt lại ánh lên thứ màu sắc kì lạ, không màu nào giống với màu nào.

“Ha ha ha ha! Thật đáng yêu.” Giọng trẻ con giờ lại thay đổi thành một ả đào xun xoe. “Nào nào sao mà phải xa lạ thế? Ái chà, suýt thì rơi.” Một cánh tay chừng giữa thân giơ vội để đỡ hạt châu từ dưới ném lên.

Cửu cong người, móng vuốt đã chìa lộ cả ra.

“Có ngu mới không đề phòng.”

“Thế như này thì ngươi đã nhận ra ta rồi chứ? Hả Cửu?”

Ở câu hỏi cuối cùng giọng ả đã biến thành giọng của một ông già. Mà cụ thể là giọng của ông lão ngàn năm trước giả trang thành đạo sĩ khua môi múa mép gây ra cớ sự Cửu sống đến giờ này. Cửu nghiến chặt răng hàm, chốc, nó thả lòng, chẳng thèm đếm xỉa gì tới dị vật trước mặt, quay lưng phủ phục nằm xuống vờ ngủ.

“Ơ kìa? Sao chín trăm năm mà cái tính nết ngươi vẫn chẳng ra gì thế nhỉ?”

“Giỏi thì tự cút đi, đừng để ta phải đuổi.”

“Ha ha ha ha!”

“Chả có gì buồn cười ở đây cả.”

“Bốn trăm năm trở lại đây trông ngươi mỡ màng lên không ít. Coi nào, coi nào, chỉ một trận cuồng phong mà lông mao lại tan tác thế kia. Chắc ta lỡ nặng tay quá nhỉ? ”

Lão già chẳng xa lạ gì với Cửu. Lão tự xưng là Quang Âm (3), nghĩa là Thời Không, dân gian vẫn nể sợ lão một phép, nhưng cũng không ngưỡng mộ gì cho cam, lão ta cũng chỉ là một dị vật gớm ghiếc, mồm mép ba hoa, ỷ có chút tài phép biến hóa mà xúi dại lòng người. Vùng không gian bịt bùng này lại thêm sự có mặt của lão, sớm Cửu đã biết, có chạy cũng không thoát. Đối với Cửu mà nói, đánh là thượng sách, chuồn là hạ sách, tiến thoái lưỡng nan thì cầm hòa ăn vạ.

“Ơ hay cái con mèo này?” Cột tay vừa nói vừa trông ra.

Con mèo nhị thể nhắm chặt mắt, dụi đầu vào cánh tay chẳng buồn bận tâm. Lão già bật tiếng cười, chốc đổi giọng thành đám trẻ, lải nhải ỉ ôi bên tai đến nhức cả đầu.

“Cái mặt của ngươi đến nhắm mắt cũng bướng quá thể.”

“Con mèo nhị thể sống chín trăm năm.”

“Cửu! Này! Cái con mèo trời đánh kia, ta gọi ngươi đấy!”

Cửu ve vẩy đập đuôi xuống sàn hai cái, ra chiều đã nghe thấy. Âm gió vút từ chuyển động của đôi cánh tay vẫn vọng trong bóng tối.

“Xem chừng sống tới đấy mà ngươi vẫn chẳng ngộ ra được điều gì nhỉ?”

Không có động tĩnh từ con mèo.

“Lai sinh tất có lai duyên (4), hà cớ nặng lòng ai hoài (5) cố nhân?”

“Ông thì biết cái gì?” Cửu ngẩng đầu, liếc xéo về phía dị vật.

“Ha ha ha ha!” Lão cười, rồi lại tiếp lời. “Thật, bốn trăm năm người trốn biệt tăm biệt tích không làm ầm ĩ ta cũng thấy nhàn nhã nhàm chán quá thể.” Mấy cánh tay đột nhiên xoay thành vòng tròn quanh trục, kêu răng rắc. “Ngươi đấy, phước ngươi lớn, sống được chừng ấy, thế mà không biết hưởng. Chậc chậc, đúng là phí của trời cho.”

“Hơn nữa…” Lão kéo dài âm giọng. Điệu mỉa mai dụ dỗ quen thuộc. “Chán quá thì ta lại nghĩ ra một trò Cửu ạ?”

“Đi mà chơi một mình.”

Cửu đã bật người dậy. Nó đưa chân trước lên thản nhiên liếm láp một hồi.

“Nào, ta đã bao giờ gian dối ngươi đâu. Mất bốn trăm năm mới thành hình. Ngươi phải tin lão Quang Âm này chứ. Không tốt không lấy tiền.”

“Ta chả cần tiền. Cũng chả có yêu cầu gì.” Cửu nhìn chòng chọc. “À, không, có đấy. Yêu cầu từ ngàn năm trước rồi. Đấy là ông cút xéo khỏi mắt ta, càng sớm càng tốt. Cút đi.”

“Ha ha ha ha!” Tiếng cười sang sảng như điên như dại lần này lớn hơn hẳn bình thường. Chập cánh tay cũng rung lên bần bật một hồi. “Ta biết, ta biết. Thế nên lần này, ta thật sự sẽ cút xéo khỏi mắt ngươi. Một nơi không kể tháng năm, không màng thời gian, bất sinh bất diệt. Thế nào, muốn chơi thử không Cửu?”

*

Phía ngoài cõi mộng, gió ban trưa đột nhiên nổi cơn hung hiểm xoáy thành lốc lớn quét dọc phố Hàng Buồm. Âm thanh náo loạn, đồ đạc bay tứ tung lẫn trong tiếng gió rít gầm xé không gian. Đợi chừng một lúc lâu, quá giờ Ngọ, mọi thanh sắc mới tĩnh tại lại. Không gian tịch mịch xoay vòng theo tiếng thở khẽ khàng của con mèo già cả vẫn đương say giấc nồng trên mái ngói khu di tích hội quán Quảng Đông số 22 Hàng Buồm.
_____________
Chú thích:
(1) Triêu dương: Mặt trời ban mai.
(2) Ngói lưu ly: Ngói âm dương, kết cấu phần âm phẳng, lớn nằm dưới và phần dương hình ống ở trên.
(3) Quang âm: Quang là sáng, âm là tối. Ý chỉ ngày và đêm. Còn gọi là thời gian.
(4) Lai duyên: Nhân duyên kiếp sau. Ý tứ mượn trong câu “Lai sinh hữu lai duyên” - Sơ Ngọc Chi Tâm.
(5) Ai hoài: Buồn rầu thương nhớ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
- Ừm…?
Con mèo già gượm họng. Mảng màu xanh nhập nhòe dần chập thành hình tán xà cừ quen thuộc. Cửu cố kìm cơn xây xẩm, chếnh choáng dựng người dậy. Hương nhang thoảng trong sắc nắng vàng sậm cuối chiều sớm đã quanh quẩn chóp mũi. Cảm giác nóng hầm hập trên mái gạch đầu hạ ùa tới, Cửu thở khẽ, ra chỉ là một giấc mơ. Tất cả chỉ là một giấc mơ mà thôi. Con mèo già lướt cặp mắt buồn tẻ trông ra ngoài hiên.

Im lìm. Lặng như tờ.

Cửu giật người, ngó nghiêng về phía tiền sảnh trống hoác, hai tai dựng đứng nghe ngóng. Chốc, nó đưa một bên chân trái lên quá đầu, vuốt mạnh tai mình. Vẫn không có tiếng động nào.

Cửu nhìn về phía tán lá.

Nó điếc rồi ư?

“Ù… ù … ù…”

Nhịp gió đều đặn reo. Cửu lại dùng móng cào vào lớp mái ngói, nghe rõ tiếng xát của lớp men sứ cổ. Không, không, nó không hề điếc.

Vậy… Nếu thế… Nó… Cửu đang ở đâu thế này?

Con mèo nhị thể nhảy xuống mái ngói hậu viện, đi dọc lối hành lang khu di tích.

“Ngoao…”

Tiếng đệm chân dậm dịch trong không gian tịch mịch. Ngày thường dù thưa khách, nhưng ít ra vẫn có âm thanh qua lại của ban cán sự trông nom khu hội quán người Hoa. Chừng được một lúc, con mèo già lại ngoái đầu ngược ra sau, trái với kỳ vọng nhỏ nhoi, tịnh không một bóng người xuất hiện. Theo lối Cửu bước ra ngoài cửa ngách hội quán, nhìn ra phía đường lớn Hàng Buồm. Bóng người hoàn toàn bặt dạng trong khi khung cảnh không có dấu hiệu gì vừa trải qua thiên tai hay bão lũ: Quầy bánh kẹo phía đối diện vẫn đang mở, bàn ghế nhựa hàng cháo sườn mạn trên chưa dọn hẳn đi. Thậm chí, lan can tầng hai căn hộ bên cạnh vẫn còn giăng đầy quần áo xộc xệch lay lắt trong chiều gió thổi.

“Không có gì, không có gì phải sợ”, Cửu nghe độc tiếng gió ù ù ngang tai. “Lũ binh tráng Mông Cổ giết người như ngóe mi còn chẳng sợ. Đúng rồi, đúng rồi, xe tăng, súng trường mi còn chẳng sợ, nạn đói, nạn sởi mi còn kinh qua. Không có gì, không có gì cả.”

Ấy vậy, không hiểu sao linh cảm của loài mèo đang đánh động nó về một thứ gì đó khác đang thay đổi, không thể bằng mắt thường mà tỏ rõ, cũng không thể giống như những chuyện lạ khi xưa kể lại. Một thứ gì đang biến chất, biến dạng hoàn toàn so với ban đầu. Điều này khiến toàn thân Cửu từ lúc tỉnh dậy bứt rứt, bồn chồn, không sao yên được. Cảm giác mất an toàn buộc Cửu phải nghĩ rằng đây có thể không phải Hàng Buồm, hoặc, Hàng Buồm không còn là Hàng Buồm khi trước nữa rồi. Dù giải thích thế nào, thì chắc chắn địa phận cũng đã thay đổi về mặt bản chất cốt cán.

Cửu gắng nhớ lại giấc mơ ban trưa, xâu chuỗi mọi sự đang xảy ra trước mắt. Chẳng lẽ nó đang ở vùng không gian “bất sinh bất diệt” ư?

“Không, không thể.”

Cửu nghển cổ về phía trời Tây. Bóng hoàng hôn ngả trên dăm chậu xương rồng cảnh, mấy giò lan lẫn giàn vạn niên thanh rủ bên bờ lan can lục bình sờn cũ. Lớp tường vàng cửa sổ chớp xanh nối nhau dần sậm màu khi vầng sao Hôm bắt đầu lấp ló. Thứ biến mất không phải là dòng thời gian. Cửu ngó về phía ngã tư Mã Mây gió nổi phấp phới tấm vải bạt hàng quán ăn vắng người qua, lại trông về tán xà cừ sừng sững nhô giữa tầng tầng lớp lớp ngói cổ, chẳng nghe tiếng chim cu gáy chiều quen thuộc. Toàn bộ vật sống, phải, không chỉ con người mà toàn bộ vật sống mới là thứ bặt tăm ngay lúc này.

Cửu cau mày khó hiểu. Bản thân nó không có vấn đề gì khác lạ ngoại trừ khi tỉnh dậy có chút chóng mặt, bụng dạ nhộn nhạo. Con mèo già nghi hoặc ngược lối Hàng Buồm, tiến ra trục lớn Hàng Đào. Dù sao chuyện trước hết nó cần xác tín liệu có còn ai trong thế giới này hay không đã.

*

Nắng tắt, trăng lên cao quá dãy gạch ngói xen lẫn những hộp nhà mái tôn. Đèn đường không bật, độc bóng tối chiếm trọn không gian.

Không có ánh sáng không làm khó loài mèo, vốn chúng có thể trông rõ ban đêm như ban ngày. Nhưng mãi, con mèo già mới lững thững rảo trở về đến đầu phố Hàng Buồm. Trông gần hơn mới thấy gương mặt đang thở hổn hển. Nệm chân sớm đã ướt đầm, vẻ căng thẳng tới khi bước vào cửa ngách hội quán mới dần dịu lại một chút. Ánh trăng lạnh hắt bóng con mèo già nhấp nhô bên dọc tường hành lang tiến về khuôn viên hậu viện.

Đúng như những gì dự đoán, Cửu không tìm thấy vật sống nào trong vòng bán kính mười dặm đổ lại đây. Khu phố cổ Hà Thành tịnh không một bóng xe bóng người, còn vắng vẻ hơn dịp giao thừa đầu tháng giêng vừa rồi.

Tưởng vắng vẻ như thế càng đi càng thuận đường, ấy thế mà không, Cửu lạc. Lạc ngay tại địa phận đã quen thuộc với nó suốt bốn trăm năm. Nói theo ngôn ngữ loài người, khả năng “cảm nhận địa từ” - sự kết nối giữa Cửu và hồn cảnh - đã biến mất, hoàn toàn đứt đoạn không một lời báo trước. Vốn từ trước tới nay, loài mèo không cần ghi nhớ đường lối như con người, tự vùng đất sẽ nói cho nó phải đi thế nào và trở về ra sao. Đây đã là bản năng sống thuộc về giống loài. Nhưng dầu có cố gắng thế nào, những gì đáp trả Cửu chỉ là những mẩu giao tiếp lệch lạc. Hàng Buồm cất tiếng nói của Hàng Bạc, Hàng Bạc cất tiếng nói của Lãn Ông, Lãn Ông thì câm lặng. Ba sáu phố phường dường như xóa sạch khỏi ký ức nó, trước mặt chỉ là các ngõ ngách nhỏ hẹp cắt xéo ngang dọc theo thế bàn cờ xô lệch, chia thành từng ô đất riêng biệt tựa như một mê cung khổng lồ. Chỉ riêng hồn đất hội quán thì vẫn chưa biến chất hẳn. Cửu có thể biết nơi mình phải tiến đến, nhưng không sao rõ mình đang ở chốn nào trên đoạn đường đó, cũng không tỏ tường lối đi này có phải là lối về đúng đắn hay không. Đường đúng cũng như đường sai, đường sai cũng như đường đúng. Mối nối đứt đoạn khiến Cửu loanh quanh mãi tận bên phường Thợ Nhuộm. May mắn thay, trước khi trời tối hẳn, nó lại vô tình chọn đúng ở chập ngã ba đường.

Bầu trời ban đêm im lìm, đã rất lâu không có nhiều sao tới thế. Hằng ha sa số đốm tròn hấp háy, họa vân mây thành một quầng sáng. Phố thị tĩnh lặng hệt như thuở đó, cái thuở đèn đuốc chỉ là ngọn lửa liu hiu nằm trong nan lồng. Những con phố Tàu chìm trong suy tưởng, hiếm hoi vọng tiếng ồn từ bờ sông Hồng theo gió mơn man tới tận chân thành. Cái hồi dân Hoa Kiều dưới bầu trời Thăng Long chẳng ai màng gì tới thú tiêu khiển, hay hội hè của người bản xứ. (* )

Hồi ức đan xen khiến Cửu mơ màng tự hỏi, rốt cuộc tất cả là thật hay mộng?

Đôi mắt buồn tẻ ngước lên cao. Suốt chín trăm năm, Cửu đã trông nhiều thứ tưởng không thể vậy mà lại diễn ra. Thế thái thịnh rồi suy, một thời hoàng kim cũng kéo những điện đài, lăng tẩm vùi thành đất cát, phố thị dựng lên, rồi cũng biến mất, bị san phẳng trong bom lửa, tụ rồi tan, tan rồi tụ. Thứ tưởng đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất cũng chẳng ai giữ được đến tận cùng. Trông ra vạn sự hợp tan, hình như Cửu đã không còn rõ đâu nên là thật, đâu nên coi là mộng tưởng thì sẽ tốt hơn. Đời tựa giấc chiêm bao, mà nói chi tới thị thành xa xôi, bản thân Cửu, số phận nó có đáng tin hay không, nó còn chẳng trả lời cho được. Duy có một điều con mèo vẫn luôn ép bản thân phải nhớ để còn tiếp tục sống: Bản thân nó phải là cột mốc, nó ở đâu, nơi ấy sẽ là thật.

Phần khác, dù thực hay hư, Cửu biết cuộc cá cược về điều “vĩnh cửu thuần túy” - thứ không bị lão tác động kể có ra sao - vẫn đang tiếp diễn. Bốn trăm năm im hơi lặng tiếng, Cửu hẳn đã khiến lão bắt đầu lung lay. Lão không biết Cửu muốn làm gì và với kiểu người ưa kiểm soát như lão, lão sợ. Nó đã không ngừng thử nghiệm và tìm kiếm, chỉ mãi cho tới gần đây, con mèo già mới nghe phong thanh về một vùng đất cấm. Một vùng đất mà quá khứ, hiện tại, tương lai vẫn luôn tồn tại cùng lúc, nơi hứa hẹn Cửu sẽ tìm thấy thứ mà nó mong cầu.

Thế mà lão ấy lại dễ dàng dâng mỡ đến miệng mèo ư? Dối trá cả! Làm gì có chuyện lão xử sự tốt đẹp thế? Dòng thời gian rõ ràng vẫn chảy trôi, lão chỉ xóa sạch vật sống. Làm gì có vùng đất bất sinh bất diệt? Có khi đây chỉ là thứ giả lập mà lão già tạo nên để giam cầm nó, hòng cướp cái mạng cuối cùng. Chuyện này không phải là không thể với lão già quỷ quyệt. Cửu từng tận mắt thấy lão gá lên đầu người khác đủ thứ tăm tối, cũng ép uổng người ta vào thế cùng đường không biết bao nhiêu lần bằng cách bóp méo thực tại. Thế vẫn chưa đủ, lão còn hợm hĩnh huênh hoang với Cửu xem con người thần phục lão thế nào, cầu lạy lão ra sao.

“Mày không được sợ, Cửu ạ. Đó là điều tiên quyết. Cùng đường hay không cũng không được sợ, không cần đón ý lão từ Đông tới Tây. Để rồi xem, mày hay lão, ai mới là kẻ bền gan?”

“Sớm lão cũng sẽ lộ điểm yếu. Ngay khi nó xuất hiện, mày phải ngay lập tức cắn chặt lấy nó. Thế nào cũng không được buông ra.”

Gió vọng ngang trời, rì rào trong không gian tĩnh mịch chẳng có sự sống nào. Cùng trời cuối đất, thế giới rộng lớn dần chìm theo giấc ngủ mệt mỏi của con mèo già. Phố thị dọc ngang dây điện họa hình không một khẽ rung động, yên bình tựa như một mặt hồ êm ả cuối thu.

Chừng vài ngày sau đó, chuyện diễn ra đã phá vỡ thế yên ả của mặt hồ ấy, không tới mức đổ máu, nhưng chí ít đã đánh đổ những dòng suy luận và kế hoạch của Cửu về tình hình hiện tại.

Một người sống đã xuất hiện.

Một người phụ nữ trong quán tạp hóa cuối trục ngã tư Hàng Buồm rẽ về Mã Mây.
________
Chú thích:
(* ) Lấy ý câu trong "Khu phố cổ Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính" (Phan Phương Thảo): "Các con phố Tàu ban ngày rất yên tĩnh. Nếu không phải vì một cuộc ẩu đả hay một lễ hội tôn giáo khiến các tín đồ tới chùa thì toàn bộ khu phố Tàu được bao trùm bởi một bầu không khí tĩnh lặng vốn chỉ bị cắt ngang bởi một vài tiếng ồn hiếm hoi đến từ dòng sông và được gió đưa tới tận chân thành. ..."buồn chán hơn cả những làng mạc tận cùng ở nước Pháp. Người ta cảm thấy rằng những Hoa kiều của Hà Nội sống ở đây chỉ nghĩ đến việc làm giàu và không màng gì đến những trò vui tiêu khiển giải trí."
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
- Coong! Coong! Coong!

Âm thanh sành sứ phát ra từ phía ngoài cổng lớn vọng qua tiền sảnh. Người bên kia chạm mắt Cửu, như thường lệ treo lên một nụ cười “hớn hở”. Nắng trưa kéo vạt dài trên chiếc áo tay lỡ cổ thuyền màu rêu, với quần ống suông dài đến mắt cá. Chiếc vòng cổ mặt gỗ hình lá bồ đề treo trước ngực, trông hơi chật so với cần cổ trắng đã bắt đầu xuất hiện ngấn.

- Coong! Coong! Coong!
Chiếc thìa lần nữa được gõ vào thành bát sành.

- Tới giờ ăn rồi.
Âm giọng lớn nhưng hơi khàn và đục. Còn có cảm giác run rẩy, đứt gãy. Có lẽ do tuổi tác không còn trẻ, nên thanh sắc trong câu cũng đều đều, thiếu điểm nhấn nhất định.

- Cá kho riềng đây.

Chiếc bát sành màu ngà dậy mùi từ gần thềm tam cấp phía cổng lớn. Tiếng động đặt bát khẽ vọng dưới sàn nhà. Cửu thoáng thấy miếng cá màu nước hàng được xẻ nhỏ, tách thịt cá trắng và vài lát riềng kho sẫm đặt bên trên. Bụng dạ nhộn nhạo một chốc, nó liếm mép, rồi quay đầu sang trái. Đồng tử vẫn liếc trộm quan sát động tĩnh.

Đối phương tiến lại gần, Cửu phản xạ bật người dậy, cong người, ve vẩy đuôi:

- Khè!

- Kìa con này.

Con mèo chăm chú nhìn đối phương, thấy gió lay những lọn tóc mai vương trên gương mặt người phụ nữ chừng tam tuần đổ lại đang cười dịu dàng đến đáng ghét.

Bà ta không có đặc điểm gì khác thường, đến cả quần áo tóc tai cũng chọn kiểu dáng đơn giản, trơn màu dễ lẫn vào đám đông. Điểm lạ duy nhất lại thuộc về chuyện mắt người không thể nhìn thấy: Bà ta không có thần hộ mệnh nào đi theo.

- Mi không thích à? - Người đàn bà giữ khoảng cách năm ô gạch cỡ lớn so với Cửu. Giọng điệu có chút sốt ruột.

- Hôm qua tới nay không chịu ăn gì cả. Chẳng lẽ mi không cần ăn?

Tất nhiên là không, Cửu thầm nghĩ. Từ hôm tỉnh dậy tới giờ, Cửu vẫn luôn tự cào rách gói hạt mèo trong phòng bảo vệ, nước thì lấy từ sương đêm để cầm hơi. Ngoại trừ chiếc thùng cát tông có nệm êm bà ta đặt ở tiền sảnh, Cửu không lấy gì thêm từ người đàn bà. Thành thật mà nói, có con mèo nào lại có thể chống lại sức quyến rũ của một cái thùng cát tông? Mà, một cái thùng cát tông thì làm hại được ai?

- Biết đâu được mi lại không thích ăn cá?

“Thứ ta không thích là ngươi đấy”, Cửu chăm chăm nhìn vào mặt người đàn bà hỏi mẩn.

- Hay ta làm gì khiến mi thấy sợ?
Sợ bà ta? Cửu mà sợ bà ta? Nó giật phắt đầu dựng người nhìn trân trân, đứng bất động. Nó vươn đuôi ve vẩy trên không trung.

- Khè! - Cửu nhe nanh, cong người dọa nạt. Móng vuốt đã giơ chực sẵn.

Bà ta vui vẻ bật cười.
- Mi chắc sống ở đây lâu rồi nhỉ? Nhìn rất giống một con mèo già.

"Đồ vô duyên".

- Trước giờ chưa có con mèo nào tới đây, nói đúng hơn thì chẳng có con vật nào. - Giọng điệu người đàn bà chậm rãi, âm vọng giữa không gian.

- Thật là…. - Tiếng bật cười tự nhiên. - Tại sao lại là một con mèo nhỉ?

Lại đến giờ bà ta huyên thuyên, Cửu đã quấn đuôi quanh mình, làm tổ giả vờ ngủ, trong khi hai tai đều đang dựng đứng.

- Chắc phải có lý do nào đó chứ. - Người đàn bà lẩm bẩm.
- Nhỉ?
- Chỉ là… - Giọng bà kéo dài. - Ta vẫn chưa hiểu gì cả.
- Xem nào… Nói sao cho mi dễ hình dung nhỉ? - Bà xoa cằm chăm chú nhìn Cửu hoàn toàn thờ ơ. - Giống như mi trông vào gương thấy mặt mình mà lại không biết đó là mặt mình vậy. Sờ sờ ra đấy, ai cũng hiểu vấn đề nhưng chỉ có mình mi không hiểu. Trừ khi mi phải từ bỏ chuyện mi là một con mèo, không còn nghĩ như một con mèo nữa thì may ra chuyện mới khác đi được.

Bà ta lúc lắc đầu.

- Mà nếu mọi thứ đơn giản chỉ cần chọn nghĩ khác đi thì thật tốt, đằng này ta còn băn khoăn rằng liệu mình có lỡ trở thành một con chuột hay không.

Cửu ve vẩy đuôi, đập một cái xuống sàn.

- Hừm… Sao nhìn mi cứ có cảm giác kiêu căng nhỉ - Người đàn bà híp mắt đánh giá. - Không phải thờ ơ, hay ngơ ngác, mà là một vẻ kiêu căng rất kệch cỡm. Lý ra…

Bà ta bỏ lửng. Con mèo đổi hướng quay lưng với người đối diện.

- Mà lý ra… - Bà ta tiếp lời. - Với hiện trạng giờ này, mi nên đáng thương mới phải.

- Cũng có thể vì mèo không có khái niệm thời gian chăng? - Người đàn bà nhún vai, cả hai tay chống tựa ra sau. - Không có ký ức. Mỗi ngày lại là một ngày mới. Mỗi ngày lại lặp lại như ngày tiếp theo. Những lựa chọn y hệt, hài lòng, thỏa mãn. Hẳn chốn này sẽ là thiên đường của mi chứ?

Tiếng gió reo trong chiều nắng gắt.

- Trong sách hay nói vậy. Chuyện về loài mèo. Có cả chuyện về vòng lặp nữa.
Cửu im lặng.

- Thật… Ta chẳng biết phải làm gì với một con mèo cả.

- Ta để thức ăn ở đây. - Bà ta dừng lại cuộc độc thoại vô nghĩa. - Phải ăn hết đó. Nghe chưa?

Độ một lát, búi tóc bà ta vẫn lấp ló từ bên ngoài cổng tam quan. Rồi vẻ như bị phát hiện, bà ta mới bỏ đi thật. Cửu chờ tới khi người phụ nữ khuất dạng rồi mới tiến tới bát thức ăn. Nó ngửi mùi cá kho đậm vị, dùng chân hất vài ba miếng cá ra phía ngoài. Vẫn như những ngày bình thường, đồ ăn không phải là đồ thừa, cá được lấy xương và tách riêng khỏi cơm. Cửu nuốt nước miếng, nhủ thầm:

- Chả ngon gì cả.

Nghĩ rồi nó dứt khoát bỏ đồ ăn lại, quành người tìm về chiếc thùng cát tông, cuộn mình say giấc ngủ. Ân tình cái ổ êm này, Cửu nhất định sẽ báo đáp sòng phẳng với bà ta.

Sự vụ phải kể từ đêm hôm kia, tức ngày thứ ba tính từ lúc nó tỉnh dậy. Không có cuộc đối thoại nào giữa Cửu và người đàn bà. Toàn bộ đều là những lần độc thoại lạ đời làm thân từ một phía - giống như vừa nãy, chủ yếu là những câu hỏi mà ai cũng biết chắc giống mèo không thể trả lời được. Cửu đang hơi lưỡng lự xếp bà ta vào hạng người thứ hai - kiểu người cứu hộ động vật, hay là hạng thứ mười bảy - kiểu người lợi dụng. Chín trăm năm trông ra nhân loại không phải thứ bỏ đi. Nói một cách kiêu ngạo, Cửu còn là người đã dạy cho đám chút chít cách nhìn thấu, lấy lòng người mà chúng nhắm chọn. Nhưng bà ta thì khác, Cửu khó lòng nắm chắc động cơ của người đàn bà khi không trông thấy thần hộ mệnh đi theo. Đồng thời, con mèo nhị thể cũng khó giải thích về sự tồn tại kỳ lạ của “một người sống” trong thế giới này. Mọi lý lẽ nó đổ lên đầu lão già Quang Âm đang trật bánh ở đầu ray nào đó. Chẳng lẽ không phải là lão làm? Hay là hầu cận của lão? Bà ta đã ở đây bao lâu? Vì sao những hôm đầu Cửu không phát giác ra bà ta? Cửu không sao biết được.

- Ngoéo!
Chưa được nửa canh giờ vào giấc, đột nhiên trời đất bắt đầu quay cuồng. Ánh nắng mờ mờ chiếu từ bên ngoài bao tải. Con mèo theo phản xạ cào tứ phía. Móng sắc chọc xuyên qua lớp vải bố, cào rách thủng một lỗ. Là người đàn bà!

- Yên.

Cả người bà ta mặc một bộ đồ như đồ bảo hộ, đến đầu cũng đội thêm một mũ bảo hiểm có lớp kính chắn. Bà ta đang bắt Cửu đi đâu?

Nhịp đung đưa và sự tối tăm của chiếc túi vải làm bụng dạ nó ngày một nhộn nhạo. Dù cào rách túi, giãy giụa, nó cũng không thể làm gì. Cửu cố kiềm cơn xây xẩm, nó sẽ không chết, chí ít là thế. Nó bám chắc móng vào túi. Rốt cuộc… Chuyện gì đang xảy ra thế này?

Soạt!

Cửu ngay lập tức chạy biến ra miệng túi được mở.

Khuôn mặt mèo có đốm lông đen lớn trên tai phản chiếu trên mặt bồn sứ trắng. Con mèo nhị thể nhìn mình rồi quay đầu trợn mắt với người phụ nữ.

- Không ăn thì để ta tắm cho mi. Người đầy bọ đây này.

Mặt nó nghệt ra. Cái quái gì thế nhỉ? Bà ta là cái thể quái quỷ gì vậy?

- Kể cả không ai thấy thì mi cũng phải biết ngứa chứ!

Cửu cố trèo lên trên thành, nhưng không sao thoát khỏi “nanh vuốt” của người đàn bà trung niên. Vật lộn hồi lâu, công đoạn “tắm rửa” cuối cùng cũng hoàn thành. Cửu tự lắc mình rũ nước.

- Đó, sạch sẽ rồi đấy.
Người bà ta đã ướt nhẹp, cả quần lẫn áo. Lớp mặt kính mũ bảo hộ cũng ảm mờ hơi nước. Cửu nhíu mày nhìn rồi bước ra khỏi phòng tắm. Có lẽ đây là căn nhà nghỉ lấy tên Pháp nằm trong phố mạn trên. Nó rảo bộ xuống bậc thang có lối lan can uốn thanh sắt cổ điển, thoát nhanh ra ngoài. Biển tên đường Hàng Buồm quả nhiên dựng ngay đoạn đường bên dưới. Người đàn bà đi rất nhanh tới đây, cũng không thấy có sự lúng túng nào, xem chừng hoàn toàn quen thuộc với việc vào nhà người khác trong thế giới này. Giọng bà ta vọng vẳng từ trên tầng lầu trên.

- Đi thẳng là về rồi đấy.

Cửu đi liền một mạch, đầu không ngoảnh lại. Độ hồi lâu, mắt nó lại nhòe nhoẹt đi như hôm lạc bên phường Thợ Nhuộm. Cửu đánh mũi ngửi, phát hiện ra hồn đất hội quán đang mờ lạt hẳn dưới tác động của mùi xà bông vừa rồi. Cánh cổng sơn son vẫn mở rộng, tấm hoành phi (7) chữ Hán cỡ đại treo bên trên không xê dịch giữ lại khi tu sửa chẳng nhớ lần thứ bao nhiêu. Con mèo già đột nhiên nghe tim hẫng một nhịp, khu di tích vẫn đây nhưng không hiểu sao nó chỉ thấy mờ mịt không rõ chốn về.

Hội quán (8) vừa như một thùng các-tông lớn, lại không còn là thùng các-tông lớn nữa rồi.

***

Chớp mắt Cửu đã đếm tròn mười lăm lần hừng đông, lẫn mười lăm lần bóng tịch dương nối nhau. Bóng đôi con nghê trên mái hiên hội quán Quảng Đông mờ rồi đứng bóng, sậm màu rồi lại biến mất trong đêm tối quạnh quẽ. Nửa tuần trăng trôi, Cửu không còn quá đề phòng người đàn bà. Mọi cuộc độc thoại và những lần theo dõi không có dấu hiệu bà ta là tay trong của lão già, hoặc bà cố không để lộ ra điều ấy. Thay vào đó, dường như giống một kẻ an phận bị lão già bội bạc bỏ quên vẫn một lòng hướng về hơn. Dù thế, mối quan hệ của hai người cũng không tiến triển gì hơn, người đàn bà vẫn mang thức ăn tới hai bữa một ngày, nước thay thường xuyên, cách ba hôm một thì bắt Cửu đi tắm. Mọi sự có lẽ vẫn sẽ bình đạm chảy như con nước trôi, một người một vật như thế, nếu không có ngày hôm nay. Cửu muốn tới Hoàng Thành.

Chuyện này nảy ra rất tự nhiên. Xét kỹ ra, Cửu nghĩ mình có lý do để rời đi, chỉ là trước kia không hiển hiện rõ ràng như bây giờ. Con mèo lững thững dạo quanh khu di tích, góc tường phủ bụi nào cũng vương mùi của nó. Cửu lách mình qua cửa hậu để đi ra hành lang ngoài trời nằm bên trái. Ánh sáng đổ đầy khoảng sân giữa, ngăn giữa tiền sảnh nối tới trung đường, nghiêng bóng đôi ba bậc thềm tam cấp. Đứng ở giếng trời, tứ viện quây thành hình chữ “khẩu” (6), Cửu trông lên những tấm phù điêu tráng men xanh, họa tiết đôi con giống đá và dây hoa trên những thanh xà, cột trụ. Ngoại trừ mái hiên ngói, sảnh viện đã tu sửa chuyển hẳn sang lối kiến trúc Pháp, những cột trụ bê tông, tường gạch sơn mới tinh tươm, mái vòm cũng kéo cao theo kiểu nhà thờ. Nó thở dài. Giống mà khác, khác mà giống. Nếu như hội quán đã mục ruỗng, nơi không biến chất cuối cùng, chỉ có tại Tử Cấm Thành khi xưa. Linh cảm của Cửu cũng cho nó biết, nó có thể sẽ tìm được manh mối tại đây. Mười lăm ngày im ắng lại thêm một người sống phá vỡ dự liệu, Cửu cũng đôi phần sốt ruột. Nghĩ đi nghĩ lại, vừa hay hôm nay là lịch bà lại bắt Cửu “nhúng nước”. Việc trốn đi hoàn toàn hợp lý trọn vẹn đôi đường. Có khi dứt khỏi người đàn bà nhu nhược ấy, Cửu lại tìm được sơ hở trọng yếu của lão già.

Không biết bằng cách nào, nhưng Cửu chắc chắn tin tưởng một điều, nếu muốn thoát mọi sự thì nó buộc phải đi qua con đường mất phương hướng này.

Bắt buộc phải vậy.

Nghĩ thế là làm, sớm hôm sau tỉnh dậy Cửu đã mau chóng rời đi. Trời xâm xẩm tối, ánh sáng nhàn nhạt vừa đủ để nhìn đường. Đêm qua vọng Đông Tây không rõ trăng sao, xem chừng nay sẽ giông bão lớn. Con mèo già rảo vội, đi sớm, tránh được lúc nào thì hay lúc đó. Lần ngược lối Hàng Buồm, Cửu rẽ bừa ra chập ngã ba Hàng Cót - Chả Cá. Đầu đoạn rẽ dựng một tấm biển tròn màu đỏ chóe có dấu gạch ngang trắng ở giữa. Cửu liếc nhìn biển hiệu một chiều, không nghĩ ngợi gì tiếp tục đánh liều đâm thẳng. Dù sao, rẽ trái hay rẽ phải những lúc mù đường thế này thì đều như nhau.

Con mèo già cứ thẳng hướng không một lần quay đầu. Nó đi, đi hồi lâu, đi đến khi thấy rặng mây đen quanh quẩn đường chân trời tự lúc nào đã tràn khắp vòm thanh thiên lồng lộng. Cửu đứng khựng ở giữa phố Hàng Cót, ngước mắt nhìn lên. Từng đợt gió lạnh thốc ngược từ đường sau lưng. Xác lá sấu thổi tứ tung, bay loạn trên tầng không bụi mù mịt. Vẻ như Cửu sẽ không thoát khỏi kiếp “nhúng nước” vào ngày hôm nay.

Lộp bộp, lộp bộp.

Vừa mới nghĩ tới, mưa nặng hạt đã lộn xộn thấm trên lưng con mèo già, cảm giác ẩm lạnh khiến nó rùng mình. Mùi sàn sạn dội từ dưới nền đất đã rõ rệt hẳn.

Rào…

Không kịp tìm chỗ trú, âm thanh sầm sập va đập hai bên tai, lâu mới nghe thấy tiếng động lớn như vậy, tim Cửu đập mạnh, cả người đều hoảng hốt. “Uỳnh” một tiếng liền đó, sấm nổ sét ngang trời. Trong cái sáng chớp nhoáng, khung cảnh trông ra đã áo một màu trắng bạc không rõ hình thù.

Lão đang nổi giận. Lão ta đang nổi giận.

Nó đứng đơ người, cơ thể dường như bất động vì hoảng. Nước đổ ập xuống người như dòng thác, lông mao Cửu chẳng mấy đã ướt nhẹp, nặng nề dính chặt toàn thân. Thêm gió lạnh thốc tứ phía, mắt nó không sao mở to cho được.

Đúng lúc ấy, một lực nhấc bổng con mèo già lên tầng không. Nó dùng chút sức cố giãy giụa, quơ quào tìm điểm bám. Độ hai ba khắc, chân đã chạm phải nền cứng trở lại.

- May mà ta tới kịp.
Cửu lắc mình rũ nước, tai kéo sát rạt ra sau đầu. Lại là bà ta! Lúc quái nào cũng là bà ta!

- Khè!

- Khè gì mà khè! - Người đàn bà đánh vào đầu Cửu. - Mưa mau như thế, đi đâu mà đi.

- Khè… Khè…

- Đấy! Thế mi đi đi. Ta không cấm. Đi đâu thì đi. Nói mà không nghe.

Mớ tóc mai lộn xộn của bà ta đã ướt, dính nhớp vào cần cổ. Quần áo cũng thấm một mảng. Cửu nhăn nhó nhìn bóng người đàn bà quay lưng đi ngược vỉa hè tìm một căn nhà cửa mở trú tạm. Từng hạt mưa vỡ tan trên nền đường, tạo thành lớp bong bóng nước. Từ lúc bắt đầu mưa đến giờ, mực nước đã dâng cao ngập cẳng chân của Cửu. Mưa mau hơn hẳn bình thường, xem chừng…

- Á!

Bóng người đàn bà biến mất trong tiếng hét thất thanh. Cửu mở căng mắt, chỉ thấy một cánh tay quơ quào trên không trung, bàn tay còn lại bám chặt trên nền đất đến trắng bệch đầu ngón.

- Cứu! Cứu!

Cửu chạy về đằng trước, rồi đứng khựng lại. Nó không cần thiết phải đèo bòng thêm một kẻ mắc kẹt lúc này.

- Cứu! Cứu! Cứu!

Cẳng tay khua loạn xạ, ngày càng gấp gáp. Cửu liếm mép, nheo mắt nghĩ ngợi. Tiếng mưa vẫn ập từ trên đổ xuống, âm thanh kêu cứu của người đàn bà gần như đã bị át trọn. Không rõ nghĩ gì, con mèo già thở hắt một tiếng khó chịu, rồi bốn chân chạy vội về phía đằng trước. Quan sát tình hình, nó phát hiện người đàn bà bị rơi vào một chiếc hố đất không biết từ đâu, sâu phải đến hơn hai mét, chiều rộng lớn hơn thân người. Nước từ phía ngoài liên tục chảy xuống dâng đầy cái hố. Rõ ràng khi nãy Cửu không hề trông thấy thứ này. Chuyện kỳ quặc hơn nằm ở chỗ hố đất thế mà lại có một xoáy nước. Phải, một xoáy nước lớn cuồn cuộn sủi bọt xô tứ phía, cuốn chặt lấy nửa thân người đàn bà hút xuống.

Rào rào, rào rào. Mưa ngoài trời vẫn sầm sập, dội lớn trên những tầng mái tôn không có dấu hiệu ngừng lại .

Cửu dùng móng cào lấy một tấm vải rách vừa hay trôi dạt theo dòng nước, vặn xoắn thả xuống. Miếng vải không chịu được sức nặng đôi bên rách toạc làm đôi. Tiếng hét loạn của bà ta đã dần thay bằng tiếng thở dưới nước ùng ục. Từng đợt sóng nước xô vào người Cửu lại thêm lớp lông mao nặng trịch càng làm nó thêm mất sức.

Lúc này, Cửu dáo dác nhìn xung quanh, thoáng thấy một cành cây trôi ngược mạn đường. Nó đạp chân bơi về phía trước, đón cành cây dạt vào vỉa hè. Bàn tay bà ta túm vội một đầu, Cửu dùng hết sức bình sinh nghiến chặt răng giữ. Không rõ chuyện xảy ra kỳ thực thế nào, Cửu chỉ nhắm mắt nhắm mũi chịu đựng quai hàm như muốn rụng lìa ra. Khi mưa càng lúc càng lớn, dội thêm một đợt mới thì bà ta hổn hển trèo thoát khỏi hố nước.

- Mau. - Người đàn bà hất đầu về một căn nhà ngay tay trái trước mặt, sàn nhà tuy thấp nhưng chưa đến mức ngập.

Cả bà cả Cửu lập tức chạy vào bên trong lánh nạn. Người đàn bà run rẩy, dường như chưa hết hoảng sợ, đi thẳng rồi lập bập ngã khuỵu người xuống sàn. Cửu nhíu mày, quay người nhìn ra ngoài hiên: Nước đã ngập trắng xóa, không khác gì một trận đại hồng thủy. Kể cả có ngớt, thì với mực nước hiện tại cũng không thể tới chân thành trong ngày hôm nay.

- Cảm ơn mi nhé! - Một bàn tay từ đằng sau xoa loạn trên đầu Cửu.

- Khè! - Con mèo táp vào bàn tay bà ta. Móng sắc cào một đường đỏ ửng.

Nó láo liên nhìn một hồi vết thương, rồi dứt khoát quay đầu tiếp tục trông ra ngoài.

- Đấy! Đi đi. Mưa thế mi đi được thì đi đi. Đi thì đi nhanh để ta còn đóng cửa.

Con mèo vẫn không di chuyển bước nào.

- Mưa hắt hết rồi đây này. Ta đếm từ một đến mười, mi mà không đi là ta đóng cửa đấy. Kiểu người như mi thì làm gì có chuyện ăn dầm nằm dề cùng ai. Mưa như này không ngớt nội trong ngày đâu. Mi thích đi thì đi luôn đi.

Cổng Đoan Môn lối vào Hoàng Thành chớp nhoáng hiện lên đầu trong khi hơi lạnh và mùi sạn liên tục thổi từ bên ngoài.

- Một…

Cửu ngẩng đầu lên, nheo mắt chăm chú nhìn người đàn bà ướt từ đầu tới chân. Cớ gì bà ta lại đi theo nó? Bà ta theo đi theo từ khi nào? Mà tại sao lại không lên tiếng từ đầu? Nếu là người phe lão, tại sao lão lại muốn hại bà ta? Đơn thuần là tai nạn hay còn kế hoạch nào khác? Cửu hoàn toàn không có câu trả lời. Lại còn bắt nó lựa chọn. Mà rõ, chẳng có cái nào tốt cả. Phương án nào cũng tệ ngang nhau.

- Chín… Chín rồi đấy!
Con mèo vẫn đứng bất động.

- Chín rưỡi… Có đi không nào?

Tiếng mưa rơi ào ào. Thân lộc vừng đối diện căn nhà nghiêng ngả chịu trận.

- Chín phẩy bảy lăm… Chín phẩy bảy lăm lần hai… Chín phẩy bảy lăm lần cuối này…

Cửu không thèm nghe người phụ nữ, quay đầu tiến vào phía trong, mặc bà ta đứng huyên thuyên bên lề cửa.

- Mười! - Giọng bà ta vui vẻ và hớn hở hơn hẳn bình thường. - Ta đóng cửa đây này.

Dường như được đằng chân lân đằng đầu, bà ta ngồi xuống vươn tay vỗ đầu Cửu.

- Khè…

- Được rồi! Được rồi! Bước đầu thế là được rồi. - Mắt bà ta tít lên cong veo, hiện lên nếp nhăn mờ mờ ở đuôi mắt. - Mi đúng là thân lừa ưa nặng.

Người đàn bà để Cửu nằm dưới sập bàn ghế uống nước, tiến về chiếc tủ lạnh nằm trong góc phòng lục lọi. Căn nhà gạch ẩm thấp, tường đã hiện những ố đen lớn, lát gạch hoa màu vàng kiểu tập thể cũ cũng sứt sẹo ít nhiều. Cửu không lạ kiểu kết cấu này: Mặt tiền là quầy hàng buôn, sắp xếp những máy in cỡ lớn song song nhau, tiếp đến buồng tiếp khách, một lối cầu thang nhỏ hẹp tối om kéo lên tầng hai. Bàn thờ ông địa đặt sát ngoài cùng dãy cửa xếp sắt.

- Nào, nể nhà mi hôm nay đột nhiên nghe lời hơn hẳn bình thường ta sẽ cho mi chọn cơm trưa.

- Ăn gì nào? Cá nhé? À… Đồ hỏng cả rồi.

- Có lẽ phải đi tạp hóa một chuyến mèo ạ.

- Mi muốn ăn gì?

Bà ta ngó nghiêng rồi rời tủ lạnh, tiến đến phủ lên người Cửu một tấm khăn bông không biết từ đâu.

- Ăn gì nào? Cua nhé? Hay pate? Hay hạt bình thường? Nào…

- Chọn đi, không thì chỉ có cá kho thôi.

- Vẫn phải đi thật. Mưa quá. Từ lúc tới đây chưa khi nào ta thấy mưa thế này.

- Hẳn mấy nay nắng to. Gần đây thật lắm chuyện kỳ lạ. Có khi ta lại sắp thoát rồi chăng?

- Ôi thật mong mưa mau ngớt còn ra mua đồ.

Người đàn bà vẫn liến thoắng mồm không ngớt. Cửu nhìn đến ngứa tai đỏ mắt. Âm thanh từ ngoài dội vào, lại từ trong dội ra thay phiên nhau liên tục.

- Nào ta hỏi lại lần nữa này...

- Yến sào.

Giọt mưa men theo mái tôn rơi xuống hiên vỡ trên nền đất. Âm thanh trong căn nhà đột nhiên đặc quánh lại. Người đàn bà trông về phía Cửu, thấy miệng con mèo khớp từng tiếng rõ mồn một:

- Ta nói ta muốn ăn yến sào.
----------------------------
Chú thích:
(6) Chữ "khẩu": Dạng phồn thể là chữ 口. Ý chỉ hình vuông kín bốn mặt.
(7) Hoành phi: Bức thư họa. Tấm biển gỗ hình chữ nhật treo trên cao bên ngoài gian thờ, đình, viện… Thường đi kèm một cụm “Hoành phi câu đối”.
(8) Hội quán: Nhà của một đoàn thể, là nơi để hội họp hoặc các hội viên gặp gỡ nhau. Cụ thể ở đây là hội quán dành cho người Hoa Kiều.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

_hONG_aHN_

Gà cận
Tham gia
26/10/21
Bài viết
307
Gạo
48,0
Sau ba chương thì tui cũng ngoi lên đây để cầm con dao cùn mổ xẻ một tí nè :)).
Điều đầu tiên (và duy nhất) mà tui nghĩ được là... rất chậm, không biết là mạch truyện chậm hay là giọng văn của bồ đen đến cảm giác từ tốn nữa. Nhưng không hiểu sao nữa, tui lại thấy đây là một điểm đặc biệt :>>> vì bồ kể theo góc nhìn của Cửu, một con mèo già sống đến chín trăm năm rồi mà, có lẽ đối với nó ngày nào cũng trôi qua dai dẳng, thế thôi.
Kiểu người như mi thì làm gì có chuyện ăn dầm nằm dề cùng ai.
Tui hơi nghi nghi về câu này. Giả là bà thầy bói đã biết được Cửu có thể nói tiếng người, nhưng đoạn cuối á, bồ viết là bà í ngạc nhiên đến mức im bặt cơ mà, nên chắc là viết sai rồi nhỉ =)))))))))))))))))).
Kết lại thì tui vẫn ngồi đây chấm hóng nhé bồ :)))))))))))))))).
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Sau ba chương thì tui cũng ngoi lên đây để cầm con dao cùn mổ xẻ một tí nè :)).
Điều đầu tiên (và duy nhất) mà tui nghĩ được là... rất chậm, không biết là mạch truyện chậm hay là giọng văn của bồ đen đến cảm giác từ tốn nữa. Nhưng không hiểu sao nữa, tui lại thấy đây là một điểm đặc biệt :>>> vì bồ kể theo góc nhìn của Cửu, một con mèo già sống đến chín trăm năm rồi mà, có lẽ đối với nó ngày nào cũng trôi qua dai dẳng, thế thôi.

Tui hơi nghi nghi về câu này. Giả là bà thầy bói đã biết được Cửu có thể nói tiếng người, nhưng đoạn cuối á, bồ viết là bà í ngạc nhiên đến mức im bặt cơ mà, nên chắc là viết sai rồi nhỉ =)))))))))))))))))).
Kết lại thì tui vẫn ngồi đây chấm hóng nhé bồ :)))))))))))))))).
:tho128::tho128::tho17::tho10::tho26::tho1::tho3::tho23:
Trời mẹ :))))) tưởng like dạo cho tui hoi mà đọc thiệt lun hả :))))))))) Hầy, rất chậm thì nghe vẻ :)))))... hơi có vấn đề nhỉ :))))))))))) Ủa cơ mà tui đọc á bồ :))))) còn tưởng nhịp bị nhanh ấy, nghe cục giật như nhạc EDM :)))))))) Chắc chạy tình tiết hơi chậm nhỉ :>>>>> tính ra 3 chương mà còn chưa ra cái thể gì :))))) Cũng có khi chạy nội tâm hơi nhiều, hoặc là tui tham tả nhiều quá, nên là :)))) cái quái gì nó cũng bị đãi bôi ra :)))))) Để bạn bé suy nghĩ xem cắt gọt thêm lần nữa ~~~ Yêu bấy bì nhiều nha :>>>> Động lực viết bài đây òi :>>>>>
 

_hONG_aHN_

Gà cận
Tham gia
26/10/21
Bài viết
307
Gạo
48,0
:tho128::tho128::tho17::tho10::tho26::tho1::tho3::tho23:
Trời mẹ :))))) tưởng like dạo cho tui hoi mà đọc thiệt lun hả :))))))))) Hầy, rất chậm thì nghe vẻ :)))))... hơi có vấn đề nhỉ :))))))))))) Ủa cơ mà tui đọc á bồ :))))) còn tưởng nhịp bị nhanh ấy, nghe cục giật như nhạc EDM :)))))))) Chắc chạy tình tiết hơi chậm nhỉ :>>>>> tính ra 3 chương mà còn chưa ra cái thể gì :))))) Cũng có khi chạy nội tâm hơi nhiều, hoặc là tui tham tả nhiều quá, nên là :)))) cái quái gì nó cũng bị đãi bôi ra :)))))) Để bạn bé suy nghĩ xem cắt gọt thêm lần nữa ~~~ Yêu bấy bì nhiều nha :>>>> Động lực viết bài đây òi :>>>>>
Đương nhiên là tui đọc chứ, dạo này đang dính quả bí nên mò đọc thử =)))))))). Chậm, nhưng mà đặc sắc :>>> mà lúc tui viết xong 1 chương đọc lại cũng nhanh nhanh chậm chậm giật cục như vậy, thế mà đưa cho đứa bạn đọc thử nó bảo hay :)) có vẻ như mình biết cả đầu cả kết của 1 chương rồi thì chỉnh sửa nó đem lại cảm giác nhàm nhàm sao í =)). Theo cảm nghĩ của tui thì tả, nội tâm với tình tiết truyện, tuy ổn áp nhưng ghép lại nó có vẻ không ăn rơ với nhau mấy á. Cố lên nha, tui ngồi xổm ở đây vừa hóng vừa nặn ý tưởng =))).
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Đương nhiên là tui đọc chứ, dạo này đang dính quả bí nên mò đọc thử =)))))))). Chậm, nhưng mà đặc sắc :>>> mà lúc tui viết xong 1 chương đọc lại cũng nhanh nhanh chậm chậm giật cục như vậy, thế mà đưa cho đứa bạn đọc thử nó bảo hay :)) có vẻ như mình biết cả đầu cả kết của 1 chương rồi thì chỉnh sửa nó đem lại cảm giác nhàm nhàm sao í =)). Theo cảm nghĩ của tui thì tả, nội tâm với tình tiết truyện, tuy ổn áp nhưng ghép lại nó có vẻ không ăn rơ với nhau mấy á. Cố lên nha, tui ngồi xổm ở đây vừa hóng vừa nặn ý tưởng =))).
ai dà :))))))) chắc là đọc nhiều quá nó bị bão hòa cảm xúc :)))))))) Bé xin lời cổ vũ nè ~~~ ghép truyện lại bị lệch lạc hẻ, khó hỉu quá nhỉ TT Để tui ngẫm xem nó bị trục trặc đâu hả, cái nì thì tui chưa hình dung ra TT ~~~ cơ mà *ôm ôm * cám ưn nhá nhả nhà nha :>>>>
 

Mạc Chẩm

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
21/10/14
Bài viết
194
Gạo
1,0
Hoá ra bé Ấp đăng truyện ở đây. :>
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Hoá ra bé Ấp đăng truyện ở đây. :>
Dồi ôi :)))) Em có đăng fb mà!!!! Chả qua :)))) thiên vị cho khu này sớm hơn thôi :)))))))) Mà chị bão em thế :)))) em giật mình :)))))) nhưng mà phê nhé :)))))))) Rất phê ạ :))))))
 
Bên trên