Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi (hay Tôi và... Ấu thơ) - Tạm dừng - Hà Thái

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
A, đúng là trẻ con mà. Lúc nào cũng có suy nghĩ lạc quan. Nhanh buồn mà cũng nhanh vui. Đọc đoạn này nhớ chuyện ngày xưa của Gen, cũng phải mang cây đi trồng, Gen mang cây mía, tới được trường thì cả lũ xúm vô ăn hết trơn. Thế là ngồi khóc, khóc một lát, thấy không ai quan tâm tới mình, vậy là nín, tung tăng đi chơi!
Mang cây mía đi trồng, thật bá đạo! :)
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(7). Liều thuốc hiệu nghiệm

Hè đã về. Cây phượng vĩ trong vườn trường cấp hai bắt đầu lốm đốm những bông hoa đỏ rực và những con ve bắt đầu ra rả khúc nhạc chào hè của chúng. Tôi đã kết thúc năm học lớp một và được danh hiệu học sinh tiên tiến. Mẹ tôi dán tờ giấy khen đo đỏ lên tường, trang trọng bên cạnh khung ảnh gia đình.

Vì tôi đã biết đọc, lại đọc tốt nữa, nên mẹ tôi làm thẻ thư viện cho tôi. Thư viện huyện không xa nhà tôi lắm. Từ nhà tôi, đi qua trường, rồi đi thêm chừng một cây nữa là đến. Ngay cạnh thư viện là nhà văn hóa của huyện và sân vận động. Cả đài truyền thanh, truyền hình nữa. Cứ lâu lâu đến dịp là ở đó lại tổ chức văn nghệ, lại có đá bóng, múa võ ở sân vận động. Vui đáo để.

Vì thư viện gần như thế nên tôi chăm chỉ đi mượn sách lắm. Cứ hai hôm tôi lại đi một lần. Một lần mượn được hai, ba quyển. Tôi chưa từng thấy nơi nào nhiều truyện như thư viện. Cả một phòng toàn những kệ sách đầy ắp. Truyện tranh, truyện chữ, truyện người lớn, truyện trẻ con… gi gỉ gì gi truyện gì cũng có. Chỉ phải tội sách không được mới lắm. Tôi chưa mượn được quyển nào mới tinh cả. Không ai được vào chỗ những kệ sách ấy cả, trừ hai cô thủ thư. Một cô da trắng, người gầy, mặt mũi nghiêm nghị là cô Lan. Cô kia thì già hơn, béo và vui tính tên là Lành. Tôi nghe mọi người nói cô Lan không được thích bằng cô Lành đâu, vì cô Lành dễ tính, nhiều khi mượn quá số tiền cược vẫn được.

Nhưng riêng tôi thì thấy cô nào cũng dễ tính cả. Mỗi lần tôi mượn truyện, các cô đều cười tươi hết cỡ và cho tôi mượn cuốn truyện yêu thích.

Tôi đọc nhiều truyện lắm. Quyển nào mượn về tôi cũng đọc cho cái Ngọc nghe. Nó cứ tròn xoe mắt lên nghe, ra chừng thích thú lắm. Gần đây, mỗi khi đọc gì tôi không phải đọc lên thành tiếng nữa. Tôi đọc thầm trong đầu. Như người lớn! Nhưng đọc xong rồi, tôi vẫn đọc lại cho cái Ngọc nghe.

Tôi đọc cho nó nghe truyện Dũng sĩ Héc-man có người máy Héc-man cùng nhóm bạn chống lại bọn Doom độc ác. Hai đứa đều thích nhất chú Gát-cô tóc đỏ vì chú ấy có thể phóng ra điện. Cả cô nữ quái Yanda người yêu chú ấy nữa. Nhưng cô ấy lại chết mất.

Rồi truyện Trê Cóc kể về vợ chồng Trê hiếm con gặp đàn nòng nọc tưởng là trê nên nhận là con mình. Trê Cóc kiện nhau, một thời gian sau nòng nọc lớn lên cóc hết. Đọc xong, cái Ngọc cứ xuýt xoa: “Lạ nhỉ chị nhỉ. Trông như cá mà không phải là cá chứ!”

Tôi còn mượn được tập thơ của Xamuen Mác-sắc có những bài thơ cho thiếu nhi, đọc rất buồn cười, ngồ ngộ. Nhưng tôi chỉ thuộc được mấy bài ngắn ngắn. Như là bài Cái bàn chẳng hạn:

Cái bàn

Có bốn chân

Đứng trên đất

Mà không cần

Guốc, giày, dép, tất.

Hoặc là bài Bảng cửu chương:

Bảng cửu chương

Thật dễ thương

Dù tất cả sẽ đổi thay

Thay đổi

Cũng không bao giờ sai

Và hai lần hai

Lúc nào cũng bằng bốn.

Tôi chẳng biết “bảng cửu chương” là gì, đem hỏi mẹ, mẹ bảo sang năm học mới tôi sẽ học đến. Được, tôi sẽ chờ đến lúc ấy.

Có duy nhất một truyện tôi không đọc cho cái Ngọc nghe. Truyện cổ tích của dân tộc Thái. Đấy là vì tôi sợ quá nên không dám đọc lên thành tiếng. Cả truyện toàn nói về thuồng luồng. Lũ thuồng luồng sống dưới nước, mào đỏ chót như mào gà trống, lại có dải vân óng ánh như cầu vồng quấn quanh cổ. Thuồng luồng lúc lên bờ hóa thành người rất đẹp, trên cổ vẫn có dải vân óng ánh ấy.

Có truyện kể một người gặp cô gái đẹp ở bờ sông, mới kết duyên vợ chồng, sinh con đẻ cái, một đêm tỉnh dậy thấy nằm la liệt trong nhà là thuồng luồng, sợ quá liền lấy dao chém chết hết. Có truyện kể một người anh bị hóa thành thuồng luồng, sợ lạnh nên đeo chiếc khăn của người em gái cho trên cổ, về sau chiếc khăn ấy hóa thành dải vân óng ánh. Thuồng luồng trong truyện chẳng hại người, nhưng nó kì bí quá đâm thấy sợ. Mà lại thu hút đến mức buổi tối tôi phải trùm chăn mới dám đọc, buồn đái không dám dậy đi nhưng vẫn nhất quyết đọc hết truyện.

Đêm đến, tôi nằm mơ thấy những con thuồng luồng nằm cuộn trong nong ngủ, và dọc bờ sông, chúng nằm dài phơi nắng với những cái mào rực rỡ trong ánh mặt trời.

Truyện mà tôi yêu thích nhất thì phải nói đến bộ truyện tranh “Tây Du Ký”. Phim thì tôi xem ở nhà cô Phượng rồi, nhưng đọc truyện thì vẫn thích lắm. Đọc truyện nhiều chỗ hiểu rõ hơn phim, lại còn đọc đi đọc lại được đoạn nào mình thích. Tôi nghiền truyện này đến mức mà cuối truyện có danh sách các tập truyện trong bộ, tôi đọc đi đọc lại và thuộc lòng tất tần tật tên của hai mươi bảy tập đó.

Một lần, bác Chung bạn của bố mẹ tôi vào chơi. Thấy tôi đọc truyện, bác mới hỏi thử.

- Tập 5 là gì?

- Tôn Ngộ Không giả gái bắt lão Trư. – Tôi đáp luôn không nao núng.

- Tập 13 là gì?

- Tôn Ngộ Không đại náo Thông Thiên Hà.

- Thế tập 21 là gì?

- Nước Tì Kheo, Tôn Ngộ Không đánh quốc trượng yêu tinh.

Bác Chung hỏi tập nào, tôi đáp ngay tập ấy. Dễ ợt mà, tôi đã thuộc nằm lòng. Bác ấy cầm quyển truyện đối chiếu, thấy tôi nói đúng hết, mặt mũi có vẻ ngạc nhiên lắm. Rồi bác dừng lại, tặc lưỡi:

- Chà chà…

Tôi ngước mắt chờ đợi bác “chà chà” xong rồi hỏi tiếp, nhưng mãi mà không thấy động tĩnh gì.

Cuối cùng, bác quay sang mẹ tôi xuýt xoa:

- Con bé này khá quá! Tôi chưa gặp đứa trẻ con nào như nó.

Rồi quay sang xoa đầu tôi, cười khà khà:

- Giỏi lắm! Giỏi lắm!

Tôi sướng lắm, toét miệng cười. Thấy mình rất oách.

***

Hôm nay tôi bị ốm. Đầu tôi nóng ran và miệng nhạt thếch, chẳng ăn được gì. Mẹ tôi luộc một quả trứng gà đánh gió cho tôi. Đồng bạc đánh gió xong đen đen đỏ đỏ. Mẹ bảo:

- Tại buổi trưa dãi nắng bắt chuồn chuồn đây mà!

Đánh gió xong, người tôi dễ chịu một tí nhưng đầu óc vẫn quay cuồng. Hai tập truyện vừa mượn về lúc chiều vẫn xếp trên nóc tủ. Bố mẹ bảo tôi đi ngủ sớm.

Sáng tỉnh dậy, có mình tôi trong nhà. Nắng sớm rọi qua khe giữa hai cánh cửa sổ vênh váo. Tôi lồm cồm bò dậy, lấy hai quyển truyện đọc ngấu nghiến. Lạ thay, càng đọc càng thấy người khỏe ra, chả còn ốm đau gì. Đọc gần xong một quyển thì mẹ tôi bê mâm cơm từ dưới bếp đi lên:

- Con gái dậy ăn cơm nào!

Nhìn thấy tôi đang ngồi đọc say sưa, mẹ lại gần đặt tay lên trán tôi, giọng vui vẻ:

- Khỏi rồi.

Rồi rất hứng khởi, mẹ quay ra gọi với ra vườn:

- Bố nó ơi, vào mà xem này! Con Thái nhờ truyện Tôn Ngộ Không mà khỏi ốm đây này!
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(8). Tập xe đạp


Trong những ngày hè, tôi có một thú vui mới là tập xe đạp. Tôi, cái Châm với cái Quỳnh đều chưa biết đi xe đạp nên cùng nhau tập xe ở sân trường. Cái Quỳnh không học cùng lớp tôi, nó học lớp 1B. Nhưng nhà nó lại ở ngay gần trường, lại cũng hay ra sân trường nhặt quặng như tôi nên tôi cũng chơi với nó.

Cái Quỳnh có nước da ngăm đen, hai má bầu bĩnh, lại có túm tóc đuôi gà sau gáy trông rất đáng yêu. Nó hay hát và cũng hát khá hay. Múa cũng dẻo nữa. Đấy là tôi đoán nó múa dẻo, chứ tôi cũng chưa xem nó múa bao giờ.

Chả là mấy đứa chúng tôi hay có trò thi xem đứa nào uốn tay được cong hơn. Chúng tôi lật sấp bàn tay rồi cố uốn cong các ngón tay lên. Đứa nào càng uốn được cong thì là tay càng dẻo, múa càng đẹp.

Cái trò này là do cái Tấm bày cho tôi. Nhà cái Tấm ở cách nhà tôi có mấy nhà, thi thoảng nó vẫn chạy sang chơi đồ hàng với tôi. Nó có chị họ ở trong đội múa của trường bày cho nó thế. Nó bảo: “Những cô diễn viên múa á, tay còn uốn được cong như mặt trăng lưỡi liềm, chứ không cứng quèo như tay mày đâu!” Mà tay tôi cứng thật. Tôi cố hết sức mà tay vẫn chỉ hơi cong lên được một tí. Cái Châm còn kém hơn cả tôi. Chỉ có tay cái Quỳnh thì cong vút. Thế nên về nhà thi thoảng tôi cứ lấy bàn tay kia cầm lấy các ngón tay của bàn tay này uốn. Uốn mãi như thế, nhưng đến lúc bỏ tay kia ra thì tay này vẫn chẳng uốn cong lên được bằng cái Quỳnh. Chắc là về nhà nó cũng tập uốn giống y như tôi vậy.

Cứ rảnh rỗi là tôi vác xe ra sân trường tập. Rảnh rỗi có nghĩa là cả ngày, trừ lúc ăn cơm và buổi tối, và cả những buổi trưa nào tôi không trốn bố mẹ đi được nữa. Nhà tôi không có xe đạp. Tôi toàn phải sang nhà bà để mượn xe. Tôi thường mượn xe của cô Xuyên. Chú Lâm cũng có một cái xe đạp nhưng tôi không mượn vì đó là một cái xe cắng. Đó là loại xe đạp nam có một thanh ngang nối từ ghi đông vào yên xe – gọi là “cắng”, nên đứa trẻ con như tôi chẳng thể nào đi nổi. Mấy anh chị lớn hơn thì đi được, tôi nhìn thấy anh Tâm trong xóm tôi đi rồi. Anh Tâm hơn tôi hai tuổi, biết đi xe đã lâu. Anh thò chân qua cái ô hình tam giác bên dưới cắng xe, mỗi lần đạp xe, người anh nhô lên nhô xuống cái ô tam giác đó, người vẹo sang một bên, trông rất vất vả. Vậy nhưng tôi thấy như thế cũng thú vị. Khi nào tôi biết đi xe, tôi cũng mượn xe cắng của chú Lâm để đi thử. Hẳn cũng hay ra trò đấy!

Xe cô Xuyên thì dễ đi hơn nhiều. Đó là một chiếc xe nữ màu trắng đục, nhưng cũ rồi, vì thân nó tróc sơn nham nhở. Hôm đầu tiên tôi mới chỉ dám dắt xe thôi. Ra đến sân trường, cái Châm thấy, bĩu môi:

- Xời, mày vẫn dắt thế thì đến bao giờ mới đi được!

- Thế phải tập thế nào? – Tôi hỏi.

- Mày nhìn cái Quỳnh kia kìa. Bọn tao tập như thế từ chiều qua. Sõi lắm rồi.

Tôi nhìn ra chỗ cái Quỳnh thấy nó đang đặt một chân lên cái bàn đạp ở ngoài mà đạp “xịch xịch”, cứ thế vừa “xịch xịch” vừa dắt xe đi vòng quanh sân trường. Trông cái xe lắc lư chứ không được “sõi lắm rồi” như cái Châm bảo nhưng vẫn hoành tráng hơn hẳn cách tôi dắt xe. Cái Châm thấy tôi vẫn đứng ngẩn ngơ, liền giải thích cho tôi một hồi.

Đấy, đầu tiên là phải “xịch xịch” ở bên này như cái Quỳnh đang làm. Khi nào làm như thế thạo rồi thì mới dám ngồi lên đùi xe mà đạp “xịch xịch” ở bên kia. Lúc nào “xịch xịch” thế sõi rồi thì mới dám co nốt cái chân kia lên. Đấy là cái lúc sắp sửa biết đi xe rồi đấy!

Thế là tôi cũng bắt chước chúng nó “xịch xịch” như thế. Đi quanh sân trường chán, tôi lại đi vòng về nhà, rồi lại quay ra sân trường.

Cái Quỳnh là đứa nhanh nhất. Nó cho chân sang bên kia “xịch xịch” được hai ngày rồi thì tôi mới bắt đầu làm giống như thế được. Từ lúc đó, những cái dốc ở sân trường bắt đầu được trưng dụng. Thời gian tôi co được chân kia lên dần dần dài ra. Lúc đầu chỉ là một giây thôi, co lên là phải đặt xuống luôn không thì ngã mất. Về sau thì tôi có thể co chân để xe trượt hết cả cái dốc. Co chân vậy thôi, chỉ “xịch xịch xịch xịch”, chẳng làm sao đạp trọn được một vòng, nhưng cảm giác thật là thích.

Chiều hôm ấy, khi ba đứa tôi đang mải miết trôi dốc thì cái Quỳnh reo ầm lên:

- Tao đạp được rồi! Tao vừa đạp được một vòng rồi.

Tôi với cái Châm quên cả tập, ngẩn người nhìn nó đang cười toe toét hăm hở đạp liên tục mấy vòng theo đà xuống dốc, ghen tị. Rồi bừng tỉnh lại, chả đứa nào bảo đứa nào, chúng tôi lại dắt xe lên dốc tập tiếp, với sự hồ hởi hiếm có.

Đến sáng hôm sau thì cái Châm cũng bắt đầu đạp được. Thấy tôi có vẻ buồn buồn, nó vỗ vai tôi bảo:

- Lo gì. Mày tập muộn hơn bọn tao một hôm cơ mà. Thể nào mai mày chả đi được.

Tôi gật đầu, nhưng nhìn cái Quỳnh đạp lòng vòng quanh sân trường trong khi tôi vẫn phải lóc cóc dắt xe lên dốc mỗi khi hết đà trượt, tôi thấy nóng ruột lắm.


Cái Châm tiên đoán là mai tôi đi được xe. Nó đoán sai bét. Chiều hôm ấy, ở lần trôi dốc thứ hai, thay vì “xịch xịch” như mọi lần, chân tôi cứ theo đà mà đạp được hẳn một vòng tròn. Sung sướng quá, tôi đạp thêm vòng nữa, thêm vòng nữa… rồi ngã uỳnh xuống sân trường. Sân trường toàn sỏi nhỏ như hạt đỗ. Sỏi xát vào cánh tay tôi, xước da. Chẳng thấy đau tẹo nào, tôi hăm hở dựng xe dậy, dắt lại lên dốc, vừa chạy vừa hò hét với hai đứa bạn đang dừng xe nhìn:

- Chúng mày thấy tao đạp chưa? Chúng mày thấy tao đạp chưa? Tao đạp được rồi đấy! Ha ha…

Chỉ một lúc sau là tôi có thể đạp xe mà không cần trượt dốc nữa. Tôi nhập bọn với cái Quỳnh và cái Châm, đạp vòng quanh sân trường, mải miết và vui sướng, cho đến khi trời tối…

Từ hôm ấy, chiều nào tôi cũng mượn xe cô Xuyên ra trường đạp xe. Tôi khoe với cả nhà, với cái Ngọc. Thấy mình người lớn lắm. Tôi còn bảo với cái Ngọc:

- Mấy hôm nữa chị đèo mày ra ngoài nhà văn hoá chơi.

Cái Ngọc nghe thấy thế mừng lắm. Nhưng cả nó và tôi đều không biết được là cái ngày tôi đèo nó đi chơi còn lâu mới đến, vì chẳng đời nào bố mẹ tôi cho tôi đèo ai đi đâu bằng xe đạp cả.

***

Hôm ấy, trên nhà bà có khách. Đông lắm. Bố tôi cũng ở trên đó. Tôi không vào nhà bà, chỉ hỏi mượn xe cô Xuyên rồi đạp thẳng ra sân trường. Vừa mới đạp được mấy vòng, có một chú gọi:

- Thái ơi!

Tôi dừng xe. Chú lại gần bảo:

- Cháu cho chú mượn xe một tí nhé!

Tôi nhìn chú. Tôi thấy gương mặt chú hơi quen quen, nhưng tôi chẳng biết là ai cả. Trông chú ấy rất hiền, nhưng có vẻ lo lắng. Thấy tôi ngần ngừ, chú bảo:

- Cho chú mượn một tí thôi, chú đi tìm cu tí nhà chú. Chốc nữa chú trả. Thật đấy!

Tôi thấy chú đáng tin liền gật đầu, đưa xe cho chú rồi đi bộ về.

Về đến nhà, cô Xuyên hỏi:

- Xe đâu mà đi bộ về.

- Có một chú mượn xe rồi ạ.

- Chú nào?

Tôi gãi đầu, chẳng biết nói gì. Ừ nhỉ, tôi quên mất hỏi tên chú. Chẳng biết chú tên là gì, nhà ở đâu nữa. Tôi liền bảo cô Xuyên:

- Cháu không biết.

Mặt cô Xuyên tái lại. Cô kêu lên:

- Ơ cái con bé này, sao không biết là ai mà cũng cho mượn? Người ta không trả thì sao?

- Chú ấy bảo là chú chỉ mượn một tí thôi, rồi chú ấy sẽ trả.

- Thôi chết rồi! Mất xe rồi!

Trông cô lo lắng lắm. Cô đi lại quanh nhà, gặp ai cũng nói rất to.

- Chết thôi. Mất xe rồi. Biết đường nào mà tìm bây giờ!

Chú Hạnh trách tôi:

- Sao cháu tự tiện thế? Có phải xe của cháu đâu mà cháu cho người ta mượn!

Cả nhà nháo nhác lên. Cái xe đạp là cả một gia tài chứ ít gì đâu.

Thấy mọi người như thế, tôi sợ quá. Tôi biết nếu mất xe thì tôi mắc tội rất lớn. Nhưng tôi vẫn hi vọng, vì chú mượn xe trông hiền lành tử tế lắm, chú nói là sẽ trả, chắc chẳng nói dối đâu. Mẹ tôi lại gần tôi – lúc đấy đang sắp khóc - nói:

- Sao con dại thế? Biết người ta là ai mà cho mượn xe.

Tôi mếu máo bảo mẹ:

- Chú ấy bảo chú sẽ trả mà.

Mẹ tôi vuốt tóc tôi, không nói gì. Nhưng trông mẹ có vẻ đang suy nghĩ mông lung lắm. Tôi mới nhớ ra, nói tiếp:

- Chú ấy bảo chú mượn để đi tìm cu tí nhà chú ấy. Chú ấy biết tên con mà.

Cô Xuyên nghe thấy thế, chạy lại hỏi:

- Trông chú ấy như thế nào?

Tôi nhăn trán suy nghĩ. Tôi không nhớ rõ mặt chú ấy nên tôi bảo với cô Xuyên:

- Cháu không nhớ nữa.

Cô Xuyên ôm đầu kêu trời. Bố tôi trấn an cả nhà, bảo chắc là người trong xóm mượn thôi, chốc nữa thế nào cũng trả.


Nhưng đến tối mịt mà vẫn chưa thấy ai đem xe đến trả. Cả nhà bắt đầu lại lo lắng. Tôi đi đi lại lại ngoài hè, chốc chốc lại chạy ra cổng ngó xem có ai đi xe đạp lên cổng nhà bà không. Mãi mà không thấy ai cả. Tôi bất chợt nghĩ ra là biết đâu chú mượn xe không biết nhà tôi nên đem xe đến sân trường trả tôi, nhưng tôi về mất nên không trả được. Tôi liền lò dò ra cổng định đi ra sân trường, nhưng đường tối om nên tôi sợ quá lại quay vào nhà, lòng tự trách mình ghê gớm.

Khi tôi đang ngồi ở đầu hè khóc thút thít thì thấy mẹ tôi tất tả từ trên nhà bà đi về, mừng rỡ bảo với bố tôi:

- Thấy xe rồi. Chú Hiền xóm ngoài mượn, lúc nãy gặp chú Lâm ở ngoài uỷ ban nên trả luôn. Chú Lâm lại lấy xe đi chơi, giờ mới về. Cũng may con Thái cho chú ấy mượn xe, chứ thằng cu tí nhà chú đi lạc, nhờ có xe đạp mà còn tìm thấy nó nhanh đấy, không thì tối mịt chả biết đằng nào mà tìm.

Mẹ thấy tôi nước mắt lưng tròng liền lau nước mắt cho tôi rồi âu yếm bảo:

- Thôi nào, hú vía nhé. Lần sau đừng có tự tiện cho người lạ mượn cái gì nữa nhé…

Mẹ căn dặn gì nữa, nhưng tôi không nghe nữa rồi. Tôi mừng quá. Đấy, chú ấy đã bảo là chú sẽ trả mà! Tôi có làm mất xe đâu! Mà lại nhờ có xe chú ấy mới tìm được cu tí nữa. Tôi gục đầu vào vai mẹ, giờ mới thấy mệt rũ vì khóc nhiều. Giờ tôi chỉ muốn đi ngủ, chẳng còn thấy sợ thấy lo gì nữa, nhưng nước mắt tôi vẫn cứ tràn ra vai mẹ. Lạ chưa!
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Mãi mới vào được. Từ hnay sẽ theo dõi truyện của bạn
Vẫn nhớ thích cả ở trang Lãng du theo gió đại ngàn nhé.
Bạn kể chuyện thời thơ ấu của bạn đi để tớ lấy chất liệu viết truyện.
 

Du Ca

Gà BT
Tham gia
11/12/13
Bài viết
4.815
Gạo
0,0
Vẫn nhớ thích cả ở trang Lãng du theo gió đại ngàn nhé.
Bạn kể chuyện thời thơ ấu của bạn đi để tớ lấy chất liệu viết truyện.
Hồi nhỏ mình thì toàn ăn và chơi. Quăng cặp sách là mất dạng. Tối ăn xong lại chạy đi chơi tiếp. Chả có học hành gì hết. Nên đứng toàn giữa lớp.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Hồi nhỏ mình thì toàn ăn và chơi. Quăng cặp sách là mất dạng. Tối ăn xong lại chạy đi chơi tiếp. Chả có học hành gì hết. Nên đứng toàn giữa lớp.
Hình như hồi nhỏ đứa nào cũng thế, không như lũ trẻ bây giờ. Trong truyện của mình còn có một bạn mải xem mổ trâu mà quên đi thi học sinh giỏi. Có nguyên mẫu ngoài đời thực luôn. :D
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Mãi mới vào được. Từ hnay sẽ theo dõi truyện của bạn
Bạn ơi, trong diễn đàn này không được viết tắt nhé. Với lại phải có đủ dấu chấm phẩy nữa (bạn thiếu dấu chấm kết câu). Không sẽ bị xóa bài đó. Bạn sửa lại comment của bạn đi. :D
 

Du Ca

Gà BT
Tham gia
11/12/13
Bài viết
4.815
Gạo
0,0
Hình như hồi nhỏ đứa nào cũng thế, không như lũ trẻ bây giờ. Trong truyện của mình còn có một bạn mải xem mổ trâu mà quên đi thi học sinh giỏi. Có nguyên mẫu ngoài đời thực luôn. :D
Ừm ừm. Hồi xưa chơi là chính. Học là sau chơi. Nên mấy đứa nhóc sau này nó hỏi mình chơi gì lúc nhỏ. Mình liệt kê ra một danh sách dài. Tụi nó không chịu nỗi nữa. Hỏi ngược lại, thế hồi nhỏ cái gì chị không chơi? Mình bảo chỉ có cái chưa bao giờ thấy để chơi chứ chưa có gì chị mày đã thấy mà không chơi. Mà cái nào chơi cũng thuộc hàng giỏi.
Giờ nghĩ lại ham chơi quá hèn chi lúc nào cũng đứng nửa cuối lớp.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(9). Cánh diều

Tôi với cái Ngọc đang lúi húi ở cổng nhà bà tôi nhặt hoa trứng gà xâu lại thành chuỗi để đeo cổ thì cái Tấm, cái Thuý đơ với cái Anh đến. Thấy hai đứa tôi đang xâu hoa, chúng nó cũng nhập bọn. Chẳng mấy chốc, mỗi đứa có một cái vòng đeo cổ, thơm nức mũi. Tôi bảo chúng nó:

- Chúng mình chơi câu cá đi.

Mọi hôm chúng tôi hay lấy hoa dâm bụt tước hết cánh hoa. Còn cái nhụy thì tước hết phần bao ngoài, chỉ còn sợi tơ mảnh trong lõi. Cái đấy dùng để làm cần câu. Cánh hoa lại tước đôi cho mỏng ra và phần bao ngoài của nhụy được tước ra lúc nãy đều dùng làm cá. Đầu nhụy và cánh hoa để có nhớt, nên khi chạm vào nhau là dính. Chúng tôi cứ ngồi câu như thế, đứa nào câu được nhiều cá nhất là đứa ấy thắng.

- Thôi, chán rồi. Chả chơi nữa. – Cái Thuý đơ lắc đầu.

- Thế thì bọn mình đi quanh xóm chơi. Thổi kèn lá chuối đi. – Cái Anh nói.

Thế là chúng tôi cùng nhau đi quanh xóm. Gặp những nhà trồng chuối, lá chuối thò ra ngoài đường, bọn tôi tước lấy một ít, quấn lại thành kèn để thổi, hoặc tết thành chuỗi dài để chơi. Tết thành chuỗi thì dễ, chỉ cần biết cách là đứa nào cũng tết được. Nhưng làm kèn thì không phải cái kèn nào thổi cũng lên tiếng. Phải quấn đều tay, không được quấn lỏng quá, quấn xong phải cắn đầu thật ngọt, chứ cắn không đứt mà cứ toe toét ra thì cũng chẳng lên tiếng, hoặc tiếng tậm tà tậm tịt nghe chán lắm.

Mấy đứa chúng tôi thi nhau quấn. Cái Ngọc với cái Anh quấn chẳng nên hồn, tôi phải quấn cho, nhưng vẫn giữ lại cho mình cái kèn thổi to nhất. Vừa đi, chúng tôi vừa phùng mang trợn mép thổi hết cỡ:

- Te te te te…

- Te te te te…

Đi ngang qua vườn nhà ông Khoa, ông mở cửa, nói với chúng tôi:

- Buổi trưa các cháu trật tự cho mọi người ngủ chứ!

Cả bọn im tịt, lấm lét bấm nhau đi qua. Đi được mấy nhà nữa, lại đưa kèn lên mồm thổi.

Được một lúc, cả lũ bắt đầu chán thổi kèn, cần phải tìm trò khác để chơi. Mấy đứa ngồi dưới gốc nhãn đầu cổng nhà tôi, thi nhau đưa ra ý kiến:

- Chơi trốn tìm đi.

- Chơi ở đâu. Giờ mà về nhà tao hò hét ầm ầm bố mẹ tao mắng chết!

- Hay lên trường chơi cầu trượt…

- Hôm nọ trượt bị rách dép, mẹ em mắng rồi. Hôm nay mà rách tiếp thì ăn đòn. – Cái Anh gãi đầu.

Mọi lần lên trường cấp một chơi, chúng tôi cũng hay chơi trò cầu trượt. Sát ngay đằng sau trường là một đồi chè, chỉ cao hơn sân trường bốn năm bước chân thôi. Ngay ở sát đầu dãy lớp học có một lối đi lên đồi chè gần rất dốc. Lại rất trơn. Đến mức mà mấy đứa tôi ngồi lên đỉnh dốc, chỉ cần đẩy chân một cái là “vèo”, trượt ngay xuống chân dốc. Thế nên bọn tôi mới nảy ra cái sáng kiến dùng chỗ đấy làm cầu trượt.

Lúc đầu mấy đứa tôi cứ ngồi phệt xuống mà trượt, nhưng vừa rát mông lại rách quần, thế nên đổi thành ngồi xổm. Đứa nào đứa nấy dép phải hàn lại chằng chịt không biết bao nhiêu lần bằng que cời bếp. Hôm nọ, cái Anh lại bị rách dép. Mẹ nó bảo không hàn được nữa rồi, phải mua dép mới và liệu liệu mà giữ dép không thì sẽ ăn lươn cạn.

Tôi suy nghĩ một lúc, rồi bảo chúng nó:

- Tao có trò này hay lắm. Chúng mình thả diều.

- Diều là gì? – cái Anh hỏi. Cái Tấm “xời” một cái kiểu ta đây “diều mà không biết”, kiểu tinh vi lắm.

- Diều là diều chứ là cái gì! – Tôi lườm cái Tấm, nhẹ nhàng nói với cái Anh. - Người ta lấy một dây buộc vào diều rồi thả lên trời. Nó cứ bay vi vu trên trời ấy. Người ta còn buộc sáo vào, nó vừa bay vừa thổi véo von, hay lắm!

Mấy đứa còn lại mắt sáng lên. Rõ ràng là chúng nó chưa biết diều là cái gì.

- Thế thì mình lấy diều ở đâu? – cái Ngọc hỏi. Trông cái mặt nó là biết nó đang rất háo hức với cái diều.

Đến đây thì tôi gãi đầu. Rõ ràng là tôi chẳng biết lấy diều ở đâu. Tôi biết diều làm bằng giấy, tôi thấy trong sách vẽ người ta thả diều, cánh diều hình khum khum như quả cau, lại có hình vẽ trên đó. Nhưng cụ thể cái diều như thế nào thì tôi không rõ bởi vì tôi cũng chưa được tận mắt thấy cái diều. Ở đây tôi chẳng thấy ai thả diều cả.

Mấy đứa kia cứ ngóng mãi mà chỉ thấy tôi gãi đầu chứ chẳng đưa ra được chỗ nào có thể lấy diều, nên cuối cùng cũng không ngóng nữa. Cái Tấm thở dài, nói:

- Thế mà cũng nói. Chúng mình phải tìm trò khác chơi thôi.

Tiếc rẻ, mấy đứa lại ngồi đờ ra nghĩ tiếp. Tôi chẳng có lòng dạ nào để nghĩ ra trò chơi mới, đầu óc vẫn cứ vương vấn mãi về con diều. Nên mặc cho mấy đứa kia bàn tiếp, tôi lơ đãng nhìn những chiếc lá khô, những cái túi bóng chạy qua chạy lại theo gió. Rồi đột nhiên, một ý tưởng nảy ra trong óc tôi. Tôi bảo mấy đứa kia:

- Tao nghĩ ra rồi. Chúng mình vẫn thả diều.

- Diều ở đâu mà thả? – Cái Thúy vặc lại.

- Kia. – Tôi chỉ vào mấy cái túi ni lông lăn lóc ở đường. – Mình lấy túi bóng kia buộc chỉ vào rồi thả. Nó cũng bay như diều vậy.

Thế là chúng tôi lấy chỉ buộc túi ni lông lại để làm diều. Nhưng cái tuyên bố “bay như diều” của tôi thì có vẻ như không tưởng. Vì tất nhiên trong chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào để thả diều. Tôi nhớ mình đọc ở quyển sách nào đó là phải để diều “nghiêng 45 độ”, mà 45 độ là thế nào thì tôi cũng chịu. Thế là bọn tôi cầm túi bóng để đủ tư thế mà không làm sao cho gió hất nó lên bay được.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định cứ cầm dây chỉ chạy. Mấy đứa rầm rầm chạy vòng quanh sân trường, nhìn những chiếc túi ni lông bay là là đằng sau cười như nắc nẻ. Thi thoảng, có đợt gió nào thốc cái túi bóng lên làm nó bay lên cao một chút là chúng tôi sung sướng lắm, cái hi vọng nó bay “như cánh diều” lại nhen nhóm.


Một hôm, thấy chúng tôi cứ “thả diều” bằng túi ni lông suốt, ông Khoa gần nhà tôi bảo:

- Để ông làm cho các cháu một cái diều.

Tôi tròn mắt nhìn ông.

- Ông biết làm diều ạ?

- Ừ. Ngày xưa ông cũng thả diều mà.

Tôi gục gặc đầu. Ở đây tôi không thấy người ta thả diều bao giờ chứ ông Khoa thì ở nơi khác đến nên chắc ngày xưa ông cũng thả diều là phải rồi. Tôi khoe với mấy đứa kia, chúng nó mừng lắm.

Từ hôm ấy, cứ rảnh một tí tôi lại sang nhà ông Khoa để xem ông làm diều đến đâu. Tôi thấy ông chẻ tre làm khung, rồi lấy giấy dán vào. Mà không phải giấy bình thường nhé, ông còn thấm cái gì đó vào giấy làm nó dai hơn. Ông bảo thế diều mới không rách.

Tôi nhìn cái diều, không nghĩ là nó to như thế. Nó phải to hơn cái rổ rau nhà tôi. Tôi cầm thử cái diều lên thấy nặng, trong lòng phân vân tự hỏi không biết làm thế nào mà nó bay được. Nhưng tôi không nói với ông Khoa điều đó, trong lòng chờ mong đến ngày được thả diều.

Thế nhưng rốt cục tôi vẫn chẳng được nhìn thấy cánh diều bay vi vu trên bầu trời. Hôm thả diều, tôi mang sang một cuộn chỉ nhưng ông Khoa bảo không dùng chỉ được vì sẽ đứt. Ông lấy một cuộn dây dù ra buộc vào cánh diều. Rồi sau đấy ông dẫn mấy đứa tôi ra sân trường thả.

Nhưng thả cách nào diều vẫn không lên được. Tôi bảo ông là chắc diều không lên được vì nó nặng quá, cả cái khung tre thế kia, lại thêm bao nhiêu giấy và cả cơm dán giấy nữa, cái túi ni lông của cháu mỏng dính nhẹ tang mà còn chẳng bay lên được nữa là. Nhưng ông lắc đầu bảo:

- Không phải. Nó không lên được vì ông làm không cân.

Rồi ông thu dọn con diều và bảo tôi:

- Thôi, ông cháu mình về. Hôm nào rảnh ông làm cho cháu cái khác nhé.

Bởi vì ông Khoa rất bận những việc khác nên chắc “hôm nào rảnh” của ông cũng còn lâu nữa mới tới nên trong lúc chờ đợi đến lúc ấy, chúng tôi vẫn cứ chơi với con “diều túi bóng” hàng ngày. Và mỗi khi có cơn gió bay qua, “con diều” của chúng tôi bay lên rồi lại hạ xuống cùng với những niềm phấn khích và hi vọng.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(10). Cuối cùng diều cũng bay được


Cuối cùng chúng tôi cũng có một con diều bay được. “Chúng tôi” ở đây có nghĩa là tôi không phải là người làm bay con diều. Thêm nữa, “con diều” ở đây cũng có nghĩa là chiếc túi ni lông của chúng tôi.

Nói đến vụ này thì phải kể đến thằng Hùng min. Thằng Hùng min bằng tuổi với cái Ngọc. Nhà nó cũng chỉ cách nhà tôi có mấy nhà. Người nó đen trũi, chắc nịch như cua gạch, tướng tá bặm trợn.

Kể về thằng Hùng min thì phải nhắc đến hai chuyện.

Chuyện thứ nhất là hồi nó với cái Ngọc mới hai tuổi thôi. Tôi, chị Ấm và hai đứa nó chơi đồ hàng. Chúng tôi lấy vỏ trai trai làm bát đĩa, vặt lá chó đẻ làm rau và xúc đất làm cơm. Sau khi chuẩn bị xong bữa ăn, chúng tôi quây quần cùng nhau ăn cơm. Tất nhiên là chỉ ăn giả vờ thôi. Đưa “bát” lên gần miệng và đưa tay giả vờ lùa cơm vào. Ít nhất là có một nửa trong số chúng tôi hiểu điều đó. Khi tôi nhận ra rằng cái câu “ăn cơm đi” của tôi được cái Ngọc và thằng Hùng min hiểu đúng zin theo nghĩa đen thì mồm hai đứa nó đã nhoe nhoét đất rồi. Tất nhiên là ngay sau đó chúng nó cũng nhận ra sai lầm nhưng hậu quả là trò chơi đồ hàng của chúng tôi phải tạm dừng để cho hai đứa nó đi xúc miệng. Chuyện này tôi nhớ rất kĩ nhưng cái Ngọc và thằng Hùng min thì chẳng nhớ gì cả, nên mỗi lần tôi lôi ra trêu chúng nó thì chúng nó đều đồng thanh gân cổ lên nói rằng tôi nói phét.

Chuyện thứ hai phải kể đến cái quạt hoa sen nhà nó. Hồi đấy có quạt hoa sen là oách lắm, cả xóm chỉ có vài nhà có, còn lại chỉ toàn là quạt con cóc. Quạt hoa sen to bằng mấy cái quạt con cóc, mỗi lần bật quạt gió thổi vù vù mát lịm cả nhà. Nhưng quạt hoa sen của nhà thằng Hùng min lại không chỉ to và mát giống như những cái quạt hoa sen bình thường khác. Nó còn bị rò điện.

Bọn tôi biết được điều này là do thằng Hùng min khoe trong một lần đến nhà nó chơi.

- Tao cho chúng mày xem cái này. Hay lắm!

Tôi, cái Anh, cái Ngọc với cái Thơm em gái nó hồi hộp nhìn nó rón rén đi lại gần cái quạt.

- Á!

Vừa thò ngón tay chạm vào một góc của chân quạt, nó kêu lên, rụt ngay tay lại. Đoạn nó quay ra vừa xoa xoa ngón tay, vừa xuýt xoa:

- Tê quá. Điện giật đấy. Có ai thích thử không?

Chúng tôi tròn mắt nhìn nó, vừa sờ sợ, vừa tò mò, thích thú. Đã đứa nào biết điện giật là gì đâu. Trông cái vẻ mặt hớn hở của thằng Hùng min kia, thật đáng thèm thuồng. Thấy thế, tôi cũng lại thử.

Lúc đầu tôi hùng hổ bao nhiêu thì càng đi đến gần cái quạt, tôi lại rón rén bấy nhiêu. Đến khi ngón tay tôi chuẩn bị chạm vào cái quạt là lúc độ rón rén và hồi hộp của tôi lên đến cực điểm thì…

“Á!” Tôi giật bắn mình kêu lên. Ngón tay của tôi có một cảm giác tê tê, đau đau, rất lạ.

Tôi lùi ra xa khỏi cái quạt, quay ra cười hớn hở với lũ kia.

- Tê tê… Đúng là hay thật, chúng mày ạ.

Lần lượt, từng đứa một, cái Anh, cái Ngọc cũng lại sờ thử. Kể cả cái Thơm được nếm mùi trước rồi vẫn lại sờ tiếp. Mỗi lần có đứa bị điện giật như thế, chúng tôi lại cười rộ lên thích chí.

Được một lúc, bố thằng Hùng min về. Nhìn thấy chúng tôi thi nhau nghịch dại, bố nó lôi cổ thằng Hùng min ra nẹt cho một trận. Khi bố nó ra bờ rào rút một cây nứa tép về để quật vào mông nó thì bọn tôi đứa nào đứa nấy đã xanh mắt mèo, lấm lét bảo nhau lẩn ra đến tận đầu cổng rồi.

Đấy. Tôi nhắc lại hai chuyện đấy để muốn nói rằng thằng Hùng min cũng không phải là một đứa không có gì thú vị. Nhất là sau cái vụ thả “diều túi bóng” này nữa.

Sau một vài ngày thấy mấy đứa tôi cầm túi ni lông hò hét chạy khắp xóm làng thì anh em nhà thằng Hùng min cũng bắt chước buộc chỉ vào túi ni lông nhập bọn cùng chúng tôi.

Thằng Hùng min mới năm tuổi, còn cái Thơm em gái nó thì chỉ mới bốn tuổi. Cả hai đứa nó đều chạy chậm hơn tôi. Thế nên một lẽ tất nhiên là con diều của anh em thằng Hùng min cũng chỉ bay là là như con diều của tôi mà thôi.

Điều đáng nói ở đây là khác với nhà tôi, nhà cái Anh hay nhà cái Thúy đơ đều là nhà mái ngói, thì nhà thằng Hùng min lại là mái bằng. Có nghĩa là có sân thượng. Tôi đã lên trên sân thượng nhà thằng Hùng min chơi hai lần. Lần đầu tiên, thấy nó đứng sát mép sân thượng, tôi cũng ra đó đứng thử. Thấy đầu óc quay cuồng, chóng hết cả mặt. Về kể cho mẹ nghe, mẹ tôi dặn lần sau không được lên đó chơi nữa, rất nguy hiểm. Sức hấp dẫn của cái sân thượng làm cho tôi không nghe lời mẹ, nhưng biết điều, tôi chỉ dám đi loanh quanh ở giữa sân, cách mép tường đến cả mét.

Nếu chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là một hôm bố mẹ thằng Hùng min đi vắng giao cho anh em nó trông nhà. Chỉ có hai đứa ở nhà trông nhà thì rất buồn nên khi thấy hai chị em tôi và cái Thúy đơ cầm túi bóng chạy qua cổng thì nó gọi giật tôi lại.

- Chị Thái ơi! Vào đây lên sân thượng nhà em chơi đi.

Mấy đứa tôi dừng lại, ngó anh em thằng Hùng min đang đứng thập thò ở đầu cổng.

- Bọn em phải ở nhà trông nhà.

Cái Thơm gãi gãi mũi, phụng phịu. Mặt nó dính nhọ nồi, trông tồi tội.

Tôi ngẫm nghĩ một tí rồi quay ra bảo cái Thúy với cái Ngọc:

- Mình vào đây một tí đi.

Rồi quay sang anh em thằng Hùng min.

- Một tí thôi nhé. Rồi bọn tao lại ra sân trường chơi.

Hai đứa nó hớn hở gật đầu dẫn chúng tôi vào nhà. Rồi như mọi lần, chúng tôi lại lên sân thượng.

Chạy qua chạy lại loanh quanh trên sân thượng chán, thằng Hùng min mới bảo tôi:

- Cho em mượn túi bóng của chị, em thả trên này.

Thấy tôi ngần ngừ nhìn cái sân bé tẹo, nó bảo:

- Em chạy chậm thôi, chả sao cả đâu.

Tôi liền đưa cho nó. Nó cứ chạy từ đầu này đến đầu kia sân thượng rồi lại quay lại. Trên này chỉ chạy chậm được, nhưng gió rất lộng nên cái túi bóng cứ bay phần phật. Rồi một cơn gió thổi thốc cái túi bóng lên cao. Tôi nhảy vội ra chỗ thằng Hùng min, giật cuộn chỉ ra khỏi tay nó. Chỉ nhả ra đến đâu, cái túi bóng bay cao đến đấy, đến khi nhả hết cả chỗ chỉ tôi mang đi, chỉ còn trơ lại cái miếng giấy vở ô ly mà tôi cuộn lại làm lõi. Mấy đứa kia xúm lại, mỗi đứa tranh cầm cái đầu chỉ một tí. Chúng tôi nhìn theo cái túi bóng đang “bay như diều”, hò reo ầm ĩ.

Rồi cái Thơm hậu đậu tuột tay, làm sợi chỉ bay vụt đi theo “con diều”. “Ôi!” Mấy đứa tôi kêu lên tiếc nuối. Nhưng chẳng có đứa nào trách cái Thơm một lời. Cả lũ đều mải miết nhìn theo cái túi bóng bay lên cao dần, cao dần cho đến khi nhỏ tí xíu và biến mất khỏi tầm mắt.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Bên trên