Xôm tụ quá nhỉ. Cho mình tám với!
Trước hết, phải nói Truyện Kiều là một tuyệt tác của nền Văn học Việt Nam, và cụ Nguyễn Du cũng chính là một bậc kỳ tài. Mình nhớ nhất những câu mở đầu và đoạn kết của truyện Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau." - "Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần, phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao" - "Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/ Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh." Toàn bộ truyện Kiều đều có thể tóm lược trong những dòng viết ấy.
Đọc tác phẩm nào, các bạn cũng nên đặt cái nhìn của mình trong tầm thời đại ấy. Không thể lấy cao mà phán thấp, lấy nay mà phán xưa, lấy hiện đại mà phán phong kiến được. Hồi trước, mình cũng... ghét Kiều lắm. Người đâu mà cả tin dễ sợ. Nhưng rồi dần dần, nghĩ lại, thấy nàng ta đáng thương hơn là đáng giận. Truyện Kiều không phải là một truyện ngôn tình cổ đại, hay do một tác giả hiện đại viết ra, nên chắc chắn cá tính, tư tưởng của nhân vật chỉ có thể tiêu biểu cho thực tế thời đại ấy.
Thứ nhất, bạn nói sẽ giải oan cho cha? Giải bằng cách nào? Dân đen thấp cổ bé họng, nếu đã bị vu oan giá họa, mà trong truyện là bọn sai nha vơ vét, cố ý bắt chẹt gia đình họ Vương để moi tiền, "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" thì biết làm sao được? Không có tiền đút lót thì bị tống vào thiên lao, tra tấn, đày đọa, thậm chí giết chết, nên tất nhiên nếu Kiều muốn cứu cha thì chỉ còn cách kiếm tiền mà đút lót. Mà trong thời gian ngắn, mà kiếm được số tiền lớn, thời đó hẳn chỉ có thể bán mình.
Thứ hai, Mã Giám Sinh mua Kiều, mình nhớ không nhầm ban đầu là bảo rằng mua về làm thiếp. Ai cũng đều nghĩ thế, nên Kiều mới đồng ý. Ai dè gặp thằng bẩn bựa, nó tống mình vào lầu xanh. Một thân gái liễu yếu đào tơ, bị lừa bán vào tay lũ lang sói, như vậy, đến cả thời hiện đại còn phải chịu nhục chờ công an cứu về, nữa là hồi đó lầu xanh còn được kinh doanh hợp pháp.
Hồi đầu, Kiều không chịu tiếp khách, (rất logic, vì nàng bán mình làm thiếp cho một người chứ không hề có ý định bán thân làm gái cho muôn người) nhưng rồi bị Sở Khanh lừa nên mới đồng ý tiếp khách. Thực ra đoạn này mình vẫn chưa hiểu lắm, tại sao sau khi bị Sở Khanh lừa nàng lại trở nên cam chịu. Nhưng mình cho rằng, Sở Khanh là con bài của Tú Bà, vừa đẩy Kiều vào tình cảnh chạy trốn bị bắt quả tang, vừa muốn giết chết mọi hy vọng thoát khỏi nơi đây của nàng. Khi bản thân đã không còn niềm tin, không còn hy vọng, thì Kiều chỉ có thể nhắm mắt đưa chân.
Đến khi gặp Thúc Sinh, thì việc Kiều lại về làm thiếp cho chàng ta, cũng vẫn logic. Sau khi đau đớn ê chề ở nhà thổ, nếu vẫn có người đàng hoàng chuộc ra, thì liệu có ai từ? Nữa là trong truyện, Thúc Sinh được tả là cũng khá ăn ý và đối tốt với Kiều. Mình không nghĩ làm thiếp cho Thúc là nhục. Kiều chỉ đau khổ khi đã ra khỏi chốn nhơ nhớp đó, mà vẫn chẳng thể được sống tiếp những ngày bình yên.
Hoạn Thư không phải nhân vật phản diện hoàn toàn. Mình nhớ nàng được miêu tả: "Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già". Tức là người đàn bà thông minh, sắc sảo, ăn nói cư xử thấu tình đạt lý chứ không phải người độc ác. Đối với vị thế (vợ cả, dòng họ Hoạn danh giá) thì việc chồng ăn vụng lại còn không chùi mép làm sao chịu cho được? Nên khi Hoạn Thư ghen, bắt cóc Kiều về làm con ở, dằn mặt cả chồng cả lẽ, mình cũng cho là điều phù hợp với tính cách của nàng. (Đọc Hồng Lâu Mộng còn thấy Hy Phượng đánh ghen dã man hơn. Phượng Ớt và Hoạn Thư hình như khá giống nhau). Chính Kiều cũng hiểu điều đó, nên khí báo ân báo oán tới Hoạn Thư, khi Hoạn nói rằng "Rằng tôi chút dạ đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình", Kiều liền bỏ qua ngay, không truy xét nữa.
Lúc gặp Từ Hải, lần này, chỉ có thể nói rằng, là Từ xui, cực kỳ xui, hay là ông trời đã không đứng về phía Từ, nên mới để chàng gặp Kiều. Từ Hải dù đầu đội trời, chân đạp đất, nhưng đứng trong thời thế đó, đã chống triều đình thì vẫn chỉ là quân... ăn cướp, phiến loạn. (Hic, xin lỗi anh Từ). Hơn nữa, nhi nữ sao hiểu việc quân, nàng chỉ ngây thơ cho rằng nếu quy phục triều đình, ăn sung mặc sướng, ngày đêm không lo sợ bão táp mưa sa, không phải nớm nớp lo có ngày bị đao kề kiếm cận, thì còn gì bằng. Dù có anh dũng đến mấy, nhưng cũng chỉ là giặc, đã giết hại quá nhiều người, thì cũng chẳng vinh quang gì. Đã vậy, Hồ Tôn Hiến còn biết đúng chỗ chí mạng của Kiều để đánh vào, đó là nỗi nhớ nhà và mong mỏi gia đình đoàn tụ. Chống sao cho nổi?! Tâm ý của Kiều tốt, nhưng lại không đặt đúng chỗ, vậy nên khi Từ Hải chết, chàng vẫn không trách Kiều. (Từ Hải chết đứng, khi Kiều chạm vào mới mềm ra). Chỉ có thể nói rằng, đây đúng là ý trời!
Đại khái nói ra thì dài dòng, nhưng từ đầu đến cuối, Kiều mới chính là người đau khổ nhất. Có tài, có sắc, nhưng phận bạc. Phải dứt bỏ tình đầu, phải chịu nhục nhã về tinh thần cũng như thể xác, phải ôm nỗi day dứt muôn đời không thể xóa bỏ, đến khi gặp lại người xưa thì dù còn tình nhưng không dám tiến... Tất cả chính là cái nghiệp mà nàng phải mang, như lời Nguyễn Du nói. Thân cô thế cô, một mình lưu lạc, dù nàng có yếu đuối, có cả tin, có nhu nhược, nhưng đó mới chính là thực tế.
Đời nàng không phải một cuốn ngôn tình mà đi ra gặp người tốt, đi vào gặp ân nhân. Nên xét theo khía cạnh nào, nàng vẫn là đáng thương hơn đáng trách.