Nhật ký làm Bụt - Cập nhật - Sherry

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
3.000,0
ngocnungocnu không hiểu sao mình không trả lời được bình luận nên phải viết xuống đây :((. Mình cho là không cần trừng phạt Gạo vì tự Gạo sẽ mất hết mọi thứ vì cờ bạc. Bản tính như vậy thì dù có cơ hội tốt (được chim thần cho vàng) cũng sẽ không tận dụng được và mọi chuyện quay trở lại thời điểm xuất phát.
 

gumiho_lanh_lung

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
27/11/14
Bài viết
488
Gạo
0,0
Ôi sao lại thế? Mỗi người một style viết riêng chứ, chị toàn bị chê là văn khô, “gọn” quá mức nên muốn dài cũng khó, nội dung lại bị dễ đoán nữa. Với cả mình viết vì mình thích chứ có phải để tranh giải Nobel văn chương đâu, nên cứ viết đi em. Lấp hố rồi sau này đọc lại chỉnh lại sau. Chị đọc lại lần nào là phải sửa lần đó :((.
Đúng là đọc lại lần nào là sửa lần ấy ạ. Chỉ là e thấy một màu quá, nhiều khi cứ lan man này nọ. Tự nhiên giờ chả đánh ra chữ nào. Em thích cách viết ngắn gọn rành mạch, vào đề chuẩn xác như chị với bạn Thanh Khê ấy. Ngắn gọn mà vẫn đủ hiểu. Haizzzz em thì cứ lòng vòng quá thể
 

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
3.000,0
Đúng là đọc lại lần nào là sửa lần ấy ạ. Chỉ là e thấy một màu quá, nhiều khi cứ lan man này nọ. Tự nhiên giờ chả đánh ra chữ nào. Em thích cách viết ngắn gọn rành mạch, vào đề chuẩn xác như chị với bạn Thanh Khê ấy. Ngắn gọn mà vẫn đủ hiểu. Haizzzz em thì cứ lòng vòng quá thể

Mỗi phong cách đều có ưu thế riêng chứ em, cơ bản là mình-thích-thì-mình-viết thôi :D. Gần một năm vừa rồi chị cũng gặp vấn đề với viết lách nên gần như gác bút, thỉnh thoảng mới viết 1, 2 truyện ngắn linh tinh cho đỡ mất cảm giác, gần đây mới trở lại truyện dài nhưng vẫn mông lung lắm. Hình như tác giả nào (bất kể chuyên nghiệp hay nghiệp dư) cũng đều ít nhiều gặp tình trạng thế này.

Chúc em sớm quay lại với “con đường gian khổ” nhé :)).
 

gumiho_lanh_lung

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
27/11/14
Bài viết
488
Gạo
0,0
Mỗi phong cách đều có ưu thế riêng chứ em, cơ bản là mình-thích-thì-mình-viết thôi :D. Gần một năm vừa rồi chị cũng gặp vấn đề với viết lách nên gần như gác bút, thỉnh thoảng mới viết 1, 2 truyện ngắn linh tinh cho đỡ mất cảm giác, gần đây mới trở lại truyện dài nhưng vẫn mông lung lắm. Hình như tác giả nào (bất kể chuyên nghiệp hay nghiệp dư) cũng đều ít nhiều gặp tình trạng thế này.

Chúc em sớm quay lại với “con đường gian khổ” nhé :)).
Ai gu, nghe lời chúc của chị, em muốn dấn thân quá đây!!! Hi vọng cả nhà ta sớm được cùng nhau đi trên con đường ấy... -_-
 

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
3.000,0
Chương 5. Trở về Văn Lang


Lần thứ hai vượt thời gian tôi không bị ngất đi như lần đầu, chỉ hơi chóng mặt nôn nao một chút.

Khung cảnh lần này còn cảm thấy hoang sơ hơn lần trước, khắp mọi nơi đều là đồi núi, cây cối chập chùng.

- Chúng ta đang ở đâu đây? Đừng nói là châu Phi nhé. – Tôi hoang mang hỏi.

- Không, vẫn đang ở Đại Việt thôi, chỉ có tên gọi là khác. – Hạc nói rồi cười hỏi. – Lần này cô định trông như thế nào?

- Tôi nói rồi mà, tôi sẽ ẩn thân. – Tôi phẩy tay.

Chúng tôi đi dọc theo dòng sông bởi nguồn nước là nguồn sống, người dân sẽ an cư ở những nơi có sông chảy qua. Rút kinh nghiệm từ chuyến du hành trước, tôi không còn mộng tưởng sẽ được gặp soái ca, nam thần cổ đại nữa, cho dù là nhà vua, thái tử chắc cũng chẳng khác gì. Hạc có nhắc nhở tôi về việc nên chịu khó tìm hiểu lịch sử văn hóa thay vì suốt ngày cắm đầu vào mớ ngôn tình, tiểu thuyết ba xu thì đã không đi hết từ thất vọng này tới thất vọng khác.

- Nhưng lịch sử chán lắm. – Tôi lầm bầm. – Toàn là học thuộc lòng bao nhiêu người lính, bao nhiêu khẩu súng, ai mà thích được?

- Đã dốt còn đổ thừa. – Hạc nhún vai, giọng lạnh tanh. – Không ai cấm đoán cô tự đi mua sách tìm hiểu lịch sử theo cách cô muốn, với cả…

- Thôi thôi đủ rồi, lỗi do tôi, do tôi, anh đừng có ý kiến nữa. – Tôi bịt tai kêu lên khi thấy cậu ta lấy hơi định nói tiếp.

“Gần chùa gọi Bụt bằng anh”, ở lâu bên cạnh Hạc tôi không còn e sợ cậu ta như những ngày đầu nên nói năng cũng thoải mái, suồng sã hơn hẳn.

- Tôi hỏi thật anh một câu nhé. – Tôi nhìn Hạc cười cười. – Người ta cứ bảo thần tiên là đạo mạo lắm mà sao anh chua ngoa quá thế?

- Tôi chả nói là thần tiên cũng từng là con người đấy thôi nên mỗi người mỗi tính, đâu phải ai cũng như ai.

- Nghĩa là, anh cũng có cảm xúc như con người?

- Vừa đúng vừa sai. – Hạc nhíu mày giống như tìm cách cắt nghĩa đơn giản nhất. – Để dễ hiểu, cô thử kể ra vài điều làm cô vui hay buồn xem?

- Vui vì có tiền, mua được quần áo đẹp, ăn được món ngon, còn buồn vì bị mắng, bị bắt nạt, bị coi thường…

- Thế khi cô không cần đến tiền, muốn quần áo, thức ăn thế nào liền có, không bị ai mắng, bắt nạt hay coi thường thì sao? Suy rộng ra, nếu mọi điều khiến cô vui buồn đều không còn thì sẽ thế nào?

- …

- Không phải vì làm thần tiên mà tôi bị thế lực bên ngoài nào đó tước đi cảm xúc nhưng hoàn cảnh không như xưa thì cảm xúc cũng thay đổi. Nói đơn giản là tôi không có gì để có hỉ nộ ái ố cả. Ngoài ra chỉ có một thay đổi nhỏ là khi trở thành thần tiên, cơ thể không còn giống con người, không có những nhu cầu mang tính vật lý nữa.

- Thế thần tiên có được phép… yêu nhau không? – Tôi rụt rè hỏi tiếp.

- Được, chẳng ai cấm nhưng cũng chẳng ai yêu.

- Vì sao thế? – Tôi tròn mắt.

- Tưởng tượng cô tiếp xúc với một người hàng ngàn năm, hiểu người ta tới từng chân tơ kẽ tóc, cô còn cảm thấy người ta hấp dẫn nữa không?

- …

- Cuộc sống hữu hạn khiến người ta làm được nhiều thứ lắm. Lời hứa yêu nhau suốt đời chỉ khả thi nếu người ta sống có vài ba chục năm chứ khi sống vĩnh viễn rồi thì ai mà giữ nổi cái lời hứa vô lý đấy.

Tôi lặng lẽ nhớ tới hàng vạn bài tâm sự trên mạng về những rắc rối của cuộc sống vợ chồng, những câu chuyện về người thứ ba, thứ tư. Dường như tình yêu chỉ rực cháy lúc người ta chưa chắc đã có được nhau chứ khi lời hứa “bên nhau mãi mãi” thành hiện thực thì những xúc cảm lãng mạn cũng theo thế bay xa. Một tình yêu kéo dài vài chục năm đã là hiếm có khó tìm chứ nói gì đến hàng ngàn năm.

- Bất tử không phải chuyện vui lắm đâu, tôi nói rồi mà.

- Vậy anh có muốn quay trở lại làm con người không?

- Tôi không biết, chưa từng có tiền lệ thần tiên xin trở lại làm con người.

- …

- Cô biết đấy, làm thần tiên không vui như người ta nghĩ nhưng cũng không phải thứ tồi tệ. Khi cô được đứng bên ngoài, nhìn rõ mọi chuyện nhân sinh, cô sẽ không muốn quay về cuộc sống u u minh minh không biết gì nữa. Giống như khi cô đã học lên đại học, cô đâu muốn bị xóa sạch kiến thức, quay lại cấp một đâu, đúng không?

- Ừm…

Chúng tôi vừa đi vừa tán gẫu cho tới khi nhác thấy bóng người, tôi vội ẩn thân. Ở góc sông, một nhóm đàn ông tụ tập, người cầm nơm úp cá, người ngồi trên bờ bện giỏ. Tôi đến gần quan sát thì thấy phần lớn những người này tuy nhỏ người nhưng chắc chắn, cơ bắp gọn gàng. Đáng ngạc nhiên hơn là dù họ ở dưới sông hay trên bờ đều chỉ đóng khố, trên người xăm vằn vện đủ hình, nhìn rất sành điệu. Vừa lúc ấy, một người đàn ông dưới sông thét gọi gì đó với người trên bờ nhưng ngôn từ rất kỳ lạ, tôi hoàn toàn không hiểu.

- Anh đưa tôi đến Lào hay Campuchia đấy à? – Tôi hoang mang thì thầm.

- Dốt vừa thôi chứ! Cô nghĩ thời vua Hùng người ta nói giống cô bây giờ chắc?

- Hả? Mình đang ở thời Hùng vương sao?

Tôi lẳng lặng quan sát, cố gắng thu vào đầu càng nhiều càng tốt bởi có lẽ cả thế giới chỉ mình tôi có cơ hội tham gia chuyến tham quan đặc biệt này. Nhìn ngắm những con người bằng xương bằng thịt trước mắt, những người lẽ ra chỉ tồn tại trong cuốn sách lịch sử khô khan, mang lại cho tôi một cảm giác xúc động khó nói thành lời. Tôi đột nhiên nhớ ra một chuyện tranh cãi cách đây vài năm từng khá nổi trên mạng xã hội về trang phục thời vua Hùng. Người nói là dân hồi đó chỉ đóng khố, người lại nói không được báng bổ tổ tiên bằng việc lột trần tổ tiên ra như vậy. Nhưng với bằng chứng sờ sờ trước mắt, dường như ý kiến việc dân thời vua Hùng cởi trần đóng khố đúng hơn.

- Vớ vẩn! – Hạc nghe tôi nói thì khịt mũi vẻ khinh bỉ. – Sao mà dốt thế? Cô là dân Hà Nội mà sao không nghĩ ra được mùa đông miền Bắc lạnh thế nào à? Ai đóng khố được lúc mưa phùn gió bấc hả? Còn giờ đang là mùa hè, họ lại lao động nóng nực nên mặc vậy thôi.

- À…

- Để lát đưa cô vào xem triều đình ăn mặc thế nào nhé.

Tôi vừa háo hức muốn đi xem nhưng lại vừa thấy hơi chán nản do không hiểu người ta nói gì. Vốn tôi luôn cho rằng ngôn ngữ Việt chỉ có một, không ngờ tổ tiên lại nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác. “Cái khó ló cái khôn”, may sao tôi nhanh trí nghĩ ra một cách, liền năn nỉ Hạc hóa lại thành rận bám trên người tôi, giúp tôi phiên dịch lại. Sau khi buông vài câu làu bàu, cậu ta cũng làm theo. Phương pháp này khá thú vị, giống như nghe dịch cabin hay phim có thuyết minh vậy.

- Các hạ có thể quá bộ xuống đây xem chỗ cá mới bắt này giúp tại hạ không? – Người đàn ông dưới sông nhắc lại với người ngồi trên bờ.

“Này, sao mà câu từ bóng bẩy hoa mỹ quá vậy?” Tôi “nói” với Hạc qua thần giao cách cảm.

“Thì thấy cô thích đọc ngôn tình, trong đó truyện cổ đại toàn viết ngôn ngữ thế này còn gì.”

“Thôi đi, chướng lắm.” Quả thực là nghĩ mấy người đàn ông mặt mũi khắc khổ da ngăm đen đóng khố mà nói mấy câu cầu kỳ như phim thấy có gì đó rất sai.

“Được rồi, vậy thì vừa rồi anh ta nói thế này: Thằng kia, xuống đây xem hộ tao mớ cá.”

“Hợp lý hơn nhiều, cứ thế nhé.”

Chúng tôi tiến đến gần hơn, đủ để nhìn rõ mấy người bọn họ đang xôn xao lựa từng con cá bắt được dưới sông.

- Lang dặn chỉ lấy cá to thôi, cá nhỏ cho mọi người mang về chia nhau.

- Lát Lang có đến không?

- Đương nhiên, việc lần này quan trọng đến thế, Lang phải xuống tận nơi kiểm tra chứ.

- Đúng rồi, nghe bảo Lang Toàn còn đích thân dẫn người lên núi săn thú rừng kia mà.

“Chúng ta đang ở thời Vua Hùng thứ bao nhiêu vậy? Mà anh thường du hành về thời này lắm hay sao mà rành ngôn ngữ thế?”

“Không…” Giọng nói trong đầu tôi hơi ngập ngừng. “Tôi đâu rảnh mà suốt ngày đi tới đi lui giữa mấy thời đại.”

Một suy nghĩ xẹt qua đầu tôi. Hạc không thường về đây mà lại thông hiểu ngôn ngữ, lẽ nào… lẽ nào cậu ta đến từ thời Hùng Vương hay An Dương Vương? Như vậy cậu ta đã sống qua hàng ngàn năm? Một cảm giác kỳ quái bỗng xâm chiếm lấy tôi. Các ông bà già ngoài đường chỉ hơn tôi có vài thập niên tôi đã luôn phải khép nép lễ độ vậy mà tôi thường xuyên cười cười nói nói như bằng vai phải lứa với Hạc trong khi mấy ông bà già kia so với cậu ta chẳng hơn gì đứa trẻ quấn tã. Mặc dù vẫn biết Hạc đã rất nhiều tuổi nhưng khi cụ thể hóa tuổi của cậu ta tôi mới giật mình.

“Biết thế là tốt, từ giờ nên lễ phép với tôi hơn.” Mải suy nghĩ tôi đã quên khuấy việc chúng tôi đang giao tiếp bằng thần giao cách cảm nên cậu ta đã “nghe” được hết.

“Tôi quen cái dáng vẻ mười bảy, mười tám của cậu rồi, tôi chẳng nghĩ khác được đâu, thông cảm đi.” Tôi quấy quá đáp rồi đánh trống lảng. “Mấy người vừa rồi nhắc tới Lang có phải ý là hoàng tử không?”

“Ừ.”

Tôi ngẫm nghĩ một chút, họ đã nói những gì nhỉ. “Việc quan trọng”, “Lang đích thân lên rừng săn thú, xuống sông bắt cá”. Một tia sáng lóe lên trong đầu tôi.

“Đây có phải sự kiện Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày rồi được truyền ngôi không?”

“Thông minh đấy!”

“Nhanh lên, đưa tôi lên triều đình tìm Lang Liêu ngay.”

Tuy tôi đã hứa sẽ không can thiệp nhưng lần này là ngoại lệ. Câu chuyện được học từ thời thơ bé tôi vẫn chưa quên. Rằng vua Hùng ra lệnh cho các hoàng tử, hay còn gọi là Lang, dâng lên những món ăn họ cho là ngon nhất, ai làm đẹp lòng vua sẽ được truyền ngôi. Và vị Lang thứ mười tám tên Liêu nhờ có thần báo mộng chỉ dẫn đã dâng lên bánh chưng bánh dày, là người được chọn. Chẳng mấy khi có dịp về ngược quá khứ thế này, tôi quyết tâm sẽ ra tay can thiệp lịch sử.

- Vì sao? – Hạc không cản khi nghe tôi trình bày mong muốn, chỉ ngạc nhiên hỏi lại.

- Vì tôi ghét đồ nếp!

Đúng là lý do của tôi đơn giản thế thôi. Người ta vẫn nói người béo dễ nuôi, nhưng đâu có nghĩa cái gì họ cũng thích. Riêng tôi, tôi ghét những đồ ăn liên quan đến nếp nên mỗi lần tết đến là mỗi lần tôi khổ sở với mâm cỗ ngập tràn xôi, bánh chưng. Cho tới tận lúc ra giêng, bếp nhà tôi vẫn còn treo lủng lẳng vài ba chiếc bánh. Mẹ tôi không bắt Ngọc phải xử lý chỗ bánh đó nhưng lúc nào cũng gắp vào bát, “bưng” tận miệng ép tôi ăn bằng hết. Hình như trong mắt mẹ, đứa càng to béo càng có trách nhiệm làm “thùng nước gạo” còn đứa đã nhỏ gầy xinh đẹp chỉ có nhiệm vụ duy trì sự xinh đẹp có sẵn.

Vì vậy, tôi quyết tâm “giúp” Lang Liêu tìm món khác thay cho bánh chưng bánh dày để sau có tỉnh lại hoặc đi đầu thai kiếp khác, tôi cũng không còn bị món này ám ảnh ngày Tết nữa.

Thế đó, lịch sử đôi khi có thể bị thay đổi chỉ bởi những lý do hết sức cá nhân và nhỏ nhặt như vậy thôi.

………………

Văn Lang thời Hùng Vương trong chính sử vẫn còn mang đậm màu huyền thoại với những câu chuyện gắn với thần tiên. Mặt khác, nhiều người thì nghĩ thời này như bán sơ khai, dân chúng đóng khố hú hét nhảy nhót quanh đống lửa.

Trên thực tế, với những gì tôi được thấy thì xã hội Văn Lang tuy vẫn còn đơn giản với những căn nhà tranh tạm bợ, con người sống gắn liền với thiên nhiên và văn hóa thờ cúng hệ thần riêng nhưng cũng đã có quy củ, trật tự nhất định. Vả chăng, những chiếc trống đồng đẹp đẽ tinh xảo không thể làm bằng rìu đá bên trong hang động được. Mặt khác, do chưa có sự thống trị từ đạo Khổng, đạo Phật, cuộc sống nơi đây cởi mở, thoải mái hơn nhiều so với những triều đại sau này.

Đúng như Hạc nói, khi tôi tìm đến chỗ ở của Vua, quan thì tận mắt chứng kiến họ không ở trần đóng khố đầu cài lông chim như tôi đã nghĩ. Mọi người mặc đồ kín đáo, gọn gàng, tuy không mũ áo cân đai thêu rồng thêu phượng lòe loẹt như phim cổ trang nhưng cũng là rất tươm tất. Cách phục sức, hoa văn thêu trên những bộ trang phục vải thô gợi cho tôi nhớ tới trang phục của người dân miền núi tôi từng được thấy trong mấy dịp đi chơi.

- Mà này, có đúng là vua Hùng sống tới mấy trăm năm không? Trên Phú Thọ vẫn còn biển đấy.

- Dốt, cùng là người trần mắt thịt, chưa kể y tế chưa phát triển thì ai sống được mấy trăm năm hả?

- Suốt ngày chê bai người ta. – Tôi lẩm bẩm vẻ bất mãn. – Không đọc sách chê lười, đọc sách lại chê dốt. Sách viết thế chứ tôi bịa ra à?

- Đọc sách thì phải để óc vào mà nghĩ! Tôi không chắc lắm vì hầu như không qua lại thời này nhưng theo tôi tính thì thời đại vua Hùng chỉ độ trên dưới bốn trăm năm, như vậy mỗi vị vua tính ra chỉ trị vì trung bình hơn hai mươi năm thôi. Thời An Dương Vương là hơn hai trăm năm trước Công nguyên, như vậy thời vua Hùng sẽ khoảng sáu trăm tới hai trăm năm trước công nguyên. Niên đại chiếc trống đồng cổ nhất cũng tầm hai ngàn rưỡi năm, hợp lý đúng không?

- Ừ.

- Nói vậy chứ mấy ngàn năm nay tôi lười không đi tìm hiểu nên cũng chỉ là phỏng đoán thôi.

Khi đến chỗ đông, tôi và Hạc ẩn thân để có thể tự do đi lại. Nghe ngóng, tìm hiểu một lúc tôi tìm được tới chỗ vua ngự. Không phải cung điện thành quách nguy nga mà chỉ là gian nhà lớn, người đứng vòng trong vòng ngoài bảo vệ khá chặt chẽ. Phòng vua ở phía bên trong. Tôi đi vào thấy một người ngồi ở giữa, không ai khác ngoài Hùng vương, bên dưới hai hàng tề chỉnh nhưng tất cả đều ngồi bệt dưới đất chứ vua không ngồi trên, bề tôi không phải quỳ. Vua Hùng tuổi đã cao, râu tóc bạc gần hết nhưng mày rậm, mắt sâu, gương mặt toát ra vẻ tinh anh dù ông đang lặng thinh. Hóa ra thời đại nào cũng vậy, quân vương luôn có khí chất riêng mà người bình thường không thể có. Như ở thời hiện đại, tôi chưa có dịp diện kiến thủ tướng nhưng vài lần đi làm hậu cần cho công ty trong mấy sự kiện, tôi từng được thấy bộ trưởng, thống đốc thì đều cảm thấy họ có cái uy vô hình khác hẳn những người xung quanh.

- Bẩm Vương thượng, việc lựa ra người nối ngôi là rất quan trọng, cho nên… – Một người bên dưới lên tiếng vẻ ngập ngừng. – cho nên nếu chỉ lấy tiêu chuẩn thức ăn ra để đánh giá thì có hơi…

- Đúng thế ạ. – Một người khác phụ họa. – Có rất nhiều cách thử tài khác, như là đấu vật, cưỡi ngựa, bắn cung, cách dùng binh, tập trận…

- Im hết đi. – Vua Hùng lên tiếng, giọng trầm mà rền vang khiến tất thảy bên dưới lập tức lặng ngắt như tờ. – Đừng bao giờ quên lương thực là nguồn gốc của sự sống. Hãy để xem các Lang thực hiện yêu cầu này ra sao, chúng ta sẽ đánh giá sau.

Không còn một ai tiếp tục phản bác. Họ bàn thêm mấy việc rồi giải tán. Tôi tò mò đi theo đám người này ra ngoài vì muốn nghe lỏm thêm ý kiến của họ bởi rõ ràng là đám Lạc hầu, Lạc tướng chưa hoàn toàn đồng tình với quyết định của vua.

- Vương thượng có tuổi nên lẩm cẩm rồi. – Một người than nhẹ. – Tôi vẫn chẳng hiểu nổi sao có thể chọn người nối ngôi qua món ăn chứ.

- Ông mới lẩm cẩm. – Người bên cạnh suỵt khẽ. – Nghĩ kỹ đi, trong các Lang, Vương thượng chú trọng ai nhất nào?

- Lang Toàn…

- Trong các Lang, ai là người nổi tiếng có đời sống xa hoa, tinh tế, ăn ngon mặc đẹp nhất?

- Lang Toàn…

- Như thế, nếu đặt cuộc thi về đồ ăn, ai sẽ có lợi thế nhất?

- Ý ông là…? – Người kia có vẻ giật mình như hiểu ra điều gì đó.

Tất cả sau đó nín thinh, lặng lẽ kéo nhau đi về.

Chương sau >>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
3.000,0
Chương 6. Người được chọn


Tôi đòi Hạc đưa đi tìm Lang Liêu, tò mò về việc anh ta sẽ đối phó thế nào. Ý vua đã rõ ràng chuyện thiên vị cho Lang Toàn, thực không khác gì Hùng vương thứ mười tám ra đề bài thiên vị Sơn tinh. Vậy Liêu sẽ làm gì để đảo ngược tình thế? Liệu tôi can thiệp có khiến anh ta mất ngôi không? Nhưng nếu tôi nhớ không nhầm thì Tiết Liêu không phải một vị vua nổi bật trong lịch sử nên giả sử vì tôi can thiệp vào việc lựa chọn món ăn dâng Vua Hùng khiến anh ta mất ngôi thì cũng không quá ảnh hưởng tới tổng thể lịch sử dân tộc. Mà trong trường hợp Lang Toàn lên ngôi và món ăn của anh ta trở thành món truyền thống ngày Tết thì tôi đoan chắc là thịt thú “săn trên rừng” sẽ ngon hơn món bánh chưng đầy ú gạo nếp dẻo dính.

Đúng như người ta nói, nơi ở của Lang Liêu quá đơn sơ so với địa vị vương tôn quý tộc, chứng tỏ sự thất sủng của chàng hoàng tử thứ mười tám này không phải là tin đồn.

“Tôi hơi tò mò, cô định báo mộng cho anh ta món ăn gì?” Tiếng Hạc vang lên trong đầu tôi.

“Bồ câu nhồi tần thuốc bắc, bò nướng tảng, cá chiên xù cuốn gỏi, rau trộn chua ngọt.” Tôi thủng thẳng trả lời. Tôi đã tốn đến mấy ngày để nghĩ ra cái thực đơn này.

“Thật tội cho cả dân tộc phải ăn theo một kẻ phồn thực như cô. Mà cô đừng có quên cái ý nghĩa thuyết minh mới là quan trọng.”

“Tôi tính hết rồi. Anh để ý mà xem, các món tôi chọn là đại diện cho trời, đất, nước, thêm rau màu xanh, vậy là âm dương cân bằng, vạn vật chung lối. Tổng hợp lại là mâm tiệc đại diện cho tinh thần hòa hợp dân tộc, trên dưới thuận hòa.”

“Cô nên chuyển qua làm nhà văn, đúng tinh thần nhà văn nói láo nhà báo nói phét.”

Tôi bĩu môi, ra điều không thèm chấp. Thần tiên như cậu ta làm sao hiểu được những niềm vui “tầm thường” nơi trần thế mà chế nhạo, phán xét? Mải nói chuyện, chúng tôi đã vào nhà Lang Liêu từ bao giờ. Tôi tính sẽ ở đây đến nửa đêm rồi đánh thức anh ta dậy, “diễn” màn thần tiên hiển linh báo mộng với hào quang tỏa sáng như đã từng làm với gia đình Thóc.

Tôi dễ dàng nhận ra Lang Liêu, người đàn ông duy nhất ngồi ở gian nhà trong. Anh ta nhiều tuổi hơn tôi nghĩ, chắc phải gần bốn mươi, hoặc giả vì trông quá khắc khổ nên thành ra già hơn tuổi thật. Liêu vóc người gầy, cao hơn mặt bằng chung một chút, tầm ngoài một mét sáu lăm, mày rậm mắt sâu rất giống vua cha. Từ anh ta toát ra sự điềm tĩnh nhưng là sự điềm tĩnh của người thâm trầm, mang nhiều mưu tính chứ không hề giống sách vở mô tả là “thật thà, chất phác”. Tôi đột nhiên cảm thấy e ngại, giống như lo lắng việc anh ta có thể đọc thấu màn kịch vụng về tôi đạo diễn. Anh ta rõ ràng không phải tuýp người dễ dàng bị người khác thao túng, cho dù người đó có mang theo hào quang đi chăng nữa.

- Bẩm cậu… – Một tên lính đi vào, dáng vẻ thân cận nói nhỏ như muốn trình bày điều gì đó.

- Ta biết rồi, ở đâu? – Liêu cắt ngang, giọng sắc lạnh, nghe qua không thể biết được anh ta đang vui hay buồn.

- Dạ vẫn ở chỗ cũ ạ.

Liêu thay một bộ quần áo gọn nhẹ, đeo nỏ cùng ống tên rồi phóng lên ngựa phi thẳng đi, không mang bất cứ ai theo hầu. Tôi phải làm phép bay theo mới kịp vó ngựa của anh ta. Nhìn vẻ mặt Liêu khá căng thẳng nên chắc không đơn thuần chỉ là đi săn cáo, thỏ.

Liêu phi ngựa sâu vào trong rừng, tới một dòng suối nhỏ. Anh ta buộc ngựa vào gốc cây rồi đi đến bên tảng đá to cạnh bờ suối. Tôi còn chưa kịp thắc mắc việc anh ta mặc đồ đi săn vào rừng nhưng lại không tỏ ý định tìm thú săn thì tiếng vó ngựa khác vọng lại. Ở đầu bên kia bờ suối xuất hiện thêm một bóng người. Và tôi đã không kìm được kinh ngạc lúc nhìn rõ người đó.

- Cha! – Liêu khẽ cúi chào khi Đức vua tới bên, nét mặt bình thản chứng tỏ ông là người anh ta đang chờ.

- Có ai thấy ngươi đến đây không?

- Dạ không, chỉ có tâm phúc của con biết.

- Dạo này tai mắt của chúng rất đông nên ta đã rất khó khăn mới đi được.

- Con hiểu. Cha hẹn con ra đây có điều gì chỉ bảo ạ?

- Ngươi đã chuẩn bị kỹ càng cho buổi lễ chưa?

- Dạ rồi. Ngày hôm đó sẽ chỉ toàn những tinh binh tâm phúc nhất nên cha đừng lo. Mỗi người bọn họ đều có thể khống chế cục diện nhanh chóng trong trường hợp có biến.

- Ta cũng sẽ điều những cánh quân thân Toàn và Nghệ ra xa, chỉ giữ lại mấy đội tâm phúc. Nhưng ta vẫn rất lo vì chúng sẽ không dễ dàng bỏ qua đâu. Có người về báo với ta là quân lính của hai đứa thường xuyên xô xát nhau, bên nào cũng chắc chắn chủ của mình sẽ được chọn.

Đức vua im lặng một chút rồi bỗng thở dài, khuôn mặt khắc khổ lộ ra nét âu sầu khiến ông già hẳn.

- Ngươi là đứa con ta thương yêu tin tưởng nhất nhưng lại chẳng thể thể hiện điều đó. Suốt bao năm qua nếu ta không cố che giấu thì ngươi đã chẳng sống mà trưởng thành đến ngày nay.

- Thưa cha, con hiểu. Con hiểu tất cả những gì cha đã và đang làm vì con.

- Cuộc thi này chỉ là hình thức. – Ông bỗng mỉm cười. – Nhưng ngươi cũng nên làm cái gì đó dễ ăn hay có ý nghĩa một chút để ta còn danh chính ngôn thuận tuyên bố.

- Cha đừng lo, con khắc có kế hoạch ạ. – Liêu cúi đầu, giọng đều đều. – Cha mau về đi kẻo muộn.

Cho tới tận lúc đi theo Liêu về nhà, tôi vẫn thấy khó tin vào những gì mình đã nghe. Đối với tôi mà nói, những nhân vật, sự kiện trong lịch sử luôn đơn giản, một màu như cách sử sách liệt kê trên mấy cái gạch đầu dòng. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được hết sự phức tạp lắt léo của chính trị, dù chỉ là trong một mô hình bộ máy công quyền sơ khai như thời Văn Lang.

Liêu về gọi vị quân sư tâm phúc lên bàn chuyện rất lâu, chủ yếu về việc tuyển chọn người vào hầu mấy ngày tới. Họ nhắc tới từng nhân vật, cân nhắc, so sánh cẩn thận trước khi quyết định. Mãi cho tới lúc chốt sổ người cuối cùng vị quân sư kia mới rụt rè lên tiếng:

- Lang đã dự tính làm món ăn gì dâng lên chưa ạ? Dù sao về hình thức đây vẫn là cuộc thi về ẩm thực mà.

- Khỏi lo. – Liêu phẩy tay. – Ta tính rồi, cái quan trọng là phải làm sao cho nhiều, nặng để có thể đưa nhiều người vào.

- Vâng, đúng vậy ạ. Thần nghe bảo các Lang khác toàn vật phẩm quý nên sẽ rất gọn nhẹ.

- Cứ lấy nguyên liệu là gạo, đậu đỗ, thịt, chèn vào cho to thì khắc nặng rồi ta sẽ nói thác là thần báo mộng bảo làm như vậy. Xét ra thì hạt gạo vẫn là nguồn gốc của sự sống, dù cao lương mỹ vị gì cũng chẳng thể bỏ được gạo.

- Vâng ạ.

- Mà nhớ lấy gạo nếp. – Liêu bỗng mỉm cười. – Vì ta thích gạo nếp.

Tôi giật mình, suýt ngã lăn ra đất. Công lao suy nghĩ lên kế hoạch trước sau chu toàn của tôi cuối cùng lại tan thành bọt nước. Tiết Liêu có biết rằng sở thích rất cá nhân của anh ta đã ảnh hưởng thế nào tới những người như tôi không?

Rốt cuộc, tôi ngậm ngùi từ bỏ kế hoạch “hiện thân” chỉ dẫn Tiết Liêu bởi anh ta đã sớm có dự tính. Vả chăng, đêm hôm đó Liêu cũng thức nguyên đêm thiết kế món ăn dâng vua, kể cả tôi có muốn cũng không “báo mộng” được. Thế là dù pháp thuật đầy mình, tôi vẫn chẳng thể thay đổi lịch sử theo ý muốn, để rồi sau này tôi vẫn phải chấp nhận làm “thùng nước gạo” giải quyết chỗ bánh chưng thừa mỗi dịp tết đến xuân về. Khỏi cần nói Hạc khoái chí cỡ nào trước sự thất bại của tôi. Theo lời cậu ta thì đây chính là minh chứng lớn nhất của “nhân định thắng thiên” mà chúng tôi thường tranh cãi.

Không ngoài dự liệu, sớm hôm sau Liêu lệnh cho thuộc hạ dùng lá dong gói bánh chưng với nguyên liệu chính là gạo, đỗ, thịt rồi đồ xôi giã làm bánh dày.

- Tại sao lại phải làm những hai loại ạ?

- Trông cho phong phú! Ta sẽ nói bánh vuông này tượng trưng cho đất, còn bánh tròn là trời. Ngươi không thấy nó tròn giống mặt trăng, mặt trời sao?

Chẳng mấy chốc đã tới ngày tất cả các Lang được triệu lên chầu. Tôi và Hạc theo chân Tiết Liêu vào cùng. Nhân dịp này tôi được diện kiến cả các Mỵ Nương, tức công chúa con gái Hùng Vương. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy họ là thắc mắc vì sao với nhan sắc thế kia mà các Mỵ Nương có thể gây ra những sự kiện chấn động như trận chiến Sơn Tinh Thủy Tinh hay vụ lấy trộm nỏ thần lịch sử. Phần đông họ đều thấp, nhỏ nhưng bắp tay bắp chân rất thô, nước da ngăm đen, làn da cũng không lấy gì làm mịn màng. Chỉ có bộ răng đen là tôi đã quen mắt và bắt đầu cảm thấy chúng rất duyên.

“Tiêu chuẩn thẩm mỹ mỗi thời mỗi khác. Cô mà hiện thân thành Lưu Diệc Phi hay Dương Mịch mà cô vẫn ngưỡng mộ thì khéo bị coi là yêu quái ấy chứ.” Tiếng Hạc chậm rãi vang lên trong đầu tôi.

“Biết rồi.”

Tôi ngồi ngáp ngắn ngáp dài trước một loạt thủ tục cúng lễ lạ mắt trong triều. Hạc chẳng buồn dịch lại những bài tế dài lê thê của vua và các Lạc tướng Lạc hầu, cậu ta bảo có mất công dịch thì cái đầu IQ thấp như tôi cũng không hiểu nổi. Tôi không thèm tranh cãi, thay vào đó nhìn ngắm từng món ăn do các Lang dâng lên. Quả đúng là cuộc thi ẩm thực với giải thưởng là ngai vàng khiến các Lang đua nhau làm những món ăn vô cùng đặc sắc, bắt mắt. Tôi chẳng thể gọi hết tên các món đang bày la liệt trong phòng bởi chúng được nấu nướng và trình bày quá sức cầu kỳ mà công thức hẳn đã thất truyền theo mấy ngàn năm lịch sử. Nhìn sang đồ lễ của Tiết Liêu, tôi cảm thấy xấu hổ thay cho anh ta. Thay vì dâng lên một mâm đồ ăn tinh tế, quý giá thì anh ta cho bày hàng dãy bánh chưng, bánh dày nhìn thô kệch và đơn sơ tới đáng thương so với những vật phẩm khác. Ưu điểm duy nhất là thời gian chờ đợi dài khiến đồ ăn nguội ngắt thì món bánh chưng bánh dày sẽ là thứ duy nhất không bị mất đi độ ngon như các món phức tạp kia.

Chờ tới tận quá trưa Đức vua mới thủng thẳng nếm thử từng món ăn và hỏi han cặn kỹ ý nghĩa của chúng. Cụm từ “nem công, chả phượng” vẫn được dùng để chỉ cao lương mỹ vị thực ra không đủ để lột tả hết sự cầu kỳ của chỗ thức ăn này. Những bài thuyết minh dài hàng sớ kèm theo càng khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn, dù chung quy lại cũng chỉ là chúc phúc cho Đức vua cùng ca ngợi tài năng của Người.

Về điểm trình bày này, Tiết Liêu có hơn một chút là bài thuyết minh của anh ta có tính bao quát và khác biệt, vượt ra khỏi những lời nịnh bợ thông thường. Và như kịch bản đã sắp đặt trước, Đức vua tuyên bố Tiết Liêu thắng cuộc.

Các Lang khác ngay lập tức phản ứng, nhìn nét mặt họ thì tôi đoán được là không ai trong số đó nghĩ tới kết quả này. Nhưng đồng thời, đám người chịu trách nhiệm bưng đồ lễ của Tiết Liêu lộ ngay vũ khí, tinh binh của Đức Vua cũng bao vây trong ngoài. “Nước xa không cứu được lửa gần”, đám quân bên ngoài của Nghệ, Toàn hay các Lang khác không kịp ứng chiến đành ngậm ngùi chấp nhận kết quả. Không chỉ có vậy, Đức vua còn sai hạ ngục Lang Nghệ với lý do có mưu đồ tạo phản khiến tất cả sợ hãi, vội cúi đầu chúc phúc cho vị Hùng Vương thứ bảy tương lai.

- Thế nào, có buồn vì mọi tính toán của cô đều đổ bể hết không? – Hạc hỏi khi chúng tôi đã rời đi xa.

- Một chút thôi, đổi lại tôi không phải gánh trách nhiệm gì, cảm giác thoải mái hơn hẳn.

- Vậy đi tiếp nhé.

- Ừ. – Tôi vui vẻ trả lời.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
3.000,0
Ơ nè, truyện thề ước Đỗ Quyên của ta là truyện huyền huyễn đấy nàng ơi ;;).

Đang chờ dài cổ đây nè, khi nào nàng hoàn hết thì xin phép báo cáo đó gần như là bộ huyền huyễn duy nhất ta đọc đó ;)) .
 

suongthuytinh

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/6/14
Bài viết
423
Gạo
300,0
Đang chờ dài cổ đây nè, khi nào nàng hoàn hết thì xin phép báo cáo đó gần như là bộ huyền huyễn duy nhất ta đọc đó ;)) .
Vậy phải viết thêm dăm ba bộ huyền huyễn nữa cho nàng đọc mới được ;;). Đùa chứ nghe xa vời quá nhỉ, mỗi một bộ còn vật vã mãi chưa xong :-ss.
 

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
3.000,0
Vậy phải viết thêm dăm ba bộ huyền huyễn nữa cho nàng đọc mới được ;;). Đùa chứ nghe xa vời quá nhỉ, mỗi một bộ còn vật vã mãi chưa xong :-ss.

Mau đem Thiên Ly trở lại đi nàng ơi, chờ đợi mòn mỏi quá :((.
 
Bên trên