CHƯƠNG 6: TRỌNG NGHĨA CỦA BỐ ĐÂU RỒI NHỈ?
Tiếng nói đó, không chỉ có bọn trẻ con, phụ huynh của bọn chúng mà đến cả tôi cũng gần như đóng băng.
Cuối tuần sau là sinh nhật Trọng Nghĩa rồi, dạo này con thỉnh thoảng lại hỏi tôi bao giờ bố nó về. Tôi chỉ cười gượng nhìn nó rồi nói dối – “Bố nói sẽ về vào ngày sinh nhật Nghĩa, bố muốn thấy Nghĩa ngoan.”
Con tôi vâng một cái rõ lớn rồi nó vui vẻ hoan hô chạy tung tăng khắp nhà. Nó nói nó vui lắm vì sắp đến sinh nhật, được gặp bố, thằng bé sẽ khoe cho đám bạn học biết, bố nó tuyệt vời thế nào. Nhìn con chạy nhảy như vậy, tim tôi đau thắt lại. Nghĩa luôn tin tưởng tất cả những gì tôi nói ra, nên tôi rất sợ rằng, nếu một ngày nó biết tôi nói dối, nó sẽ thất vọng như thế nào về người mẹ này!
Tôi vẫn đi làm đều, nhưng càng đến ngày sinh nhật của thằng bé, tôi càng không thể tập trung được. Trong đầu tôi luôn là suy nghĩ, kiếm đâu ra một người bố để mang về cho con, thay thế đâu được hơi ấm từ người cha mang lại? Tôi rất lo lắng mà không biết nói cho ai! Có thể khi tôi sử dụng từ “kiếm” nghe thật thô thiển, nhưng đúng tình trạng của tôi lúc này là như vậy. Nó tràn ngập trong trí óc tôi đến nỗi, thỉnh thoảng điên rồ lên tôi còn có ý định chọn đại một người qua đường rồi quỳ xuống chân họ cầu xin giúp đỡ. Tôi thật không biết làm sao nữa!
Cuối cùng thì ngày đó cũng đến, tôi đã trang hoàng nhà cửa, cũng đã chuẩn bị đồ ngọt cho con gọi bạn về ăn sinh nhật, nhưng duy chỉ có món quà là người bố thì vẫn chưa tìm đâu ra được!
Làm việc, tôi không biết bị ăn tổng cộng bao nhiêu quả bóng vào đầu. Đã cố tỏ ra công tư phân minh, nhưng lo lắng vẫn xoán ngợp lấy tâm trí tôi. Tôi không dám nghĩ đến sự thất vọng khi con thấy tôi chỉ về một mình, tôi cũng biết nó sẽ không oán thán, nhưng lời nói vu vơ của những đứa trẻ xung quanh chắc chắn sẽ làm thằng bé suy nghĩ.
Ngồi nghỉ ở chỗ của mình, tôi mở điện thoại ra, rồi lại đóng nó lại không biết bao nhiêu lần. Tôi chỉ muốn tan thật sớm rồi rời khỏi đây, có nặn đất sáp ra một người bố cho Nghĩa, tôi cũng sẽ can tâm làm.
Khi được cho về, tôi liền thay vội quần áo rồi đi ra ngoài. Vừa đi vừa suy nghĩ xem phải làm gì tiếp theo. Tôi cứ đi miết, trong đầu còn đang dự tính gọi cho Duyên nhờ chồng chị ấy đóng giả làm bố Nghĩa. Nhưng ý tưởng mau chóng dập tắt vì trước đó, chị Duyên đã dẫn cả nhà chị ấy qua thăm mẹ con tôi, chắc chắn Trọng Nghĩa nhớ mặt bác nó mô tê như thế nào.
Đang nghĩ đến vài cách điên rồ khác và lúc đó tôi cũng không để ý gì đến xung quanh, thì chợt không phòng bị, cả người bị kéo vào trong. Tôi cũng chỉ biết là bị giật mình, sau khi hoàn hồn thì toàn bộ thân thể đã dựa vào đâu đó mềm mềm, âm ấm lại thơm thơm.
Nhận thấy cái thứ ấm mềm mà thơm ấy là lồng ngực đàn ông, tôi liền nhanh chóng đẩy người đó ra. Nhìn lên tính hỏi cho ra nhẽ mọi chuyện, thì ngay lập tức chạm vào đôi đồng tử bức người chính hiệu của anh ta. Tôi vẫn còn giật mình và ngạc nhiên thì hỏi:
“Anh làm gì vậy? Sao kéo tôi?”
“Bị điên hay sao mà đi ra giữa đường?”
Anh ta lạnh lùng nhìn tôi, rồi lời nói ra đến miệng cũng khó ưa như vậy. Tư thế định nói lại, nhưng chợt nghe tiếng chiếc đồng hồ lớn sau lưng anh ta đã điểm sáu giờ, tôi bắt đầu không còn để ý được ánh mắt soi xét của anh nữa mà thay vào đó là sự tuyệt vọng. Còn một tiếng nữa thôi, một tiếng nữa sao có thể đem về cho Trọng Nghĩa một người cha đây?
Thật sự lúc đó, tôi chẳng thể màng đến ai đi qua nhìn tôi, hay người đối diện cảm thấy thế nào, tôi hoàn toàn tuyệt vọng và tôi đã khóc. Tôi khóc vì sợ hãi, lo lắng và cắn rứt, nhìn từng kim giây kim phút nhích đi một chút là như lòng dạ tim gan tôi xê chuyển hẳn ngàn thước vậy.
“Cô làm sao thế?”
Tôi có thể nghe anh ta dịu giọng hỏi tôi.
“Đứng đây mà khóc có ổn không?”
Tôi có thể cảm thấy sự khó xử của anh ta.
Tôi cũng cảm thấy sự khó xử trong trái tim mình. Tôi lúc đó, đúng là giọt nước tràn ly, chỉ biết vùi mặt vào hai lòng bàn tay trống không mà nức nở. Tôi nói:
“Hôm nay là sinh nhật con trai tôi mà tôi không thể đem về cho nó một người cha như thằng bé hằng mong muốn.”
Tôi đã hét lên:
“Tôi là người mẹ không ra gì. Tại sao tôi lại vẽ lên trong lòng nó một người cha không tồn tại, để đến giờ nó sẽ thất vọng như thế nào khi biết sự thật đây?”
Tôi cũng chỉ muốn giãi bầy rằng:
“Con tôi, nó chỉ là một đứa trẻ, nó cần bố. Tôi biết tìm ở đâu bây giờ?”
Tôi không nghe thấy anh ta phản ứng lại. Chính xác, tôi cũng không mong anh ta nói gì. Trong tôi, chỉ muốn nói hết ra tất cả những gì phải chịu đựng giày vò bấy lâu nay. Tôi cũng đã nghĩ, kể với một người qua đường rồi họ cũng sẽ lướt qua tôi như người dưng, không màng không để ý, như vậy có lẽ còn tốt hơn là giấu nó trong lòng lâu như vậy. Thật tâm, tôi không đủ sức lực để mang vác sự thật và cùng sự nói dối của chính mình thêm nữa.
“Nhà ở đâu?”
“Khu tập thể Công Đoàn.”
Nói đến đây, tôi chợt thấy gì đó không đúng?! Ngẩng mặt lên nhìn anh ta, người vẫn trung thành xem tôi khóc bù lu bù loa từ nãy đến giờ, có phải câu hỏi vừa rồi là từ miệng anh ta thốt ra không?
“Tôi đưa cô về!”
“Ơ…”
“Đứng ở đây đợi, tôi lấy xe.”
Tôi vẫn ngẩn ngơ, tuy không hiểu rõ ý tứ của anh ta lắm, nhưng trái tim lại không thể mạnh mẽ để nhấc đôi chân rời đi.
Trong thời khắc đó, tôi đã nghĩ rằng, nếu tham lam chút đỉnh, tôi sẽ nhờ anh ta đóng giả. Chỉ một lần thôi, tôi muốn thấy Trọng Nghĩa hạnh phúc thật sự. Tôi biết là rất độc ác khi reo rắc vào lòng con sự hy vọng lớn đến nỗi không thể sửa chữa, nhưng ít nhất tôi cũng thể để cho con không tủi thân trước mặt các bạn đồng lứa vào ngày sinh nhật của mình.
Chỉ là, tôi không đủ thông minh để biết trước rằng, cái lúc hy vọng của con tôi lớn lên, cũng là lúc cuộc đời này sẽ rẽ hoàn toàn sang chương mới. Cái chương mang tên: Định Mệnh.
./
Ngồi trên chiếc xe sang trọng với nội thất đắt tiền, nghĩ ra tôi tuyệt nhiên chỉ ngắm nghía xe chứ không biết nói chuyện sao cho phù hợp. Tôi có thể nghe được đến cả tiếng hít thở của bản thân cũng như sự bình ổn từ người bên cạnh. Hít lấy một hơi thật dài, tôi quyết định mở lời:
“C…”
“Con cô tên gì? Tuổi bao nhiêu? Tính cách thế nào?”
Tôi còn chưa kịp nói ra nửa con chữ thì đã bị anh ta làm cho ớ ra hoàn toàn như vậy! Anh ta hỏi tôi một loạt thông tin cá nhân của thằng bé mà mặt mũi không hề biểu cảm, đến cả nói ra cũng tự nhiên như kiểu cảnh sát lấy khẩu cung. Tôi á khẩu phải chừng dăm ba phút mới nói lại được:
“Con tôi tên Trọng Nghĩa, năm nay cháu bốn tuổi. Cháu thông minh hòa đồng và rất biết điều.”
“Trọng Nghĩa!”
Tôi nghe thấy anh ta nhắc lại nhè nhẹ tên con mình, tuy nhiên lại không đoán được anh ta nghĩ gì. Tôi cũng chưa thể hiểu ngay mục đích anh ta hỏi con tôi là như thế nào? Chẳng nhẽ…?! Mất vài phút ngẩn ngơ, tôi ngay sau đó bị suy nghĩ của chính mình dọa chết thì chỉ khẽ nuốt nước bọt lấy lại bình tĩnh. Thôi đi, tôi tự trấn an, làm đếch có người nào tốt bụng như thế chỉ để giúp một người lạ mặt như tôi?!
Cứ thôi miên bản thân cho đến khi đứng dưới lầu, tôi vội vã mở cửa xe đi ra ngoài. Anh ta cũng ra cùng tôi, nhưng đôi mắt một mực hướng về không phải cái cúi đầu chào mà lại là căn tập thể cũ nơi tôi đang trú ngụ.
“Anh Nghĩa, cám ơn vì đưa tôi về. Hôm nay đã khiến anh bị vạ lây lúc ở đường, thành thật xin lỗi!” – tôi cúi chào anh ta rồi nhanh chóng rời khỏi vị trí.
Không đợi anh ta trả lời mà liền rảo bước đi thẳng, tôi cũng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng bước chân đi theo mà chỉ nghe được tiếng khởi động xe đi mất. Cuối cùng, cũng lại mình tôi suy nghĩ vớ vẩn, tự giễu bản thân, trên đời này người có thể không vì mục đích gì mà đi giúp đỡ người khác đã bốc hơi hết rồi!
Tôi quyết định không quan tâm anh ta nữa mà điều tôi lo bây giờ là… cha của Trọng Nghĩa. Tôi đã nghĩ đến việc, khi các bạn con về, tôi sẽ nói rõ với con rằng cha của nó là một người rất tệ bạc. Tôi sẽ nhận lỗi hết với nó, tôi sẽ chịu hết những sự trừng phạt, chỉ cầu trời nó không hận tôi vì đã nói dối nó một thời gian rất dài qua.
Đứng ở trước cửa nhà khá lâu để lấy tinh thần, khi tôi vào trong thì các bạn của con đã ở đây hết, cả phụ huynh của mấy đứa nhỏ trong khu tập thể cũng đến chúc mừng sinh nhật thằng bé. Nghĩa nhìn thấy tôi thì vui vẻ ra ôm lấy, nhưng tôi ngay lập tức thấy ánh mắt đượm buồn của con. Trong tôi bắt đầu bối rối.
Ở xa đột nhiên có tiếng hỏi ngây ngô của một đứa trẻ:
“Nghĩa ơi, ba bạn đâu? Bạn bảo hôm nay ba bạn sẽ về mà?”
“Đúng rồi đó!”
Tôi cứng hàm khi những đứa trẻ đồng thanh nói vậy, chứng tỏ, Nghĩa đã rất vui sướng mà kể cho các bạn nghe. Nó phải rất tin tưởng thì mới dám đi kể như vậy, tôi biết điều đó!
Giờ tôi phải làm sao? Nói sự thật hay tiếp tục nói dối?
Thấy con khó xử chỉ biết cúi đầu, tôi vội vàng quỳ xuống trước mặt thằng bé đang buồn bã, nắm lấy tay con, tôi cuối cùng đã chọn - “Ba của bạn Nghĩa chắc chắn sẽ đến, chỉ là chú có việc bận nên chưa thể về ngay.”
Nghĩa từ buồn bã trở thành vui vẻ, nó cũng nắm lại tay tôi mà hỏi - “Mẹ, bố chắc chắn về chứ ạ? Mấy giờ hả mẹ? Con sẽ đợi để cùng bố thổi nến.”
Nhìn con hớn hở, sự không nỡ càng chiếm lấy tôi. Tôi đang rối như tơ vò không biết nên nói dối con tiếp như thế nào? Nhưng chuyện đó không quan trong bằng... làm thế nào mới có ông tiên biến hình để cứu giúp tôi đây?
Tuy nhiên…
Hẳn chẳng có ông tiên nào...
Chỉ có người thật việc thật đang ngạo nghễ bước vào cuộc đời của mẹ con tôi.
Tiếng nói đó, không chỉ có bọn trẻ con, phụ huynh của bọn chúng mà đến cả tôi cũng gần như đóng băng.
“Trọng Nghĩa của bố đâu rồi nhỉ?”