Khói thuốc trên phím dương cầm máu - Cập nhật - Nhocmuavn

Nhocmuavn

+..Gái xăm trổ..+
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
18/12/13
Bài viết
1.236
Gạo
50.000,0
Khói thuốc trên phím dương cầm máu
Tác giả: Nhocmuavn
Thể loại: Lãng mạn.

22147522302_f69a92370b_o.png


Giới thiệu:
Vì sao chúng ta lại sinh ra trong đời? Sự tồn tại bắt đầu khi mỗi người cất tiếng khóc chào đời nhưng sự sống chỉ hiển hiện nếu người ấy tìm được lý tưởng để mà kiên trì, để mà phấn đấu.
Vài đêm triền miên, một lần yêu đương cũng đủ để tạo nên sinh mệnh nhưng tình mẫu tử thiêng liêng liệu có đơn giản như thế?

Sinh con khó, nuôi còn càng khó, dưỡng dục càng khó hơn.
Trong câu chuyện của tôi có một sinh linh bé bỏng nhẽ ra không nên sinh ra trong cõi đời lắm nhiễu nhương này.

Hai mươi năm, hai mươi năm sinh linh ấy chẳng biết mình tồn tại vì lẽ gì, không tương lai, không hoài bão, không xúc cảm. Cô ấy tên Diễm! Diễm trong diễm kiều và liệu tên có như mệnh đời?

Diễm đã gặp người ấy - hoài bão của đời mình - chàng nhạc sĩ nghèo ôm mộng cầm ca cao đẹp không chấp nhận bán lý tưởng đổi hư vinh. Đêm đêm, nơi gác trọ bé nhỏ, chàng lướt tay trên phím ngà, cất tiếng hát say nồng quyện theo làn khói thuốc trên môi Diễm. Chừng ấy thôi đã đủ một kiếp người...

Chàng công thành danh toại, khói thuốc năm cũ có còn vờn quanh phím dương cầm xưa?
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhocmuavn

+..Gái xăm trổ..+
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
18/12/13
Bài viết
1.236
Gạo
50.000,0
Chương 01:
11535846_735326533243058_3690817258372828798_n.png

(Ảnh: Internet)
Mưa tháng sáu lâm thâm, con nhỏ Hai Rớt ngồi bó gối trên cái chõng tre đã ọp ẹp, ánh mắt nhìn xa xăm, ngó mông lung vào đồng nước mênh mông vây quanh căn chòi vịt nhỏ xíu xiu, được dựng tạm trên mé sông vắng. Nhỏ mượn tiếng ếch, nhái, ễnh ương làm âm lục huyền, âm nhị(1),…

“Đêm đêm tiếng nhạc lời ca dệt gấm thêu hoa
Giữa chợ đời man trá
Thế cuộc đổi thay, lòng người điên đảo
Mỏi gót phong trần bởi nặng nợ cầm ca
Đó rồi đêm đêm
Trút cạn máu tim cho nhân thế vơi sầu
Dưới ánh đèn đêm thương vay khóc mướn
Khi màn nhung khép lại rồi, môi cũng nhạt màu son…”(2)

Tám câu Phụng Hoàng rơi lãng đãng trong đêm mưa gió, nức nở mà ngọt ngào như nỗi lòng Hai Rớt. Chiến cuộc này chẳng biết còn kéo dài bao lâu nữa, nhỏ sợ đời mình chưa lần được khoác áo đào thương đứng trên sân khấu đã vội ra đi giữa bom đạn vô danh. Nghĩ đến sân khấu, mắt nhỏ càng thêm mơ màng say đắm, khóe môi bất giác mỉm cười cùng lúc với tiếng thở dài chua xót. Nhà nghèo, dưới nhỏ còn đến bốn đứa em dại, cơm áo qua ngày đều dựa vào bầy vịt chạy đồng và những việc không tên, ai kêu gì làm nấy của ông ba bà má thì biết lấy gì nuôi mộng cầm ca cao xa vời vợi?

Nhỏ nhớ lần đầu tiền được tận mắt chứng kiến mấy anh chị đào kép lộng lẫy với quần áo tha thướt, đôi môi đỏ tươi, làn da trắng bóc đứng trên sân khấu cất tiếng hát ướp hương tẩm mật hồn người hồi ba năm trước – lần dì Út may mắn được gả cho cậu Tú trên huyện. Má dẫn nhỏ theo đoàn đưa dâu, sẵn tiện ghé chợ sắm sửa Tết nhứt. Ở quê nhỏ, cứ mỗi độ tháng Chạp, các đoàn hát lại xuôi ghe về, tụ hợp trên bến sông cạnh chợ, dựng rạp. Lần đó, vì mải mê len lỏi ra sau cánh gà để được nhìn gần hơn, hít thở mùi phấn son rõ hơn, dỏng tai nghe từng làn điệu hò - xự - xang – xê – cống tường tận hơn nên nhỏ đã bị lạc. Cũng không hiểu do nơi đâu, thay vì lo sợ, hốt hoảng, khóc lóc như bao nhiêu đứa trẻ khác, nhỏ dẫu chưa tìm thấy má vẫn cười toe toét, gật đầu ngay tức khắc khi được chị đào xinh đẹp vừa đóng vai người vợ hiền chịu nhiều bất hạnh lúc nãy xoa đầu, an ủi mà rằng: “Lỡ không tìm thấy má thiệt thì đi theo chị hát cải lương, cưng chịu hôn?”

Nhưng cuối cùng, nhỏ phải đành bịn rịn chia tay chị đào tốt bụng kia, buồn bã xuống ghe cùng má. Từ sau đó, cứ mỗi lần nghe ca vọng cổ là nhỏ lại ngẩn ngơ tựa hồ bị thôi miên, toàn thân ngả nghiêng theo từng làn điệu, theo từng phách nhịp lên xuống ngân nga. Giấc mơ được đánh mắt, tô son, đứng giữa bao khán giả, cất tiếng ca ngọt lịm, du dương, khóc cười theo những vai diễn chẳng biết tự khi nào đã ám vào đời cô nhỏ chơn chất quanh năm chân lắm tay bùn, một chữ bẻ đôi lận lưng cũng không có. Nhỏ ghi nhớ và học lỏm rất tài. Khi bóng chiều buông, đàn ông trong xóm mé sông này thường thích tụ tập, vừa nhâm nhi ly rượu đế con cá khô vừa cao hứng mấy câu vọng cổ sau một ngày lao động cực lực; họ ca gì, phách nhịp ra sao, nhỏ chỉ cần nghe qua đôi ba lần là thuộc làu làu, thậm chí còn ca hay hơn bởi giọng nhỏ trong vắt, cao vút cộng thêm cảm xúc luôn thắm đượm, đong đầy.

Ba má không thích nghiệp xướng ca vô loài nên nhỏ chỉ có thể mặc sức thả hồn vào câu ca mỗi khi lùa vịt ra đồng. Những lúc ấy, bầy vịt trở thành những khán giả trung thành nhất, để mặc cho nhỏ sắm vai cô đào buồn thương u uẩn, chịu nhiều bất hạnh mà vẫn rực sáng niềm tin yêu đời yêu người. Nước mắt đã lã chả rơi hàng trăm lần, ướt đẫm từng câu chữ, làn điệu và nụ cười hồn hậu, thuần khiết cũng thắm đượm trên môi ngần ấy lần, tự nhiên như thể nhỏ đang kể lại câu chuyện đời mình. Thắm thoắt, ba năm đã trôi qua…

Nhỏ tặc lưỡi, đưa ánh mắt không cam đành nhìn lên bầu trời đêm lất phất mưa rồi khom lưng đứng dậy, lần dò theo ánh trăng già vào nhà trong. Mang danh nhà nhưng đó cũng chỉ là bốn bức vách phên nứa xiêu vẹo cùng mái lá dừa nước che gió chắn mưa cho tám con người nương nấu bên trong diện tích chưa đầy ba mươi mét vuông. Đất chẳng thiếu nhưng bạc tiền còn chưa đủ miếng ăn, nhà rộng để mà làm gì? Nhỏ lừng khừng chạm bàn tay xương xẩu, thô ráp vào cánh cửa cật tre đan vội đang run rẩy trước gió đêm thổi thốc từ dưới sông lên rồi chép miệng thở dài. Ước mơ được đứng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn càng thêm bỏng cháy hơn bao giờ hết bởi biết đâu chừng ba má và lũ em sẽ có được nét mặt rạng ngời, ăn bận sang trọng là lượt như mấy anh chị đào kép. Từ hồi ký ức bắt đầu lưu lại cho đến tận hôm nay, nhỏ vốn dĩ chưa từng nhìn thấy ba má mặc manh quần tấm áo lành lặn nào, thậm chí một chiếc áo rách sáng màu cũng không, quẩn quanh chỉ nâu và đen, vá chằng vá đụp đến khi mục rã mới thôi. Chị em nhỏ thì ít mảnh vá hơn đôi phần.

Bất giác, khóe mắt nhỏ ướt nhòe, từng dòng ấm nóng lăn tròn trên đôi gò má. Hít mũi mấy hơi, nhỏ đưa tay quệt nước mắt rồi mím môi đẩy cửa. Nhưng khi tay còn chưa kịp chạm đến thì một tràng ho khan bỗng vang vọng trong đêm thanh vắng, tiếng má nhỏ rầu rầu cất lên theo sau:
- Ông đừng có lo quá mà sanh bệnh thì khổ! Bên nhà anh Năm có ăn có mặc hơn nhà mình, người ta cũng nhân hậu lắm đa, chắc không tới nỗi bạc đãi con Hai đâu.

Cái giọng ồm ồm còn lại từ những trận ho xé lồng ngực miết mấy năm qua của ba nhỏ chừng như thêm khản đục chua xót:
- Bà nói tui đừng lo, vậy sao bà còn thở dài cả buổi?

Nói xong, ông trở mình, quay mặt sang hướng vợ. Dưới ánh trăng già cỗi mờ mờ đang len lỏi qua tấm vách nứa đan thưa, ông thấy mắt bà hơi đỏ, tay gác lên trán nghĩ ngợi xa xôi. Ông sinh ra trong cảnh cơ cực, lớn lên giữa chiến tranh tang tóc, mười mấy tuổi đầu đã cút côi nên tài sản quý giá cuộc đời nhất chính là người vợ và bảy đứa con thơ này. Bà buồn một, ông còn buồn đến mười:
- Tui thiệt không nên thân, mấy chục tuổi đầu rồi mà chạy gạo ba nữa no đủ cho vợ con cũng chưa đặng.

Tiếng thở dài đánh sượt muốn bật ra nhưng chợt nghẹn lại trong cổ họng, má nhỏ vỗ vỗ lên vai chồng rồi cau mày ý chừng quở trách:
- Cái ông này… toàn nghĩ chuyện tầm xàm không đâu hà! Tui sợ khổ thì đâu có ưng ông mà tui thấy nhà mình đâu có khổ, xấp nhỏ đứa nào cũng lành lặn khỏe mạnh, tui với ông ấm êm.Vầy là phúc phần lắm rồi. Ông nhìn nhà anh Bảy cuối xóm coi, vợ chồng đánh chửi nhau miết; rồi nhà Tư Còn thì khoai cũng không có mà ăn; nhà cô Ba Huệ thì mẹ góa con côi.

Bà là vậy! Mười lăm năm làm vợ ông dù thiếu thốn trăm bề, quần quật không phút thảnh thơi nhưng chưa bao giờ than van lấy nửa lời, nụ cười biết bằng lòng luôn thắm trên môi, ánh mắt an phận thủ thường lúc nào cũng ấm ấp, hướng về chồng con. Vì thế trước những lời động viên của bà, ông chỉ biết cười. Đôi mắt in hằn dấu vết nắng mưa dãi dầu chong chong ngước nhìn vào mái lá đen kịt, ông trăn trở:
- Dù gì thì con Hai nó cũng còn nhỏ quá. Gả nó đi, tui thiệt không đành…

- Biết vậy! Nhưng…

Bà chần chừ, nửa muốn nói tiếp nửa muốn thôi. Qua tấm vách mỏng, nhỏ lại nghe tiếng thở dài não nề của má:
- Không gả nó đi, tui sợ mình mất con luôn đó ông ơi. Nhà anh Năm ngay bên kia sông, chớ gánh hát thì rầy đây mai đó…

Lần nữa, bà để nỗi nghẹn ngào chắn ngang câu nói. Hai Rớt do bà rứt ruột sinh ra thì làm sao bà không hiểu nó nghĩ gì. Gả con đi, sướng khổ gì cũng gần nhà. Còn nghiệp hát xướng bạc bẽo, chắc gì con đã nhớ đường mà về? Cha bà cũng là một kép hát, quanh năm lang bạc hết huyện này qua tỉnh khác, lâu lắc lâu lơ mới ghé qua nhà được dăm bữa nửa tháng. Từ năm bà lên sáu, con út vừa thôi nôi thì ông đi luôn, không về nữa. Má bà một nách ba con, ngày bươn bả cơm gạo, đêm về rưng rức khóc thầm được mươi năm rồi kiệt sức, ra đi trong hiu quạnh. Số phận ác nhân đâu dừng ở đó, đứa em trai kế bà cũng mê mẩn cải lương y hệt ba bà. Tệ hại hơn là nó mang cả mấy mảnh ruộng hương hỏa đi cầm cố, lấy tiền theo gánh hát. Gần hai mươi năm đã qua, nó sống chết ra sao không một tin tức.

Nỗi lo của bà cũng là nỗi lo của ông. Mỗi lúc bắt gặp con Hai say mê nhập vai khóc cười giữa bầy vịt là ông giận đến run người, lớn tiếng la mắng không tiếc lời, thậm chí đòn roi nhưng giận bao nhiêu thì thương bấy nhiêu. Đánh con một roi, lòng ông tím bầm chục vết. Ông thở hắt ra, nghiến răng nói:
- Ngày mốt bên nhà anh Năm qua dạm ngõ, để tui bàn với ảnh cho hai đứa nó cưới sớm.

Bên ngoài cánh cửa sơ sài, nhỏ trợn mắt to hốt hoảng, hai tay bụm chặt miệng không cho tiếng khóc nghẹn ngào phát ra. Ngồi bệt xuống hè nhà nhão nhoét bùn đất, lòng nhỏ rối như tơ vò. Cãi lời ba má thì ăn gan hùm nhỏ cũng không dám nhưng giấc mơ đào thương thì biết phải làm sao đây? Tiếng song lang gõ phách nhịp nhàng cùng làn điệu vọng cổ ngọt lịm, chất chứa bao buồn vui chợt vang vọng trong tim nhỏ dẫu vành môi vẫn đang cắn chặt. Bỗng dưng bao nỗi sợ đều biến mất, nhỏ thấy mình đứng trên sân khấu cao, trên người khoác chiếc áo dài màu xanh da trời và cất cao tiếng hát…

Đêm đã về khuya, nhỏ lấy tay áo chùi nước mắt, rón rén mở cửa vô nhà. Ngang qua chỗ ba má nằm, nhỏ không cách nào kìm được nước mắt. Từ sâu trong tâm tư, những lời thì thầm đau đớn từ đâu vọng đến – ba má đừng buồn con nghe ba má, con muốn được hát cải lương lắm ba má ơi. Nhỏ đi chầm chậm, nhìn kỹ từng đứa em một, nước mắt vẫn không ngừng lã chã rơi.Gió thổi thốc vào liên hồi, lạnh buốt, mấy đứa em co ro ôm lấy nhau. Phía đầu kia chiếc phản dài, ba nhỏ khùng khục ho trong giấc ngủ mệt mỏi.
Một đêm trắng trôi qua! Sáng tinh mơ, nhỏ cặm cụi nấu khoai sáng cho cả nhà trước khi lùa vịt ra đồng. Hôm nay, nhỏ không ngân nga mấy câu vọng cổ giống mọi ngày mà cần mẫn lội ruộng đặt nơm cá. Chiều, nhỏ lùa vịt về sớm, dẫn đám em đi hái bông so đũa về nấu canh chua. Sáu đứa trẻ vô tư cười giòn tan, còn nhỏ thì cười như mếu.

Đó là buổi chiều ấm cúng cuối cùng của nhỏ Hai Rớt chơn chất như lúa với khoai.

* * *
Cuộc sống sau cánh gà không hào nhoáng, dễ dàng như Hai Rớt vẫn tưởng tượng. Chuỗi đời cay đắng đã bắt đầu từ sau cái ngày nhỏ gạt nước mắt, quá giang ghe hàng xóm xuống chợ huyện với hành lý đem theo là ước mơ sân khấu cháy bỏng và hy vọng vào một ngày mai sẽ khác cho ba má cùng đàn em thơ. Nhỏ có giọng hát ngọt lịm, bộ dáng được mắt lại ngây ngô dễ dạy nên được nhanh chóng được một ông bầu nhận vô làm chân sai vặt trong gánh hát.

Thời buổi chiến tranh liên miên, cơm gạo còn không đủ ăn thì nói gì đến bỏ tiền mua vé xem cải lương. Vì vậy, gánh hát ruổi rong càng ngày càng xa quê cũ của nhỏ. Xuôi từ Trà Vinh về Năm Căm rồi ngược lên Châu Đốc – Long Xuyên, mỗi nơi ghé lại dăm bữa nữa tháng, có đêm bán được vài chục vé, có đêm vắng tanh. Nhỏ uống nước lã cho qua cơn đói đã không còn là chuyện lần một lần hai nữa. Một mình làm hết mọi công việc, giặt giũ, cơm nước, đóng vai lặt vặt như xác chết, con hầu, khỉ, voi,… Khổ cực là vậy nhưng chỉ cần ngước mắt nhìn lên sân khấu thì bao nhiêu mệt mỏi, lo lắng trong lòng nhỏ đều tan biến.

Ghe chở gánh hát trôi nổi theo từng con nước lớn nước ròng, tiếng ca của nhỏ cũng lênh đênh tựa cánh bèo trôi. Chớp mắt đã hai mùa xuân qua đi, nhỏ vẫn chưa được đàng hoàng bước lên sân khấu dù ông bầu luôn miệng hứa hẹn. Nỗi nhớ nhà cũng chất chồng thêm nhưng nhỏ thiệt không biết đường về nữa rồi bởi trong ký ức đứa trẻ suốt mười bốn năm chỉ quẩn quanh xóm nhỏ đâu còn gì ngoài cái tên “Gò Quao”. Mà Gò Quao thì xa lắm, rộng lắm thay! Và nỗi nhớ nhà dần nguôi khi ông bầu thường xuyên gọi nhỏ ra ngoài, lúc giữa đêm để tập ca, tập diễn xuất.

Ước mơ đào thương chưa thấy đâu thì bụng nhỏ ngày một lớn hơn. Một ngày, ông bầu cho đưa mấy chục bạc, kêu nhỏ xuống chợ khám bệnh, sẵn tiện lựa vải về may áo dài diễn. Nhỏ răm rắp nghe theo, vừa đi vừa cười tít mắt, cảnh tượng cô The mặc chiếc áo dài xanh, tóc xõa dài, nghẹn ngào nức nở trong vở “Nửa đời hương phấn” chiếm trọn suy nghĩ. Nhưng khi nhỏ trở về bến sông, chiếc ghe chở gánh hát đã không còn neo ở chỗ cũ. Mấy gói thuốc với mảnh vải xanh da trời trên tay nhỏ run lên cầm cập, hai chân luýnh quýnh men theo bờ, gặp ai cũng hỏi về gánh hát như điên như dại.

Bà mẹ trẻ chưa tròn mười bảy tuổi tay ôm đứa con khát sữa khóc ngằn ngặt suốt đêm ngày thang lang khắp nơi và ngoài vốn tự có ra, nhỏ chẳng còn gì để bán…

(1)Âm lục huyền, âm nhị: Các loại nhạc cụ trong cải lương, vọng cổ.
(2)Trích từ bản vọng cổ “Kiếp cầm ca” của cố soạn giả Viễn Châu.
Hết chương 1.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Kẹo Lạc

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/12/13
Bài viết
224
Gạo
0,0
Đọc chán quá. Cậu đăng thêm đi xem thế nào.
 

Kẹo Lạc

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/12/13
Bài viết
224
Gạo
0,0
Chắc chắn rồi. ^^
Cám ơn bạn nhiều, đã chia sẻ thẳng thắn. :tho26:
Vừa bị Ktmb mắng một trận. Cậu viết gửi gắm suy tư của mình thì chả sao, cứ thoải mái mà viết. Đừng mong vừa thuần việt vừa viết cho mình lại có nhiều người đọc. Loãng hết cảm xúc lâng lâng bay bổng.
 

Nhocmuavn

+..Gái xăm trổ..+
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
18/12/13
Bài viết
1.236
Gạo
50.000,0
Vừa bị Ktmb mắng một trận. Cậu viết gửi gắm suy tư của mình thì chả sao, cứ thoải mái mà viết. Đừng mong vừa thuần việt vừa viết cho mình lại có nhiều người đọc. Loãng hết cảm xúc lâng lâng bay bổng.
Thực ra là tác phẩm đầu tay của mình, nên những nhận xét thẳng thắn của cậu giúp mình rất nhiều. Cậu kệ Ktmb. :D:D
 

Vi An Sakura

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/10/14
Bài viết
277
Gạo
0,0
:tho6:*ngóc đầu lên* Đa số thiên về kể và tả, chưa có gì hấp dẫn lắm, nếu không đủ kiên nhẫn là sẽ... nản (:|. Tuy nhiên có vẻ nó là thuần Việt và hình như (theo em đoán) truyện sẽ là bi kịch, hóng tiếp ạ :P. Có chương mới chị tag em vô đọc thử nhé chị :-c.
Mà sao em chẳng thấy ảnh được vậy chị? Bìa chương bìa truyện chẳng hiện gì hết, chữ ký của các mem cũng không thấy luôn?
 

Ktmb

Gà ngơ
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/2/14
Bài viết
2.766
Gạo
5.000,0
:tho6:*ngóc đầu lên* Đa số thiên về kể và tả, chưa có gì hấp dẫn lắm, nếu không đủ kiên nhẫn là sẽ... nản (:|. Tuy nhiên có vẻ nó là thuần Việt và hình như (theo em đoán) truyện sẽ là bi kịch, hóng tiếp ạ :P. Có chương mới chị tag em vô đọc thử nhé chị :-c.
Mà sao em chẳng thấy ảnh được vậy chị? Bìa chương bìa truyện chẳng hiện gì hết, chữ ký của các mem cũng không thấy luôn?
Mới chương 1 mà sao thấy hết được em. Kiên nhẫn xí đi. :D
Chữ kí với ảnh chị vẫn thấy bình thường nhé, có lẽ do mạng bên em bị chậm đó.
 
Bên trên