Chương 2:
Trên chiếc giường ọp ẹp, bốc mùi tanh hôi đặt cuối căn phòng trọ tạm bợ, tường gạch chưa trát vữa, sàn xi-măng gập gềnh nhớp nháp, Hai Rớt nằm ngửa, tay ôm ngực, há miệng thở dốc. Sau gần bốn mươi năm làm kiếp đàn bà bán vốn tự có, Hai Rớt giờ chẳng còn lại gì ngoài khối u ác tính đang đè lên ngực, ngày qua ngày rút rỉa từng hơi thở tồn tại. Cả thân người giống hệt bộ xương khô phủ thêm lớp da nhăn nhúm, nhàu nát, xanh xanh tím tím bên ngoài. Gương mặt gầy tọp chỉ còn trơ hai hốc mắt trũng sâu và khung xương hàm nhô ra càng xấu xí dưới cái đầu lơ xơ vài mớ tóc bạc bết dính vào nhau.
Hai Rớt ho khan một tràn dài, đớn đau cấu cào mười ngón tay khòng khoèo xuống chiếu. Nước mắt từ đâu chảy ra như suối, cơn ho càng dữ dội hơn. Mấy vết thương hở trên ngực lại được dịp vỡ tung, dịch pha máu thấm ướt cả mảng áo to, bốc mùi nồng nặc. Nửa năm trước, bác sĩ nói Hai Rớt bị ung thư vú, không chữa trị sẽ chết. Ai mà không sợ chết nhưng cả đời bán thân nuôi miệng còn chưa đủ ăn thì lấy cái gì mà trả viện phí? Vậy là Hai Rớt về nhà, nằm chờ cái chết tới đón. Nhanh hoặc chậm…
Có tiếng cửa mở cọt kẹt, tiếng chân người, tiếng bật đèn, mùi thuốc lá nồng nặc, Hai Rớt biết con Diễm về. Từ hồi bệnh tình Hai Rớt trở nặng, mấy cái u nhọt trên ngực bắt đầu sưng to, chảy máu mủ hôi tanh, mắt cũng mờ dần rồi nằm một chỗ cho đến giờ, Vui – con gái Hai Rớt cũng là mẹ Diễm – đã ra ngoài thuê phòng khác, ở cùng bạn trai mới. Chỉ còn Diễm thương chút tình bà cháu mà ở lại, mua miếng cháo viên thuốc giảm đau cho Hai Rớt.
- Đau lắm hả? Tui lấy cho ngoại miếng nước nghen?
Cái giọng khàn khàn, lúc nào cũng chán đời của con Diễm cất lên. Nó nhăn mặt nhìn đến chỗ giường rồi đưa tay túm cái túi đựng bông gòn, thuốc đỏ treo trên tường, bước nhanh.
Khó khăn lắc đầu, Hai Rớt đưa mắt nhìn hình ảnh mờ mờ đang đi gần về phía mình. Cổ họng có khối u chèn ngang nên mỗi lần nói chuyện là mỗi lần Hai Rớt đớn đau như lúc rặn đẻ con Vui vậy. Nhưng lúc này, Hai Rớt không còn cảm thấy sợ đau nữa, giọng thều thào, ngắt quãng:
- Đừng lau vết thương cho ngoại chi, ngoại sắp chết rồi…
Nước mắt đầm đìa trên gương mặt ngập tràn nét yêu thương, Hai Rớt cố hết sức, run rẩy cầm tay Diễm. Đây có lẽ lần đầu tiên hai bà cháu có cử chỉ tình cảm đến vậy. Vui có Diễm lúc mười lăm tuổi, xong quẳng đó cho Hai Rớt muốn nuôi sao thì nuôi. Hai mươi hai năm qua, họ giống ba người đàn bà làm nghề “bán trôn nuôi miệng” sống cùng nhau dưới một mái nhà hơn là ba thế hệ trong một gia đình. Từ lúc oe oe khóc chào đời cho đến năm mười hai tuổi, Hai Rớt không để Diễm đói ăn thiếu mặc nhưng cũng chẳng mấy khi quan tâm vì chính Hai Rớt còn không hiểu thế nào là quan tâm. Sau tuổi mười hai, Diễm cũng bắt đầu lấy đêm làm ngày, mỗi người một cuộc đời, một địa bàn hành nghề riêng.
Diễm trợn mắt nhìn xuống bàn tay xương xẩu đang đặt trên tay nó. Luồn khí nóng rần rần chạy khắp cơ thể, khiến tay nó run run theo:
- Chết cái gì mà chết? Tui để dành được hơn triệu rồi, mai tui đưa ngoại đi bệnh viện.
Vừa nói, Diễm vừa lòn tay vào áo ngực, lấy ra mớ tiền cuộn tròn còn nóng hôi hổi, đưa đến gần sát mắt Hai Rớt. Những tờ tiền có mùi mồ hôi và tinh trùng của bao gã đàn ông.
Rất muốn thở dài chua xót, tuy nhiên Hai Rớt không còn đủ sức. Diễm không được xinh đẹp như Vui hay tròn trịa như Hai Rớt nên kiếm được đồng tiền không phải dễ, nhất là trong thời buổi gái nhiều hơn khách này. Nụ cười trên đôi môi tàn tạ của Hai Rớt bỗng sáng lạn như ánh bình minh nhưng lòng lại đau như cắt, đau hơn cả cơn đau đến từ cổ họng:
- Để dành phòng thân đi, đừng để mẹ mày biết. Nó biết thì kiểu gì cũng nạo cho bằng sạch.
Cả ngày hôm nay, Hai Rớt đã chiến đấu cực lực với những cơn buồn ngủ đeo đẳng, chỉ vì muốn chờ Diễm về. Xiết chặt bàn tay Diễm hơn, Hai Rớt nói bằng hơi thở dốc, vừa khổ đau ân hận vừa vai nài cầu khẩn:
- Đừng trách mẹ con nghen con. Tại ngoại không dạy được nó…
Dứt lời, Hai Rớt trợn ngược mắt, đôi tròng mắt trắng dã giãn to hết cỡ. Miệng há rộng, phát ra những tiếng nấc khó nhọc. Toàn thân co giật liên hồi. Diễm hốt hoảng ôm chầm lấy bà ngoại, gào thét gì đó chẳng thành chữ. Nỗi sợ hãi tột cùng hiện lên nét mặt nó. Những đòn roi, những câu chửi từ mẹ nó đột ngột ùa về rồi tan biến. Nó cuống cuồng xốc bà ngồi lên, choàng tay qua lưng và chân bà.
Nhưng Hai Rớt đã giữ tay Diễm lại. Cười thật tươi và dịu dàng nói bằng chữ một:
- Ngoại… muốn… hút… điếu… thuốc…
Năm đó, sinh con Vui xong, Hai Rớt vừa chạy bom đạn vừa đói nên không kiêng cữ được. Vì vậy, mới gần ba mươi tuổi đã chịu lạnh không nổi, cứ mặt trời xuống núi là người bắt đầu run cầm cập. Nghe mấy chị em làm chung chỉ vẽ, Hai Rớt tập tành hút thuốc, cũng nhờ vậy mà đủ sức tiếp mấy lượt khách một đêm. Rồi như thành tập tính, mỗi lần vui buồn, nhớ nhà, nhớ quê Hai Rớt đều châm điếu thuốc.
Diễm ngập ngừng rồi gật đầu. Nó gắn điếu Hero lên đôi môi thâm tím, bật lửa, kéo một hơi dài, nhả khói trắng đục, trước khi gắn sang môi Hai Rớt. Hai Rớt yếu ớt hít vào, đốm đỏ trên đầu thuốc không lóe sáng, làn khói yếu ớt vừa kịp nhả ra khi đôi tay từ từ buông thõng. Không biết làn khói ấy có đủ sức đưa Hai Rớt về đến Gò Quao, tìm gặp ông ba bà má với đám em nhỏ?
Người đi! Nét mặt bình thản. Người ở lại! Căn phòng trọ ngập ngụa khói thuốc. Diễm ngồi đó, trên mép giường lạnh ngắt, ngực áo lấm tấm những vệt máu dây từ Hai Rớt. Rít thuốc không ngừng. Một! Hai! Ba! Ba điếu thuốc nữa đã cháy, đã tàn. Đỡ Hai Rớt nằm lại ngay ngắn trên giường xong, Diễm rút điện thoại gọi đi. Giọng nó không có gì khác lạ: “Ngoại chết rồi, bà có về không?”
Đêm chưa qua hết, đêm đã tàn!
*********
Hai Rớt nằm lại căn nhà chẳng là của mình nhưng cũng sống tạm hết gần một phần ba đời người, thêm đêm cuối. Khu trọ xập xệ, nằm xa cách với khu dân cư này vốn do người ta lấn chiếm mé rạch Giồng Ông Tố mà cất nên, có tên gọi mĩ miều là “xóm đĩ”. Tròm trèm hai mươi căn - mười tám căn có khách thuê trọ làm nghề “bán trôn nuôi miệng” – mấy căn còn lại không xe ôm kiêm bảo kê thì cũng giặt đồ, nấu cơm mướn cho mấy động chứa. Đĩ được chia làm nhiều giai cấp. Trẻ trẻ, còn sắc còn vóc thì làm phục vụ nhà hàng sang trọng. Trung trung, nhỡ nhỡ, ít ít đẹp thì bán cà-phê ôm, bia ôm, cắt tóc ôm. Xấu xấu như Diễm hay già già cỡ Hai Rớt thì không có địa điểm cố định; hè phố, gốc cây, bến tàu, nhà chứa,… nơi đâu cũng có thể là bãi đáp kiếm miếng ăn, miễn có người chịu bảo kê. Vì vậy, ngày nào không ra rả những tràng nói tục chửi thề là mấy chục con người trong xóm trọ ăn không ngon, ngủ không yên. Ồn ào riết hồi thành quen, đến độ công an khu vực mắt nhắm mắt mở coi như “xóm đĩ” không tồn tại nếu vẫn chưa có vụ đánh nhau, đâm chém ầm ĩ nào đó xảy ra.
Nhưng nhờ “xóm đĩ” bị xa lánh mà Hai Rớt không bị chủ nhà tống cổ khi bệnh hoạn, có thể chết lăn ra bất kỳ lúc nào. Con Diễm làm thủ tục chứng tử cũng dễ dàng hơn. Vì người khác chết thì còn lo tranh giành gia sản, hãm hại, giết người,… chứ đám người như Hai Rớt chết bớt một đỡ ồn ào một. Hơn nữa, cái xóm trọ này chẳng ai sợ ma sợ quỷ, nếu có sợ thì chỉ sợ ma cô còn sống, biết ăn biết xài tiền.
Đời đĩ bạc, lòng đĩ chưa chắc bạc. Vui không về vuốt mắt cho Hai Rớt lần cuối nhưng có mấy chục chị em, già có trẻ có bỏ kiếm ăn một đêm để trải áo mưa, ngồi chật kín cái hè nhà nhỏ xíu. Tiếng đập muỗi chan chát vang lên, đôi khi nhịp nhàng giống như ban nhạc Tây hay chơi trong các đám tang nhà giàu.
Đời đĩ kiếm đêm nào xào đêm đó nên dù mỗi người góp một tay, Hai Rớt cũng chỉ có được cái quan tài gỗ tạp, mỏng dính, sơn vàng nhem nhuốc. Mà đẹp, sang hay tồi tàn thì có khác gì nhau đâu? Cuối cùng vẫn lấp đất, cho dế giun làm nhà hoặc cháy thành tro tàn dưới ngọn lửa thiêu xác.
Đời đĩ vô tâm lắm! Đám ma nhà có học, con cháu khóc nức nở, thương tiếc ngút trời. Còn đây, bên trong quan tài nằm nửa trong nửa ngoài cửa phòng, Hai Rớt mặc cái đầm vải phi bóng đỏ chói mà con Kiều ở cạnh phòng mới mua hôm qua. Môi tô son hồng cánh sen, mắt kẻ xanh tím, mặt trát phấn trắng toát, má hồng rực rỡ. Chân đi đôi guốc cao gót đính đá giả lấp lánh của nhỏ Ánh. Bên ngoài quan tài, mấy chục ả đàn bà đốt thuốc lá lấy khói xông muỗi, ly rượu đế chuyền tay nhau, hột dưa, cóc ổi làm mồi nhậu. Cười cười, nói nói rôm rả.
Con Ánh búng búng tàn thuốc xuống nền đất, vừa đưa tay đập muỗi dưới chân vừa oang oang nói:
- Bà Hai coi vậy mà sướng! Đi sớm, còn có con Diễm với cái đám tụi mình làm đẹp cho. Chứ kiểu tụi mình, có khi còn không có chiếu đắp xác nữa kìa.
Bên kia tấm áo mưa, một ả mắt to, mũi cao, da trắng bóc, chừng hai hai, hai ba tuổi, nốc cạn ly rượu, khà thành tiếng lớn rồi bóc miếng cóc xanh bỏ miệng, nhai rau ráu. Giọng ả chua lét, không biết có phải vì cóc xanh luôn chua:
- Mẹ, cái miệng bà. Bà ngủm củ tỏi đi rồi tui mua hòm cho, khỏi chiếu.
Nói xong, ả hất hất mặt về hướng Diễm, đang lui cui đốt giấy tiền vàng âm phủ, phía trước đầu quan tài Hai Rớt nằm:
- Chắc nó buồn lắm…
- ĐM mày, tao nói sai hả? – Con Ánh gầm gừ, trừng mắt như sắp đánh nhau tới nơi.
- Thôi đi mấy má… – Một ả tuổi trung trung khác nạt to rồi tặc lưỡi, chống cằm nhìn lom lom cái quan tài: - Buồn rồi cũng thôi, chớ để bả nằm miết, còn tội bả hơn. Hôm kia, tao đem miếng cháo vịt qua cho bả mà bả có ăn được muỗng nào đâu. Sống mà không ăn không uống được, nằm một chỗ, sống chi đâu.
Nghe vậy, con Ánh lẫn ả trẻ tuổi cùng mấy chị em khác đều im lặng, nhìn về chỗ Diễm. Nó vẫn cúi đầu, mớ tóc xơ xác nhuộm vàng chóe che hết khuôn mặt nên chẳng ai biết nó đang nghĩ gì. Cái thau nhôm đốt đồ âm phủ đã tàn lửa, chỉ còn lại mấy cọng khói xám xịt nhưng bàn tay gầy trơ xương của nó vẫn liên tục bốc không khí từ túi trống kế bên bỏ vô thau. Nhịp nhàng và vô hồn!
Ả trung niên khịt mũi, chắc do khói đốt đồ âm phủ bay đến nên mắt ả ướt đỏ:
- Diễm, qua đây làm ly rượu coi mày.
- Hả? – Con Diễm ngơ ngác. Tay nó khựng lại, mắt nhìn cái túi đựng đồ âm phủ đã trống không rồi cười khẩy một mình: - Mẹ bà nó, cả trăm ngàn mà có mấy xấp mỏng dính.
Con Diễm lầm bầm chửi. Đồ âm phủ nhưng mua bằng tiền thật nên nó mong bà ngoại sẽ xài được thật. Mấy tháng cuối đời đã không có bữa no thì chết rồi cũng phải có chút tiền lận lưng, trên đường xuống gặp Diêm Vương còn ghé đâu đó ăn bữa ngon. Vừa nghĩ nó vừa rướn người, chỉ chỉ tay vào gói thuốc lá. Con Ánh ngồi gần nhất, hiểu ý, liền lấy một điếu thuốc đưa nó.
Tóp má rít hơi thuốc dài, con Diễm ngửa cổ lên trời phà khói. Xong, nó cắm điếu thuốc vào bát nhang trước đầu quan tài:
- Ngoại đừng có tiếc tiền, thích cái gì thì mua cái đó đi. Mai mốt tui đi làm lại, có tiền rồi đốt thêm cho.
Rồi như không có chuyện gì xảy ra, người nằm trong quan tài kia chẳng phải máu thịt của mình, con Diễm vui vẻ uống rượu, nói dóc với đám hàng xóm. Chập chập, một người trong đám lại đóng giả điệu bộ, lời nói lúc Hai Rớt còn sống, trong khi những người còn lại ôm nhau cười lăn cười bò. Cười đến độ, mặt mũi nhòe nhoẹt son phấn rẻ tiền, để lộ ra làn da xanh nhợt nhạt, chi chít dấu chân chim cùng bao đôi mắt mệt mỏi, buồn bã.
Chớp mắt, trời đã tỏ. Mấy chục con người lục tục thu dọn đống bừa bộn chung quanh quan tài, thu dọn cả không khí náo nhiệt đêm qua. Lần lượt mỗi người ghé qua nhìn Hai Rớt lần cuối, trước khi xe của trại hòm tới, đưa xác ra lò hỏa thiêu. Có người khóc nức nở, có người không nhưng nét mặt ai ai cũng chỉ dám thầm hy vọng, ngày cuối cùng của mình được như Hai Rớt. Mọi người còn phải tranh thủ ngủ bù để đêm còn kiếm tiền nên mình con Diễm đưa Hai Rớt đi. Nó trở về “xóm đĩ” khi nắng chiều vàng vọt soi rọi lên khuôn mặt đen sạm, mắt trũng sâu. Không giống với những đám đưa tang khác, nó mặc quần áo bình thường, quần jean bạc phếch, áo thun sát nách thay cho đồ tang.
Một tay xách lủng lẳng cái túi đựng hộp cơm với chai rượu, tay kia ôm cái bài vị giấy do nhà chùa cho đem về, con Diễm vừa cắm đầu bước vừa nghêu ngao hát. Bài gì nó cũng chẳng biết, thấy quán cơm bà Mập đầu đường mở, nghe hay hay thì hát theo. “Nếu mai anh chết, em có buồn không? Nếu mai anh chết, em cúng đầu heo…” Tự hát, tự chế câu trả lời, tự cười khùng khục, tự khóc hu hu, cuối cùng nó cũng về đến cửa nhà.
- Mày vui quá hen?
Giọng đàn bà xỉa xói cất lên, đem theo cả mùi nước hoa ngòn ngọt.
Đưa tay đẩy cửa cái rầm, đưa chân đá cái thau nhôm đốt đồ âm phủ lăn lông lốc vô gầm giường, con Diễm thả túi thức ăn xuống cái bàn gỗ ván ép đen xì duy nhất đặt giữa nhà – cái bài này, đêm qua là bàn thờ hương hỏa của Hai Rớt. Trên tay vẫn ôm cứng tấm bài vị. Nó không thèm nhìn cũng biết người vừa nói kia là người đàn bà có vóc dáng tròn trịa, da trắng tựa trứng gà bóc, đường nét khuôn mặt thanh tú và là má nó.
- Ừ, vui đó, rồi sao? Sống đách có gì vui, chết có mẹ gì để buồn. Mà má bà chết, bà còn không buồn, sao tui phải buồn?
Vui như không nghe mấy lời con Diễm nói, đảo mắt nhìn quanh căn phòng trọ ẩm mốc, nồng nặc mùi chết chóc tanh hôi rồi đưa bàn tay có năm chiếc móng dài nhọn, sơn đỏ ớt lên che mũi:
- Được nhiêu tiền?
- Tiền gì? – Con Diễm nghiêng đầu, câng câng hỏi lại.
- Thì tiền đám ma. Mày định nuốt một mình, đâu có được! – Mép môi xăm đỏ tươi nhếch lên ra vẻ không vừa lòng, Vui khoanh tay, liếc xéo con Diễm.
Bỗng! Con Diễm dằn mạnh tấm bài vị trên tay xuống bàn, khiến hộp cơm nẩy lên, đổ tung tóe. Bằng hai bước dài, nó lao nhanh đến kệ bếp. Xẻng! Tiếng kim loại va vào nhau khô cứng. Trên tay nó là con dao to bản, gỉ sét đang hướng thẳng về hướng Vui. Nó rít lanh lảnh:
- Tiền… tiền… cái máu què tui nè! Bà biến đi, xớ rớ, tui chém thấy mẹ à!
Trước giờ con Diễm rất hiền, Vui chửi đánh kiểu gì nó cũng không lên tiếng. Có đôi khi, Vui còn nghĩ rằng nó bị đần độn vì mẹ con thì mẹ con nhưng có mấy ai bị đánh tơi tả hôm trước, hôm sau vẫn cun cút nộp tiền cho người đánh mình? Do vậy, Vui không thể không bất ngờ trước phản ứng dữ tợn lúc này. Đôi mắt nhỏ, hơi xếch đỏ ngầu, rực lửa thù hận. Cái hàm vuông bạnh càng thêm xấu xí, thô kệch. Nhất là nét mặt không có vẻ hăm dọa qua loa của nó khiến Vui lùi lại mấy bước rồi vội vã bỏ đi và không quên ném lại cả tràng dài chua ngoa:
- Con chó, để coi ăn hết tiền xác thúi của bả rồi mày có lếch xác qua xin xỏ tao kiếm khách cho làm không thì biết… Gái vừa trẻ vừa đẹp thiếu cha gì, cái thứ xấu hơn chó như mày mà không phải con tao thì đừng hòng… Lần này, mày có quỳ xuống, liếm từ chân tao liếm lên cũng kệ bà nội mày…
Con Diễm đổ vật xuống giường, vùi đầu vào đống mền gối còn chưa khô máu, dịch nhớp nháp của Hai Rớt. Bên tai vẫn ong ong những lời chửi rủa ầm ĩ từ người nó gọi là má. Hai năm trước, Vui cặp với thằng ma cô trẻ hơn chục tuổi, cả hai mở một nhà chứa – giới đĩ tụi nó vẫn thường gọi là “đi ca”. Ừ thì nó xấu, ít khách thèm ngó tới nhưng nó đi ca cho nhà Vui cũng phải trả đủ loại phí như bao đứa khác, thậm chí còn cực hơn vì phải kiêm luôn công việc ở đợ không công.
Cười khanh khách rồi ho sặc sụa đến tím tái mặt, nước mắt giàn giụa trong vùng khói thuốc mù mịt tối tăm, con Diễm đang tự hỏi ngoài cái công banh cửa mình cho nó chui ra thì Vui có cái gì giống một bà má?!
Hết chương 2.
Vi An Sakura Ktmb Ivy_Nguyen