Thảo luận Đạo văn, câu chuyện về tác giả và thợ vẽ

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Re: Đạo văn, câu chuyện về tác giả và thợ vẽ
"hay thì xem, chả cần biết nó là hàng ăn cắp hay không"
Mình chưa đọc truyện cũng như xem phim TSTT nhưng đọc được bài này của bạn thì phải xông ngay vào quote vì bức xúc quá lâu cái vụ này rồi. Thực sự mà nói, cái câu trong ngoặc kép mình vừa trích lại chỉ thể hiện một mặt bằng dân trí quá thấp, thấp đến nỗi không phân biệt được phải trái đúng sai. Cái kiểu này thể hiện không chỉ lĩnh vực văn, nhạc đâu mà còn nhiều nhiều thứ khác. "Mình thích thì mình làm thôi", thích thì đạo, miễn hay là được, thích thì cặp bồ, miễn vui là được, thích thì chặt tay cướp của vì ai bảo nó khoe ra. Chuyện ăn cắp đạo nhái ở đâu cũng có thôi nhưng ít chỗ nào mà ngang nhiên, công khai (và được ủng hộ) như ở VN (và TQ?). Kỳ quái một điều là nếu 1 người làm điều xấu thì đó là điều xấu, 1000 người làm điều xấu thì đó là thực trạng xã hội phải chấp nhận còn 1 triệu người làm điều xấu thì đó là văn hoá cần tôn trọng? :))
Như bạn gì nói ở trên, trùng ý tưởng, lấy cảm hứng khác hẳn với sao chép câu chữ, văn phong, hay sao chép nguyên giai điệu/ beat trong nhạc. Không bị vạch mặt thì tươi cười nhận là tác phẩm của mình, bị vạch mặt vẫn tươi cười nhận là của mình nhưng thòng thêm câu "hay là được rồi, quan tâm gì mấy chuyện khác".
Thế cho nên ngành sáng tác của VN nó mới èo uột và chẳng có cái gì đột phát suốt bao nhiêu năm qua vì vật vã khổ công sáng tác làm cái gì trong khi dễ dàng lấy 1 thứ đã thành công tầm thế giới, mang về đảo lại, thêm tý gia vị mắm muối rồi nhận là của mình là xong. Vừa nhanh gọn vừa dễ thành công mà không tốn sức. Một số tiếng nói yếu ớt chống lại chuyện đạo nhái thì bị vùi dập không thương tiếc, không chống lại nổi đám đông quá hung hãn và nguy hiểm. Đôi lúc đọc báo chỉ biết thở dài :(.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Huyền Nhâm

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
22/9/14
Bài viết
1.902
Gạo
5.662,0
Re: Đạo văn, câu chuyện về tác giả và thợ vẽ
Kỳ quái một điều là nếu 1 người làm điều xấu thì đó là điều xấu, 1000 người làm điều xấu thì đó là thực trạng xã hội phải chấp nhận còn 1 triệu người làm điều xấu thì đó là văn hoá cần tôn trọng?
Quá buồn... :(
Giờ là thời đại của người sáng tác vô sỉ và độc giả/ khán giả vô tâm. :(
 

VRSS

Gà con
Tham gia
28/2/17
Bài viết
9
Gạo
0,0
Re: Đạo văn, câu chuyện về tác giả và thợ vẽ
Mình đọc cũng hơi nhiều, đủ thể loại truyện và sách; còn tác giả thì Ta, Tây, Tàu, cả Châu Phi, Ấn Độ, ... nữa; từ cổ chí kim.
Nên khi bắt đầu viết truyện, rất lo sợ chuyện "đạo trong tiềm thức". Hôm nay rãnh rỗi vô xem topic này, ha ha, lại càng lo lắng hơn.
Thôi thì cứ viết, khi nào bị "tố" hẳn hay.
 

Tư Uẩn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/3/17
Bài viết
120
Gạo
0,0
Re: Đạo văn, câu chuyện về tác giả và thợ vẽ
Cái này mình cũng gặp hoài nè. Kiểu như hôm trước mình mới viết một câu sặc mùi "triết lý" xong. Vài hôm sau thấy một chị bạn của bạn mình cũng viết một bài truyện ngắn có câu y hệt của mình. Mình không bảo chị ấy cop hay gì gì cả. Chỉ là cùng ý tưởng thôi. Lúc gặp cũng thấy hay hay. Vì có cảm giác hai người cũng suy nghĩ ấy.
Mặt khác mình cũng hay gặp thêm vụ này nữa nè. Lâu lâu đọc linh tinh trên fb, có một vài câu nói thực sự gây ấn tượng, khơi dậy cảm xúc nữa. Rồi mình thích câu đó nên viết luôn một cái tản xoay quanh nó, và dùng nó để làm kết câu. Mình chỉ đặt câu đó trong kép thôi, vì không biết ai thực sự là tác giả. Tiêu biểu như một cái tản của mình. Cái câu "hóa ra em không yêu anh nhiều đến thế" không phải mình là người đầu tiên nói ra. Hay mình cũng có một cái tản khác, xoay quanh câu nói "Cám dỗ không phải lý do để ngoại tình."
Nghĩ nghĩ, có khi nào mình cũng bị tính là đạo? :-s
Một câu nói hay sẽ luôn được dùng. Chỉ cần bạn trích rõ, một câu nói vô tình đọc được là được rồi.:)
 

Tư Uẩn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/3/17
Bài viết
120
Gạo
0,0
Re: Đạo văn, câu chuyện về tác giả và thợ vẽ
Dạo này trên facebook đang ầm ĩ vụ tác giả Đường Thất đạo văn. Mình thì không đọc truyện của tác giả này, nhưng cũng vì ầm ĩ quá nên có ngó qua mấy bài phân tích của người đọc. Đại loại vụ "đạo" này là có thực đến 80% rồi.

Các fan thì nhìn nhau ca thán. Các antifan thì được thể hùng hồn biện luận. Người chẳng phải fan, cũng chẳng anti như mình thì suy nghĩ thật nhiều.

Người thì kêu là, đạo cả giọng văn. Nhưng cái này còn phụ thuộc nhiều vào người dịch, nên khó xét. Người thì kêu đạo cả cốt truyện. Người thì bảo không đến nỗi, chỉ đạo tình tiết thôi. Người lại quan tâm đến thái độ của Đường Thất khi bị tác giả gốc phát hiện ra truyện của họ bị đạo.

Chuyện này làm mình liên tưởng đến một vụ án trong truyện Thám tử lừng danh Conan tập 5. Nhóm bạn dăm người chơi với nhau. Một cô gái trong đó có mơ ước làm nhà văn, đã dồn rất nhiều công sức để viết ra một tác phẩm tâm huyết có tên là: "Đất nước màu xanh". Sau đó một thời gian, cô đột nhiên treo cổ tự tử chết. Nguyên nhân là vì, người bạn thân trong nhóm cô vừa đạt giải thưởng Văn học trẻ với tác phẩm "Vương quốc xanh" có nội dung y hệt với "Đất nước màu xanh" của cô.

Bị ăn cắp chất xám, đúng là kinh khủng.

***

Cũng vụ "đạo" này lại liên quan đến một chuyện riêng của mình ngay mới đây.

Mình mới sửa lại một truyện đang viết dở, quyết định viết lại từ đầu, đổi hướng sang thể loại 18+. Tình tiết thì cũng bình thường thôi. Một chút trải nghiệm thực tế của mình. Một chút trải nghiệm thực tế của bạn mình. Một chút quan điểm sống cá nhân. Một chút hư cấu. Và rất nhiều hy vọng. Thế là thành.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn, nếu như trong quá trình lướt facebook, mình không phát hiện ra một truyện trên trang của diễn đàn Lê Quý Đôn, mà đọc qua văn án, cảm thấy nó giống truyện của mình đến 50% về tình tiết.

Mình rất bất ngờ. Đó là truyện mới, chưa kể đến việc mình rất lười đọc, thì mấy truyện có những từ "tổng tài", "tổng giám đốc", "cô vợ", "thiếu gia", "ác ma" v.v... gì đó không bao giờ mình rớ vào. Nên không thể có chuyện mình bị ấn tượng những tình tiết đó để rồi vô thức đưa vào truyện mình được. Chỉ có thể là trùng hợp.

Nhưng... nếu mình viết xong truyện của mình, đưa lên, liệu có bị coi là đạo tình tiết không?!

Chuyện đời thường không ai giống ai, nhưng những biến cố lớn của cuộc đời, thì lại chẳng có quá nhiều để mà xa lạ. Không phải kinh dị, không phải trinh thám, không có yếu tố thần bí, mình cảm thấy thật bế tắc trước thứ gọi là "sáng tạo" bây giờ...

Thay vì đổ lỗi cho trùng hợp, chỉ biết tự buồn mình đã không nghĩ ra được thứ gì đó khác biệt hơn so với người ta... :(

***

Nếu tác phẩm đó là đồ ăn cắp, thì dù nó có hay đến đâu cũng không thể được chấp nhận.

Vì cảm giác bị lừa dối.

Trong truyện tranh nhóc Miko có câu chuyện thế này:

Lớp Miko có bài tập vẽ tuyên truyền phòng chống cháy nổ. Miko vì quên mất nên sát ngày mới làm bài, nhăng cuội cho xong. Đến lớp mọi người đều vẽ rất đẹp và công phu. Trong đó có bài của một cậu bạn vẽ đẹp nhất lớp, tên Izawa, cực kỳ pro. Theo như lời cậu thì phải mất cả kỳ nghỉ để nghĩ ý tưởng, mất cả tuần để tô màu. Miko nhìn vào không khỏi cảm thấy ngượng vì sự cẩu thả của mình, không dám nộp bài, mà xin thầy cho nộp vào ngày hôm sau.

Tối đó, vì nghĩ đến Izawa và bức tranh siêu đẹp của cậu ta, Miko ra sức tỉa tót, vẽ lại, tô bài vẽ của mình sao cho tốt hơn, đến hết mức có thể. Cô bé rất hài lòng với thành quả của mình. Nào đâu tối đó, mẹ Miko tưởng cô bé thích đề tài phòng cháy chữa cháy nên cho cô bé mượn cả một tập catalogue các bức tranh tuyên truyền. Trong đó, Miko nhận ra một bức trông y hệt bức vẽ của Izawa.

Cô bé rất sốc, còn cố vớt vát hỏi mẹ là cái này xuất bản năm nào. Mẹ cô trả lời, lâu rồi.

Hôm sau, Miko đến lớp, nộp lại tranh cho thầy, được thầy khen ngợi là em thật có tâm với bức vẽ. Sau đó, thầy chọn tranh của Izawa dự thi. Tan học, Miko chặn đường Izawa, ở nơi chỉ có hai người, cô hỏi cậu: "Có phải bức tranh đó, cậu nhìn ở đâu rồi vẽ lại đúng không?". Izawa giật mình: "Không có chuyện đó!". Miko lúng túng còn đem cả cuốn catalogue theo để cho Izawa xem. Izawa nhìn thấy, bối rối nói, chỉ là trùng hợp thôi, rồi bỏ đi. Miko còn chưa kịp phản ứng thì một cậu bạn thân khác của Miko nhìn thấy cuốn catalogue đó, kêu toáng lên. Miko yếu ớt nói: "Izawa bảo đó chỉ là trùng hợp!" - "Giống đến cả câu chữ, cả màu sắc thế này mà trùng hợp cái gì!" Lúc này Miko mới thốt lên, ừ nhỉ, rồi đuổi theo Izawa.

Izawa thấy Miko đuổi theo mình thì vênh mặt khó chịu: "Sao? Muốn mách thầy hả?" Miko không trả lời, chỉ rưng rưng nói: "Tôi không thèm. Lúc nhìn thấy bức tranh đó, tôi đã thực sự xúc động. Tôi đã luôn nghĩ, nó thật đẹp. Vì nó, tôi đã bỏ công cả buổi để sửa lại tranh của mình cho tốt hơn..."

"... Nào đâu, nó lại chỉ là đồ ăn cắp!"

Cô bé bỏ đi, Izawa lúc này mới nghĩ lại. Đúng là cậu đã ăn cắp. Chỉ vì cậu không thể nào nghĩ ra được đề tài gì trong suốt cả kỳ nghỉ...

Hôm sau, Izawa một mực xin thầy trả bức tranh cũ, đổi sang một bức mới. Cậu đã thức cả đêm để vẽ một bức mới, dù không đẹp bằng. Thầy dù rất tiếc nhưng cũng phải trả tranh lại cho Izawa. Còn Izawa cảm thấy rất nhẹ nhõm, cuối cùng cũng đã nở được nụ cười từ đáy lòng.

***

Hồi xưa mình quen một anh bạn vẽ rất đẹp, tiến bộ rất nhanh. Ở cái thời truyện tranh Việt còn hoang sơ, thật khó để tìm ra một người có tài như bạn ấy.

Bạn ấy thừa sức để vẽ phối cảnh, vẽ nhân vật, đi nét hay làm hiệu ứng. Nhưng truyện của bạn lại không được đánh giá cao. Một người chị của mình bảo là, tài năng ấy chỉ có thể dùng để vẽ minh họa, hoặc làm thợ vẽ mà thôi. Vì bạn này không biết cách thể hiện mình trên trang giấy. Không biết vẽ ra một câu chuyện hoàn chỉnh. Càng không biết đưa câu chuyện của mình đến với người đọc. Đó là khoảng cách giữa một "tác giả" và một "thợ vẽ". Tác giả, nắm giữ phần hồn của tác phẩm. Còn thợ vẽ, chỉ biết chắp ghép, chỉnh sửa, làm cho thật đẹp, nhưng vô hồn. Đó là lý do tại sao bên Nhật, rất nhiều trợ lý vẽ còn đẹp và nhanh hơn tác giả nhiều. Nhưng họ mãi mãi vẫn chỉ là trợ lý, không thể làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh cho riêng mình được.

Quay lại vụ đạo văn. Nhiều bạn nhận xét Đường Thất viết rất hay, so với bản gốc bị đạo thì hơn nhiều. Nhưng những tác phẩm sau này lại kém dần.

Ôi tác giả, và thợ vẽ...! :(
Khi mình nghe một bài hát hay, nội dung nói về anh chàng này cứ gặp người con gái nào đẹp hơn là lại yêu và rất nhanh chán. Sau đó mình nảy ra câu truyện về một anh chàng có tính cách như vậy. Vậy có bị coi là đạo ý tưởng không?
 

Mạt Họa

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/5/14
Bài viết
255
Gạo
774,0
Re: Đạo văn, câu chuyện về tác giả và thợ vẽ
Ba năm rồi, kể từ khi vụ đạo của Đường Thất bị phanh phui ở Việt Nam, kể từ khi em không còn là fan cuồng.

Ba năm trước, sau khi biết chân tướng vụ đạo, em đứng giữa hai bên, chẳng còn là fan mà vẫn chưa ghét ĐT. Còn giờ thì... sau khi có can đảm đọc lại những bài liên quan đến từ khóa "Đường Thất đạo văn", biết ĐT đạo nhiều, thái độ trơ trẽn tráo trở ra sao, thấy lí lẽ của fan bênh ĐT bất chấp tất cả thì em chuyển hẳn sang tẩy chay. Thật ra chuyện đơn giản lắm. Đạo văn là hành vi ăn cắp văn, mà ăn cắp là sai trái, sai trái thì phải tẩy chay. Thế thôi. Với tư cách là một người bình thường có não và lương tâm, em tẩy chay hành vi ăn cắp trục lợi, còn chửi nạn nhân, tỏ ra như mình không có lỗi. Với tư cách là một người thích đọc và thích viết, em càng căm thù hành vi đạo văn ấy.

Đọc những tác phẩm bị đạo như Đào hoa trái của Đại Phong Quát Quá, hay Hoàn khố, Tư phàm, Diễm quỷ của Hoan Hỉ Công Tử, Nhập cốt tương tư tri bất tri của Khốn Ỷ Nguy Lâu, em mới biết cái giống ấy không như mọi người tưởng, không phải chỉ đơn giản là trùng ý tưởng thôi đâu. Mà là giống từ cấu tứ truyện, hình ảnh mang tính biểu tượng như hoa đào, xúc xắc gắn đậu tương tư, như cái kết hai người gặp lại nhau trong vườn đào ở cuối truyện sau khi trải qua sóng gió; từ hình tượng, tính cách, ngoại hình, địa vị nhân vật trong lục giới: Bạch Thiển là Tống Dao bên Đào hoa trái, Dạ Hoa là Không Hoa bên Diễm quỷ, Đông Hoa là Úc Dương Quân, Phượng Cửu là nhái từ nhân vật nữ phụ cùng Văn Thư bên Tư phàm, Liên Tống là Lan Uyên bên Hoàn khố...; từ một loạt các ý nhỏ tạo nên khung xương, những sự việc diễn ra xung quanh nhân vật cho đến những chi tiết cao trào như nhảy Tru Tiên đài cũng là bê nguyên si từ Tư phàm, mối tình xúc xắc gắn đậu tương tư cũng là nhái lại Nhập cốt tương tư tri bất tri; những câu nói vụn vặt của nhân vật cũng là bê y hệt. Đọc mà em sốc, mà em thấy cái mớ em từng thích chỉ là mớ chắp vá vụng về không hơn, chẳng có chút hồn của một tác phẩm đáng có.

Mà ĐT không chỉ đạo thôi đâu, còn chửi nạn nhân bị đạo cơ mà. Hoa tư dẫn đạo truyện Cố Mạn, Cố Mạn vẫn bị chửi như thể chị mới là kẻ cắp không bằng. Tam sinh đạo Tư phàm, ĐT cùng fan chửi Tư phàm mới đạo Tam sinh. Tam sinh đạo Đào hoa trái, vậy mà khi cuốn truyện đạo văn ấy xuất bản, ĐT gửi một bản đến cho Đại Phong như để thị oai, như có ý: "Tao ăn cắp nhưng vẫn có kẻ mua, mày sáng tác chân chính nhưng thiên hạ ai thèm? Có cần tao giúp không?", rồi thốt "Đạo mẹ mày!" dù Đại Phong chính là người nói giúp ĐT. Một người như thế đáng được bênh vực sao? Còn Đại Phong thì sao? Viết lách chỉ vì đam mê, xui xẻo bị kẻ cắp dòm ngó, chửi rủa, công bằng chẳng thể đòi lại, vậy mà vẫn có người bênh kẻ kia, chửi chị đấy. Năm 2015, admin trang Đờ Mờ Confessions tập hợp tâm thư của fan Việt gửi đến weibo Đại Phong, chị ấy xin lỗi vì đã làm fan phải bận lòng. Ôi, một con người như thế. Một con người như thế!

Bênh vực kẻ cắp, giữ cái tư tưởng "đạo chẳng sao, miễn hay là được" và ủng hộ rác phẩm đạo văn chẳng khác nào gián tiếp giết chết những tác giả chân chính, những tác phẩm chân chính!
 
Bên trên