Nhà Giả Kim của Paul Coehlo làm tôi nhớ đến những quyển sách của Mitch Albom. Chẳng biết nên gọi những quyển sách này thuộc thể loại gì, chúng như một câu chuyện đầy triết lý giáo dục. Khi viết khô khan một chút thì nó là những quyển kỹ năng sống kiểu
Tôi tài giỏi,
bạn cũng thế, thêm chút tình tiết chút bí ẩn thì nó thành truyện ngụ ngôn. Vào những năm tôi chừng 14, 15 tuổi có lẽ tôi sẽ gối đầu quyển sách này như tôi đã từng gối đầu
Năm người gặp trên thiên đường, nhưng ở cái tuổi tuy chưa thể gọi là từng trải gì mấy này, tôi chỉ có thể đặt nó vào cái kệ sách tôi dán nhãn B.O.R.I.N.G.
Oại, những bạn đã đọc quyển này vài ba chục lần và vô cùng yêu thích nó xin hãy dừng đọc bình luận này tại đây. Những bạn già đời (hơi cau có như tôi) và không thích bị dạy đời (vì tính tình khinh khỉnh giống tôi) hoặc đã đọc và không thấy quyển này hay (vì nó có quá nhiều câu trích dẫn quá hay đến phát nhàm) có quyền ở lại nếu thích.
Tôi xin mượn một câu trắc nghiệm trong một lời bình trên amazon.com để nói lên một trong những triết lý rập khuôn của truyện.
Câu hỏi:Có một thứ Ngôn ngữ Bí Mật của Vũ Trụ. Bạn đoán thử xem nó là gì?
Trả lời, chọn một:
a. Tiếng Tây Ban Nha
b. Âm nhạc
c. Toán học
d. Tình yêu
Tôi đoán là Toán học, nhưng đương nhiên, đó là Tình yêu. Úi cha, vậy có lẽ tôi nên đọc lại quyển sách lần thứ hai để đoán cho đúng? Xin thưa là không, vì ước mơ của tôi không phải là đọc đi đọc lại một quyển sách chán phèo, theo lời sấm của sách là tôi chỉ nên theo đuổi ước mơ của mình, tôi xin không đọc lại.
Nói thật thì quyển sách có mở đầu cũng khá thú vị, nhưng nó bắt đầu trở nên nhạt nhẽo khi Santiago gặp gỡ với những người khác. Và nói thật thì bản thân Santiago đã là một nhân vật nhạt nhẽo rồi. Với tôi, cậu như một tờ giấy trắng, phẳng lì, mỏng tanh không chút chiều sâu, để mặc những người cậu gặp trên đường viết gì lên đó thì viết. Cậu hoàn toàn biết mình muốn gì nhưng cậu không tự quyết định được gì cả, tất cả trông vào lời sấm của những người “bí ẩn” gặp trên đường. Còn những nhân vật “bí ẩn” đó cũng không phải là những quyển sách hay để tôi dìm mình vào ngấu nghiến đọc. Họ mở miệng là tuôn lời vàng ngọc, lời nào cũng hay, cũng xuôi tai, cũng khiến người ta muốn “xách ba lô lên và đi” ngay, nhưng những câu chuyện đằng sau con người họ là gì? Vì sao họ rút được những kinh nghiệm đó mà truyền lại cho người khác? Ai mà biết đâu vì tác giả đâu có kể. Những nhân vật đó làm tôi nghĩ đến câu chế giễu:
“Those who can, do. Those who can’t, teach. (Kẻ có thể làm, thì làm. Kẻ không thể làm, thì dạy.)”
Khi đọc được một hơn một phần ba, tôi cũng hơi phân vân không biết nên phân loại quyển này vào mục
sáo rỗng nhưng có tính chất giáo dục hay
sáo rỗng mà còn vô duyên, nhưng đến đoạn nhà luyện kim đan nói về Fatima thì tôi quyết định cho nó vào danh sách
sáo rỗng, vô duyên và sexist (phân biệt đối xử vì giới tính). Tôi không phải mấy cô gái hay la làng đòi quyền bình đẳng phụ nữ vì tôi cũng thích đàn ông mở cửa, làm những việc nặng nhọc, hay trả tiền khi đi hẹn hò lần đầu… Nhưng tôi không chịu nổi những tư tưởng mặc định như đúng rồi trong sách kiểu
một người con gái sa mạc như Fatima phải chờ đợi chồng trở về. Đúng,
tình yêu không bao giờ ngăn cản ai theo đuổi vận mệnh của mình cả, và tôi cũng biết quyển sách viết dựa theo những giáo dục đạo Hồi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với nó. Vì sao hai người không thể cùng nhau theo đuổi vận mệnh của mình mà một người phải chờ đợi người kia? Vì sao vận mệnh của đàn bà chỉ là ngồi nhà chờ đợi đàn ông trở về? Chẳng lẽ Fatima sinh ra trên đời chỉ để chờ đợi Santiago? Cô thật sự không có ước mơ nào khác của riêng mình ngoài việc muốn được chờ đợi Santiago như mẹ cô đã chờ bố cô sao? Đến đây tôi chả có hứng nghe Coelho dài dòng nữa nhưng vì sách cũng khá ngắn nên tôi cũng ráng đọc cho hết.
Và y như rằng, tôi thấy thật chán vì quyển sách không để cho tôi tự suy nghĩ và rút ra kết luận, mà nó nói huỵch tẹt những ‘chân lý’ như thể đúng rồi. Nếu chỉ lấy những câu trích dẫn trong sách để làm một quyển sách “những trích dẫn gợi cảm hứng” thì có lẽ nó phù hợp hơn là sách trong mục hư cấu vì đơn thuần nó cũng chắp nhặt những lời vàng ngọc từ các nguồn khác như Oscar Wilde ở chương mở đầu hay lấy câu chuyện thứ 14 từ
Nghìn Lẻ Một Đêm. Thế thì tôi thà đọc Oscar Wilde hay nghe Scheherazade kể chuyện còn hơn.