Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi (hay Tôi và... Ấu thơ) - Tạm dừng - Hà Thái

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(2) Đi học

Tôi thích đi học.
Thế nên là khi được đi học ở lớp 1A của cô Dịu chủ nhiệm thì tôi phấn khởi lắm. Hồi chưa đi học, tôi đã suốt ngày dẫn cái Ngọc, có khi cả cái Anh và thằng Hùng min bạn nó, lên trường chơi. Tôi lấy những mẩu phấn thừa viết chữ lên bảng. Tôi biết được mấy chữ cái thôi, nhưng so với mấy đứa kia thì thế là oách lắm rồi. Nhưng tôi thích nhất là vẽ. Chú Lâm ngày trước thi thoảng có dẫn tôi lên trường. Chú lấy phấn vẽ lên bảng cho tôi xem. Chú vẽ rất đẹp. Con chó, con gà, con mèo, nhưng khó nhất vẫn là con khỉ. Về nhà, tôi cũng hì hụi lấy than củi vạch ra sân bắt chước chú vẽ, nhưng vẽ mãi mà chỉ vẽ được con chó với con gà trống. Sau này thì tôi biết vẽ người nữa. Nhưng vẽ người thì không phải là chú Lâm dạy mà là mẹ tôi dạy. Một hôm lúc tôi đang lăn lê bò càng ra sân vẽ người thì mẹ đi qua. Chắc trông hình vẽ của tôi tức cười quá nên mẹ bảo:

- Để mẹ bảo cách vẽ cho này.

Mẹ cầm lấy viên than vẽ. Dưới nét vẽ của mẹ, hình một cô gái rất xinh hiện ra. Mắt còn có cả lông mi, tóc thì phi dê như cô Mơ ở xóm ngoài. Tôi thích chí vẽ theo cách mẹ dạy. Hai mắt vẽ trước, rồi đến mũi, miệng, đến khuôn mặt, rồi mới đến tóc, tai. Đúng là trông cân đối hơn thật. Sau này tôi vẽ người riết, hết người này đến người khác. Mẹ tôi thì tóc búi sau gáy, có lúc lại cặp lại bằng cặp ba lá, cô Huyền thì để xõa tóc ngang vai, mặc áo tay bồng, cái Ngọc thì tóc cụt ngủn đến tai, lại còn thò lò mũi xanh... Mọi người khen tôi vẽ đẹp. Tôi oai lắm. Nhất là trước bọn cái Ngọc thằng Hùng min thì càng oai. Tôi hay lấy quả mùng tơi bóp ra lấy nước rồi ngâm những mẩu phấn vào đó và phơi khô. Đến những lúc giả làm cô giáo trên trường, tôi mới lôi mẩu phấn màu tim tím đó ra vẽ. Cái Ngọc mê những hình vẽ tim tím đó của tôi đến mức nó cũng bò ra tập vẽ, những nét vẽ nguệch ngoạc, xấu hoắc.

Nhưng ở lớp thì tôi không oai như thế. Bởi vì ở lớp tôi có thằng Đức. Thằng Đức là lớp trưởng, lại rất xinh trai. Nhà nó chỉ cách qua sân trường có một đoạn cũng bằng từ nhà tôi đến. Thi thoảng tôi cũng gặp nó khi ra sân trường nhặt quặng. Nhưng quan trọng nhất là thằng Đức vẽ giỏi. Nó biết vẽ rất nhiều thứ. Nào là bình hoa có hoa đồng tiền, hoa hồng, hoa huệ. Nào là con mèo vồ chuột, nào là ông tướng đang cưỡi ngựa. Cô Dịu rất thích những bức tranh của nó và thường khen nó “có năng khiếu”.

Thằng Đức không chỉ vẽ giỏi. Môn toán của nó cũng không kém tôi một điểm mười nào. Chỉ có môn tập đọc là nó dốt hơn tôi. Đấy là vì nó nói ngọng. Lần đầu tiên nó đứng lên hô: “Các bạn chuẩn bị đứng nghiêm. Chúng em “cứn” chào cô giáo ạ!” làm cả lớp lăn đùng ra cười. Ngược lại, tôi đọc rất sõi. Khi bắt đầu học sang quyển học vần thì vừa mới học bài đầu tiên là “a nờ an” thì tôi đã giở ra những bài sau và tự biết được là “á nờ ăn”, “ớ nờ ân”, “a nhờ anh”… Tôi giở từ đầu đến cuối cuốn sách thơm thơm mùi giấy để xem những bài học, xem những hình con ngan, em bé, ngôi nhà… một cách say sưa, thích thú.

Nhưng có một môn tôi không giỏi. Đấy là môn tập viết. Ở nhà, cô Hậu thường xem tay tôi mà xuýt xoa: “Ôi trời, cái Thái có chín cái hoa tay. Thế này thì viết đẹp lắm đây!” Tôi hứng chí lắm. Thực tình mà nói thì tôi cũng thấy tôi viết đẹp. Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Có lần kiểm tra, tôi nắn nót từng nét bút chì. Khi viết xong, tôi ngắm nghía lại bài của mình, trong dạ hài lòng lắm. Thế mà chỉ được điểm sáu! Còn thằng Nghĩa ngồi cạnh tôi là được điểm mười. Thằng Nghĩa học hành rất lẹt đẹt. Nó chỉ toàn được điểm bốn với năm. Nó lại chỉ có mỗi cái hoa tay ở ngón tay cái. Tôi ngó vở thằng Nghĩa, lòng hoang mang không biết chữ thằng Nghĩa đẹp hơn chữ tôi ở chỗ nào mà hơn tôi tận đến bốn điểm. Nhưng cô Dịu đã chấm thế, chắc chắn không sai được. Chắc là chữ tôi xấu hơn chữ nó thật!

Về nhà, cái Ngọc xem vở của tôi, le lưỡi, nói ngọng líu ngọng lô: “Chị vết đẹp đế này mà được đểm sáu. Đế đì em được mấy đểm?” Tôi nhìn vào cái điểm sáu đỏ chót, lòng buồn hiu hắt. Đêm đó, trong giấc mơ của tôi, những điểm mười chập chờn nhảy múa trong khi tôi đang bò ra nhà tập viết.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(3) Phép thần thông ơi...

Hồi ấy, tôi hay chơi với cái Châm. Nhà nó ngay gần trường, lại học cùng lớp tôi. Nó có vẻ mặt lầm lì nhưng lại rất mau miệng. Cái Châm là một kho truyện ma. Nó kể cho tôi ti tỉ chuyện. Nào là chị Xuân nó đi đến lớp lúc năm giờ sáng để trực nhật thì bất chợt thấy một bàn chân trắng toát thò xuống từ mái nhà. Nào là anh Văn nó đi đến cổng nhà bà Định thì bị ma nhảy ra dọa. Nào là chú nó bị ma nhập. Nào là bố nó…, mẹ nó… Tóm lại là họ hàng xa gần nhà nó, tất tần tật đều đã gặp ma. Tôi tin sái cổ. Vừa sợ, vừa thích thú lại vừa khâm phục nó. Sao lại có nhà nào mà liên tục được gặp ma thế cơ chứ!
Tôi chưa được gặp ma bao giờ. Chỉ có một lần khi thức dậy vào ban đêm, tôi thấy trên cửa sổ có những hình người tí hon như trong cái đồ chơi của cái Anh đang đu quanh những song cửa sổ. Chúng nhảy múa, vui đùa, thích chí lắm. Tôi mở to mắt thích thú nhìn. Rồi không kềm được mình, tôi lại gần, chộp tay vào những hình người. Tay tôi chỉ chộp vào song cửa. Lũ người vẫn nhảy múa. Tôi cứ mải miết chộp cho đến khi mẹ tôi tỉnh dậy và bắt tôi ngủ tiếp. Nếu gọi đấy là ma thì ấn tượng về ma trong tôi thật đẹp. Nhưng ma trong những câu chuyện của cái Châm thì chẳng đẹp tí nào. Nó rùng rợn và rất đáng sợ. Nhưng điều đó chỉ làm tôi càng thích thú.

Cái Châm không chỉ có truyện ma. Nó còn nhiều câu chuyện kì bí khác.

Tôi và cái Châm đều học ở lớp 1A. Mà ở lớp 1A thì lại có một đứa là cái Hân. Cái Hân người to gấp rưỡi tôi, rất đanh đá. Nó sẵn sàng gây sự với người khác. Nó có một bộ mặt lì lợm trông rất sát thủ. Nó rất lì đòn, chuyên đánh nhau với bọn con trai trong lớp. Cái Hân rất thích bắt nạt cái Thúy đơ. Nhà cái Thúy ở ngay sát nhà tôi, chỉ cách qua nhà cái Anh. Nó hơi ngốc nghếch nên mọi người mới gọi là Thúy đơ. Cái Thúy bị cái Hân bắt nạt như cơm bữa. Nó bị tạt tai, bị dứt tóc, bị xô ngã, còn bị tụt quần ngay giữa sân trường. Mỗi lần như thế nó chỉ ngồi khóc rưng rức. Tôi thi thoảng mới bị cái Hân chọc ghẹo, nhưng thấy cái Thúy bị hành hạ thì thấy tội nghiệp nó và ghét cái Hân lắm. Nhưng khốn nỗi tôi nhỏ con gần nhất lớp nên chẳng làm được gì nó. Thế là cứ mỗi lần đứng trên hè nhìn cái Thúy khóc dưới sân, tôi lại ngước lên trời, lòng ước gì mình có phép như Tôn Ngộ Không để dạy cho cái Hân một bài học.

Tôi đem điều này kể cho cái Châm. Nó bảo:

- Mày cứ cầu trời thế chả có ích gì. Phải đi tu luyện như bác tao mới được.

- Bác mày có phép hả? – Tôi trố mắt.

- Có chứ. – Cái Châm vênh mặt. – Bác tao có thể nhảy một phát lên mái nhà, tay không chém vỡ gạch, lại còn biết gọi mưa gọi gió nữa.

Tôi nhìn cái Châm. Cái mặt nó trông chắc cú thế kia thì chắc là thật rồi. Tôi chỉ thắc mắc không biết ông bác này là bác nào của nó, có phải ông bác gặp ma gà trong Bổ Túc, hay ông bác bị ma trêu ở bụi tre nhà bà Sở, hay ông bác bị ma giấu ở Hợp Hòa.

Nhưng cái Châm khoát tay bảo:

- Không phải mấy bác đấy. Là bác Vĩnh tao, ở xa cơ chứ không ở gần đây. Chứ có phép như bác ấy, ma nào dám dọa.

- Thế bác ấy học phép như thế nào? – Tôi hồi hộp hỏi.

- Bác tao phải đi xa lắm, mang theo một bao cơm nếp to, để ăn được một tháng cơ. Mà phải đi bộ đấy. Sau khi về thì bác ấy có phép.

Tôi chưng hửng. Chỉ đi thôi mà cũng có phép á? Nếu chỉ đi thì có vẻ đơn giản, tôi cũng đi được. Tôi được nghỉ hè ba tháng, đến hè tôi dành một tháng để đi thế là xong. Thế là tôi bảo cái Châm:

- Có thật là chỉ đi không thôi là có phép không? Thế bác ấy đi đâu?

- Tao biết thế nào được. Bác ấy không nói. – Cái Châm nguýt tôi. Nó có vẻ tự ái vì tôi “coi thường” cái việc “đi lấy phép” của bác Vĩnh nó. – Mày tưởng ai đi cũng được phép à? Đầu tiên mày phải được trời cho phép bay vào bụng, sau đấy mới đi thử thách, trời bảo đi đâu thì đi đấy, hết một tháng, thì mới được.

- Thế à? – Tôi thất vọng. – Thế làm thế nào để phép bay vào bụng được?

Cái Châm nhìn ra xa, bảo tôi.

- Mày có nhìn thấy tảng đá kia không?

Tôi nhìn theo tay nó chỉ. Đó là tảng đá – thực ra là phải ba bốn tảng đá to tạo thành một cái gò ở giữa cái ruộng cạn. Cái Châm bảo:

- Hồi trước bác tao đứng ở đó, tự dưng phép ở trên trời bay vào bụng. Mình ra đứng đó, biết đâu may mắn cũng được trời cho phép.

Tôi với đó chạy ra đó, trèo lên gò đá. Giữa những kẽ đá lún phún cỏ, trông rất thi vị. Giống y như đứng trên núi. Hai đứa cứ hết đứng lại ngồi, mắt nhìn lên trời giữa nắng chang chang. Mãi mà không thấy tia sáng đỏ nào xẹt qua như cái Châm bảo.

Tôi ra gò đá đó đứng mấy chiều mà không có kết quả gì, trong lòng rất thất vọng thì một hôm vừa đến lớp, cái Châm khều tôi:

- Tao bảo này…

- Bảo gì?

- Bí mật. Đi ra đây.

Nó dẫn tôi ra đằng sau lớp, chỗ mấy cây bạch đàn, thì thào:

- Tao hỏi bác tao rồi. Chúng mình ra đứng ở hòn đá ấy không được phép đâu. Chỉ được một người, là bác tao thôi. Phải làm cách khác.

Nghe nó nói, tôi mừng quýnh. Nhưng tôi vẫn thắc mắc.

- Bác mày ở xa cơ mà, sao mày hỏi được?

Cái Châm sầm mặt:

- Hôm qua bác đến nhà tao chơi. Thi thoảng phải về thăm quê chứ.

Tôi gật gù, hỏi tiếp:

- Ừ nhỉ. Thế mày nói đi, làm gì để mình có phép?

Giọng cái Châm tỉnh bơ.

- Mình cầu trời.

Tôi há miệng định cãi là “sao hôm nọ mày bảo cầu chả ích gì” thì nó lừ mắt.

- Nhưng phải cầu đúng cách. Mai mày lấy một nén hương, một lá táo với mấy hạt muối, tao đem bật lửa, chúng mình lên trường cấp một cúng cụ. Nếu mà trời ưng thể nó phép cũng từ trên trời lao vào bụng mình. Cách này mình sẽ không phải đi đâu hết mà có phép luôn.

Nghe vậy, tôi mừng lắm, hẹn nó chiều mai sẽ gặp trên trường cấp một. Từ nhà tôi đến trường cấp một, ngoài cái đường đường đường chính chính tôi đã giới thiệu đi thẳng ra sân trường thì còn một con đường khác. Đấy là trèo lên cái đồi sau nhà chú Hạnh tôi, rồi đi qua khoảng đồi nhà thằng Hùng min là tới. Tất nhiên là đường kia gần hơn một tí, nhưng những thời khắc trọng đại thế này, phải đi đường này mới thể hiện sự quan trọng. Tôi lén lấy một nén hương, lên nhà chú Hạnh hái mấy cái lá táo. Tôi còn cẩn thận hái thêm cả quả táo nữa vì ngày trước có lần hái táo ra trường chơi, gặp một thằng nhóc hỏi mua, thế là cũng bán được mấy đồng. Lần này đem quả táo theo, biết đâu cũng may mắn giống như lần ấy. Gói thêm mấy hạt muối vào tờ giấy nhỏ xíu, chúng tôi đi theo đường đồi lên trường.

Chúng tôi ở đây có nghĩa là tôi, cái Ngọc em tôi và cái Thúy đơ. Dù ở lớp tôi không dám chơi với cái Thúy đơ nhiều vì sợ bị cái Hân bắt nạt, nhưng vì nó ở sát sịt nhà tôi nên ở nhà nó hay sang nhà tôi chơi lắm. Tôi kể cho hai đứa nghe chuyện này và chúng nó xem chừng rất thích chí. Hơn ai hết cái Thúy chỉ muốn thoát khỏi cái Hân. Cái Ngọc thì không có vấn đề gì. Nó mới bốn tuổi, chả gây sự với ai. Nhưng nghe thấy có phép thần thông như Tôn Ngộ Không thì cũng thích.

Thế là tôi, cái Ngọc, cái Thúy đơ và cái Châm tụ tập trên trường cấp một. Chủ nhật nên trường chả có ai. Chúng tôi cắm cây hương vào cái khe ở bàn học, đặt muối lên trên lá táo rồi đặt chung nó cạnh mấy quả táo trước cây hương. Khi chúng tôi đang chắp tay vái lấy vái để, miệng lẩm bẩm: “Cúng cụ. Cúng cụ. Cầu trời cho con có phép” thì nghe thấy tiếng mẹ tôi gọi. Nhìn qua cửa lớp, thấy mẹ tôi tất tả chạy đến, cái Châm với cái Thúy đơ ù té chạy mất. Mẹ tôi rút cây hương ra vứt đi, bảo tôi:

- Các con làm cái gì thế? Không được thắp hương lung tung, nghe chưa. Phải tội đấy. Thôi, về tắm rửa ăn cơm thôi.

Tôi với cái Ngọc lếch thếch theo mẹ ra về, ngẩn ngơ tiếc rẻ. Trên đường về, trong lòng tôi cứ vẩn vơ mãi: nhỡ mà ông Trời thương cho tôi phép thật thì tia phép có biết đường theo về nhà mà chui vào bụng tôi không?
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(4) Nhặt củi

Một trong những thú vui của bọn trẻ chúng tôi là đi nhặt củi. Những cành bạch đàn khô to bằng ngón tay, những cành chè, cành tre, cành nứa…, chúng tôi gom lại, lấy dây mủ bó lại thành bó mang về nhà. Đứa nào mà kiếm được bó to, lại là củi chè, thì tự hào lắm. Củi chè là chúng tôi thích nhất, những cành chè bé tẹo, cành to lắm thì cũng chỉ bằng ngón tay trỏ, nhưng cháy rất đượm. Nứa thì dễ cháy nhưng cháy hết nhanh, chỉ hay dùng để nhóm bếp. Quê tôi có rất nhiều đồi chè. Sau lưng nhà chú Hạnh cũng là đồi chè, sau lưng trường học, bên cạnh trường học cũng là đồi chè. Những lúc không đi học, tôi thường cùng cái Châm và cái Thúy đơ lên đồi chè nhặt củi. Trên đồi chè ngoài những cành chè, còn có cành xoan, cành chó đẻ khô, cành tre, cành nứa…, lại còn có hoa chè và quả chè. Hoa chè cánh trắng muốt, mầm mập, mút vào cái nhụy vàng thì có mật ngòn ngọt. Những quả chè non thì cắn vỡ lớp vỏ cứng ra, bên trong có thứ nước sền sệt, trong như thạch, ăn vào vừa ngọt mát vừa chan chát vị chè. Ngoài ra, chúng tôi còn hai món khoái khẩu nữa là lá dứa và mầm hú. Cây mâm xôi, chỗ tôi gọi là cây hú, có quả màu đỏ, trông như bát xôi gấc đầy, ăn rất ngon. Nhưng chỉ ở trong rừng mới có nhiều quả hú, những bụi hú quanh nhà tôi không hiểu sao năm thì mười họa mới có một quả. Thế là mầm hú trở thành món ưa thích. Chúng tôi thích chọn những cái mầm non, mập, màu tím tím, rất ngọt và mềm. Những lúc không có mầm, tôi còn bẻ lấy cả ngọn ăn.

Thi thoảng chúng tôi cũng đi theo con đường vào rừng. Chúng tôi không đi xa, chỉ đến chỗ có một cây núc nác to, cao vút. Cô Xuyên tôi hay đi rừng bảo: cứ đi vào hai ba cây số nữa là đến rừng, ở đó có cái suối đẹp lắm, trong đó chả có nhà ai ngoài nhà chú Chứ (là cái chú thi thoảng tôi vẫn thấy chở củi đi qua nhà tôi để ra chợ bán). Trong rừng có nhiều quả hú, quả đào tiên, có hoa mua nở tím bên đồi, còn có cả hoa chuối rừng nữa. Có lần cô Xuyên cũng mang về cho tôi một cành hoa mua. Mộ ông tôi cũng ở trong đó. Tôi muốn vào rừng lắm, nhưng lũ trẻ con chúng tôi chỉ dám vào đến chỗ cây núc nác. Đường đi chỗ này, một bên là đồi cao, một bên là ruộng chứ không có nhà ở, phải qua bên kia ruộng mới có nhà người ta. Đồi ở đây rất dốc, trên đồi thi thoảng lại có những hòn đá rất to, chúng tôi hay leo lên đấy ngồi, thích lắm. Cứ như là mình đang ngồi trên núi đá. Trên đồi này không có củi chè hay hoa chè, nhưng bù lại có nhiều cây to, phong cảnh thì thi vị hơn hẳn.

Như mọi lần, sau khi lấy được mỗi đứa một bó củi xong, tôi, cái Châm, cái Ngọc với cái Thúy đơ đang ngồi trên một tảng đá, tay quay quay mấy cái ngọn măng tre. Hồi đó, lũ trẻ con chúng tôi thường bẻ lấy những cái ngọn tre gai rồi bóc hết vỏ bên ngoài đi, bên trong còn lại phần thân mềm, chúng tôi cứ cầm ngọn tre đó quay quay cho đến khi phần thân mềm ở sát tay cầm teo lại còn nhỏ tí mà không đứt, nếu đứa nào làm đứt có nghĩa là đứa đó quay không khéo.

Bỗng bọn tôi nghe thấy một tiếng “ầm” từ xa vọng lại.

- Cái… gì đấy? – Cái Ngọc giật bắn mình, tí nữa ngã lăn xuống.

- Người ta nổ đá đấy. – Cái Châm nói.

- Liệu đá có bay tới chỗ mình không nhỉ?

Tôi lo lắng. Tôi chưa gặp vụ nổ đá nào bao giờ. Cái Châm lắc đầu:

- Chắc chả sao đâu. Ở xa…

Nó chưa nói hết câu thì một tiếng “ầm” nữa vang lên, rất gần. Mấy đứa mặt mũi tái mét nhảy khỏi hòn đá. Cái Thúy luýnh quýnh:

- Chạy đi đâu bây giờ?

Trông nó như một con gà mắc tóc, rất buồn cười. Tôi liếc thấy có một cái khe đá gần đấy liền nắm lấy tay cái Ngọc, chạy vào khe. Bốn đứa chúng tôi dán chặt lưng vào vách đá, chờ cho đến khi những tiếng ầm ầm kết thúc mới trở ra.

- Sợ quá!

Cái Ngọc kêu lên. Mặt đứa nào cũng tái ngơ tái ngắt. Chả đứa nào bảo đứa nào, cả bốn vội vã xuống đồi rồi ù té chạy về.

Đến lúc đi qua khu ruộng rồi, chúng tôi mới bắt đầu hoàn hồn. Cái Châm thì thào:

- Lúc nãy có một hòn đá bay xẹt ngang qua đầu bọn mình. Chúng mày có nhìn thấy không?

Tôi nhăn trán lại, cố gắng nhớ xem lúc nãy có cái gì bay xẹt qua khi đang đứng trong khe đá không, nhưng lúc đó tôi đang hồn vía lên mây, trong đầu chỉ có tiếng ầm ầm, tuyệt nhiên chẳng có lòng dạ nào nhìn lên trời hết. Nhưng tôi cũng gật gù.

- Tao không để ý lắm. Nhưng may mà mình nép vào chỗ đấy, chứ ở bên ngoài có hòn nào bay vào mình là chết rồi.

Câu nói của tôi làm cái Ngọc với cái Thúy đơ rụt cổ, le lưỡi, sợ chết khiếp. Cái Thúy đơ bảo:

- Lần sau tao không vào đấy nữa đâu. Sợ lắm!

Cái Châm bĩu môi.

- Mày nhát chết. Tao gặp thế này cả tỉ lần, có sợ đâu. Nhưng mà thế này còn đỡ, có lần tao còn gặp một thứ còn kinh hơn.

- Thứ gì? – Cả mấy đứa nhìn nó tò mò.

- Tao gặp tượng ma. – Cái Châm ưỡn ngực, giọng nó lại trở nên thì thào. – Sợ lắm!

Dù đã nghe chuyện gặp ma của cái Châm dễ đến ti tỉ lần, nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp.

- Tượng ma như thế nào?

- Lần trước tao lên đồi lấy củi, cũng cái đồi mình vừa lên ấy, nhưng lên cao hơn tí nữa. Thế là tao nhìn thấy hai cái tượng, to bằng cái bắp chân mình thôi, nhưng trông giống người lắm. Hai tay tượng, ngón nào cũng đeo nhẫn. Tao thích quá lại gần định lấy một cái nhẫn thì thấy một cái tượng tự dưng chớp mắt. Thế là tao sợ quá, ù té chạy về. Về chị Xuân tao tí nữa đánh cho tao một trận, bảo đấy là tượng ma, chạm vào là về chết ngay. Tao sợ quá, một tháng sau mới dám vào đấy tiếp.

Câu chuyện đấy làm cho hai đứa kia mặt cắt không còn một giọt máu. Chắc chúng nó chưa được nghe chuyện gặp ma của cái Châm bao giờ. Nhưng tôi thì không thấy sợ mấy, tôi chỉ hơi tiếc giá mà mình cũng được gặp tượng ma để xem nó như thế nào. Nghe cái Châm kể thì có vẻ tượng đẹp lắm, tôi sẽ chỉ đứng xa nhìn chứ nhất định sẽ không sờ vào nó. Chị Xuân bảo chỉ sờ vào thì mới chết cơ mà.

Lúc gần về đến nhà, cái Ngọc mới hoảng hốt kêu lên:

- Ôi, em bị mất dép rồi!

Nó ngó xuống chân, mặt méo xệch. Thì ra lúc nãy nổ đá, hốt quá, nó nhảy xuống khỏi tảng đá mà bỏ quên luôn cả dép ở đấy. Nó là chúa mất dép, vừa mấy hôm trước đã bị mất một lần rồi, lần này nữa thì thể nào cũng bị mẹ cho ăn lươn cạn. Tôi đang lo lắng suy tính cho nó thì cái Thúy đơ cũng kêu lên.

- Ôi, quên cả củi rồi!

Mấy đứa ngẩn ngơ nhìn nhau. Ừ nhỉ, vì sợ quá nên cả bốn đứa chả đứa nào nhớ mang củi về. Bây giờ thì mặt ba đứa tôi cũng méo xẹo. Còn cái Ngọc thì bật khóc.
 

Phượng Holy

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
16/12/14
Bài viết
158
Gạo
0,0
Thể loại thế này vô cùng ủng hộ luôn, trong sáng đáng yêu! Try zô!
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(5) Cây con của tôi
Ngày mai, tôi phải đi lao động.
Ngôi trường nhỏ của tôi có khối việc cho lũ học sinh đi lao động. Thường là đám học sinh lít nhít chúng tôi đi quét trường, quét lớp, nhặt rác ở vườn trường. Mấy đứa học trò nhỏ tí xíu lụi cụi nhặt rác trên cái “vườn trường” dốc đứng, hay quét từng bậc thang của cái cổng cao chót vót của trường cấp một. Các anh chị lớp lớn thì có nhiều việc thú vị hơn, ví dụ như việc rào lại trường chẳng hạn. Học sinh phải đem cành dong (thường là những cành tre gai có nhiều cành nhỏ tua ra) đến, rồi buộc các cành đó vào những cột rào để tạo thành một bờ rào bao quanh trường. Cái bờ rào ấy chẳng bao lâu cũng lại thủng chỗ này chỗ nọ vì người ta (nhất là đám trẻ con) đều thích chui qua rào vào trường bằng nhiều lối khác nhau. Cả cái vách tường của lớp học cũng hay hỏng. Trên trường cấp hai có một dãy nhà bằng đất, thi thoảng lại thấy xuất hiện một lỗ thủng trên tường. Lỗ thủng lúc đầu chỉ bằng ngón tay cái, sau vài ngày mưa gió đập vào, hoặc một đứa học sinh vui tay lơ đãng giật giật mấy sợi rơm thòi ra khi đang nghe cô giáo giảng bài, là cái lỗ ấy lại to thêm một tí, bằng nắm đấm, bằng cái mũ, hoặc thậm chí cả một mảng lớn. Thế là có thêm một công việc lao động nữa là trát tường. Bùn móc từ ao nhà mình, móc trộm ở ruộng gần trường, hoặc ra lấy ở mương, đem trộn với rơm rồi trét lại những chỗ thủng. Chỗ nào thủng to quá thì phải lấy tre chẻ ra đan thành phên, cắm vào rồi mới trét đất. Lũ học sinh vừa trát tường vừa lấy bùn ném nhau, bê bết mặt mũi, quần áo. Vui đáo để!

Nhưng đấy là chuyện của các lớp lớn, chứ lũ học sinh lớp một như tôi thì chỉ có quét trường và nhặt rác. Chấm hết.

Đấy là trước kia tôi tưởng vậy. Hóa ra tôi nhầm. Hôm nay tôi chuẩn bị làm một việc thú vị hơn nhiều là trồng cây. Cô giáo bảo: “Mỗi em đem một cây con đi để trồng trong vườn trường”. Trồng cây trong vườn trường, nghe thật tuyệt làm sao! Rồi khi nào những cây ấy lớn lên, chúng tôi dạo chơi trong đó và có thể tự hào khoe: “Cây này là của tao trồng”, oai thật!

Tôi liền đi một vòng quanh vườn nhà mình, rồi lên cả vườn nhà chú Lâm, chú Hạnh để tìm một cây con. Tôi sẽ phải tìm một cây thật đặc biệt. Lúc nhìn thấy cây bưởi con nhỏ xíu ở góc vườn nhà chú Hạnh, tôi mừng húm. Cây bưởi mà lên to thì vừa có bóng mát, có hoa nở vừa đẹp vừa thơm, lại còn có quả để ăn nữa. Nhà chú Hạnh có một cây bưởi rất to ở ngay trước cổng, múi bưởi hồng hồng, rôn rốt, chấm muối ăn rất ngon. Đến mùa hoa bưởi, hoa nở thơm ngào ngạt, trắng tinh cả cổng. Nếu tôi đem cây bưởi con này đến trồng ở vườn trường, đến mùa, nó cũng sẽ nở hoa đẹp và thơm như thế.

Tôi ưng lắm, bèn lại bờ rào bẻ lấy một thanh nứa để đào cây. Tôi gói cây vào một cái túi bóng rồi hí hửng đem về cất vào góc sân, chuẩn bị sáng mai đi lên trường.


Sáng hôm sau, tôi đem cây bưởi đi, lòng hứng khởi lắm. Ra đến bờ ao đầu ngõ, tôi gặp cái Thúy đơ từ bên kia đi lại. Nhìn thấy tôi, nó huơ tay vẫy loạn xạ.

- Mày có cây gì đấy?
- Cây bưởi. – Tôi đưa cây bưởi con ra, cười toe toét. – Thế mày đem cây gì?
- Nhà tao có mỗi cây này.

Giờ cái Thúy đơ mới đưa cái cây con nó giấu sau lưng từ nãy ra. Vừa nhìn thấy, tôi ôm bụng cười ngất.
- Ối giời ơi, ai lại mang cây cà trồng ở vườn trường?
- Sao lại không trồng được? – Cái Thúy lên giọng, nó hơi bực mình vì bị cười giễu.

Tôi huơ tay.

- Mày phải trồng cây gì lên to được, có bóng mát thì mới đúng là vườn trường chứ. Mày thử nghĩ xem, cây đứa nào cũng lên cao nghều, cây của mày cứ thấp lè tè ở mặt đất thì thế nào!

Trán cái Thúy nhăn tít lại. Suy nghĩ một lúc, nó tần ngần bảo:

- Ừ. Nhưng không trồng cây cà thì tao biết trồng cây gì. Nhà tao có mỗi cây cà thôi. – Nó quay sang tôi, vẻ cầu khẩn. – Hay nhà mày còn cây nào không cho tao một cây?

- Tao có mỗi cây bưởi này. – Tôi bối rối gãi đầu. - Đấy là tao còn lên nhà chú Hạnh tìm mới có đấy.

Mặt cái Thúy buồn thiu. Nó lầm lũi bước, mắt nhìn cây cà mà ngân ngấn nước. Lúc đi qua cổng nhà ông Sơn, mắt nó chợt sáng lên.

- Đợi tao tí.

Nó dặn tôi rồi chạy vù vào trong cổng. Một lúc sau, nó đi ra, mặt tươi roi rói, trên tay là một cây bạch đàn, được trồng trong một cái bầu to gần bằng cái ống bơ đong gạo.

- Tao có cây rồi. Cây bạch đàn thì trồng trong vườn trường được nhỉ, giống như trên trường cấp hai. – Nó cười toe toét.

- Ừ. – Tôi gật gù. – Nhưng vẫn không bằng cây bưởi của tao. Cây bưởi của tao vừa có hoa, lại vừa có quả.

Cái Thúy há miệng định cãi, nhưng rồi lại thôi. Dù sao có cây là nó mừng rồi, cây đứa nào hơn chả được. Nhưng tôi thì thấy oai lắm, càng nghĩ tôi càng thấy tự hào vì mình đã tìm ra cây bưởi này.


Vườn trường hôm nay rất nhộn nhịp. Cả lớp tôi, đứa nào đứa nấy mặt tươi như hoa, trên tay cầm một cây con của mình. Đứa thì cây nhãn, đứa cây mít, đứa cây keo…, bé tẹo teo. Chúng tôi hồi hộp đưa cây cho cô giáo, để cô hướng dẫn trồng cây vào những cái hố đã đào sẵn. Đến lượt mình, tôi giơ cây bưởi ra, hồi hộp. Cô Dịu nhìn cây bưởi con của tôi, trán cô đột nhiên nhăn tít lại.

- Ủa, sao em lại đem cây chanh đi trồng?

Tôi ngẩn người. Cây chanh ư? Đây là cây bưởi mà!

Nhưng cô Dịu lắc đầu.

- Thôi, không trồng cây chanh đâu, em mang cây về nhé.

Tôi lủi thủi ôm cây chanh con đi lang thang ở sườn dốc của vườn trường, xem các bạn hăm hở trồng cây, lòng buồn rười rượi. Chẳng đợi chúng nó trồng xong, tôi bỏ về nhà trước. Đi đến sân trường bên dưới, tôi va phải một thằng nhóc. Tự dưng những ấm ức trong lòng bất chợt trào lên, chuyển thành tức giận, tôi lấy tay du thằng nhóc ngã xuống đất. Thằng nhóc chẳng phải tay vừa, nó lớn hơn tôi, chắc phải hai ba tuổi. Đứng dậy, nó xô tôi ngã dúi dụi xuống đám cỏ may. Cốc đầu, véo tai tôi mấy cái nữa, nó vênh mặt bỏ đi.

Tôi cứ thế khóc trên đường đi về nhà, đau thì ít mà tủi thân thì nhiều. Ngồi ngoài hè, tôi ngẩn ngơ nhìn “cây bưởi con” của tôi, nước mắt lăn dài trên má. Càng nhìn “cây bưởi”, tôi càng thấy nó giống cây chanh thật, lá nó nhỏ và mỏng hơn. Nó đưa những chiếc lá nhỏ tí xíu ra vẫy vẫy trong khi tôi vừa nhặt bông cỏ may ở quần vừa miên man suy nghĩ. Không trồng được cây ở trường rồi, thì tôi sẽ trồng nó ở vườn nhà mình vậy. Chẳng mấy chốc nó sẽ lớn lên, ra hoa trắng tinh như cây chanh nhà chú Lâm. Nó sẽ ra bao nhiêu quả, để mẹ tôi vắt vào nước canh rau muống, còn gai thì dùng để nhể ốc ăn, tôi không cần phải lên nhà chú Lâm xin nữa. Tôi sẽ cho cả cái Anh cạnh nhà, nó cũng hay phải đi xin gai lắm. Nghĩ vậy, tôi đứng dậy cầm lấy cây chanh, đi vào vườn, bỗng dưng thấy nước mắt trên má mình đã bay đi đâu hết tự lúc nào.
 

Genny

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/1/15
Bài viết
118
Gạo
0,0
Có thể nhiều bạn thích tên khác: "Ôi, ấu thơ!" hay tên gì đại loại vậy, nhưng Gen thấy tên: "Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi" rất hay. Nó có vẻ không được "ăn khách" nhưng nó gợi lên cho Gen một khung cảnh tuổi thơ rất đẹp. Nhà Gen ở Tây Nguyên, nên khi nói tới "nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi" khiến cho Gen có nhiều cảm xúc lắm. Một khoảng không gian bình yên trải dài, tách biệt, đối với một đứa trẻ, tưởng chừng như đó là cả thế giới. Một thế giới bình an, xa rời mọi sự xô bồ tấp nập của thành phố (và tương lai - chẳng đứa trẻ nào lo về tương lai đâu!). Và ở trong không gian đó, những câu chuyện của tuổi thơ hiện lên, ngây thơ và trong trẻo.
Á... nhớ quá đi mất!
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Có thể nhiều bạn thích tên khác: "Ôi, ấu thơ!" hay tên gì đại loại vậy, nhưng Gen thấy tên: "Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi" rất hay. Nó có vẻ không được "ăn khách" nhưng nó gợi lên cho Gen một khung cảnh tuổi thơ rất đẹp. Nhà Gen ở Tây Nguyên, nên khi nói tới "nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi" khiến cho Gen có nhiều cảm xúc lắm. Một khoảng không gian bình yên trải dài, tách biệt, đối với một đứa trẻ, tưởng chừng như đó là cả thế giới. Một thế giới bình an, xa rời mọi sự xô bồ tấp nập của thành phố (và tương lai - chẳng đứa trẻ nào lo về tương lai đâu!). Và ở trong không gian đó, những câu chuyện của tuổi thơ hiện lên, ngây thơ và trong trẻo.
Á... nhớ quá đi mất!
Cám ơn bạn. Bạn là người đầu tiên nói thích cái tên mới này.
Tôi đổi tên cũng vì thấy cái tên "Tôi và... Ấu thơ" hay gì đại loại thế nghe phổ thông và thường quá. Hơn nữa đợt đó định kết thúc truyện bằng một bài thơ kiểu: "Nhà tôi nằm ở trên đồi... Trường tôi nằm ở trên đồi..." :D Cái tên "Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi" nghe không như một cái tiêu đề, một cái nhãn mà giống như một câu nói, một câu thơ, một câu hát... :D
Giờ tôi vẫn đang phân vân và để hai tên, vì thực ra cái tên "Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi" thoạt nghe có vẻ lủng củng và không hút mắt nhưng nếu đọc truyện xong thì lại thấy nó có ý nghĩa hơn cái tên cũ. :D
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(6). Mẹ lắc cho con

Điều đặc biệt của trường tôi mà ít ngôi trường nào có có lẽ là trên trường có nhiều quặng. Hồi ấy ở quê tôi rộ lên đi làm quặng. Bố tôi, chú Lâm và chú Hạnh tôi cũng đi làm quặng ở trong mỏ, nghe đâu ở gần cái suối trong rừng. Tôi rất sợ vì thi thoảng lại nghe thấy người ta nói chuyện sập hầm chết người. Tôi lo cho bố lắm, nhưng bố tôi ngoắc tay với tôi hứa là nhất định sẽ không sao.

Bố đem rất nhiều quặng về, đổ thành đống ở giữa nhà. Quặng của bố rất to, có viên to gần bằng nắm tay tôi. Những lúc bố tôi không có nhà, tôi cứ tha thẩn quanh đống quặng, bới xem từng viên một. Thi thoảng thấy viên đèm đẹp, nhỏ nhỏ vừa tay, tôi ngó trước ngó sau nhón lấy bỏ vào cái ống bơ sữa Ông Thọ của tôi.

Tôi với cái Ngọc có một cái ống bơ để đựng quặng, những viên quặng chúng tôi nhặt được ở sân trường. Sân trường cấp hai và một nửa cái sân trường bên dưới được phủ bởi một lớp sỏi nhỏ màu đo đỏ. Bên dưới lớp sỏi đó là những viên quặng. Quặng ở trường không to, chúng chỉ nhỏ bằng đầu tăm, con kiến, to lắm thì chỉ bằng hạt đỗ. Hạt quặng không đen óng như than mà ánh lên cái vẻ chắc nịch như đá, nhưng không thô kệch như những viên sỏi.

Tôi theo cô Hậu ra trường nhặt quặng từ hồi bốn tuổi, về sau tôi tự đi một mình, hoặc dẫn theo cái Ngọc. Lũ trẻ con xóm tôi ra đây nhặt quặng rất nhiều: thằng Đức, cái Quỳnh, cái Châm, cái Tấm… toàn những đứa nhà gần trường. Cả chiều chúng tôi cứ ngồi thơ thẩn hết chỗ này đến chỗ khác, vạch lớp sỏi ra nếu có thấy viên nào đen đen xám xám thì cho vào lòng bàn tay lắc. Nặng là quặng, còn nhẹ thì quăng. Cứ như thế, chẳng bao giờ thấy chán. Về sau quen mắt, thậm chí tôi chẳng cần cho vào tay lắc cũng biết được đâu là quặng, đâu chỉ là viên đá thường. Có cái loại quặng sữa màu trăng trắng như sữa pha với màu xam xám, chúng tôi thích lắm. Quặng sữa hiếm, nhưng lại hay được viên to, mà nhìn thì thích mắt hơn hẳn. Mỗi chiều nhặt quặng về, tôi với cái Ngọc gom lại được một dúm ở lòng bàn tay rồi đổ vào bơ cất lại, sau này sẽ bán cho… bố.

Quặng ở trường tôi là quặng đẹp. “Quặng này mà bán thì còn được giá hơn quặng của mình!” Bố và các chú tôi bảo thế. Nhưng lượng quặng ít ỏi trên sân trường chỉ đủ để nó trở thành thiên đường của trẻ con. Nhất là sau cơn mưa.

Sau cơn mưa, nước xối làm đất và sỏi ở rãnh trôi bớt đi, nhưng quặng nặng hơn nên trụ lại. Mưa vừa dứt là tôi phóng thẳng ra trường. Trên sân trường chưa gì đã lố nhố bóng mấy đứa khác nhanh chân ra trước. Ở các rãnh đất trước cửa lớp, trong sân hoặc vườn trường, lộ ra một lớp mỏng đen đen của quặng. Quặng cám, quặng viên. Có cả. Chúng tôi lấy vỏ con trai trai cạo lớp đất ấy bỏ vào túi bóng đem về, càng nhiều càng tốt.

Một trong những cách lấy quặng chuyên nghiệp là đãi quặng. Lấy ra từ mỏ chẳng bao giờ được nguyên quặng không, chúng lẫn chung với đất. Người ta phải đãi để bỏ lũ đất đó đi. Chúng tôi cũng làm như thế. Đem túi đất vừa cạo về, tôi bỏ nó vào vỏ con trai rồi đãi trong chậu nước. Đãi thế này rất khó. Lũ sỏi cũng vừa to vừa nặng, tôi không làm cách nào cho chúng nó ra được mà quặng không ra theo. Thế là đâm ra tôi chỉ vò cho đất ra hết, rồi ngồi nhặt quặng.

Một hôm, tôi hỏi cái Châm:

- Tại sao mọi người lại thi nhau đi làm quặng thế nhỉ? Quặng để làm gì không biết?

Cái Châm ngừng bới lũ sỏi, ngẩng đầu lên nhìn tôi, giọng nó trở nên hồ hởi:

- Cái này thì tao biết đấy. Anh Văn tao bảo tao.

Nó rướn người lên, lấy cái điệu bộ trịnh trọng y như khi nó chuẩn bị kể chuyện ma cho tôi nghe.

- Anh Văn tao bảo quặng quý bởi vì trong đó có vàng. Nhưng mà ít thôi. Phải mấy bao tải quặng liền, cho vào lò nấu thì sẽ làm ra được một cái nhẫn vàng đấy.

Tôi mắt tròn mắt dẹt nghe cái Châm nói. Thực ra lúc đó tôi tài thánh mới biết được là những gì cái Châm nói chả đúng tí tị tì ti gì. Thực ra quặng ở quê tôi là quặng thiếc, dĩ nhiên là chẳng đời nào nấu ra vàng được. Nhưng điều đấy mãi sau này lớn lên tôi mới biết, còn lúc ấy tôi chỉ tin sái cổ những gì cái Châm nói. Thế nên tôi tròn mắt gật gù. Ra là thế! Thảo nào người ta đua nhau đi vào trong đồi đào quặng vậy. Chẳng phải chỉ xóm tôi, mấy chú ở xóm trong, xóm ngoài cũng vào đó làm. Nhưng bố tôi với các chú ấy cũng chẳng nấu quặng thành vàng được đâu, chỉ đem bán cho người ta thôi. Khi nào cái ống bơ của tôi với cái Ngọc được một nửa thì chúng tôi cũng bán cho bố, rồi bố sẽ đem đi bán tiếp.

Từ hồi nghe cái Châm bảo thế, tự dưng tôi đi nhặt quặng hăng lắm. Mặc dù tôi cũng chẳng ham hố gì “cái vàng” đâu, tôi còn chưa nhìn thấy vàng bao giờ, nhưng nghe nói vàng là quý lắm, thế là tự dưng tôi thấy lũ quặng trên trường của tôi quý giá hơn hẳn.

***

- Chị Thái ơi, chú Lâm đi đãi “cặng”!

Cái Ngọc chạy từ ngoài vào, reo lên.

- Mình nhờ chú đãi cho đi! – Giọng nó hồ hởi.

- Ừ.

Tôi gật đầu, mắt sáng lên. Chúng tôi vừa đi cạo đất quặng trên trường về. Lần này chúng tôi vớ bẫm. Lúc tôi ra chưa có đứa nào ở đó cả, thế là có rãnh nào nhiều quặng tôi cạo sạch. Cất mấy cái vỏ trai trai vừa đem ra định để đãi trong chậu đi, tôi xách cái túi đất ra bờ ao.

Cái ao ở ngay trước cổng nhà tôi. Từ bờ ao, có một chỗ đất nhô ra thành cái bậc thang để đi xuống, chỉ cao mấp mé mặt nước. Chú Lâm đang ngồi ở cái bậc đó đãi quặng. Chỗ đó chỉ đủ ngồi một người nên dù thích lắm, tôi chỉ được ngồi trên bờ, ngỏng cổ nhòm vào máng. Máng đãi quặng của chú to, làm bằng gỗ mít, khi đãi, sỏi to mấy cũng ra hết nhưng quặng thì ở lại, chứ không như cái “máng vỏ trai” của tôi. Mỗi lần chú Lâm đưa tay, những làn nước lăn tăn xếp hàng chạy trên máng, trông rất thích mắt. Tôi với cái Ngọc cứ há hốc mồm ra nhìn, dù đã không biết bao nhiêu lần nhìn thấy cảnh này.

Chú Lâm đổ chỗ đất của tôi vào trong máng, rồi quẳng cái túi về phía sau. Nó không rơi hẳn lên bờ mà lại mắc trên mấy cành xấu hổ mọc trên phần đất dốc dốc sau lưng chú. Chẳng hiểu sao, càng nhìn cái túi bóng ở đó, tôi lại càng thấy khó chịu. Tôi cố rướn người với lấy. Nào, một tí… chỉ một tí nữa thôi.

- Bủm!

Tôi lăn tùm xuống ao. Chú Lâm kéo tôi lên và lôi tôi về nhà sau khi tôi vừa kịp uống mấy hớp nước.

Nước vào mắt, mũi, tai làm cho tôi chẳng mở được mắt, cứ thế nhắm tịt cho đến khi mẹ tôi dội nước giếng vào người tôi. Mẹ lau qua mặt cho tôi, rồi bảo:

- Con lắc đầu cho nước ra khỏi tai đi.

Tôi nhìn mẹ bối rối. Biết lắc kiểu gì bây giờ? Trong tai rất khó chịu nên tôi mếu máo bảo mẹ:

- Con không biết lắc. Mẹ lắc đi!

Cô Hậu với chú Lâm đang đứng ở đó cười ầm lên.

- Cái con này, nước trong tai mày mà “mẹ lắc đi” thì ra làm sao được. Ha ha…

Mẹ cũng cười. Cái Ngọc chẳng biết gì cũng cười hôi theo. Cô Hậu còn dọa:

- Không lắc thì điếc tai đấy.

Nghe thấy thế, tôi sợ quá. Tôi cố nghiêng đầu sang bên này bên kia, chắc trông buồn cười quá nên mọi người càng cười nghiêng ngả. Tôi vừa xấu hổ, vừa sợ cuống cuồng vì vẫn thấy trong tai ù ù ặc ặc.

- Hu hu hu… Con không biết đâu. Mẹ lắc cho con cơ…

Thế là, ôm cứng lấy tay mẹ, tôi òa lên khóc.
 

Genny

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/1/15
Bài viết
118
Gạo
0,0
Thực tình mà nói thì tôi cũng thấy tôi viết đẹp. Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Có lần kiểm tra, tôi nắn nót từng nét bút chì. Khi viết xong, tôi ngắm nghía lại bài của mình, trong dạ hài lòng lắm. Thế mà chỉ được điểm sáu! Còn thằng Nghĩa ngồi cạnh tôi là được điểm mười. Thằng Nghĩa học hành rất lẹt đẹt. Nó chỉ toàn được điểm bốn với năm. Nó lại chỉ có mỗi cái hoa tay ở ngón tay cái. Tôi ngó vở thằng Nghĩa, lòng hoang mang không biết chữ thằng Nghĩa đẹp hơn chữ tôi ở chỗ nào mà hơn tôi tận đến bốn điểm.
Đọc mà thấy mắc cười, đúng là con nít! Toàn ngu ngơ những chuyện như vậy! Ngây thơ.
 

Genny

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/1/15
Bài viết
118
Gạo
0,0
Tôi cứ thế khóc trên đường đi về nhà, đau thì ít mà tủi thân thì nhiều. Ngồi ngoài hè, tôi ngẩn ngơ nhìn “cây bưởi con” của tôi, nước mắt lăn dài trên má. Càng nhìn “cây bưởi”, tôi càng thấy nó giống cây chanh thật, lá nó nhỏ và mỏng hơn. Nó đưa những chiếc lá nhỏ tí xíu ra vẫy vẫy trong khi tôi vừa nhặt bông cỏ may ở quần vừa miên man suy nghĩ. Không trồng được cây ở trường rồi, thì tôi sẽ trồng nó ở vườn nhà mình vậy. Chẳng mấy chốc nó sẽ lớn lên, ra hoa trắng tinh như cây chanh nhà chú Lâm. Nó sẽ ra bao nhiêu quả, để mẹ tôi vắt vào nước canh rau muống, còn gai thì dùng để nhể ốc ăn, tôi không cần phải lên nhà chú Lâm xin nữa. Tôi sẽ cho cả cái Anh cạnh nhà, nó cũng hay phải đi xin gai lắm. Nghĩ vậy, tôi đứng dậy cầm lấy cây chanh, đi vào vườn, bỗng dưng thấy nước mắt trên má mình đã bay đi đâu hết tự lúc nào.
A, đúng là trẻ con mà. Lúc nào cũng có suy nghĩ lạc quan. Nhanh buồn mà cũng nhanh vui. Đọc đoạn này nhớ chuyện ngày xưa của Gen, cũng phải mang cây đi trồng, Gen mang cây mía, tới được trường thì cả lũ xúm vô ăn hết trơn. Thế là ngồi khóc, khóc một lát, thấy không ai quan tâm tới mình, vậy là nín, tung tăng đi chơi!
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Bên trên