II
Hôm nay Tiểu Quý không phải theo mẹ đi mua ve chai, vì mẹ đi khá xa, Tiểu Quý không đi bộ theo được, mà chở Tiểu Quý thì không còn chỗ chở đồ nữa. Nên cứ hễ đi xa là mẹ lại đạp đi một mình.
Tiểu Quý luộc khoai xong vớt ra rổ bưng lên trên nhà, đặt lên ghế tre, bảo Tiểu An đang tựa cằm vào cửa sổ:
- Tiểu An, đợi khoai nguội mới được ăn nha!
-...
Tiểu Quý thở dài:
- Tiểu An, em đừng làm trò ngốc nữa, nghe anh nói gì không?
Thấy Tiểu Quý thở dài, Tiểu An cũng bắt chước thở dài. Nhưng cô bé lại thực hiện với dáng vẻ hài hước, khiến Tiểu Quý không tài nào bực mình được.
- Đúng là ngốc hết biết! À nè, em chơi loanh quanh ở nhà thôi nghen, anh đi có chút việc, sẽ về trước khi mẹ về. Và không được nói mẹ đâu biết chưa?
Tiểu An đã đứng cạnh rổ khoai từ lúc nào. Những lời Tiểu Quý nói tựa như gió thoảng, không cách nào chui tọt vào tai cô bé được. Bởi Tiểu An đang bận liếm môi, mắt thì dán chặt vào rổ khoai đang bốc khói, mũi hít hít, chỉ thiếu cái là chưa nhỏ dãi ra mà thôi.
Tiểu Quý bèn nhón lấy một củ nhỏ, ra sức thổi. Một lúc, xem chừng đã nguội bớt, cậu lột vỏ xong đưa Tiểu An.
- Nè, em ăn đi, ăn từ từ không nghẹn.
Tiểu An vui vẻ đón lấy củ khoai thơm phức trên tay Tiểu Quý, vừa ăn vừa há miệng hít hà.
- Nóng quá hả? Đưa đây anh hai thổi tiếp.
Tiểu An xua tay, nuốt xong nói:
- Anh hai bóc không nóng, em ăn sao nóng được.
Tiểu An cười mà mặt đỏ lựng.
Tiểu Quý giựt lấy củ khoai, vừa thổi vừa mắng:
- Con bé ngốc này, tay anh da dày hơn lưỡi em chứ.
- Lưỡi có da hả anh?
-...
Sáng nay khi nghe mẹ nói đi qua xưởng gỗ để xin ít mạt cưa thì Tiểu Quý chợt nhớ đến xưởng lồng đèn nằm trên đường về nhà, mẹ hay vào đó xin tre thừa về nhóm bếp. Tiểu Quý cũng chỉ là theo tay mẹ nhìn qua cánh đồng lau, chứ Tiểu Quý chưa vào đó bao giờ cả. Thành ra chẳng biết đi đường nào vào.
Tiểu Quý đứng trước cánh đồng lau trắng muốt, cứ mỗi đợt gió thổi qua là hàng loạt bông lau lại ngả rạp xuống, rung rung. Lúc thì ngả sang trái, lúc ngả sang phải, lúc dồn về trước, lúc ngửa ra sau, lả lướt như múa, dập dềnh như sóng. Đẹp một cách giản dị và yên bình.
Nếu chỉ ngắm nhìn thì đúng là đẹp thật, nhưng mà chạy qua thì...
Tiểu Quý cắn chặt răng, cắm đầu cắm cổ chạy băng băng, xuyên qua cánh đồng lau cây nào cây nấy đều cao quá đầu cậu, mặc cho lá cây lau cứa vào da, vừa rát vừa xót.
Tiểu Quý lóng ngóng đi qua đi lại bên ngoài xưởng, chốc chốc lại thò đầu dòm vào bên trong.
Bên trong là một sân rộng la liệt lồng đèn được phơi nắng cho khô. Lồng đèn ở đây được làm bằng vải, không phải loại làm bằng giấy kính rồi vẽ màu nổi lên. Tiểu Quý đẩy cổng, rụt rè đi vào.
Băng qua khoảng sân rộng lại đến nơi ngâm tre. Tre ở đây là loại tre già được tuyển kĩ lưỡng, rồi ngâm trong bể muối chừng mươi ngày để chống mối mọt, sau đó mới được vớt ra đem đi phơi khô. Vải dùng bọc lồng đèn thường là vải xoa hoặc lụa tơ tằm có độ dai để khi căng qua các góc không bị rách, và có độ mỏng vừa đủ để ánh nến lọt qua.
Qua khỏi các bể muối là chỗ treo vải. Những tấm vải đã được cắt thành khổ lớn treo dưới nắng, óng ánh đủ sắc màu.
- Chà, đẹp quá! Tiểu Quý reo lên nho nhỏ.
- Đẹp thật không hả cậu bé?
Tiểu Quý giật mình quay ngoắt lại, trước mặt là người đàn ông cao lớn, cậu có chút sợ, lắp bắp không nên lời.
Người đàn ông cao lớn ấy chính là Hoàng sư phụ, một nghệ nhân nổi tiếng trong ngành.
- Cậu bé, đừng sợ, cháu tên gì thế?
- Cháu tên Tiểu Quý ạ!
- Ồ, Tiểu Quý à, tên hay đấy.
Bác Hoàng xoa đầu Tiểu Quý, cười khà khà, đoạn nói với vào gian trong:
- Ai có con cái tên là Tiểu Quý không, cậu bé đứng chờ nãy giờ rồi này!
Hả? Đâu phải, Tiểu Quý vội xua tay, đính chính:
- Bác ơi, cháu không phải là con của ai ở đây đâu ạ!
Bác Hoàng gãi mũi:
- Ồ, thế cháu tìm ai?
Đột nhiên Tiểu Quý lại im bặt. Chuyện là cậu muốn xin việc, nhưng không hiểu sao lại không dám nói. Cậu chỉ yên lặng nhìn bác Hoàng thăm dò.
- Ái chà, cháu có chuyện gì cứ nói ra đi, đừng sợ!
Tiểu Quý hít thật sâu, phải rồi, có gì đâu mà sợ, mẹ bảo nam nhi đầu đội trời chân đạp đất. Bây giờ, tuy đầu cậu chưa đụng được đến trời, nhưng chân chẳng phải đã đạp được đất rồi sao?
Tiểu Quý dõng dạc thưa:
- Cháu đến đây để xin việc làm ạ!
Nói xong, Tiểu Quý hồi hộp đến quên thở, cậu còn không dám nhìn bác Hoàng.
Trước giờ chưa có ai đến đây xin việc cả, bởi vì nghề không truyền ra ngoài. Nguyên xưởng này, người làm cũng đều là người trong gia đình, hoặc trong họ cả. Huống hồ, bây giờ người xin việc lại là một cậu nhóc.
- Tiểu Quý, cháu sao thế?
Mặt Tiểu Quý đỏ lựng. Bác Hoàng vỗ vỗ mấy cái vào lưng thì cậu mới thở mạnh ra.
- Ôi cái thằng nhóc này, cháu làm bác sợ hết hồn.
Tiểu Quý ngượng, chỉ biết gãi đầu. Đúng lúc đó một người nữa xách lồng đèn kéo quân nhỏ từ trong bước ra, thấy Tiểu Quý liền hỏi:
- Con cái nhà ai đây sư phụ?
- À, cậu bé này... đến xin việc...
- Xin việc?
Người thanh niên trẻ ôm bụng cười nắc nẻ.
Tiểu Quý cảm thấy không có gì đáng cười cả, bèn thắc mắc:
- Tại sao anh lại cười?
Gã thanh niên cố nín cười để trả lời Tiểu Quý:
- Vì em đó, cậu nhóc, ha ha, xin việc, em thì làm được bao nhiêu?
Tiểu Quý nhíu mày:
- Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình. Em sẽ cố gắng!
Người thanh niên nghe Tiểu Quý nói thì khục khục thêm mấy cái rồi im lặng, có chút ngượng.
- Nhưng sư phụ không nhận người ngoài, tóm lại là không nhận em được đâu cậu bé.
- Thật ạ? Nhưng em thực sự rất cần việc làm.
Lúc này bác Hoàng xen vào:
- Tiểu Quý, cháu nói bác nghe, tại sao cháu muốn làm ở đây?
Tiểu Quý thành thật trả lời:
- Dạ, cháu muốn kiếm tiền ạ.
Bác Hoàng và gã thanh niên hai mắt giao nhau, đều có ý cười. Bác Hoàng lại hỏi tiếp:
- Cháu còn nhỏ như thế, cháu muốn có tiền để làm gì?
- Dạ, cháu cần tiền để mua lồng đèn cho em cháu ạ.
- Ồ!
Bác Hoàng và gã thanh niên lại nhìn nhau.
- Cháu chỉ cần làm đúng số tiền mua lồng đèn thôi ạ, cháu không làm phiền mọi người nhiều đâu ạ. - Tiểu Quý nói thêm.
Gã thanh niên khịt khịt mũi, cười nói:
- Sự phụ à, xem ra sư phụ không nhận cũng không được rồi?
Bác Hoàng trầm ngâm một lúc, rồi lấy lồng đèn trên tay gã thanh niên, đưa cho Tiểu Quý:
- Tiểu Quý, bác cho cháu, cháu cầm lấy đi, cháu không cần phải làm việc ở đây đâu.
Tiểu Quý nhìn lồng đèn kéo quân, rồi nói với bác Hoàng:
- Dạ, thưa bác, cháu không thể lấy lồng đèn của bác ạ. Trừ khi bác cho cháu làm việc để đổi lấy lồng đèn ạ.
- Chà, cậu bé này cũng phản ứng lanh lẹ quá chứ sư phụ. Sư phụ chắc không từ chối được rồi. - Gã thanh niên vui vẻ nháy mắt với Tiểu Quý.
Tiểu Quý thấy Tiểu Ất nháy mắt với mình thì trong lòng có chút khấp khởi mừng, nhưng bác Hoàng vẫn chưa nói gì, nên cậu lại nhìn bác, ánh mắt đầy mong đợi.
Cậu bé có một tấm lòng thật đáng quý, mình không thể bỏ qua một tấm lòng như vậy được. Nghĩ thế, bác Hoàng liền gật đầu, cười:
- Được, bác sẽ nhận cháu.
Tiểu Quý hai mắt bừng sáng:
- Thật ạ, bác nhận cháu thật ạ? Thích quá, cháu cảm ơn bác!
Gã thanh niên nhăn mặt, chọc Tiểu Quý:
- Ơ, thế còn anh thì sao...?
Tiểu Quý nhanh nhảu:
- Em cảm ơn anh ạ!
- Ha ha...
Bác Hoàng xoa đầu Tiểu Quý:
- Bây giờ cháu theo Tiểu Ất, cậu ấy sẽ xếp việc cho cháu!
Tiểu Ất chính là gã thanh niên nãy giờ cứ thích chọc Tiểu Quý. Tiểu Quý nhìn Tiểu Ất, nói:
- Dạ, anh Tiểu Ất, em tuy nhỏ nhưng khoẻ lắm, em muốn làm việc như mọi người ấy.
Tiểu Ất liếc mắt với bác Hoàng. Bác Hoàng liền gật đầu. Họ nhận Tiểu Quý là vì mến cậu bé, chắc chắn sẽ không để cậu làm gì nặng nhọc. Nhưng cậu bé lại là một đứa trẻ có tự trọng cao. Đúng là khó xử.
- Tiểu Quý, em phụ anh phơi tre nha.
Tiểu Quý hăng hái đáp:
- Dạ, em sẽ làm tốt ạ!
Tiểu Ất dẫn Tiểu Quý ra sân bên hông xưởng, đó là một bãi đất khá rộng, được lát xi măng trơn láng, đã bắc sẵn các giàn để gác tre lên.
- Tiểu Quý, em ngồi chỗ mát đằng kia, cứ khoảng nửa tiếng lại ra xoay mặt dưới của tre lên, để nó mau khô. Cái nào khô rồi thì dùng phấn này đánh dấu. Được nhiều rồi thì gọi anh. Em hiểu những gì anh nói không?
Tiểu Quý cầm lấy viên phấn trong tay Tiểu Quý, gật đầu quả quyết:
- Em hiểu mà!
Tiểu Quý quả thật rất chăm chỉ và có trách nhiệm, cứ chốc chốc cậu lại chạy ra kiểm tra từng cây tre, xong lại chạy vào. Trời nắng nóng, mồ hôi túa ra như tắm, nhưng Tiểu Quý quen rồi, ngày nào đi theo mẹ chả thế.
Đến trưa, Tiểu Quý còn được ăn cơm với thịt kho xá xíu ngon ơi là ngon.
Sau khi ăn trưa xong, Tiểu Ất dẫn Tiểu Quý đi thăm xưởng lồng đèn. Xưởng rộng cực kỳ, đồ gì cũng nhiều và to, rất thích mắt.
Đi qua kho chứa lồng đèn kéo quân, Tiếu Ất lấy một cái mẫu, giảng giải:
- Đây là lồng đèn kéo quân, loại truyền thống đốt nến và có gắn cánh quay, để khi nến cháy thì lồng đèn sẽ quay được. Công đoạn làm cánh là khó nhất, vì căn không khéo thì lồng đèn không quay được.
- Ồ, làm lồng đèn khó thật anh nhỉ?
Tiểu Ất cười:
- Cũng không hẳn như thế... À, Hoàng sư phụ với các sư phụ khác vừa làm xong lồng đèn kéo quân loại to, to thế này này... - Tiểu Ất dang tay ví von. - Còn cao thì gấp mấy lần em đó. Đi xem thử không?
Tiểu Quý dĩ nhiên là muốn xem thử, cậu hào hứng đi theo Tiểu Ất.
Tiểu Ất dẫn Tiểu Quý vòng ra sau xưởng. Phía sau xưởng chính là sân trước của dãy nhà tập thể. Giữa sân là lồng đèn kéo quân cao lừng lững, độ ba mét. Phần trên cùng thân đèn là các hình ảnh tượng trưng cho truyện cổ tích dân gian như Cây đa chú Cuội, Thánh Gióng, Mai An Tiêm, Âu Cơ... Phần thân đèn khắc hoạ khung cảnh đêm Trung Thu yên bình, các em thiếu nhi vui vẻ rước lồng đèn dọc theo đường làng, dẫn đầu là đoàn múa lân, đánh trống và ông Địa bụng bự với khuôn mặt cười quen thuộc. Phần dưới thân đèn bọc lụa đỏ, nổi lên những bông sen vàng được vẽ cách điệu.
Tiểu Quý ngửa hẳn đầu ra sau để nhìn những hình ảnh trên cao, miệng không ngớt xuýt xoa:
- Đẹp quá, đẹp quá anh Tiểu Ất ơi!
Tiểu Ất gật gù đồng tình, sau đó vỗ vai Tiểu Quý nói:
- Tiểu Quý, nhà em gần đây không? Tối nào em chạy qua đây, anh đốt cho xem, còn đẹp ác chiến luôn á.
- Thật ạ? Woaaaa... Để em xin mẹ thử ạ!
Tiểu Ất xoa đầu Tiểu Quý, hai anh em vui vẻ trở lại xưởng. Tiểu Quý vừa đi vừa nói:
- Anh Tiểu Ất, sau này em muốn tự tay làm lồng đèn kéo quân.
- Tại sao?
- Em thích lắm, em rất thích lồng đèn. - Lúc này cậu nhớ đến Tiểu An, cái gì Tiểu An thích, cậu cũng sẽ thích.
- Ồ, vậy em nhất định phải đến đây học nhé!
Tiểu Quý vui vẻ:
- Em đến đây học được hả anh? Bác Hoàng sẽ nhận em ạ?
- Chắc rồi!
Tiểu Ất cười gian, cho dù không, anh cũng sẽ có cách thôi.
Tiểu Quý thấy Tiểu Ất nói chắc nịch như thế, trong lòng vui sướng lắm, vừa đi vừa hát líu lo.
Tiểu Quý tiếp tục công việc phơi tre với tâm trạng vô cùng phấn khởi.
Đến khoảng năm giờ chiều, trời bắt đầu tắt nắng, mọi người mang tre vào cất, Tiểu Quý tay nhỏ, mỗi lần chỉ ôm được ba khúc, vậy mà đi vẫn chậm do khúc tre dài cứ bập bênh.
Xong xuôi, Tiểu Quý tạm biệt mọi người rồi cùng Tiểu Ất đi gặp bác Hoàng. Lúc này bác Hoàng đang căng vải bọc lồng đèn quả bòn bót. Xung quanh lồng đèn chất thành đống, đủ hình dáng, nào là hình quả bí ngô, quả trứng, bánh ú, quả trám... Được bọc các loại vải xanh đỏ tím hồng... Trông rất bắt mắt.
- À, Tiểu Quý xong việc rồi hả. Lại đây, lại đây bác bảo.
Tiểu Quý nhón chân, né các vật dụng bày tùm lum trên sàn, tiến tới chỗ bác Hoàng.
Bác Hoàng chỉ vào mấy chiếc lồng đèn kéo quân bên cạnh, nói:
- Cháu xem thích chiếc nào thì lấy chiếc đó, rồi Tiểu Ất sẽ chỉ cháu cách chơi.
Tiểu Quý nhìn lồng đèn kéo quân không chiếc nào giống chiếc nào, lưỡng lự một chút rồi cậu chọn cái có hình chị Hằng trên cung trăng. Bởi Tiểu An rất là thích chị Hằng Nga.
- Dạ, cháu lấy chiếc này nha bác!
Bác Hoàng gật đầu, cười:
- Ừ, cháu cầm lấy mấy cây nến này luôn này. Rồi quay qua bảo Tiểu Ất. - Cậu lấy xe chở Tiểu Quý về nhà nhé!
Tiểu Quý cảm ơn bác Hoàng, nhưng từ chối việc để Tiểu Ất đưa về.
- Cháu cảm ơn bác đã cho cháu làm việc, cho cháu ăn cơm, cho cháu nến... - Tiểu Quý sụt sịt, nam nhi không khóc, thế nên cậu mau chóng nhoẻn cười.
Bác Hoàng thấy sống mũi cay cay, tuy gặp Tiểu Quý không lâu, nhưng đúng là một cậu bé đáng yêu, khiến mọi người quý mến.
Tiểu Ất thấy không khí trùng xuống, liền quay qua chọc Tiểu Quý:
- Ây da, chỉ cảm ơn sự phụ thôi à, còn anh thì sao?
- Cảm ơn anh Tiểu Ất!
Sau cùng cũng phải nói lời tạm biệt, Tiểu Quý ôm bác Hoàng, rồi ôm Tiểu Ất. Hai người chỉ cho cậu lối đi khác không phải băng qua đồng cỏ lau. Khi Tiểu Quý đi rồi, cả hai vẫn còn đứng nhìn theo mãi.
Hồi lâu Tiểu Ất hỏi bác Hoàng:
- Sư phụ, giả dụ cậu bé quay lại, mà muốn học nghề, sự phụ có phá lệ không?
Bác Hoàng trầm ngâm, vỗ vỗ vai Tiểu Ất:
- Chỉ cần cậu bé ấy quay lại...