Hoàng đế - Tạm dừng - Đông Dương

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

phonglinh01122004

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
28/4/15
Bài viết
80
Gạo
400,0
Tên truyện: HOÀNG ĐẾ
Tác giả: Đông Dương
[THÔNG BÁO]
Chủ đề tạm thời bị khóa theo yêu cầu của tác giả

Tình trạng sáng tác: Hoàn thành phần I, II
đang viết phần III, IV, V

Tình trạng đăng: Cập nhật

Lịch đăng: Không cố định

Thể loại: Tiểu thuyết dã sử, phiêu lưu, kì ảo

Độ dài: 6 phần (Phần I + II: 100.000 từ)

Giới hạn về độ tuổi: Không

Cảnh báo về nội dung: Không

GIỚI THIỆU
Các bạn nghĩ sao về "đạo mộ" đặt trong bối cảnh Việt Nam cổ đại?

Và trung tâm của những chuyến phiêu lưu là một nhân vật tiếng tăm lẫy lừng trong lịch sử?


"Cô sinh viên Khánh Du xuyên không về quá khứ, nhập vào xác một nàng công chúa không may đã qua đời. Sau khi bị ép hôn thì cô nàng đào tẩu rồi gặp nam chính (từ đâu tới cuối đều do anh chàng này sắp đặt cả).

Rồi hai người "dắt tay nhau" đâm đầu vào "những chuyến phiêu lưu lội ngược dòng lịch sử dưới hàng trăm thước đất". Mà nói trắng ra là đi sục sạo mộ phần của mấy ông vua quá cố. Nam chính làm việc này một phần để thực hiện giấc mộng đế vương của anh ấy. Nhưng trên hết là vì một mục tiêu lớn lao hơn (cái này mình không thể tiết lộ).

Trong "Hoàng đế", nam chính sẽ không vì nữ chính mà chệch mục tiêu, cùng lắm là anh đổi sang đi đường vòng, mất thời gian một tẹo. Nữ chính cũng không phải con chim sẻ yếu ớt núp dưới cánh đại bàng, điều cô muốn là cùng người mình yêu bay lên đón đầu cơn bão.

Trong quá trình "lội ngược dòng lịch sử", hai bạn trẻ đã tìm ra sự thật đằng sau những truyền thuyết, những câu truyện dân gian quen thuộc: Lê Lợi trả gươm, Tản Viên Sơn Thánh, Tây Thiên Quốc Mẫu, An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Cột đồng Mã Viện,...

Hay những câu chuyện tình tréo ngoe: Mị Châu-Trọng Thủy, Trần Cảnh - Phật Kim, Hùng Chiêu Vương - Ngọc Tiêu,...

Và tất nhiên, hai bạn trẻ cũng phải đối mặt với trùng trùng nguy hiểm. Những kết cấu phòng trộm lắt léo trong mộ cổ. Những yêu linh, dị thú: Xích tùng, dạ đồng, thủy linh xà, ngọc diêm lang, thi linh,...

"Hoàng đế" sẽ đưa bạn về với non thiêng Yên Tử, dạo vòng quanh Loa Thành, lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long, trầm mình giữa khói mây Tam Đảo, cúi đầu trước Tản Viên - ngọn núi tổ linh thiêng. Và điểm cuối cùng của hành trình, là rừng nguyên sinh kì bí, với hang động vạn năm, nơi mà bí mật vĩ đại nhất Âu Lạc được phơi bày
.


Câu chuyện tôi sắp kể có tới chín phần hư cấu. Nhưng tôi hy vọng chín phần này sẽ khiến bạn hài lòng!

MỤC LỤC
Mở đầu
Phần I: Đông Triều núi Bạch Vân
Chương 1: Kẻ bịp bợm
Chương 2: Danh hiệu hoàng đế

Chương 3: Tháo cũi sổ lồng
Chương 4: Đại bàng gãy cánh
Chương 5: Ngục Đề Lãnh

Chương 6: Khúc dạo đầu be bét
Chương 7: Lya Mây
Chương 8: Đêm giữa đại ngàn
Chương 9: Trên đỉnh Phù Vân
Chương 10: Kho báu và thầy mo
Chương 11: Ma quỷ
Chương 12: Dòng thác biến mất
Chương 13: Một đế chế
Chương 14: Dạ đồng
Chương 15: Mười tám vị La Hán
Chương 16: Ngã ba đường
Chương 17: Vũ khúc tử thần
Chương 18: Tơ lòng
Chương 19: Mật thất
Chương 20: Bi kịch của một nữ hoàng
Chương 21: Nguỵ triều
Chương 22: Phục Lư
Chương 23: Những kẻ phá hoại
Chương 24: Đường cùng và lối thoát
Chương 25: Hy Doãn
Chương 26: Lời cảnh báo từ người chết

Ngoại truyện: Gió Đông
(Trích "Trăng tan đáy nước")


Phần II: Cổ Loa cửu trùng thành
Chương 27: Phong Đằng
Chương 28: Cửu long tranh châu
Chương 29: Độc nhãn long
Chương 30: Giếng Ngọc
Chương 31: Thuật toán Trémaux
Chương 32: Tập Đình
Chương 33: Dấu vết
Chương 34: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt
Chương 35: Bản đồ long mạch
Chương 36: Chu kỳ
Chương 37: Thuỷ thần sông Hoàng
Chương 38: Chiến binh gục ngã
Chương 39: Đức lang quân hạng bét
Chương 40: Phản bội và trung thành
Chương 41: Trái tim bay bổng
Chương 42: Lật tẩy
Chương 43: Vấn đề tuyệt mật
Chương 44: Những con dế ngấp ngoái
Chương 45: Suy luận logic
Chương 46: Những chuyện quái dị đất Lĩnh Nam
Chương 47: Máu và lương tâm
Chương 48: Anh nông dân và cô kĩ nữ

Phần III: Tây Thiên Quốc Mẫu

Phần IV: Tản Viên Sơn Thánh

Phần V: Sơn Đồn biển Lạc Thuỷ

Phần VI: Tế đàn Âu Lạc
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

...nt

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
21/7/15
Bài viết
97
Gạo
0,0
Cuốn đầu tiên trong bộ tiểu thuyết "Hoàng đế" cũng là khúc dạo đầu êm ả cho mối tình đầy sóng gió của cô công chúa nhỏ và người tình tiếng tăm của cô ấy.

Hy Doãn ấm ức nhìn anh hai, anh hai nó không nói gì, nhưng qua đôi mắt hấp háy nó biết tỏng anh hai nó đang thích chí lắm.
Góp ý sau của mình chỉ mang tính tham khảo thôi nhé bạn. Mình thấy bạn chuộng câu văn dài. Mình thì khi đọc nhiều câu văn dài quá đâm ra ngán. Ví dụ, mình mạn phép tách hai câu văn trích phía trên của bạn thành nhiều câu ngắn lại như sau:
"Cuốn đầu tiên trong bộ tiểu thuyết 'Hoàng đế' cũng là khúc dạo đầu êm ả cho mối tình đầy sóng gió của cô công chúa nhỏ. Cô và người tình tiếng tăm của cô." (Cụm từ "người tình tiếng tăm" được đứng riêng trong một câu ngắn trông vững chãi hơn, gây tò mò hơn).
"Huy Doãn ấm ức nhìn anh Hai. Anh Hai không nói gì. Nhưng qua đôi mắt hấp háy, nó biết tỏng anh Hai thích chí lắm." (ngữ cảnh của đoạn văn chỉ có Huy Doãn và anh Hai của cậu. Nên nói anh Hai là độc giả hiểu anh Hai của Huy Doãn rồi, không cần nói "anh Hai nó". Đọc ba câu ngắn này mình thấy dễ chịu hơn, được nghỉ thở sau dấu chấm).
Cuối cùng, mình cũng thích viết truyện đậm đặc chất lịch sử (như cà phê đen ấy) nhưng chưa bao giờ viết nổi như bạn. Mình chỉ mới "uống" được "cà phê sữa", viết truyện hơi có chất lịch sử chút hà. :P
 
Chỉnh sửa lần cuối:

phonglinh01122004

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
28/4/15
Bài viết
80
Gạo
400,0
lãng quên
lao nhao
anh Hai (xưng hô theo thứ tự vai vế thì mình thấy nên viết hoa thế này)
Cảm ơn...nt nhé!
Góp ý thứ nhất mình công nhận và đã sửa :)
Góp ý thứ hai: Từ "lau nhau" mình dùng chỉ những người có phẩm chất tầm thường, tụ tập thành một đàn một lũ.
Góp ý thứ ba: Mình nghĩ chỉ viết là "anh Hai" khi ông anh hai này có tên cúng cơm (hoặc tên chữ, hoặc biệt danh, hoặc bí danh...) là Hai thôi.
 

...nt

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
21/7/15
Bài viết
97
Gạo
0,0
Cảm ơn...nt nhé!
Góp ý thứ nhất mình công nhận và đã sửa :)
Góp ý thứ hai: Từ "lau nhau" mình dùng chỉ những người có phẩm chất tầm thường, tụ tập thành một đàn một lũ.
Góp ý thứ ba: Mình nghĩ chỉ viết là "anh Hai" khi ông anh hai này có tên cúng cơm (hoặc tên chữ, hoặc biệt danh, hoặc bí danh...) là Hai thôi.
Ừ. Hiểu từ "lau nhau" của bạn rồi.
Còn vụ "anh Hai" thì tùy bạn hà. Mình có anh Hai tên Nhựt và nếu viết truyện sẽ không nỡ viết thành "anh hai" khi kêu ảnh. :D
 

phongdu93

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/1/15
Bài viết
140
Gạo
200,0
Ban đầu mình đọc phần giới thiệu và phần mục lục thì cứ nghĩ bạn viết về thời Âu Lạc, sau mới đọc đến phần Mở đầu thì biết ra là thời Nguyễn. Cơ mà phong cách kể truyện của bạn đúng là hơi bị lịch sử hoá quá, cảm giác khô khốc í, đây không hẳn là chê nha. Ý mình là văn phong giống kiểu truyện lịch sử kiếm hiệp hơn. Mà mình cũng chẳng rõ truyện này thiên hướng kiếm hiệp hay lãng mạn nữa nhưng nếu bạn viết cho nó mềm mại hơn sẽ hợp với khẩu vị của nhiều người hơn.
 

phonglinh01122004

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
28/4/15
Bài viết
80
Gạo
400,0
Ban đầu mình đọc phần giới thiệu và phần mục lục thì cứ nghĩ bạn viết về thời Âu Lạc, sau mới đọc đến phần Mở đầu thì biết ra là thời Nguyễn. Cơ mà phong cách kể truyện của bạn đúng là hơi bị lịch sử hoá quá, cảm giác khô khốc í, đây không hẳn là chê nha. Ý mình là văn phong giống kiểu truyện lịch sử kiếm hiệp hơn. Mà mình cũng chẳng rõ truyện này thiên hướng kiếm hiệp hay lãng mạn nữa nhưng nếu bạn viết cho nó mềm mại hơn sẽ hợp với khẩu vị của nhiều người hơn.
Mình lấy bối cảnh cuối thời Lê Trung Hưng Phongdu ơi!
Và mình thích gọi nó là truyện phiêu lưu hơn. :3
Hy vọng khi vào mạch truyện chính, lúc cặp đôi của mình lên sàn đầy đủ bạn sẽ thấy nó mềm mại, nhưng mình không dám đảm bảo có thể vắt ra nước đâu. :D
Mong nhận thêm nhiều nhận xét từ bạn! :)
 

phonglinh01122004

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
28/4/15
Bài viết
80
Gạo
400,0
Chương 1


Kẻ bịp bợm

Năm Bính Ngọ (1786), niên hiệu Cảnh Hưng thứ bốn mươi bảy.



Tôi cuống cuồng vạt đám cây cỏ rậm rì, để lộ ra một cái hốc nham nhở dưới chân bức tường cao ngất của Hoàng thành, rồi chống tay bò qua. Bên kia cái hốc lại là một đám cây cỏ khác, gọn gàng kiểu cách hơn một chút, nhưng cũng đủ để che giấu cái hốc an toàn trong vòng bí mật.

Hương mà thấy tôi lúc này chắc sẽ khóc thét lên mất. Công chúa của cô ấy bây giờ lẽ ra nên ngoan ngoãn ở trong Cẩn Hiên viện, thật gọn gàng và tươm tất để sẵn sàng cho buổi luyện chữ với thầy Phương. Nhưng thay vì vậy, tôi lại mồ hôi nhễ nhại vì chạy bạt mạng, và vừa chui qua một cái hốc ngó như lỗ chó.

Cái trò đấu giá hấp dẫn trên phố Hàng Bạc làm tôi quên béng mất buổi học. Tôi chỉ sực nhớ ra khi người ta bắt đầu nhao nhao trả giá cho một cái nghiên mực cổ lỗ sĩ và tróc sơn tùm lum, nghe đâu mót được trong mộ của một trạng nguyên thời Mạc.

Khi cố gắng luồn lách sau những tán cây, tôi thấy lũ em trai em gái của mình đang chạy vòng vòng quanh một người, miệng chúng rống lên ông ổng một bài vè quen thuộc:

- Duy Đăng đần, Duy Đăng ngốc, Duy Đăng là đồ ăn hại, nuôi tốn cơm tốn gạo…

Tôi co giò chạy thật nhanh để không bị phát hiện. Duy Đăng vẫn ôm đầu chật vật, có lẽ còn bị vây một lúc nữa, cho tới khi nào lũ trẻ thấy anh ta đã trở nên chán ngắt.

Tôi len lén chui vào từ cửa sau Cẩn Hiên viện, cố gắng lơ đi bộ mặt tèm lem nước mắt nước mũi của Hương và tròng vào đầu bộ váy rườm rà phát mệt.

Mặc dù đã trễ giờ học một lúc nhưng tôi vẫn kịp ngồi vào bàn và nguệch ngoạc vài chữ trước khi thầy Phương tới. Nguyên nhân trễ nải của thầy giáo bước vào trước tiên. Cha tôi từ đầu đến chân toàn một màu vàng choé làm sáng rực cả căn phòng tối om. Ông chầm chậm ngó quanh:

- Sao cửa nẻo kín bưng vậy?

Hương vội vàng mở tung tất cả cửa sổ, chân tay lóng ngóng hất đổ một cái bình hoa xấu hãi hùng, ánh sáng phút chốc đã tràn ngập căn phòng.

Cha tôi là một lão hoàng đế mập mạp, râu tóc rậm rì bạc như cước, cái mớ râu tóc ấy thi thoảng tôi vẫn thích giật nhè nhẹ. Chúa Trịnh tiếm quyền, việc gì cũng muốn quàng vào người, thành ra lão hoàng đế nhà tôi có cả đống thời gian rảnh rỗi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết chăm chút cho vài thú vui quen thuộc, ngồi đánh cờ, ngồi câu cá, ngồi uống trà, ngồi ngắm hoa,… khiến cái bụng của ông ngày một to lên trông thấy.

Cái bụng tròn vo vàng chói đung đưa nhè nhẹ rồi dừng lại trên cái ghế đặt cạnh bàn của tôi. Cái ghế ấy bình thường dành cho thầy Phương, vốn ốm nheo ốm nhách. Hôm này cha tôi ngồi vào thì vừa khít, ngó thấy ngồ ngộ.

Cha tôi rướn người với lấy một tờ giấy tôi mới viết, xém chút nhấc luôn cái ghế khỏi mặt đất. Chòm râu bạc rung lên nhè nhẹ, tản mát ra một nỗi thất vọng sâu sắc. Trái tim tôi bỗng nặng trịch như đeo đá. Ước gì tôi đã không trốn đi chơi… ước gì tôi đã viết lách cẩn thận hơn… ước gì…

Cha tôi lại rướn người tới, nhưng lần này là để xoa đầu tôi và tôi chẳng còn thấy cái ghế có chỗ nào buồn cười nữa. Ông nhẹ nhàng nói:

- Không sao…! Từ từ tồi Ngọc Hân sẽ lại giỏi như trước.

Nhưng tôi biết cha tôi chỉ đang ôm một trái bong bóng khổng lồ chực vỡ tung, tôi không thể nào giỏi như trước, bởi tôi không có đam mê, cũng chẳng có tài năng. Tôi không thích thư pháp, cũng chẳng ham cái nào trong bốn môn cầm, kì, thi, hoạ.

Nói cho cùng thì những gì tôi thích, cha tôi dù có trí tưởng tượng đặc biệt khác người cũng không đời nào có thể hình dung ra nổi. Tôi thích đọc Harry Potter, thích coi những siêu anh hùng của Marvel, thích lướt facebook mỗi tối trước lúc đi ngủ và sáng sáng khi thức dậy. Và thứ tôi có thể diễn giải trôi chảy hơn những văn tự Hán Nôm loằng ngoằng phát mệt thì được gọi là y học hiện đại.

Tôi vốn không thuộc về thời đại này.

Khả năng sẽ có một cái bia mộ ghi:

“Hoàng Khánh Du

Sinh năm 1992 - Mất năm 2016

Hưởng dương 24 tuổi”

Ở một góc nào đó trong khu nghĩa trang Ninh Hải.

Tôi rớt xuống từ trên đỉnh Yên Tử vào một ngày mùa xuân mưa phùn lất phất. Chẳng đau đớn gì nhiều, đúng hơn là không đau đớn gì hết ngoại trừ một tẹo sợ hãi muốn rụng tim. Ý thức của tôi biến mất trước cả khi cơ thể chạm đất. Và đó là điều duy nhất khiến tôi thấy hài lòng về cái chết của mình trong suốt một thời gian dài.

Khi những cơn mưa mùa hạ đầu tiên đổ xuống, tôi sung sướng phát hiện ra một vài điều khác cũng khiến tôi hài lòng không kém. Ấy là tôi không bao giờ còn phải tham dự kì thi tốt nghiệp nghe đồn sẽ khiến người ta phát điên, hay phải đối mặt với nạn thất nghiệp hoành hành sau khi ra trường. Ở đây, có vẻ như tôi sẽ được nuôi báo cô cho đến khi chết già, trong trường hợp tôi không tài nào kiếm nổi một tấm chồng.

Ngọc Hân năm ấy mười ba tuổi. Nếu tôi hồi mười ba tuổi vẫn còn là một con bé nhếch nhác thì Ngọc Hân đã ra dáng một mĩ nhân nho nhỏ. Và nếu tất cả những lời đồn trôi nổi đều chính xác đến từng dấu chấm phẩy, thì tôi phải đau đớn thừa nhận rằng cô nhóc vượt trội hơn tôi về mọi mặt. Tám tuổi đã đọc thông viết thạo chữ Hán, chữ Nôm, cầm, kì, thi, hoạ môn nào cũng giỏi, được người đời ca tụng là tài nữ.

Tôi nghĩ đây hẳn là lí do khiến Ngọc Hân là cô công chúa được lão hoàng đế cưng chiều nhất. Người ta nói cha tôi rất sợ sinh ra một đứa con trai tài giỏi. Bởi người tài giỏi thì sẽ có hoài bão mà chúa Trịnh thì chỉ yêu thích những hoàng tử an phận, biết nghe lời. Cha tôi mất Thái tử Duy Vĩ cũng chỉ vì anh ta lỡ thò ra một tẹo “dã tâm” (1). Vậy cho nên, đầu tư vào những cô con gái dường như là một lựa chọn an toàn hơn.

Nhưng những cố gắng của tôi trong ba năm qua chỉ hứa hẹn một điều duy nhất, là tôi rồi sẽ quăng trả lại tất cả những gì cha tôi đã nỗ lực đắp lên người tôi trong suốt mười ba năm ròng.

- Hay Ngọc Hân múa cho cha xem nhé?

Tôi dè dặt hỏi và nhẹ nhõm khi thấy nụ cười thật hiền giữa chòm râu bạc rậm rì.

Cha nựng má tôi và nói với thầy Phương:

- Cũng hay! Thầy Phương cho nghỉ một buổi được không nhỉ?

Thầy Phương là một thầy giáo già khóm khọm, tới nỗi tôi từng dành tới hàng giờ để cố lí giải vì sao ông ấy vẫn không chịu cáo lão về quê. Sau này, tôi ngờ ngợ nhận ra rằng rất có khả năng thầy Phương coi tôi là thất bại nặng nề nhất trong sự nghiệp giáo dục của mình. Và chừng nào chữ tôi vẫn không chịu đẹp lên thì ông còn tiếp tục hi sinh không thương tiếc những năm tháng an nhàn cuối đời.

Tôi gần như có thể nhìn thấy mấy chữ “Không thưa bệ hạ!” đang dần hình thành trong cái đầu lơ thơ tóc, đến nỗi hơi sửng sốt một tẹo khi nghe thấy:

- Vâng! Thưa bệ hạ!

Tất nhiên chúng được thốt ra cực kì miễn cưỡng. Nhưng lão hoàng đế nhà tôi không thấy điều đó, ông đang cẩn thận đặt tờ giấy có cái mặt giặc của tôi xuống bàn.

Một lúc sau, tôi đứng giữa sân, hoang mang không hiểu làm sao cha tôi có thể dụ dỗ được thầy Phương cùng coi tôi múa. Điều này không hề khiến tôi thấy khó chịu, ngược lại nó làm cho tôi khí thế bừng bừng. Từ lâu lắm rồi, tôi đã muốn chứng minh cho ông thầy giáo già thấy không chỉ có con chữ mới có thể giống rồng bay phượng múa.

Dưới cái nắng nhè nhẹ, tôi bắt đầu xoay tít trên mũi giày.

Múa là lĩnh vực duy nhất tôi tự tin có thể qua mặt Ngọc Hân. Sáu tuổi mẹ đã tống tôi vào trung tâm dạy múa, mà tôi lại không phải là đứa hao cơm tốn gạo, tất nhiên chỉ với những lĩnh vực tôi không quá ghét bỏ.

Hương nói trước đây tôi không thích múa, và tất nhiên là múa cũng rất dở. Chuyện này khiến nhiều người đảo tròn con mắt, bởi múa là tài nghệ khiến mẹ của Ngọc Hân, bà chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, nổi danh hàng mấy năm trời trước khi chôn vùi đời mình trong cung cấm.

Hương nói càng nghĩ càng không hiểu sao bỗng nhiên một ngày tôi lại múa điên cuồng, mặc kệ cái lạnh căm căm và cơn mưa buốt tận da thịt. Sau lần ấy, tôi ốm liệt giường ba ngày, lúc tỉnh lại thì không còn nhớ chút gì, tài năng cũng bay biến sạch. Các thái y được dịp phô trương kiến thức, nói tôi sốt quá cao nên trí não bị ảnh hưởng. Chỉ mình tôi biết, trận ốm ấy đã khiến công chúa Ngọc Hân đi đời nhà ma.

Tôi kết thúc điệu múa bằng một động tác tung mình hoàn hảo. Lão hoàng đế nhà tôi vỗ tay đôm đốp, vui vẻ nói:

- Hay hơn lần trước đó! Điệu múa này tên gì vậy con?

Tôi hớn hở đáp:

- Dạ, Khổng Tước. Con mới nghĩ ra hôm kia.

Cha tôi gật gù, nói với thầy Phương:

- Hay chứ hả, Thầy Phương?

- Vâng! Thưa bệ hạ!

Thầy Phương đáp với khuôn mặt nghiêm trang chán ngắt như hồi nào giờ vẫn vậy.

Thế là tôi không những lách được một buổi học mà còn khiến lão hoàng đế nhà tôi vui vẻ. Chỉ có mỗi thầy Phương là cau có một tẹo, nhưng chuyện đó cũng chẳng thể làm cho niềm vui của tôi héo đi chút xíu nào.

Đêm ấy, tôi bảo Hương đi ngủ sớm rồi mở toang cửa sổ phía nam, sau đó thổi tắt đèn và kiên nhẫn ngồi chờ trong bóng tối. Lâu thật lâu, cửa sổ phía tây khẽ mở, một bóng đen nhẹ nhàng nhảy vào.

Tõm… keng… keng…

- Ngọc Hân!!!

Duy Đăng rít qua kẽ răng.

Duy Đăng là ông anh trai thứ mười ba của tôi, hơn tôi đúng một tuổi.

Hoàng thành là một cái kho chất đầy những bí mật, mà cái nào cũng thuộc hạng động trời, khiến những người chuyên vểnh tai hóng tin tức như bà vú nuôi của tôi sẵn sàng khui ra bằng mọi giá. Ông anh trai Duy Đăng là một ví dụ điển hình. Ai ai cũng nghĩ Duy Đăng là một hoàng tử đần độn, ngay đến một đứa trẻ năm tuổi cũng không ngần ngại đè đầu cưỡi cổ anh.

Tôi phát hiện ra bí mật này vào một đêm mùa hè ba năm trước, khi tôi đang trằn trọc vì nỗi nhớ nhà và cái nóng ngứa ruột gan. Duy Đăng nhảy từ ngoài cửa sổ vào với một vết thương thấy khiếp trên be sườn. Bên ngoài, tiếng huyên náo om trời, đèn đuốc sáng rực. Lúc ấy, tôi đã giấu anh dưới gầm giường, không hề ý thức được rằng mình sắp tậu được một ông anh trai đúng nghĩa.

Một thời gian sau, dường như Duy Đăng thấy mến tôi hơn, còn tôi thì phát hiện ra trong đám anh chị em nhiều như rau dưa, Duy Đăng là người duy nhất có vẻ chơi được. Chúng tôi bắt đầu những chuỗi ngày rong ruổi khắp đường phố Đông Kinh. Sau này, thấy mỗi lần đưa tôi trèo tường mệt quá, anh liền khoét một cái lỗ con con sau đám cây rậm rạp nhất trong khu vườn thượng uyển rộng cả chục mẫu cho tôi tiện chui ra chui vào.

Một ngày tôi hỏi Duy Đăng vì sao lại giả ngốc. Anh nói bốn năm trước, khi anh mười ba tuổi, chúa Trịnh, tức Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm nghi ngờ anh có dã tâm, mà anh thì lại không muốn chết yểu.

Nhưng tôi luôn tin rằng Duy Đăng có dã tâm thật. Anh thường xuyên biến mất một cách kì lạ hàng tuần liền, có khi tới vài tháng. Tất nhiên ngoài tôi ra chẳng ai thèm để ý coi một hoàng tử đần độn bị ghẻ lạnh thì có thể biến đi đâu. Mặc dù thi thoảng lũ trẻ cũng há mồm kêu chán vì không thấy Duy Đăng chườn mặt ra, khiến chúng thiếu đi một đối tượng để ngắt nhéo.

Lần này, Duy Đăng mất tích hơn một tháng, mãi sáng nay mới chịu ló mặt. Tôi thui thủi trong cung chán muốn chết mới đánh bạo chuồn ra ngoài một mình. Tôi đoán thế nào buổi tối anh cũng mò tới nên mới đặt chậu nước ở cửa tây rồi mở cửa nam để đánh lừa.

Tôi châm đèn, hí hửng thấy Duy Đăng ướt chèm nhẹp. Anh phớt lờ tôi, lẳng lặng ngồi xuống bàn.

- Ngày mai người ta thả đèn hoa đăng ở hồ Tả Vọng.

Nụ cười của tôi héo qoắt:

- Thế anh có định dẫn em đi coi không ?

- Cũng tính thế, nhưng…

Tôi cuống quýt níu chặt cổ anh lắc lấy lắc để:

- Ôi! Em xin lỗi… xin lỗi mà… Tại chán kinh khủng!

Chiều hôm sau, rốt cuộc chúng tôi vẫn đứng chễm chệ giữa đường phố Đông Kinh, dĩ nhiên là có cải trang một tẹo, đủ để người quen trông thấy cũng nhận không ra. Dường như không gì có thể ngăn Duy Đăng chiều chuộng tôi, ngay cả khi tôi có ụp cả thau nước lên đầu anh đi nữa. Tất nhiên tôi cũng không dại gì mà đi thử.

- Mình tới phố Hàng Bạc nha! Nha…!

Tôi đã lặp lại câu này lần thứ ba kể từ sau khi chui ra khỏi cái hốc tường nham nhở. Tôi vẫn tiếc hùi hụi phiên đấu giá bỏ ngang xương ngày hôm qua. Mấy món đồ coi ngộ hết sức, và cái cách người ta vung tán tàn về nguồn gốc của chúng thì mới thật đã tai. Tuy vậy, tôi vẫn quyết định giấu nhẹm Duy Đăng vụ lẻn ra ngoài một mình.

May mắn cho tôi, phiên đấu giá hôm nay vẫn tiếp tục và đám đông vẫn bu đen bu đỏ. Tôi làm bộ ngạc nhiên:

- Ôi! Có gì kìa anh!

Rồi kéo Duy Đăng vạt đám đông để chen lên hàng đầu. Vài tiếng sỉ vả vang lên khi chúng tôi cố lách qua. Duy Đăng ném cho họ một cái liếc mắt, và nhờ bộ dạng bặm trợn anh mới khoác lên mặt mình hồi chiều mà chẳng ai còn ho he gì nữa.

- Thưa quý vị! Sau đây là món cuối cùng và cũng là món đáng giá nhất!

Một anh chàng có khuôn mặt chào hàng điển hình với chất giọng miền nam lơ lớ đang lật tấm khăn phủ màu huyết dụ. Động tác vung vẩy quyết liệt nhằm tăng thêm kịch tính hất lên không trung cả một đống bụi bặm.

Đám đông chồm lên phía trước. Ban đầu tôi cứ nghĩ là cái khay hoàn toàn trống trơn, cho tới khi thấy một cuộn giấy da nhỏ cũ mèm, nằm lăn lóc. Phía sau rộ lên tiếng la ó phản đối, bởi hiển nhiên họ chẳng thấy gì.

Anh chàng chủ phiên đấu giá giơ cuộn giấy da lên cao:

- Quý vị hẳn đang tự hỏi cuộn giấy da rách nát này thì được tích sự gì?

Anh ta quét cuộn giấy một lượt từ phải qua trái, miệng ngoác rộng vì hiệu ứng thu được từ đám đông.

- Nó được lấy được từ mộ táng của một gia tộc danh giá cách đây hàng trăm năm. Tất nhiên hiện giờ đã lụn bại tới mức không thể thực thi những biện pháp chống trộm thông thường nhất. Điều đó… vâng… tạo nên cơ may cho quý vị. Quý vị có từng nghe về kho báu bí mật của nhà Trần?

Một nửa đám đông tròn mắt lắc đầu, số còn lại thì đeo bộ mặt ngơ ngác không lẫn đi đâu được. Bỗng có cánh tay rụt rè giơ lên, mọi con mắt đổ dồn vào một anh chàng quần áo loè loẹt.

Anh chàng chủ phiên đấu giá nở một nụ cười mừng rỡ:

- Ồ! Anh bạn trẻ đây có biết đến kho báu?

Đám đông im lặng như tờ. Anh chàng hoa hoè hoa sói có vẻ chưa bao giờ bị nhiều người nhìn chòng chọc như vậy, anh ta nuốt nước bọt đánh ực, lắp bắp:

- Ông… ông nội tôi có nhắc… nhắc… nhắc một lần…lần…

- Vâng! Không nhiều người biết…Tất nhiên.

Mọi người lại đổ dồn vào anh chàng chủ phiên đấu giá.

- Và làm thế nào để có thể rờ tay vào kho báu? Thưa quý vị! Đây…

Anh ta giơ cao cuộn giấy da một lần nữa, rướn người lên hết sức có thể.

- …là chìa khoá. Một tấm bản đồ.

Đám đông ồ lên kinh ngạc, nhiều ánh mắt hau háu như muốn ăn tươi nuốt sống cuộn giấy da.

- Giá khởi điểm. Năm trăm lượng. Bạc trắng. Thưa quý vị!

Cả một biển người thi nhau hít hà trước cái giá trên trời.

- Nếu thật sự có kho báu thì sao anh không tự đi mà lấy?

Một anh chàng gào lên ở đâu đó giữa đám đông. Khắp nơi rộ lên những tiếng đồng tình.

Anh chàng chủ phiên đấu giá có vẻ hơi bất ngờ trước câu hỏi đột ngột, nhưng ngay lập tức lấy lại phong độ:

- Câu hỏi hay, anh bạn trẻ! Nhưng quý vị cũng thấy, thân hình tôi như vậy…

Anh ta uốn éo làm một động tác ẻo lả hết sức . Đám đông cười ồ lên.

- Cho nên tôi tự thấy mình chẳng tiến nổi ba bước trong hành trình khó khăn này. Vì vậy… tôi sẵn sàng sang tay tấm bản đồ cho bất cứ ai muốn phát tài và… có chút máu liều.

- Thế làm sao biết được kho báu đã bị khoắng sạch hay chưa?

Tôi gào lên.

- Tất nhiên là không ai biết. Ngoại trừ chính kẻ đã khoắng sạch kho báu, nếu như kẻ đó tồn tại. Nhưng cuộc đời là một canh bạc, nhóc con. Nếu nghi ngờ thì lùi lại nhường cơ hội cho kẻ khác.

- Năm trăm năm mươi lượng.

Một giọng nói vang lên từ cuối đám đông.

Anh chàng chủ phiên đấu giá reo lên:

- Năm trăm năm mươi lượng. Thưa quý vị. Có ai…

- Năm trăm năm mươi hai.

Tôi giật mình. Người vừa nói là Duy Đăng.

- Năm trăm bảy mươi.

Người kia lại lên tiếng. Anh chàng chủ phiên đấu giá hí hửng ra mặt.

- Năm trăm bảy mươi hai.

Duy Đăng tiếp tục trả giá.

Màn trả treo này rốt cuộc chỉ có hai người tham gia. Một người là Duy Đăng, một người đứng tít phía sau mà tôi không thể thấy mặt. Hễ người kia trả bao nhiêu, Duy Đăng đều trả thêm hai lượng. Không hiểu anh muốn làm cái trò qủy gì nữa.

Giá trị tấm bản đồ nhanh chóng lên tới bảy trăm năm mươi lượng.

- Bảy trăm năm mươi mốt.

Tôi gào lên trước khi Duy Đăng kịp lên tiếng.

- Một ngàn lượng.

Một giọng nói khác. Không phải anh chàng trả treo với Duy Đăng nãy giờ.

Sau một hồi mong chờ trong vô vọng Duy Đăng, hay bất kì ai trả thêm, anh chàng chủ phiên đấu giá nói lớn:

- Một ngàn lượng lần một.

Tôi huých tay Duy Đăng.

- Một ngàn lượng lần hai.

Duy Đăng ghé tai tôi:

- Anh làm gì có tiền.

- Một ngàn lượng lần ba. Bán.

Tiếng chuông binh bong vang lên. Phiên đấu giá kết thúc.

Đám đông bắt đầu tản dần ngoại trừ những người vẫn mong có thể ngó tấm bản đồ thêm một lúc. Duy Đăng kéo tôi đi. Tôi ngoái lại nhìn, anh chàng chủ phiên đấu giá đang hớn hở giao cuộn giấy da cho một người đàn ông mặc áo đen. Người áo xanh đứng cạnh anh ta thì ném cho chúng tôi một cái nhìn tức tối. Nhưng cũng có thể không phải, ở đây nhiều người quá, có khi anh ta thấy chướng mắt anh chàng ngó như con vẹt nhiệt đới đi ngay cạnh Duy Đăng.

Màn đêm buông xuống, Đông Kinh khoác lên mình một tấm áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của đèn lồng, đèn hoa đăng. Người ta đổ ra đường ngày càng đông. Tôi và Duy Đăng chen lấn bươu đầu mẻ trán mới tìm được một chỗ coi được cạnh bờ hồ. Duy Đăng thắp hai cái đèn lồng đã gần như bẹp dúm, rồi đưa cho tôi một cái ngó như củ khoai tây. Nhớ không nhầm thì lúc chiều tôi đã chọn cái đèn hình con rùa.

Tôi thả con rùa của mình xuống nước, nó xoay vòng vòng một cách ngu ngốc rồi đụng vào thành hồ, không trôi đi đâu được nữa. Duy Đăng cũng vừa thả xong củ khoai tây của anh, tôi chịu không nhớ nổi lúc trước nó hình gì. Lẽ ra còn màn cầu nguyện nữa thì mới đầy đủ, nhưng người ta chen ra bờ hồ đông quá, cứ ngồi lì ở đây không khéo té lộn cổ.

Duy Đăng túm chặt tay tôi, chúng tôi cố gắng bơi ngược dòng người ùn ùn như kiến. Nhưng cuối cùng, không hiểu bằng cách nào, chúng tôi vẫn bị tách nhau ra. Tôi dáo dác nghển cổ ngó quanh, Duy Đăng bị cuốn vào một đám con gái quần loè áo loẹt, phút chốc đã không thấy tăm hơi đâu.

Tôi huých cùi chỏ lung tung làm văng ra vài tiếng la oai oái. Và thế là tôi nhanh chóng bị đẩy ra bên rìa của dòng người.

Tôi đứng tựa vào bức tường cao ngất của một toà nhà hai tầng, thở hổn hển. Giữa âm thanh ồn ào náo nhiệt của đường phố, tôi vẫn nghe rõ mồn một những tiếng cười lanh lảnh, những giọng nói lả lơi ong bướm phát ra từ bên trong.

Tôi đảo tròn mắt, hy vọng giữa đám người đông như kiến trước mặt sẽ nhìn ra Duy Đăng. Và chính lúc này, tôi thấy hai người trong phiên đấu giá. Họ vạt đàm đông một cách dễ dàng và đi thẳng vào trong toà nhà tôi đang đứng.

Tôi bật dậy, đi theo họ một cách vô ý thức. Khi tỉnh táo lại thì đã đứng ngay bên dưới tấm biển to tổ nái đề ba chữ “phường Lan Ngọc”.

Một cô gái mặc áo hồng cánh sen phẩy phẩy khăn tay, tống vào mặt tôi một thứ mùi thơm nhức mũi. Cô ta nói:

- Nhóc con, đi chỗ khác chơi.

Tôi lắc lắc túi tiền, nhướn mày:

- Thế này có vào được không?

Cô ta lập tức đổi giọng đon đả:

- Ôi được chứ! Được chứ! Lối này!

Tôi bấm bụng bước vào.

Khung cảnh bên trong khiến tôi ngây thuẫn mất một lúc. Đàn ông đàn bà cuốn lấy nhau, đánh đu trên đùi nhau trong một không gian ngập ngụa phấn son và mùi rượu cay nồng. Hai người kia không có trong đám này. Cũng phải, coi bộ dạng của họ thì khả năng sẽ vào phòng đàng hoàng. Ngước nhìn lên tầng trên, tôi vừa kịp thấy hai người đó biến mất sau một cánh cửa. Ngay sau đó, một cô gái cuốn hờ đống quần áo hớt hải chạy ra.

Tôi đang định lên trên thì thấy một người đàn bà trông như trái chuối vàng ươm, có vẻ là chủ xị ở đây, đi như bay về phía tôi với cái miệng kéo tới mang tai. Tôi hơi hoảng. May sao đúng lúc ấy, một ông chú bỗng nôn oẹ tùm lum giữa đường đi của bà ta. Thế là trái chuối nhảy tưng tưng, quát tháo người ta khiêng ông chú ra ngoài và dọn dẹp cái đống tầy huầy trên sàn, chẳng còn nhớ gì tới tôi nữa.

Lợi dụng tình cảnh hỗn loạn, tôi lẻn lên tầng, trót lọt chui vào căn phòng trống bên cạnh phòng của hai người kia và cài cứng cửa lại.

Tôi áp tai sát vách gỗ. Khi tiếng huyên náo bên dưới dịu bớt, tôi mới bắt đầu nghe được vài từ.

-… xin… xin các anh…

- Đã nói là hỏi nhanh thôi mà. Cứ mặc quần đùi cũng được!

Tôi nhận ra giọng người đã trả treo với Duy Đăng hồi chiều.

- Ôi…Làm ơn…

Anh chàng trả treo nạt:

- Im và nghe! Anh hai!

- Tôi muốn biết anh lấy tấm bản đồ này ở đâu?

Một giọng nói khác, hơi trầm.

- Hồi… hồi chiều tôi nói rồi… lấy trong một…

- Dẹp cái mớ thông tin vớ vẩn ấy đi. Sự thật. Nào!

- Tôi… tôi đã nói…

Có tiếng tuốt kiếm sắc lạnh.

Anh chàng buôn đồ cổ kêu lên the thé:

- Ôi đừng! Làm ơn… là nhà tôi… cái gia tộc lụn bại là gia tộc của tôi… Ôi… làm ơn… cất cái đó dùm…

- Hy Doãn!

Cạch!

Dường như anh chàng trả treo Hy Doãn đã ngoan ngoãn tra lại kiếm vào vỏ.

- Tiếp tục!

- Tôi lấy nó trong đống… đống đồ cũ của cha tôi. Ổng chết hồi năm ngoái. Tại… tại độ này khó khăn quá…

Hy Doãn nói:

- Chia buồn. Nhưng mà đem một món đồ giả lừa tụi này thì hơi ngu.

- Tôi... tôi không có xạo. Tôi nói thật… có kho báu thật. Cha tôi đã tiêu tốn cả đời vào nó…

- Và ông ấy tìm thấy gì?

Lại là giọng nói trầm.

- Không… không được gì. Ổng đã lang thang khắp ngọn Bạch Vân…thậm chí lê lết nguyên dãy Đông Triều, nhưng cũng chẳng thọt chân được xuống cái kho báu nào. Nhưng tôi thề cái này là thật… kho báu có thật… làm ơn… tin tôi… cậu làm ơn bỏ… bỏ thanh kiếm xuống được không… nó có thật mà…

- Tất nhiên tôi tin kho báu có thật.

Anh chàng buôn đồ cổ mừng quýnh:

- Cảm… cảm ơn…

- Nhưng tấm bản đồ này thì là đồ giả.

- Không… không…

- Thời Trần cách đây hơn bốn trăm năm. Mà cái này thì hơi mới…Hy Doãn!

- Em được tuốt kiếm rồi hả, anh hai?

Hy Doãn hí hửng

- Ôi… đừng… xin mấy người… Nó chỉ là bản sao… nhưng không khác gì bản gốc… Cụ nội tôi là hoạ sư rất giỏi, cụ đã sao chép thì không thể sai được… làm ơn…

- Ồ! Ra vấn đề rồi đấy. Vậy bản gốc hiện tại ở đâu?

- Phủ… phủ chúa. Nhưng tôi không biết bây giờ nó còn ở đó không… hồi cụ nội tới đó vẽ tranh cũng hơn bảy mươi năm rồi.

- Tốt lắm! Một nghìn lượng của tôi để đâu?

- Tôi tiêu hết trơn…

- Em rút kiếm nha anh hai?

- Ơ… đừng… tiền của các người ở trong cái thùng nhỏ ấy.

Một lát sau, có tiếng mở cửa. Hy Doãn và anh hai của anh ta chắc đã đi rồi. Ngay sau đó, bùng nổ một tràng sỉ vả vô tận của gã bịp bợm đen đủi.


___Hết chương 1___​

Chú giải:

(1)Lê Duy Vĩ là con trai trưởng của vua Lê Hiển Tông, được phong làm Hoàng thái tử năm 1764. Ông là người tài hoa, lỗi lạc, có ý khôi phục quyền bính cho họ Lê, khảng khái có chí thu năm quyền cương từ tay chúa Trịnh. Điều này khiến Trịnh Sâm ganh ghét, nghi kị từ khi hắn còn làm Thế tử.

Năm 1769, khi Trịnh Sâm lên ngôi Tĩnh Đô vương, hắn đã vu tội cho Thái tử gian dâm với một người thiếp của chúa Trịnh Doanh đã quy tiên. Thái tử bị truất ngôi, cả gia đình bị tống giam vào ngục Đề Lãnh. Vài năm sau, Thái tử Duy Vĩ qua đời trong ngục. Có lời đồn cho rằng Thái tử bị Trịnh Sâm cho người siết cổ chết.

Sau này, Lê Duy Kì, con trai của cố Thái tử Duy Vĩ lên ngôi, lấy hiệu Chiêu Thống. Ông đã truy tôn cha mình làm hoàng đế, miếu hiệu là Hựu Tông.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tẫn Tuyệt Tình Phi

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
24/6/14
Bài viết
1.060
Gạo
0,0
Đọc cũng khá thu hút. Bạn rất táo bạo khi để nhân vật chính xuyên không nhập vào công chúa Ngọc Hân. Đang tò mò không biết bạn có trả cô ấy về nguyên tác thục nữ như lịch sử không?

Không biết có phải do mình đọc nhiều ngôn tình nên bị ảnh hưởng hay sao ấy. Cứ có cảm giác hương vị giống giống "Ca tẫn đào hoa".
 

phonglinh01122004

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
28/4/15
Bài viết
80
Gạo
400,0
Đọc cũng khá thu hút. Bạn rất táo bạo khi để nhân vật chính xuyên không nhập vào công chúa Ngọc Hân. Đang tò mò không biết bạn có trả cô ấy về nguyên tác thục nữ như lịch sử không?

Không biết có phải do mình đọc nhiều ngôn tình nên bị ảnh hưởng hay sao ấy. Cứ có cảm giác hương vị giống giống "Ca tẫn đào hoa".
Không giống "Ca tẫn đào hoa" đâu bạn ạ :)
Nam chính là anh hai của Hy Doãn cơ. Tới chương 4 ảnh mới tái xuất.
Và ai chứ Khánh Du thì chắc chắn không thể làm nổi thục nữ :v
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Bên trên