Chương 10
Thế là cả ba chúng tôi, hai lớn một nhỏ ôm hai túi cà chua, men theo con đường làng quanh co trở về nhà bố mẹ tôi. Trên đường, từng tốp học sinh mặc áo trắng đèo nhau trên xe đạp đùa nghịch, bây giờ là giờ tan học buổi sáng, nhìn mấy đứa vui vẻ cười nói khiến tôi cũng vui lây. Tôi nhìn sang Thúy, nó cũng giống tôi, bị thu hút bởi đám học sinh ấy. Đôi mắt Thúy sáng ngời, có lẽ nó cùng suy nghĩ với tôi, muốn trở lại lúc còn đi học, được mặc bộ quần áo học sinh trắng tinh như thế.
Thời còn đi học, hình như ai cũng ghét sáng nào cũng phải dậy sớm, ghét bộ quần áo đồng phục nhàm chán, ghét ngày nào cũng phải làm một núi bài tập mà chẳng được đi chơi, ghét kiểm tra, ghét bị điểm kém... Nhưng khi thời ấy qua rồi thì ai cũng ước được một lần quay trở lại. Ước có một ngày thức dậy mọi thứ lại trở về như cũ, lại được mặc chiếc áo đồng phục trắng tinh và cắp sách đến trường, được hòa vào những trò đùa tinh quái hay những mối tình ngây thơ ngốc nghếch. Một khi đã trưởng thành rồi, người ta mới biết cái thời học sinh ấy đáng quý đến mức nào, có thể chúng ta bị bố mẹ mắng mỏ vì việc này việc khác, bị thầy cô trách phạt vì lười học, có thể bị điểm kém, nhưng tất cả những điều ấy chẳng là gì khi phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia, sẽ không đơn giản là mắng mỏ hay trách phạt. Để một ngày khi ngẫm nghĩ lại, sẽ thấy tất cả những gì chúng ta ghét thời đi học đã trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, giống như tôi, ước lại được ngồi trong lớp nghe tiếng thầy cô, ước lại được chụm đầu so đáp án bài kiểm tra với bạn bè, ước lại được nghe tiếng trống trường rộn vang.
“Vân ơi, tao muốn học lại cấp 3 quá!” Thúy lay lay tay tôi nói.
“Ừ, tao cũng thế, vui nhỉ? Hồi đấy mỗi lần tan học là tao với Trinh lại phải tránh mấy cái đuôi của nó đấy, bám chặt khiếp lên được.”
Thúy bật cười: “Thế à? Ai bảo nó xinh quá làm gì, mày còn bị mệt lây nữa chứ.”
Tôi cũng cười: “Hồi đấy tao cũng nói nó thế. Tao còn bảo nó là đi học thì chát bùn lên mặt cho bớt xinh đi.”
“Haha. Nó mà ở đây, thế nào cũng bảo bọn mình ghen tỵ với nhan sắc của nó cho mà xem.”
“Ừ, chắc chắn thế.”
Tôi không cảm thấy mất tự nhiên vì Thúy vẫn thường nhắc đến Trinh khi chỉ có hai chúng tôi. Thúy khiến tôi có cảm giác rằng Trinh chưa bao giờ đi xa khỏi chúng tôi, nó vẫn ở đây, ngay bên cạnh. Ngay cả lúc này, tôi cũng có cảm giác Trinh đang thật gần, như đang khoác tay tôi và Thúy, nghiêng đầu mỉm cười thật tươi như nó vẫn thường làm mỗi khi chúng tôi đùa nhau. Gọi đó là ảo giác cũng được, tưởng tượng cũng được, dối lòng cũng được, Trinh vẫn sống trong tôi.
Thoáng một cái ngôi nhà của bố mẹ tôi đã hiện ra trước mắt, cây nhãn lâu năm trước nhà xòe tán rộng in bóng xuống sân gạch như muốn ôm lấy căn nhà nhỏ, che đi cái nắng oi bức của buổi trưa hè.
“Mẹ ơi, nhanh lên! Ông ngoại kìa!” Con trai tôi quẫy quẫy hai cái chân đang quắp bên hông tôi và hô lên.
“Mẹ biết rồi, ông ngoại con không đi mất đâu mà lo.”
Thúy cười, véo mũi thằng bé: “Cái thằng ranh này, ông ngoại nó có khác, tinh thế.”
Lúc đi vào tôi mới nhìn rõ bố đang ngồi uống nước chè cùng anh Trí dưới giàn cây thiên lý. Con chó nhỏ mà Tuyên nuôi nhảy lên vẫy vẫy đuôi mừng chúng tôi.
Anh Trí nhìn ba chúng tôi mỉm cười: “Chào em! Chào cháu, Bo.”
Bo vẫy vẫy tay: “Cháu chào chú Trí. Ông ngoại!” Rồi lập tức rời khỏi tôi và chạy đến sà vào lòng ông.
“Anh đến lúc nào thế?” Tôi hỏi.
“Anh mới sang thôi.”
Tôi không bất ngờ khi thấy anh Trí ở đây vì bố mẹ tôi thỉnh thoảng lại mời anh sang ăn cơm, không cần hỏi tôi cũng hiểu rõ ý của bố mẹ tôi. Tôi chẳng để ý nhiều, chỉ coi anh như một người anh trong nhà. Anh Trí là con trai thứ, bố mẹ anh ở với vợ chồng anh cả, thành ra sau khi ly hôn anh chỉ có một mình. Bố mẹ tôi xưa nay vẫn rất quý mến anh nên hay gọi anh sang chơi dù chúng tôi ở khác làng, những lúc rảnh rỗi anh thường sang chơi cờ với bố tôi.
Còn chưa chờ tôi giới thiệu, Thúy đã lên tiếng làm quen trước: “Anh là anh Trí phải không ạ? Em là Thúy, bạn học của Vân.”
Tôi cau mày nhìn Thúy nhưng nó làm như không biết. Anh Trí cũng nhiệt tình đáp lời: “Ừ, chào em, không nghĩ em cũng biết anh.”
“Vân hay nhắc đến anh nhưng anh khác xa so với tưởng tượng của em.”
Tôi muốn đá Thúy một cái nhưng nó đã nhanh nhẹn chạy đến bên cạnh bố tôi. Bố tôi kéo ghế cho nó ngồi: “Ngồi đi Thúy. Anh Trí làm cùng chỗ với cái Vân đấy!”
“Vâng, Vân cũng đã nói với con.”
Tôi chẳng biết nói gì, giả bộ ngó quanh tìm mẹ, rồi ra bể múc nước rửa mặt, tuy vậy những lời nói của anh Trí, tôi vẫn nghe rõ.
“Anh rất tò mò không biết Thúy tưởng tượng anh như thế nào?”
Thúy trả lời: “Em tưởng anh phải đeo một cặp kính to giống như các giáo sư vì bệnh viện em ai làm ở khoa thần kinh cũng bị cận cả.”
Anh Trí cười, đùa lại: “Vậy sao? Bệnh viện của bọn anh, khoa thần kinh chỉ có một mình anh là không cận cho nên bệnh nhân cứ nghĩ chuyên môn anh kém hơn.”
“Em không nghĩ thế đâu. Vân khen anh rất tốt, lại là bác sĩ giỏi mà.”
Dù Thúy muốn vun vào cho tôi và anh Trí nhưng nó không cần thiết phải lộ liễu như thế? Cũng may, vừa lúc đó Tuyên đi học về, làm gián đoạn cuộc nói chuyện kỳ quặc, nó chào cả nhà rồi dừng lại hỏi thăm Thúy: “Chị Thúy, ở đây chơi với chị em một tuần chứ ạ?”
Thúy cười hì hì: “Ở đây một tháng chị cũng chẳng ngại nhưng mà chị em có nuôi nổi chị không thôi.”
Tôi đi ra, nói chen vào: “Chị Thúy mà ở đây một tháng thì chồng tương lai của chị ý có để yên cho chị không.”
Bố tôi nghe tôi nói xong mới nhớ ra chuyện cưới hỏi của Thúy, chuyển sang hỏi: “À, phải rồi, Thúy tháng mấy cưới hả con?”
“Dạ, sang tháng bác ạ. Đến hôm ấy, cả nhà mình lên dùng bữa cơm với gia đình con nhé!”
Bố tôi cười gật đầu: “Ừ, chắc chắn rồi. Thế chồng con làm gì?”
Thúy bẽn lẽn trả lời: “Chồng con cũng là bác sĩ, chuyên khoa tim mạch ạ!”
Tôi còn tưởng mình nhìn nhầm, bao nhiêu năm làm bạn, lần đầu tiên tôi thấy Thúy xấu hổ. Nhìn vẻ mặt của Thúy tôi cũng đủ biết nó thích anh chàng đó nhiều như thế nào.
“Thế là tốt rồi, tốt rồi.” Bố tôi gật đầu nói, tuy miệng cười nhưng khi nhìn vào mắt bố, tôi thấy ông như che giấu một nỗi buồn khó tả.
Mẹ tôi từ trong bếp đi ra, chắc cũng đã nghe được phần nào câu chuyện nên nói luôn: “Nhất Thúy rồi nhé, lấy được chồng Hà Nội, bố mẹ dưới quê cũng được nhờ.”
Thúy chỉ cười bảo: “Có gì đâu ạ, thành phố chưa chắc đã tốt, đất chật người đông, cuộc sống bon chen lắm ạ! Nhiều lúc con muốn về nhà thăm bố mẹ cũng khó.”
Tôi biết Thúy không muốn chạm đến sự tổn thương trong lòng của gia đình về tôi, tuy rằng chuyện đó đã qua đi nhưng không phải là hoàn toàn biến mất. Bố mẹ tôi vẫn luôn mong muốn tôi có được một cuộc sống như Thúy.
Mẹ tôi cũng là người hiểu biết, tế nhị nên bà chuyển qua chuyện khác: “Thế chuyến này về có ghé quê thăm bố mẹ không?”
“Dạ không, vì đằng nào mấy hôm nữa con cũng phải về để chuẩn bị lễ ăn hỏi ạ.”
“Thế hả? Mà thôi, cơm nước xong rồi, vào ăn đi cho nóng.”
Tôi và Thúy vào bếp giúp mẹ dọn cơm, cả nhà lại có một bữa ăn cuối tuần đầm ấm với những món đậm chất thôn quê. Thằng nhóc nhà tôi ăn hết bát cơm đầy, liền nhảy lên ngoáy ngoáy cái mông làm trò cho cả nhà, còn hát những bài hát tôi đã dạy nữa, giọng hát ngọng nghịu không rõ lời của thằng bé làm mọi người cười vỡ bụng.
Lúc về, mẹ tôi cho Thúy ít rau tươi nhà tự trồng, coi như chút quà quê. Thúy chẳng chê thứ gì, rau tươi trên Hà Nội vừa đắt mà chưa chắc đã tươi ngon, nó lại không thể thường xuyên về nhà mang lên được nên những thứ cây nhà lá vườn này là thiết thực nhất.
“Vân, mày vẫn còn giữ cái này à?”
Thúy hỏi tôi như thế sau khi tôi vừa cho Bo đi ngủ trưa. Tôi quay ra, một tay Thúy đang cầm chiếc nhẫn cỏ đã úa màu, tay kia cầm cái hộp nhỏ bằng gỗ mà tôi dùng để đựng nhẫn.
Tôi bước đến, nhìn chiếc nhẫn và mỉm cười: “Ừ, sao lại phải vứt nó đi chứ?”
“Mày giữ cũng giỏi thật!”
“Giỏi gì mà giỏi. Cỏ đã khô héo hết rồi, bông hoa trắng trên đó cũng chẳng còn nhìn ra màu sắc gì.” Tôi cầm nhẫn lên, thử đeo vào ngón giữa, vẫn vừa, bao nhiêu năm thế mà vẫn vừa.
Tôi rất ít khi lấy chiếc nhẫn cỏ này ra xem, đối với người khác nó là một vật vô giá trị nhưng đối với tôi thì vô giá vì nó chứa đựng cả một kỷ niệm khó quên. Mỗi khi trông thấy nó, vô thức, tôi lại tự men theo con đường mòn của ký ức trở về quãng thời gian hơn bốn năm trước.
Đó là vào khoảng thời gian chúng tôi đang phải lao đầu vào ôn thi học kỳ, cuối năm thứ hai rồi nên tôi không thể rong chơi được nữa. Tôi phải xin tạm nghỉ làm ở Green Coffee để tập trung học, ông chủ không phàn nàn gì, còn dặn dò tôi khi nào thi xong thì quay lại làm. Từ khi Trinh yêu Hải, ông chủ Quân của chúng tôi ít đến quán hẳn, nhưng cứ khi nào đến đều hỏi Trinh. Ai cũng biết ông ta háo sắc, có vợ con rồi nhưng vẫn bồ bịch bên ngoài nên chẳng có gì là lạ khi ông ta quan tâm đến Trinh hơn các nhân viên khác.
Một buổi chiều, tôi nhận được tin nhắn của Cường rủ đi chơi, cậu ta không hẹn trước. Tôi còn đang cầm điện thoại trên tay lưỡng lự không biết nên đồng ý hay từ chối thì Thúy đi đến giật điện thoại của tôi xem, sau đó cười phá lên rồi ném trả lại: “Đi đi! Tối khỏi về ăn cơm cũng được, tao càng được ăn nhiều.”
Tôi đánh nó một cái, đuổi đi nấu cơm rồi nhắn lại cho Cường một tin đồng ý.
Rất nhanh, Cường đã có mặt ở khu nhà trọ của tôi. Cậu ta chào tôi bằng một nụ cười tươi rói làm tôi suýt lóa mắt. Cậu ta đưa tôi ra bến sông Hồng, con đường gập ghềnh làm tôi phải bám chắc vào áo cậu ấy nếu không muốn bị bay ra khỏi xe. Tôi luôn miệng hỏi Cường đưa tôi đến đây làm gì nhưng cậu ta một mực không chịu nói.
Lúc Cường dựng chân trống xe ở dải đất trống, cũng là lúc tôi nhận ra mặt trời đang dần dần buông mình từ trên cao xuống, tỏa ra ánh vàng cam rực rỡ. Tôi ngây ra khi nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, không nghĩ khi mặt trời lặn lại đẹp đến thế. Những đám mây phía cuối trời cuộn thành những đám lớn, nhờ mặt trời nhuộm thành một màu cam tuyệt đẹp, kết hợp với nước sông long lanh và cây cỏ ven bờ tạo nên một bức tranh đầy màu sắc về một buổi chiều hè.
“Ra đây để ngắm hoàng hôn, đẹp đúng không?” Vừa nói Cường vừa ngồi xuống bãi cỏ xanh dưới chân, đồng thời kéo tôi cùng ngồi xuống. Bị bất ngờ, tôi mất đà ngã về phía trước, may mà có Cường đỡ kịp. Vấn đề là sao tôi và cậu ta giống một cặp thế này nhỉ? Tôi hơi ngượng ngập với khung cảnh lãng mạn này, rõ ràng cậu ta đang cố tình tạo ra điều đó, nhưng để làm gì? Lúc đó tôi chẳng còn tâm trạng để ngắm hoàng hôn vì trong đầu xuất hiện hàng loạt câu hỏi.
Tôi đã cố tình phá hỏng khung cảnh lãng mạn đó bằng một câu: “Cậu đưa tôi ra đây chỉ để làm trò nhạt nhẽo này thôi à?”
“Cái gì mà nhạt nhẽo? Lãng mạn thế còn gì. Tại trong phòng trọ ngột ngạt quá nên mới rủ Vân ra đây chơi. Sướng thế còn gì.”
Cường cười và rất tự nhiên đưa tay lên khoác vai tôi, tôi không kiêng nể gì mà hất ra, kèm theo là một cái lườm. Cậu ta coi như không có gì, mắt nhìn về phía Tây, khép hờ. Tôi cũng yên lặng nhìn về phía đó, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn những nhóm bạn đang chơi đùa xung quanh tạo ra một không khí rất huyên náo, bên cạnh còn có những cặp tình nhân lặng lẽ ngồi bên nhau giống như chúng tôi, à không, chúng tôi không phải là một cặp tình nhân.
“Ở đây không khí trong lành nhỉ?” Tôi cố ý phá tan sự yên lặng giữa tôi và Cường.
“Ừ. Lúc nào buồn chán tớ hay ra đây ngồi một mình, cảm giác như nhà thơ. Haha!”
“Vậy sao? Tôi thì có cảm giác như được về nhà.”
Đúng thế, ngồi đây rồi nhắm mắt lại là tôi có thể tưởng tượng ra cánh đồng quê mình đang ở trước mắt. Những ngày hè oi bức thế này, tôi và Trinh thường ngồi dưới một gốc cây to nào đó đón gió hoặc chơi đùa cùng những đứa khác trong làng. Ý nghĩ đó khiến tôi không còn cảm giác lạc lõng giữa thành phố xa hoa này nữa, cả thiên nhiên như ôm gọn lấy mình.
“Vân!” Tiếng gọi của Cường làm tâm hồn bồng bềnh của tôi quay ngược trở về. Vừa mở mắt ra đã thấy bàn tay thon dài của cậu ta xòe ra trước mặt với một chiếc nhẫn làm bằng cỏ tươi. Tôi bất ngờ, cầm lên xem xét với vẻ đầy hứng thú.
“Không ngờ cậu khéo tay như vậy. Cho tôi nhé?”
“Ừ, cho Vân đấy!”
“Nhưng nhẫn gì mà chẳng có mặt, phải có mặt đá hay kim cương gì chứ?” Tôi nói đùa.
“Lại còn đòi hỏi cao thế?” Cường đưa mắt nhìn quanh rồi với tay hái một bông hoa dại nhỏ màu trắng. Bàn tay cậu ta khéo léo kết bông hoa lên trên chiếc nhẫn rồi đưa lại cho tôi. “Đeo thử xem có vừa không?”
Tôi vô tư chẳng suy nghĩ gì đeo luôn vào ngón giữa, vừa in. Tôi cười tít mắt hết lời khen cậu ta khéo tay, còn đòi cậu ta dạy cho cách làm. Nhưng mà tay nghề tôi quá vụng về, non kém, làm thế nào cũng không đẹp bằng chiếc nhẫn cậu ta làm cho tôi.
“Dân biển mà làm nhẫn cỏ giỏi thế?”
Cường chỉ mỉm cười, không trả lời. Tôi ngắm nghía chiếc nhẫn cỏ xấu xí mà mình tự làm, không thể so sánh được với chiếc Cường đã làm. Tôi định ném đi thì Cường ngăn lại: “Đừng ném đi, đưa cho tớ.”
“Để làm gì? Rất xấu mà.”
“Cứ đưa cho tớ, xấu cũng không sao.”
Cường giành lấy chiếc nhẫn, tự đeo vào tay mình. Hình như hơi chật, cậu ta phải cố nhét mới vào. Thấy thế, tôi nói: “Chật đúng không? Tháo ra đi, đeo chật sẽ bị đau tay.”
Cường lắc đầu: “Không đau. Hơi chật thôi mà, không vấn đề gì.”
Cậu ta cười ngây ngô giống như vừa vớ được chiếc nhẫn vàng. Nhìn hai chiếc nhẫn trên tay tôi và Cường, tự nhiên trong tôi dâng lên một suy nghĩ kỳ quặc, vì sao tôi lại đeo nhẫn của cậu ta? Như thế chẳng phải tôi và cậu ta đang trao tín vật cho nhau sao?
Tôi chưa kịp nghĩ thêm điều gì xa hơn, Cường đã đứng dậy và giục tôi đi về vì trời đã gần tắt nắng, tối quá sợ không nhìn rõ đường ra.
Trên đường về, chúng tôi cùng nhau đi ăn, cùng nhau than thở về cuộc sống, về học tập. Cường nói ngày mai sẽ có kết quả của kỳ thi giành học bổng, trông cậu ta không có vẻ gì là lo lắng nên tôi cũng chẳng có cơ hội động viên hay an ủi.
Trước khi về nhà, Cường còn đưa tôi đi vòng vòng dạo phố. Về đêm, thành phố này luôn rực rỡ ánh đèn, người người ra đường đi dạo. Các đôi tình nhân đèo nhau trên chiếc xe máy ôm ấp rất tình tứ. Và cả… tôi nhìn thấy Hải và Trinh, hai người đi trên chiếc xe máy đắt tiền ngang qua tôi, rẽ vào một nhà hàng sang trọng bên kia đường. Tôi chỉ kêu lên một tiếng nhỏ đủ để Cường có thể nghe thấy.
“Sao vậy?” Cậu ta đi chậm lại, quay đầu hỏi tôi.
Tôi chỉ ra phía Hải và Trinh đang dừng xe bên ngoài nhà hàng “Bạn tôi!”
Cường cũng nhìn ra đó, nhận ra ngay: “À, Trinh phải không? Đó là người yêu bạn ấy à?”
“Ừ, đẹp trai chứ?”
Cường cố ngoái lại nhìn lần nữa, lắc đầu: “Không nhìn rõ mặt nhưng có vẻ là con nhà giàu.”
“Ừ, anh ta là con nhà giàu mà. Trinh rất may mắn đúng không?”
Cường cười nhạt, tôi không rõ vì sao khi ấy cậu ta lại phản ứng như thế, từ lúc quen nhau tôi chưa thấy Cường có phản ứng như vậy bao giờ. Cậu ta chậm rãi nói: “Cuộc sống chẳng thể nói trước được ai may mắn hơn ai, cái gì cũng có cái giá của nó. Chẳng ai có được tất cả mà cũng chẳng ai mất đi tất cả.” Ngưng một lát cậu ta hỏi tôi: “Vân nói xem, giữa một người đẹp trai giàu có, đi xe ga, ô tô, có thể mua cho Vân mọi thứ và một người đi xe số như tớ, chẳng mua được gì quý giá cho Vân thì Vân chọn ai?”
Mặc dù không hiểu tại sao đột nhiên Cường lại hỏi thế nhưng tôi vẫn trả lời thành thật: “Tôi chẳng bao giờ may mắn rơi vào trường hợp đó đâu.”
“Nhưng đây là nếu, là nếu cơ mà. Vân sẽ chọn ai?”
Tôi không suy nghĩ, trả lời luôn: “Thì chọn người phù hợp với mình.”
“Thế nào là phù hợp?” Cường vặn vẹo.
“Phù hợp từ lối sống đến hoàn cảnh sống, có thể là cùng lớn lên trong một hoàn cảnh hoặc là có gì đó tương đồng.”
“Tại sao?”
“Vì khi chọn chung sống với một ai đó nên chọn người cùng hoàn cảnh sống, như thế mới dễ dàng hiểu nhau.”
Không thấy Cường nói gì, tôi cũng không để ý lắm, chỉ thở dài hỏi một câu vu vơ: “Mà cậu có cảm thấy cuộc sống này giả tạo quá không?”
“Cậu có biết tại sao thời ông bà hay bố mẹ chúng ta, người ta sống thật với nhau hơn không?”
Một câu hỏi không đợi câu trả lời, Cường nói luôn: “Bởi vì thời đó chẳng có gì cả, ai cũng như ai, không có nhiều vật chất như bây giờ để mà lợi dụng nhau. Còn bây giờ, mối quan hệ đem lại rất nhiều lợi ích, tiền bạc là công cụ, lợi dụng lẫn nhau chính là quy luật sống của hiện tại. Nếu không có quan hệ tốt, không bám trụ tốt sẽ dễ dàng bị đá khỏi cuộc chơi. Hiện thực tàn nhẫn thế đấy!”
“Mà thôi, nói mấy chuyện cuộc sống nhạt nhẽo đó làm gì? Vân không thắc mắc vì sao hôm ở nhà sách tớ lại lân la đến làm quen à?”
Câu hỏi của Cường làm tôi nhớ ra, cứ tưởng hôm đó cậu ta không có việc gì làm nên mới trêu tôi cho đỡ chán, chẳng lẽ lại có nguyên nhân? Tôi tò mò hỏi: “Tại sao?”
Cường vòng tay lái để rẽ vào đường nhà tôi rồi cười khe khẽ: “Thật ra trước khi gặp ở nhà sách, chúng ta đã gặp nhau rồi, nhưng chắc Vân chẳng nhớ nổi đâu. Tớ có đến quán Green Coffee một lần và lần đó chính Vân đã ra tiếp. Hôm ở nhà sách nhìn quen quen nên đến gần xem đúng không, ai ngờ đúng thật, thế là trêu cho đỡ chán.”
Tôi trợn tròn mắt lên, nói thật là tôi không nghĩ đến tình huống này, không nghĩn rằng ai đó có thể nhớ được mình chỉ sau một lần gặp sơ qua, vì tôi chẳng có gì nổi bật hơn người khác. Nếu người đó là Trinh thì dễ hiểu hơn, còn tôi không được xinh đẹp như Trinh mà cũng chẳng có nụ cười và cách nói chuyện cuốn hút như Thúy. Thỉnh thoảng cũng có người khen tôi có duyên, nhưng chắc hẳn bấy nhiêu đó không thể làm tôi nổi bật hơn người khác.
“Cậu có trí nhớ tốt đấy!” Đó là lý do duy nhất tôi có thể giải thích cho việc Cường nhớ ra tôi.
“Trí nhớ tốt á? Ờ, cứ cho là thế đi.” Giọng Cường có chút gian manh nhưng tôi không có thời gian đánh giá vì xe đã dừng trước cổng nhà trọ.
Tôi nhớ là Thúy đã la oai oái lên khi thấy tôi trở về nhà với một chiếc nhẫn cỏ trên tay. Nó còn chỉ thẳng vào mặt tôi và kết luận: “Cường thích mày thật rồi, con điên ạ!”
Tôi chẳng nói gì, mặc kệ cho nó đoán già đoán non, yêu đương, tôi chưa nghĩ đến.