Chương 4. Người anh tham lam
Ngày xưa ở ngôi làng nhỏ này có một gia đình bốn người gồm cha mẹ và hai người con trai tên Thóc và Gạo. Tuy không sở hữu ruộng đồng thẳng cánh cò bay, nhưng nhờ chăm chỉ chí thú làm ăn, chịu khó chắt chiu tiết kiệm, trong nhà cũng có của ăn của để. Người con trai lớn từ nhỏ đã có biết phụ giúp cha mẹ quán xuyến việc nhà, dù không mang chí lớn bay xa nhưng về cơ bản là người con có hiếu.
Nỗi phiền muộn lớn nhất của đôi vợ chồng già này lại ở người con trai út. “Giàu con út, khó con út” còn riêng nhà này thì luôn “khó vì con út”.
- Thầy còn tiền không đưa tôi một ít. – Vừa bước chân qua cửa, Gạo buông độc một câu với cha mà chẳng buồn chào hỏi. Đây cũng câu là gã nói thường xuyên nhất với mọi người trong nhà.
- Tao chẳng còn đồng nào cả. – Ông bố mặt thoắt đỏ bừng vì giận. – Mày lại về lấy tiền đi đàn đúm tổ tôm cờ bạc phỏng? Tao, u mày, anh mày không phải làm cho mày phá.
Gạo chẳng thèm trả lời, xăm xăm bước tới góc nhà lục lọi. Dù sao cha gã cũng đã già, đâu thể làm gì được. Ông cụ tức đến đỏ cả mặt nhưng thể trạng ốm yếu của ông sao chọi lại sức thanh niên, chỉ biết đấm ngực gào khóc:
- Gạo ơi, tao nuôi mày lớn từng này để mày càng ngày càng khốn nạn có phải không? Nếu biết trước sự thể tao đã bóp mũi mày chết từ ngày đẻ ra rồi.
Mặc ông cụ mắng nhiếc, Gạo chỉ chăm chú đi quanh nhà tìm tiền, và rồi trước sự bất lực của cha, gã lôi ra hai xâu tiền giấu kĩ dưới bồ gạo.
- Lần này tôi chắc chắn sẽ mang nhiều tiền về, thầy đừng lo.
- Mày tin gì cái bọn bịp bợm đấy, Gạo ơi là Gạo.
Cầm tiền trong tay, Gạo sấp ngửa đi tới đầu làng, nơi đám thanh niên vô công rồi nghề tụ tập đánh tổ tôm cả ngày. Tuy triều đình có lệnh cấm cờ bạc rất nghiêm, nhưng “phép vua thua lệ làng”, những kẻ giàu có nơi đây đều có mối quan hệ rất chặt chẽ với các tri phủ, huyện lệnh. Dưới sự “che chở” của những kẻ quyền thế, chúng ngang nhiên tổ chức đánh bạc thu hồ. Dân cờ bạc tới chơi ai thắng ai thua không quan trọng, cuối cùng chỉ có đám người tổ chức hoặc nhà cái là được lợi. Nhiều gia đình đã tán gia bại sản, thậm chí tha phương cầu thực khi nhà có một con nghiện cờ bạc nhưng những bài học nhãn tiền đó vẫn không đủ để cảnh tỉnh lũ thanh niên u mê luôn tin rằng mình sẽ giàu có nhanh chóng nhờ mấy trò đen đỏ rủi nhiều may ít này.
Và Gạo là một trong những kẻ có “niềm tin” vững chắc nhất, nhờ vậy của nả cả đời tích cóp của cha mẹ gã cứ đều đặn dần trôi trên những chiếu bạc. Người ta nói cờ bạc có ma, một khi đã bị ám thì không thể thoát ra. Từ ngày còn nhỏ cho tới khi trưởng thành, thứ duy nhất Gạo biết là cờ bạc, còn những công việc làm ăn thì hoàn toàn không mó tay. Rồi “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, gã cưới về người vợ quen được bên sới bạc bởi những gia đình tử tế không ai chịu gả con cho gã.
Thế là gia cảnh đã rách lại càng nát.
Quá buồn phiền vì vợ chồng đứa con út, hai ông bà già lần lượt ngã bệnh. Thu chút sức tàn bên giường bệnh, người cha nắm tay Thóc, thều thào nói:
- Thầy biết thằng Gạo không ra gì nhưng nó vẫn là em anh, anh thay thầy u lo cho nó. Tất cả nhà cửa ruộng đất thầy u để lại chia đôi nhưng anh đừng giao lại cho nó chừng nào nó chưa bỏ được cờ bạc.
Ngày đưa cha ra đồng, Gạo vẫn còn mải mê bên sới bạc không thèm về chịu tang. Vợ chồng gã chỉ hốt hoảng chạy về khi thằng con mếu máo đến báo là bác cả đã vứt tất cả đồ đạc, đuổi cả nhà ra ngoài.
- Chừng nào vợ chồng mày thay đổi, bỏ cờ bạc, chí thú làm ăn thì về đây tao trả lại cho một nửa gia sản. – Thóc lạnh lùng phủi tay.
Những chuyện nội bộ trong nhà thế này, muốn hương trưởng hay lý trưởng can thiệp phân xử phải mang nhau ra đáo tụng đình mà nhà gã còn chạy ăn từng bữa, tiền đâu để kiện với cáo? Thế là Gạo phải đưa vợ con về mẩu đất cuối làng cạnh bãi tha ma do Thóc chia cho. Hai vợ chồng cất một túp lều nhỏ, ngày qua ngày đi nhặt củi, làm thuê mấy việc vặt vãnh kiếm tiền sống qua ngày. Nhưng tật cũ khó bỏ, hai vợ chồng làm ra được đồng nào đều đem nướng vào chiếu bạc đồng đấy, nên bữa đói nhiều hơn no. Xung quanh cả xã đều biết tiếng Gạo đâm mỗi khi gã bén mảng qua vay tiền đều đóng chặt cửa không tiếp.
Cho tới ngày gã bỗng gặp vận may trên trời rơi xuống khi có một con chim thần thích ăn khế nhà gã nên đã trả cả túi vàng cho mấy quả khế chín.
Đột nhiên trở nên giàu có, Gạo tức tốc sang nhà Thóc. Gã chưa bao giờ quên mối hận ngày bị anh trai tống cổ.
- Nhờ ơn anh mà tôi có được ngày này nên tôi cũng cho anh cơ hội như tôi. – Gã nói giọng giễu cợt. – Về cái mẩu đất kia ở mà chờ chim thần đi.
Nói là làm, hôm sau Gạo cho một đám đầu trâu mặt ngựa tới đánh đuổi cả nhà Thóc ra ngoài, cướp lại hết nhà cửa, ruộng vườn cha mẹ gã để lại. Dù sao trong khế ước cha gã làm trước khi mất, gã vẫn có tên trong số tài sản này, Thóc có muốn cũng khó kiện tụng mà lấy lại. Chưa kể giờ Gạo đã trở nên cực kỳ giàu có, đến lý trưởng còn phải tìm đến nhà gã làm thân. Thế là chẳng còn cách nào khác, Thóc đành uất ức đưa gia đình về căn lều rách kia sống tạm.
………………
Tôi giận run người khi nghe câu chuyện do người đàn ông tên Thóc kia kể lại. Sau khi giúp hai vợ chồng và đứa trẻ về căn lều cuối làng, tôi cùng Hạc đi xác minh thì hóa ra anh ta nói không sai một ly.
Vì sự bồng bột thiếu suy nghĩ mà tôi đã đẩy một gia đình lương thiện lâm vào cảnh bần hàn.
- Làm ơn giúp tôi đi. – Tôi nắm áo Hạc nài nỉ. – Cho tôi quay về mấy tuần trước để tôi ngăn mình làm cái chuyện ngu ngốc kia.
- Mặc cô! – Hạc giật tay lại. – Mỗi lần đi ngược thời gian như vậy tổn hao pháp lực vô cùng, mà tôi không có trách nhiệm đi dọn dẹp hậu quả từ cái thói bộp chộp của cô.
- Tôi biết tôi sai rồi. – Tôi cúi đầu vẻ hối lỗi. – Nhưng bỏ tôi qua một bên đi, chẳng lẽ anh không động lòng chút nào trước hoàn cảnh đáng thương của họ sao?
- Không. – Hạc bình thản nói. – Cuộc sống của con người so với thần tiên quá ngắn ngủi, đau đớn bất hạnh cỡ nào thì cũng chỉ vài ba chục năm, tới khi nằm xuống là hết, đi đầu thai là sang một cuộc đời mới. Hơn nữa, vạn vật đều có nguyên tắc vận động của riêng nó, cứ cố can thiệp vào sẽ gây ra những hệ quả khó lường. Ai dám chắc việc cô quay lại quá khứ không gây ra thêm rắc rối khác?
Tôi chẳng biết phản bác thế nào, đành bắt chước cậu ta, ngồi vào một góc nhắm mắt thiền. Theo Hạc thời gian qua, tôi học được cách thiền định, một phương pháp định tâm tuyệt vời. Nó giúp tôi điều chỉnh tâm trạng để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
- Này, – Được một lúc, tôi không nhịn được hé mắt nói tiếp. – làm thần tiên sướng nhỉ, vừa không phải bận tâm chuyện sinh lão bệnh tử, vừa có quyền phép.
Hạc nhìn tôi trong chốc lát, rồi khẽ mỉm cười, nụ cười có gì đó vừa bao dung vừa thương hại mà tôi không hiểu nổi.
- Nếu thích cô có thể xin làm thần tiên sau khi chết.
- Hả? Hóa ra thần tiên là từ con người biến thành à? – Tôi tròn mắt. – Mà chỉ đơn giản là thích thôi chứ không cần tu nhân tích đức qua bao đời bao kiếp sao?
- Không, chỉ cần thích là được. – Hạc nhún vai. – Thực tế là cả trăm năm nay chỉ lác đác có vài thêm thần tiên, trong khi người ngày càng đông, bắt đầu thiếu nhân lực rồi.
- Nhưng nói luân hồi chuyển kiếp thì số lượng phải cố định chứ nhỉ? – Tôi ngắt lời cậu ta vì không nhịn được tò mò. – Sao dân số ngày càng gia tăng vậy?
- Vũ trụ này đâu chỉ có con người? Mọi sinh vật cho đến cỏ cây hoa lá, tảng đá, viên sỏi nếu gặp duyên có thể được độ kiếp thành người, và ngược lại.
- Ra vậy… – Tôi gật gù. – Thế sao mọi người lại không thích làm thần tiên nhỉ? Có lẽ tới lúc chết đi, tôi sẽ xin làm thần tiên, thành đồng nghiệp của anh.
Hạc trầm ngâm trong giây lát rồi hắng giọng nói tiếp:
- Thực ra, bất tử là lời nguyền thì đúng hơn…
- Tại sao? – Tôi tiếp tục kinh ngạc.
- Cái chết chính là món quà Đấng tối cao ban cho loài người. Khi biết cuộc sống là hữu hạn, người ta sẽ có động lực để làm nhiều việc, khao khát nhiều thứ, trải nghiệm đủ các loại cảm xúc thăng trầm. Chết rồi có thể sống qua nhiều kiếp, nhiều số phận khác nhau. Còn khi bất tử cô sẽ chỉ có một cuộc đời, ngàn năm trước như vậy, ngàn năm sau vẫn thế, không có gì trông đợi, chờ đón hay hi vọng. Cô có muốn không?
Tôi lặng thinh suy nghĩ, thử tự đặt mình vào vị trí như Hạc nói, cuối cùng chầm chậm lắc đầu. Nếu vẫn ở trong vòng luân hồi, biết đâu kiếp sau tôi sẽ thành hoa hậu, đại gia hay một chính trị gia hiển hách nào đó. Như vậy sẽ hơn hẳn việc đời đời kiếp kiếp chỉ bay qua bay lại tìm người chết dẫn đi.
- Tôi hiểu rồi. Vậy tại sao ngày đó anh chọn làm thần tiên?
- Suy nghĩ thiếu chín chắn. – Hạc bỗng cười.
Tôi cảm giác vẻ cười cợt bông lơn của cậu ta che giấu một điều gì đó nhưng dù rất tò mò, tôi không biết mở lời thế nào nên đành bỏ qua.
Tôi trằn trọc cả đêm vì chuyện nhà anh em Thóc và Gạo, đến khi trời gần sáng mới thiếp đi. Gần trưa dậy thấy đói bụng, tôi lang thang vào làng kiếm đồ ăn. Trên đường, tôi bỗng thấy hai gã mặt mũi bặm trợn đi ngược lại, thì thụt bàn bạc gì đó với nhau. Không nén được tò mò, tôi liền tàng hình rồi đi theo nghe trộm.
- Lần này vớ bẫm rồi.
- Không ngờ thằng khố rách áo ôm đấy lại gặp may thế, tự nhiên có vàng trên trời rơi xuống.
- Thế mới nói chuyện ông trời có mắt chỉ là vớ vẩn thôi. Mà cái thằng, thù dai quá thể, nó tự nhiên giàu có, còn cướp lại cả tài sản của thằng Thóc rồi mà vẫn không thỏa, anh ruột mà nó còn…
- Im đi, nó có tính toán của nó, chắc lo thằng kia sẽ đâm đơn kiện. Việc của mình là nhận tiền và làm, thế thôi, mày đừng có bép xép không đúng chỗ.
- Thế mày định làm thế nào? Phóng hỏa hay nửa đêm vào nhà cho mỗi đứa một nhát gọn nhẹ?
- Phóng hỏa đi, chứ tự dưng bị đâm chết trong nhà phiền phức lắm. Nhanh lên không thằng Gạo sắp tiêu hết tiền rồi, hôm qua nó mới mất cả lượng vàng ở nhà lão Hợi đấy. Lão đấy bạc bịp cả huyện biết tiếng, chỉ có thằng ngu kia cứ cắm đầu vào.
Tôi rùng mình vì câu chuyện nghe lỏm được, không nghĩ trên đời có kẻ độc ác đến mức tán tận lương tâm như vậy. Cho dù tôi có thể bảo vệ gia đình Thóc một thời gian nhưng tôi đâu ở đây mãi? Nghĩ đi nghĩ lại, tôi đành quyết định nói thẳng cho nhà họ để họ có thể có phương án đối phó.
Để tăng tính thuyết phục cho câu chuyện, nửa đêm tôi đến nhà Thóc trong hình dạng một ông cụ râu tóc bạc phơ, mặc bộ áo dài cũng trắng nốt, trên tay là cây chổi phất trần, người tỏa hào quang nhẹ, đại khái tạo hình cố gắng giống Thái thượng lão quân trong Tây du ký nhất có thể. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình ảnh minh họa cho ông Bụt trong sách cũng na ná như vậy.
- Có người đang muốn hại các con, nhưng thấy nhà con sống thật thà lương thiện nên ta đến báo trước cho để lánh nạn.
- Bẩm ông, xin hỏi ai đang định hại gia đình con vậy ạ? – Thóc chắp tay, lo lắng hỏi.
- Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt. – Tôi lim dim mắt nói, giọng cố gắng sâu lắng cho ra dáng “thần tiên”. – Con hãy tự mình nghĩ xem.
- Quả thật con không thể nghĩ ra…
“Sao mà ngu thế?” Tôi bực tức nhủ bụng, bảo sao gia đình anh ta lâm vào cảnh này. Tôi đành bỏ điệu bộ úp mở “thiên cơ bất khả lộ”, nói thẳng:
- Em trai con đang muốn hại cả nhà con, con nên có sự chuẩn bị.
Vợ chồng Thóc sững sờ, tôi rất thông cảm bởi “anh em tựa thủ túc”, nếu có ngày Ngọc muốn giết tôi, tôi cũng không thể tưởng tượng mình sẽ sốc tới mức nào.
- Con không biết phải làm gì nữa. – Thóc thẫn thờ
- Mình ơi, chúng ta đi khỏi đây thôi, tôi chưa muốn chết. Chú Gạo sẽ không tha cho nhà ta đâu. – Vợ anh ta bật khóc. Khuôn mặt khắc khổ đượm vẻ đau buồn khiến chị ta bỗng chốc già xọm.
- Biết đi đâu? Đi rồi thì sống thế nào?
Tôi mím môi. Tuy Hạc có nói không nên tiếp tục can thiệp nhưng thời gian của tôi chỉ có hạn, tôi đâu sống đời đời để bình thản nhìn nhiều kiếp nhân sinh trôi qua. Gia đình Thóc lâm vào cảnh này là do lỗi ở tôi, nếu không giúp họ tôi sẽ cắn rứt đến hết “đời”, dù cuộc đời kỳ lạ này ngắn hay dài.
- Con đừng lo, ta vừa bấm độn, – Tôi vừa nói vừa lấy tay bấm bấm, phương pháp kinh điển trong phim để biết mọi chuyện trên trời dưới đất. – gia đình con sẽ tai qua nạn khỏi. Sớm ngày mai sẽ có người tới giúp.
Tôi nói rồi làm thuật tàng hình, biến mất trước mặt họ. Sở dĩ tôi làm như vậy không phải để khoe khoang hay tỏ ra hoành tráng lấy le mà chỉ để tăng độ tin cậy cho lời nói của mình.
Sớm hôm sau tôi trở lại lốt chim ưng, tìm tới nhà Thóc. Thoạt tiên, tôi đưa cả gia đình sang vùng khác lánh nạn, sau đó tôi đưa Thóc mang túi khế đi Triều Tiên đổi lấy vàng như Gạo, chỉ khác là lần này túi vàng của anh ta to gấp rưỡi. Để tránh việc Gạo còn ôm thù đi dò la tin tức về Thóc, tôi trở lại làng tung tin đồn về “người anh tham lam” mang chiếc túi quá to khiến chim thần tức giận, hất xuống biển chết mất xác.
- Cô nghĩ như vậy là ổn? – Hạc hỏi sau khi tôi báo cáo lại tình hình.
- Chắc thế. – Tôi nhún vai. – Tôi tính rồi, chỉ tầm tháng nữa là Gạo sẽ mất hết gia sản vào chiếu bạc còn bản tính Thóc chăm chỉ chịu khó, có chút vốn liếng anh ta sẽ sống tốt thôi. Nếu giả sử vì tự nhiên giàu có mà biến chất là do anh ta, tôi không quan tâm nữa. Cơ bản là tôi đã giải quyết được lỗi lầm mình gây ra, còn những gì ngoài trách nhiệm của tôi thì tôi chịu.
- Vậy cô muốn đi khỏi đây chưa?
- Rồi, đi thôi. – Tôi vui vẻ gật đầu.
Tôi suy nghĩ một chút rồi bổ sung:
- Lần tới tôi rút kinh nghiệm sẽ không can thiệp nữa, đỡ mất công anh mắng tôi.
Chương sau >>